Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

CHÍNH SÁCH “XOAY TRỤC” SANG CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA MỸ: NHIỀU HỎA MÙ HƠN HỎA LỰC

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)


(Tạp chí Foreign Policy – 31/1/2014)

Chiếc tàu sân bay ì ạch được biết đến như là nước Mỹ nên thực hiện một sự “xoay trục” đúng như cái tên của nó: một sự chuyển dịch từ chủ trương quân sự sang tinh thần ưa chuộng hòa bình

Trong thời đại của chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng và hợp tác về mặt chính sách với Trung Quốc, sự “xoay trục” sang Thái Bình Dương của Mỹ chẳng khác gì một điệu nhảy phức tạp mà ở đó Mỹ lùi về phía sau trong khi đấy những đồng minh của mình về phía trước.

Trong bản cập nhật cuốn “Từ điển của quỷ dữ” trong tương lai, tác phẩm mổ xẻ thái độ đạo đức giả trong ngôn ngữ học của đời sống hiện đại của tác giả người Mỹ nổi tiếng Ambrose Gwinnett Bierce, một từ duy nhất sẽ đi kèm với cụm từ “sự xoay trục sang Thái Bình Dương” đó là: rút lui.

Dường như đó là một cách thức kỳ lạ khi miêu tả nỗ lực mạnh mẽ của Chính quyền Obama trong việc tái định hướng chính sách đối ngoại và quân sự của mình nhằm vào châu Á. Xét cho cùng, êkíp của Tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng “sự xoay trục” sang Thái Bình Dương sẽ là một sự tái khẳng định mạnh mẽ về quyền lực của Mỹ tại một khu vực mang tính chiến lược trên thế giới và một sự tái đảm bảo có chủ tâm đối với các đồng minh ủng hộ Mỹ khi đối đầu với Trung Quốc.

Quả thực, đôi khi “sự xoay trục” dường như không hẳn là một thứ thuốc chữa bách bệnh cho tất thảy những gì gây phiền não cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Bối rối về những thất bại ở Iraq và Afghanistan? Vậy hãy ra đi để tìm kiếm các vùng đất hòa bình hơn. Lo âu về việc tất cả kẻ địch đang tan biến và Lầu Năm Góc đã đánh mất lý do hiện hữu của mình? Vậy hay là theo gót Trung Quốc, siêu cường tương lai duy nhất có thể tưởng tượng được đang trỗi dậy? Và nếu bận tâm về tình trạng của nền kinh tế Mỹ? Vậy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại tự do khu vực mà Mỹ đang cố gắng thương lượng có thể là liều thuốc bổ mà các tập đoàn của Mỹ đang thèm muốn.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự “tái cân bằng mang tính chiến lược” mà Chính quyền Obama đang thúc đẩy như là sự điều chỉnh giữa nhiệm kỳ đối với chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn chỉ mạnh mẽ trong giọng điệu nhưng lại khá yếu ớt về nội dung. Hãy nghĩ về điều này như là một tiểu thuyết hư cấu tài tình mà nhiều độc giả sẵn sàng tạm ngừng sự hoài nghi của họ vì sự quảng cáo của nó. Xét cho cùng, trong thời đại sắp tới của chính sách thắt lưng buộc bụng của Lầu Năm Góc và phản ứng dữ dội của công luận trong nước,Washington có thể sẽ cảm thấy khó khăn khi dịch chuyển thêm bất kỳ nguồn lực đáng kể nào sang khu vực châu Á. Thậm chí TPP cũng chỉ là một sự thừa nhận về việc khá nhiều quyền lực kinh tế trong khu vực đã rơi vào tay Trung Quốc.

Ngoài ra cũng cần phải lưu ý đến một giai đoạn lịch sử lâu dài hơn. Mỹ đã bắt đầu rút quân khỏi châu Á kể từ những năm 1970, mặc dù “động thái chiến lược rút lui về hậu phương” này theo thuật ngữ quân sự nổi tiếng – cũng đã không diễn ra nhanh chóng hay đi kèm với những bức ảnh “sứ mệnh hơàn thành” .

“Sự xoay trục” được quảng bá rầm rộ này của chính phủ giống hơn bao giờ hết một mảng cỏ tróc – một cú xuynh gậy, một cú đánh trượt, và một lỗ gôn, so với là bất cứ cái gì gần giống như một cú át (hole-in-one – ghi bàn thắng chỉ bằng một cú đánh).

Dấu chân dần thu hẹp

Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã tham chiến và đổ máu ở châu Á nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên Trái Đất. Từ năm 1950 đến năm 1953, dưới ngọn cờ Liên hợp quốc, các lực lượng Mỹ đã phải vật lộn để kiểm soát bán đảo Triều Tiên, kết thúc mà không ký kết được một hiệp ước hòa bình nào cùng với một sự bế tắc ở cùng đường phân chia nơi cuộc chiến đã bắt đầu. Tại một thời điểm khi cuộc chiến tranh Việt Nam mở rộng vào những năm 1960 và 1970, số lính Mỹ tại châu Á đã tăng lên tới hơn 800.000 quân. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc chiến tranh thảm khốc này kết thúc, Washington đã rút quân khỏi khu vực này một cách rất từ từ và từng đợt. Hiện giờ, số nhân viên quân sự Mỹ ở khu vực này đã giảm xuống dưới 100.000. Có thể cho là con số thấp này ở vào những năm George w. Bush nắm quyền khi quân đội Mỹ sa lầy ở Iraq và Afghanistan, và những người chỉ trích đã bắt đầu cáo buộc Chính quyền Bush đã “đánh mất châu Á” vào tay một Trung Quổc đang trỗi dậy.

Nhìn vào các con số, không khó để đi đến kết luận rằng sự chú ý của Washington quả thực đã dịch chuyển ra khỏi khu vực Thái Bình Dương. Hãy xem xét Triều Tiên. Hòa bình khó có thể diễn ra trên bán đảo này. Thực tế, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và sự hiện đại hóa quân sự trên diện rộng của Hàn Quốc chỉ có tác dụng làm gia tăng căng thẳng.

Tuy nhiên, Mỹ đã liên tục cắt giảm các lực lượng của mình cả về quy mô lẫn tầm quan trọng ở Hàn Quốc trong một tiến trình chuyển giao quyền lực bị ngắt quãng. Trong vòng 45 năm qua, Washington đã ba lần đơn phương rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên và đều nhận được sự không đồng tình từ phía Chính phủ Hàn Quốc. Đầu những năm 1970, gần 70.000 lính Mỹ đã đóng quân ở Hàn Quốc vào thời điểm Chính quyền Nixon lần đầu tiên rút toàn bộ một sư đoàn gồm 20.000 quân. Sau đó, chính quyền Carter, ngay từ đầu đã rất muốn rút tất cả các lực lượng của Mỹ, đã chấp nhận một sự giảm quân hạn chế khác. Vào năm 1991, trước việc chủ nghĩa cộng sản trên phần lớn thế giới bị sụp đổ (nhưng không phải ở Triều Tiên), Chính quyền George H.w. Bush đã đơn phương rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi bán đảo này.

Ở thế kỷ 21, sự hiện diện quân sự Mỹ đã một lần nữa thu hẹp lại – từ khoảng 37.000 quân xuống còn 28.500 quân ở thời điểm hiện tại, lần này là bởi các cuộc đàm phán giữa Washington và Seoul. (Một đội quân nhỏ gồm 800 binh sỹ mới đây đã được cử sang Hàn Quốc để gửi một tín hiệu về “quyết tâm” của Mỹ đối với Triều Tiên, nhưng chỉ luân phiên 9 tháng một lần). Ngoài ra, quân đội Mỹ đồn trú gần khu vực phi quân sự phân cách hai miền Bắc Nam, từ lâu đã mang ý nghĩa như là “một sợi dây bẫy” sẽ đảm bảo cho sự dính líu của Mỹ trong bất kỳ cuộc chiến nào trong tương lai giữa hai nước, đang được dịch chuyển về phía Nam. Tuy nhiên, các quan chức của Lầu Năm Góc gần đây đã nói bóng gió về việc để lại một phần lực lượng ở khu vực này. Hai nước hiện vẫn đang đàm phán việc chuyển giao những gì mà sáu thập kỷ sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc vẫn được nhắc tới như là “kiểm soát hoạt động thời chiến,” một việc đáng ra phải làm từ lâu. Việc cắt giảm lực lượng đã đi cùng với việc Mỹ đóng cửa và củng cố các căn cứ của mình, bao gồm cả đơn vị đồn trú lớn Yongsan nằm giữa thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Hàn Quốc sẽ nắm toàn quyền kiểm soát nó trong một vài năm tới.

“Dấu chân” Mỹ không chỉ thu hẹp lại ở Hàn Quốc. Một chiều hướng tái triển khai lặng lẽ hơn cũng đã cắt giảm các lực lượng mặt đất của Mỹ ở Nhật Bản, từ khoảng 46.000 vào năm 1990 xuống đội ngũ gồm 38.000 quân hiện tại. Những thay đổi thậm chí còn lớn hơn hiện đang được xem xét.

Vào năm 2000, trong một chuyến công du tới Okinawa – quận lớn nhất phía Nam Nhật Bản, Tổng thống Bill Clinton đã hứa hẹn sẽ thu nhỏ sự hiện diện quân sự đáng kinh ngạc của Mỹ trên hòn đảo này. Vào thời điểm đó, người dân Okinavva đã rất giận dữ về một loạt vụ sát hại và cưỡng hiếp do lính Mỹ thực hiện cũng như những vụ tai nạn liên quan đến quân sự đã cướp đi sinh mạng của người dân Okinawa và những mối đe dọa đến sức khỏe của họ từ đủ thứ ô nhiễm tạo ra bởi hơn 30 căn cứ quân sự của Mỹ. Kể từ đó, Washington đã theo đuổi một kế hoạch nhằm đóng cửa Căn cứ Không quân – Thủy quân lục chiến Futenma – một cơ sở cũ kỹ tọa lạc một cách nguy hiểm giữa một thành phố hiện đại – và xây dựng một căn cứ thay thế ở một nơi khác trên đảo hòn này. Kế hoạch này cũng đòi hỏi tái bố trí 9.000 lính thủy đánh bộ trên đảo Okinawa tới các khu căn cứ khác của Mỹ ở Thái Bình Dương. Nếu kế hoạch này được triển khai, các lực lượng của Mỹ tại Nhật Bản sẽ được giảm đến 25%.

Tại những nơi khác ở châu Á, dưới áp lực từ các nhà hoạt động chính trị địa phương, Mỹ đã phải đóng cửa hai căn cứ quân sự ở Philippines vào năm 1991, rút gần 15.000 binh sỹ ở nước này và thay thế một dàn xếp đặt căn cứ lâu dài bằng một thỏa thuận khiêm tốn hơn: “Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng”. Trong những năm gần đây, Washington đã đàm phán về “các hiệp định hợp tác” với nhiều nước trong khu vực, bao gồm cả kẻ địch cũ của mình là Việt Nam, nhưng đã không xây dựng được bất kỳ căn cứ mới đáng kể nào. Ngoài các lực lượng ở Nhật Bản và Hàn Quốc, các binh sỹ trên các tàu chiến và tàu ngầm, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở phần còn lại của khu vực này là không đáng kể.

Dĩ nhiên, việc cắt giảm binh sỹ và đóng cửa các căn cứ không nhất thiết là những dấu hiệu rút lui. Xét cho cùng, Lầu Năm Góc đang tập trung vào sự chuyển đổi sang một tư thế chiến đấu linh hoạt hơn, xem nhẹ các căn cứ cố định và chú trọng vào các đơn vị phản ứng nhanh nhẹ nhàng hơn. Trong khi đó, việc Mỹ hiện đại hóa các lực lượng của mình có nghĩa rằng hỏa lực của Mỹ đã tăng lên ngay cả khi sự hiện diện của nước này ở Thái Bình Dương đã suy giảm. Ngoài ra, Mỹ đã nhấn mạnh vào việc triển khai các lực lượng tác chiến đặc biệt như một phần của các hoạt động chống khủng bố ở những nơi như Philippines, Thái Lan và Indonesia, trong khi đẩy mạnh triển khai nhiều lớp phòng thủ tên lửa đạn đạo ở khu vực. Tất cả những chính sách này đã đi trước chiến lược “xoay trục”.

Tuy nhiên, đường xu hướng kể từ những năm 1970 ngày càng trở nên rõ nét. Ngay cả khi năng lực được nâng cấp, các lực lượng Mỹ cũng đã từ từ dịch chuyển sang một tư thế ngoài đường chân trời ở châu Á, với việc các căn cứ quân sự ở Guam và Hawai ngày càng trở nên quan trọng trong khi những căn cứ ở Hàn Quốc và Nhật Bản thì âm thầm xuống cấp. Khi rút lui dần, Washington cũng gia tăng sức ép đối với các đồng minh, buộc họ phải chi trả nhiều hơn để hỗ trợ các lực lượng của Mỹ đồn trú tại các vùng lãnh thổ của các nước này, mua các hệ thống vũ khí đắt đỏ hơn của Mỹ và tăng cường quân đội của riêng họ. Như Mỹ từng tìm cách “Việt Nam hóa” và “Iraq hóa” các lực lượng quân sự ở các nước mà Mỹ đã rút quân khỏi, Mỹ đã thực hiện chiến lược “châu Á hóa” từ từ của riêng mình ở khu vực Thái Bình Dương.

ẢNH RẤT ĐẸP: LỚP HỌC CỦA "CÔ GIÁO CHUI TÚI NILON QUA SUỐI"

Lớp học nghèo, rách nát hơn cả thời chiến tranh với Mỹ, nhưng nhìn cuộc sống êm đềm, tình "cô giáo - học trò" như tình mẫu tử, thật không thấy gì đẹp hơn. Vô cùng biết ơn và cảm ơn các thầy cô giáo và các cháu vùng cao đã vượt lên cuộc sống khốn khó, không hề kêu ca, cùng nhau dạy tốt học tốt để phát triển đất nước.


Cô giáo chui túi nilon qua suối: Cuộc sống của người bất ngờ nổi tiếngSau clip cô giáo chui túi nilon qua suối, cô giáo Tòng Thị Minh "bỗng dưng nổi tiếng". Cuộc sống của cô giáo cắm bản như thế nào, hãy cùng Infonet tham gia một buổi học của cô Minh.

Cô giáo Minh treo bảng bé ngoan mẫu giáo lớn 5 tuổi trong phòng học đơn sơCô giáo Tòng Thị Minh, người dân tộc Thái, sinh năm 1991 và lớn lên ở mảnh đất Thanh Luông (huyện Điện Biên). Trong gia đình cô giáo, Minh là chị cả của 2 người em. Ngay sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm tỉnh, tháng 10-2012 cô vào ngành và nhận công tác tại xã Nậm Chua (huyện Nậm Pồ). 

Một năm sau (8-2013) cô có quyết định điều chuyển về Trường Nà Hỳ. Và ở đây, cô giáo Minh đã "bỗng dưng nổi tiếng" khi quay clip cô giáo chui túi nilon qua suối.

Cuộc sống của cô giáo Tòng Thị Minh như thế nào, ở một nơi heo hút như thế? Cuộc sống của những giáo viên cắm bản, miệt mài dạy chữ hằng ngày diễn ra như thế nào? Hãy cũng PV Infonet chứng kiến một ngày dạy học của cô giáo Tòng Thị Minh.

100% học sinh lớp cô giáo Tòng Thị Minh dạy là dân tộc Mông

Phòng học đơn sơ nền đất xung quanh quay lại bằng tre nứa mái cọ. Vào mùa đông gió rét cô giáo phải nhóm lửa giữa lớp để các cháu sưởi ấm

Những nét bút đầu đời với mang nhiều tình cảm và nghị lực của cô giáo Minh dành cho các cháu 
Mọi cố gắng nghị lực của cô giáo Minh vì ánh mắt hồn nhiên ngây thơ của học sinh bản Sam Lang

Lớp học với 100% học sinh dân tộc Mông thường xuyên lớp học vắng hoe. Cô giáo Minh cho biết: "Các cháu ở đây thường theo mẹ lên nương hoặc bố mẹ không muốn con đi học"

Những cử chỉ ân cần chăm sóc các cháu trong lớp học

Bé gái dân tộc Mông hứng nước sạch mang về nhà.


Đối với những trẻ nhỏ khi học xong sẽ được cô giáo đưa về

Cô giáo Tòng Thị Minh cùng clip gây ảnh hưởng lớn đến xã hội trong thời gian qua.

Thái Anh - Hồng Chuyên

Nguồn: Lai Tran Mai

HỌ TỰ LOẠI MÌNH RA KHỎI ĐỘI NGŨ

Thời gian qua, một số cơ quan truyền thông và địa chỉ trên internet làm rùm beng việc một vài cá nhân xin ra khỏi Ðảng Cộng sản Việt Nam. "Tại sao họ lại làm rùm beng như thế?", đó là câu hỏi mà tác giả Hồ Ngọc Thắng phân tích trong bài viết gửi tới Báo Nhân Dân. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo...


Sống ở nước ngoài nhưng hằng ngày tôi vẫn luôn luôn quan tâm tới tình hình trong nước, hầu như tôi không bỏ qua những thông tin nào liên quan đến con người và Tổ quốc Việt Nam, vì ở đó tôi còn anh em, họ hàng và những người bạn thân thiết từ thuở ấu thơ. Cái khó đối với một người sống xa Tổ quốc là luôn phải biết phân biệt thông tin đúng sự thật với thông tin không đúng sự thật, thông tin bị thổi phồng phục vụ ý đồ xấu. Mà trên internet lúc nào cũng tràn ngập thông tin, tin lành mạnh cũng nhiều, và tin không lành mạnh cũng lắm. Gần đây, tôi chú ý tới thông tin được mấy hãng truyền thông ở nước ngoài và một số trang mạng, blog đua nhau nhắc đi nhắc lại rồi bình luận, phỏng vấn với nội dung tiêu cực. Ðó là tin vài cá nhân tuyên bố ra khỏi Ðảng Cộng sản Việt Nam, cả đơn từ của họ cũng được đưa trên in-tơ-nét. Tôi ngạc nhiên vì biết đó là điều hết sức bình thường với mọi đảng chính trị, không có gì là mới mẻ, đặc biệt. Vậy tại sao họ lại làm rùm beng như thế? Tin tức, bình luận của họ và mấy người hùa theo rất giật gân.

Tuy không phải là đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhưng trong thời kỳ trước khi di cư hợp pháp sang châu Âu vì lý do gia đình, tôi tham gia Ðoàn Thanh niên Lao động Việt Nam - nay là Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Qua bạn bè được kết nạp Ðảng, tôi biết thường là tổ chức Ðoàn, Công đoàn cơ sở hoặc đoàn thể giới thiệu thành viên gương mẫu về mọi mặt với Ðảng. Nếu được đồng ý, người đó sẽ dự khóa bồi dưỡng đối tượng Ðảng về lý luận, nghiên cứu Ðiều lệ Ðảng, rồi làm đơn, được đảng viên chính thức giới thiệu. Tại lễ kết nạp, đảng viên mới tuyên thệ suốt đời trung thành với Ðảng và sự nghiệp của Ðảng... Ðó là quy trình nghiêm ngặt, đâu phải làm đơn khoe khoang tôi giỏi lắm là sẽ được kết nạp! Hồi còn học cấp 3, trường tôi có một số học sinh được kết nạp vào Ðảng. Họ là học sinh gương mẫu, có thành tích xuất sắc trong học tập và tu dưỡng đạo đức, tích cực tham gia công việc của trường, xã hội. Ở chiến trường Quảng Trị, một số chiến sĩ trong trung đội của tôi được kết nạp ngay tại mặt trận. Họ là những người dũng cảm, gương mẫu, lập thành tích cao. Cần nhấn mạnh là mọi người đều tình nguyện, không bị ép buộc. Với người Việt Nam, được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Việt Nam là một vinh dự. Trở thành đảng viên, họ xác định sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống nào. Một người tin tưởng vào lý tưởng của Ðảng, và vào Ðảng không vì mục đích vụ lợi, sẽ không bao giờ rời hàng ngũ của Ðảng, ngay cả trong giây phút nguy hiểm nhất. Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, đã chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, đạt được các thành tựu trong thời kỳ đổi mới là do có hàng triệu đảng viên mang phẩm chất như vậy. Một người nào đó bị khai trừ khỏi Ðảng sẽ thấy xấu hổ với gia đình, bạn bè, người quen, không "vạch áo cho người xem lưng" và thường phải giấu giếm. Nên điều tôi chú ý là tại sao một số người xin ra khỏi Ðảng lại khoe việc này trên internet như một "thành tích"?

Nhân nói đến việc gia nhập hoặc ra khỏi một đảng chính trị nào đó, xin dẫn lại một số số liệu. Ở phương Tây, một trong những điều lo ngại của các đảng chính trị là quá trình "lão hóa" đảng viên, đó là khi số đảng viên lớn tuổi ngày càng nhiều thêm, rồi số đảng viên bị khai trừ hay rời bỏ hàng ngũ tăng lên, mà đảng viên mới gia nhập không đủ để bù đắp về số lượng. Ở CHLB Ðức, một thí dụ về sự thăng trầm số lượng đảng viên là đảng Cơ đốc giáo Ðức (CDU) hiện nay do bà Thủ tướng A.Merkel làm Chủ tịch. Trong đợt bầu cử Quốc hội CHLB Ðức hôm 22-9-2013, đảng này thu thắng lợi rất lớn. So với các đảng khác, CDU có được số phiếu cử tri nhiều nhất để thành lập chính phủ liên minh với đảng Dân chủ xã hội Ðức (SPD), đảng Liên minh xã hội Cơ đốc giáo (CSU). Nhưng trong 12 tháng vừa qua CDU lại mất 8.000 đảng viên. Thời hoàng kim về số lượng đảng viên của CDU là hồi đầu những năm 90 thế kỷ trước. Lúc đó CDU có tới 750.000 đảng viên, cuối năm 2008 còn 530.755, tháng 5-2011 còn 499.646 đảng viên; hiện nay CDU có 468.329 đảng viên. Dù mấy năm qua CDU sút kém về số lượng đảng viên (281.671 người) nhưng không ai nói đảng này đang tan rã. Vừa qua, vì tranh luận liên quan tới việc chọn đảng viên của CDU làm ứng cử viên bầu vào Quốc hội CHLB Ðức, một đảng viên quan trọng của CDU đã bỏ đảng, đó là ông Siegfried Kauder. Từ tháng 11-2009 tới tháng 10-2013, ông là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp của Quốc hội CHLB Ðức. Ai quan tâm đến chính trị, đều biết ông là em trai một chính trị gia nổi tiếng của CDU - ông Volker Kauder. Ông Volker Kauder là đại biểu Quốc hội CHLB Ðức từ năm 1990, từ năm 2005 đến nay ông là Chủ tịch khối CDU/CSU trong Quốc hội CHLB Ðức. Tuy là anh em ruột, song trong quá trình hoạt động chính trị, họ lại không tìm được một con đường chung để phấn đấu vì sự nghiệp của cùng một đảng.

Ðảng lớn nhất ở CHLB Ðức là đảng Dân chủ xã hội Ðức (SPD) cũng không tránh khỏi tình trạng suy giảm số lượng đảng viên. Năm 1977, đảng này có tới một triệu đảng viên, nhưng sang những năm 80 của thế kỷ trước còn 900.000 đảng viên. Trong những năm sau đó, SPD mất tới 400.000 đảng viên. Tháng 11-2013, SPD chỉ còn 474.820 đảng viên. Vừa qua, vì bất đồng quan điểm mà một nhân vật chủ chốt của đảng này đã rời khỏi đảng, đó là ông Wolfgang Clement. Từ năm 1998 đến năm 2002, ông là Thủ hiến tiểu bang Nodrhein-Westfalen có số dân đông nhất với 17,6 triệu người, rồi làm Bộ trưởng Liên bang phụ trách kinh tế và việc làm (nhiệm kỳ từ năm 2002 đến năm 2005). Một trong các điểm ông tranh cãi gay gắt với đảng của mình là SPD muốn đưa ra quy định pháp lý về mức lương tối thiểu cho người lao động. Tuy thuộc vào nhóm thiểu số, nhưng ông không chấp nhận ý kiến của đa số đảng viên. Có một điều thú vị là quy định về mức lương tối thiểu cho người lao động không những đã được thông qua trong nghị quyết của SPD, mà còn được ghi vào thỏa thuận mới đây giữa SPD và CDU, CSU để thành lập Chính phủ liên minh.

Ở quốc gia khác của châu Âu, thí dụ Vương quốc Anh, đảng cầm quyền hiện nay là Ðảng Bảo thủ, thành lập năm 1834, cũng có sự sụt giảm về số lượng đảng viên. Năm 1980, đảng này có 400.000 đảng viên, nhưng đến năm 2012 còn 130.000 đảng viên. Tuy giảm tới hai phần ba đảng viên, nhưng không có ai, kể cả phe đối lập ở Anh, cho rằng là Ðảng Bảo thủ đang tan rã. Một sự kiện mới đây ở Hoa Kỳ đã làm Tổng thống Obama và Ðảng Dân chủ phải đau đầu là việc do bất đồng với chính sách của Nhà Trắng, Hạ nghị sĩ thuộc Ðảng Dân chủ Parker Griffith đã rời bỏ hàng ngũ và gia nhập Ðảng Cộng hòa. Griffith ở nhóm bảy người của Ðảng Dân chủ tại Hạ nghị viện Hoa Kỳ không chỉ phản đối chính sách y tế, mà còn bỏ phiếu chống biện pháp kích thích kinh tế của Tổng thống Obama, chống dự luật thay đổi khí hậu mà Chủ tịch Hạ viện thuộc Ðảng Dân chủ Nancy Pelosi nhiệt tình xúc tiến. Nhưng với người dân Hoa Kỳ thì sự kiện này cũng rất bình thường.

Ở các nước kể trên, dư luận chỉ biết số đảng viên ra hoặc vào một đảng nào đó sau khi lãnh đạo đảng công bố, còn thông thường chỉ người đó và cơ sở người đó sinh hoạt mới biết, không ai làm đơn ra đảng hoặc vào đảng rồi đưa lên in-tơ-nét để quảng cáo. Riêng đảng viên giữ trọng trách của một đảng hay đảng viên là dân biểu của một đảng thì khi ra khỏi đảng sẽ công bố cho dân chúng, cử tri, để họ nắm bắt được xu hướng chính trị mới của người này, như các ông Wolfgang Clement, Parker Griffith đã nhắc tới ở trên. Chỉ với các đảng viên vào hàng "đặc biệt" như họ, báo chí, truyền hình mới đưa tin, phỏng vấn, chủ yếu giúp công chúng sáng tỏ vấn đề, không phải để tôn vinh người xin ra đảng, cũng không phải từ đó tung tin đảng này, đảng khác tan rã đến nơi! Với đảng viên bình thường thì báo chí, truyền hình hầu như không quan tâm. Do đó, việc các cơ quan truyền thông như BBC, VOA, RFI,... quan tâm tới vài ba người xin ra khỏi Ðảng Cộng sản Việt Nam là rất không bình thường, chắc chắn họ có mục đích riêng thiếu thiện chí.

THỜI gian trước, tôi có đọc một số bài, nghe mấy người gần đây xin ra Ðảng trả lời phỏng vấn của BBC, RFA, VOA,... Lúc đó tôi cứ ngỡ họ không phải đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam, bởi nếu là đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam thì không ai viết như thế, nói như thế. Hóa ra không phải. Nên tôi nghĩ chẳng cần làm đơn, họ cũng đã không còn là đảng viên rồi. Việc họ và một số người làm ầm ĩ chỉ để "ghi điểm" với ai đó, hoặc họ cố tình làm rùm beng để làm ảnh hưởng tới uy tín của Ðảng Cộng sản Việt Nam mà thôi. Với bất cứ đảng chính trị nào cũng vậy, chất lượng đảng viên, số lượng đảng viên luôn là mối quan tâm hàng đầu. Nhưng theo tôi, chất lượng đảng viên vẫn là yếu tố quan trọng hơn, vì đường lối và vai trò tổ chức, lãnh đạo của đảng, tác động và ảnh hưởng của đảng với xã hội trước hết phụ thuộc vào sự tín nhiệm của nhân dân đối với từng đảng viên. Vì thế, có thể nói mấy người làm rùm beng chuyện xin ra khỏi Ðảng đã tự đào thải mình, tự loại mình khỏi đội ngũ những người cộng sản chân chính.

HỒ NGỌC THẮNG (CHLB ÐỨC)/Báo Nhân Dân

VĂN CHƯƠNG MẠNG VÀ NHỮNG DẤU HỎI

Từ sự xuất hiện một số tác phẩm văn chương trên internet và sự ra đời của khái niệm "văn học mạng", gần đây có một số ý kiến dự đoán rằng, "văn học mạng" sẽ là xu thế tất yếu của văn học Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, từ diễn biến của các hiện tượng "văn học mạng" có thể thấy, cơ sở bảo đảm cho dự đoán ấy vẫn còn rất xa vời.


Ở Việt Nam, thành quả đầu tiên của "văn học mạng" mới chỉ dừng lại ở phạm vi lý luận, phê bình văn học. Internet đã góp phần kết nối môi trường học thuật trên thế giới với Việt Nam, và giúp các nhà phê bình, lý luận văn học có thể tiếp cận, tiếp nhận, trực tiếp đánh giá các trường phái, lý thuyết, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật đang thịnh hành trên thế giới. Ðã qua thời kỳ các nhà phê bình, lý luận văn học Việt Nam phải trăn trở vì chỉ được tiếp nhận các lý thuyết nghiên cứu, phê bình một cách muộn mằn. Hiện tại, giới lý luận, phê bình đã có thể so sánh, có cái nhìn toàn diện hơn về lý luận, phê bình văn học của các nước khác, cũng như nhận định các khuynh hướng có thể ra đời của văn học nước nhà và thế giới ở tương lai gần. Khi chưa có điều kiện xuất bản, đã có một số công trình dịch thuật lý luận văn học được một số nhà nghiên cứu, phê bình đăng tải trên internet và giúp người yêu văn học tiếp xúc với tư liệu. Cũng từ đó, dường như không ít nhà phê bình văn học đã tìm được "công cụ" còn thiếu cho công việc của họ, đó là internet. Với một số người, internet là nơi họ đối thoại về phê bình văn học cũng như kiểm định suy nghĩ của mình với "người đọc lý tưởng" khác và "lý luận, phê bình văn học mạng" dường như đã bắt đầu định hình hướng đi? Tuy nhiên, không phải nhà phê bình nào cũng giữ được sự tỉnh táo và luôn ước muốn truy cầu các giá trị chân - thiện - mỹ. Vì có nhà phê bình viết tiểu luận như chỉ để khoe kiến thức, áp đặt những giá trị không thể có cho tác phẩm mà họ tiếp cận. Thậm chí để chứng minh cho lý thuyết, quan điểm mà mình theo đuổi, có người sẵn sàng xuyên tạc tác phẩm theo chiều hướng có lợi cho bài viết. Rồi tác giả khác lại sử dụng phê bình để tán dương tác phẩm phi giá trị nghệ thuật, phi giá trị đạo đức, thay vì lẽ ra cần giúp nghệ sĩ nào đó có xu hướng tinh thần mông lung, hoặc bị tha hóa, tìm đến với con đường đúng. Bằng cách mớm đặt suy nghĩ phù phiếm dưới cái vỏ hoa mỹ, cao đạo, hình như các "anh hùng bàn phím" này đang ngấm ngầm khiêu khích, kích động một số nhà văn, nhà thơ vốn chứa sẵn "cái tôi" ảo tưởng về tài năng của mình thành người quá khích, và gây nguy hiểm cho xã hội.

Có một điều là trong khi lý luận, phê bình văn học đã đặt được một số dấu ấn trên internet, thì sáng tác văn chương trên mạng vẫn cần thêm thời gian để khẳng định. Thực tế của sự tồn tại các tác phẩm được coi là văn chương trên mạng cho thấy dường như chỉ có "văn chương thị dân" (định nghĩa do một số nhà phê bình định danh cho sáng tác trên mạng) phục vụ nhu cầu giải trí và sự tò mò của một nhóm độc giả nhất định là vẫn "sống khỏe". Dù vậy, nhìn chung các tác phẩm này vẫn chưa có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với một số tác phẩm ngoại nhập. Như với truyện Ngôn tình chẳng hạn, một số trường hợp có vẻ là hấp dẫn người đọc thì vẫn không giấu được tình trạng rập khuôn, "mì ăn liền", chưa thấy tác giả có khả năng sáng tạo dồi dào. Trào lưu viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết như một tập "nhật ký mạng" lúc đầu được một số độc giả đón đợi, giờ đây như trở thành một "món ăn" khá nhàm chán. Ðáng tiếc là tác phẩm kiểu này vẫn ra đời, và càng ngày càng cho thấy tác giả viết như không cần sáng tạo, thiếu ngôn từ độc đáo, thiếu dụng công, và nổi lên là tình trạng "đạo văn" dưới các hình thức tinh vi.

Dẫu sao thì internet vẫn chưa phải là mảnh đất lành cho các sáng tác có đầu tư về mặt tư tưởng - nghệ thuật, nếu không nói nó còn tạo ra sự lười nhác, bất cẩn khi tác giả viết rồi trực tiếp đưa lên mạng mà không tự biên tập (chí ít về câu chữ), hay nhờ đồng nghiệp đọc giúp. Rất ít người viết lựa chọn internet như một phương tiện đưa sáng tác đến với độc giả; cho dù có tác giả quyết định sáng tác tiểu thuyết trên internet, và lựa chọn "ngôn ngữ mạng" là một trong các ngôn ngữ chính trong tiểu thuyết của mình. Trên một số website được cho là ủng hộ "văn học ngoại biên, văn chương xuyên biên giới" tình hình có vẻ sôi động hơn về số tác phẩm, tác giả gửi bài. Nhưng giá trị đích thực của các tác phẩm này vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Ðã có không ít sáng tác thơ ca được người ta tán tụng là "ngoại biên" thực chất chỉ là một văn bản liên tục cách dòng với ý tứ thô thiển, lời lẽ tục tĩu nhằm xuyên tạc, bôi nhọ văn hóa và xã hội, tạo nên những hình tượng méo mó. Với định danh "ngoại biên", mục đích của họ như chỉ để lao vào một thế giới hư danh, với các lợi ích phù phiếm hoặc tư lợi chính trị, yêu sách cá nhân chứ không phải do nhu cầu vì sự sống của văn chương, như họ hô hào.

Vài năm gần đây, một số nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình như đang nhầm tưởng vì ngỡ internet là "thế giới lý tưởng" cho sáng tác. Về "văn chương mạng thuần túy", một nhà thơ định nghĩa đó là văn chương của "tác giả chỉ muốn xuất hiện trên mạng. Họ sống đời sống văn chương của mạng, viết trên mạng, vận dụng ưu thế kĩ thuật của internet, xử lý thông tin trên mạng, tương tác trên mạng, tồn tại trên mạng, buồn vui trên mạng, hy vọng hay thất vọng cũng trên mạng...". Ðịnh nghĩa này, suy cho cùng chỉ là một định nghĩa không tưởng, xét trên một số phương diện. Dẫu sinh động hoặc hấp dẫn đến thế nào thì internet vẫn không thể tách khỏi đời sống, không phải là một thế giới khác mà chúng ta quen gọi là "thế giới ảo", như trong các phim khoa học viễn tưởng, để phân biệt với cuộc sống thực. Trước sau với văn chương, internet vẫn chỉ là một phương tiện truyền thông hiện đại, một công cụ giao tiếp thông tin linh hoạt, nhanh nhạy giữa nhà văn và bạn đọc. Còn việc lựa chọn bảo vệ hoặc công khai danh tính có lẽ lại là một vấn đề khác chứ không chỉ là đặc trưng riêng của "văn học mạng".

Một nhầm lẫn khác mà một số người sáng tác văn chương trên mạng đang lầm tưởng là quá trình "đồng sáng tác" giữa người viết và bạn đọc, coi đó là sự triệt tiêu dần "cái tôi" của nhà văn để đem một tác phẩm văn chương mẫu mực đến với số đông. Người đưa ra định nghĩa này cho rằng, văn chương mạng khác văn chương chính thống ở chỗ nó luôn trong quá trình vận động dang dở. Hiểu như vậy, cũng là sản phẩm của cái nhìn có phần phiến diện. Không chỉ đến khi có internet, nhà văn mới có quá trình giao lưu với bạn đọc để "đi tìm nhân vật" cũng như "con đường" cho "đứa con tinh thần" của mình. Trên thực tế, quá trình giao lưu giữa nhà văn với độc giả đâu chỉ diễn ra khi có internet. Ian Fleming, cha đẻ bộ truyện trinh thám nổi tiếng về điệp viên James Bond từng thừa nhận: Ông đã có nhiều ý tưởng mới cho anh chàng có bí danh 007 này sau khi nhận được góp ý thư từ của những bạn đọc. Trước Fleming rất lâu, Tolstoy cũng đã từng đăng Anna Karenina thành truyện dài kỳ trên báo trước khi ấn bản tác phẩm nhưng kiên quyết không thay đổi số phận của nữ nhân vật chính bất chấp thư yêu cầu độc giả để dẫn đến kết cục bi thảm trong tiểu thuyết như chúng ta đã biết. Như vậy, trước sau dù độc giả có thể can thiệp một phần nào đó vào tác phẩm, tác giả vẫn là người duy nhất có quyền định đoạt số phận "đứa con tinh thần" của mình ra sao, bất chấp lời đăng đàn xin lỗi của họ đối với độc giả, trường hợp gần đây nhất là J.K.Rowling với bộ truyện Harry Potter nổi đình đám. Còn ý kiến khác cho rằng, nhà văn hòa mình vào với bạn đọc là tạo ra một hình thức văn học dân gian mới, thì hoàn toàn là nhận định phi thực tế, đi ngược với sự vận động của văn học. Thử hỏi ở Việt Nam, chúng ta đã thu được bao nhiêu giá trị đích thực từ sáng tác văn học dân gian sau vài nghìn năm so với số tác phẩm văn chương thành văn của thế kỷ 20, 21 cộng lại? Nhân nhắc tới văn học dân gian, bài học của các nhà văn thích sáng tác như vậy làm liên tưởng tới trường hợp người "đẽo cày giữa đường"!

INTERNET đã tạo thêm cơ hội để tác phẩm đến với người đọc một cách nhanh chóng, rút ngắn thời gian, mở rộng không gian trao đổi của nhà văn đối với xã hội. Nhưng điều quyết định vẫn là tài năng, là đạo đức nghề nghiệp, và yêu cầu sáng tác vẫn phải là: viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào và sau cùng vẫn phải hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ. Dù trên internet, thì tác phẩm chỉ được coi là tác phẩm văn chương khi đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về tư tưởng - nghệ thuật. Internet không thể biến bộ óc bất tài trở thành nhà văn, nhà lý luận, phê bình, hay biến các sản phẩm "phản văn chương" thành nghệ thuật. Có chăng là với internet, trong một số trường hợp, chỉ là liều thuốc an thần an ủi người hư danh, thích sống trong ảo vọng được cưng chiều, ca ngợi, bợ đỡ của những cá nhân có xu hướng tinh thần tương tự. Vì vậy trước khi nghĩ tới việc các trang web, diễn đàn có thể "nuôi sống" "nhà văn mạng" khiến họ yên tâm sáng tác, tạo ra một kênh sách điện tử, truyện điện tử cạnh tranh với thị trường sách in (xa hơn là viễn cảnh một mạng văn học thay thế hoàn toàn văn học chính thống!), các nhà phê bình, lý luận cũng như nhà văn, nhà thơ hãy cố gắng rèn luyện tài năng, đạo đức của mình và tạo ra mọi cơ hội có thể để nghệ thuật đích thực đến được với người đọc.

VIỆT QUANG/Nhân dân Newspaper

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

TÍNH HÁO DANH NHỎ MỌN VỤ LỢI CỦA NGƯỜI VIỆT

TM & CN: Một bài viết hay của tác giả Nguyễn Hoàng Đức. Với tư duy của người nghiên cứu triết học, anh đã ẩn dụ một cách rất khéo léo những thói hư, tật xấu của người Việt qua sự háo danh thiếu liêm sĩ và trí tuệ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến xứ An-nam mãi không thể nào hòa nhập được với đại đồng văn minh nhân loại.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc TM & CN.

Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ, đông bậc nhất thế giới nhưng là nước nghèo nàn đội sổ bậc nhất thế giới, và cũng có đông người làm thơ nhất cỡ ít ra cả triệu nhà thơ nhưng không thấy tác phẩm lớn mà chỉ thấy các mẩu vụn vẫn được gọi là “thơ hắt hơi”, những thứ bé hơn cả chuồng gà chuồng vịt. Tại sao? Bởi vì người Việt chỉ háo danh hão huyền nhắm vào vụ lợi “tham bát bỏ mâm” gắp cho mình, nên đất nước mới nghèo nàn lạc hậu và thi ca chỉ là chiếu rách à ơi mua vui bên chén rượu nhạt hay chén trà trong chốc lát. Hôm nay tôi xin bàn vào việc này.

Số lượng hơn 24.000 tiến sĩ Việt, kết quả thế nào? Nếu mỗi tiến sĩ chỉ cần viết một bài tiểu luận, thì chúng ta sẽ có ngần ấy bài, và in được khoảng 240 cuốn sách dầy dặn với mỗi cuốn có 100 bài. Nhưng than ôi, làm gì có ai thấy hơn hai trăm cuốn sách đó, mà 24 cuốn cũng không?

Chúng ta nghĩ gì khi một tiến sĩ không viết nổi 1 bài tiểu luận? Vậy thì 1 luận án bảo vệ tiến sĩ của người ta dầy hơn một trăm trang A4 lại không hơn một tiểu luận chỉ nghìn chữ thôi sao? Có một vụ án đã vỡ lở tại Việt Nam, một kẻ vừa tốt nghiệp đại học ra trường đã dịch vụ làm luận án cho hơn trăm tiến sĩ bằng cách vào các thư viện sao chép các đoạn tài liệu. Điều đó nói lên cái gì? Đó là những tài liệu vô hồn, chỉ có số liệu mà không có phán đoán, nhưng như vậy cũng đủ cho một bằng tiến sĩ. Ở Việt Nam, tôi được biết trong nhiều khoa người ta chấm lẫn cho nhau để có 100% thạc sĩ, người nào cũng nhận điểm suýt soát tối đa “nắm phải chim” tức là “chín phẩy năm”.

Chính vì tiến sĩ của ta đa số là chép tài liệu, đẩy đít như không cần có ngoại ngữ, hoặc ú ớ mấy từ, không cần biết phán đoán cá nhân, mà như nhân gian nói, chúng ta chỉ là “tiến sĩ giấy”, có thể ăn được, nói được, chém gió rất tài, nhưng lại không làm được. Việc viết được luận án tiến sĩ ư? Đó chỉ là trong khoa, trong trường chấm “nội bộ” lẫn nhau, nhưng việc viết một bài tiểu luận hay một cuốn sách chuyên luận là rất khó, bởi lẽ việc đó phải hiện diện trước công luận, chứ không phải thứ úm ba la chém gió trong nhà. Ngành văn học là dễ thấy nhất, có cả triệu người đã học trình độ đại học, nhưng cả nước không có đủ chục người có khả năng viết phê bình văn học. Còn các ngành khác? So với Nhật Bản hay Hàn Quốc, các chuyên gia tính, số đăng ký bản quyền phát minh ở Việt Nam kém hơn cả nghìn lần. Than ôi, lượng tiến sĩ của mình thì đông gấp năm lần người ta, nhưng bằng phát minh thì chưa được một phần nghìn. Nghĩa là chúng ta chỉ có bằng giấy không thể nào ra quả được.

Ở đời ai cũng khát danh vọng, bởi vì cái đó là biểu hiện của vinh quang cũng như sự tôn trọng. Đó là điều chính đáng! Một viên sỏi ném xuống nước còn sủi bọt lên, làm người mà vô tăm tích như bèo trôi trên sông không để lại dấu vết gì thì cũng thật buồn. Nhưng như người Việt nói “Thế gian chuộng của chuộng công/ Nào ai có chuộng người không bao giờ”. Còn người phương Tây có phương ngôn “Người ta được quí trọng ngang với những gì cống hiến cho mọi người”. Nếu ta không cống hiến hay hy sinh cái gì cho người khác, thì làm sao muốn người ta trọng thị mình? Anh vĩ đại ư? Nhưng anh đã làm gì để thành vĩ đại? Thi hào Goethe nói cụ thể: “Mọi vinh quang phải đi kèm với công lao”. Nằm ngủ gãi háng để rồi vinh quang sẽ rơi xuống như nhện rơi từ trần nhà xuống người mình ư? Trong tự nhiên, cũng có cả qui luật huyền bí, đó là nhện sẽ không bao giờ rơi xuống kẻ vô tích sự, bởi vì “nhện sa sà đón xin đừng vội lo”.

Người phương Tây họ cũng háo danh, nhưng háo danh bằng cách nhảy thác Niagara, nghĩa là đem cả mạng sống mình để đổi lấy sự nổi tiếng còn hơn phải chết buồn trong cuộc đời buồn tẻ không phát xạ bất cứ đốm sáng nào khác thường. Rồi người ta đăng ký các kỷ lục Guinness từ tâng bóng, đến đá cầu hay ăn ớt… Đó chí ít là vinh quang cụ thể mà người ta làm được. Nhưng còn các tiến sĩ ở ta? Họ tung mọi tiền bạc ra chạy cán đích có phải để ẵm chiếc bằng là vinh quang chữ nghĩa? Không, cái bằng đó là thứ để đổi lấy một cấp bậc cụ thể hay mức lương nào đó. Có cả các vị quan đã cho cả người đi học hộ mình mong lĩnh bằng cho việc thăng chức.

Còn việc làm thơ? Có phải người Việt rất yêu thơ không? Không hề! Vì một người yêu âm nhạc hay ca khúc, nghe tiếng nhạc họ liền nhún nhảy hát theo, không cần để ý bài hát đó là của ai sáng tác. Ngược lại người làm thơ xứ ta, yêu thơ đến độ chỉ thích đọc thơ mình, thơ của ai dù hay mấy cũng bị bỏ ngoài tai. Thực ra đó chỉ là người bán hàng, muốn giật loa khỏi tay người khác để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Nhưng đây là bi kịch lớn nhất của thơ Việt, sau khi giật được loa, chiếm được sàn diễn trên báo, ngồi ì cả mấy chục năm nhưng không biết quảng cáo sản phẩm của mình có gì.

Làm thơ ở Việt Nam chỉ là cách để người ta háo danh nhanh nhất và lười biếng nhất. Cụ thể, một câu lạc bộ thơ bên phía bắc sông Hồng, sau thời gian đua nhau ra các tập thơ mỏng như tờ rơi, họ liền tiến vào báo văn nghệ của thủ đô, làm vài trang ra mắt chào mừng, liên hoan với nhau mấy can bia to tướng cùng lạc luộc. Điều ấy có vui không? Có! Nhưng nếu chỉ có vậy thì không sao? Đừng này sau khi đăng báo, mấy vị thơ nhà quê lại trách móc, tại sao thơ của chúng tôi không được các nhà phê bình khen như thể thơ đã leo lên báo. Chao ơi, thơ từ bùn đất quê nhà được leo lên báo thủ đô quả là quãng đường của phi công Phạm Tuân bay lên vũ trụ, mà không được bình phẩm sáng láng lại chìm xuồng như bia lạc chui vào dạ dầy rồi lại chui ra ư?
Đấy chúng ta thử nhìn cách sống, cách nghĩ, cách sáng tạo của người Việt. Ở Việt Nam không có một chiếc thuyền thúng nào được đặt tên cả. Còn khi đã đóng một con tầu, thì nó phải được đặt tên rồi mang số hiệu. Muốn làm một con tầu thì sao? Nó phải có ý tưởng lớn đầu tiên như đi dường dài hay vượt biển. Rồi phải được lắp đặt bằng các chi tiết nhỏ nhất bằng kỹ thuật. Một người mới loanh quanh trong sân, nghê nga mấy câu thơ sau lũy tre làng, lại là lúc nông nhàn, sao lại khao khát mình nổi danh là nhà thơ thiên hạ. Làm thơ ít ra phải như Nguyễn Du sôi kinh nấu sử, mang “Thanh Tâm Tài Nhân” của Tầu xa vạn dặm về nhà sao chế mới mong “tầu vượt biển” có danh chứ, đằng này chữ nghĩa chưa hết cấp ba, nông binh còn đượm mùi bùn, sao lại đòi ẵm vương miện vinh quang của chữ nghĩa? Như vậy chẳng là ảo mộng hão là gì?

Tất cả mọi người đều khao khát vinh quang! Tôi cũng không nằm ngoài số đó. Chỉ có điều chúng ta nên nhớ “vinh quang phải ngang bằng công lao”, mấy vần thơ cảm xúc trong ao nhà không cách gì đóng hộ chúng ta một chiến hạm khổng lồ để vượt đại dương đâu?! Nếu chúng ta không sửa soạn đóng tầu với những khung giàn thép khổng lồ, thì đừng có mơ, con thuyền lá tre bé tẹo dù có xinh xắn mấy của ta bỗng chốc trở thành tầu chạy năng lượng hạt nhân lướt sóng đại dương vù vù. Người đời khuyên “biết mình biết ta”, để tránh ảo tưởng về mình, mỗi chúng ta nên biết phản tỉnh để nhận ra khả năng của mình. Một người nông dân làm thơ để vui chơi, không sao cả, nhưng người đó muốn nằm mơ thành thi hào xuất chúng thì không tốt. Càng dở hơn nếu người đó có người chống lưng mong ước hộ mình, câu lạc bộ thơ làng ta sẽ lên báo hết, và sau bữa bia lạc chúng ta sẽ trở thành các nhà thơ được giới phê bình tung hô. Những chiếc thuyền thúng đừng nên nghĩ có một phép lạ nào để nhập nhèm đứng cạnh khoe vóc dáng với tầu sân bay.

Muốn nước nhà hùng mạnh, chúng ta nên có tư duy làm tầu lớn từ khung thép đến sàn tầu. Còn nhanh và tiện như làm thuyền thúng ư, một triệu cái thuyền thúng vẫn chỉ là thứ bé bỏng vô danh mà thôi.

Nguyễn Hoàng Đức 
Nguồn bài viết và hình ảnh: Ở đây.

Được đăng bởi Bau Trinh Xuan 

LƯU MANH HÓA TRÍ THỨC

TM & CN: Bài viết của một bạn trẻ sinh năm 1991 có nick-name trên Facebook là Tiểu Bối. Cho dù chưa có những triết lý sâu, nhưng bài viết đã đi thẳng vào thực trạng của xã hội, của tầng lớp trí thức An-nam hiện nay. Rất đáng để cho các quan chức, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và khoa học suy ngẫm.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc TM & CN.

Theo số liệu thống kê cho biết : Cả nước hiện có hơn 9. 000 Giáo Sư, 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và 2.700.000 cử nhân đại học [1]. Một con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức. Việt Nam hiện nay có nhiều điều kiện để trở thành nước có nền kinh tế phát triển như: nguồn lao động trẻ, thuận tiện giao thông, có nhiều loại tài nguyên,….Tuy vậy, nước ta vẫn trong cái vòng luẩn quẩn của nghèo nàn, lạc hậu. Nguyên nhân chính là ở yếu tố con người, do đất nước chúng ta không tôn trọng giá trị con người, không tôn trọng trí thức đích thực. Yếu tố con người chưa được quan tâm thích đáng trong khi nó mới là nhân tố chính cho sự hưng thịnh/ suy yếu của 1 quốc gia.

Một xã hội bảo thủ, trọng thành tích, hám danh sĩ diện với bằng cấp thường đi đôi với sự coi thường sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật đương nhiên sẽ tụt hậu. Và Việt Nam đã và đang tụt hậu. Cũng theo số liệu thống kế cho biết các chuyên gia WB tính toán “Việt Nam phải mất rất lâu nữa mới đuổi kịp các nước trong khu vực Đông Nam Á: 158 hoặc cũng có thể là 175 năm với Singapore, 95 năm với Thái Lan và 51 năm với Indonesia.” [2]

Vấn đề đầu tư vào giáo dục luôn quyết định hưng, suy của một quốc gia. Nền giáo dục của Việt Nam và cả xã hội Việt Nam làm nhân tài không có đất dụng võ. Với bằng cấp tràn lan, làm người Việt ảo tưởng về mình. Mỗi năm chúng ta có rất nhiều kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ, giáo sư mới nhưng nền kinh tế của chúng ta lẹt đẹt, èo uột, đất nước chúng ta lạc hậu. Nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản [3]. Và với số lượng hùng hậu GS, TS, Ths, Cử nhân đã nêu trên, một con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức. Nhưng hiện vẫn đốt đuốc tìm lao động chuyên gia, thiếu hẳn những công trình khoa học - sáng tạo - sáng chế được ứng dụng vào thưc tiễn cuộc sống...Trong khi nền kinh tế sản xuất vẫn là nhân công giá rẻ, miệt mài với gia công phụ thuộc, công nghệ thì vẫn đang loay hoay ở trình... "sản xuất mì tôm".

Người Hàn Quốc họ có quyền tự hào vì họ xây dựng được những sản phẩm mang tính thương hiệu quốc tế như: Sam Sung, Huyndai. Người Nhật có thể vỗ ngực tự hào với Sony, Toyota. Sing có quyền hãnh diện về hàng xuất khẩu điện tử của mình ra khắp thế giới,…Hoàn toàn thiếu một sản phẩm Việt sánh ngang tầm các quốc gia khác trên thế giới.

Thực tế này cho thấy, chất xám Việt đang bị lãng phí. Lãng phí từ khâu đào tạo (đào tạo quá nhiều GS, TS, Ths giả và dỏm), lãng phí cả khâu sử dựng (Nhân tài thực sự chưa được tin dùng và sử dụng hợp lý và trọng dụng họ).

Người Việt, trí thức Việt, dân Việt trách móc Xã hội này đôi khi, nhưng nếu nhìn kỹ lại, thì chính họ chính chúng ta tạo nên Xã hội này. Trí thức Việt nói riêng, dân Việt nói chung nhiều lúc đôi khi có xu hướng, chờ đợi mong mỏi một vị minh quân, 1 vị lãnh đạo tài ba xuất chúng nào đấy xuất hiện để đưa lối dẫn đường họ và lãnh đạo đất nước đang tụt hậu này, nhưng họ quên rằng không ai dẵn dắt và không ai hành động tốt hơn họ tự dẫn dắt mình định hướng cho mình. Đã đến lúc cả dân tộc này và giới trí thức Việt cần nhìn thẳng và nhìn thật vào chính mình, nhìn vào thực tế và tự gánh trách nhiệm cũng như vài trò của mình để tự thoát ra cái vòng luẩn quẩn này chứ không phải một ai đó, 1 vị cứu tinh nào đó hay 1 vị minh quân còn ẩn dật đâu đó.

Nghèo, dốt, thua kém người khác chưa hẳn là cái tội. Cái tội là ở chỗ: nghèo, đói, lạc hậu, thua kém người khác nhưng lại không biết, hay biết mà không chịu thừa nhận và tệ hơn là phải phủ nhận mình nghèo bằng mọi giá vì cái sĩ, để rồi không chịu tìm tòi hướng đi, lối thoát cho mình. Và nếu chúng ta không khắc phục được sự yếu kém của đất nước, nạn nhân cũng chính là chúng ta. Chúng ta là nạn nhân của chúng ta.

Bất cứ xã hội nào, trí thức và yếu tố con người mới là yếu tố hàng đầu để đưa đất nước đi lên. Nước Mỹ phồn vinh với giấc mơ Mỹ và là miền đất Hứa của biết bao người trên thế giới, Người Hàn Quốc chấp nhận “ăn mày chất xám” ở phương tây, tinh thần Samurai của Nhật…Sao không để cho trí thức Việt được tự do trong sáng tạo, tự do trong tư tưởng, tự do trong lựa chọn của mình !? Để họ được cống hiến !?

Ở một góc độ nào đó, có thể nói và khẳng định rằng, đất nước không phát triển được như người ta là vì trí thức Việt chưa phát huy hết vai trò và sứ mệnh của mình. Và lại ở 1 góc độ nào đó, họ bị kiềm kẹp, bị cột, bị trói chặt tư duy, tư tưởng, và cả ý thức hệ, họ cũng muốn sống, muốn cống hiến lắm, muốn được hy sinh nhưng ý thức hệ, sự khác biệt trong tư duy và tư tưởng đã làm cho họ không được chọn, và họ bị cuốn vào vòng xoáy luẩn quẩn của giới trí thức Việt bao đời nay, vòng xoáy của một xã hội mà ngay cả đến trí thức cũng bị đẩy vào con đường “lưu manh hóa”, ở đó nhân phẩm của trí thức bị người khác chà đạp và tự mình chà đạp lên mà sống ,để rồi họ không kịp nhận ra họ vừa là "nạn nhân" mà còn đồng thời là "thủ phạm". Họ hành hạ nhau và dẫm đạp lên nhau mà sống:

- Một bác sĩ với mức lương èo uột, 3 đồng 3 cọc , chết đói, anh ta tìm đủ cách làm khó bệnh nhân để được nhận “lót tay”. Nhưng khi anh ta sử dụng các dịch vụ khác, anh ta lại bị làm khó lại.

- Một thương gia (doanh nhân) vì chạy theo lợi nhuận và tham đồng tiền bất chính không ngại bán rẻ lương tâm mình sản xuất ra những hàng hóa chất lượng kém, độc hại tới sức khỏe của người tiêu dùng, miễn sao lợi nhuận nhiều, xả chất thải độc hại ra môi trường, nhưng rồi chính anh ta hủy hoại môi trường chung anh ta đang sống trong đó và sẽ ra sao nếu anh ta mua phải những sản phẩm độc hại khác do người khác cũng vì tham lam mà sản xuất ra như anh ta.

BẰNG CẤP VÀ TRÌNH ĐỘ - NHÂN VỤ NHÃ THUYÊN

Quan điểm của Baron là không đề cập đến vấn đề chánhchị-chánhem trong bài viết lẫn chém gió. Những vấn đề Baron nêu mang tính phản biện xã hội, đề cao người tốt việc tốt, phê phán cái ác, cái xấu đang hoành hành trong xã hội. Mong muốn xã hội ngày một phát triển, ngày một tốt đẹp.

Tuy nhiên, vụ việc này có liên quan đến vấn đề giáo dục và học thuật, nên có dăm lời vậy.

(1). Khi một học viên cao học đã được Hội đồng khoa học thông qua đề cương đề tài nghiên cứu làm luận văn thạc sỹ, nghĩa là những vấn đề về học thuật của đề tài đã được chấp nhận về tính khoa học, tính mới trong một luận văn thạc sỹ.

(2). Khi học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ trước Hội đồng chấm luận văn thạc sỹ của ngành, nghĩa là các nhà giáo, nhà khoa học đã đồng ý luận văn đạt yêu cầu về nội dung và chất lượng nghiên cứu khoa học. Và người bảo vệ đã được công nhận có học vị thạc sỹ.

(3). Mặc dù xã hội hiện tại, tiến sỹ nhiều như lợn con, thạc sỹ nhiều như quân Nguyên. Nhưng quyết định của Hội đồng chấm luận văn thạc sỹ là quyết định cao nhất về vấn đề học thuật, được nhà nước công nhận và bảo hộ.

(4). Cho dù vì lý do gì, thì một luận văn thạc sỹ đã được Hội đồng chấm luận văn thông qua, và nhà trường có quyết định cấp bằng thạc sỹ cho học viên, nghĩa là học viên luôn đúng. Nếu sai, là lỗi của Hội đồng chấm luận văn. Và dĩ nhiên, Hội đồng chuấn luận văn thạc sỹ là những nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, có học hàm học vị, thay mặt Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện công tác đánh giá và kiểm định kết quả nghiên cứu của học viên, kiến nghị nhà trường (thay mặt Bộ Giáo dục và đào tạo) công nhận và cấp bằng cho học viên.

(5). Trong một xã hội háo danh và háo bằng cấp, thật giả trắng đen lẫn lộn. Thì giá trị của một tấm bằng thể hiện ở chỗ người được cấp bằng có xứng đáng với tấm bằng được cấp hay không. Điều đó thể hiện ở chỗ, người đạt được bằng cấp có sử dụng trình độ của tấm bằng đó trong nghiên cứu khoa học, trong việc áp dụng học thuật vào thực tiễn cuộc sống, có những sản phẩm nghiên cứu xứng đáng với trình độ của người được cấp bằng.

(6). Baron đã từng viết một bài báo về chất lượng của thạc sỹ trong nền giáo dục của An-nam: "Thạc sỹ thất nghiệp - vì đâu nên nỗi". Bài báo đã được xuất bản trên Tuần Việt Nam và BBC Việt ngữ. Nội dung bài báo phân tích tại sao rất nhiều thạc sỹ của An-nam thất nghiệp. Và lý do chính là trình độ của người cấp bằng không tương đương với tấm bằng được cấp. Đây đang là một vấn nạn nhức nhối trong hoạt động đào tạo sau đại học của An-nam như chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận đã thừa nhận trước Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực về tính trạng bằng thật nhưng học giả.

(7). Thế nên, cho dù vì bất cứ lý do gì, cô Nhã Thuyên - người vừa bị trường ĐH Sư phạm Hà Nội ra quyết định thu hồi luận văn và không công nhận học vị thạc sỹ thì cô này vẫn xứng đáng là một thạc sỹ văn học. Bởi vì, cô Nhã Thuyên có thể sống bằng trí tuệ và kiến thức chuyên môn của tấm bằng thạc sỹ văn học, thông qua những sản phẩm chuyên môn cô đã công bố và được những người quan tâm đón nhận. Có nghĩa, trình độ chuyên môn của cô Nhã Thuyên khác một trời một vực với một cô thạc sỹ văn học loại giỏi ở Đà Nẵng - người được ông Nguyễn Bá Thanh (Trung ương ủy viên, Trưởng ban Nội chính trung ương) phê bút vào đơn xin việc, bởi vì cô này không thể xin được việc với tấm bằng thạc sỹ văn học loại giỏi, và phải chấp nhận đi làm công nhân thời vụ.

(8). Thế nên, giá trị tri thức của một con người không phải thể hiện qua tấm bằng, mà thể hiện qua trí tuệ và đẳng cấp chuyên môn. Vì thế việc không công nhận tấm bằng thạc sỹ không có nghĩa là cô ấy không đủ trình độ thạc sỹ.

(9). Nói thêm chuyện ngoài lề: Đọc một số trang mạng, đặc biệt là trang của bạn Xuân Diêm dúa có phê phán Ban Tuyên giáo TW viết sai từ “học vị” thành “học hàm”. Nói với các bạn này: Cổ nhân đã có câu, không ai nắm tay từ sáng đến tối. Việc nhầm lẫn này chẳng qua là những sai sót nhỏ (cho dù nó được thể hiện trong văn bản hành chính), chứ không thể hiện trình độ hay hiểu biết của người soạn thảo, người ký, vì điều này ai cũng biết.

Việc cái bạn trong giới học thuật bới bèo ra bọ, dựa vào cái sai hơi ngớ ngẫn này để phê phán, chỉ trích, thậm chí chửi bới và mạt sát người khác không có nghĩa là các bạn giỏi giang hay hiểu biết. Mà ngược lại chỉ thể hiện các bạn nhỏ mọn và bần tiện, thậm chí ngu dốt. Các bạn hô hào đao to búa lớn về cải cách, về dân chủ. Nhưng thử hỏi, với bản chất nhỏ mọn và ti tiện ấy, các bạn làm được cái gì và hô hào được ai. Ngõ ngách tốt nhất đừng nên tý tách mặt đường. Thiên hạ có mắt cả đấy.

(Riêng bạn Xuân, nhắc bạn tự vấn lại lương tâm của mình, gần chục năm bạn cầm cái học vị thiến-xĩ của bạn, có bao nhiêu công trình nghiên cứu của bạn tương xứng với tấm bằng ấy? Hay bạn cũng chỉ là loại nghè giấy được sinh ra trong cái hỗn mang và nhố nhăng của nền giáo dục nát như tương bần của xứ An-nam).

(10). Định nói vài dòng, nhưng cứ lan man thành ra dài ngoằng. Bạn nào đọc mà chửi Baron dài từ nhưng thiển ý, Baron ghi nhận và rút kinh nghiệm. Hehe…

(@ by Baron, 2014) 
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
Được đăng bởi Bau Trinh Xuan