Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

NGHI ÁN HỐI LỘ: ÔNG NGUYỄN BÁ THANH CẦN TRỰC TIẾP CHỈ ĐẠO

Tuấn Nam - theo Trí Thức Trẻ 


(Soha.vn) - Nói về nghi án "nhận hối lộ 16,5 tỷ đồng", tướng Thước cho rằng ông Nguyễn Bá Thanh cần kịp thời có những ý kiến chỉ đạo sắc sảo, trực tiếp tham gia.

Sau khi có những thông tin về nghi án “nhận hối lộ 16,5 tỷ đồng" trong ngành đường sắt, Bộ GTVT đã có cuộc họp khẩn và cho biết đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để cung cấp thông tin và phối hợp xử lý khi có những thông tin tiếp theo.

Tối ngày 24/3, trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết cho đến thời điểm này, Ban Nội chính Trung ương chưa nhận được báo cáo từ Bộ GTVT. Trước đó, trong một cuộc trao đổi khác với chúng tôi về "nghi án" này, ông Nguyễn Bá Thanh – Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết chắc chắn sẽ có tham gia chỉ đạo.

Ông Nguyễn Bá Thanh chưa nhận được báo cáo từ Bộ GTVT (Ảnh: Tuấn Nam)

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh quân khu IV, ĐBQH các khóa VIII, IX, X cho hay ông rất bất ngờ khi nghe thấy “nghi án nhận hội lộ 16,5 tỷ đồng” và rất hoan nghênh phía Nhật Bản đã giúp đỡ Việt Nam trong việc cung cấp thông tin này.

Với những việc đã làm của Bộ Trưởng Đinh La Thăng, Trương tướng Nguyễn Quốc Thước đánh giá Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt khi có thông tin từ báo chí.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh quân khu IV, ĐBQH các khóa VIII, IX, X(Ảnh: Tuấn Nam)

“Trước hết, Bộ GTVT phải trực tiếp vào cuộc với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, ở đâu có vấn đề thì thủ trưởng ở cơ quan đó phải đứng ra để tiến hành kết luận một cách chính xác và xử lý một cách nghiêm minh khi có vi phạm.

Đây là một thông tin liên quan đến nước ngoài, không những ảnh hưởng ở trong nước mà còn ảnh hưởng uy tín của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Cho nên Ban Nội chính Trung ương, với tư cách là đơn vị giúp Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng cần phải chỉ đạo một cách kịp thời và nhanh chóng, giám sát chặt chẽ để Bộ GTVT sớm có kết luận vấn đề.

"Ông Nguyễn Bá Thanh – Trưởng Ban Nội chính Trung ương, phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần phải trực tiếp chỉ đạo sát sao, kịp thời có những ý kiến chỉ đạo sắc sảo để vụ việc nhanh chóng đi đến kết luận", trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.

Trong vụ việc này, Bộ Công an đóng vai trò là bộ phận tham gia cùng Bộ GTVT với chức năng là cơ quan điều tra nên tích cực tham gia vào việc làm rõ thông tin từ báo chí. Khi được hỏi về việc Bộ Công an có nên khởi tố vụ án để điều tra theo thông tin từ báo chí hay chưa, tướng Thước cho rằng: Việc đó có thể chưa cần.

Được biết, liên quan đến các thông tin về nghi án “nhận hối lộ 16 tỷ đồng”, chiều tối 24/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cử Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trực tiếp sang bên Nhật Bản để xác minh nguồn tin từ báo chí.

Cũng trong cuộc họp của Bộ GTVT chiều 24/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu khẩn trương tổng hợp xong hồ sơ, có báo cáo giải trình của các cơ quan đơn vị liên quan; đồng ý đề xuất của Thanh tra Bộ GTVT sẽ lập tổ điều tra xác minh do Chánh thanh tra làm Tổ trưởng; chủ động xây dựng ngay kế hoạch thanh tra, tập trung làm trước các dự án có JTC tham gia.

Đây được coi là hoạt động tiếp theo sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng, trong buổi họp chiều 23/3 đã giao Thanh tra Bộ thành lập các đoàn thanh tra, thanh tra tất cả các dự án mà JTC đã và đang tham gia, trước mắt là các dự án thuộc lĩnh vực đường sắt.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng giao cho Vụ Hợp tác quốc tế dự thảo công hàm gửi JICA và Đại sứ quán Nhật bản về quan điểm xử lý vụ việc của Bộ GTVT rất khẩn trương, quyết liệt, rõ ràng và minh bạch; và sẽ có thư yêu cầu phía JTC cung cấp rõ danh tính những cá nhân nhận tiền theo báo chí Nhật nêu.

LÝ GIẢI CỦA BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT VỀ 64 CHIẾN SĨ HI SINH TRÊN ĐẢO GẠC MA

Cuteo@: Bài của bạn đọc Tre làng cung cấp.

Báo Đại Đoàn Kết lý giải chuyện Việt Nam để cho 64 chiến sĩ chiến đấu đơn độc trên đảo Gạc Ma trước bầy sói dữ

Trong dịp tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, ngày 14/3/2014, báo Đại Đoàn Kết đã có bài “Một nén tâm nhang”. Tác giả bài viết là Đức Anh – bút danh của Tổng biên tập Đinh Đức Lập.

Ở mục 2 của bài viết, tác giả đã đưa ra câu hỏi: “Sao lại để các anh (64 chiến sĩ) chiến đấu đơn độc giữa biển khơi, trước bầy sói dữ?”. Và tác giả đã lý giải đó là thực hiện mệnh lệnh của cấp trên: “Hết sức bình tĩnh, kiềm chế, tự vệ là chính, không nổ súng trước, nhưng kiên quyết, táo bạo, với phương châm có người có đảo, còn người còn đảo”. Tác giả bình luận: “Tôi nghĩ, đứng trước một âm mưu, một tham vọng chiếm trọn Biển Đông chúng ta đã khôn khéo không sập bẫy khiêu khích của kẻ địch, khi mà lực của chúng ta còn chưa đảm bảo chắc thắng cho việc bảo vệ chủ quyền an toàn cho các đảo trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc”.

Vậy là có “chủ trương chỉ đạo của cấp trên” thà thí gần trăm sinh mạng binh lính còn hơn là để bầy sói dữ nổi khùng chiếm trọn biển Đông.

Mà mệnh lệnh cấp trên ở đây là ai nhỉ? Bài báo không nói đến.

Cũng với “ný nuận” là chúng ta không đảm bảo chắc thắng nên không tổ chức chiến đấu bảo vệ Gạc Ma thì lập luận này quá ươn hèn. Tổ tiên ta có bao giờ đợi lớn mạnh hơn kẻ địch mới đứng lên kháng chiến đâu?. Ai mà cũng “ný nuận” kiểu này thì mất nước sớm không chừng.

Đức Dũng

Dưới đây là bài trên báo Đại Đoàn Kết

ANH THĂNG: CẦN CÔNG KHAI DANH TÍNH NGƯỜI LIÊN QUAN

Bộ trưởng Thăng "cần công khai danh tính người liên quan"


Bà Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội Hà Nội) khẳng định với Infonet: Phải công khai danh tính người nhận hối lộ khi được hỏi về vụ nhà thầu Nhật Bản khai đã đưa hối lộ hơn 16 tỷ đồng cho quan chức ngành đường sắt Việt Nam.

Ảnh: Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng

"Khi nghe thông tin việc vị Giám đốc Công ty Tư vấn Giao thông Vận tải Nhật Bản (JTC) có trụ sở ở Tokyo, vừa thừa nhận đã phải trả tiền hối lộ 80 triệu yen (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ yen (khoảng 862,8 tỷ đồng) ở Việt Nam, theo tôi sự việc này khá là nghiêm trọng, liên quan đến đạo đức, phẩm chất của người cán bộ, sự việc này còn là vấn đề quốc thể và sự xấu hổ khi biết thông tin Công ty Nhật Bản phải đưa hối lộ cho lãnh đạo ngành đường sắt mới được hợp đồng dự án. 

Theo thông tin tôi cũng biết, hôm qua Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tổ chức họp và chỉ đạo đình chỉ công việc của vị giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt việc này tôi đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, mới nghe thông tin đã quyết liệt xử lý, ứng xử như vậy là rất tốt. 

Ảnh: Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Hà Nội (Ảnh: Xuân Hải)

Theo tôi đồng chí tư lệnh trưởng của ngành giao thông cần làm dứt điểm, công khai những việc mình làm và danh tính của những người liên quan đến vụ việc này. Việc nhận hối lộ như vậy sẽ khiến các công trình thi công không được đảm bảo, sẽ kéo theo tính mạng của nhiều người dân khác và ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với nước ngoài".

Trước đó, tờ nhật báo lớn nhất Nhật Bản Yomiuri Shimbun đưa tin, ngày 21/3, ông Tamio Kakinuma, Giám đốc Công ty Tư vấn Giao thông Vận tải Nhật Bản (JTC) có trụ sở ở Tokyo, vừa thừa nhận đã trả tiền hối lộ 80 triệu yen (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ yen (khoảng 862,8 tỷ đồng) ở Việt Nam.

Theo tờ Yomiuri Shimbun thông tin, một người được cho là công tác ở đơn vị quản lý dự án của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam đã được JTC "lại quả" số tiền 80 triệu yen trên. Song, danh tính người này không được tiết lộ. 

Những thông tin trên được ông ông Tamio Kakinuma khai nhận sau khi đội điều tra đặc biệt của Văn phòng Công tố Tokyo chất vấn hôm 18/3.

Xuân Hải

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

CƯỜNG HÀO MỚI Ở HIỆP HÒA BẮC GIANG: MUÔN KIỂU ÉP DÂN


(PetroTimes) - Không xác minh lý lịch kết nạp Đảng, gửi công văn yêu cầu nhà máy, xí nghiệp, cơ quan hành chính Nhà nước cho công nhân viên chức nghỉ việc để “vận động” gia đình nhận tiền đền bù… Đó là những “thủ đoạn” mà chính quyền huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang đã và đang dùng để ép người dân nhận tiền bồi thường thu hồi ruộng đất.

Ảnh: Công văn ép cô giáo dạy tiểu học phải nghỉ việc ở nhà đề "vận động" chồng nhận tiền đền bù, giao đất cho dự án.

Không giao đất thì… nghỉ việc

Muốn thuyết phục người dân thuận theo một chủ trương nào đó thì phải đến tận nhà trò chuyện, khuyên nhủ, giải thích… đó là cách mà người ta hay gọi là vận động. Thế nhưng, chính quyền huyện Hiệp Hòa lại nghĩ ra một cách để người dân nhận tiền bồi thường do thu hồi đất một cách rất… khác người, in đậm “cái tôi của người có quyền”.

Để thu hồi đất nông nghiệp của gần 200 hộ dân, Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa đã ban hành Quyết định số 651/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ do thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho công tác xây dựng khu dân cư số 3. Theo đó, mức giá bồi thường do thu hồi đất là 277 nghìn đồng/m2. Với giá đề bù như vậy, mỗi một sào ruộng (tương đường 360 m2) người dân được nhận 100 triệu đồng.

Với giá đền bù cho người dân chỉ vài trăm nghìn/m2, nhà đầu tư chỉ san ủi làm mặt bằng và sau đó bán lại ngay với giá cắt cổ: 4-5 triệu/m2. Người dân vừa mới bị thu hồi đất muốn mua lại thửa ruộng của mình cũng phải trả một cái giá không hề rẻ.

Bên cạnh đó, nông dân Hiệp Hòa không được hướng nghiệp, tạo công ăn việc làm sau khi thu hồi đất. Chính những bất cập này khiến người dân không đồng tình với dự án. Để dự án được triển khai êm thấm, thay vì thương lượng, tìm phương án giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý thì các cán bộ huyện Hiệp Hòa lại không từ bất cứ thủ đoạn để ép người dân phải nhận tiền, giao đất.

Gia đình Nguyễn Văn Hợi có hơn 5 sào ruộng nằm trong diện bị thu hồi để phục vụ dự án khu dân cư số 3. Tháng 6/2013, bất ngờ ông nhận được giấy mời lên trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Đức Thắng (huyện Hiệp Hòa) để nhận tiền bồi thường do bị thu hồi ruộng. Đến lúc này, gia đình người nông dân này mới hay về dự án và việc mình bị thu hồi đất ruộng.

Không chấp thuận mức giá đến bù quá thấp, gia đình ông Hợi quyết không chấp thuận nhận tiền bồi thường. Bị ông cự tuyệt tiền bồi thường, chính quyền nơi đây tìm đủ mọi cách để ép ông phải nhận. Một mặt chính quyền cho người vận động, mặt khác cho đơn vị san lấp xới tung những thửa ruộng của nhà ông.

“Thấy tôi nhất quyết không nhận tiền đền bù, chính quyền nơi đây tìm cách ép tôi bằng mọi cách. Tôi có một người con trai tên là Nguyễn Trọng Nghĩa, đang công tác tại Nhà máy phân đạm Bắc Giang. Vừa qua, trên huyện có gửi công văn đến nơi con trai tôi làm việc yêu cầu cơ quan cho nó nghỉ làm một thời gian để về nhà vận động gia đình nhận bồi thường thu hồi đất” - ông Hợi nói.

Cũng rơi vào hoàn cảnh éo le, nhiều tháng qua, anh Nguyễn Văn Quỳnh phải sống trong lo âu, dằn vặt giữa công việc của vợ mình và những thửa ruộng nuôi sống gia đình bao năm qua. Theo lời kể của anh Quỳnh, vợ anh là chị Nguyễn Thị Hương hiện đang làm giáo viên tại Trường Tiểu học Hùng Sơn. Gia đình anh bị thu hồi 3 sào ruộng, do mức giá quá thấp nên anh quyết không nhận.

Không thuyết phục được anh nhận tiền, chính quyền nơi đây quay sang ép vợ anh.

Rất nhiều công văn "gây sức ép" được gửi đến nơi công tác của những người dân không nhận tiền đền bù.

Ngày 12/3, cô giáo Nguyễn Thị Hương nhận được một công văn của Trưởng phòng Giáo dục huyện gửi cho lãnh đạo nhà trường với nội dung yêu cầu cô thuyết phục gia đình mình nhận tiền đền bù thu hồi ruộng. Đồng thời công văn này cũng yêu cầu hiệu trưởng cho nghỉ việc, bố trí người khác thay thế cô để cô "tập trung thực hiện nhiệm vụ thuyết phục vận động gia đình nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng".

Trước đó, cô đã nhiều lần bị Trưởng phòng Giáo dục huyện mời lên phòng để... "uống nước". Sau đó đích thân Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Chính cùng với ông Nguyễn Anh Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Sơn làm việc trực tiếp với cô.

Điều đáng nói thêm, cô Hương không phải là nhân vật chính trong việc nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng mà là chồng cô. Thuyết phục không được anh Quỳnh, chính quyền huyện gây áp lực lên cô.

“Họ làm đủ cách để gây áp lực lên vợ tôi. Nếu cô ấy không đồng ý thì trường sẽ bị cắt thi đua. Họ còn bắn tiếng sẽ chuyển công tác vợ tôi đi xa. Bây giờ tinh thần cô ấy rất mệt mỏi” - anh Quỳnh nói.

Không chỉ những trường hợp trên phải nhận tiền đền bù theo kiểu “đè đầu cưỡi cổ”. Con trai và con dâu của ông Nguyễn Văn Châu đang công tác tại Điện lực Bắc Giang cũng bị huyện Hiệp Hòa gửi công văn lên cơ quan đề nghị cho nghỉ việc ở nhà vận động bố nhận tiền bồi thường.

“Biết tôi không đồng ý nhận bồi thường nên họ cũng chẳng vận động tôi chấp thuận. Nhiều khi thấy hai vợ chồng chúng nó về thăm bố mẹ mà mặt nặng mày nhẹ. Làm cha, làm mẹ ai không thương con, nhưng nhận số tiền đó rồi mất ruộng vĩnh viễn, không nghề nghiệp lấy gì để tồn tại” - ông Châu nói.

Không chỉ dùng phương pháp ép từ nơi con cái của những người nông dân đang công tác, làm việc. Theo phản ánh của người dân, chính quyền nơi đây còn có những động thái không được minh bạch cho lắm, coi thường nông dân.



Thông báo kiểu lén lút, thiếu tôn trọng người dân của chính quyền địa phương. Mẩu giấy thông báo bồi thường không to bằng bao thuốc lá.

Để thông báo mức giá đền bù và phương án đền bù, chính quyền Hiệp Hòa in bằng một tờ giấy bé bằng bao thuốc lá. Là dự án xây dựng khu dân cư với vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, thế mà gần 200 hộ dân bị thu hồi đất lại nhận được thông báo phương án bồi thường giải phóng mặt bằng bé tẹo. Tờ giấy ghi 2 phương án bồi thường để người dân lựa chọn, ngoài ra không có bất kì thông tin gì về cơ quan phát hành thông báo, chữ ký của người có thẩm quyền…

Công khai “dùng vợ ép chồng, dùng con ép cha”

Để làm rõ các vấn đề trên, chiều ngày 19/3/2014, nhóm phóng viên PetroTimes có mặt tại trụ sở UBND huyện Hiệp Hòa để làm việc với bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Chính - Phó Chủ tịch và một số lãnh đạo và các phòng ban chuyên môn huyện Hiệp Hòa.

Một cô giáo tiểu học, một công nhân nhà máy phân đạm chẳng liên quan gì đến dự án, vậy mà họ cũng bị chính quyền huyện Hiệp Hòa lôi vào cuộc. Để rồi nảy sinh bi kịch phải lựa chọn giữa công việc và tình thân máu mủ.

Để yên ổn làm việc, họ phải ép buộc người thân trong gia đình nhận tiền bồi thường, nhiều người đã rớt nước mắt cầm tiền vì con cái. Nhiều người quyết giữ đất, họ phải đối mặt với chuyện “tình máu mủ bị sứt mẻ”, bố con cãi nhau, vợ chồng cãi chửi… Ấy vậy mà các “ông” trên huyện vẫn bảo “đó là chủ trương chính sách”.

Như lời ông Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Chính quả quyết: “Chúng tôi vận động theo đúng pháp luật chứ có phạm pháp gì để phải tù tội đâu mà sợ”.

Về những “quái chiêu” này, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Chính thừa nhận đã có những công văn gửi đến các cơ quan của người dân để yêu cầu các cơ quan này có trách nhiệm yêu cầu những người này thực hiện chủ trương của chính quyền. Tuy nhiên, ông cho biết: “Đây là vấn đề đạo lý để vận động người nhà mình phải có trách nhiệm với chủ trương, nhất là các Đảng viên. Gửi công văn là một trong những biện pháp mà chính quyền huyện dùng để tác động cho người dân chấp nhận tiền bồi thường”.

Khu đất 12 hecta của dự án.

Lý giải về việc, những người bị gửi công văn không liên quan trực tiếp đến mảnh đất giải tỏa, ông Nguyễn Văn Chính cho biết, tuy những người này không phải là chủ thể trực tiếp, nhưng họ phải có trách nhiệm thuyết phục người nhà thực hiện chủ trương của chính quyền. Những người này dứt khoát phải có trách nhiệm. “Nếu không gửi công văn cho nghỉ việc để ở nhà vận động gia đình nhận tiền đền bù thì chúng tôi biết làm thế nào”.

Liên quan đến công văn đề nghị cho cô giáo Hương nghỉ dạy để vận động chồng nhận đền bù, ông Phạm Văn Nghị - Trưởng Phòng Giáo dục đào tạo Hiệp Hòa khẳng định: “Đây là chủ trương, chính sách của huyện nên phòng phải chấp hành. Sau khi nhận được công văn của UBND huyện về việc tạo điều kiện cho cô giáo Hương nghỉ dạy để có thời gian vận động chồng nhận đền bù, tôi đã mời cô Hương lên phòng nói chuyện 3 lần. Chính tôi là người yêu cầu Hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Sơn cho cô hương nghỉ dạy một thời gian”.

Như vậy, qua buổi làm việc với PetroTimes, chính quyền Hiệp Hòa đã công khai việc họ ép dân. Để người dân chấp thuận bán ruộng với giá rẻ mạt 277 ngàn đồng/m2, các cán bộ nơi đây đã không từ một thủ đoạn nào…

(Còn tiếp)

Nhóm phóng viên PetroTime

TƯỚNG CƯỚP HỒ DUY TRÚC BỊ ÁN TỬ HÌNH

Người tình ngã quỵ khi tướng cướp Hồ Duy Trúc bị y án tử
Bế đứa con 8 tháng tuổi ngóng tin ngoài cổng toà, khi biết Trúc - tướng cướp chặt tay cô gái đi SH - không được giảm án, cô gái vật vã khóc. 


Sáng 24/12, Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xem xét đơn xin giảm án tử hình của Hồ Duy Trúc. Được dẫn giải đến tòa trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát, Hồ Duy Trúc tươi cười vẫy chào người thân.


Ngoài Hồ Duy Trúc bị cấp sơ thẩm tuyên án tử hình, còn có 3 bị cáo khác là Trần Văn Luông (25 tuổi, quê Bến Tre), Huỳnh Thanh Sơn và Trần Thanh Tuyền (22 tuổi, quê Ninh Thuận) - đồng phạm với Trúc trong hầu hết các vụ cướp - cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt lần lượt là chung thân, 18 và 12 năm tù.


Là người đầu tiên được gọi lên thẩm vấn, Trúc tỏ vẻ căng thẳng khi thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã quy kết. Trả lời lý do xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo nói: "Mức án cao quá. Bị cáo rất hối hận về những gì mình làm. Gia đình bị cáo đã bồi thường một phần cho chị Thúy và cũng được chị ấy bãi nại". Trúc cũng cho rằng mình còn có một con nhỏ, cha mẹ già cần được chăm sóc.


Trong khi đó, cha mẹ Trúc và người thân không được phép vào phòng xử vì an ninh phiên tòa buộc phải siết chặt trước phản ứng tiêu cực của những người này tại phiên xử sơ thẩm. Hai ông bà già cứ đứng mãi ở cầu thang, gần phòng xử Trúc. Họ không ngừng khóc.


Được nói lời sau cùng, Trúc cũng mất vài giây tần ngần. Giọng Trúc nghẹn ngào: "Bị cáo gửi lời xin lỗi đến các bị hại, đặc biệt là chị Thúy. Bị cáo biết mình có lỗi rất nhiều, mong chị Thúy và mọi người tha thứ cho bị cáo. Mong tòa giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo cơ hội sửa chữa thành người lương thiện về nuôi dưỡng mẹ già, con nhỏ. Con xin lỗi cha mẹ...". Nói đến đây, Trúc quay xuống dưới tìm cha mẹ nhưng không thấy. "Xin tòa cho bị cáo một con đường sống", Trúc lặp lại.


"Xét tính chất côn đồ, hành vi phạm tội có tổ chức, dùng hung khí nguy hiểm, quyết tâm thực hiện tội phạm cao. Trước đó, Trúc còn bị TAND tỉnh Bình Thuận xử phạt 2 bản án tổng cộng 12 năm tù. ... Đây là những tình tiết tăng nặng cho thấy Trúc có tính côn đồ, tội phạm chuyên nghiệp, mất hết nhân tính nên cần phải áp dụng mức án cao. Dù gia đình bị cáo đã bồi thường một phần cho bị hại và được bị hại xin giảm án nhưng đây là vụ án đặc biệt nguy hiểm, cần phải xử nghiêm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung", chủ tọa đọc bản án và công bố quyết định giữ nguyên mức án tử hình với Trúc. Bị cáo Luông và Sơn cũng bị bác kháng cáo, y án chung thân và 20 năm tù.


Ngồi thẫn thờ dưới sân do không được vào phòng xử, mẹ của Trúc như chết lặng khi con bị giữ nguyên án tử hình. Vợ Luông (áo xanh) cũng ngóng tin chồng từ ngoài phòng xử.


Trúc được hàng chục cảnh sát dẫn ra xe trong tiếng gào khóc của cha mẹ, người thân.


Trong khi đó, ngoài cổng tòa, người vợ không hôn thú của tướng cướp cũng ngất lên ngất xuống nhờ người giữ con để ào vào sân toà nhìn mặt Trúc lần cuối.

Kiến Tường

TẠM ĐÌNH CHỈ 2 PGĐ TỔNG CÔNG TY ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM

Dư luận viên Nhật Quang 

(Seatimes) Hai Phó giám đốc của Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam sẽ bị đình chỉ công tác 10 ngày để phục vụ quá trình điều tra liên quan đến cáo buộc cán bộ ngành này nhận số tiền hối lộ lến đến 16 tỷ đồng.

Đó là thông tin từ phía lãnh đạo Tổng Cty Đường Sắt cho biết về việc đình chỉ công tác đối với ông Ngô Anh Tảo và ông Trần Quốc Đông, cả hai ông này giữ chức vụ Phó tổng Giám đốc của công ty.

Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam 

Ông Tảo và ông Đồng sẽ phải viết tường trình cá nhân về thời gian công tác liên quan đến dự án đường sắt đô thị số 1, một trong những dự án được đầu tư bởi nguồn vồn ODA của Nhật Bản.

Dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi đang trong giai đoạn 1, nhưng đang bị đình hoãn do các bên liên quan là Bộ GTVT, UBND TP.Hà Nội chưa thống nhất được hướng tuyến đoạn đi qua cầu Long Biên. Hợp đồng tư vấn do liên danh các công ty Nhật do JTC đứng đầu với giá trúng thầu là 2,9 tỉ Yen và 320 tỉ đồng. Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt VN đã ký hợp đồng ngày 9.9.2009, thời gian thực hiện từ 1.10.2009 đến 30.11.2011.

Trong quá trình thực hiện dịch vụ tư vấn, do có một số nội dung thay đổi, phát sinh (như tăng diện tích, số lượng công trình, điều chỉnh vị trí các nhà ga, thay đổi vị trí cầu vượt sông Hồng theo khuyến nghị từ kết quả nghiên cứu HAIMUD của JICA về phát triển đô thị kết hợp với vận tải khối lượng lớn cho TP.Hà Nội...), tổng giá trị hợp đồng tư vấn sau điều chỉnh là 3,6 tỉ Yen và 236 tỉ đồng, thời gian thực hiện kéo dài thêm 11 tháng đến ngày 31.10.2012.

Quá trình thực hiện dự án đường sắt số 1 có 3 cá nhân từng làm trưởng ban quản lý các dự án đường sắt. Đầu tiên là ông Trần Văn Lục, hiện là Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ GTVT. Ông Lục là người liên quan tới thời điểm mở hồ sơ thầu để chọn nhà thầu tư vấn. Kết thúc thời gian chọn thầu và tạm ứng tiền cho nhà thầu thì ông Lục nghỉ. Ông Lục hiện được Bộ GTVT yêu cầu tạm dừng công tác để giải trình vụ việc. Tiếp đó tới ông Trần Quốc Đông và ông Nguyễn Văn Hiếu.

Về phía lãnh đạo Bộ Giao Thông Vận tải sau khi nhật báo Yomiuri Shimbun đưa tin việc ông Tamio Kakinuma, chủ tịch Tập đoàn JTC, thú nhận với cơ quan điều tra của Nhật về khoản hối lộ các quan chức Việt Nam khoản tiền lên đến 16 tỷ đồng, bộ GTVT đã nhanh chóng triệu tập cuộc họp bất thường, nhằm làm rõ các thông tin liên quan vụ việc. Bộ trưởng Đinh La Thăng đích thân chủ trì.

Đây có thể coi là lần đầu tiên, trước một vụ việc có dấu hiệu tham nhũng liên quan đến quan chức trong nước, do báo chí nước ngoài đưa tin, được phía cơ quan chức năng Việt Nam sốt sắng “vào cuộc”. Theo bộ trưởng Thăng “Chính việc chúng ta làm việc nghiêm túc công khai minh bạch về việc này sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị hợp tác, đối tác chiến lược sâu rộng.”

“Tôi yêu cầu thành lập đoàn thanh tra, thanh tra tất cả các dự án của JTC, rà soát lại việc giải ngân từ trước, dừng đàm phán giai đoạn hai. Đối tác từ phía Nhật bị điều tra như vậy thì chúng ta không thể đàm phán được." Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

CHUYỆN CHỦ NGHĨA

Thượng tướng Phùng Thế Tài là một vị tướng có nhiều giai thoại lí thú được lưu truyền trong các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, từ lúc còn là người cận vệ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến lúc được phong hàm Thượng tướng.
Ông từng có mặt trong đoàn quân Tây Tiến rồi đến Tư lệnh đầu tiên của một Quân chủng hiện đại còn hết sức non trẻ của Quân đội ta khi đó-Quân chủng Phòng không Không quân. Sau chiến thắng "Điện Biên phủ trên không" vang dội, ông được gọi là ‘’Vị tướng của tháng 12 lịch sử’’.
Cánh lính trẻ rất thích thú trước tướng Phùng Thế Tài bởi bản tính xuề xòa nhưng không phải không sợ cái oai rất tướng của ông, thân hình cao to, tiếng nói sang sảng khuôn mặt hồng hào và tính nóng như lửa của ông. Chính vì cái tính nóng với cấp dưới mà ông đã nhiều lần bị Bác Hồ chỉnh. Có thể nói ít tướng lĩnh nào của Việt Nam lại gắn bó với Bác Hồ như Thượng tướng Phùng Thế Tài. 
Ông gắn bó với Bác từ những ngày còn bên Trung Quốc đến khi Bác về Pác Bó trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Khi Bác mất, ông lại là một trong những người chỉ đạo công việc bảo quản thi hài Bác.
-----------------
Tại Côn Minh, năm 1940, đồng chí Vũ Anh giới thiệu " Đây là chú Nghĩa, đảng viên, mọi điều tôi đã dặn kỹ, xin tiên sinh an tâm".
Chú Nghĩa, năm ấy mới hai mươi tuổi, được giao nhiệm vụ giao thông kiêm bảo vệ cho Già Vương, đưa Già Vương từ Côn Minh về nước. 
Chú Nghĩa có nhiều tài, nhiệt tình, tháo vát, giỏi võ, lại thông thạo địa bàn.
Đưa Già Vương về tới biên giới, chú trở lại Côn Minh để hoạt động. Bác căn dặn: Nghĩa phải chín chắn hơn, luôn điềm tĩnh, không được manh động. Phải lấy việc hoạt động cách mạng, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân làm trọng.
Ở lại, chú Nghĩa được quân đội Tưởng Giới Thạch tuyển vào học lớp nghiệp vụ tình báo của trường quân sự Hoàng Phố, được phong cấp Thiếu hiệu. Chú Nghĩa mê súng và bắn súng giỏi.
Ở Côn Minh, chú Nghĩa tổ chức quyên tiền mua và vận chuyển vũ khí về nước chuẩn bị cho thời cơ khởi nghĩa vũ trang. Chú nóng ruột lắm, chỉ mong được về nước hoạt động. Năm 1942, chú Nghĩa cùng vài người khác lại được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác ở Pác Bó, và đi theo Bác trong các chuyến đi của Bác sang Trung Quốc.
Trong chuyến đi Vân Nam, Bác dẫn theo viên phi công Mỹ, chú Nghĩa nảy ra sáng kiến "trưng dụng" hai con ngựa của dân, để Bác và viên phi công cưỡi, Bác không chịu đi ngựa, bảo: Sao chú cứ hay làm phiền dân thế, chú mượn được thì chú đi, bác không đi. Chú Nghĩa đành ấm ức đem trả lại. Lúc về, chú Nghĩa lại ngỏ ý muốn kiếm ngựa cho Bác đi, Bác nói: Chú nghĩ xem, người ta chỉ có con ngựa để kiếm ăn. Chú lấy đi, được việc chú, nhưng người ta lấy gì nuôi vợ, nuôi con. Dân Tàu thì cũng khổ như dân mình thôi.
Khoảng một tuần sau, Bác cháu lại cùng nhau sang Côn Minh, chú Nghĩa lại nảy ra sáng kiến, chú muốn mua con gà để Bác cháu "cải thiện". Chú mua gà của trưởng thôn, nhưng kèm theo câu "không bán thì tôi đập chết!". Cũng đợt đi này, chú Nghĩa còn bất đắc dĩ kiêm luôn chức vụ "bác sĩ riêng" của Bác.
Đi về, hoàn thành nhiệm vụ rồi, nhưng trước tình hình mới, chú Nghĩa lại ấm ức, chú nhờ anh Vũ Anh và anh Hoàng Hữu Nam nói với Bác, cho chú được trực diện đánh nhau với địch, còn việc bảo vệ xin giao lại cho người khác.
Mãi rồi Bác cũng đồng ý, nhưng dặn:
Chú đòi ra chiến đấu, Bác chấp nhận, nhưng Bác còn phân vân hai điều: một là tính chú nóng nảy, bây giờ chú mới là lính, cách mạng phát triển, quân đội phát triển, chú cũng phát triển, sau nay có thể là tướng, là quan. Làm tướng mà nóng tính là hỏng việc. Hai là, chú có tính liều. Có Bác bên cạnh mà chú còn dám bắt gà, bắt ngựa của dân, sau này chú ra hùng cứ một phương, làm điều sai quấy, ai ngăn được chú. Thôi chú ra chiến đấu cũng được nhưng nhớ phải sửa bằng được hai điều ấy.
À mà chú Nghĩa liều thật, lúc Bác bị sốt rét nặng, chú "tháo vát", tự ý chích thẳng thuốc ký ninh vào ven. Bác bảo: Bác chưa thấy ai tiêm ký ninh vào ven như chú cả. Nhưng thôi, Bác còn sống là may rồi.
Chú Nghĩa hứa với Bác, có anh Vũ Anh bảo lãnh.
Ít lâu sau, Nhật đảo chính Pháp, chánh mật thám Bắc Cạn cùng vợ và năm lính Pháp trên đường trốn chạy sang Trung Quốc bị chú Nghĩa tóm được. Chú Nghĩa thu được 6 súng ngắn, sáu đồng hồ và mấy vạn đồng Đông Dương. Lính khố đỏ thì chú Nghĩa tha cho về, còn bọn mật thám Tây thì chú ... tự xử. Xong xuôi, chú kéo quân về báo cáo "thành tích" với anh Vũ Anh.
Vũ Anh, mặt tái mét, hoảng hồn: Thôi chết, lẽ nào chú không biết gì về chính sách đoàn kết của mặt trận Việt Minh hiện nay? Giờ tôi biết ăn nói với Ông Cụ thế nào?
Chú Nghĩa cũng hốt hoảng không kém, và ân hận, thôi việc đã lỡ, anh cho em đi phát triển phong trào, chứ em không dám ở đây gặp mặt Ông Cụ.
Những năm chú Nghĩa đi theo bảo vệ Bác, Bác đặt tên chú Nghĩa là Phùng Hữu Tài, hẳn là có một ẩn ý nào đó. 
Mãi chục năm sau này, khi đã làm Đại đoàn phó Đại đoàn 320, chú Nghĩa mới xin Bác cho đổi lại thành Phùng Thế Tài.

Thượng tướng Phùng Thế Tài 

Thượng tướng Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân, đã qua đời ngày 21/3, hưởng thọ 94 tuổi.
Thượng tướng Phùng Thế Tài, sinh năm 1920, quê huyện Thường Tín, Hà Nội, đã qua đời hồi 13 giờ 50 phút ngày 21/3 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 175, TP HCM.
Thượng tướng Phùng Thế Tài là cán bộ lão thành cách mạng, 75 năm tuổi Đảng, tham gia cách mạng năm 1936. Ông nhập ngũ tháng 12/1944, từng trải qua các chức vụ Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không… Ông là Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không-Không quân khi quân chủng này được thành lập năm 1963. Ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hàng không dân dụng.
Ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác.