Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

VIỆT NAM SẼ LÀ THÀNH VIÊN TÍCH CỰC CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC

VOV.VN - Đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam

Ngày 3/3 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã khai mạc Hội nghị Cấp cao Khóa họp thứ 25.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự với tư cách thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Khóa họp. (ảnh: Tố Uyên/Vietnam+)

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao chiều 3/3, Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò và đóng góp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào việc thúc đẩy quyền con người trên thế giới. Phó Thủ tướng nhận định hơn 7 năm qua, Hội đồng Nhân quyền đã hoạt động hiệu quả với chương trình nghị sự cân bằng, đề cập đầy đủ tất cả các quyền với các cơ chế hữu hiệu như Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), góp phần nâng cao nhận thức và pháp điển hóa các quyền con người, đảm bảo việc thụ hưởng các quyền ngày càng tốt hơn trên thực tiễn.

Với tư cách là nước thành viên Hội đồng Nhân quyền, Phó Thủ tướng chia sẻ Việt Nam mong muốn Hội đồng Nhân quyền ưu tiên đến những nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, thiểu số và quan tâm đầy đủ hơn các nước đang phát triển trước các khó khăn, thách thức hiện nay.

Phó Thủ tướng kêu gọi Hội đồng Nhân quyền tiếp tục là diễn đàn để đối thoại xây dựng và hợp tác trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt với các quốc gia liên quan khi xử lý các vi phạm nhân quyền và khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Phó Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền và là đối tác tin cậy, trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các nước trên các vấn đề cùng quan tâm về quyền con người, trong đó có các vấn đề đương đại về đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, đối phó biến đổi khí hậu và ưu tiên các nhóm dễ bị tổn thương. 

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng khẳng định đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Chính sách này xuất phát từ truyền thống văn hóa và lịch sử, từ nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam và phù hợp với những giá trị chung của nhân loại. Ông chia sẻ với các nước những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ và nhân dân Việt Nam thời gian qua để đảm bảo chất lượng cuộc sống và việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền cho người dân ở mọi lĩnh vực. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành 5/8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và có triển vọng hoàn thành các Mục tiêu còn lại trước thời hạn 2015, là một trong 10 nước có mức tăng thu nhập cao nhất trong 40 năm qua theo Báo cáo chỉ số phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc. Phó Thủ tướng cũng nêu bật những kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được về phổ cập giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao chỉ số phát triển con người, đảm bảo đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, tự do thông tin, sử dụng Internet và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống.

Phó Thủ tướng cho biết bất chấp một số khó khăn kinh tế một phần do tác động của tình hình kinh tế-tài chính toàn cầu, Việt Nam không những không cắt giảm mà còn đẩy mạnh các chính sách đảm bảo cuộc sống của người dân, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em, các dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa và các vùng khó khăn khác. Riêng năm 2011-2012, hơn 1 tỷ USD đã được đầu tư để hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, miễn giảm học phí và trợ cấp tiền ăn cho trẻ em nghèo, trẻ em thuộc dân tộc thiểu số….

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh bản Hiến pháp được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013 sau một thời gian dài tiếp thu hàng chục triệu ý kiến đóng góp, dành riêng 36 điều/120 điều nói về quyền con người và quyền và nghĩa vụ của công dân, là bước tiến đáng kể của việc củng cố nhà nước pháp quyền và pháp điển hóa quyền con người, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người của Việt Nam.

Phó Thủ tướng khẳng định với bài học kinh nghiệm, thành tựu và quyết tâm của mình, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực và công việc chung của Hội đồng Nhân quyền vì các quyền, tự do và các giá trị nhân bản của nhân loại.

Hội nghị Cấp cao tiếp tục đến ngày 6/3 và Hội đồng Nhân quyền sẽ chuyển sang chương trình nghị sự của Khóa họp thường kỳ thứ 25 trong suốt tháng 3/2014./.

Trần Nga/VOV - Trung tâm Tin

THANH TRA CHÍNH PHỦ BIẾT RÕ CHUYỆN ÔNG TRUYỀN VÀ ÔNG KHÁNH

(GDVN) - Về phản ánh ông Truyền đã “vội vàng” trong việc bổ nhiệm nhiều cán bộ trước lúc về hưu, một vị cán bộ cấp cao trong TTCP cho biết: “Mấy việc đó đã xử lí rồi…”

Sau bài phản ánh về khối tài sản “kếch xù” của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ, mới đây Báo Người cao tuổi tiếp tục đưa thêm thông tin khác không kém phần “đình đám” về ông Truyền.
Ông Truyền và căn biệt thự trên mảnh đất rộng hàng nghìn mét vuông được cho là một phần trong khối tài sản của ông tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre (?)

Theo Người cao tuổi, trước lúc ông Truyền về hưu, chỉ tính từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011, ông Trần Văn Truyền đã ký bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp Cục, Vụ tại cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Đáng chú ý, trong số những cán bộ được ông ký bổ nhiệm, có nhiều cán bộ không nằm trong diện quy hoạch, năng lực, trình độ chuyên môn kém.

Người cao tuổi cũng chỉ ra những bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ của ông Truyền bởi theo Điều 15, Nghị định 178/2007/NĐ-CP thì cấp Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ - cấp phó không được vượt quá 3 người. Trong khi đó, nhiều Cục, Vụ của Thanh tra Chính phủ, cấp phó có tới 4 – 6 người.

Về thông tin liên quan đến tài sản của ông Trần Văn Truyền, chiều ngày 3/3, trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, một vị cán bộ cấp cao (xin được giấu tên) của Thanh tra Chính phủ cho hay, việc đó bên Thanh tra Chính phủ cũng đang báo cáo lên cấp trên.

Vị này nói thêm, ông Truyền là cán bộ thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng quản lý và đã về nghỉ hưu, sinh hoạt tại địa phương nên Thanh tra Chính phủ không có thẩm quyền để xem xét các thông tin về tài sản như báo chí thông tin. Hơn nữa, vấn đề này cũng chưa rõ ràng nên chắc trong thời gian tới, cấp trên sẽ có ý kiến rồi đưa ra kết luận cụ thể.

Còn về phản ánh ông Truyền đã bổ nhiệm “vội vàng” cho nhiều cán bộ trước khi về hưu, vị cán bộ này cho biết: “Mấy việc đó đã xử lí, đã kiểm điểm trong ban lãnh đạo. Trách nhiệm của ai như thế nào trong nghị quyết Trung ương 4 cũng đã nói. Còn cụ thể ra sao hiện tại khó có thể cung cấp”.

Liên quan đến thông tin tài sản kê khai của ông Ngô Văn Khánh, trước khi ông Khánh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Vị cán bộ của Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc đó có thể sẽ do Ủy Ban Kiểm tra Trung ương và một số cơ quan khác làm. Do đó, hiện tại chưa có thông tin đầy đủ để cung cấp.

Tuy nhiên vị này khẳng định, tất cả những phản ánh của báo chí như chuyện liên quan đến tài sản của ông Truyền, việc bổ nhiệm cán bộ của ông Truyền và chuyện của ông Ngô Văn Khánh đều được Thanh tra Chính phủ bàn bạc, báo cáo lên Trung ương.

“Việc của ông Truyền tôi nghĩ chắc sẽ có câu trả lời chung cho báo giới và dư luận chứ khó mà để im được” – vị cán bộ Thanh tra Chính phủ nói.

Viết Cường

MƯU KẾ "CÁI ĐINH GỈ" VÀ CHUYỆN DINH THỰ ÔNG TRẦN VĂN TRUYỀN

Bùi Hải - theo Trí Thức Trẻ 

(Soha.vn) - 6 căn nhà gỗ trong dinh thự rộng mênh mông 16.000m2 của ông Trần Văn Truyền – nguyên UVTW Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, không có lấy một chiếc đinh.

Khi thủ phạm của vụ sập cầu treo Lai Châu được phát hiện là…một chiếc ốc, nhà thơ – nhà báo Hồng Thanh Quang đã đưa ra một nhận xét rất đáng suy nghĩ: “Vụ sập cầu ở Lai Châu cho thấy, lắm khi chỉ một cái đinh nhỏ có thể làm sụp đổ cả một công trình lớn... Vậy mà chúng ta cứ quen mồm nói: Chẳng là cái đinh gì! Một xã hội coi rẻ tầm quan trọng của những cái đinh luôn bị rình rập bởi những sự cố bất ngờ thê thảm”.

Nhận xét này đúng có thể đúng với đại đa số, nhưng lại có vẻ không đúng với thiểu số quan chức biết vận dụng binh pháp Tôn Tử. Trong nhiều tình huống ngặt nghèo, các VIP này không hề coi thường những vật dụng tầm tầm như kiểu “chiếc đinh gỉ”, trái lại còn đặt lên vai chúng những trọng trách hết sức nặng nề: Gánh tội thay.

Khi hàng trăm bệnh nhân đang sôi sục đòi phải xử lý trách nhiệm lãnh đạo Bệnh viện mắt Hà Nội trong việc đánh tráo thủy tinh thể đắt tiền thành thủy tinh thể rẻ tiền, thì các đồng chí lãnh đạo này đã nhanh tay tung kế Lý đại đào cương trong binh pháp (Đưa cây lý chết thay cây đào: Người lớn làm họa, bắt người bé chịu tội thay). Và thế là, tội trạng hoàn toàn thuộc về… cái dấu và sự lơ đãng của nhân viên tài vụ: “Sai sót này chúng tôi đã chỉ rõ thuộc về phòng tài vụ, do tự khắc dấu, đóng cho nhanh”.

Tháng 5.2013, trong một công văn của Bộ Xây dựng có một lưu ý hết sức lạ lùng: “Không xây dựng các công trình kiến trúc theo hướng nhại kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu”. Khi thấy dư luận hoảng hốt quá, Lý đại đào cương một lần nữa lại được sử dụng nhuần nhuyễn: Sở dĩ có câu lưu ý dài ngoằng này là do khâu… in ấn. Ở một xó nào đó của văn phòng Bộ, đọc được lời giải thích tài tình này của lãnh đạo, anh nhân viên phụ trách in ấn chắc phải nghiến răng đến trẹo quai hàm và thầm xỉ vả mình thấp cổ, bé họng.

6 căn nhà gỗ trong dinh thự rộng mênh mông 16.000m2 của ông Trần Văn Truyền – nguyên UVTW Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, không có lấy một chiếc đinh. Có lẽ ông sợ những chiếc đinh sẽ gỉ nên làm nhà toàn bằng gỗ đặc biệt. Mà gỗ đặc biệt thì không cần đinh, vì mộng còn chắc gấp 10 lần đinh, ở cả 10 đời chưa long lở.

Không biết có phải vì sợ cây bút của mình cũng có thể bị gỉ nên từ khi biết mình sẽ về hưu, tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011, ông Truyền đã kịp ký bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ? Phát biểu về con số bổ nhiệm kỷ lục này, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến đề nghị:“Các cơ quan chức năng phải xem lại tất cả các trường hợp được ông Truyền đưa vào bổ nhiệm để làm rõ nghi ngờ của dư luận”.

Trong bộ máy công quyền, mỗi một vị trí cán bộ lãnh đạo phải là những chiếc đinh ốc chắc khỏe thì guồng máy phục vụ đất nước mới trơn tru. Việc bổ nhiệm sai cũng giống như lắp những chiếc đinh gỉ luôn rình rập làm sập cả dây chuyền.

Đó là chuyện vĩ mô. Những người phụ nữ như chị Thái Thị Ngọc (41 tuổi ở Cam Lộ, Quảng Trị) thì chỉ quan tâm đến cái vi mô. Mấy ngày trước chị Ngọc “được” xuất viện tại Bệnh viện TƯ Huế. Nhưng thay vì niềm vui giã từ bệnh tật, thì chị lại phải xuất viện để về nhà… chờ chết. “Cái van gỉ” trong tim đòi người phụ nữ này phải có 70 triệu đồng để phẫu thuật. Nhưng một thảo dân như chị đâu có bổng lộc gì, tự làm lụng nuôi ăn đã khó, lấy đâu tiền triệu để đổi mạng sống?! Chính vì vậy, dù không có cây bút quyền lực như ông Truyền, chị Ngọc vẫn phải ký tên mình vào sổ tử. 

Bớt được mỗi “cái đinh gỉ” trong bộ máy công quyền thì “cái van gỉ” trong tim, trong lòng hàng ngàn, hàng vạn người như chị Ngọc, sẽ được thay mới.

BINH SĨ, MÁY BAY NGA Ồ ẠT VÀO CRIMEA

TTO - Hôm qua 3-3, giới chức Ukraine khẳng định 16.000 lính Nga đã được huy động đến Crimea, dấu hiệu cho thấy Nga đã mở rộng can thiệp quân sự vào bán đảo này.

Lính Nga trên một chiếc xe tải ở bán đảo Crimea - Ảnh: Reuters

Số lính này đã ồ ạt đổ vào Crimea bằng “tàu quân sự, trực thăng, máy bay vận tải từ lãnh thổ láng giềng của Hội đồng liên bang Nga", phái đoàn thường trực Ukraine tại Liên Hiệp Quốc viết trong một lá thư được AP trích đăng hôm nay.

Theo lá thư trên, quân Nga vẫn đang tiếp tục chiếm đóng, phong tỏa và chiếm quyền kiểm soát các mục tiêu chính phủ và quân sự quan trọng của Ukraine ở Crimea như các sân bay dân sự và quân sự, phương tiện liên lạc, đài phát thanh, căn cứ quân sự và tổng hành dinh Hải quân Ukraine.

Phái đoàn thường trực Ukraine tại Liên Hiệp Quốc cũng cáo buộc lực lượng Nga đã dùng lựu đạn choáng tấn công binh sĩ Ukraine, đồng thời tàu hải quân Nga đã chặn đầu tàu Ukraine tại vịnh Sevastopol.

Trong khi đó, máy bay Nga đã hai lần xâm phạm không phận quốc gia Ukraine và quân đội nước này đã bao vây căn cứ quân sự Ukraine ở Kerch.

Trước tình hình đó, lực lượng vũ trang Ukraine vẫn đang “bảo vệ nhân lực và các đơn vị, căn cứ quân sự của mình, đồng thời không đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nào trong những ngày qua”, lá thư viết.

Trong khi đó, chính quyền thân Nga ở Crimea vừa đe dọa sẽ cắt nguồn điện và nước đến các trại lính Ukraine hiện đang bị quân Nga bao vây vào tối thứ hai (giờ địa phương), theo Reuters.

TRƯỜNG SƠN

ÔNG CHẤN ĐÒI BỒI THƯỜNG HƠN 1TỈ ĐỒNG

Vụ 10 năm oan sai: Ông Chấn đề nghị bồi thường hơn 1 tỉ đồng cho quãng thời gian 10 năm ngồi tù

Sau khoảng thời gian 10 năm bị ở tù oan về tội “giết người”, ông Nguyễn Thanh Chấn đã yêu cầu TAND Tối cao bồi thường gần 300.000đ cho một ngày thu nhập, tổng cộng số tiền ông Chấn yêu cầu bồi thường là hơn 1 tỉ đồng.

Trong lá đơn gửi một số cơ quan chức năng, ông Chấn có nêu rõ trước khi bị bắt trong vụ án giết người ở thôn Me, ông là lao động chính trong gia đình. Công việc cụ thể của ông là vận chuyển bằng xe ngựa, nấu rượu, xát gạo, nuôi lợn, bán quán... với tổng thu nhập một ngày là 280.000đ, trong đó riêng tiền chở thuê bằng xe ngựa là 200.000đ.

Theo tính toán, kể từ khi bị bắt do bị tình nghi giết người vào ngày 20.9.2003 đến khi được thả tự do - ngày 4.11.2013, ông Nguyễn Thanh Chấn bị giam gần 3.700 ngày. Tổng thu nhập bị mất trong hơn 10 năm ngồi tù oan ước tính hơn 1 tỉ đồng.

Ngoài khoản tiền bị mất do phải ngồi tù, ông Chấn còn yêu cầu bồi thường cho cả việc vợ ông trong lúc đi kêu oan cho chồng đã đổ bệnh, chi phí chữa trị hết chừng 60 triệu đồng; ngoài ra, còn tiền nợ ngân hàng và người thân khoảng 500 triệu đồng...

Ông Chấn đòi bồi thường hơn 1 tỉ đồng cho 10 năm ngồi tù oan của mình. 

Trong 10 điều khoản được liệt kê kiến nghị về việc bồi thường oan sai cho mình - theo ông Chấn, khi ông bị bắt, công an đã "thu giữ oan sai" của gia đình một xe đạp đi lấy nước, một đôi thùng đi lấy nước, đôi giá đèo hàng ở xe, bộ quần áo cộc, đôi xà sứ điện. Trong đơn, ông yêu cầu "phải trả ngay, trả đúng, trả đủ trước ngày 5.3".

Được biết, đến nay gia đình chưa nhận được phản hồi nào của nhà chức trách về việc bồi thường.

Trong một diễn biến khác - liên quan những tố cáo của ông Chấn về việc bị bức cung, ép phải nhận tội giết người, ngày 27.2 ông Chấn đã có buổi làm việc lần thứ ba với các điều tra viên của Bộ Công an. Mẹ ông và con trai là Nguyễn Văn Quyết cũng được mời làm việc trong hôm đó.

Cuộc làm việc kéo dài 3 giờ, mỗi người được tách riêng một địa điểm. Ông Chấn cho biết, các điều tra viên đã hỏi cặn kẽ về những cán bộ bị ông tố cáo đã bức cung, thái độ của họ và cụ thể việc ép cung...

BẮT THÊM 2 NGHI CAN CHÉM CSGT HẢI PHÒNG

TTO - Ngày 3-3, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự PC45 Công an TP Hải Phòng đã bắt thêm được hai nghi can tham gia chém, cướp xe máy của trung úy Vũ Thế Thắng sáng 24-2.

Ba nghi can (từ trái qua): Vũ Thanh Sơn, Lê Minh Chung và Nguyễn Thanh Xuân - Ảnh do CQĐT cung cấp

Hai nghi can bị bắt giữ là: Nguyễn Văn Xuân (26 tuổi, ngụ Đông Phương, Kiến Thụy, Hải Phòng) và Lê Minh Chung, (36 tuổi, ngụ Thành Công, Khoái Châu, Hưng Yên). Xuân và Chung bị bắt khi đang lẩn trốn tại nhà một người quen ở xã An Hưng, huyện An Dương, Hải Phòng.

Công an Hải Phòng, cho biết bước đầu tại cơ quan điều tra các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội. Theo đó, sáng ngày 24-2, Vũ Thanh Sơn (tức Sơn “Liên Xô”, trú Tô Hiệu, Lê Chân, Hải Phòng, đã bị bắt giữ) cùng Xuân và Chung lên kế hoạch cướp tài sản.

Khoảng hơn 5g sáng, nhóm này nấp tại đầu ngõ 193 đường Hồ Sen. Khi trung úy Thắng đi làm đến đây thì bị Sơn và Xuân lao ra chặn xe và dùng rìu chém nhiều nhát vào đầu làm anh ngã gục tại chỗ.

Theo Công an Hải Phòng, Sơn “Liên Xô” là đối tượng có 5 tiền án, tiền sự với các tội danh cướp tài sản, cờ bạc… Do hết tiền mua ma túy và đang nợ nần nhiều nên Sơn rủ cả nhóm đi cướp tài sản. Khi phát hiện cướp nhầm phải công an, Sơn cùng đồng bọn đã vứt xe máy Air Blade, quân tư trang của trung úy Thắng cạnh hồ Ông Báo.

Hiện CQĐT đã khởi tố vụ án cướp tài sản và đang xem xét khởi tố bổ sung vụ án giết người, khởi tố các bị can với tội danh giết người, cướp tài sản.

THÂN HOÀNG

HEHE, ÔNG GS. TƯƠNG LAI ĐANG NÃ ĐẠI BÁC VÀO QUÁ KHỨ CỦA CHA MÌNH

GS Tương Lai nã đại bác vào quá khứ của cha mình

Ảnh: Xô viết Nghệ tĩnh

"Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn súng đại bác vào bạn". Câu nói này rất đúng với GS Tương Lai trong bài viết mới đây. Nhân kỷ niệm ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam 17/2/1979, GS Tương Lai đã có hẳn một bài viết với tựa đề “Máu người không phải nước lã”. Vẫn như thường lệ, bài viết của GS Tương Lai không ngoài giọng điệu mượn chuyện đạo nghĩa nhằm chỉ trích chính quyền. Tất nhiên là muốn chỉ trích phải dựa trên những yếu kém của chính quyền, nhưng do tâm thế ghét Trung Quốc, ghét chính quyền nên GS Tương Lai chỉ cần dựa trên những thông tin nói xấu chính quyền trên mạng để viết ra những lời hằn học, lừa bịp người đọc. Chuyện tưởng niệm những chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc cũng như vậy. Nhà nước luôn chăm lo chu đáo cho phần mộ các chiến sĩ cũng như chế độ cho gia đình họ, hoàn toàn bình đẳng như những người khác. Rồi việc tuyên truyền về cuộc chiến này, đúng là mấy năm rồi còn yếu nhưng năm nay thì khác hẳn, báo chí trong nước đồng loạt viết bài nói về cuộc chiến nhưng không hề kích động, nói xấu đối phương. Nhưng Tương Lai thì vẫn khư khư mượn chuyện cũ để kích động tình hình hiện nay. Các bài viết của Tương Lai vì thế không khó để nhận ra ý đồ. Ví dụ như đoạn sau:
Phải đánh vật với bài viết này để đưa lên mạng kịp trong ngày 17.2 không phải vì đã cạn ý, nghẹn lời mà vì sự trăn trở chưa thể tự lý giải được cho mình: tại sao người ta buộc phải làm thế hay cứ muốn làm thế : Cố tình bắt dân tộc phải quên đi nỗi đau về một cuộc chiến tranh đã phơi trần bộ mặt thật của cái người "vừa là đồng chí, vừa là anh em" trong suốt ngần ấy năm?
Một là cái câu “phải đánh vật với bài viết này” thật buồn cười, Tương Lai dùng thủ thuật đánh bóng bài viết và đề cao mình mà thôi, còn với trình độ chữ nghĩa và tâm trạng của ông, bất kỳ lúc nào chẳng viết được. Hai là câu “cố tình bắt dân tộc phải quên đi nỗi đau”, đây là câu của một kẻ tự kỷ ám thị Trung Quốc. Ba là câu “một cuộc chiến tranh đã phơi trần bộ mặt thật…”, Tương Lai là người nghiên cứu lịch sử mà ngu bỏ mẹ đi được, bộ mặt thật của Trung Quốc thời đó đã phơi bày từ lúc xúi, giúp Khơ me đỏ đánh Việt Nam, chúng ta cũng đã thấy và dự báo trước cuộc chiến 17/2/1979, chỉ bất ngờ về quy mô mà thôi.

Nếu cứ nói chuyện Tương Lai dùng xảo thuật chữ nghĩa viết bài chỉ trích chính quyền thì mãi không hết. Vấn đề mà tôi muốn nói chính là tựa đề bài viết “Máu người không phải nước lã” và chuyện Tương Lai bắn đại bác.

Chúng ta chủ trương khép lại quá khứ, có nghĩa là với cả Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ… chứ không phải chỉ Mỹ, Pháp, Nhật như các vị trí thức cố tình lập lờ, thậm chí với miệng lưỡi của những kẻ có học, có những vị còn muốn xóa tội cho họ nữa cơ đấy. Các ông chỉ muốn ta quên đi với Mỹ, Pháp, Nhật Bản,. nhưng lại kích động thù hằn với Trung Quốc.

Khép lại chứ không quên. Cái đáng và cần quên chính là những kẻ cùng dòng máu Việt nhưng lại giết hại người Việt như Tổng đốc Tôn Thất Đàn (cha ông Tương Lai) đấy. Nếu năm nào Nhà nước cũng kỷ niệm Xô Viết Nghệ Tĩnh theo cái cách lôi Tổng đốc Tôn Thất Đàn ra để… đấu tố thì Tương Lai nghĩ sao ? Vậy mà Tương Lai viết thế này:
Không thiếu những hoàng thân, quốc thích vì muốn giữ cái ngai vàng ruỗng nát đang lung lay đã quỳ gối trước các thế lực xâm lược hoặc chạy sang Tàu cầu viện. Vì quyền lực gắn với lợi ích của riêng của bản thân, gia đình, dòng họ, chúng đã phản bội tổ quôc, rước voi dày mã tổ, bêu tiếng xấu muôn đời.
Ồ, câu này chẳng phải là Tương Lai đang nói về Tổng đốc Tôn Thất Đàn sao ? Thời đó, nhiều quan lại triều Nguyễn không chấp nhận làm tay sai cho thực dân Pháp nên đã từ quan. Còn ngài Tổng đốc Tôn Thất Đàn thì sao ? Được thực dân Pháp giao nhiệm vụ đàn áp phong trào cách mạng của người dân Nghệ Tĩnh, tiếng xấu đến giờ vẫn chưa rửa được. So với câu nói nổi tiếng của Tổng đốc Đàn xưa kia “Hữu Nghệ - Tĩnh bất phú, vô Nghệ - Tĩnh bất bần” thì câu máu người không phải là nước lã của Tương Lai có lẽ vẫn chưa nói hết được sự tàn ác của viên quan này. Tương Lai đã lao tâm khổ tứ để viết bài này không ngờ lại vận đúng vào ngài Tổng đốc. Thế mới thấy là chính người con của Tổng đốc Đàn lại trở phát súng đại bác để bắn vào quá khứ của cha mình.

Vương Văn Long
* Bài của tác giả gửi tới TTHN