Không thể phủ nhận vai trò của báo chí, luật sư, và của người dân trong việc phát hiện, chấn chỉnh những việc làm sai trái của lực lượng CSGT. Đã có nhiều vụ, qua thông tin từ báo chí, người dân và luật sư, các lực lượng chức năng đã vào cuộc và những việc làm sai trái của lực lượng này bị đưa ra ánh sáng. Nhờ đó, góp phần xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.
Mới đây, báo Tuổi Trẻ, Pháp luật TP HCM, báo SohaNews và vài báo khác đăng bài phản ánh "CSGT Sóc Trăng đánh dân". Bản chất vụ việc đúng, sai như thế nào còn phải chờ cơ quan công an vào cuộc xác minh.
http://soha.vn/phap-luat/truong-ca-o-soc-trang-noi-gi-ve-clip-canh-sat-danh-dan--20141226205457777.htm
Chả phải bây giờ, mà từ lâu, khi định lên án một việc gì đó, báo chí thường có xu hướng lôi "dân" vào nhằm tăng sức nặng của thông tin. Về ngôn ngữ, gọi người bị đánh là "dân" không sai, nhưng cách lạm dụng từ này dường như có ý lên án CSGT và đẩy họ đến chỗ đối nghịch với dân.
Đây là cách viết bài hết sức nguy hiểm, một mặt nó làm cho người dân mất thiện cảm với CSGT, mặt khác nó dường như cổ súy cho những hành động chống đối CSGT nếu họ có vi phạm.
Hệ lụy là về phía người dân, họ tận dụng triệt để lợi thế là "dân" để cãi cự (cãi cùn) và "thoải mái gây sự", thậm chí là sẵn sàng hành hung lực lượng CSGT (có thể cả các lực lượng khác trong các vụ tương tự) mà không hề sợ. Bởi nếu có sai, họ không mất nghề như CSGT. Ngược lại, CSGT sẽ"chùn tay" với những trường hợp này, dẫn đến trật tự giao thông bị buông lỏng. Đã có quá nhiều bài báo, giật tít, viết bài tỏ ra hả hê khi người vi phạm cãi lý làm CSGT "thua" được đăng tải trên các trang mạng, thậm chí họ còn bày nhau các bước xử lý khi CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra. Người viết bài này cho rằng, đó là cách hành xử lưu manh hạ đẳng và cổ vũ cho những hành vi chống đối, bất tuân luật pháp.
Từ góc độ khác, trong mọi trường hợp có xung đột, CSGT đều là người "chịu thiệt". Cái chịu thiệt đầu tiên là thiệt với người "dân". Bị "dân" vặn vẹo, hay chửi bới họ chỉ biết đứng im chịu trận, bởi họ không được làm thế. Cái thiệt thòi thứ hai lại đến từ chính cơ quan của họ. Thực tế là, bất kể đúng sai thế nào, nếu có sự ẩu đả, hoặc nói tục với người dân...ngay lập tức CSGT sẽ bị kỷ luật, nặng hơn thì có thể sẽ phải ra khỏi ngành. Cách hành xử lúng túng của các lãnh đạo công an khi bị báo chí chất vấn về các hiện tượng tương tự đã bộc lộ rõ điều này.
Trở lại với vụ việc báo nêu, đọc kỹ các bài báo, xem đi xem lại nhiều lần clip được người dân cung cấp, tôi thấy có vẻ như chúng ta đã vội vàng kết luận rằng, CSGT đánh "dân". Đọc đến từ "đánh dân" nghe nó to tát, nghiêm trọng và rõ ràng (từ nay trở đi), CSGT sẽ là kẻ thù của dân.
Ngoài lề môt chút, nếu là nhà báo có lương tâm, có trách nhiệm, người viết có thể sẽ đặt tên bài báo khác hẳn: "Có hay không việc CSGT Sóc Trăng đánh người vi phạm"? hoặc: "Bản chất vụ ẩu đả giữa CSGT với người vi phạm"...Ở đây, cụm từ "người vi phạm" sẽ được thay thế cho từ "dân". Cách viết như thế sẽ trách nhiệm hơn nhiều và mang ý nghĩa giáo dục.
Theo một người bạn công tác trong ngành công an tại Sóc Trăng (đề nghị dấu tên), việc vật lộn giữa CSGT, tổ dân phòng với một người đàn ông tại quán là có thật, việc 2 bên đấm và chửi nhau cũng có thật. Nhưng sự việc không phải bắt đầu từ trong quán nhậu, mà nó được bắt nguồn từ ngoài đường, khi người đàn ông kia chở bạn nhậu bằng xe máy tham gia giao thông, có dấu hiệu của việc không làm chủ tay lái. Khi bị kiểm tra, họ quay đầu chạy, và chạy thẳng vào quán. Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ đuổi theo đến tận quán và câu chuyện cãi vã, rồi ẩu đả đã xảy ra.
Theo các bạn, vụ việc ở ngoài đường, trong phạm vi xử lý của CSGT, nhưng người vi phạm chạy vào trong nhà, nơi có vẻ như luật pháp còn bỏ trống, không quy định rõ lực lượng CSGT có được xử lý hay không (báo Pháp Luật đặt tít: CSGT được vào quan nhậu kiểm tra?) thì các bạn sẽ xử lý thế nào nếu là CSGT?
Chả lẽ, khi "dân" tham gia giao thông, có vi phạm, khi bị phát hiện, họ chỉ cần vào nhà ai đó ven đường thì họ sẽ không bị pháp luật trừng trị? và CSGT bó tay?
Câu hỏi này xin dành cho luật sư Nguyễn Văn Hậu, là Phó Chủ tịch hội Luật gia TP HCM và báo Pháp Luật:
http://plo.vn/thoi-su/csgt-duoc-vao-quan-nhau-kiem-tra-520019.html
Trở lại vụ ẩu đả được clip ghi lại, sau khi xem, nếu là người công tâm chắc chắn bạn sẽ khẳng định là có chuyện đánh nhau thật, và cả hai bên đều rất đáng trách. Tất nhiên, một ông nông dân thì không bị ai xử lý kỉ luật ngoài việc xử vi phạm hành chính, nhưng CSGT có thể vì việc này mà mất nghề.
Cá nhân người viết bài căn cứ vào những thông tin trên báo và người bạn cung cấp thông tin thì cho rằng, trường hợp này rất có thể (chỉ là có thể, không chắc chắn) là "trấn áp kẻ chống người thi hành công vụ".
Không bao giờ có chuyện tự nhiên, lực lượng CSGT lại đi vào tận quán để đo nồng độ cồn của người nhậu, vì họ có vô khối việc làm ở ngoài đường. Họ cũng không tự nhiên đánh một ai đó, bởi hơn ai hết, họ hiểu rõ pháp luật và ý thức được rằng nếu có hành vi côn đồ đó, họ sẽ bị pháp luật và cả những quy định của ngành công an trừng trị.
Kiến nghị:
Người viết chỉ có một kiến nghị duy nhất, bổ sung vào quy trình làm việc của mọi tổ công tác của CSGT: Phải ghi được hình bằng chụp ảnh hoặc quay phim làm bằng chứng chứng minh ai đó đã vi phạm luật giao thông đường bộ hoặc các vi phạm khác.
Tôi nghĩ, làm điều này không khó và kinh phí trang bị các loại máy ảnh kỹ thuật số cho lực lượng này không lớn. Ngược lại, nó là phương tiện tác nghiệp rất hiệu quả, có tác dụng chứng minh lỗi của người vi phạm, có tác dụng răn đe, và giáo dục. Mặt khác lại là cơ sở để bảo vệ chính lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ, tránh được các hiện tượng lợi dụng sự việc để vu cáo, nói xấu chế độ.