Hoàng Tuấn Phổ
Trên tạp chí Văn hóa dân gian số 1-2004, GS-TS Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tên tuổi, đặt vấn đề nghiên cứu “Tiểu vùng văn hóa Xứ Thanh”. Ông viết:
Không rõ có phải Xứ Thanh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, vùng đất của những “quân vương”, nên con người Xứ Thanh luôn có tâm lý “hướng thượng”, muốn thành “đầu lĩnh”, cứ có đến hai người Thanh Hóa là họ ít khi “chịu” nhau, do vậy, ở người Xứ Thanh tính cố kết địa phương có phần giảm thiểu hơn người Xứ Nghệ?
Xưa nay, có nhiều ý kiến khái quát văn hóa Xứ Thanh. Trong đó nhân vật trung tâm là con người Việt Xứ Thanh rất đúng với cách nhìn khách quan, nghiêm túc. Dĩ nhiên chưa thật đầy đủ, nhất là ở những thời kỳ cách mạng của thời đại Hồ Chí Minh. Tuy vậy, cũng có ý kiến trái ngược, mặc dù hiếm hoi, lạc điệu, nhưng đã nêu lên trước công luận, thành vấn đề mang tính khái quát cao. Chúng ta không thể không lưu tâm soi gương kim cổ nhìn lại mình, nhìn lại Con Người Việt Nam ở Thanh Hóa và Văn hóa Xứ Thanh.
Nhà sử học Phan Huy Chú viết:
Thanh Hoa… các triều trước vẫn gọi là một trấn rất quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tươi tốt chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý, cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước
Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, NXB Sử học, 1960.
Nhận xét về người Thanh Hóa và văn hóa Xứ Thanh, sách Đại Nam nhất thống chícủa Quốc sử quán triều Nguyễn cho rằng:
Sĩ tử thích văn học, nông dân chăm cày cấy, thợ thì có hộ đẽo đá sở trường hơn cả, ít người buôn bán… Các huyện Tống Sơn, Nga Sơn, Ngọc Sơn (Tĩnh Gia) phong tục có phần tằn tiện vì ruộng đất xấu. Các phủ, huyện thượng du… là dân thiểu số, phong tục khác người Kinh… Duy các huyện Quảng Địa, Thạch Thành và Cẩm Thủy có biết ít nhiều văn tự” (Bản dịch tập II, NXB Khoa học Xã hội - 1970).
Năm 1889, vua Thành Thái giao nhóm sử gia Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán “trùng tu” Đại Nam nhất thống chí”, bổ sung ý kiến nhận xét con người Thanh Hóa:
Kẻ sĩ ưa chuộng văn học, đời nào cũng có anh tài; (con người) phóng khoáng, lỗi lạc, có nhiều tiết khí (tiết nghĩa, khí phách) cũng là nhờ được thanh tú của non sông.
Sách Nhất thống chí của nhà Thanh (Trung Quốc) có nói: “Người ở Ái Châu (Thanh Hóa)cao điệu mà thích điều nghĩa tức là thế…. Bản dịch sách này của nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, xuất bản tại miền Nam trước 1974, được giới thiệu trân trọng Tỉnh Thanh Hóa trong “Lời nói đầu”:
Thanh Hóa, một địa điểm tối cổ nước ta, lầ nơi nhà khảo cổ đã phát hiện những cố vật thuộc Văn hóa Đông Sơn, nhiều thắng cảnh danh lam đã làm nguồn thi cảm cho biết bao tao nhân mặc khách, lại là cổ họng hai phần Nam - Bắc, đã từng chứng kiến những chiến công hiển hách của biết bao minh quân, danh tướng cùng những nghĩa cử oanh liệt của biết bao tiết phụ, anh hùng. Bởi vậy, không những Thanh Hóa có quan hệ với lịch sử, chính trị, văn hóa riêng của nước Nam ta, mà hơn nữa lại có liên quan tới lịch sử văn minh của cả miền Đông Nam Á nữa.
Trở lại cái nhìn người của GS văn hóa Ngô Đức Thịnh. Chúng ta không rõ người viết hướng mũi nhọn ngòi bút của mình vào Thanh Hóa thời phong kiến hay Thanh Hóa thời cách mạng ? Hình như tác giả khái quát tất cả! Tác giả nấp dưới hình thức phát vấn (thực chất là để khẳng định): “Cứ có hai người Thanh Hóa trở lên…”. Những ngôn từ “quân vương”, “hướng thượng”, “đầu lĩnh”, “chịu”… đặt trong ngoặc kép đều chứa đựng những cái cười mỉa mai, châm biếm! Sự thực, Thanh Hóa hoàn toàn không phải làvùng đất của những “quân vương” như lời tác giả. Chỉ có thể nói “Thanh Hóa là quê hương của nhiều vua chúa hay nhiều vua chúa quê quán ở Thanh Hóa”. Những “quân vương” mà GS-TS Thịnh cố ý để trong “nháy nháy” ấy là “quân vương” của cả nước, cả nước suy tôn họ, niềm tự hào chung vì họ là những anh hùng dân tộc: Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi,… những minh quân, minh chúa: Lê Thánh tông, Nguyễn Hoàng,… Từ vua chí dân quê quán ở Thanh Hóa, đều là người Việt Nam, có tốt, xấu, hay, dở ai cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Ví như Lê Quý Ly (vốn quê quán Diễn Châu-Nghệ An) bỏ họ Lê trở lại họ Hồ - Hồ Quý Ly - luôn có tư tưởng “hướng thượng”, làm “đầu lĩnh”, rồi làm “quân vương”; trước không “chịu” để giặc Minh xâm lược, sau lại quy hàng nhà Minh. Lẽ nào người Xứ Nghệ của ông Ngô Đức Thịnh cũng có “tâm lý” ấy?
Nhà nghiên cứu văn hóa viết: “Người Xứ Thanh tính cố kết địa phương có phần giảm thiểu hơn người Xứ Nghệ?” Chúng ta dám chắc ông Thịnh chỉ nói theo cảm tính, phi khoa học, dựa vào hiện tượng để đánh giá bản chất. Không có “tính cố kết” mà Triệu Thị Trinh cô gái 20 tuổi hô một tiếng vạn người theo đánh cho quân Ngô mất vía? Không có “tính cố kết” sao Lê Lợi áo vải cày ruộng đất Lam Sơn tập hợp nhân dân Xứ Thanh dựng cờ khởi nghĩa được cả nước hưởng ứng, rất nhiều danh tướng quê quán Xứ Thanh? Bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, Xứ Thanh vẫn là Xứ Thanh thống nhất lãnh thổ, đoàn kết dân tộc, phát huy truyền thống văn minh sông Mã, xây dựng nền văn hóa địa phương giàu sắc thái Xứ Thanh…
Nhớ lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những đội nữ dân quân Nam Ngạn - Hàm Rồng, Hoa Lộc, Thanh Thủy, đội lão dân quân Hoằng Trường, đội dân quân 94 bến phà Ghép, v.v… nếu đúng như lời ông Thịnh nói: “cứ có đến hai người Thanh Hóa trở lên là họ ít khi “chịu” nhau”, chắc chắn đã không thể có những nữ chỉ huy Nguyễn Thị Hằng, chiến sĩ vác đạn Ngô Thị Tuyển, đã không thể hạ gục những “con ma”, “thần sấm” Hoa Kỳ, khiến năm châu kính phục?
Tính “cố kết địa phương”, quan niệm cho đúng là tinh thần đoàn kết vững chắc(chú ý chữ “cố”) của nhân dân, của địa phương vì lợi ích chung nhân dân, dân tộc. Nhưng "cố kết" theo cách ông Thịnh suy nghĩ rất dễ bị nghiêng lệch thành tính cục bộ địa phương, bè cánh, thành kiểu "nhóm lợi ích" tai hại. Bởi lẽ thông thường, đoàn kết không loại trừ đấu tranh, nếu đấu tranh để đoàn kết tốt hơn, càng bền chặt hơn. Lẽ nào như thế là không “chịu nhau”?
Trở lại mệnh đề “Không rõ có phải Xứ Thanh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, vùng đất của những “quân vương”… Cũng như từ “quân vương”, cụm từ “địa linh nhân kiệt”, tác giả đều cố ý đặt trong “nháy nháy”. Tôi không tranh luận về Thanh Hóa có phải là vùng đất “địa linh nhân kiệt” không? Nhưng tôi dám chắc cụm từ “địa linh nhân kiệt” hoàn toàn không phải do người Thanh Hóa “vỗ ngực xưng danh”. Cũng không phải nhà sử học quê quán Xứ Nghệ Phan Huy Chú quá đề cao khi viết “Dư địa chí” về Thanh Hóa trong bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí”. Trước Phan Huy Chú đến gần 200 năm, Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính (quê Xứ Bắc) đã dùng các cụm từ “Địa linh nhân kiệt”, “Địa linh dân quảng” để nói về một vùng đất “sáng” của huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, trong thần tích, ngọc phả vị thần thượng đẳng “Linh Quang” của xã Yên Lãng và làng Nam Cai.
Nguyễn Thượng Hiền quê làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) sinh năm 1868, mất năm 1925, là nhà thơ yêu nước, đồng thời là chí sĩ cách mạng, trong thời gian sống ở Thanh Hóa, sáng tác nhiều thơ văn. Bài Hát nói Thanh Hoa cảnh vật, ông viết:
Nhân kiệt địa linh thiên cổ tại,Cảnh thanh vật sắc tứ thời tân.
Nghĩa là: Đất thiêng sinh hào kiệt nghìn xưa ở chốn này, cảnh đẹp vật quý bốn mùa luôn đổi mới.