Chủ quyền Biển Đông: Đừng tuyên truyền bằng sự cẩu thả
Sai lầm chủ yếu là xác định sai phạm vi chủ quyền, gọi tên sai các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa. Tệ hơn, một số người còn không xác định được chính xác vị trí nào thuộc chủ quyền Việt Nam...
LTS: Gần đây có nhiều cơ quan thông tin đại chúng, thậm chí các nhà nghiên cứu về vấn đề Biển Đông, cũng đã có những phát biểu sai lầm gây nguy hại. Là người có nhiều năm nghiên cứu, đã từng trực tiếp phụ trách lĩnh vực biên giới- hải đảo của Chính phủ, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ TS Trần Công Trục rất trăn trở với những phát biểu không chính xác kể trên. Infonet trân trọng gửi đến độc giả, nhà nghiên cứu bài viết dưới đây.
Cho đến nay, liên quan đến phạm vi, vị trí, tên gọi của các thực thể (features) thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vẫn còn tồn tại nhiều quan niệm, thông tin khác nhau; ví dụ: phạm vi 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và tên gọi các đảo cũng đang có những nhận thức sai lầm, bất cập và nguy hại.
Bên cạnh đó, một số phương tiện truyền thông Việt Nam thời gian qua khi đưa tin về vấn đề biển đảo đã vô tình sử dụng sai tên gọi các đảo nổi, đảo chìm, bãi đá trong 2 quần đảo này khi dịch từ báo nước ngoài trong khi trên bản đồ hành chính quốc gia Việt Nam đã ghi rất rõ vị trí, tên gọi các địa danh này.
Cá biệt, ngay cả trong giới nghiên cứu và tham mưu về công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, vẫn có những quan điểm mơ hồ về các khái niệm đảo, đảo nổi, đảo chìm, đá, bãi cạn, bãi ngầm, quần đảo và quốc gia quần đảo nên đã có tác động tiêu cực đến quá trình đề xuất và xác định đối sách trước những diễn biến phức tạp ở 2 quần đảo này và cả ở trong Biển Đông.
Ví dụ: bãi Cỏ Mây, bãi Cỏ Rong… mặc dù là một bộ phận cấu thành chặt chẽ thuộc quần đảo Trường Sa, đã từng được Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ khẳng định một cách rõ ràng, nhưng vẫn có quan điểm cho rằng những khu vực này là của Philippines, vì nó nằm trong phạm vi 200 hải lý kể từ bờ biển của họ, hoặc chúng chỉ là những bãi cạn không liên quan gì đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nên không cần lên tiếng trước những động thái vi phạm đến các “thực thể” này.
Đây là một thực tế đáng buồn, không phải chỉ có ở nhận thức sai lầm của những người ít tiếp cận thông tin về Biển Đông mà ngay cả ở những người đứng trên hội trường diễn thuyết về vấn đề Biển Đông cũng có những nhầm lẫn đáng tiếc.
Sai lầm chủ yếu là xác định sai phạm vi chủ quyền, gọi tên sai các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, thậm chí tệ hơn, một số cá nhân thiếu hiểu biết còn gán ghép sai chủ quyền những hòn đảo thuộc chủ quyền Việt Nam cho nước đang chiếm đóng bất hợp pháp...
Để có thể góp phần làm sáng tỏ vấn đề này, trước hết, chúng tôi xin nói về các “thực thể”, bộ phận hợp thành, của 2 quần đảo này.
Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa chủ quyền Việt Nam bao gồm đảo nổi, đá, bãi cạn phụ cận. Ảnh: Những đứa trẻ trên đảo Sinh Tồn (Hồng Chuyên)
Ai cũng biết, thậm chí biết rất tường tận, những thông tin có liên quan đến các thực thể (đảo, đá, bãi cạn, đảo chìm, đảo nổi…) của 2 quần đảo này, vì chúng đã từng được công bố công khai trong một số tài liệu, bản đồ đã xuất bản; chẳng hạn, vào những năm 30 của thế kỷ trước, Cộng hòa Pháp trong khi thực thi chủ quyền ở Trường Sa, với tư cách là đại diện cho Nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại, đã từng công khai tuyên bố rất chặt chẽ về phạm vi của quần đảo Trường Sa; chẳng hạn, ngày 26 tháng 7 năm 1933, Bộ Ngoại giao Pháp ra thông báo về hành động chiếm đóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa kèm theo danh sách liệt kê tên các đảo đã chiếm hữu cùng tọa độ, bao gồm:
1. Đảo Spratly (chiếm ngày 13 tháng 4 năm 1930),
2. Đảo Caye-d'Amboine (7 tháng 4 năm 1933),
3. Đảo Itu-Aba (10 tháng 4 năm 1933),
4. Nhóm Song Tử (groupe de Deux-îles 10 tháng 4 năm 1933)
5. Đao Loaita (11 tháng 4 năm 1933),
6. Đảo Thi-Tu (12 tháng 4 năm 1933) ;
7. Và các thành phần phụ thuộc của từng đảo này (ile de Spratly et y dépendances) Chính phủ Pháp không quên đề cập đến các “thành phần phụ thuộc” (y dépendances) của từng đảo nổi mà họ đã chiếm đóng. Các “phụ thuộc” đó là gì? Phải chăng chúng cũng chỉ là những đảo nổi?
Xa hơn nữa, vào thế kỷ XVII, cha ông chúng ta, mặc dù trình độ khoa học kỹ thuật, hàng hải còn thô sơ, nhưng cũng đã từng đếm được số lượng đảo của “bãi Cát Vàng”:
“…Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh, ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Trên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ, để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là Trắng bông, giống đồi mồi nhưng nhỏ hơn, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bến bãi, lấy về dùng vôi sát qua, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt….”(Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn biên soạn năm 1776).
Đối chiếu với số lượng các đảo, đá, bãi cạn đã được liệt kê khá chi tiết dưới đây thì có thể thấy rằng các số liệu này gần tương đương nhau… Vậy thì tại sao lại có thể cho rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ bao gồm các đảo nổi?
Do đó, để có được sự thống nhất, các cơ quan được phân công chịu trách nhiệm tuyên truyền chủ quyền cần có những quan điểm thống nhất, chính thống để tránh những thông tin lầm lạc gây ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia và nhận thức về chủ quyền quốc gia.
TS Trần Công Trục- Hồng Chuyên