Hồng Thủy
(GDVN) - Jakarta sẽ cảm thấy thế nào nếu các nước khác trả đũa và đốt cháy tàu cá Indonesia?
Tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo được cho là theo đuổi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan với "liệu pháp sốc" với tàu cá láng giềng để tìm kiếm sự ủng hộ trong nước.
The Diplomat ngày 18/12 đăng bài phân tích của giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc bình luận, tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang đùa với lửa trên Biển Đông. Ông Widodo có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ song phương giữa Indonesia với các nước láng giềng ASEAN vì giải pháp gây sốc của mình, đánh chìm các tàu cá nước ngoài bị Jakarta bắt giữ vì (họ cho là) đánh bắt trái phép trên vùng biển quốc gia này.
"Liệu pháp sốc" và những biện minh
Ngày 5/12 tân Tổng thống Indonesia ra lệnh cho các lực lượng chức năng nước này đốt cháy và đánh chìm 3 tùa cá Việt Nam (bị Indonesia cho là) đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển gần quần đảo Anambas. Sự cố này đã được các phương tiện truyền thông đưa tin rộng rãi. Ngày hôm sau Jakarta chính thức công bố chính sách mới của mình và gọi nó là "liệu pháp sốc cho những kẻ đánh bắt bất hợp pháp".
Ông Widodo nói với tờ Antara News Agency: "Chúng tôi đánh chìm 3 tàu của họ vào Thứ Sáu để dạy cho họ một bài học, để họ từ bỏ đánh bắt trộm trong vùng biển Indonesia." Theo Tedjo Edhy Purdijatno, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh, Jakarta đang có ý định chứng minh rằng, chính phủ hành động cứng rắn, thậm chỉ chuẩn bị đánh chìm 5 tàu cá Thái Lan bị họ bắt giữ gần West Kalimantan sau khi Widodo công bố "liệu pháp sốc".
Joko Widodo biện minh cho hành động của mình trong một loạt cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí nước ngoài. Ông nói với tờ The Wall Street Journal: "Mỗi ngày có khoảng 5400 tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển của chúng tôi. 90% trong số họ hoạt động bất hợp pháp. Vì vậy phải có liệu pháp sốc đối với họ, tất nhiên chúng tôi được đánh chìm tàu của họ". Giới chức Indonesia thì tính toán rằng nước này thiệt hại khoảng 20 tỉ USD một năm vì tàu cá nước ngoài đánh bắt trộm.
Tổng thống Indonesia cũng lưu ý rằng, Việt Nam không phải là trường hợp đặc biệt. Ông tuyên bố, tàu cá của bất kỳ quốc gia nào khi đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển nước ông đều bị xử lý như nhau, mà theo một đạo luật năm 2009 chính quyền Indonesia có thể đánh chìm tàu cá đánh trộm mà không có giấy phép.
Nếu nước nào cũng đốt cháy tàu cá Indonesia khi bắt quả tang họ đánh bắt trộm thì Jakarta sẽ nghĩ sao?
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài VOA, Joko Widodo tuyên bố: "Tôi đã chỉ thị cho các bộ, các chỉ huy quân sự không được để tình trạng đánh cá bất hợp pháp tiếp diễn. Tôi đã hướng dẫn họ 3 hoặc 4 tuần trước, cứ đánh chìm những tàu cá bất hợp pháp. Họ sẽ không dám quay lại. Thứ Sáu tuần trước, chúng tôi bắt đầu đánh chìm nhiều tàu". Ông Widodo cũng nói với hãng AFP: "Tôi đã yêu cầu Ngoại trưởng giải thích với các nước rằng đây hoàn toàn là một vấn đề hình sự, không liên quan tới quan hệ với các nước láng giềng".
Cảnh báo các nước trước khi đánh chìm tàu cá, nhưng quên Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Hàng hải và thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti tiết lộ, một tuần trước khi đánh chìm 3 tàu cá Việt Nam bà đã cảnh báo Đại sứ các nước Malaysia, Philippines và Thái Lan, nhưng không thấy đề cập đến Việt Nam về việc Jakarta sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn và quy định cụ thể hình phạt đối với hoạt động đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia. 5 quốc gia có ngư dân thường xuyên bị cho là đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia, gồm Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ khi công bố "liệu pháp sốc" của ông Tổng thống, Indonesia đã bắt giữ 155 tàu cá nước ngoài. Bà Susi Pudjiastuti nói rằng "liệu pháp sốc" của nước này đã làm giảm đáng kể số lượng tàu cá nước ngoài hoạt động xung quanh đảo Natuna. Bà cũng cho rằng không có ảnh hưởng xấu nào từ chính sách này đến quan hệ của Indonesia với các nước láng giềng.
Tuy nhiên "liệu pháp sốc" của Joko Widodo đang đặt ra câu hỏi về ứng xử với "đồng minh chính trị và ngoại giao lâu năm của Indonesia, đó là Việt Nam", giáo sư Carl Thayer bình luận. Ngày 27/6 năm ngoái, Indonesia và Việt Nam công khai tuyên bố 2 nước nâng mối quan hệ song phương lên đối tác chiến lược. Điều 10 và 11 của Tuyên bố chung công bố quan hệ đối tác chiến lược đã nêu rõ:
10. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận những tiến bộ trong hợp tác nghề cá và nuôi trồng thủy sản và nhấn mạnh sự cần thiết cho cả hai nước tiếp tục thực hiện Biên bản ghi nhớ về hợp tác hàng hải và Thủy sản (2010) để khai thác hơn nữa tiềm năng cao về hợp tác trong lĩnh vực này và để giải quyết vấn đề đánh bắt bất hợp pháp, không được kiểm soát và không được báo cáo (IUU), bao gồm cả việc sắp xếp trao trả ngư dân bị bắt.11. Hai nhà lãnh đạo chỉ đạo nhóm kỹ thuật để tiến hành cuộc thảo luận nhằm sớm kết thúc hoạt động phân định vùng đặc quyền kinh tế. Và để không ảnh hưởng đến việc giải quyết cuối cùng của hoạt động phân định biên giới trên biển, khuyến khích cả hai bên để tìm một giải pháp tạm thời để tạo điều kiện hợp tác trên biển và các vấn đề nghề cá.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, hai bên đã đồng ý phối hợp chặt chẽ trong việc đối phó với các vấn đề liên quan đến ngư dân và tàu cá xâm lấn vùng biển của mỗi bên trên cơ sở nhân đạo và hữu nghị. Ngày 9/12 bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Việt Nam đã liên hệ với Indonesia về vụ đánh chìm tàu cá mang quốc tịch việt Nam và kêu gọi Indonesia đối xử với các ngư dân phù hợp với luật pháp quốc tế, trên tinh thần nhân đạo.
Phô trương thanh thế đánh chìm tàu cá Việt Nam, né tránh bình luận về tàu cá Trung Quốc bị bắt
Giáo sư Carl Thayer lưu ý, trong năm qua chưa có con số nào về các tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển nhạy cảm xung quanh đảo Natuna được công bố. Năm nay các nhà phân tích nước ngoài cho biết, tàu cá Trung Quốc tiến vào cả vùng lãnh hải, thậm chí vào tận cửa sông của đảo Natuna, Indonesia. Điều này khiến một số nhà quan sát cho rằng chính sách "liệu pháp sốc" của Joko Widodo là một tín hiệu đến Trung Quốc về việc nước này cần kiềm chế các hoạt động xâm nhập.
Các quan chức Indonesia né tránh bình luận về số phận các tàu cá Trung Quốc bị nước này bắt giữ.
Ngày 10/12, Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra văn bản tuyên bố lưu ý rằng, quan chức 2 nước đã làm việc để xác minh các tàu cá Trung Quốc bị Indonesia bắt giữ. Bắc Kinh thúc giục Jakarta "đảm bảo quyền lợi cho ngư dân Trung Quốc và giải quyết đúng đắn vấn đề". Điều đáng nói là trong 2 tuần kể từ khi Joko Widodo công bố chính sách "liệu pháp sốc", không có người phát ngôn nào của Indonesia dám mạo hiểm bình luận về số phận 22 tàu Trung Quốc bị nước này bắt giữ vì đánh bắt trái phép ở vùng biển Arafura.
"Liệu pháp sốc" của Joko Widodo cũng đặt ra câu hỏi về chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi đang điều khiển chính sách. The Farish Noor bình luận trên tờ New Straits Times của Malaysia, những phiền toái từ sự việc Indonesia đánh chìm 3 tàu cá Việt Nam là một kiểu phô trương thanh thế có vẻ khắc nghiệt, vượt qua giới hạn và đi ngược lại tinh thần đối thoại của ASEAN.
Farish Noor chỉ ra 2 vấn đề. Đầu tiên ông lập luận rằng việc công khai đánh đắm 3 tàu cá Việt Nam để lại ấn tượng rằng Indonesia là nạn nhân duy nhất, trong khi điều này không đúng sự thật. Ông chỉ ra rằng, các ngư dân Indonesia cũng phạm tội đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển của các nước láng giềng. Thứ hai Farish Noor lưu ý, trong quá khứ khi tàu cá bị bắt, các ngư dân bị bắt giữ và áp giải trở lại vùng biển nước họ. Đánh cá bất hợp pháp là vấn đề của cả ASEAN đang phải đối mặt chứ không riêng gì Indonesia. Jakarta sẽ cảm thấy thế nào nếu các nước khác trả đũa và đốt cháy tàu cá Indonesia?
Đốt cháy tàu cá nước ngoài là biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi
Farish Noor kết luận, Indonesia đã đi ngược lại tinh thần của hiệp hội ASEAN và có thể dẫn đến quan điểm cho rằng đây là động thái chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi được theo đuổi để tìm kiếm ủng hộ của cử tri Indonesia. Nhưng nếu tất cả các nước ASEAN cũng phản ứng như Jakarta, chạy theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi, đốt cháy đánh chìm tàu hàng xóm thì ASEAN sẽ đi về đâu?
Chuyên gia pháp lý Indonesia Fans Hendra Winarta cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng Tổng thống Joko Widodo đã bất cẩn khi cho đốt cháy tàu cá nước ngoài vì điều này chỉ làm tăng căng thẳng chính trị với các thành viên khác của ASEAN ngay đêm trước của năm hình thành Cộng đồng ASEAN. Winarta xem vụ Indonesia đánh chìm 3 tàu cá Việt Nam là một kiểu biểu dương lực lượng và vận động chính trị tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri trong nước.
Ông cho rằng đánh chìm tàu cá nước ngoài vi phạm chỉ nên là biện pháp cuối cùng và không phải là biện pháp chính. Winarta lo ngại về cái cách Indonesia đang làm, đó không phải là biện pháp có tầm nhìn xa. Trong khi đó không có dấu hiệu nào cho thấy Joko Widodo xem xét lại "liệu pháp sốc" của mình.
Ngày 15/12 khi đến Kotabaru dự lễ kỷ niệm ngày Indonesia tuyên bố là nhà nước của quần đảo, Joko Widodo thản nhiên thuật lại việc trước khi ông hạ lệnh đốt các tàu cá Việt Nam, nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài đã gọi cho ông chất vấn tại sao lại sử dụng thuốc nổ đánh chìm tàu cá nước ngoài. "Tôi trả lời rằng, đây chỉ là những cảnh báo đầu tiên. Sẽ có một thông báo và cảnh báo thứ 2. Chỉ cần chờ đợi", Tổng thống Indonesia cho biết.
Một bài xã luận trên tờ The Straits Times của Singapore phân tích, sự phụ thuộc của Joko Widodo vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi để chống đỡ cho chính phủ mới của ông có thể tốt trong nước nhưng sẽ gây ma sát không cần thiết trong quan hệ song phương lâu dài với các nước láng giềng và làm suy yếu quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN.