Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Bố yên tâm công tác, mẹ ở nhà đã có chú hàng xóm yêu thương

Bố kính mến! 

Đầu thư con chúc bố sức khỏe, con yêu bố! Thưa bố, từ ngày bố đi công tác ngoài đảo, con rất nhớ bố nhưng một thời gian con đã quên và không còn nhớ bố nữa, nên bố yên tâm công tác. 

Ở nhà không có bố, con và mẹ rất vui, con học hành có tiến bố hơn trước, bố đừng lo cho con. Con và mẹ ở nhà có hàng xóm yêu thương và giúp đỡ rất nhiều, nhất là chú Thanh công an phường. Ngày nào chú cũng đến ăn cơm cùng con và mẹ, chở con đi chơi cùng mẹ. Chú mua rất nhiều quà cho con, còn tổ chức sinh nhật cho con nữa. 

Thỉnh thoảng chú còn khen con đẹp giống mẹ. Hằng đêm chú còn kể chuyện cho con nghe trước khi con đi ngủ. Sáng sớm chú sang chở con đi học, trưa chú đón con về. Chú Thanh là một người tốt, con rất yêu chú Thanh, mẹ cũng rất yêu chú Thanh nên bố đừng lo cho con và mẹ nữa, nên bố hãy yên tâm công tác. Khi nào xong nhiệm vụ trở về gia đình mình lại sum họp bố nhé. Chúc bố khỏe!

Nóng rực: BẮT PHÓ BAN TỔ CHỨC QUẬN ỦY LIÊN QUAN ĐẾN VỤ GIẾT NGƯỜI GIỮA PHỐ

Khoai@


Rõ ràng công tác cán bộ đang là vấn đề. 

Tại sao lại có thể để một cán bộ có phẩm chất như vậy giữ vai trò phó ban tổ chức quận ủy của một quận giữ Thủ đô?

Có hay không chạy chức chạy quyền ở đây?

Bắt Phó ban Tổ chức Quận uỷ liên quan vụ giết người giữa phố

TPO - Liên quan vụ giết lái xe ô tô trên đường Phạm Văn Đồng xảy ra sáng 5/8, tối 9/8 Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội đã bắt thêm 2 đối tượng liên quan, trong đó có Phó trưởng ban Tổ chức Quận uỷ Cầu Giấy.

Hiện trường vụ án

Theo đó, 2 nghi can gồm Nguyễn Quốc Văn (54 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần đầu tư xây dựng thương mại tổng hợp và kinh doanh bất động sản), Lê Trung Kiên (33 tuổi, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Phó trưởng ban Tổ chức Quận uỷ Cầu Giấy).

Như tin đã đưa, sáng 5/8, ông Kiều Hồng Thành (53 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm) điều khiển ô tô trên đường Phạm Văn Đồng, bất ngờ bị 2 nam thanh niên chặn đầu xe, đâm chết tại chỗ. Sau đó, Công an Hà Nội bắt khẩn cấp 3 đối tượng Nguyễn Kim Bình, Hoàng Anh Tuấn và Lê Hồng Thuận, cùng ở Hà Nội, về hành vi giết người.

Bước đầu, công an xác định, ông Văn nợ ông Thành 1,9 tỷ đồng và Bình biết chuyện 2 bên có mâu thuẫn trong thanh toán tiền. Bình đã thuê Tuấn và Thuận đánh ông Thành với giá 30 triệu đồng, khiến ông Thành tử vong. Riêng hành vi của ông Kiên liên quan thế nào trong vụ án đang được xác minh làm rõ.

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

CHUYẾN ĐI CỦA ÔNG PHẠM QUANG NGHỊ VÀ QUAN HỆ VIỆT - MỸ

LâmTrực@


Đã có nhiều đồn đoán quanh chuyến công du sang Mỹ của ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Điều gì đã xảy ra và điều gì nữa sẽ đến vẫn là mối quan tâm lớn của dư luận.

Phải khẳng định rằng, cho tới thời điểm này, một nhân vật thuộc hàng cao cấp nhất, triển vọng nhất của Việt Nam sang Mỹ theo lời mời của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là một chỉ dấu cho cả thế giới thấy được mối quan tâm của Mỹ tới Việt Nam là như thế nào. Điều đặc biệt là với trường hợp của ông Phạm Quang Nghị, người được coi là ứng cử viên sáng giá nhất hiện nay cho chức Tổng bí thư.

Cũng về chuyến đi của ông Nghị, hôm thứ Hai, nhà phân tích chính trị Jonathan London từ Đại học Thành thị Hong Kong nói: "Nhiều người suy đoán là nó có liên quan việc trong tương lai sắp tới, ông Phạm Quang Nghị cũng có thể thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, và đó là một dịp để giới thiệu ông với các nước quan trọng như Mỹ chẳng hạn", và : "Dù sao đã có một lãnh đạo lớn của Đảng mà có thể là một trong những người sẽ có quyền lực lớn nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam sang Mỹ, thì dù sao quan hệ của hai nước cũng đang phát triển một cách mạnh mẽ hơn so với trước. Và chúng ta đang thấy sự phát triển song phương của quan hệ Mỹ - Việt đang đi vào một giai đoạn mới".

Tôi nghĩ, chuyến đi của ông Nghị không chỉ có thế. Đó là một bước tiến dài, khởi đầu cho giai đoạn tăng tốc quan hệ Việt - Mỹ sau sự kiện Trung Quốc dùng giàn khoan 981 để xâm lược Việt Nam và nắn gân các nước láng giềng. Lẽ dĩ nhiên, phía Trung Quốc sẽ cực kỳ "quan tâm" tới chuyến đi này, bởi không phải bỗng nhiên, chính phủ Mỹ lại chú tâm tới mối quan hệ với đảng cộng sản Việt Nam hơn thường lệ, thay vì tổ chức quan hệ ngoại giao thông thường.

Nhân chuyện này, nhiều nhà bình luận cho rằng, sự kiện giàn khoan 981 là một thảm bại của Trung Quốc. Không những không lấy được một giọt dầu nào, ngược lại, nó hao tiền tốn của, mai một niềm tin quốc tế và hơn hết nó siết chặt hơn sự cô độc của Trung Quốc trong mối quan hệ bang giao quốc tế. Các nước láng giềng đã trở nên cẩn trọng hơn với Trung Quốc, và tìm cách thiết lập các quan hệ đối tác mới, tin tưởng hơn. 


Một điều mà các "nhà zân chủ" trong nước luôn quan tâm, thậm chí đặt câu hỏi rằng, tại sao chuyến đi ấy, lại không phải là một địa diện của Chính phủ hay Bộ Ngoại giao, mà lại là một lãnh đạo đảng?


Câu trả lời khá đơn giản là người Mỹ vốn rất thực tế, cũng đã nhận ra rằng, khác với phương Tây, ở Việt Nam, vai trò của đảng quan trọng như thế nào trong việc lãnh đạo đất nước, và tầng mức ảnh hưởng của đảng như thế nào trong thiết lập mối quan hệ song phương với nhà nước Việt Nam. Và rõ ràng vì như thế, nên Quốc hội Mỹ mà bản chất là Chính phủ Mỹ đang muốn xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn với đảng cộng sản Việt Nam, với hy vọng có được một ảnh hưởng đủ lớn trong môi trường chính trị Việt Nam và chứng tỏ một vị trí quan trọng của họ tại khu vực (bao hàm cả biển Đông), mà bấy lâu nay Trung Quốc vẫn được coi là độc quyền.


Thực tế là, sau khi ông Phạm Quang Nghị sang Mỹ, thì sau đó không lâu, hai Thượng nghị sĩ Mỹ là John McCain (thuộc đảng Cộng hòa, bang Arizona) và Sheldon Whitehouse (thuộc đảng Dân chủ, bang Rhode Island) đến thăm Việt Nam, trong ba ngày kể từ 08/08/2014 đã gây chú ý trong dư luận. 

Sự kiện này được coi là một chỉ dấu quan trọng trong tiến trình thắt chặt quan hệ đối tác Mỹ - Việt. Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết, ba hồ sơ quan trọng là an ninh khu vực, nhân quyền và thương mại sẽ được các nghị sĩ Mỹ thảo luận với các cấp lãnh đạo Việt Nam.


Đến Việt Nam lần này, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain trong quá trình họp báo đã công khai những phát biểu của mình với thiện ý nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Cần nói thêm, ông là người phụ trách Ủy ban quân vụ của Quốc hội Hoa Kỳ và được coi là một trong những thượng nghị sĩ hàng đầu có vai trò quan trọng trong thiết lập, củng cố và điều tiết tốc độ quan hệ giữa hai nước.


Trước đó Thượng nghị sĩ Bob Coker của Hoa Kỳ cũng vừa kết thúc một chuyến thăm viếng tại Hà Nội, với cuộc gặp hầu hết những người được xem là nguyên thủ quốc gia của Việt Nam.


Cũng chưa đầy một tuần sau khi Thượng nghị viện Mỹ đạt được một Thỏa thuận về hạt nhân dân sự với Việt Nam, nay đến lượt Hạ nghị viện Hoa Kỳ bật đèn xanh một nghị quyết cho phép Mỹ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Như vậy có thể thấy rõ, gần đây Quốc hội Mỹ có vẻ lại quan tâm hơn đến Việt Nam, trong khi trước đây các hoạt động trao đổi chủ yếu từ phía chính quyền, và điều này có vẻ như bất bình thường đối với giới bình luận. Đặc biệt là sau chuyến đi Mỹ của ông Phạm Quang Nghị và cử chỉ "đáp lễ" của Thượng nghị sĩ John McCain.

Rõ ràng, quan hệ Việt – Mỹ đang có những bước chuyển khá ngoạn mục, đặc biệt là từ sau vụ giàn khoan 981 tiến vào lãnh thổ của Việt Nam.


Thượng nghị sĩ John McCain chia sẻ với báo giới hôm 8/8/2014: "Tôi đến Hà Nội vào thời điểm quan trọng vào năm tới hai nước kỷ niệm bình thường hóa quan hệ. Với những người như chúng tôi tham gia vào quá trình này thì đây là những điều đáng kinh ngạc. Cùng lúc chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi còn có rất nhiều việc mà đáng lẽ ra chúng ta còn phải làm được nhiều hơn nữa, nhất là chúng ta là đối tác của nhau. Đặc biệt ở thời điểm đang có những diễn biến đáng lo ngại trên Biển Đông như hiện nay, đó cũng là lúc Mỹ và Việt Nam cần có những bước nhảy vọt trong thời gian tới. Mỹ sẵn sàng đương đầu với những thách thức mới, những cách nghĩ mới và việc làm mới. Chúng tôi sẵn sàng đi đến hoàn tất Hiệp định TPP, cùng với Việt Nam với tư cách là đối tác toàn diện của Mỹ. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với Việt Nam trong khuôn khổ của TPP để Việt Nam đáp ứng được những tiêu chuẩn của Mỹ để được công nhận là nền kinh tế thị trường". Như vậy, vấn đề khó khăn nhất là TTP, mặc dù bị các thế lực khác ra sức cản phá, rốt cuộc cũng trở nên nhẹ nhõm hơn.


Về quân sự, ông John McCain cho rằng chính phủ Mỹ "sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự với mức độ mà Việt Nam chấp nhận được". Và "sẵn sàng gia tăng trợ giúp Việt Nam để Việt Nam bảo đảm an ninh và bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam". Ở đây, thiện chí của phía Mỹ được người Việt đánh giá cao, nhưng chắc chắn sẽ làm cho Bắc Kinh cảm thấy khó chịu và sự tiến bộ trong quan hệ ấy sẽ khiến cho Bắc Kinh phải điều chỉnh thái độ hung hăng của mình.


Người đi cùng, Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse cũng cho rằng việc nới lỏng bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, nhưng ông cũng nói nó có thể tiến triển nhanh: "Không nhất thiết sẽ là việc giải tỏa toàn bộ, nhưng có lẽ theo từng chặng, cho phép các giai đoạn đầu xảy ra nhanh hơn". và "rất có thể, chuyến làm việc này của John McCain sẽ mang tính "tiền trạm" để Quốc hội Mỹ quyết định về một vấn đề còn hệ trọng hơn hẳn giữa hai quốc gia: đối tác chiến lược".


Những phát biểu trên dường như có hàm ý gửi đến Trung Quốc một thông điệp rằng, nước Mỹ đang làm tất cả những gì có thể nhằm kiềm chế căn bệnh hoang tưởng về lãnh thổ của Bắc Kinh. "Vấn đề hệ trọng" mà Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse nói đó là quan hệ đối tác chiến lược.


Trong câu chuyện này, có thể người Mỹ không nói suông. Còn nhớ, tại cuộc gặp chào từ biệt với ông Trương Tấn Sang, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là David Shear đã nói bóng gió về triển vọng "đối tác chiến lược Việt - Mỹ" trong tương lai. Điều này có vẻ như là một bước tiến mới, nâng tầm "đối tác toàn diện" đã được thỏa thuận giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào tháng 7/2013. 


Giới phân tích cho rằng, nhu cầu nâng tầm quan hệ lên "đối tác chiến lược" xuất phát từ chính lợi ích của Mỹ, và từ rất sớm, nó đã được chính tư lệnh quân đội Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương gợi mở ngay sau khi Trung Quốc sử dụng giàn khoan 981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam, làm đảo lộn môi trường an ninh khu vực, và làm tổn hại đến lợi ích của Hoa Kỳ.


Nhìn lại lịch sử quan hệ giữa hai nước, lần đầu tiên sau chuyến đi của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, người ta chứng kiến một phương thức ngoại giao mới và những bước phát triển thuận lợi nhất trong quan hệ Việt - Mỹ.

CỰU DU HỌC SINH NHẬT 'SỬA LƯNG' VUA HÀNG HIỆU JONATHAN HẠNH NGUYỄN KHI NÓI VỀ TRÀNG TIỀN PLAZA

Nếu tôi là các bạn, tôi sẽ không chờ mọi người đến với cửa hàng mình mà chủ động đi tìm họ, vì họ là những người sẽ tiêu hàng chục ngàn đô, chứ ko phải một vài Triệu VNĐ.

Nếu tôi là các bạn, tôi sẽ không để khách hàng của mình ra đi mà không mang theo nụ cười và số điện thoại di động của chính bạn, vì biết đâu chính họ sẽ gọi lại.

Trung tâm Thương mại Tràng Tiền cũ được công ty IPP của Vua hàng Hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn, đầu tư với hơn 400 tỷ đồng để nâng cấp và sửa chữa biến nó thành một Tràng Tiền Plaza với nội thất sang trọng và đưa các thương hiệu thời trang đình đám vào trung tâm thương mại này để bán lẻ. Thế nhưng sau 2 năm hoạt động, không thực sự hiệu quả và Tràng Tiền Plaza phải đóng cửa để tái cấu trúc, cũng có nhiều gian hàng của các chủ đầu tư cũng đã phải đóng cửa tại đây để cắt lỗ. Dưới góc nhìn của bạn đọc là một cựu du học sinh tại Nhật Bản, doanh nhân trẻ 8X đang thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ Nguyễn Ích Vinh đã thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ mang tính chất đóng góp, trên tinh thần xây dựng về vấn đề này. Anh từng là Hot Boy một thời trong cộng đồng du học sinh tại Nhật Bản với công thức: Đẹp Trai, Học Giỏi và Dám nói dám làm.

Vì tính chất công việc, tôi thường đi khá nhiều nước và cũng như nhiều người khác, những lúc rảnh đương nhiên tôi hay vào các trung tâm mua sắm lớn và thi thoảng có mua 1 số món đồ, đắt có mà vừa vừa cũng có. 

1. Các bạn không hiểu người mua ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Không nói đến những món đồ vài trăm USD như 1 cái ví Salvatore hay 1 đôi măng séc YSL, tôi chắc chắn ở Hà Nội và cả Việt Nam sẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay được số người, ko phải là ko dám, mà muốn bỏ ra hơn 500 triệu VNĐ để mua 1 cái đồng hồ Cartier hoặc khoảng 7 ngàn USD mua 1 cái túi LV. Vì đơn giản, với những người có đủ tài chính như vậy ở Việt Nam thì chắc chắn họ sẽ mua những món đồ có giá trị như vậy ở nước ngoài, nơi họ tin cậy có được hàng genuine hơn ở là mua Việt Nam.

Bên cạnh đó, đích thân tôi và nhiều bạn bè đã kiểm chứng Tràng Tiền Plaza đang bán những món đồ như vậy đắt hơn cùng loại ở Nhật, Sing, Hong Kong khoảng 20 - 30%.

2008 tôi có 1 cô bạn mua 1 cái túi LV gần 7 ngàn USD ở Diamond ở Tp.Hồ Chí Minh và khi sang tới sân bay Ý thì bị cắt dây túi và giữ lại vì là đồ fake, chỉ biết ngồi khóc.

2009 tôi có quen 1 bạn làm nhân viên bán hàng ở 1 TTTM lớn ở Hải Phòng (ko tiện nêu tên), và được nghe kể là hàng trưng bày là hàng thật, nhưng khi vào kho lấy ra sẽ là fake và nếu người mua ko tinh ý thì sẽ bị lừa và nhận 1 món đồ khoảng 1tr VND với giá 5-7 ngàn USD. Bây giờ thì chắc sẽ ko còn kiểu này nữa vì người mua hàng VN cũng đã khôn ra nhiều.

Từ góc nhìn địa điểm, các bạn đúng khi có mảnh đất kim cương của Thủ đô, nhưng sai về thói quen và văn hóa mua hàng của người Hà Nội. Vì sao?

Hàng hiệu siêu xa xỉ sẽ có 1 nhóm đối tượng người mua rất lớn là các ngôi sao, là người của công chúng, và là con gái. Do đó, nhóm này tất yếu ở Sài Gòn sẽ đông và nhộn nhịp hơn ở Hà Nội. Về văn hóa và đặc thù, các bạn đừng quên ở Hà Nội, con gái thường nhìn vào số tiền con trai kiếm được để ngưỡng mộ và yêu, sau đó còn tiết kiệm giúp, còn ở Sài Gòn, con gái nhìn vào cách con trai tiêu tiền để yêu và ngưỡng mộ, sau đó sẽ tiêu giúp. Đại loại là nếu bạn yêu 1 cô Hà Nội và đưa cho cô ý 5 ngàn đô mua sắm, cô ấy sẽ mua hết 4 ngàn và để lại 1 ngàn vào việc khác hoặc mua gì đó tặng lại bạn, còn nếu bạn yêu 1 cô Sài Gòn và đưa cô ý 5 ngàn đô mua sắm, cô ấy sẽ ngay lập tức xài hết 5 ngàn. Hà Nội không sai không đúng, Sài Gòn không đúng không sai, chỉ là văn hóa tiêu xài thì như vậy. Ở Sài Gòn liên tục có kiểu con trai yêu thì mua túi xách, mua xe cho bạn gái, đặc biệt là trong giới showbiz, còn ở Hà Nội thì ít hơn. Mua 1 cái belt Hermes chỉ hơn 1 ngàn đô hay cái kính Gucci 400 đô thì Hà Nội hay Sài Gòn như nhau, nhưng mua 1 cái giỏ xách LV cỡ mười mấy ngàn đô thì Hà Nội và Sài Gòn khác nhau nhiều lắm.

Kết luận: Ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ ko bán được những thứ hàng hiệu cỡ khoảng vài chục Triệu cho đến một vài Tỷ VNĐ, vì đơn giản người Việt sẽ ra nước ngoài mua những thứ đó vì những lý do kể trên, chưa cần biết khủng hoảng kinh tế hay không. Bên cạnh đó, ở Hà Nội sẽ ko bán được những thứ siêu xa xỉ, đơn giản vì 1 nhóm đối tượng mua rất lớn thì ở cả Sài Gòn rồi.

2. Các bạn muốn chúng tôi hiểu mình đang vào 1 chỗ được coi là sang trọng bậc nhất nhưng dịch vụ thì không chấp nhận được.

Ở Tokyo có 1 khu là Ginza, được coi như Wall Street của Mỹ vì ở đây hội tụ những ngân hàng, công ty tài chính và chứng khoán to nhất và lâu đời nhất. Tất nhiên, con người ra vào khu này đều là những người giàu có và sang trọng. Khi tôi vào 1 cửa hàng Rolex, có 2 người đứng 2 bên cửa cúi gập người chào, sau đó là 1 bạn nhân viên nữ rất xinh (nhấn mạnh là rất xinh) cười và mời tôi vào. Khi bước vào bên trong cửa, toàn bộ nhân viên (không có ai được ngồi) đang ko bận khách sẽ đứng dậy cúi đầu chào, nhân viên đang bận khách sẽ quay sang rất nhanh và mỉm cười chào tôi trong khoảng 1s và quay lại với công việc. Tôi sau đó sẽ được bạn nhân viên đón lúc đầu tiếp tục đi cạnh, và giữ khoảng cách vừa phải, đặc biệt là luôn mỉm cười và im lặng cho đến khi tôi hỏi. Tất nhiên khỏi cần nói về trang phục, cách trang điểm và business manner vì tất nhiên là tất cả đều vô cùng duyên dáng và hấp dẫn.

Hình ảnh như trên có thể dễ dàng gặp tại Ý hay Mỹ, hay 1 số khu mua sắm đẳng cấp tại Hong Kong.

Còn ở Tràng Tiền Plaza, tôi thấy các bạn thật tệ. Nếu các bạn kỳ vọng tôi sẽ bỏ ra hàng chục ngàn USD mỗi lần ghé thăm, đừng để tôi thấy vài việc sau:

- Bảo vệ hầm gửi xe mặc kệ cho tôi muốn đậu xe đâu thì đậu, chưa lấy xe đã bắt trả tiền trước, lúc lấy xe ra thì thậm chí ko thèm cầm lại vé. Tôi sẽ rất vui nếu có ai đó đậu xe cho mình và ko bắt tôi trả 40 ngàn VNĐ tiền gửi.

- Bảo vệ tầng 1 của các bạn thậm chí không biết cười và mở cửa cho tôi khi đang ngáp ngủ. Tôi sẽ dễ chịu hơn nếu được nghe 1 câu chào.
- Nhân viên bán hàng ngồi, buôn chuyện, và nhìn thấy tôi thì vồ lấy như bắt được con cá to, nói nhiều đến mức tôi khó chịu. Thế thì khác gì Vincom, khác gì Pico Mall, khác gì The Garden?

Các bạn quên rằng những người giàu nhất và sang trọng nhất khi mua hàng thường thích giao tiếp bằng cử chỉ, ánh mắt, và nghe vừa phải. Vì sao? Vì người ta cần yên tĩnh để ngắm nhìn vẻ đẹp của mỗi món đồ khi chúng là những tuyệt tác thiết kế của thế giới.

- Tôi muốn các bạn khi cầm vào từng món đồ phải đeo găng tay trắng tinh, vì với những món hàng hiệu hàng chục đến hàng trăm ngàn USD, nốt vân tay của nhân viên bán hàng được coi là 1 trong những thứ gây khó chịu lớn cho người mua

Kết luận: Chúng tôi sẽ không mua ở Tràng Tiền vì các bạn muốn chúng tôi tiêu tiền như giới siêu giàu, nhưng lại mang cho chúng tôi dịch vụ bình dân.

3. Các bạn không biết bán hàng

Thực tế là tôi vào Tràng Tiền Plaza 3-4 lần gì đó và sau đó tôi không có thông tin nào về bất kỳ nhân viên nào của các cửa hàng mà tôi đã ghé, và các bạn đó cũng ko có thông tin nào của tôi cả!

Dự định bỏ ra vài chục ngàn USD không phải chuyện đùa, và tôi chắc 99% số người vào thăm các bạn sẽ ko mua trong lần đầu tiên. Như vậy với thực tế ngắn gọn ở trên, các bạn sẽ mất đi 99% lượng khách hàng tiềm năng.

Các bạn ko biết tạo ra nhu cầu mua, các bạn không biết follow up những người mua tiềm năng, và các bạn không giúp họ đưa ra được lý do để quyết định, nên chắc chắn sẽ không bán được. Các bạn phải làm chúng tôi cảm thấy mua hàng của các bạn là mang được 1 tuyệt tác thời trang của thế giới về dùng hoặc mang đi tặng với ý nghĩa mà có thể các bạn cũng nghĩ hộ chúng tôi, chứ ko phải cảm thấy các bạn chỉ làm sao lấy được tiền của chúng tôi 1 lần. Nếu chúng tôi được coi là khách hàng hạng sang, thì các bạn phải làm chúng tôi nhớ tới các bạn hoặc ít nhất có số mobile của các bạn, và các bạn phải nhớ được ngày sinh nhật hay 1 sự kiện nào đại loại liên quan đến vợ, người yêu, bố mẹ, con cái chúng tôi, vì rất có thể chúng tôi sẽ ko mua gì trị giá 1 ngàn đô cho mình nhưng sẽ mua gì đó trị giá 5 ngàn đô để tặng cho người mà chúng tôi yêu thương.

Nếu tôi là các bạn, tôi sẽ không chờ mọi người đến với cửa hàng mình mà chủ động đi tìm họ, vì họ là những người sẽ tiêu hàng chục ngàn đô, chứ ko phải một vài Triệu VNĐ.

Nếu tôi là các bạn, tôi sẽ không để khách hàng của mình ra đi mà không mang theo nụ cười và số điện thoại di động của chính bạn, vì biết đâu chính họ sẽ gọi lại.

Kết luận: Các bạn vô cùng hời hợt khi tuyển dụng và đào tạo nhân viên bán hàng của mình. Nói 1 cách chung nhất, các bạn không biết bán hàng vì đơn giản là ko thể dùng nhân viên bán xe Suzuki để bán cho khách hàng đang tìm mua Bentley được.

Một cách để bán những mặt hàng kiểu này là các bạn hãy tìm cách có được danh sách khách hàng của Mercedes, Audi, BMW, Porsche, v.v… thêm nữa thì là danh sách các chủ hộ ở IPH, Tân Hoàng Minh, Euro Window, Vinhomes, v.v… Và tìm mọi cách liên kết với họ, cung cấp cho họ thông tin, để ý tới những sự kiện trọng đại của họ, cho họ 1 suy nghĩ nếu mua gì đó kiểu phụ kiện như giỏ xách, belts, cufflinks, wallets, vân vân và vân vân…thì hãy nghĩ đến các bạn, thay vì suy nghĩ của đại đa số là thôi ra nước ngoài mà mua cho có hàng thật, vì hàng hiệu bao giờ cũng có thẻ nhận diện toàn cầu. Tràng Tiền các bạn không thể bán hàng hiệu theo kiểu các TTTM luxury trên thế giới được vì người Việt ở Việt Nam ko tự tìm đến các bạn để mua đồ hiệu, và Tây thì chắc chắn ko mua rồi. Vì vậy, hãy tìm đến những đối tượng như trên 1 cách chủ động, vì họ sẽ có thể mua hàng của các bạn. Đừng tìm tôi vì tôi chưa siêu giàu và chưa ở Vinhomes.

Một ví dụ điển hình là người bán siêu xe Lamborghini giỏi nhất thế giới chỉ là 1 cậu trai 27 tuổi, và đối tượng khách hàng chính của cậu là bạn gái của các cầu thủ ngôi sao trên toàn thế giới. Hãy tìm đọc câu chuyện này, các bạn sẽ học được cách bán hàng siêu đắt cho giới siêu giàu.

Dựa vào những phân tích trên, tôi khẳng định chiến lược mới của Tràng Tiền Plaza khi sẽ mang các thương hiệu phân khúc trung bình như Triump, Diesel, Victoria Secret.… vào là đúng.

Tuy nhiên, chắc chắn việc này chỉ giải quyết được Mục 1.

Hãy nhìn vào sự thành công của những thương hiệu bình dân như Nine West, Pedro hay Charles & Keith với lượng người mua luôn ổn định ở mức cao mặc dù có mặt ở Việt Nam muộn hơn và chỉ là những cửa hiệu không to không nhỏ ở những địa điểm không xấu không đẹp. Họ hiểu tâm lý, hiểu thói quen mua, hiểu rằng Việt Nam mới đang ở trong giai đoạn chuyển giao từ nước nghèo lên nước bớt nghèo hơn 1 chút, do đó tâm lý của phần đông là muốn dùng hàng hiệu nước ngoài, nhưng chỉ phải trả giá không quá cao.

Charles & Keith đã thành công khi xuất hiện đúng thời điểm người mua Việt chán ngấy các loại fake 1, fake 2 từ Quảng Châu. Họ không muốn mang tiếng dùng hàng fake, họ muốn trả chi phí vừa phải nhưng lại vẫn muốn dùng đồ hiệu. Charles and Keith xuất hiện vào thời điểm không thể hoàn hảo hơn, còn các bạn xuất hiện vào đúng giai đoạn những người sẵn sàng xài tiền nhất thì hầu như tất cả đều mất 80 - 90% tài sản do khủng hoảng.

Mục 2 và 3 ở trên là những nguyên nhân nội tại của tổ chức, chẳng liên quan gì đến văn hóa hay tâm lý, ko phức tạp, ko khó để thay đổi, nhưng nó thuộc về cái gọi là mindset, là nhận thức của nhân viên của các bạn. Tôi nghĩ có thể các bạn cần làm mới họ 100%, thì có thể các bạn sẽ bán được hàng.

Chiến lược mới có vẻ đúng, nhưng như tôi nói ở trên, các bạn sai từ chi tiết. Mà người siêu giàu thì thường để ý đến chi tiết.

Hãy tìm đọc câu chuyện về Lexus, về sự tích Logo tuyệt đẹp cách điệu của con số 20, tượng trưng cho 20 kỹ sư giỏi nhất, được Toyota cử đi ăn chực nằm chờ, làm quen với 20 người giàu nhất thế giới, chỉ để hiểu họ sẽ muốn gì ở cái xe hơi của họ đối với từng chi tiết. Lexus ra đời rất lâu sau hàng loạt BMW, Audi, Mercedes Benz…nhưng hãy xem cách họ vượt mặt Mercedes trên đất Mỹ ở phân khúc hạng sang ngay trong Q1.2014. Họ chỉ chịu thua Mercedes và BMW trong 2011 khi gặp thảm họa sóng thần.

Đây chỉ là quan điểm cá nhân, đúng hay sai còn tùy góc nhìn, và tôi chắc chắn Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những doanh nhân xuất sắc. Tràng Tiền Plaza thất bại có khi chỉ đơn giản là do vị lãnh đạo cao nhất không hoặc chưa quan tâm đến vài chục triệu đô vì chừng đó cũng chỉ là 1 phần nhỏ trong khối tài sản và business khổng lồ của ông. Thất bại này cũng sẽ chỉ là tạm thời.

NHẠC SĨ PHÓ ĐỨC PHƯƠNG BỊ "MỜI" KHỎI SHOW DIỄN KHÁNH LY TẠI ĐÀ NẴNG

Cuộc tranh cãi giữa nhạc sĩ "Hồ trên núi" - đại diện của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và đơn vị tổ chức liveshow Khánh Ly vẫn chưa đi tới hồi kết.


Lúc 19h30 phút tối 8/8, cách thời điểm Khánh Ly biểu diễn ở TP. Đà Nẵng khoảng 30 phút, nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng với bà Văn Thị Thu Bích - trưởng VP đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tại Đà Nẵng - đã có mặt tại Cung Thể thao Tiên Sơn để đòi BTC chương trình hoàn trả tiền tác quyền tác giả.

Sau hơn 30 phút chờ đợi, cuối cùng Công ty Đồng Dao - đơn vị tổ chức chương trình mới chịu cử một đại diện ra làm việc cùng Phó Đức Phương và VCPMC. Buổi làm việc này có sự chứng kiến của đại diện Sở VH-TT-DL Đà Nẵng.

Ảnh: Công ty Đồng Dao cử bảo vệ ra cản trở phóng viên các cơ quan báo chí vào tác nghiệp.

NS Phó Đức Phương yêu cầu công ty Đồng Dao phải trả tiền tác quyền tác giả theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam và nhất là tuân theo bản thương lượng mà công ty đã cam kết với VCPMC ngày 2/8. Theo cam kết này, phía Đồng Dao đồng ý trả hơn 170 triệu tiền tác quyền.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Sơn - đại diện công ty Đồng Dao - cho biết, VCPMC không đủ tư cách để đòi tiền tác quyền cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Họ cũng yêu cầu VCPMC xuất trình giấy ủy quyền của những người được thừa kế của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (gồm 5 người): “Nếu không có giấy ủy quyền trên thì nhạc sĩ Phó Đức Phương và các cán bộ của Trung tâm không có tư cách gì vào đây để đòi tiền công ty Đồng Dao”.

VCPMC đưa ra một thư gửi của bà Trịnh Vĩnh Trinh (một trong số 5 người đồng thừa kế của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) ký ngày 26/7 với nội dung: “Nay tôi xin xác nhận với tư cách đại diện những người thừa kế di sản Trịnh Công Sơn kể cả tác quyền âm nhạc. Tôi ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ Tác quyền Việt Nam phụ trách về việc này”. Thế nhưng, ông Nguyễn Ngọc Sơn lại lấy lý do "mình bà Trịnh Vĩnh Trinh ủy quyền là chưa đủ tư cách pháp lý vì cố nhạc sĩ có 5 người thừa kế".

Nhạc sỹ Phó Đức Phương cùng với Văn Thị Thu Bích (Trưởng VP đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) để đòi BTC chương trình trả tiền tác quyền tác giả.

Trước đề nghị này, bà Văn Thị Thu Bích đưa ra một Hợp đồng ủy quyền có chữ ký của ba người hưởng thừa kế của Trịnh Công Sơn, gồm: ông Trịnh Quang Hà (người đồng thừa kế hàng thứ 2 của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), ông Trịnh Xuân Tịnh và bà Trịnh Vĩnh Trinh ký ngày 19/4/2012. Nội dung của hợp đồng này là ông Hà ủy quyền cho bà ủy quyền cho bà Trinh và ông Tịnh giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền thừa kế mà ông được hưởng (ông Hà hiện đang định cư ở Mỹ).

Nhưng phía công ty Đồng Dao lại yêu cầu các giấy ủy quyền trên phải có công chứng, đóng dấu đỏ của cơ quan có thẩm quyền mới được chấp nhận. Ông Vũ Đình Hưng (Trưởng phòng cấp phép của VCPMC), phản bác: “Chúng tôi đã yêu cầu Công ty Đồng Dao trả tiền sử dụng âm nhạc liên quan đến Live Concert - Khánh Ly cách đây 20 ngày.

Từ đó đến nay, công ty Đồng Dao đều hứa sẽ trả tiền và không có một yêu cầu nào về giấy ủy quyền như trên. Đến giờ phút này, công ty mới đòi hỏi giấy ủy quyền của 5 người thì chúng tôi đã cung cấp giấy ủy quyền của 3 người thừa kế của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Còn 2 người đang ở nước ngoài thì làm sao chúng tôi có được Giấy ủy quyền. Chưa kể, công ty lại còn đòi thêm giấy ủy quyền này phải công chứng có dấu đỏ thì chẳng khác nào cố tình tìm cớ để né tránh trách nhiệm trả tiền”. 

Đại diện phía công ty Đồng Dao trong buổi làm việc cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương và VCPMC tại Cung Thể thao Tiên Sơn tối 8/8.

Ông Hưng cũng “phản kích”: "Chúng tôi xin hỏi, hôm tổ chức ở Hà Nội và hôm nay ở Đà Nẵng, công ty Đồng Dao đã giấy tờ nào chứng minh những người trong gia đình đồng ý để cho Khánh Ly hát các tác phẩm của Trịnh Công Sơn chưa? Nếu chưa được gia định của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đồng ý mà công ty vẫn tổ chức chương trình thì có phải đã vi phạm pháp luật?". Với câu hỏi này, phía Công ty Đồng Dao “né” không trả lời.

Cuộc tranh cãi đang gay gắt thì bất ngờ những người có trách nhiệm của công ty Đồng Dao bỏ ra ngoài. Sau đó, gần chục bảo vệ tiến vào phòng làm việc “mời” Phó Đức Phương và những người của Trung tâm cùng hàng chục phóng viên của các cơ quan báo chí ra ngoài mà không có một lời giải thích nào.

Theo Zing News

KHI BỤI TRẦN LẤM LEM CỬA PHẬT

(NB&CL) - Thông tin một bảo mẫu chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) bị công an bắt vì tội buôn bán trẻ em đang khiến dư luận thấy sốc, thấy phẫn nộ. “Chúng ta đang sống ở thời mạt pháp”, nhiều người đã cay đắng nói như vậy khi đọc những tin tức ở mục “Pháp luật” hay “Vụ án” có liên quan đến chùa chiền và các vị tăng ni. Nào là sư giết và phi tang xác bạn gái, nào là sư về làng đi ô tô… và mới đây nhất là bảo mẫu chùa Bồ Đề bị bắt vì buôn bán trẻ. Nhìn về câu chuyện của chùa Bồ Đề, xin hãy xem đó như là một vết thương của thời “lỗi đời, lỗi đạo”.


Ngày 4/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) và đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978), người quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, quê xã Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình) để điều tra hành vi mua bán trẻ em. Theo nhận định của Trung tá Nguyễn Cao Khải - Phó Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (Đội 12, Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội), công tác quản lý trẻ tại chùa Bồ Đề rất lỏng lẻo. Chính điều này đã tạo cơ hội cho tội phạm mua bán trẻ em hoạt động. Qua quá trình điều tra xác minh, cơ quan công an xác định tại chùa Bồ Đề hiện có 106 trẻ em độ tuổi từ 1 tháng tuổi đến 18 tuổi. Việc quản lý nuôi dưỡng trẻ em tại chùa Bồ Đề không được các cơ quan chức năng cấp phép. Việc quản lý sổ sách và các thủ tục nhận trẻ em vào chùa nuôi dưỡng và thủ tục trả lại trẻ cho gia đình còn lỏng lẻo, sơ sài, dễ bị tội phạm lợi dụng như hành vi mua bán trẻ em của Trang và Nguyệt.

Liên quan đến việc chùa Bồ Đề nhận nuôi nhiều trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội - cho rằng, việc làm này thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của nhà chùa. Tuy nhiên, xét trên góc độ pháp lý, nhà chùa nhà chùa không đáp ứng đủ điều kiện để nhận con nuôi.

Cơ quan điều tra cũng đã mời ni sư Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề, lên trụ sở để làm việc. Thượng tá Hưng cho hay, hiện chưa có đủ tài liệu để khẳng định sư trụ trì có liên quan trực tiếp đến vụ mua bán cháu Công hay không. “Tuy nhiên, sư Thích Đàm Lan đương nhiên là đối tượng điều tra. Chắc chắn một điều là sư trụ trì sẽ có trách nhiệm liên quan đến vụ việc vì trẻ em được nuôi trong chùa. Trách nhiệm ở mức độ nào thì phải điều tra, xác minh làm rõ” - Thượng tá Hưng khẳng định.

Chùa Bồ Đề ở Gia Lâm, Hà Nội đã nổi tiếng suốt nhiều năm qua như một địa chỉ nuôi dưỡng những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Đó đáng ra đã có thể trở thành một “thánh địa” của lòng từ tâm, nếu như những sai trái trong việc nuôi dưỡng, cho-nhận trẻ mồ côi cứ ngày bị “đánh hơi” thấy càng nhiều bởi những người tới đó làm từ thiện, để rồi cuối cùng bị phanh phui bởi loạt phóng sự của báo Phụ nữ TP.HCM. Hóa ra, đó rất có thể là một nơi mà người ta buôn bán trẻ em, ngay trước mắt Phật.

Người ta đã nghe nhiều đến những kẻ bắt cóc trẻ em đem bán, thậm chí có nơi, bạn sẽ được nghe về chuyện cán bộ bệnh viện phụ sản bế trẻ sơ sinh ra ngoài bán. Nhưng hẳn đây là lần đầu tiên bạn được nghe về một trung tâm nuôi trẻ mồ côi với việc “buôn người” trở thành một hành vi có hệ thống. Nghĩa là từ “kinh tế cá thể” bây giờ chúng ta đã có mô hình “hợp tác xã” trong việc buôn bán trẻ em. Quả là một bước phát triển. Câu hỏi đặt ra bây giờ là chùa Bồ Đề có phải là địa chỉ duy nhất trên cả nước mà chuyện kinh tởm ấy diễn ra. Bạn rất khó khẳng định tuyệt đối.

Cuối cùng thì có vẻ như trong bối cảnh mà đạo đức xã hội sút giảm liên tục, người ta đã tiến thêm một bước trong nỗ lực thương mại hóa trẻ con. Chúng vốn từng là một món hàng trong nhiều trường hợp, nhưng với việc “kinh doanh” có hệ thống như thế này, thì trẻ con tiến gần hơn đến việc trở thành một LOẠI HÀNG HÓA.

Khi người ta đã có thể coi trẻ con là một loại hàng hóa, chứ không phải là một con người, thì có khi nào họ cũng đang tiến gần đến việc sử dụng loại hàng hóa ấy theo một cách khác hơn là nuôi. Nếu bạn đã mua được, thì bạn có thể dùng hàng hóa theo ý thích. Ví dụ như là ăn thịt chúng, nếu bỗng nhiên nhu cầu ấy phát sinh, bỗng trong xã hội rộ lên tin đồn là thịt trẻ con chữa được ung thư như sừng tê giác. Đằng nào chúng cũng là món hàng. Điều gì đã làm đạo đức xã hội xuống thê thảm đến mức này?

Khánh An/Nhà Báo và Công Luận

SỰ KIỆN CHÙA BỒ ĐỀ KHÔNG ẢNH HƯỞNG TỚI BẢN CHẤT NHÂN ĐẠO TRỌNG PHẬT GIÁO

Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo - UBTƯ MTTQ Việt Nam: Sự kiện chùa Bồ Đề không ảnh hưởng đến bản chất nhân đạo trong Phật giáo (09/08/2014)


Trở về sau chuyến công tác khảo sát về chính sách xã hội hóa của tôn giáo tại Huế và Đà Nẵng, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn (HĐTV) về Tôn giáo - UBTƯ MTTQ Việt Nam đã dành cho PV Đại Đoàn Kết một cuộc trò chuyện xung quanh những sự việc đang diễn ra tại chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội. Theo Giáo sư, sự kiện ở chùa Bồ Đề dù có thế nào cũng không ảnh hưởng quá lớn đến tính đúng đắn trong chủ trương tạo mọi điều kiện để các tổ chức tôn giáo có thể tham gia thực hiện nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. 

Số lượng trẻ mồ côi, khuyết tật được gửi đến các ngôi chùa khá đông 

Nhân dân đồng tình với chủ trương của Đảng và Nhà nước

Thưa GS, mấy ngày gần đây, dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra nhưng những sự việc đáng tiếc xảy ra tại trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi của chùa Bồ Đề cũng đủ khiến dư luận có nhiều hoài nghi, bức xúc. Nhìn từ vụ việc này, GS suy nghĩ gì?

- Giáo sư Đỗ Quang Hưng: Đúng là những ngày gần đây qua các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội theo dõi những việc đã xảy ra tại chùa Bồ Đề. Một ngôi chùa mà trong công tác nghiên cứu của bản thân tôi cũng như công tác của HĐTV về tôn giáo của Mặt trận là khá quen thuộc. Nhưng hãy khoan nhận định về vấn đề này vì sự việc còn chưa ngã ngũ mà chúng ta đều biết, từ lâu xã hội và nhân dân rất đồng tình với chủ trương của Nhà nước, tạo mọi điều kiện để các tổ chức tôn giáo có thể tham gia các hoạt động Y tế, Giáo dục và thực hiện nhân đạo. Chúng tôi cũng vừa có cuộc khảo sát công tác này tại Huế, Đà Nẵng. Dù đây không phải là chuyến đi đầu tiên nhưng đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng. Đặc biệt, với những hoạt động từ thiện, nhân đạo của Cô nhi viện Đức Sơn do Ni sư trụ trì Minh Trí phụ trách. Đây là một trong những cơ sở từ thiện có hiệu quả của Phật giáo Huế trong nhiều thập kỷ nay. Dưới mái ấm tình thương tại cô nhi viện, hàng trăm trẻ em mồ côi đã trưởng thành, không ít em đã vào đại học, nhiều em đi học nước ngoài, nhiều em có nghề nghiệp ổn định, trở thành cán bộ nhà nước. Bên cạnh đó, cũng không ít em tiếp tục ở lại cô nhi viện để giúp đỡ, nuôi dạy, truyền nghề cho những em nhỏ hơn. 

Chính vì thế, việc chùa Bồ Đề, chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, sự kiện ở chùa Bồ Đề cũng không ảnh hưởng quá lớn đến tính đúng đắn của chủ trương nói trên của Đảng, Nhà nước cũng như bản chất nhân đạo của Phật giáo trong việc "bố thí” chúng sinh. 

Vi phạm pháp luật rất dễ xảy ra nếu không được quản lý chặt chẽ

Theo GS, điều gì hợp lý và chưa hợp lý trong các mô hình nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật ở các ngôi chùa?

- Như chúng ta đã biết, hoạt động của các cô nhi viện, nhóm trẻ đặc biệt trong các nhà chùa đã được phát triển hơn 20 năm nay. Cá biệt như ở Huế việc này đã được hoạt động từ năm 1975 đến nay, không hề ngắt quãng. Có một thực tế là khi một ngôi chùa đẩy mạnh các hoạt động này đến một độ lớn như chùa Bồ Đề chẳng hạn sẽ phát sinh hai vấn đề. Thứ nhất, khi "không gian thế tục” (bộ máy tổ chức và hoạt động nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật...) chắc hẳn ảnh hưởng, lấn át không gian thiêng của việc tu hành, ảnh hưởng đến đời sống tu trì của nhà Phật. Thứ hai, về nguyên tắc, các hoạt động từ thiện, nhân đạo nói chung thuộc quyền quản lý trực tiếp của Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan hữu quan khác như công an, UBND phường... Thông thường công tác từ thiện, nhân đạo với những quy mô và tính cách như thế thường phải có những quy chuẩn nhất định, trước hết về phương diện pháp lý. Nhưng thực tế ở nước ta, theo các số liệu chính thức, Nhà nước mới chỉ đảm bảo 20% nhu cầu nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật... Trong tình hình như vậy, vai trò của tư nhân, các tổ chức xã hội và tôn giáo là rất lớn nhưng các cơ sở từ thiện đều vấp phải những khó khăn về điều kiện vật chất, nhân sự, pháp lý. Nếu gọi các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật như chùa Bồ Đề là một "mô hình” thì chúng ta cho rằng bản thân nó là một chiếc áo quá chật và khả năng vi phạm pháp luật rất dễ xảy ra nếu không được quản lý chặt chẽ. 

Vậy cần có cơ chế, chính sách thế nào để hỗ trợ, thưa GS?

- Việc này, về cơ bản hiện nay đã có khung pháp lý, đã có cơ quan chuyên trách, chính quyền địa phương quản lý. Cơ quan chuyên trách ở đây chính là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đối với các tổ chức tôn giáo, cụ thể là ngôi chùa thì điều quan trọng là phải thực hiện đúng quyết định của Nhà nước. Trong thực tế có không ít những tấm gương tốt được xã hội hoan nghênh nhưng nói chung nhiều ngôi chùa còn đơn giản hóa việc này, nhất là khi các cơ quan chức năng chưa thực hiện đúng chức trách của mình. Chúng tôi đã nói đến một số khó khăn nhưng có lẽ gốc rễ sâu xa của vấn đề là bản thân nhà chùa chưa có đầy đủ pháp nhân dân sự.

Có những mâu thuẫn cần giải quyết

Với tư cách là Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, GS có suy nghĩ, kiến nghị gì xung quanh những cơ chế, chính sách cho các cơ sở tôn giáo làm từ thiện, nhân đạo?

- Tôi có 2 kiến nghị. Thứ nhất đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh lộ trình về pháp lý thích hợp để các tổ chức tôn giáo có thể tham gia các hoạt động y tế và từ thiện ở mức độ ngày càng cao, hiệu quả hơn. Lẽ dĩ nhiên đây là quá trình gắn liền việc xây dựng nhà nước pháp quyền trong lĩnh vực tôn giáo, trong đó cơ sở pháp lý là hệ thống luật pháp tôn giáo. Hy vọng tới đây khi Nhà nước có bộ luật về tôn giáo thì điều này sẽ trở thành hiện thực. Thứ hai là trong tình hình hiện nay, đã xuất hiện mâu thuẫn khá cao giữa tính hợp lý của các hoạt động nhân đạo, từ thiện của tôn giáo mà Đảng, Nhà nước khuyến khích với tư cách pháp nhân dân sự. Trước mắt có thể giải quyết mâu thuẫn này bằng hai cách: Có thể thúc đẩy mô hình tiến tới lập cô nhi viện tách riêng ra khỏi nhà chùa mà nhà Phật vẫn có thể tham gia theo một cách nào đó. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương cần có điều tra tổng thể, đầy đủ hơn về thực trạng của công tác này. Bởi vì hiện nay số liệu về việc các tôn giáo tham gia mở các lớp, trường mẫu giáo, nhà trẻ khá đầy đủ nhưng số liệu về các hoạt động từ thiện, nhân đạo lại không rõ ràng, chính xác. 

Trân trọng cảm ơn Giáo sư! 

Hòa thượng Thích Gia Quang
Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự kiêm Trưởng ban Thông tin – Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa cho biết: Sau sự việc xảy ra tại chùa Bồ Đề, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ yêu cầu Phật giáo các địa phương phối hợp với các ban ngành tiến hành rà soát việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Theo hòa thượng Thích Gia Quang, ở miền Bắc hiện có chùa Bồ Đề - Hà Nội và chùa Thịnh Đại - Hà Nam. Ở TP HCM có chùa Hoằng Pháp và một số cơ sở thờ tự khác trên toàn quốc đang nuôi dưỡng các em nhỏ có hoàn cảnh này. Số lượng trẻ mồ côi được gửi đến đây ngày một đông. Tuy nhiên, việc chăm sóc hiện nay mang tính tự phát. Giáo hội không phải là cơ quan chuyên môn nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Hòa thượng Thích Gia Quang cũng khẳng định, trước thông tin cho rằng, chùa Bồ Đề không được phép nhận trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi là không đúng vì không có văn bản nào của Nhà nước quy định việc này. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là khuyến khích các tôn giáo làm việc từ thiện nhân đạo nhưng cũng cần sớm có hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho các tôn giáo, trong đó có Phật giáo để thực hiện cho đúng.

Lê Na

Nguyễn Phượng (thực hiện)