Báo Hồng Kông đăng bài xuyên tạc về việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam
(GDVN) - Bài báo xuyên tạc công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, nhận định cho rằng Việt Nam có thể đánh du kích.
Ảnh: Tàu hộ vệ tàng hình Lý Thái Tổ HQ-012 của Hải quân Việt Nam
Tờ "Đại công báo" Hồng Kông ngày 11 tháng 4 đăng bài viết nhan đề "Việt Nam: hợp tác với Trung Quốc chẳng qua là kế tạm thời thích ứng" của Thái Dực - học giả quan hệ quốc tế Đài Loan, giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu hội nhập Đông Á, bình luận viên của tờ “Tuần san châu Á”.
Bài viết dùng nhiều luận điệu xuyên tạc về tình hình bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Báo GDVN xin đăng lại nội dung để độc giả tìm hiểu về cách nhìn trái chiều từ bên ngoài, qua đó có cách ứng xử cho phù hợp.
Theo bài viết, Việt Nam dốc sức cho kiểm soát nhiều hơn đảo, đá ngầm ở Biển Đông, ra sức xây dựng các công trình sinh hoạt và quân sự trên các đảo, đá ngầm, có ý định kiểm soát và khai thác nhiều hơn tài nguyên Biển Đông, cho nên hiện nay bất cứ hợp tác nào với Trung Quốc đều chỉ là "kế tạm thích ứng" khi chưa “đủ lông đủ cánh”.
Bài viết dùng ngôn từ xuyên tạc và ác ý, cho rằng, những năm gần đây, Việt Nam coi Biển Đông là trọng điểm của công tác quốc phòng, từng bước tăng cường triển khai binh lực, không ngừng nâng cao khả năng tác chiến trên biển, trên không ở Biển Đông, có ý định dựa vào đó để kiểm soát Biển Đông - tuyến đường hàng hải quan trọng nhất của Đông Á, có tham vọng "thống trị", "chiếm đoạt" hết tài nguyên biển ở Biển Đông.
Ảnh: Tàu hộ vệ tàng hình Đinh Tiên Hoàng HQ-011 lớp Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam
Bài báo võ đoán: Việt Nam lợi dụng đề xuất "gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác" giải quyết vấn đề Biển Đông của Trung Quốc, mở rộng "xâm chiếm đảo, đá ngầm ở Trường Sa" (thực chất là quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam), hiện nay đã kiểm soát 29 đảo, đá ngầm, đồng thời tăng cường toàn diện xây dựng và hoạt động quân sự ở các đảo, đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa, cho nên, hiện nay, bất cứ hợp tác nào với Trung Quốc đều chỉ là "kế tạm thích ứng" khi chưa đủ lông đủ cánh.
Theo bài báo tự nhận định, Việt Nam nằm ở vị trí giữa của tuyến đường hàng hải từ eo biển Bashi đến eo biển Malacca, là tuyến đường hàng hải phải đi qua từ Đông Bắc Á đến eo biển Malacca, rồi đi vào Ấn Độ Dương, có vị trí chiến lược rất quan trọng, vì vậy Việt Nam cũng đã trở thành đối tác hợp tác chiến lược được Quân đội Mỹ tích cực tranh thủ để quay trở lại châu Á, bao vây Trung Quốc.
Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tiến hành diễn tập quân sự với Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, đồng thời “ám chỉ” Mỹ có thể tái sử dụng căn cứ quân sự vịnh Cam Ranh, có ý đồ thông qua tăng cường hợp tác với Mỹ về quân sự, làm hậu thuẫn đối phó với Trung Quốc.
Ảnh: Tàu hộ vệ tàng hình Lý Thái Tổ HQ-012 và Đinh Tiên Hoàng HQ-011 lớp Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo
"Những năm gần đây, Việt Nam bỏ ra rất nhiều tiền của để xây dựng hải, không quân, ngoài mua lượng lớn trang bị hải, không quân từ Nga và các nước châu Âu, gần đây còn đi lại thân mật với Nhật Bản, dự kiến giành được viện trợ quân sự cả "phần cứng" và "phần mềm" của Nhật Bản. Căn cứ vào phán đoán tình hình hiện nay, Nhật Bản và Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành một cặp "kìm" ngăn chặn sự phát triển quyền lợi biển của Trung Quốc ở khu vực Đông Á".- bài báo của TQ viết.
"Việt Nam có diện tích khoảng 320.000 km2, nằm ở phía đông bán đảo Đông Dương (Indo-China). Phía đông và phía nam giám với Biển Đông, đường bờ biển dài 3.200 km, 3/4 lãnh thổ là đồi núi và cao nguyên, do hạn chế về điều kiện địa lý tự nhiên, Việt Nam đã đưa ra chính sách quốc gia "xây dựng đất nước dựa vào biển", chủ yếu coi kiểm soát và khai thác tài nguyên biển ở Biển Đông là đường lối chính cho phát triển đất nước trong tương lai của Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã sản xuất được rất nhiều dầu khí ở Biển Đông, giá trị sản lượng đã đạt vài chục tỷ USD, trở thành trụ cột chính của nền kinh tế Việt Nam, là "lợi ích cốt lõi" phát triển đất nước dựa vào biển của Việt Nam".
Ảnh: Tàu tên lửa lớp Molniya của Hải quân Việt Nam trang bị tổ hợp tên lửa chống hạm Kh-35
Chủ lực của "Hạm đội ven biển" do Việt Nam thành lập sẽ gồm có 6 tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, 12 tàu tên lửa lớp Molniya và 6 tàu ngầm lớp Kilo Type 636, cộng với đã trang bị tên lửa chống hạm bờ biển siêu âm K-300P Bastion do Nga chế tạo, tầm bắn gần 300 km, sức chiến đấu tương đối khả quan.
Tàu hộ vệ lớp Gepard là một tàu tuần tra phòng thủ lớp 1.600 tấn do Nga mới đưa ra, kích cỡ tuy nhỏ nhưng đầy đủ chức năng, có sức chiến đấu hàng đầu ở duyên hải với các khả năng như phòng không, săn ngầm, chống hạm.
Tàu tên lửa lớp Molniya tuy chỉ có 600 tấn, nhưng đã trang bị 16 quả tên lửa chống hạm, hỏa lực tấn công rất mạnh, là "nhân vật xuất sắc" trong các loại tàu tên lửa.
Tàu ngầm lớp Kilo Type 636 thậm chí được mệnh danh là "lỗ đen đại dương", những tàu ngầm Việt Nam mua lại là phiên bản mới nhất của lớp Kilo, trang bị tên lửa chống hạm siêu âm Club của Nga, là "sát thủ tàu sân bay", đến Mỹ cũng không dám xem thường. Cho nên, Trung Quốc sẽ đối mặt với một "kỵ binh trên biển" rất nhanh nhẹn, dũng mãnh và khó chơi.
Tàu ngầm diesel-điện Hà Nội lớp Kilo của Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo
Việt Nam có thể tiến hành du kích trên biển
Vị trí địa lý đặc biệt của Việt Nam đã cung cấp điều kiện có lợi cho phát triển Hải quân Việt Nam, có thể tận dụng môi trường địa lý phức tạp từ các hòn đảo san sát ở duyên hải để tiến hành du kích trên biển, tiến hành tập kích, phục kích/mai phục đối với tàu thuyền qua lại, xây dựng một "hàng lang an toàn phòng thủ bờ biển" cho Việt Nam, tạo ra mối đe dọa rất lớn cho tàu thuyền nước ngoài đi qua vùng biển duyên hải của Việt Nam.
Không quân Việt Nam hiện nay có khoảng 30 máy bay chiến đấu Su-27SK/UBK và Su-30MKV2, 60 máy bay chiến đấu ném bom Su-22M và gần 100 máy bay chiến đấu MiG-21. Mục tiêu xây dựng quân đội sắp tới là có thể tăng thêm 3 trung đoàn máy bay với 72 máy bay chiến đấu Su-30MKV2, thậm chí cũng đang đánh giá khả năng mua máy bay chiến đấu Su-35S mới nhất, máy bay tuần tra săn ngầm, máy bay cảnh báo sớm trên không của Nga, sức chiến đấu không thể xem thường.
Nằm tiếp giáp với vịnh Cam Ranh là Phan Rang và Nha Trang - hai căn cứ không quân gần quần đảo Trường Sa nhất của Việt Nam, cách đảo Ba Bình chỉ 582 km, là bán kính tác chiến có hiệu quả của máy bay chiến đấu Không quân Việt Nam.
Tàu ngầm thông thường Tp.Hồ Chí Minh HQ-183 Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo
Báo này viết: "Những năm gần đây, Việt Nam thường xuyên điều máy bay chiến đấu tuần tra đảo Ba Bình hiện do Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp. Không quân Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông.
Việt Nam cho rằng, phòng thủ đảo, đá ngầm là tuyến đầu tiên của quốc phòng, là biện pháp quan trọng bảo vệ lợi ích cốt lõi quốc gia, những năm gần đây, mức độ đầu tư cho đảo, đá ngầm hiện đang kiểm soát là rất lớn. Trên đảo, đá ngầm có các công trình như nhà ở khu dân cư, có nông trường nhỏ, phát điện bằng sức gió và năng lượng mặt trời, thiết bị làm ngọt hóa nước biển, công sự che chắn, pháo, trận địa tên lửa, sân bay quân sự;
đồng thời xây dựng nhà giàn trên đảo và đá ngầm không thích hợp cho người ở, trên nóc nhà giàn còn có nơi cất hạ cánh máy bay trực thăng, đây được coi là trạm gác đóng quân, có thể theo dõi lâu dài vùng biển xung quanh, khả năng phòng thủ quân sự được nâng cao rất lớn;
ngoài ra còn thường xuyên tiến hành huấn luyện, diễn tập đổ bộ, có ý định "xâm chiếm nhiều đảo, đá ngầm hơn ở Trường Sa" (thực ra là thu hồi, đánh đuổi những kẻ xâm lược). Đài Loan chỉ có lực lượng tuần duyên chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình, là mục tiêu nhằm vào từ lâu của Việt Nam".
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 phóng tên lửa Kh-31A
Việc triển khai chiến lược phòng thủ trên thế tấn công của Việt Nam đã thực sự hình thành, đồng thời sẽ tiếp tục tăng cường, sẽ trở thành một lực lượng không thể xem thường/bắt nạt của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Vì vậy, bài báo đang cố gắng kêu gọi "hai bờ" (eo biển Đài Loan) cần tập trung chú ý đến "tham vọng" của Việt Nam.
Bài báo giở giọng của kẻ muốn thống trị, cho rằng, đằng sau "kế tạm thích ứng" giữ sự ổn định với Trung Quốc về tình hình Biển Đông, (Trung Quốc) cần có tầm nhìn xa rộng hơn, quy hoạch chiến lược toàn diện, tích cực kiểm soát tình hình Việt Nam, phòng "họa" khi còn chưa xảy ra, tránh "nuôi ong tay áo".
Bài báo giở giọng của kẻ muốn thống trị, cho rằng, đằng sau "kế tạm thích ứng" giữ sự ổn định với Trung Quốc về tình hình Biển Đông, (Trung Quốc) cần có tầm nhìn xa rộng hơn, quy hoạch chiến lược toàn diện, tích cực kiểm soát tình hình Việt Nam, phòng "họa" khi còn chưa xảy ra, tránh "nuôi ong tay áo".
Nguồn: GDVN