Khoai@
"Sống trên đời cần có một tấm lòng"
Một vị luật sư rất lý và cũng rất tình.
Câu chuyện luật sư bật khóc, cảm thông cho gia đình tướng cướp Hồ Duy Trúc (kẻ chặt tay cô gái cướp xe SH vào cuối tháng 11/2012) khiến nhiều người ngạc nhiên.
Chuyện các lật sư sau thời gian bào chữa lại quay ra đồng cảm với tội phạm thì không phải là hiếm. Nhưng việc 1 luật sư xin nhận con tử tù về để nuôi thì đúng là quá hiếm gặp.
Luật sư bật khóc xin nhận con của tử tù chặt tay cướp SH về nuôi ăn học
Câu chuyện luật sư bật khóc, cảm thông cho gia đình tướng cướp Hồ Duy Trúc (kẻ chặt tay cô gái cướp xe SH vào cuối tháng 11/2012) khiến nhiều người ngạc nhiên tột độ.
Nguyên nhân nào đã khiến cho vị luật sư ấy cảm động đến mức phải nghẹn ngào rơi nước mắt? PV đã gặp gỡ nhân vật trên để làm rõ câu hỏi này.
Cuộc gặp tình cờ ngày cuối năm
Trưa một ngày cuối tháng 3/2014, kết thúc phiên tòa phúc thẩm xử đối tượng Hồ Duy Trúc và đồng bọn phạm tội cướp tài sản, người dự khán được chứng kiến một tình huống có thể nói “xưa nay hiếm”: Những giọt nước mắt rơi lã chã trên gương mặt của vị luật sư bào chữa cho Trúc. Luật sư vừa bước ra sân tòa, bố mẹ bị cáo Trúc và mọi người lật đật chạy với theo. Họ chạy theo không phải để đe dọa, chửi bới hay có thái độ hành hung như một số người lầm tưởng; mà họ vây lấy luật sư là để hỏi han, cảm tạ tấm lòng của ông.
Lạ hơn nữa khi người ta thấy vị luật sư tuyên bố giữa sân tòa rằng sẽ nhận cháu Nguyễn Hồ Duy Khoa (8 tháng tuổi, con của tử tù Hồ Duy Trúc) về nuôi ăn học đến tuổi trưởng thành, đồng thời hứa sẽ tạo hoặc tìm việc làm cho tất cả những người chưa có việc làm trong gia đình tử tù. Rồi vị luật sư điềm tĩnh nói với bố mẹ, vợ con Trúc: “Nhưng bây giờ tất cả hãy về nhà con ăn uống nghỉ ngơi cho khỏe đã, xong việc con sẽ lo liệu những việc lâu dài…”. Luật sư “là lạ” đó là anh Lê Nguyễn Lê Vi, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Việt Luật - Lê Vi chi nhánh Ninh Thuận, thuộc đoàn luật sư TP.HCM. Do bận rộn quá nhiều công việc nên sau phiên tòa, anh đã quay trở về quê Ninh Thuận ngay.
Tâm sự với PV qua email và điện thoại, luật sư Lê Vi vẫn không giấu được cảm xúc của mình khi nói về cơ duyên gặp gia đình bị cáo Trúc. “Tôi sinh ra tại mảnh đất Ninh Thuận đầy khắc nghiệt. Hồi đó gia đình tôi có nhiều biến cố nên ngay từ nhỏ ba tôi đã dạy tôi phải biết thương người, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Những lời răn dạy đó đã theo tôi suốt cuộc đời…
Nên khi gặp hoàn cảnh của gia đình Trúc, tôi không thể nào cầm lòng được, nên đã quyết định sẽ làm hết mình, mong có một tia hy vọng nào đó…”, anh trải lòng. Sau khi vụ chặt tay cô gái đi SH xảy ra, qua thông tin báo đài, anh cũng có đọc và nghe loáng thoáng về vụ của tướng cướng Hồ Duy Trúc, dù không để ý lắm. Cho đến một ngày gần Tết Giáp Ngọ, anh chở vợ con ra chợ tìm mua bình bông cúc về trưng cho sáng cửa sáng nhà vui xuân đón Tết. Giữa dòng người đông đúc đang nô nức mua sắm để chào đón năm mới, anh phát hiện có hai ông bà lão tuổi đã cao, sức yếu, gương mặt khắc khổ, đang lầm lũi đẩy chiếc xe tự chế chở mấy nải chuối luộc đi bán. Quan sát một lúc, anh thấy ông bà lão tội tội. Ai mua chuối luộc những ngày cận Tết.
Người nào người nấy chỉ lo mua sắm những thứ tươi ngon, đẹp đẽ đón Xuân. Suy nghĩ, cố lục trí nhớ, anh có cảm giác hình như cụ bà đó trông giống mẹ của tướng cướp Trúc mà anh từng thấy trên mặt báo. Để vợ con ngồi lại trên xe, anh bước xuống, chen giữa dòng người tấp nập, tiến lại gần hai cụ già và hỏi có phải cụ là mẹ của tướng cướp Trúc hay không? Cụ bà thấy có người lạ hỏi thì phần vừa sợ, phần vừa xấu hổ, nhưng vẫn thật thà gật đầu trả lời đúng.
Ảnh: Các đối tượng trong băng nhóm của Trúc
Gia đình “truyền đời” nghèo khổ
“Cái hình ảnh bố mẹ Trúc lầm lũi đẩy xe chuối luộc cô đơn ngày cuối năm cứ ám ảnh trong đầu tôi suốt gần nửa tháng trời. Tôi đắn đo suy nghĩ, nếu đứng ra bênh vực Trúc thì mình đi ngược lại với dư luận đang sôi sục căm thù tướng cướp lúc bấy giờ. Nhưng suy nghĩ kỹ, tôi thấy việc Trúc làm thì Trúc chịu, còn gia đình ấy, họ làm gì nên tội. Nghĩ mình nên làm một việc gì đó cho gia đình này, tôi bắt đầu tìm hiểu về hoàn cảnh của họ. Đúng là ngoài sức tưởng tượng của tôi bởi lẽ hoàn cảnh của gia đình hai cụ quá bi đát. Bà Trần Thị Út năm nay mới 64 tuổi nhưng trông giống như tuổi 80. Cuộc đời cụ khốn khổ đến mức khó có lời nào tả nổi. Cụ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh em không biết ai mất ai còn. Cụ đi ở đợ cho nhà người ta. Khi lớn lên cụ gặp một người Philippin là lính Mỹ hồi đó và sinh liên tù tì 5 người con. Tuy nhiên có một người con bị bắt cóc, một người con chết lúc mới 1 tuổi, một người khác bị tật nguyền bẩm sinh hiện đang ăn xin ở chợ Phan Rang suốt mấy chục năm qua. Chán nản với cảnh đó nên sau chiến tranh, người đàn ông ấy đã bỏ mặc mẹ con bà mà cao chạy xa bay”, luật sư Vi nói.
Những ngày lưu lạc sau này, cụ gặp ông Hồ Duy Tùng. Dù ít hơn bà gần chục tuổi, nhưng vì cảm thông với bà Út mà họ nên duyên vợ chồng. Họ đã có với nhau thêm 7 người con, trong đó Trúc là con áp út, và cũng là con trai duy nhất.
Nhà đông con, nhưng do cái nghèo cái đói mà các con của ông bà không được ăn học đến nơi đến chốn. Chính sự thất học ấy đã tạo nên những bi kịch trong gia đình. Mang tiếng là con cái lấy chồng, lấy vợ hết, nhưng thực tế chỉ có một người làm thủ tục đăng ký kết hôn đàng hoàng, còn lại là theo kiểu thích thì đến, ghét thì đi, tình chắp vá… Ông bà lão rất “giàu” con cháu, có tới 24 đứa cháu. Nhưng những đứa trẻ này bố mẹ chúng lại không nuôi. Có đến 11 đứa bị bỏ mặc, ông bà đành phải “kiêm nhiệm” làm cha, làm mẹ cho chúng. Lẽ ra ở cái tuổi gần đất xa trời, các cụ phải được nghỉ ngơi dưỡng già, đằng này họ còn phải chạy vạy ngược xuôi nuôi đàn cháu nheo nhóc. Mỗi ngày hai cụ đẩy xe chuối luộc đi bán quanh chợ Phan Rang kiếm không đủ tiền để mua gạo nấu cháo cho cả gia đình lúc nhúc người. Họ vay mượn lãi cao ở ngoài, nợ nần chồng chất.
Nhưng đó mới chỉ là cái nghèo cái khó ở bề nổi. Càng đi sâu tìm hiểu, vị luật sư càng choáng váng khi biết được rằng cách đây mấy năm về trước, báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực về vụ người thanh niên có tên Tô Công Luân bị dụ dỗ sang Trung Quốc bán thận để rồi bị biến chứng, trở thành thân tàn ma dại. Tô Công Luân chính là anh rể, lấy chị gái giáp với Trúc tên là Hồ Thị Khánh Minh. Vì cái nghèo cái đói, nhận thức nông cạn, Luân đã đi bán thận lấy tiền. Số tiền đó tính ra chưa bù được một phần nhỏ mà vợ Luân đã phải bỏ ra để một mình lần mò theo đường dây mua bán thận từ TP.HCM qua Trung Quốc để tìm chồng về, với mục đích duy nhất là chồng mình sẽ không chết mất xác ở xứ người…
Đồng cảm với cảnh nghèo khổ ở gia đình Trúc, luật sư Lê Vi đã đến gặp để tư vấn miễn phí. “Dù hết sức cảm thông chia sẻ với gia cảnh tận cùng khổ sở ấy, nhưng tôi vẫn nói với gia đình rằng tội ác của Trúc là rất khó tha thứ. Nếu Trúc vẫn bị tuyên án tử thì đó là bản án đúng người đúng tội, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Tôi khuyên gia đình cố gắng khắc phục một phần hậu quả cho người bị hại, nhưng mẹ Trúc đã đáp lại một cách thẳng thắn: “Chứ tiền đâu mà đưa”. Đúng như vậy bởi hai ông bà già lo chưa đủ cho mình, lại còn một đàn cháu, trong khi tài sản trong nhà chẳng có gì. Thấy quá vất vả, tôi xin được góp cho gia đình 5 triệu đồng. Ông bà nói muốn bán miếng đất đang ở, nhưng vì đất không có sổ đỏ, hơn nữa người ta nhìn vào, thấy một gia đình như thế thì cũng chẳng ai dám mua vì sợ xui… Do đó ông bà đành đi vay nặng lãi được 15 triệu vào khắc phục cho bị hại. Cũng vì tình người mà chị Thúy đã viết cho ông bà một giấy bãi nại, xin tòa án xem xét cho Trúc một con đường sống”, luật sư Vi hồi ức.
Lời bào chữa đặc biệt
Trong phiên xử phúc thẩm, là luật sư bào chữa cho bị cáo Trúc, nhưng khi trình bày trước HĐXX, người ta thấy hình như ông còn đóng một vai trò như một người anh của Trúc, một người anh biết em mình phạm tội tày đình nên gần như không than thở gì về hình phạt mà luật pháp đã dành cho đứa em tội lỗi ấy. Thay vào đó, ông đi vào lòng người bằng chất giọng đầy nghẹn ngào khi trình bày về số phận của những con người sau lưng tướng cướp:
“Trong vụ án này, tôi không dám nhận mình là luật sư, mà tôi chỉ muốn tới đó để thay mặt cho gia đình người phạm tội để nói lên những tâm tư, những điều mà có lẽ người ta không thể tưởng tượng được trong cái gia đình bao đời bần hàn khốn khó đó. Tôi chỉ mong mọi người hãy cảm thông, sẻ chia với những con người khốn khó ấy. Người nào có tội thì phải trả giá, nhưng mong nương tay với những con người từng hiền lành, thật thà chất phác, quá bất hạnh ấy”.
Những lời bào chữa đầy tình người ấy làm thay đổi gần như hoàn toàn những cái nhìn thiếu thiện cảm về gia cảnh quá éo le của tướng cướp.
Những lời bào chữa ấy không chỉ khiến cha mẹ, vợ chưa cưới của tướng cướp phải khấu đầu tạ ơn. Đôi mắt đờ đẫn hiện trên gương mặt hốc hác khắc khổ của hai cụ già, cộng với những cái quỳ lạy trước sân tòa đã khiến cho nhiều người thấy hết được bản chất khốn khó, hiền lành của gia đình ấy…
Biết được sự thật quá chua xót đó, nhiều tấm lòng gần xa đã đến với gia đình bố mẹ tướng cướp.“Hôm qua có người ở Đồng Nai gọi điện cho tôi xin địa chỉ của gia đình Trúc để chia sẽ chút lòng thành. Chiều cùng ngày gia đình Trúc đã nhận được 5 triệu đồng. Số tiền đó tuy không lớn với nhiều người, nhưng với gia đình Trúc hiện tại thì đó là cả một gia tài, nhất là để nuôi lũ cháu nheo nhóc qua ngày đoạn tháng”, luật sư Vi chia sẻ.
Tâm sự về chuyện nghề của mình, vị luật sư trẻ lặng lẽ: “Trước khi bước vào nghề luật sư, tôi đã suy nghĩ mình phải làm cho người ta được hòa thuận; làm sao cho người ta làm điều lành, tránh điều dữ; làm cho người ta hiểu cứ tha thứ thì sẽ được thứ tha”.
Tướng cướp “chém người như chém chuối”
“Tướng cướp” Trúc là đứa con trai duy nhất trong gia đình nên được chiều chuộng và cho ăn học đàng hoàng nhất. Hết lớp 10, Trúc vào Sài Gòn học nghề điện lạnh, đã có một việc làm tương đối ổn định.
Một vài lần nhậu nhẹt, Trúc gặp lại người bạn cũ cùng lớp là Trần Văn Luông (SN 1988, quê Bến Tre). Lâu ngày gặp lại nhau nên họ uống “không say không về”. Đến lúc say thì họ nảy sinh “sáng kiến” ra đường xem ai đi xe đắt tiền một mình thì chém người, cướp xe bán lấy tiền tiêu xài.
Chỉ trong một thời gian ngắn cuối năm 2012, Trúc cùng đồng bọn 14 lần chém người, cướp xe trên địa bàn TP.HCM. Vụ án dã man nhất là đêm 24/11/2012, chúng đi trên 2 xe máy hướng từ quận 7 qua quận 2. Khi đến chân cầu Phú Mỹ phía quận 7, chúng phát hiện chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (ngụ quận 2) đi xe SH một mình nên bám theo. Khi qua đoạn đường hoang vắng, trời tối, Luông chở Trúc vượt lên ép sát. Trúc lấy con dao lớn chém mạnh 3 nhát vào tay chị Thúy khiến cả người lẫn xe ngã ra đường. Trúc xuống lấy xe định tẩu thoát, nhưng chiếc xe không nổ máy. Cùng lúc, đồng bọn đi phía sau thấy trên người chị Thúy có mang chiếc túi nhỏ nên đã trờ xe tới giật phăng. Dù bị chém gần lìa bàn tay, chị Thúy vẫn cố kêu cứu mọi người đưa mình đi cấp cứu và truy đuổi bọn cướp. Sau gần 1 tiếng đồng hồ truy đuổi, công an đã tóm gọn băng cướp.
Trong số 14 vụ cướp với thủ đoạn tương tự như trên, Trúc tham gia 15 vụ, cướp hơn 600 triệu đồng; Trần Văn Luông tham gia 14 vụ, cướp hơn 570 triệu đồng, Nguyễn Hoàng Phương tham gia 12 vụ cướp hơn 500 triệu đồng; Trần Thanh Tuyền tham gia 2 vụ cướp hơn 130 triệu đồng…
Xét thấy hành vi của các bị cáo là vô cùng tàn bạo, thủ đoạn tinh vi, hành động dã man mất hết tính người, các nạn nhân không chết là nằm ngoài ý muốn của nạn nhân bởi các bị cáo thường dùng loại dao lớn, sắc, chém vào cổ, vai, tay… là những nơi trọng yếu có thể dẫn tới chết người… Đặc biệt chúng đã ra tay với nhiều người, là nỗi ám ảnh với những người hay đi vào ban đêm và phải qua những đoạn đường vắng, gây hoang mang trong dư luận… nên cuối năm 2013, trong phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên mức án tử hình với Hồ Duy Trúc, chung thân với Trần Văn Luông, 20 năm tù với Nguyễn Hoàng Phương, 18 năm tù với Huỳnh Thanh Sơn và 12 năm tù với Trần Thanh Tuyền.
Luật sư Lê Vi từng là một trong những người khởi xướng, giúp người dân bị thiệt hại kiện nhà máy Vedan đòi lại công bằng vì đã làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại cho dân trong vùng. Nhiều năm nay, chi nhánh văn phòng luật sư của ông tại Ninh Thuận tư vấn pháp luật hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người, không kể người đó giàu hay nghèo.
Nguồn Hoàng Quý (Pháp luật thời đại)