Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

THẾ NÀY MỚI LÀ VĂN!

Khoai@


Ngoài năng khiếu, để viết được bài văn này, mình dám chắc cô bé phải rất yêu thầy cô của mình. Ngôn ngữ mà không có cảm xúc, thiếu đi sự rung động từ con tim cũng sẽ trở nên bất lực. Bài viết quá hay.

Phục sát đất học sinh viết bài văn này - Đúng là đạt điểm 10 cũng xứng đáng!

Đây là bài văn của em Vũ Phương Thảo, lớp 10A1, THPT Định Hóa, Thái Nguyên. Em vốn là học sinh lớp chuyên Toán, thuộc ban tự nhiên nhưng học rất tốt Ngữ văn. Em vừa giải A Cây bút tuổi hồng 2013-2014 của báo Thiếu niên Tiền phong. Bài văn này được đánh giá rất cao, khiến nhiều giáo viên phải nể phục. 

Mình đọc đến đâu nghẹn đến đó. Thật ko nghĩ một học sinh lớp 10 có thể viết đc bài văn xúc động, giàu cảm xúc đến thế.

Đây là bài văn của em Phương Thảo:

"Những ngày mùa hạ rả rích, khi ôm sách và lắng nghe vài giai điệu phát ra từ cái radio cũ mèm, tự dưng tôi nghe thấy mấy lời da diết vang lên: “Người thầy... vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa/Từng ngày, giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy…”. 

Tiếng Cẩm Ly tha thiết, chiều mùa hạ như đang rơi xuống, vỡ tan và xoáy vào lòng những kí ức tươi đẹp. Đột nhiên, có cảm giác như đang lạc vào một thế giới nào đó, một thế giới không phải của mình, thế giới của quá khứ. 

Và tự nhiên, tôi nghĩ, dường như mình đang được xem lại cuộc đời bốn năm trước, qua vài cảnh quay được trích ra từ cái máy quay có lẽ là đời từ những năm 1980. 

Máy quay có lẽ đã cũ lắm rồi, cảnh được cảnh mất, nhưng cũng đủ để tôi thấy tôi - mười một tuổi - đứng trong sân trường cấp II lộng gió, và bóng một người thấp bé lặng lẽ đạp chiếc xe khung, đi trong nắng vàng. Bất chợt, người ấy quay lại. Ánh mắt hiền từ được máy quay ghi lại rõ ràng không sai. Tim tự dưng thấy hẫng một nhịp. 

Kia rồi! Thầy tôi... 

Người đàn ông đi trong nắng vàng hôm ấy là người tôi kính trọng nhất trên đời. Có lẽ biết thế nên mọi cảnh quay về người ấy đều rõ nét và chân thực đến kì lạ. Tôi nhìn rõ cái bóng liêu xiêu, đổ dài trên con đường dài dằng dặc, cùng với cây thước kẻ nửa mét kẹp trong chiếc cặp da sờn cũ, hộp phấn bằng thép chỉ chực rơi ra, cùng mái tóc đã bạc lắm rồi. Bỗng nhiên, tôi thấy nước mắt đang dâng lên, đầy tràn hai khóe mắt. 

Nhiều người vẫn miêu tả: Các thầy cao to, vạm vỡ, có đôi mắt sáng quắc uy nghiêm. Nhưng không! Thầy tôi thấp lắm, nếu so với chuẩn 1,8 m, chỉ chừng 1,6 m, tóc bạc trắng và lúc nào cũng lọc cọc đi trên chiếc xe khung han rỉ. Mắt thầy sáng, nhưng sáng bởi ánh sáng dịu hiền, ấm áp khiến chúng tôi rất an tâm. Mọi thứ thuộc về thầy cũ kĩ đến mức hoài cổ. Chúng tôi, thời những năm lớp 6, đã từng trêu thầy nhiều lần vì điều ấy. Tôi vẫn nhớ thầy chỉ cười hiền và bảo, thầy già rồi, có cần gì hiện đại. 

Máy quay chuyển cảnh. Từng hình ảnh nhảy nhót. Cứ như bị lỗi, những hình ảnh ấy cứ nháy đi nháy lại, nhưng lại rõ đến từng chi tiết. 

Mùa đông lạnh thê lương. Khi mà gió vuốt những ngón tay trên mái nhà, tôi nhìn thấy thầy đạp xe đến trường. Những vòng quay xe đạp cứ thế quay đều, quay đều. Pê đan cũ lắm rồi, xích kêu lạch cạch tựa như đang đòi nghỉ ngơi. Thầy vẫn cần mẫn đạp xe, cần mẫn xách chiếc cặp sờn cũ đến lớp. Thảng qua, tôi thấy thầy khẽ run. Không chỉ mùa đông ấy, mà còn nhiều mùa đông sau này nữa. 

Tôi vẫn luôn nhìn thấy hình ảnh đó. Luôn nhớ mình đứng trên tầng 2, vẫy tay “Em chào thầy” mà láo xược chế thành “Em thầy!”, và thầy, trên chiếc xe đạp cũ đi ngược gió, vẫy tay cười lại. 

Hiền như tiên. 

Tự dưng, cảnh quay tiếp theo hiện ra. Tôi thấy... Đêm tối. 

Trong một căn bếp lụp xụp, có mỗi một bóng đèn mù mịt. Bảng đen viết đầy những công thức loằng ngoằng. Có hai đứa học sinh ngồi quây quần cắt cái bánh trung thu nhân thập cẩm, và một người tóc bạc phơ ngồi cạnh, mỉm cười nhấm nháp ngụm trà nóng trong đêm thu mong manh.

Thầy ơi, thầy không ăn thập cẩm à, thế phải làm sao bây giờ. Tiếng đứa con gái cất lên lo lắng. Thằng con trai ngồi cạnh im lặng ăn miếng bánh nướng thơm lừng, còn người đó chỉ cười, bảo, ừ, hai đứa cứ ăn đi, còn lại để vào tủ lạnh, lúc nào cô về thì cô ăn. 

Tôi nhận ra, đấy chính là mình, với Âu Sơn, và thầy. 

Tôi thấy mình lúng túng, rồi cũng ngồi xuống, cầm con dao cắt bánh ra thành nhiều miếng nho nhỏ. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng thầy cũng ăn, và hai đứa học sinh cười thành tiếng. Căn bếp lụp xụp như sáng thêm. Sáng thêm. Mãi đến sau này tôi mới biết thầy không ăn được thịt mỡ, cứ đến cổ họng lại bị nôn ra, thế mà hôm ấy thầy vẫn ăn miếng bánh Trung thu, có lẽ chỉ để chúng tôi vui lòng. 

Đột nhiên muốn khóc. 

Thầy của tôi, vĩ đại như thế đấy. 

Có lẽ nhiều người không hiểu nổi từ vĩ đại. Tại sao lại vĩ đại? Tôi không thể diễn tả được cảm xúc của tôi khi nghe việc thầy không ăn được thịt mỡ, rồi liên tưởng đến miếng bánh trung thu ngày hôm ấy. Chỉ để chúng tôi vui, thầy đã ăn hết miếng bánh mà có thể làm thầy khó chịu suốt những ngày sau đó. Ai đó từng nói, tấm lòng người thầy vĩ đại lắm, và cũng trong sáng lắm, y như pha lê không bao giờ bị vấy bẩn. Đúng, đúng lắm. 

Những tháng ngày đó, bất kể nắng hay mưa, bất kể nóng nực hay lạnh giá, thầy, vẫn cặm cụi đi trên chiếc xe đạp cũ xỉn, dạy chúng tôi học. Tôi nhớ những ngày tháng 1, năm tôi lớp 7. Lúc ấy gió trời còn mạnh, và nắng thì hong hanh lắm. Tôi, với ba thằng con trai khác, ngồi trong lớp nghe thầy giảng Toán. Sơn đùa, bảo thầy sao không làm hiệu trưởng mà lại chấp nhận làm giáo viên quèn. Ôi, làm hiệu trưởng thì không quát được giáo viên đâu, còn làm giáo viên, học sinh không nghe thì tống nó ra khỏi lớp. Thầy bảo, như thế. Chúng tôi cứ cười mãi về câu nói ấy. Đến tận hai năm sau, tôi mới biết, thầy chấp nhận làm giáo viên là để dìu dắt thêm nhiều lớp học trò trước khi bước vào tuổi già. Sau này mới biết, tình cảm thầy dành cho học sinh chúng tôi còn nhiều hơn gấp tỉ tỉ lần những thứ công danh lợi lộc tầm thường.


Năm lớp bảy, có thầy, có những kì vọng và quyết tâm từ biết bao ngày trước, tôi đạt giải Nhất toán. Biết tin, thầy chỉ cười thật tươi. Nhưng trong mắt tôi, đó là nụ cười ấm áp nhất tôi từng biết. Nụ cười ấy khiến bao mệt mỏi, khó nhọc trở về số 0. Nụ cười khiến cho tất cả học sinh an lòng. Năm ấy, có lẽ là năm tôi hạnh phúc nhất. Không biết đã đi qua bao nhiêu ngày nắng, mưa? Chỉ biết, thầy đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt hai năm rưỡi. Hai năm rưỡi lọc cọc đạp chiếc xe cũ ấy, hai năm rưỡi dạy dỗ lũ học sinh lớp A nghịch như quỷ. Thầy chẳng hề than vãn lấy một lời. Các em là lứa học sinh cuối cùng của thầy, chỉ mong dạy được thật tốt, không muốn ai bị chửi mắng cả. Thầy trả lời cho câu hỏi của tôi về việc, tại sao chúng em mất trật tự mà thầy không nhắc. Lúc ấy, tôi không hiểu. Sau này ngẫm nghĩ lại mới ngộ ra. Hóa ra, chúng tôi chính là những kẻ vô ơn bậc nhất, không hiểu nổi tâm ý của thầy giấu trong từng con chữ. Mười ba tuổi, chỉ biết nghịch ngợm, vô ưu vô lo. Đâu biết người thầy vẫn cặm cụi chiến đấu với tuổi già và sức khỏe, ngày ngày lên lớp dạy dỗ cho những học sinh cuối cùng trong cuộc đời dạy học của mình. Hết học kì I năm tôi lớp 8, thầy có quyết định nghỉ hưu. Quyết định không hề vội vã, nhưng lại gây bất ngờ trong tập thể lớp. Tất cả xôn xao, và dường như có gì đó nghẹn ở trong tim, rất lạ. Dù biết, nhưng cuối cùng vẫn đến lúc phải chia tay rồi. 

Ngày chia tay, tôi tặng thầy một bó hoa kẹo mút. Chính tay dính từng bông hoa, chính tay ghim từng bó mút. Có lẽ đó là bó hoa xấu nhất tôi từng làm, nhưng cũng là bó hoa mang nhiều tình cảm nhất. Cũng là bó hoa đầu tiên tôi tặng cho sự chia ly. 

Thầy nghỉ rồi... Giáo viên mới dạy thay. Bài giảng sôi động, súc tích vô cùng. Nhưng thỉnh thoảng đột nhiên ngẩn ngơ. Vẫn ngỡ thầy còn ở đây, ngay trên bục giảng, viết những con số vốn bị chê “xấu mèm” nhưng thật rất rõ ràng. Ngỡ rằng thầy vẫn sẽ đi cùng chúng tôi qua những năm tháng còn lại. Không, không còn nữa rồi! Đó là những tháng ngày khó khăn nhất. Không có thầy ở bên cạnh dạy dỗ, không có ai cười hiền từ động viên trong những ngày khó khăn. Năm đó, tôi tụt hạng, chỉ đạt giải Ba. Đề rất dễ. Thế mà, điểm cũng chỉ đạt “nhì non”. Lúc ấy, tôi mới biết hóa ra thầy ảnh hưởng đến tôi nhiều như thế. 

Lên lớp 9, ông nội dẫn tôi xuống nhà thầy. Từ đó, tôi chính thức học thêm với thầy. Chính thức bắt đầu một năm học tuy vất vả nhưng tràn đầy niềm vui. Ngôi nhà mà chúng tôi học, cũng chính là ngôi nhà thầy đã sống suốt mấy chục năm qua. Cả một đời người vất vả chỉ có một khoảnh sân nho nhỏ để phơi nắng, một căn bếp tối, lụp xụp, cái nhà xây lợp lá cọ mát rượi trong những ngày nóng bức, và cả một cây trứng cá lúc nào cũng bị lũ học sinh nhăm nhe chọc quả. Thầy bảo, như thế đã là hạnh phúc lắm rồi. Đôi khi tôi nghĩ thầy sống sao mà giản đơn quá. Thầy chỉ cười. Không, thế đã là quá đủ rồi. 

Tôi không biết đủ là gì, không biết tại sao thầy có thể hài lòng. Sau đó nhiều tháng, tôi mới được nghe thầy kể về biết bao ngày khó khăn thầy đã trải qua. Đấy là những năm tháng vất vả đến bần hàn. 

Thầy là sinh viên nghèo, không có đủ đồ ăn nên ốm nhom ốm nhách. Trải qua một thời khó nhọc, con người luôn có khuynh hướng hài lòng với hiện tại, dù cho hiện tại ấy chỉ hơn thời khó khăn ngày xưa một chút xíu. Chính thế, thầy sống giản dị, tiết kiệm vô cùng. 

Từ lúc học thêm chỗ thầy, nghe thầy nói về những điều thầy đã trải qua, bất giác tôi cũng sống tiết kiệm đi nhiều lần. Không còn phung phí tiền bạc và đồ dùng như trước đây nữa. Người ta bị ảnh hưởng bởi những người mà được coi là quan trọng. Tôi nghĩ, tôi cũng vậy. Đôi khi tôi nghĩ, có phải thầy đã ảnh hưởng đến tôi theo một cách đặc biệt nào đó? Nghĩ nhiều lần, rồi mới phát hiện ra, thầy chính là một hình tượng mà tôi luôn khát khao muốn vươn tới, một tượng đài vĩ đại, một người mà tôi luôn mong mỏi đạt được thành công như vậy.

Không chỉ là một người thầy, thầy còn là người cha, người anh, người bạn luôn lắng nghe, luôn cho những lời khuyên bổ ích nhất khi tôi cần. Thầy không chỉ dạy tôi môn Toán, thầy còn dạy tôi cách làm người, cách sống và phấn đấu để càng ngày càng tốt đẹp hơn. Máy quay dường như đang chậm lại, từng cảnh từng nét hiện lên rõ ràng. Tôi thấy thầy đang lụi hụi trồng rau, chăm sóc con chó lông trắng đen già khụ, thấy cả chúng tôi ngày đó, trong những ngày vất vả nhưng yên bình. Tôi nghĩ, có lẽ đó là những ngày hạnh phúc và vui vẻ nhất tôi từng có. 

Sau này, khi bước đi trên đường đời chông gai, có thể sẽ chẳng còn ai chỉ bảo, dạy dỗ tôi tận tình như thầy đã từng, có thể sẽ chẳng có ai lo tôi liệu có ngủ đủ giấc, liệu có stress khi nhồi nhét quá nhiều. Nhưng, cố nhân từng nói, cuộc đời chỉ cần một người khiến ta ngưỡng mộ, để cả đời noi gương, cả đời thương mến. Vậy là quá đủ rồi. 

Khi viết những dòng này, tôi đã là học sinh cấp III. Không chỉ hôm nay, mà còn cả ngày mai, ngày kia, nhiều ngày sau nữa, nhất định tôi sẽ tiếp tục cố gắng. Để mỗi khi gặp ai, trò chuyện cùng ai, có thể tự hào nói, tôi, là học sinh của thầy Nguyễn Văn Tâm. Có những lúc nhớ thầy, phóng vụt xe đi, tìm về ngôi nhà nhỏ cuối phố cũ với cây trứng cá xum xuê, ngồi nghe thầy nói về những điều thầy tâm đắc, về những điều thầy mong mỏi và răn dạy tôi cho đến mãi sau này. Tìm về nơi duy nhất khiến tâm hồn thanh thản, khiến cho mọi thứ phức tạp của cuộc đời trở nên dễ dàng và trong sáng hơn. Vẫn là những ngày mùa hạ đã cũ, tôi cảm giác như mình đang xốc ba lô lên vai, đạp cái xe đạp của mình, lao đi trong nắng vàng. Đến nơi tràn đầy kiến thức mà tôi hằng yêu kính".

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

BÁO TRUNG QUỐC BÔNG DƯNG...TỨC TỐI

Báo Trung Quốc bỗng dưng… tức tối!


Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, chúng ta trang bị vũ khí không phải để gây chiến tranh mà là để bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc mua cái gì, của ai là quyền của người mua và người bán, không liên quan đến ai thì sao họ lại tự cho mình cái quyền “khó chịu” hay “tức tối”?

Báo chí Trung Quốc đã tỏ ra tức tối về việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.

Hôm thứ sáu vừa qua (9/10) trên tờ Nhân dân Nhật báo, trang báo chính thức của chính phủ Bắc Kinh bình luận: “Đây không phải là hành động có suy xét” đồng thời đưa ra lời răn đe: “việc nhập khẩu vũ khí Mỹ sẽ không giúp gì cho sự đồng thuận đã đạt được giữa hai nước (Việt Nam và Trung Quốc – NV). Nó sẽ gây tổn hại sự ổn định và làm phức tạp thêm căng thẳng giữa hai nước”.

Không chỉ thế, bài báo còn chĩa công kích vào chính sách của Mỹ và tỏ ra “tị nạnh”: “Chính sách của Mỹ không nhất quán. Một mặt dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, Mỹ vẫn đang duy trì lệnh cấm bán vũ khí với Trung Quốc, giới hạn xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao khác” và “Mỹ cần phải lưu ý rằng chính sách thiển cận về bán vũ khí này với các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ được xem là ví dụ của xung đột gián tiếp”.

Thôi thì việc của Trung Quốc với Mỹ là việc của họ, ta không nên bàn.

Nhưng với Việt Nam, họ có quyền gì mà tỏ ra “tức tối”, “khó chịu” nhỉ?

Còn nhớ chiều 24/9 tại New York, trả lời câu hỏi “Ông có lo là việc đó (nới lỏng bán vũ khí – NV) sẽ khiến Trung Quốc khó chịu, gây thêm rắc rối?” của chính giới Mỹ tại Hội châu Á (Asia Society), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thẳng thắn: “Việt Nam nếu không mua vũ khí từ Mỹ thì sẽ mua từ các nước khác, tại sao Trung Quốc phải khó chịu chứ”.

Một câu trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đanh thép và bản lĩnh thể hiện đầy đủ thái độ và khát vọng của nhân dân Việt Nam ở mọi khia cạnh.

Thứ nhất, Việt Nam hoàn toàn quyền quyết định mọi hành động của mình bởi đó là một dân tộc có chủ quyền, nói như đức vua Quang Trung là “Nước Nam ta có chủ”.

Thứ hai, chỉ một câu ngắn gọn nhưng đã thể hiện sự độc lập tuyệt đối của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Thứ ba, dân tộc Việt Nam biết mình làm gì, phải làm gì, sẽ làm gì và tự chịu trách nhiệm trước cộng đồng tiến bộ thế giới. Không và không bao giờ phụ thuộc vào sự “thích” hay không “thích” của bất cứ ai.

Nói cách khác, không ai có thể “điều chỉnh” hay “chi phối” được đất nước này, dân tộc này.

Tuy nhiên, là một dân tộc hòa bình, chúng ta trang bị vũ khí không phải là để gây chiến tranh. Phương châm đối ngoại của VN là “ba không”: Không liên minh quân sự, không có căn sự quân sự của nước ngoài ở VN và không liên minh với nước này chống lại nước kia.

Không liên minh quân sự để xâm lược nhưng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Việt Nam luôn có những người bạn khắp nơi trên thế giới sẵn sàng giúp đỡ, ủng hộ vì chúng ta có chính nghĩa và luôn hành động đúng với chuẩn mực của luật pháp quốc tế.

Không có căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình bởi nhân dân Việt Nam không muốn biến đất nước này thành bãi chiến trường hay tiếp tay cho những mưu đồ xấu.

Không liên minh “bè phái” để chống nhau nhưng một khi động đến dù chỉ một mét đất của tổ tiên để lại thì toàn dân Việt Nam sẽ quyết tâm bằng mọi giá, cả dân tộc sẵn sàng đứng lên để bảo vệ lãnh thổ đến cùng.

Đất nước này đã từng sẵn sàng “đốt cháy cả dải Trường Sơn” để bảo vệ nền độc lập, tự do và chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng.

Tóm lại, Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, chúng ta trang bị vũ khí không phải để gây chiến tranh mà là để bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc mua cái gì, của ai là quyền của người mua và người bán, không liên quan đến ai thì sao họ lại tự cho mình cái quyền “khó chịu” hay “tức tối”?

Bùi Hoàng Tám (Dân Trí)

PHẢN BIỆN XÃ HỘI

Trần Đăng Tuấn


Người xưa nói “Một người lo bằng kho người làm”, cũng lại nói “Ba ông thợ bằng một ông Gia Cát”, khẳng định việc nghĩ không phải đặc quyền của một số ít người.

Hãy nhìn xung quanh, ta sẽ thấy đâu cũng có sự phản biện. Một cánh đồng lúa xanh êm đềm chứng minh có một vẻ đẹp khác ngoài vẻ đẹp của núi non hùng vĩ. Người chơi bonsai bậc thượng thừa giật mình trước một thế cây tự nhiên trong mé núi không ai để ý.

Hãy quan sát cuộc sống tập thể: mỗi ngày làm việc, mỗi cuộc họp, thậm chí chỉ hai người tán gẫu với nhau là muôn lần cọ xát các ý kiến khác nhau, góc nhìn khác nhau. Bằng cách đó tập thể chọn lựa phương án tối ưu cho từng công việc lớn nhỏ. Hãy nhìn vào bản thân mình. Từ sáng đến chiều mỗi người luôn tự phản biện để rà soát, sửa đổi hình dung, suy nghĩ, quan niệm, phương pháp trước đó của bản thân, để rồi hoàn chỉnh cách nghĩ, cách làm cũ hoặc thay bằng cách mới.

Phản biện, tự phản biện là cách để cuộc sống diễn ra, cuộc sống đi lên. Nó là điều tự nhiên. Đó không phải là vấn đề muốn hay không muốn. Ở vị trí quyền lực, coi trọng phản biện, sẽ có được phản biện xã hội có tổ chức, giúp ích lớn cho ổn định và phát triển; ngược lại, tránh né phản biện xã hội, kết quả là nhận được phản biện xã hội tự phát - mảnh đất thuận lợi để hình thành tâm thế phản kháng xã hội.

Nhưng áp dụng điều tự nhiên ấy vào cuộc sống xã hội, vào quản lý xã hội lại là việc không đơn giản. Ít nhất có ba vật cản với phản biện xã hội.

Vật cản thứ nhất là sự khó chịu thường tình với ai "trái ý". Người ta vẫn hay ca ngợi "Người hay cãi" nói chung, và vẫn ác cảm với "Người hay cãi" cụ thể ở trong đơn vị của mình, dưới quyền mình.

Vật cản thứ hai là ngại sẽ nảy sinh cái gì đó "bất ổn", ảnh hưởng đến vị thế của cá nhân hay cơ quan quyền lực. Thực ra phản biện xã hội nghiêm túc, đúng đắn khác hẳn với phản bác, mặc dù nó có thể bao gồm phản bác trong những trường hợp đặc biệt, nhưng điểm quan trọng nhất: Phản biện nhằm rà soát, khẳng định, bổ sung, đề xuất giải pháp đúng để thực hiện các mục tiêu xã hội thống nhất. Lo lắng quá đáng chuyện phản biện xã hội dẫn đến phản kháng, gây mất ổn định, trong đa số các trường hợp xuất phát từ căn bệnh ích kỷ của người, của cấp đang có quyền lực. Mà căn bệnh ích kỷ ấy cũng lại... rất tự nhiên, rất khó tránh.

Vật cản chủ quan thứ ba là: Ngại việc. Ngại mất thời gian; ngại tốn tiền bạc (một cuộc trưng cầu dân ý dĩ nhiên là tốn kém, không thể làm tràn lan được). Ai đó ngầm nghĩ trong bụng "Rách việc! Trăm người trăm ý, chắc gì đã hơn một người quyết". Những người đó không hiểu một điều là: thực hành dân chủ bao giờ cũng mất thời gian, mất công sức hơn là quyết định một chiều. Cái hay duy nhất của dân chủ là tránh được sự độc đoán, quan liêu. Mà độc đoán, quan liêu sớm muộn đem lại những khốc hại khôn lường. Cách diễn đạt, khái niệm có thể khác, nhưng tinh thần và cội rễ của vấn đề đâu có khác với những yêu cầu Bác Hồ đã đòi hỏi rất sớm, khi chính quyền công nông của ta chỉ 1 - 2 tuổi đời - đó là phê bình, tự phê bình, tự chỉ trích để tiến bộ. Còn trước đó, Lênin đã kêu gọi công nhân dùng tổ chức công đoàn để đấu tranh với chính Nhà nước xô viết của mình, nhằm giữ cho nhà nước ấy khỏi mắc căn bệnh quan liêu. Vậy mà giờ đây còn có sự rụt rè khi đề cập đến phản biện xã hội, còn có sự né tránh với khái niệm xã hội dân sự (thiếu cái thứ hai này phản biện xã hội sẽ rất nghèo nàn), thì thật không nên.

Đã biết bao lần do có sự “rò rỉ" nào đó mà báo giới biết có một dự thảo chính sách, trong đó có những điều bất hợp lý, đang ở giai đoạn sắp thông qua. Dự thảo đó được mổ xẻ trên công luận. Cuối cùng, rất may là ở dạng ban đầu nó... không được thông qua nữa. Cũng có nhiều ví dụ khác, khi có những quyết định được đưa ra một cách rất bất ngờ (do quá trình chuẩn bị được giữ kín, không rò rỉ). Tiếc thay sự trôi chảy về hành chính lại không đem lại sự suôn sẻ lúc thực hiện. Bao nhiêu bất hợp lý nảy sinh, cuối cùng quyết định dẫu có hiệu lực hành chính vẫn chết yểu.

Rõ ràng, đã đến lúc phản biện xã hội phải thành nguyên tắc trong quá trình chuẩn bị và thông qua các quyết định liên quan đến cuộc sống, quyền lợi của đông đảo mọi người. Người xưa nói “Một người lo bằng kho người làm”, ý nhấn mạnh đến vai trò, vị trí của người nắm quyền quản lý, lãnh đạo. Nhưng người xưa cũng nói “Ba ông thợ bằng một ông Gia Cát”, để khẳng định việc nghĩ, việc lo không phải đặc quyền của một số ít người.

TRẺ EM ĐÓI VÀ NHỮNG CÔNG TRÌNH LÃNG PHÍ NGÀN TỈ

Trẻ em đói và những công trình lãng phí trăm tỉ, nghìn tỉ

TNO - Có lẽ chưa hoặc không ai, không tổ chức nào trên đất nước này nghĩ đến chuyện làm thống kê hiện tại có bao nhiêu trẻ em bụng đói, nhịn ăn đến trường học…

Có lẽ, lúc này nấm mồ nhỏ của bé Nhung ở Đức Bồng (Hà Tĩnh) cỏ đã bắt đầu xanh. Cô bé mới 10 tuổi, chỉ vì đói quá mà lả đi để rồi ngã xuống mương chết. Cái chết thật đau lòng của một mầm non đất nước tuy đã qua gần một tháng nay nhưng vẫn chưa làm dư luận xã hội thực sự nguôi ngoai.

Có quy trách nhiệm cho gia đình, cho chính quyền, cho các chính sách xã hội… hay cho bất kỳ “đối tượng” nào đi chăng nữa thì một sự thật hiển nhiên rằng bé Nhung đã chết vì đói, bé phải nhịn đói đến trường học.

Có lẽ chưa hoặc không ai, không tổ chức nào trên đất nước này nghĩ đến chuyện làm thống kê hiện tại có bao nhiêu trẻ em đã và đang bụng đói, nhịn ăn đến trường học.

Đói đến chết chỉ là một trong những biểu hiện của cái nghèo, nhưng nó ở mức độ cao nhất và khủng khiếp nhất vì “rơi” vào một đứa trẻ đang tuổi có quyền được ăn, được chơi, được cắp sách đến trường.

Và hình như trường hợp bé Nhung đâu phải là ngoại lệ, những đứa trẻ đói, nghèo vẫn hiện diện khắp mọi nơi trên đất nước này, báo chí đã phản ánh dày đặc trên khắp các phương tiện truyền thông. Ở nơi phố hội, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những đứa trẻ thất học, bỏ học lê la đầu đường xó chợ, mưu sinh bằng nghề đánh giày, bán vé số dạo, đẩy hàng, mót rau cải ngoài chợ… Ở nông thôn, miền núi, vùng cao vẫn còn nhiều trẻ nhỏ phải cùng cha mẹ bươn chải ngoài đồng ruộng, dãi dầu trên những bãi đãi vàng, hay lượm cá vụn trên bến cảng.

Theo báo cáo về thực trạng lao động trẻ em từ kết quả điều tra quốc gia năm 2012, Việt Nam có 1,75 triệu trẻ em (từ 5-17 tuổi) thuộc nhóm lao động trẻ em, chiếm 9,6% trẻ em trong cả nước.

Và không thiếu những trường nội trú vùng cao mà ở đó là những học sinh xanh xao vì ăn đói, mặc rách, chân đất mùa đông, băng sông lội suối đến trường, những bữa cơm thiếu thịt, thiếu cá.

Ngày xưa, đất nước chiến tranh loạn lạc, các cụ kể lại tuổi thơ mưu sinh của mình, chuyện “bữa đói, bữa no” là thường tình, và việc không có gì để ăn, nhịn ăn đến trường là điều không lạ.

Nhưng chiến tranh đã xa, đã lùi về quá khứ mấy chục năm rồi…

Đất nước đang hội nhập, nhà nước khuyến khích mọi người dân làm giàu, nền kinh tế cạnh tranh khiến sự phân hóa giàu nghèo là một điều không tránh khỏi. Nhưng thực tế vẫn có lắm chuyện cảm thấy chạnh lòng. Giá như những đồng tiền thất thoát, lãng phí… trong các đại án tham nhũng, trong đầu tư công, trong những siêu dự án không khả thi… được bù đắp vào các chính sách xã hội, phúc lợi xã hội cho các em bớt nghèo, bớt khổ, cho các em được vui chơi, được tung tăng đến trường thì hay biết mấy.

Cảm thương cho những cái đói, cái nghèo của lứa mầm non, chủ nhân tương lai của đất nước lại không khỏi ngậm ngùi, uất ức khi đọc báo thấy nói nơi này khu làng văn hóa xây tiền tỉ bị bỏ hoang phế, nơi kia xây cất công trình văn hóa hoành tráng mấy trăm tỉ đồng chẳng biết rồi để làm gì; hay như xây nhà biểu diễn đa năng 90 tỉ đồng chỉ vài năm xuống cấp, không sử dụng được, đem bán còn 50 chục tỉ đồng… Rồi rải rác khắp nơi là những trung tâm thương mại, nhà văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện, xã xây rồi bỏ đó. Thật xót cho những đứa trẻ đói ăn trong khi người ta vẫn thản nhiên cầm tiền của dân của nước “ném qua cửa sổ”.

Nhớ lại những ngày hè oi bức mới đây, một anh bạn công chức vừa chuyển chỗ làm vào ngôi nhà hành chính cao nhất miền Trung, anh đưa hình lên facebook khoe nơi làm mới, một không gian thật đẹp và hoành tráng. Nhắn tin hỏi thăm chúc mừng, bạn hồ hởi hồi đáp:

- Sướng lắm! Ở trong đấy chỉ có một mùa…

Mình ngớ người vì câu trả lời, nhưng rồi cũng hiểu ra, ý anh ấy làm việc trong môi trường được bật “điều hòa” liên tục, liên tục... Vậy thì sướng là đúng rồi.

Hiện nay, các tỉnh thành trong cả nước đã và đang rục rịch “mốt” xây tòa nhà hành chính với mô típ đương nhiên là phải cao, to, hoành tráng và chi phí đầu tư lên đến con số nghìn tỉ mà bất cứ người dân nào nghe đến, nhìn thấy cũng phải “no”. Từ những địa phương “giàu”, khấm khá như Bình Dương, Đà Nẵng… đến những địa phương “nghèo” như Lai Châu… cũng đã tạo dựng cho mình tòa hành chính công khang trang hoành tráng.

Có thể, việc xây dựng đó được huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là lấy từ tài sản công, từ việc đổi đất công lấy cơ sở hạ tầng, trong khi đó gánh năng nợ xấu, nợ công và bội chi ngân sách đang đè nặng lên thực trạng nền kinh tế cả nước hiện nay.

Chủ trương nhà nước luôn lấy dân làm gốc, luôn có nhiều chính sách chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo. Nhưng tiếc thay, không ít quan chức trong bộ máy công quyền không có chữ “dân” trong đầu. Vì thế mới có chuyện gạo, tiền của chính phủ hỗ trợ học sinh các trường nội trú vùng cao đã về đến địa phương cả năm trời nhưng thầy trò vẫn đói vì chưa nhận được; hay chuyện dân nghèo vùng lũ lụt phải chịu đói trong khi gạo nhà nước trợ cấp vẫn “ngoan cố” nằm trong kho.

Đã đến lúc mọi sự phải khác đi!

MP

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

NẾU CÓ CHIẾN TRANH TRÊN BIỂN VỚI TRUNG QUỐC?

Nếu có chiến tranh trên biển với TQ?

Lê Thành LâmGửi tới BBC từ London

Tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên của Việt Nam hạ thủy tại Vịnh Cam Ranh đầu năm 2014

Trong những năm gần đây, căng thẳng ngày càng leo thang xung quanh các tranh chấp trên Biển Đông, nổi bật nhất là giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines.

Đỉnh điểm là sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển mà Việt Nam cho rằng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam vào ngày 2/5/2014.

Trước khi Bắc Kinh rút giàn khoan ra khỏi khu vực tranh chấp vào ngày 16/7, đã có hàng loạt cuộc đụng độ trên biển giữa các tàu chấp pháp hai nước. Mới đây nhất, ngày 9/10, Trung Quốc tuyên bố hoàn tất đường băng quân sự trên đảo Phú Lâm (Vĩnh Hưng theo tên gọi của Trung Quốc).

Nếu tranh chấp tiếp tục leo thang, có nguy cơ một cuộc chiến tranh trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam nếu một trong hai bên không tự kiềm chế các hành động của mình.
Lợi thế của Việt Nam

Giáo sư người Úc Carl Thayer gần đây trích dẫn Gary Li, đang là chuyên gia an ninh hàng hải của IHS Maritime, cho rằng Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý so với Trung Quốc và nhấn mạnh tầm quan trọng của nó. Theo ông, Việt Nam có số lượng đảo lớn nhất và nhiều nhất trong quần đảo Trường Sa. Và so với Hà Nội, Bắc Kinh cần phải di chuyển rất xa để tới được những hòn đảo mà nước này tuyên bố yêu sách của mình.

Điều này có thể tạo ra lợi thế ‘sân nhà’ cho Việt Nam khi có chiến tranh xảy ra trên Biển Đông – khu vực cách xa các sân bay trong đất liền của Trung Quốc. Việt Nam có thể tận dụng điều này khi mà Trung Quốc không mạnh về năng lực tiếp vận trên không, theo một nhận định khác của Lyle J. Goldstein, từ Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, với việc Trung Quốc vừa tuyên bố hoàn thành đường băng quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, lợi thế này của Việt Nam dường như đã giảm đáng kể.

Trên tờ South China Morning Post hôm 8/10, chuyên gia quân sự Nghê Lạc Hùng tại Thượng Hải đã so sánh đường băng này như một ‘‘hàng không mẫu hạm không thể bị đánh chìm’’ và ‘‘nó sẽ trở thành nơi cất cánh - hạ cánh lý tưởng cho các máy bay hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân’’.

Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng đường băng quân sự tại các đảo khác nhằm củng cố yêu sách chủ quyền cũng như khả năng tuần tra trên biển. Điều này sẽ thách thức lợi thế hiện có của Việt Nam.
Vũ khí quân sự

Năm 2009, hợp đồng Nga – Việt về chế tạo và cung cấp 6 tàu ngầm phi hạt nhân lớp Kilo thuộc đề án 636 dành cho Hải quân Việt Nam trị giá gần 2 tỷ đôla Mỹ được ký kết. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 2 chiếc đầu tiên là tàu ngầm Hà Nội, số hiệu HQ-182 và tàu ngầm TP Hồ Chí Minh, số hiệu HQ-183. Chiếc thứ ba đang trong giai đoạn thử nghiệm trên biển, chiếc thứ tư được hạ thủy hồi cuối tháng 3. Tàu ngầm cuối cùng cũng đã được khởi động đóng vào giữa năm nay.

Theo bình luận của Giáo sư Lyle J. Goldstein trên New York Times ngày 05/07/2014, các tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam có thể tạo ra các cuộc tập kích đáng sợ cho đối phương. Cùng chung nhận định, chuyên gia an ninh tại Đại học Lingnan ở Hong Kong, Zhang Bahui, cho rằng tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam là mối quan ngại thực sự cho các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc.

Trong bài viết ‘Nếu Việt Nam và Trung Quốc nổ ra chiến tranh: Năm loại vũ khí Bắc Kinh phải e sợ’ đăng trên The National Interest ngày 12/07/2014, Robert Farly đã nêu ra 5 hệ thống vũ khí mà Việt Nam có thể sử dụng để đối phó hiệu quả với quân đội Trung Quốc, bao gồm: Máy bay Su-27, tàu ngầm lớp Kilo, tên lửa hành trình P-800 Onyx, tên lửa phòng không S-300 SAM, và lợi thế địa hình.

Tuy nhiên, Goldstein lại nhấn mạnh rằng năng lực không chiến và hải chiến của quân đội Việt Nam vẫn còn hạn chế, ít nhất là đến thời điểm hiện nay. Ông bình luận, các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm để điều khiển các hệ thống vũ khí phức tạp này, đặc biệt là tàu ngầm lớp Kilo, và Việt Nam cũng thiếu kinh nghiệm trong “giám sát, nhắm mục tiêu và quản lý chiến đấu”.
Việt Nam cần làm gì?

Hà Nội cần tiếp tục tăng cường hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng gia tăng chi tiêu quân sự trong những thập niên qua.

Trong năm 2014, ngân sách quân sự của Trung Quốc tăng 12,2% - lên đến 800 tỷ Nhân dân tệ (hơn 130 tỷ đôla Mỹ). Đây thậm chí không phải là con số chính xác khi mà Bắc Kinh luôn bị các nước như Mỹ và Nhật chỉ trích là không minh bạch về ngân sách quốc phòng.

Kyle Mizokami, trong bài viết ‘Năm vũ khí Việt Nam cần nhất để đối phó với Trung Quốc đang trỗi dậy’ trên Real Clear Defense, đăng ngày 29/09/2014, chỉ ra 5 loại vũ khí này bao gồm: máy bay tuần tra biển P-3C Orion, tàu tuần tra mang tên lửa lớp Hsun Hai hoặc Yoon Youngha, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 T-50, tàu đổ bộ Makassar , và pháo phản lực phóng loạt BM-30. Những vũ khí này sẽ giúp tăng cường năng lực không chiến và hải chiến, điều mà quân đội Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế.

Sẽ là khôn ngoan nếu Việt Nam biết tận dụng các lợi thế sẵn có của mình và nắm bắt các mối quan hệ với các cường quốc khác.

Hơn nữa, tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ gần đây vào ngày 2/10 là một điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể mua những vũ khí kể trên, như là máy bay tuần tra biển P-3C Orion mà Mỹ đang có. Thậm chí Việt Nam có thể mua những vũ khí mà Trung Quốc không có, theo Paul J. Leaf, một nhà bình luận về chính sách đối ngoại và quốc phòng, bình luận trên The Diplomat ngày 18/9.

Mặt khác, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với các lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Mỹ, Ấn Độ và Nga, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác an ninh quốc phòng. Điều này cũng sẽ giúp Hà Nội đẩy nhanh hiện đại hóa quân đội trong những năm tới. Đây sẽ vẫn là những thị trường nhập khẩu vũ khí quân sự chủ yếu của quân đội Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Việc thắt chặt quan hệ với các cường quốc trong khu vực cũng sẽ phần nào khiến Trung Quốc phải e ngại khi tiến hành một cuộc chiến tranh với Việt Nam. Trong bối cảnh Mỹ đang thực thi chính sách “xoay trục” ở châu Á-Thái Bình Dương thì mối quan hệ gần gũi với Washington có thể sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Chiến tranh là điều cả hai bên đều không mong muốn, đặc biệt là Việt Nam trong thực tế chênh lệch tương quan lực lượng so với Trung Quốc, dù có một số lợi thế về địa lý và vũ khí.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cần chủ động chuẩn bị năng lực đối phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Sẽ là khôn ngoan nếu Việt Nam biết tận dụng các lợi thế sẵn có của mình và nắm bắt các mối quan hệ với các cường quốc khác.

Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả Lê Thành Lâm, giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, và hiện đang theo học tại City University London.

CẢNH SÁT HONG KONG BẮT ĐẦU TẤN CÔNG NGƯỜI BIỂU TÌNH

Cảnh sát Hong Kong bắt đầu cuộc tấn công vào người biểu tình

RFA-15-10-2014


Hàng trăm cảnh sát Hồng Kông sử dụng bình xịt hơi cay tấn công các sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ, ngáy 15 tháng 10, 2014

AFP

Cảnh sát Hong Kong tấn công thô bạo người biểu tình gây làn sóng phẫn nộ trong dân chúng và các nhà lập pháp Hong Kong.

Các hãng tin lớn của thế giới hôm nay đồng loạt loan tải những hình ảnh cho thấy cảnh sát Hong Kong tấn công người biều tình bằng hơi cay xịt trực tiếp vào mắt những người biểu tình trong khi họ vẫn giữ thái độ bất bạo động.

Ngày 15 tháng 10 cảnh sát tập trung tại các khu vực có người biểu tình phá hủy hàng rào và chướng ngại vật chung quanh họ. Ít nhất 46 người bị bắt và áp giải về đồn. Hãng tin Reuters cho biết trong những người bị bắt có người bị đánh đập mang thương tích sau khi được thả.

Con đường Lung Wo gần với văn phòng của trưởng đặc khu hành chánh Lương Chấn Anh đã được cảnh sát giải tỏa sau khi tấn công người biểu tình.

Tuy bị đàn áp thô bạo thủ lĩnh Liên hội sinh viên Hong Kong là Alex Chow cho biết sinh viên vẫn tiếp tục theo đuổi cuộc biểu tình và không nhường bước trước bạo lực.

Không những đàn áp bằng hơi cay, cảnh sát Hong Kong còn bị truyền thông thế giới lên án là tấn công cả báo chí và đánh đập thô bạo sinh viên.

Ông Daniel Cheng, phóng viên của AFP cho biết bị cảnh sát đánh đập túi bụi vì có mặt trong đoàn biểu tình mặc dù ông có thẻ báo chí và trên người mang đầy máy ảnh. Cảnh sát dùng nắm đấm, hơi cay, dùi cui và cả những vật dụng tấn công khác để áp chế người biểu tình. Không những thế một video clip được cho là của cảnh sát quay cho thấy một nhóm cảnh sát mặc thường phục đánh đập dã man một thanh niên và sau đó kéo lê anh ta trên mặt đường phố trước khi bắt lên xe cảnh sát.

Tổ chức Ân xá Quốc tế có mặt tại Hong Kong lên án hành động thô bạo của cảnh sát và ghi nhận lại tất cả những diễn biến tấn công của họ như một bằng chứng về sự tấn công vào nền dân chủ của Hong Kong.

Joshua Wong, lãnh tụ trẻ tuổi của sinh viên cho biết cảnh sát không có quyền đánh đập người biểu tình mặc dù họ có thể bắt người. Anh tố cáo cảnh sát đã đánh sinh viên mặc dù họ không có một hành động chống trả nào.

NHIẾP ẢNH GIA NA SƠN CŨNG NÊN ỨNG XỬ CÓ VĂN HÓA

Khoai@


Bức ảnh đang gây tranh cãi thời gian qua

Hôm trước Tre Làng post bài"Thợ ảnh và bản quyền" nói về vụ Thư viện Hà Nội đã sử dụng bức ảnh Hà Nội - một bức ảnh mới chụp theo phong cách cũ - làm triển lãm. Ngay lập tức NAG Na Sơn đã làm rùm beng đòi Thư viện Hà Nội phải xin lỗi bằng văn bản. Chị Mượt Khắm đã có ý kiến rất chính xác, rằng cả Thư viện Hà Nội và Na Sơn đều không hiểu gì về bản quyền. Người khác thì cho rằng, Na Sơn lợi dụng chuyện này để đánh bóng tên tuổi.

Để rộng đường dư luận, Tre Làng giới thiệu tiếng nói của người trong cuộc, đặc biệt là những lá thư của đôi vợ chồng trong bức ảnh. Những lá thư này được lấy từ entry của bạn DCTnguyen. Các bạn cho ý kiến nhé!

1. Thư của chị Hương Trinh

Chủ nhân của bức ảnh gây tranh cãi yêu cầu NAG Na Sơn tôn trọng sự thật

Thư viện Hà Nội sai thì không nói. Nhưng lại có điều đằng sau vấn đề này, ai nắm bản quyền và ai được phép lên tiếng về bản quyền trong vụ này. Nhiếp ảnh gia Na Sơn là người lên tiếng đầu tiên, rất gay gắt. Rằng bản quyền của anh, thư viện Hà Nội xin thì phải nói với anh, lấy là phải xin lỗi anh này nọ. 

Nhưng thực tế thì có phải như thế không hay lại có một trường hợp không hiểu luật bản quyền và cố gắng đánh bóng tên tuổi? Xin mời các bạn cùng phán định qua chia sẻ của nhân vật chính trong bức ảnh.

Xung quanh sự việc Thư viện Hà Nội mấy ngày gần đây, mà đáng ra không nên có, đăng một trong những tấm ảnh cưới của vợ chồng tôi mà chưa được sự đồng ý của chúng tôi và chú thích sai ngày tháng cũng như tên người chụp bức ảnh đã khiến tôi rất phiền lòng. Sư phiền lòng không phải ở việc thư viện HN lấy ảnh không có chú thích và tự ý trưng bày vì họ SAI nhưng họ không có mục đích thương mại và chúng tôi có thể góp ý họ. Cũng không phải ở chuyện bản quyền và sở hữu bộ ảnh vì nó hiển nhiẻn là của vợ chồng tôi. Chúng tôi đã phải trả tièn 21 triệu cho bộ ảnh chưa kể toàn bộ chi phí trang phục, ăn uống đi lại chụp ảnh và KHÔNG CÓ BẤT CỨ THOẢ THUẬN NÀO RIÊNG.

Điều khiến tôi thấy buồn nhất là Ý TƯỞNG VÀ SỰ CHUẨN BỊ CỦA TÔI đã bị hiểu nhầm thành ý tưởng và sự "phục dựng" của anh Nason.

Có ba điểm tôi muốn nói:

1. Vì sao tôi đưa ra ý tưởng chụp chủ đề cô gái Hà Nội?

Theo như giao kèo ban đầu, anh Nason nói chúng tôi phải đưa ra ý tưởng và mong muốn chụp như nào. Nên tôi đề nghị anh cho chụp theo phong cách cô gái HN xưa. Vì tôi có khuôn mặt phù hợp với kiểu chụp như vậy. Tôi cũng yêu cầu bạn Đại hoá trang theo phong cách đó.

2. Vì sao chúng tôi sử dụng trang phục như trong ảnh

Khi tôi đề nghị chụp phong cách HN xưa, cô Thu Hương chủ tiệm áo cưới Thu Hương- Cửa Nam đã góp ý là chú rể sẽ mặc quần áo bộ đội. Anh Nason góp ý vậy để chú rể mặc bộ đại cán màu trắng. Anh Sơn đưa tôi đi mua tại phố Lê Duẩn. Tôi là người trả tiền hoàn toàn. Chiếc áo dài tôi tự đi may. Váy cưới cũng phải thuê toàn bộ và chi phí chúng tôi lo.

Chiếc xe đạp chúng tôi dùng trong ảnh là của ekip mà sau này tôi biết đó là của Trọng Tùng.

NHỮNG LÝ DO NÀY ĐỀU XUẤT PHÁT TỪ KỶ NIỆM của hai vợ chồng tôi. Chúng tôi phải tự chuẩn bị tất cả. Ngay đến bó hoa cũng do tôi tự tay bó lại.

3. Về tấm ảnh mà TVHN đăng:

hôm đó có hai người chụp là anh Nason và Trọng Tùng, vì vợ chồng tôi đi xe đạp xuống dốc và đi nhanh nên tôi không chắc đây là ảnh của anh Sơn hay của Tùng chụp.

Một lần nữa tôi khẳng định những ý tưởng và sự chuẩn bị là của tôi. Còn những người khác góp ý chứ không hề đưa ra ý tưởng hay cái gọi là "sự phục dựng" nào hết. Còn bức ảnh tôi không chắc là của ai. Nhưng dù sao tôi cũng xin cảm ơn hai anh đã lưu giữ cho chúng tôi những khoảnh khắc đẹp. Cảm ơn Đại đã trang điểm cho tôi đúng với yêu cầu của tôi.

Sau đây, vợ chồng tôi hy vọng những tấm ảnh cưới của chúng tôi là nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp của chúng tôi. Và xin hãy để nó đúng đúng nghĩa là chiếc ảnh cưới.

Và những người muốn đăng ảnh của chúng tôi thì hỏi chúng tôi và chú thích chính xác và ghi tên tác giả. Mọi người hãy tôn trọng người khác. Cái gì không phải của mình thì đừng nên nhận.

Xin cảm ơn

2. Phần thư của anh Kiên

Thư viện Hà Nội đã gửi văn bản xin lỗi NAG Na Sơn. Nhưng có điều đằng sau vấn đề này, thiết nghĩ chính NAG Na Sơn cũng nên có lời xin lỗi đến vợ chồng anh Dương Trung Kiên, trước là vì đã làm phiền và thứ nữa đã có những lời lẽ không đúng. Sáng nay mình có đọc lời của chị Hương Trinh, là cô gái trong bức ảnh. Và bây giờ, khi mình đọc những lời của anh Dương Trung Kiên, mình càng tin rằng, yêu cầu của anh chị là đúng đắn.

Gửi anh Na Sơn!

Lẽ ra tôi vẫn giữ im lặng như những ngày qua trước sự việc liên quan đến bức ảnh cưới của vợ chồng chúng tôi, do anh và bạn Trọng Tùng chụp. Nhưng với những gì anh phát biểu trên FB của bạn CasperHN, thì tôi thấy mình cần phải lên tiếng.

Tôi muốn trao đổi thẳng thắn với anh như những người đàn ông, và nếu anh cũng chia sẻ quan điểm đó thì tự anh sẽ biết là anh đang nói đúng hay vợ tôi nói đúng về ý tưởng của bộ ảnh cưới chụp tại Hà Nội, hay dùng từ của anh là "sự phục dựng" (nghe thật hoành tráng, quả thật, tôi không nghĩ nổi ra từ này). Và tôi tin là anh cũng biết rõ giữa anh và vợ chồng chúng tôi, ai thân thuộc với Hà Nội hơn, ai yêu Hà Nội hơn, và ai thuộc về Hà Nội hơn ai. Tôi nghĩ là anh chưa biết rõ gốc gác của gia đình chúng tôi nên hơn bạo miệng trong suy nghĩ rất thiển cận về việc vợ chồng chúng tôi không biết đến cầu Long Biên trước khi gặp được anh.

Tiếp đến, tôi thấy hơi lạ, đó là, đây không phải là lần đầu tiên bức ảnh này được đăng mà không được xin phép. Những lần đó, anh đâu có bù lu bù loa như lần này, mặc dù nó được đăng trên báo giấy, nghĩa là được bán thu tiền, khác hẳn với mục đích trưng bày phục vụ công chúng của Thư viện Hà Nội. Nói vậy, không có nghĩa là vợ chồng chúng tôi ủng hộ việc Thư viện Hà Nội treo ảnh mà không xin phép. Nhưng nếu thực lòng muốn góp ý, anh có nhiều cách khác "văn minh, lịch sự" hơn là lu loa trên chốn FB này. Anh thật khéo biết chọn thời điểm và đối tác tấn công, và nó làm tôi nghĩ đến cụm từ "đục nước béo cò" mà bạn Trọng Tùng nói về anh.

Xét về việc anh tự nhận ý tưởng, trang phục... do một mình tay anh lo với việc Thư viện Hà Nội treo ảnh không xin phép cũng không khác nhau là mấy. Vậy nếu Thư viện Hà Nội đã gửi giấy xin lỗi anh thì ngược lại anh cũng nên xóa comment đó như một hành động thể hiện sự "cầu thị" của anh.

Và thay vì trao đổi, comment một cách trực tiếp với vợ chồng chúng tôi thì anh lại chọn đường vòng qua FB của CasperHN. Đó là cách khiến tôi không thể im lặng được nữa.

Anh nói anh sáng tạo anh trên máy tính của anh. Điều này đúng, nhưng sáng tạo đến mức quên cả xóa hình bạn Trọng Tùng vắt vẻo trên thành cầu, rồi vẫn điềm nhiên gửi đi để in ảnh trả vợ chồng chúng tôi. Anh thật "chuyên nghiệp", nếu anh quên, tôi có thể gửi qua inbox cho anh 

Chúc anh khỏe để tiếp tục về Hà Giang và bơi bướm ở khách sạn Thắng Lợi.

Kính thư 

Anh Kiên, chủ nhân thật sự bức ảnh đã phải dùng từ đục nước béo cò để nói về vấn đề. Sự thật thì vẫn mãi là sự thật. Mình tin là vấn đề này cần được giải quyết thỏa đáng, hợp tình hợp lý. Ai sai thì người đó phải xin lỗi. Điều đó nên làm và cần phải làm.

3. Góc nhìn của Mượt Khắm

Các cô đến giờ uống thuốc rồi. Hehe.

Hà Nội những năm 2000 /Trẻ em không còn ăn xin.
Cụ già ngồi trong công viên/Ngắm bà già nhớ thuở thanh niên...

Lời bài hát được cất lên lần đầu tiên cách đây gần 20 năm của anh thợ nhạc Trần Tiến đã chẳng mấy khi được cất lên trong những năm 200x. Nỗi day dứt xót xa xen lẫn ước mơ nhỏ nhoi của một người Hà Nội bỗng trở thành lời nhạo báng những thứ rởm rít ung nhọt đang diễn ra nhan nhản ở đất kinh kì này.

Vô số những thứ gọi là văn hoá bị lai căng kệch cỡm loè loẹt cứ càng ngày càng dềnh lên thối um như nước cống nhấn chìm những giá trị xưa cũ.

Kệ cụ. Bởi chuyện lớn nhiều không kể xiết. Chị sẽ kể các cô nghe chuyện nhỏ đang diễn ra của ngày hôm nay. Chuyện đéo biết nên cười hay nên khóc.

Sở Văn hoá Hà Nội vào một ngày đẹp trời bỗng bỏ công việc chuyên môn là treo tháo cắt bandroll, vẽ tranh cổ động để đi làm cái việc đầy tính nghệ thuật là tổ chức triển lãm.

Sẽ chẳng ai để í nếu một "nhà văn hoá" không lấy mẹ một bức ảnh cưới mới toe của một đôi vợ chồng trẻ rồi chú thích là ảnh Hà Nội những năm 60. Đen đủi hơn nữa, bức ảnh do một thợ ảnh "nổi tiếng" thực hiện.

Ngay lập tức, thợ ảnh phủ tràn mạng xã hội, báo chí những lời gay gắt dành cho các nhà làm văn hoá Hà Nội. Ê chề, đại diện SVH Hà Nội lén lút gọi điện xin lỗi. Hehe. Địt mẹ mày, đời nào bố chấp nhận, nghệ sĩ mấy khi gặp trường hợp này mà nói chuyện bỏ qua dễ thế. Chuyện vẫn tiếp tục được đẩy lên cao trào.

Chỉ vì ngu dốt đéo biết kích chuột Gúc mà sự việc nhỏ bỗng làm hỏng một Đại lễ lớn, đồng thời nó cũng lí giải cho những gì gọi là làm văn hoá đang diễn ra ở đất Hà Nội này.

Theo yêu cầu của thợ ảnh, Sở Văn hoá Hà Nội cần xin lỗi thợ ảnh bằng văn bản, đồng thời xin lỗi nhân dân cả nước vì sự lừa dối này. Nói thật ra, nhân dân cần lồn gì lời xin lỗi bởi có mấy nhân dân đến xem cái triển lãm chết tiệt này.

Nhưng kịch tính trong câu chuyện chưa kết thúc, xét ở góc độ pháp lí. Bức ảnh được trưng bày trong triển lãm có thuộc bản quyền của thợ chụp hay không? Đây là bức ảnh cưới được đôi vợ chồng trẻ bỏ tiền ra thuê chụp. Vậy bản quyền phải nằm trong tay của đôi vợ chồng kia mới đúng. Và nếu có xin lỗi, Sở Văn hoá phải xin lỗi đích danh đôi vợ chồng trong bức ảnh kia chứ không phải người chụp.

Trường hợp này, theo thông tin ban đầu của chị, với việc bỏ ra khoảng 1000 Mỹ kim cho bộ ảnh cưới, đôi vợ chồng kia mới là chủ thể nắm quyền sở hữu bức ảnh. Dĩ nhiên, việc cho ai, làm gì phải được đôi vợ chồng cho phép, còn thợ ảnh cũng chỉ là người được phép sử dụng không nhằm mục đích thương mại mà thôi.

Sở Văn hoá Hà Nội đéo biết chuyện bản quyền thì đã rõ, nhưng thợ ảnh cũng không biết mà nói đó là bản quyền của mình, hay thợ ảnh biết rõ nhưng nhân tiện nhằm mục đích gì khác?

Câu trả lời đéo thuộc về chị, nó thuộc về những người liên quan và các cô, lũ con bò. Hehe.