Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

ĐÃ LÀM QUAN THÌ PHẢI ...THẬT GIÀU

Bức xúc làm gì chứ, đã làm quan thì phải thật giàu... Quan mà nghèo thì còn tâm trí đâu mà lo việc dân việc nước.


Kền kền ăn xác thối là cách “mưu sinh” rất đỗi bình thường của hiện tượng tự nhiên trong thế giới muôn loài. Thế nhưng khi được vận dụng trong cái thế giới “chữ nghĩa” đa đạng của loài người, nó hàm ý minh triết cao thâm, hay đơn giản chỉ là thái độ “cao ngạo, phách lối… tỏ ra nguy hiểm”… thì cũng tùy cách luận.

Ai “kền kền”, ai “xác thối”?

Ngày xưa, Nam Cao qua tác phẩm “Đôi mắt” đã khắc họa sắc lẹm “cái dạng văn sĩ Hoàng” ăn lạc rang, đọc truyện Tàu, mồm leo lẻo ca ngợi vĩ nhân nhưng lại coi thường, châm biếm, mỉa mai những người lao động cần cù, chân chất của giới cần lao. Và rồi ngày nay, “cái dạng văn sĩ Hoàng” ấy lại tiếp tục uống rượu Tây, đọc báo mạng và phán.
Họ phán rằng dư luận là một “đám kền kền”, và mỗi sự kiện như là “một xác thối”.

Họ cho rằng:

- Bức xúc làm gì chứ, cứ để cho các chủ trương “phạt cho tồn tại”, các dự án, công trình, những cây cầu vĩ đại ấy… được thực thi. Nếu có bị bớt xén phần trăm hoa hồng, nếu có bị tham nhũng khủng khiếp thì cái còn lại vẫn là những sản phẩm vĩ đại mà nhân dân có thể thụ hưởng được.

- Bức xúc làm gì chứ, đã làm quan thì phải thật giàu, đã làm quan thì phải nhà cao cửa rộng, quan mà nghèo thì nói ai nghe, nói ai tin, quan mà nghèo thì còn tâm trí đâu mà lo việc dân việc nước.

- Bức xúc làm gì chứ, cứ để cho cái nhóm lợi ích rửa tiền, khi đó đất nước mới có thêm nhiều bất động sản, khách sạn, sân golf, resort, casino, khu vui chơi, du lịch sinh thái… để cần lao sinh sống, vui chơi, du ngoạn. Công khai, minh bạch cho lắm thì người ta sẽ giấu tiền hoặc đem tiền đến nơi khác, khi đó có mà đói cả nút!

Thật ra, họ mới chính là “kền kền”, mà “xác thối” chính là thái độ thực dụng, tư tưởng đến đâu hay đến đấy, vô cảm trước mọi bất công của xã hội. Sao không đặt ngược lại vấn đề?

Ai dám chắc rằng những sản phẩm “vĩ đại” kia nó sẽ có chất lượng đúng nghĩa vĩ đại mà nhân dân được thụ hưởng dài lâu như mong muốn? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu như nó không “đúng quy trình” vĩ đại?

Ai dám chắc các vị quan đã giàu không có ý muốn giàu thêm? Với quỹ thời gian làm việc cố định và mức lương mà ai cũng biết là nếu tằn tiện lắm thì cũng chỉ đủ sống thì họ đã làm giàu bằng cách nào, họ tài như vậy sao đất nước vẫn chưa giàu lên được?

Ai dám chắc cần lao sẽ được vui chơi, du ngoạn thỏa thích ở cái chốn “phồn vinh” ấy khi đa số người dân phải chạy cơm, kiếm ăn từng bữa. Chỉ biết rằng, những đồng tiền sau khi được rửa đi, chúng sẽ thành tiền sạch, khi đó, tiền thuế nhân dân sẽ bị móc túi, thất thoát, thất lạc… thời gian càng lâu càng khó có khả năng truy hồi lại được.

Bình thường và bất thường

Một đất nước phát triển, văn minh, tiên tiến là một đất nước hạn chế được tối đa những dấu hiệu bất thường tiêu cực. Trước một sự kiện tiêu cực, phải coi sự xôn xao, bức xúc của dư luận là một thái độ đúng, một thái độ tích cực, thì cái xấu, cái ác mới có cơ may kiềm chế được.

Thế nhưng hiện nay, những dấu hiệu bất thường tiêu cực liên tục được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, nhiều vấn đề đã trở thành nan giải đối với hệ thống công quyền. Dư luận bức xúc, dẫu không giải quyết được triệt để sự việc, nhưng ít ra nó cũng góp phần phản ánh, gây áp lực lên các cơ quan chức năng để có biện pháp tức thời hay dài hạn nhằm khắc phục và hoàn thiện dần những sai sót.

Và ít ra, từ đó cho thấy được cái quyền giám sát của người dân đối với xã hội, đối với công chức, quan chức. Đừng nhìn người dân với đôi mắt coi thường như vậy, đừng báng bổ dư luận là “kền kền”, trong khi bản thân mình cũng là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của cái “xác thối” ấy.

Thật trái khoáy khi một quan chức từ chối tiền hối lộ được ca ngợi rầm rộ trên báo, một cán bộ chống tham nhũng lại được tuyên dương, phát bằng khen, thưởng nóng. Đối với một xã hội pháp quyền, đối với một xã hội thượng tôn pháp luật, những chuyện ấy phải xem là hết sức bình thường, những quan chức, những cán bộ là những người đại diện cho pháp luật và nhiệm vụ của họ là phải bảo vệ, thực thi đến cùng những nguyên tắc ấy.

Nhưng bất thường hơn cả là ngày càng nhiều những người cho rằng những điều ấy là không bất thường. Họ dùng “đôi mắt” của “văn sĩ Hoàng” ngày xưa để mà ca ngợi sự phù phiếm ảo, giả tạo, vô cảm trước những bất công.

Sợ rằng những “đôi mắt” ấy, những trí thức như “văn sĩ Hoàng” kia được nhân rộng thêm ra, thì phải đợi đến tết… Công Gô mới có cơ may mà thịnh vượng, mới có cơ may bắt kịp sự phát triển của thời đại.

Minh Phước/TuanVietnamNet

LÀM LUẬT KHÔNG PHẢI LÀM..VĂN

Kienthuc.net.vn - "Một quyết định sai của một cơ quan có thể chỉ ảnh hưởng đến một vài cá nhân, nhưng ra một văn bản luật sai ảnh hưởng đến cả xã hội"


Đáng lẽ phải cách chức!

Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang được lấy ý kiến đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Tổ biên tập đang tiến hành nghiên cứu soạn thảo, trong đó quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ tham mưu của cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, kể cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại do văn bản trái pháp luật gây ra. Trước thực trạng nhiều văn bản trái luật, bị dư luận phản ứng vì thiếu tính thực tế, đây có lẽ là giải pháp được trông đợi, thưa LS Lê Đức Tiết?

Đặt vấn đề như vậy là rất đúng, bởi trước nay ta không quy định rõ trách nhiệm của người ký ban hành các văn bản trái luật. Luật và các văn bản dưới luật là cơ sở pháp lý thống nhất cho toàn xã hội. Nếu có sai lầm nó sẽ gây ra ảnh hưởng lớn về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội. Luật mà sai thì sẽ gây ra những thiệt hại không thể lường được. Các quy định không đúng thực tế gây ra rất nhiều phiền toái cho người dân. Xưa nay khi xây dựng luật và các văn bản dưới luật, người ta phải rất thận trọng. Phải "đo 7 lần trước khi cắt vải, uốn lưỡi 7 lần trước khi nói" là thế.

Từ trước đến giờ ta vẫn khó trong việc quy trách nhiệm của các văn bản trái luật, không phù hợp thực tế, vì sao vậy?

Bộ, ngành nào cũng có cơ quan pháp chế. Nếu xảy ra tình trạng này thì trách nhiệm đầu tiên là bộ phận pháp chế. Tiếp đó là thủ trưởng, người ký ban hành quy định. Thực ra để quy trách nhiệm thì rất dễ, thế nhưng ai là người đặt vấn đề trách nhiệm này? Cơ quan nào thẩm tra, xử lý? Người đưa ra quy định phải bán thịt lợn trong vòng 7 giờ đồng hồ ấy, họ có làm sao đâu. Đáng lẽ phải cách chức, kỷ luật. Thế nên mới phải đặt vấn đề trách nhiệm rõ ràng ở đây.

Cái kiểu văn bản như ông vừa ví dụ có nhiều không?

Văn bản dưới luật bây giờ sai nhiều lắm. Sai ở mức phổ biến. Từ cấp cao nhất đến cấp thấp. Sai là bởi khi ra các văn bản, người ta áp đặt ý chí chủ quan của mình mà không nắm được thực tế, không sâu sát thực tế. Nhiều khi còn là lợi ích nhóm trong đó. Người ta hay lợi dụng câu chữ để đưa ra những văn bản sai này. Giả sử trong Luật Đất đai quy định việc trưng thu, trưng mua, nhưng khi xây dựng văn bản dưới luật, người ta lại sử dụng từ "thu hồi". Ý nghĩa của những từ ngữ này là hoàn toàn khác nhau. Thế nên nhiều khi người dân ngủ dậy đã bị thu hồi đất, mà chẳng hiểu vì sao!

Ảnh: LS Lê Đức Tiết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói về việc bồi thường khi ban hành văn bản trái luật. 

Có lợi ích nhóm 

Ông lý giải thế nào về những văn bản trái luật này?

Có thể là năng lực, trình độ hiểu biết, lợi ích nhóm. Nhiều khi chủ đầu tư bỏ ra một ít tiền ra là có được một khu đất để đầu tư, trong khi người bị thu hồi đất thì được nghe lý do rất có lý là "lợi ích toàn dân". Làm gì có thứ lợi ích đó, là lợi ích nhóm chứ. Tiêu cực tham nhũng cũng từ đó mà nhiều.

Và ai cũng thấy rằng tham nhũng trong xây dựng chính sách là rất nguy hiểm?

Đúng vậy, ví dụ như trong quy hoạch đất đai. Việc quy hoạch đất phải thông qua Hội đồng nhân dân, lấy ý kiến nhân dân, nhưng nhiều nơi không làm. Có khi trước quy hoạch, họ đã cho người đến mua hết cả khu đất đó. Đến khi quy hoạch thì giá trị đất vượt hàng trăm lần. Tham nhũng ở đó chứ ở đâu!
Vậy quy định rõ trách nhiệm của người ban hành văn bản trái luật, theo ông liệu có ngăn chặn được điều này?

Không có cái gì là hoàn toàn được nhưng làm vậy sẽ hạn chế tham nhũng. Nhân dân đóng thuế nuôi cán bộ, thì nhiệm vụ của cán bộ là phải làm đúng chức trách. Anh có nhiệm vụ xây dựng văn bản cho đúng thực tiễn, đúng luật mà anh lại không làm gì cả, chỉ ngồi chơi, dưới đưa lên thế nào thì ký như thế là không được.

Quan điểm của ông về việc quy trách nhiệm cụ thể thế nào?
Có thể chưa truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng nên có các hình thức kỷ luật như buộc thôi việc, hạ chức, hạ cấp. Nếu vì lợi ích nhóm thì có thể truy tố trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, tìm được bằng chứng có lợi ích nhóm là vấn đề không dễ dàng gì.

Những quy định kiểu như thế nào thì phải xử lý người ký ban hành?

Ví dụ như đẻ ra các giấy phép con, gây phiền hà cho dân trong các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục... thì phải xử lý. Ở những văn bản kiểu này, có thể không có lợi ích nhóm nhưng nó thể hiện trình độ của người ban hành văn bản. Không biết thực tế nó đang như thế nào, đưa ra những quy định "trên trời" khiến dư luận bất bình.

Sự dốt nát của người làm luật!

Năm 2013 có rất nhiều quy định khiến người dân bất bình, ví dụ như cộng điểm thi đại học cho bà mẹ Việt Nam anh hùng. Rõ ràng là người ra văn bản này đã không thực tế, có người nghi ngờ về trình độ của chính những người làm luật, những người ký cho ra những quy định này?

Đó chính là sự dốt nát của người làm luật! Làm luật không phải là làm văn, không phải là sáng tác. Làm luật là phải đi vào thực tế, cân nhắc các yếu tố được mất, chọn cái được nhiều hơn để biến nó thành điều luật. Phải tổng kết, nghiên cứu sâu sắc. Biết là cuộc sống thì rất nhiều lĩnh vực, nhưng vì thế thì mới cần đến những người có chuyên môn chứ. Còn làm luật mà không thực tế, áp đặt ý chí cá nhân thì sẽ còn nhiều hiện tượng giống thế.

Ông đã ghi nhận trường hợp nào bị xử lý vì đề ra văn bản trái luật?

Từ xưa đến nay chưa có. Trong khi ở những nước phát triển, chỉ hôm trước hôm sau là người đó bị đuổi ra khỏi công sở ngay. 

Nếu vậy thì sẽ có người dân nghĩ rằng, quy trách nhiệm cho người ký ban hành văn bản trái luật trong thực tế hiện nay là không khả thi?

Tôi cho rằng, để xảy ra tình trạng này trách nhiệm trước hết là Bộ Tư pháp. Họ phải thẩm định các văn bản, cái nào đúng luật, cái nào sai luật để báo cáo Chính phủ và Quốc hội. Trách nhiệm tiếp theo mới là của người ký ban hành văn bản. Làm khó hay không là do quyết tâm thực hiện như thế nào. Mỗi năm có nhiều văn bản được ban hành, nhưng trong phạm vi lĩnh vực và của từng địa phương thì mỗi bộ phận phải nắm và kiểm soát được, không có gì là khó khăn cả. Các cơ quan chức năng, nhân dân cùng giám sát các văn bản này.

Với những văn bản trái luật đã ban hành thì xử lý thế nào?

Thì rút lui trong im lặng thôi chứ biết làm thế nào!

Vậy tổn thất đó thì ai phải chịu, bởi vì khi xây dựng một văn bản luôn phải có một đội ngũ nhân viên làm việc?

Thì nhà nước phải chịu thôi. Kinh phí để làm luật, để cho ra những văn bản là không nhỏ. Thiệt hại này không quy trách nhiệm cho ai được, đó chính là lỗ hổng trong quản lý của bộ máy nhà nước. Đáng lẽ làm trong hệ thống hành chính là phải nắm được các loại luật về hành chính. Nhưng cứ tuyển dụng kiểu "con ông cháu cha", trình độ chẳng ra làm sao cả thì nhà nước phải chịu thiệt hại thôi.

Xin cảm ơn ông!

Theo Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), trong lĩnh vực đầu tư, theo số liệu thống kê năm 2008 cho thấy với 134 trang văn bản luật, có đến gần 3.500 trang văn bản hướng dẫn thi hành. Tính trung bình cứ 1 trang Luật Đất đai có 19,5 trang văn bản hướng dẫn thi hành. Tình trạng lạm dụng ban hành thông tư và thông tư chất lượng thấp do quy trình khép kín vẫn đang diễn ra.

Tô Hội (Thực hiện)

Tội ác quân đội Mỹ và lính VNCH: GIẾT BẤT CỨ THỨ GÌ CHUYỂN ĐỘNG

Cuteo@ chào cả nhà.


Ngày nghỉ mệt nhoài, đói lệch miệng! Bê bài của FB Linh Nguyễn về chống móm. 

Bài giới thiệu cuốn sách nói về tội ác của quân đội Mỹ và quân đội tay sai Việt Nam Cộng Hòa đối với nhân dân Việt Nam. Không hiểu đọc xong bài này, và cuốn sách này, những người kêu gọi cho việc lập đền thờ 74 tử sĩ Hoàng Sa của quân đội VNCH (báo Lao Động) sẽ nghĩ gì?

Các bạn từ từ thưởng thức nhé.

GIẾT BẤT CỨ THỨ GÌ CHUYỂN ĐỘNG

Năm 2005, nhà sử học, nhà báo Nick Turse đã hoàn thành quyển sách Kill Anything That Moves: U.S. War Crimes And Atrocities In Vietnam, 1965-1973 (Giết bất cứ thứ gì chuyển động: Tội ác chiến tranh tàn bạo của Mỹ ở Việt Nam, 1965-1973), Đại học Columbia xuất bản. Sách được đánh giá cao trên văn đàn một thời. Sách đã đoạt giải thưởng Ridenhour của National Press Club vào năm 2009

Lần này, sách Kill Anything That Moves: The Real American War in Vietnam (Giết bất cứ thứ gì chuyển động: Cuộc chiến thật sự của Mỹ ở Việt Nam) của cùng một tác giả, do Metropolitan Books mới xuất bản ngày 15 tháng 1, 2013, đã một lần nữa, đưa ra những hình ảnh chân thật đến trần trụi của quân đội Mỹ đối với người dân và đất nước Việt Nam. Tác phẩm này là một công trình phát triển từ quyển sách của tác giả năm 2005.

Trong tác phẩm mới, ông Nick Turse đã trích dẫn những hồ sơ của chính phủ Mỹ và Lầu Năm Góc cho thấy trong cuộc chiến ở Việt Nam, chính phủ Mỹ đã thi hành cuộc tàn phá hàng loạt vào con người và tài sản một cách có hệ thống trong suốt cuộc chiến.

Tiếp theo một số bài báo trước đây của Nick Turse, cuốn sách đưa ra những tư liệu cho thấy, những vụ hiếp dâm hàng loạt, tra tấn, xẻo thịt dân thường Việt Nam, trong đó có vụ thảm sát làng Mỹ Lai năm 1968 khiến hơn 500 dân thường bị giết, không phải là những hành động lầm lạc trong những giờ phút thiếu suy nghĩ, mà là chính sách cố sát và khủng bố có hệ thống trong cỗ máy chiến tranh của Mỹ. Các cuộc thảm sát tương tự vụ ở làng Mỹ Lai không phải sự cố bất thường, mà là một trong các “chiến dịch” thực hiện thường xuyên theo chính sách của Mỹ.

Theo tài liệu mà Turse có được, Mỹ Lai là một chiến dịch, không phải sự lầm lạc. Không chỉ nghiên cứu qua hồ sơ, tài liệu, Turse còn phỏng vấn rất nhiều tướng lĩnh và quan chức dân sự cao cấp, các nhà điều tra tội phạm, cựu chiến binh từng chứng kiến hoặc phạm tội ác. Turse cũng đã đến Việt Nam nhiều lần để phỏng vấn những người sống sót từ các cuộc thảm sát đó.

Quyển sách ngay từ chương 1 đã tường thuật từ thời kỳ quân đội Mỹ được huấn luyện ở các quân trường tại Mỹ (Fort Benning, Camp Lejeune, bang Georgia v.v.) thì tinh thần kỳ thị chủng tộc (như của tướng Douglas MacArthur) đã được nhồi nhét tối đa để giúp người tân binh Mỹ có thể giết kẻ thù – người Việt Nam – mà không hối tiếc hay ân hận. Cựu chiến binh Wayne Smith khi trả lời phỏng vấn của tác giả, đã kể lại rằng các huấn luyện viên quân đội không bao giờ gọi người Việt Nam là “Vietnamese”, thay vào đó là những chữ tiếng lóng hạ cấp như “dinks”, “gooks”, “slopes”, “slants”, những từ ngữ không còn mang ý nghĩa tượng trưng cho con người văn minh, hay thậm chí là những con người bình thường, mà là những ngôn từ miệt thị, lăng mạ, hàm ý khinh khi người Việt như một giống dân hạ đẳng, “man di mọi rợ”.

Trong vụ thảm sát Triệu Ái, khi trung úy Maynard quăng lựu đạn xuống hầm một căn nhà trong làng Triệu Ái, trung úy Bailey cho biết có con nít trong hầm ấy. Nhưng trung úy Maynard trả lời: “Kệ mẹ nó, rồi tụi đó lớn lên thì cũng trở thành Việt Cộng thôi.”

Tiếp theo một số tác phẩm trước đây của ông Nick Turse, cuốn Kill Anything That Moves: The Real American War in Vietnam đã đưa ra những hồ sơ, tư liệu, dữ liệu cho thấy những vụ hủy diệt hàng loạt, dâm sát, tra tấn, cắt xẻo bộ phận cơ thể đối với các đối tượng dân thường Việt Nam từ nam đến nữ, từ bé đến già, từ cộng sản đến không cộng sản v.v. nhiều vụ không phải hành động lầm lạc trong những giây phút thiếu suy nghĩ, mà là chính sách có hệ thống trong cỗ máy chiến tranh của Mỹ thời đó. Cuộc thảm sát làng Mỹ Lai và nhiều cuộc thảm sát khác không phải là sự cố bất thường, mà là chiến dịch quân sự thực hiện theo chính sách quân sự Mỹ, nhằm khủng bố tinh thần và xóa trắng các pinkville (làng hồng), là những làng xã mà họ nghi ngờ là có giúp đỡ, tiếp tế cho quân kháng chiến. Khủng bố để răn đe “làm gương”, gieo rắc sợ hãi để người dân và các làng bên lấy đó “làm gương”, không còn dám nuôi giấu những người chống Mỹ.


Sau bao nhiêu phỏng vấn và tìm hiểu, ông đã cho biết: “Hàng trăm báo cáo mà tôi tập hợp được cùng với hàng trăm nhân chứng tôi từng phỏng vấn ở Mỹ và Đông Nam Á cho thấy một điều rõ ràng rằng, việc giết hại dân thường – dù một cách máu lạnh như ở Mỹ Lai hay một cách bàng quan vô cảm như ở Bình Long – đều rất phổ biến, diễn ra thường xuyên, và xuất phát từ chính sách chỉ huy của Mỹ.".

Đây là những lời bình tiêu biểu về quyển sách còn rất mới này của nhà báo kiêm sử gia Nick Turse, qua những lời bình của các nhà phê bình của Mỹ càng cho thấy rõ hơn các tội ác cố sát có hệ thống, theo chính sách của chính phủ Mỹ, gây ra bởi quân đội Mỹ ở Việt Nam.

Nhà báo Steve Weinberg bình luận trên báo Star Tribune:
Trong cuốn sách mới, “Giết mọi thứ di động” (Mới Xuất Bản Ngày 15-1-2013, Metropolitan Books), ký giả Nick Turse đã chứng minh, sau một thập niên khảo cứu về những điều khó chấp nhận, là không quân và lục quân Mỹ đã giết thường dân ở ngoài Bắc và ở trong Nam theo một chính sách lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.
Sự tàn sát các dân thường ở Mỹ Lai bởi lính Mỹ đã được quần chúng biết đến nhiều, nhờ phần lớn vào sự điều tra của ký giả Seymour Hersh. Nhiều độc giả tìm biết về cuộc chiến tranh Việt Nam tưởng rằng Mỹ Lai là một việc xảy ra đơn độc, phần lớn phạm phải bởi một sĩ quan trẻ tên là William Caley. Không hẳn vậy, Nick Turse đã chứng minh rằng Mỹ Lai là vụ điển hình cho nhiều vụ tàn sát như vậy, trong một số vụ những người bị tàn sát là trẻ con, người già và phụ nữ. Trước khi giết, bao giờ cũng là hãm hiếp, tra tấn nhiều cách khác nhau, mà không có một quân nhân nào bị trừng phạt….

Học giả, nhà văn Jonathan Schell đã viết trong bài How did the Gates of Hell open in Vietnam? (Cửa địa ngục đã mở ở Việt Nam như thế nào?) trên báo Asia Times:
Tỉ mỉ gắn kết lại với nhau từ những thông tin mới được giải mật, những hồ sơ tòa án binh, những phúc trình của Lầu Năm Góc, và những cuộc phỏng vấn trực tiếp ở Việt Nam và ở Mỹ, cũng như những tài liệu trên báo chí cùng thời và tài liệu phụ, Turse phát hiện ra những tình tiết về sự tàn phá, cố sát, thảm sát, hiếp dâm, và tra tấn mà một thời được coi như là những tội ác lẻ tẻ thật ra là chuyện thường xuyên, cộng với một luồng tàn bạo liên tục, bộc lộ, năm này qua năm khác, trên khắp đất nước đó.
Nhà văn Tim O’Brien bình luận trên trang Amazon:
Không có cuốn sách nào mà tôi đọc trong vài thập niên làm tôi run rẩy như vậy với tư cách là một người Mỹ. Turse phanh phui ra thực chất một cuộc chiến quá ư tàn bạo hơn là những điều mà những người Mỹ ở trong nước được quyền biết. Turse vạch trần ra những chính sách chính thức khuyến khích binh sĩ Mỹ và không quân giáng sự khủng khiếp và đau khổ không thể hình dung được xuống người dân thường Việt Nam, theo đó là những sự bưng bít chính thức cũng kiên trì như Turse đã kiên trì trong nỗ lực điều tra trong cả một thập niên để chống lại những sự bưng bít này. Cuốn “Giết mọi thứ di động” là cuốn những người Mỹ phải đọc, vì những hàm ý trong đó về mức độ tàn bạo và dân thường chết chóc giáng lên họ và sự bưng bít trong những cuộc chiến gần đây của chúng ta chắc chắn sẽ xảy ra và làm chúng ta sửng sốt.
Nữ nhà báo Frances FitzGerald bình luận trên trang Amazon:
Nick Turse đã làm hơn nhiều người khác để chứng minh, với tài liệu, điều rất hiển nhiên: Những sự tội ác tàn bạo của Mỹ ở Việt Nam không phải là lẻ tẻ và tình cờ, mà là thường xuyên xảy ra khắp nơi và là kết quả không tránh được của chính sách quân sự của Hoa Kỳ.
Nữ giáo sư sử học Đại học New York Marilyn Young bình luận trên trang Amazon:
Cuốn sách của Nick Turse là một tài liệu căn bản, một tường trình hùng hậu và đầy xúc động đến ngay vào vùng tim đen của cuộc chiến tranh ở Việt Nam: Sự tàn sát thường dân một cách có hệ thống, chứ không là một sơ xuất, là một thủ tục hành quân đúng tiêu chuẩn. Cho đến ngày nào bản tường trình lịch sử này được thừa nhận, chính sách này vẫn sẽ được tiếp tục dưới hình thức này hoặc hình thức khác trong những cuộc chiến mà nước Mỹ sẽ tiếp tục dính vào.
Giáo sư sử học Đại học Massachusetts Christian Appy bình luận trên trang Amazon:
Từ cuộc nghiên cứu trong hơn một thập niên trong những hồ sơ mật Lầu Năm Góc và những cuộc phỏng vấn sâu rộng các cựu quân nhân Mỹ và những người Việt sống sót, lần đầu tiên Turse vạch rõ là những chính sách của Mỹ đã đưa đến kết quả là hàng triệu người dân thường vô can đã bị giết và bị thương. Với những chi tiết gây sốc, Turse vạch rõ những hệ thống mặc định của cỗ máy quân sự Mỹ đã làm cho những tội ác trong những đơn vị chính của Mỹ không thể tránh được. Cuốn “Giết Mọi Thứ Di Động” đưa chúng ta đến từ văn khố ở Washington đầy những những hồ sơ về sự dẹp bỏ các cuộc điều tra những tội ác của lính Mỹ cho tới những thôn xã ở miền quê Việt Nam mà người dân gánh chịu trong cuộc chiến, từ những trại huấn luyện lính Mỹ trong đó những người lính trẻ được dạy để thù ghét mọi người Việt cho đến các chiến dịch khát máu như chiến dịch Speedy Express mà một vị tướng, ám ảnh bởi cách đếm xác chết đã dẫn binh lính phạm phải điều mà một quân nhân tham dự gọi là “mỗi tháng một Mỹ Lai”.

LỬA GIẬN TỪ ĐÂU TỚI? THẰNG NÀO BẬT DIÊM ???

Không biết bọn Tây u thì thế nào chứ các cụ nhà mình thường liên hệ sự tức giận với lửa. Này nhá, “lừa cháy đổ dầu thêm”, “tính nóng như lửa”, “hét ra lửa”, ông nào hay cáu giận thì chả cần xem tử vi thì cũng đoán được ông mạng “hỏa”, bắt mạch thì chắc chắn là ông “hỏa vượng”.

Cứ thế mà suy thì cơn giận của tôi phải bắt đầu từ “thằng” nào đó, bật diêm, gây cháy?

Hồi tôi còn bé, mới học lớp 3 lớp 4 đã đọc tạp nham cả Tam quốc diễn nghĩa, (hồi ấy in thành 13 tập) và Tây du ký, ( 8 tập). Lại thế nào mà đọc cả Quân Trung Từ Mệnh Tập của Nguyễn Trãi nữa mới ghê, riêng cuốn này thì không hiểu được gì, nhưng nhớ và vận dụng mỗi câu “Bảo cho mày nghịch tặc Phương Chính biết”.

Bọn trẻ con chúng tôi chơi trò đấu kiếm lau với nhau, trước khi giao đấu, bao giờ cũng “chửi” nhau bằng câu này, kèm thêm là “đồ dệt chiếu đóng dép”, “đồ con nhà hàng thịt”… theo đúng màn chào hỏi mẫu mực của các tướng trong Tam quốc diễn nghĩa trước khi vặt đầu nhau (bạn Sơn, đại gia nghành Hóa chất còn nhớ?).

Giờ mới biết, muốn đánh nhau có hiệu quả, thì cần phải chửi nhau trước đã, để lấy khí thế khai cuộc. Và sâu hơn, “ngộ” ra rằng, đó là bí kíp nhúng đối phương vào “lửa giận”, làm cho hắn bị kích động, khi tức giận thì hắn “bớt khôn” đi, mình mới thêm có cơ may.

Thì các cụ bảo rồi, “giận mất khôn” mà lại.

Thật vậy, chẳng có tý “người lớn” nào (nghĩa là rất phi logic) khi người ta “giận cá” lại “chém thớt” , rồi đâm ra “chửi chó mắng mèo” hoặc “đá thúng đụng nia”...

Nhưng “thằng” nào “bật diêm”?

Có một câu chuyện Phật giáo, tôi không nhớ đã đọc ở đâu. Rằng khi Đức Phật đi cùng đoàn người qua sông trên một chiếc thuyền, thì bị va chạm với một chiếc thuyền khác. Trên thuyền kia không có người.

Nhân đấy, Đức Phật thuyết pháp về nguồn gốc cơn giận: Các ngươi hãy tưởng tượng tình huống nếu trên chiếc thuyền kia có người lái, hẳn đã có một cuộc cãi vã xảy ra giữa hai bên. Nhưng bởi trên chiếc thuyền kia không có ai nên không có “đối tác” để nóng giận. Như vậy, cơn giận, nếu có đó, là do chính chúng ta tạo ra mà thôi.

À, vậy thì, diêm quẹt vốn có sẵn ở trong túi chính ta, bật hay không? Tùy “hoàn cảnh”!

Và nhà Phật cũng so sự nóng giận với lửa, gọi là “sân hỏa”:

“Nhât niệm sân hỏa phát
Bách vạn chướng môn khai”.

Đã nói về sự nóng giận, lại nói tới Tây du ký, thì phải nhớ đến nhân vật Hồng Hài nhi.

Tay này tuy bé (hài nhi), còn mặc yếm, mà đã nóng tính tới mức thường phun ra lửa, phép thuật cao cường vượt xa Tôn Ngộ không, mấy phen làm Tôn Ngộ không chạy tẹt ga cầu viện.

Khi Cậu giận, thì Cậu: “đọc thần chú, phun từ trong miệng ra một vệt lửa: từ hai lỗ mũi, khói đen nồng nặc cũng tuôn ra. Rồi mắt hắn cứ chớp chớp, lửa đỏ lại bùng lên. Lửa cháy ngùn ngụt trùm cả năm chiếc xe nhỏ.”

Tôn Ngộ không dù có 72 phép thần thông, vẫn phải huy động thêm một đống bà con họ rồng nữa (Tứ đại long vương) cũng không đấu lại, càng tưới càng cháy. Sau phải nhờ đến Quán Thế âm bồ tát dùng nước cam lồ trong tịnh bình dập tắt.

Tại sao nước rồng phun từ bốn đại dương cũng không tác dụng? Vì lửa do Hồng Hài nhi không phải lửa thường, mà chính là “lửa giận” – “sân hỏa”.

Mà đã là “sân hỏa” thì phải đối trị bằng tâm “từ” và tâm “bi”, đấy lại chính là vũ khí sở trường của ngài Quán thế âm, ahaha! Nam mô đại từ đại bi linh cảm ứng Quán Thế âm bồ tát!
Trở lại câu hỏi: “Thằng” nào bật diêm? Cách khai hỏa “đặc biệt” của Hồng Hài nhi đã hé lộ đó là “thằng” nào: “Một tay vung cây giáo lửa nhọn, một tay nắm thành nắm đấm, tự đấm hai quả vào mũi mình”.

Ấy đấy, nếu va chạm với con thuyền không người kia, bạn không có cách nào xì ra cơn giận được.

Muốn tạo ra “lửa giận”, thì có tài giỏi như Hồng Hài nhi, bạn cũng phải tự quại vào mũi mình, ít nhất 2 quả!

CHUẨN BỊ XÉT XỬ VỤ BÁC SĨ CÁT TƯỜNG

Dư luận viên Khánh Hà
(Soha.vn) - Theo một lãnh đạo của tòa Hình sự - TAND TP Hà Nội, dự kiến sẽ đưa vụ án ở Thẩm mĩ viện Cát Tường ra xét xử vào trung tuần tháng tư.

TAND TP Hà Nội chưa có lịch xét xử vào ngày cụ thể. Theo nguồn tin này, thẩm phán, chủ tòa phiên tòa là bà Lê Thị Hợp.

Có 3 luật sư bào chữa cho các bị can. Luật sư của Đào Quang Khánh là ông Nguyễn Anh Thơm và Tạ Anh Tuấn. Nguyễn Mạnh Tường cũng sẽ có luật sư riêng.

Gia đình bị hại cũng đã mời 2 luật sư thuộc Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Theo bản cáo trạng đã được tống đạt trước đó, Đào Quang Khánh bị truy tố về tội “ Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”, theo khoản 2, Điều 246 BLHS và tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 BLHS.

Bị can Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố về tội: “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 Điều 246 BLHS và tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo khoản 1 Điều 242 BLHS.

VKS xác định, sau khi chị Huyền bị tử vong vào chiều 19/10/2103 tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, đến khoảng 23h30 cùng ngày, Tường cùng một số nhân viên đưa thi thể chị Huyền lên xe ô tô. Họ mang xác nạn đến Bệnh viện Bưu Điện nhưng thấy đông người nên không vứt ở đó được.

Khi Tường đang chần chừ, Khánh nói phi tang xác bằng cách vứt xuống sông. Tường đồng ý và lái xe đi.

Sau đó, Khánh cầm túi xách của chị Huyền và dùng xe máy của nạn nhân chở chị Hằng, vợ Tường đi theo xe ô tô.

Cả ba đã đi ra quốc lộ 5 lên cầu Thanh Trì. Tường và Khánh đã khiêng xác nạn nhân ra khỏi xe ô tô rồi thả xuống sông Hồng.

Theo quan điểm của VKSND TP Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hằng vợ Tường ban đầu ngồi trên xe ô tô, biết việc Tường và Khánh mang xác chị Huyền đi để vứt xác xuống sông. Chị Hằng nhiều lần can ngăn Tường và Khánh không được vứt xác nạn nhân. Hành vi nêu trên của chị Hằng không phạm tội. Cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

Gia đình nạn nhân tới thời điểm này vẫn chưa tìm thấy thi thể chị Huyền. Họ có nhiều điểm chưa đồng tình với cáo trạng và sẽ có ý kiến đề nghị trong phiên tòa.

TT NGUYỄN TẤN DŨNG ĐIỆN ĐÀM VỚI TT MALAYSIA VỀ MÁY BAY MẤT TÍCH

(Chinhphu.vn) - Chia sẻ sự quan tâm, lo lắng của Chính phủ, nhân dân Malaysia, cá nhân Thủ tướng Najib Tun Razak và gia đình các hành khách trên chuyến bay MH370, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Malaysia và các bên liên quan tìm kiếm máy bay mất tích trong phạm vi khả năng của mình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điện đàm với Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Liên quan đến vụ việc máy bay Malaysia MH370 mất tích, chiều ngày 17/3, phía Malaysia đã chủ động đề nghị điện đàm giữa Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trong buổi điện đàm, Thủ tướng Malaysia bày tỏ cảm ơn chân thành và đánh giá cao Chính phủ, nhân dân Việt Nam và cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tích cực và kịp thời giúp đỡ Malaysia trong việc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 mất tích.

Khẳng định sự trợ giúp của phía Việt Nam thời gian qua là hết sức quý báu và hữu ích, thể hiện tình cảm láng giềng tốt đẹp cũng như mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Malaysia, Thủ tướng Najib Tun Razak mong muốn Việt Nam tiếp tục tích cực phối hợp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu mà Việt Nam có được nhằm giúp công tác phân tích, sớm tìm ra manh mối của chiếc máy bay mất tích.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ sự quan tâm, lo lắng của Chính phủ, nhân dân Malaysia, cá nhân Thủ tướng Najib Tun Razak và gia đình các hành khách trên chuyến bay MH370 và khẳng định Việt Nam, trên tinh thần trách nhiệm và nhân đạo đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện của mình tiến hành tìm kiếm cứu nạn từ ngày 8/3, với 10 tàu, 11 máy bay tiến hành 55 lượt bay cùng nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam cũng tham gia tìm kiếm.

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng Malaysia về việc liệu máy bay MH370 có vào không phận Việt Nam hay không, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, cho đến nay, không có thông tin gì về việc máy bay này đã đi vào không phận Việt Nam.

Về công tác sắp tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Malaysia và các bên liên quan, sẵn sàng đóng góp vào việc tìm kiếm máy bay mất tích trong phạm vi khả năng của mình, kể cả việc cung cấp các dữ liệu liên quan.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Malaysia tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cập nhật thông tin cho Việt Nam và các bên liên quan phục vụ công tác tìm kiếm.

Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc

MÁY BAY MẤT TÍCH CỐ TÌNH BAY THẤP ĐỂ TRÁNH RA ĐA

Các nhà điều tra vụ chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích cho biết, chiếc máy bay này đã bay ở độ cao thấp – 5.000 feet (1,5km) hoặc có thể thấp hơn nữa để thoát khỏi mạng lưới radar thứ cấp khi quay đầu máy bay trở lại thay vì tới Bắc Kinh.

Ảnh: Đội bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang xem bản đồ tìm kiếm cùng phi công của Cơ quan thực thi luật biển Malaysia

Các nhân viên điều tra đang nghiên cứu kỹ tuyến đường di chuyển của máy bay Boeing 777-200ER mất tích để có thể đưa ra kết luận liệu phi cơ này có cố tình bay thấp, sử dụng kỹ thuật “mặt nạ địa hình” để thoát khỏi radar của ít nhất 3 nước. 1 nhóm kỹ thuật được thành lập để nghiên cứu khả năng máy bay mất tích đã lợi dụng đường hàng không bận rộn tại Vịnh Bengal để ẩn mình.

Theo giả thuyết này, bằng cách bay bám vào các tuyến bay thương mại, chiếc máy bay Boeing 777 có thể thoát được sự nghi ngờ trên radar quân đội của những quốc gia nơi nó bay qua. Bởi nếu theo cách đó, với các nước này, MH370 chỉ như các chuyến bay thương mại khác đang hoàn thành hành trình.

“Kẻ kiểm soát máy bay hẳn phải là một người có kiến thức vững chắc về hệ thống điện tử và chuyển hướng thì mới thoát khỏi radar và không để lại dấu vết gì. Sự thật là, máy bay này đã bay qua Kelantan với độ cao thấp” – các quan chức trong đội điều tra cho biết. Thêm nữa, “khả năng chiếc phi cơ Boeing 777 đã đi sát theo địa hình những khu vực có địa hình núi để tránh radar phát hiện”.

Kỹ thuật này được gọi là mặt nạ địa hình (cách phi công dùng địa hình che chắn để không bị sóng radar phát hiện) và thường được các phi công quân sự sử dụng để bay tới các mục tiêu một cách lén lút. Kiểu bay này được cho là rất nguy hiểm đặt biệt trong điều kiện ánh sáng yếu và mất phương hướng không gian, dễ dẫn đến chứng say máy bay cho những người có mặt trên máy bay.

Trước đó, khi cất cánh, phi công đã không yêu cầu bổ sung nhiên liệu cho máy bay. Nhiên liệu của máy bay đủ để bay tới Bắc Kinh với lượng dự trữ có thể bay thêm 45 phút đến sân bay thay thế. Nếu có thêm nhiên liệu thì máy bay có thể bị cháy trong điều kiện không khí đặc nếu bay ở độ cao thấp trong một thời gian dài - Malaysia Airlines cho biết.

Trong giai đoạn tìm kiếm máy bay thứ 2, Malaysia cùng các quốc gia hỗ trợ khác đang tìm kiếm ở hai hành lang: khu vực trải dài từ miền Bắc Thái Lan đến Kazakhstan và từ Indonesia đến phía Nam Ấn Độ Dương tuy nhiên, “sẽ tập trung vào các khu vực sân bay bị bỏ không có đường băng dài đủ để chứa chiếc máy bay Boeing 777” phòng khả năng chuyến bay MH370 đáp xuống 1 sân bay nào đó - New Straits Times trích lời một nguồn tin theo sát vụ điều tra này cho biết.

Malaysia đã liên lạc với các quốc gia có liên quan tới các hành lang tìm kiếm để nhờ giúp đỡ, sau một ngày gửi yêu cầu, đã có 14 nước hồi đáp. Bộ trưởng Bộ Giao thông Malaysia cho biết số lượng các nước liên quan tới công tác tìm kiếm sẽ tăng lên con số 26.

Malaysia cũng nhắc lại một lần nữa, nước này sẽ không giấu giếm bất cứ thông tin nào giúp ích cho quá trình tìm kiếm nhưng chỉ thông báo một khi những thông tin này được xác thực.

Trang Trần (Theo Asia One)