Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

NHIỀU TIẾN BỘ MANG TÍNH ĐỘT PHÁ TRONG QUAN HỆ VIỆT - MỸ

Nhiều tiến bộ mang tính đột phá trong quan hệ Việt - Mỹ

TP - Trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí Việt Nam thường trú tại Mỹ hôm 3/1, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, nói rằng, quan hệ hai nước trong năm 2014 đạt một số tiến bộ đột phá, tuy nhiên, nhiều trở ngại vẫn ở phía trước nên còn cả chặng đường để làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn diện.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao APEC tại Trung Quốc, ngày 10/11/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Cuộc gặp Cấp cao TPP. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết, điểm đáng chú ý trong năm 2014 là quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục được tăng cường với một loạt cuộc gặp, chuyến thăm các cấp giữa hai nước trong năm 2014: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Barack Obama bên lề Cấp cao APEC, Cấp cao Đông Á; 13 chuyến thăm Việt Nam của các lãnh đạo Quốc hội Mỹ như Chủ tịch thường trực Thượng viện P.

Leahy và các Thượng nghị sĩ J.McCain, B.Cardin, B.Corker....; các chuyến thăm Mỹ của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh... Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động trao đổi các đoàn cấp bộ, ngành, địa phương, triển khai 11 cơ chế đối thoại.

Ông Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ

Kinh tế tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong hợp tác hai nước. Mỹ tiếp tục là đối tác kinh tế và thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, tổng kim ngạch thương mại hai nước năm 2014 ước đạt khoảng 35-36 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 28 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2013.

Mỹ cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 vào Việt Nam với khoảng 700 dự án và tổng vốn gần 10,7 tỷ USD, chưa kể đầu tư của doanh nghiệp Mỹ qua nước thứ 3. Trong khuôn khổ đàm phán chung, hai bên cũng đạt được những tiến triển thực chất trong đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sắp tới, việc đàm phán này cần tiến tới một TPP bảo đảm phù hợp trình độ phát triển và lợi ích của các bên tham gia.

Hợp tác về khoa học - công nghệ có đột phá mới với việc Hiệp định hạt nhân dân sự 123 chính thức có hiệu lực từ ngày 10/9/2014, mở ra cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hạt nhân dân sự. Mỹ tiếp tục cam kết và triển khai hợp tác tích cực giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại như các dự án tẩy độc tại những khu vực bị nhiễm dioxin (tổng trị giá 15 triệu USD...), dự án hỗ trợ người bị khuyết tật do hậu quả chiến tranh (7,5 triệu USD)…

Hợp tác an ninh - quốc phòng tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở triển khai Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng (9/2011). Việc Mỹ chính thức tuyên bố bãi bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam được đánh giá cao và Việt Nam đề nghị Mỹ nên sớm dỡ bỏ hoàn toàn, phù hợp khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện hai nước. Hai bên cũng đã trao đổi nhiều đoàn quốc phòng, đáng chú ý là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, tướng M. Dempsey, hồi tháng 8/2014.

Hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát biển được mở rộng. Hai bên đang triển khai gói hỗ trợ 18 triệu USD Mỹ dành cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hàng hải.Việt Nam dẫn đầu về số lượng sinh viên học ở Mỹ trong các nước ASEAN với tổng số hơn 16.000 sinh viên, đứng thứ 8 trong số tất cả các nước có sinh viên đang học tập tại Mỹ. Trong năm 2014, số lượng khách du lịch Mỹ đến Việt Nam tiếp tục tăng, đạt 443.000 lượt khách, đứng thứ 4 trong số các nước có nhiều khách du lịch vào Việt Nam. 

Đối thoại để giải quyết khác biệt 

Đại sứ Phạm Quang Vinh nói rằng, vẫn còn nhiều dư địa để hai bên thúc đẩy hợp tác. Quan hệ hai nước vẫn còn một số khó khăn, nhất là việc Mỹ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp và rào cản thương mại như áp đặt cơ chế giám sát cá da trơn; áp dụng các chính sách vệ sinh thực phẩm đối với hàng hoa quả, mật ong...

Với những khác biệt đó, Việt Nam chủ trương đối thoại thẳng thắn và hợp tác xây dựng trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau. Vừa qua, có nhiều quan chức chính giới, Quốc hội Mỹ thăm Việt Nam; họ đều đã hiểu thêm về chính sách và sự phát triển của đất nước, trong đó có cả những vấn đề liên quan tự do, dân chủ, nhân quyền.

Về những ưu tiên trong công tác đại sứ trong năm 2015, khi Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, ông Phạm Quang Vinh nói rằng, năm 2015 là một năm có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính dấu mốc trong chiều dài quan hệ Việt - Mỹ, nên việc đầu tiên và hàng đầu là triển khai hiệu quả và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ, trên cả 9 lĩnh vực ưu tiên đã được xác định, tạo ra những đột phá mới, dấu mốc mới trong từng lĩnh vực này.

Để tiếp tục huy động sự đóng góp và thúc đẩy gắn kết của cộng đồng người Việt tại Mỹ với quê hương, ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh vấn đề thu hút chất xám của kiều bào, làm thế nào để có những cơ chế, chính sách sử dụng hiệu quả chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài.

Rất nhiều trí thức người Việt tâm huyết, trăn trở với các vấn đề của đất nước và muốn đóng góp tri thức cho đất nước. Đại sứ sẽ dành nhiều thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc, đi các địa phương để lắng nghe ý kiến của bà con cũng như tìm cách tháo gỡ những rào cản còn tồn tại.

CẢNH GIÁC VỚI LUỒNG THÔNG TIN BỊA ĐẶT

Cảnh giác với luồng tin bịa đặt

Fanpage Thanh Niên


Gần đây, dư luận chú ý về việc một số trang web, tờ báo hải ngoại tung ra những thông tin bịa đặt, vu khống, xuyên tạc với suy diễn nguy hiểm nhằm hạ thấp uy tín một số cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông

Đây là chiêu trò không mới của những phần tử cơ hội khi nhào nặn thông tin để “ném đá giấu tay” nhằm phá hoại nhiều mặt. Việc cảnh giác, không tin, không lan truyền những thông tin kiểu ấy luôn cần thiết.

Thông thường, trước mỗi kỳ Đại hội hay Hội nghị Trung ương Đảng, các kỳ họp Quốc hội, các thế lực thù địch thường tung ra nhiều thông tin “hậu trường chính trị” nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Giữa năm 2012, khi Đảng ta đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng thì một số trang mạng “... làm báo” liên tiếp tung ra các thông tin xuyên tạc các chính sách kinh tế vĩ mô, hoạt động tài chính - ngân hàng cùng với các thông tin bịa nhằm hạ thấp uy tín một số vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Qua đó đã tạo ra dư luận đồn đoán theo hướng tiêu cực, gây hoang mang, lo lắng trong xã hội. Sang năm 2013, rồi từ cuối năm 2014 đến nay, tình trạng vu khống, nói xấu cán bộ cấp cao lại tiếp diễn.

Ngày 29.12.2014 vừa qua, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, vấn đề xử lý thông tin xấu độc đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề cập: “Quan trọng nhất là chúng ta chủ động cung cấp thông tin, nêu những điểm tốt, đúng đắn để phát huy, chỉ rõ hạn chế yếu kém, giải pháp khắc phục, đồng thời hạn chế thông tin không chính xác, không có lợi. Trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận, nhất trí chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015”.

Trong thực tế, không chỉ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta mà các đại biểu Quốc hội, phần lớn cán bộ, đảng viên và người dân đều nhận diện chân tướng của những trang tin “hậu trường chính trị” như trên. Tại các kỳ họp thứ 6, thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều lưu ý các đại biểu Quốc hội thận trọng trước những thông tin “ngoài luồng”, có ý đồ xấu. Và sự thật thì những thông tin đó không đánh lừa được xã hội. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy, các vị đại biểu Quốc hội đã tỏ rõ “dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Chính kết quả trong nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cán bộ chủ chốt mới là thước đo phẩm chất, năng lực, đánh giá uy tín của họ.

Về mặt lâu dài, cần có các biện pháp ngăn chặn, xử lý những trang mạng xấu độc như trên. Theo trung tướng Nguyễn Quốc Thước, bản chất của các thế lực thù địch không bao giờ thay đổi, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh, không mơ hồ, ảo tưởng. Tuy nhiên, cũng không nên quy chung một rọ những người có ý kiến trái chiều với các thế lực phản động. Đối với những người còn có nhận thức khác, cần chủ động tăng cường đối thoại, thông tin hai chiều, cung cấp thông tin đúng đắn, chính xác.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nhắc đến câu của A.Einstein mà ông tâm đắc, đại ý: Thảm họa của xã hội không phải nằm ở một số kẻ xấu, mà nó nằm ở số đông người im lặng. Mà kẻ xấu thì bao giờ cũng ít hơn rất nhiều so với những người không xấu song im lặng. Nếu toàn Đảng và toàn xã hội làm tốt hơn việc phát huy dân chủ, đấu tranh phê bình và tự phê bình, đẩy lùi những sự “im lặng đáng sợ” thì chắc chắn sẽ không còn đất sống cho các web, blog có nội dung xấu.

Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đã khẳng định: “Những thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc cần được kiểm soát chặt chẽ và có chế tài cụ thể bằng pháp luật vì nó vi phạm đến nhân phẩm, uy tín cá nhân, quyền công dân của người khác”. Mặt khác, TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: “Cần phải có một cơ chế cung cấp thông tin thật nhanh và chính xác cho báo chí trong nước; các phương tiện truyền thông trong nước phải đưa thông tin thật nhanh nhạy, hấp dẫn, bổ ích. Khi công chúng được đáp ứng đủ nhu cầu thông tin thì họ không cần phải tìm kiếm ở bên ngoài. Chúng ta cần luôn nhanh chóng nói đúng bản chất sự việc, nói có tính định hướng để công chúng hiểu”.

Nguyên Minh
Nguồn: Báo Thanh Niên

THĂM MẸ (BÒN)


Con về thăm mẹ chiều qua
Làm dăm chục trứng kèm gà đôi con

Vịt tháng mười, mẹ bảo ngon
Vâng, thêm con nữa.. vẫn còn thừa bao
Thôi thế mẹ ra bờ rào
Vặt dăm quả mướp bỏ vào…là xinh./…

Về thăm mẹ biếu được trăm bạc mua quà thì tha đi bao tướng, bòn kinh lên được...Há há há.

Nguồn: Suong Themoi 

Tin hot: SÁNG NAY ÔNG NGUYỄN BÁ THANH TRỞ VỀ ĐÀ NẴNG

Tin hot: Sáng nay, 5/1, ông Nguyễn Bá Thanh trở về Đà Nẵng điều trị

Thông tin được rất nhiều người dân không chỉ của Đà Nẵng quan tâm đây: Sáng nay, 5/1, ôngNguyễn Bá Thanh trở về Đà Nẵng điều trị. Chúc ông mạnh khỏe.

Hiện gia đình ông Nguyễn Bá Thanh đã hoàn tất mọi thủ tục để có thể đưa ông Thanh rời Mỹ vào sáng nay (5-1) về quê nhà Ðà Nẵng tiếp tục dưỡng bệnh sau 4 tháng 19 ngày điều trị tích cực tại một bệnh viện ở Mỹ.

“Tất cả đã sẵn sàng và nếu không có gì thay đổi đột xuất, ông Nguyễn Bá Thanh và đoàn sẽ về đến Ðà Nẵng vào chiều tối 6-1” - nguồn tin trên cho biết.

Ông Nguyễn Bá Thanh sẽ được một máy bay chuyên dụng y tế cỡ nhỏ đưa về sân bay Ðà Nẵng sau khi dừng tiếp nhiên liệu tại hai sân bay khác nhau ở Mỹ và Nhật Bản sau khi dừng tiếp nhiên liệu tại hai sân bay khác nhau ở Mỹ và Nhật Bản.

Phái đoàn tháp tùng ông Thanh về nước ngoài ông Nguyễn Bá Cảnh (con trai ông Thanh) còn có các bác sĩ người Mỹ nơi ông Thanh nằm điều trị trước đó, nguồn tin cho biết.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại khoa ung bướu (Bệnh viện Ðà Nẵng) nơi được cho là ông Nguyễn Bá Thanh sẽ về điều trị, lãnh đạo bệnh viện này cho sửa chữa, cải tạo lại một phòng bệnh rất tươm tất.

Ðường dẫn vào khu vực tầng 1 để lên thang máy của khoa ung bướu cũng được cho làm mới, bằng phẳng để giúp giảm xóc cho bệnh nhân trong khi di chuyển.

Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

ĐIỀU TRA NGHI ÁN CÔNG TY ĐẠI NAM KINH DOANH GỖ TRÁI PHÉP

Điều tra nghi án Công ty Đại Nam kinh doanh gỗ trái phép 

Công an thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra làm rõ nghi án Công ty cổ phần Đại Nam ở phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương mua bán lâm sản trái phép.

Trước đó, CSGT Công an thị xã Thuận An đang làm nhiệm vụ trên đường ĐT743 thì phát hiện tài xế Nguyễn Thanh Hoàng (34 tuổi, ngụ TPHCM) điều khiển xe container biển số: 51E-012.49 có dấu hiệu vi phạm Luật giao thông đường bộ nên ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra, phát hiện trên xe có nhiều gỗ quý hiếm. Cảnh sát giao thông đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương kiểm tra container, xác định bên trong chứa 77 hộp gỗ trắc (khoảng trên 9m3). Tài xế xuất trình hóa đơn, chứng từ do Công ty cổ phần Đại Nam xuất bán nhưng không có giấy tờ kiểm soát của cơ quan kiểm lâm. Quá trình điều tra, công an nhận thấy việc mua bán số gỗ trắc trên của Công ty Đại Nam có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên đã khởi tố vụ án để điều tra.

Để hiểu rõ thêm về vụ việc này, phóng viên liên lạc với người đứng đầu công ty thì được biết ông Huỳnh Uy Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam đang ở nước ngoài. Một người có trách nhiệm của công ty này cho biết trước đó đã có văn bản gửi Công an thị xã Thuận An giải trình vụ việc liên quan. Theo đó, số lượng gỗ nói trên được Công ty Đại Nam xuất bán cho Công ty thương mại Đại Phú (P. Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) theo hợp đồng kinh tế ngày 1-10-2014, hóa đơn GTGT số 0000222 ngày 1-10-2014. Ngày 2-10-2014, khi xe đang vận chuyển gỗ từ kho của Công ty Đại Nam về tỉnh Bắc Ninh thì bị công an và kiểm lâm kiểm tra, lập biên bản tạm giữ với lý do vận chuyển gỗ không có xác nhận của chi cục kiểm lâm. Sau đó, Công an thị xã Thuận An phối hợp Chi cục Kiểm lâm Bình Dương đến Công ty Đại Nam xác minh nguồn gốc thì số gỗ trên xe khớp với hồ sơ Công ty Đại Nam cung cấp, mỗi lóng gỗ đều có dấu búa KL 824.

Cũng theo đơn giải trình của Công ty Đại Nam, ngày 18-3-2010, Công ty này mua gỗ của Công ty Hoàng Gia Cát Tường 391,513m3 gỗ trắc xẻ nhập khẩu tại hai hóa đơn GTGT số 002901 và 002902 theo Hợp đồng kinh tế số 01/HĐKT/HG-ĐN (ảnh) mà đôi bên đã ký. Về nguồn gốc số gỗ trắc, Công ty Hoàng Gia Cát Tường mua của một số đơn vị, có giấy tờ hợp pháp. Thoạt đầu Công ty Đại Nam mua về để xây dựng đền thờ Đại Nam. Qua nhiều năm có thay đổi nhân sự nên khi hạch toán xuất hóa đơn nhân viên của hai công ty không xác định được chính xác số gỗ nằm trong bộ hồ sơ nào, chính vì vậy mà Công ty Hoàng Gia Cát Tường chỉ cung cấp một số hồ sơ bản photocopy để Công ty Đại Nam lưu trữ theo quy định. Trong quá trình xây dựng, Công ty Đại Nam còn tồn 77 hộp gỗ xẻ trắc với khối lượng 9,172m3, do không có nhu cầu sử dụng nên bán cho Công ty thương mại Đại Phú.

Ông Phạm Đình Khương - Phó tổng giám đốc Công ty Đại Nam khẳng định toàn bộ số gỗ trắc nói trên có nguồn gốc hợp pháp, được mua từ nguồn gỗ tồn kho của Công ty Hoàng Gia Cát Tường. Ông Khương thừa nhận việc tự ý xuất bán gỗ tồn kho mà không báo Chi cục Kiểm lâm là sai quy định của nhà nước. 

Minh Thắng

HUỲNH THỤC VI TỐ CÁO NHÓM MLBVN CỐ TÌNH ĐÁNH PHÁ HỘI PHỤ NỮ NHÂN QUYỀN

Huỳnh Thục Vy tố cáo nhóm MLBVN cố tình đánh phá Hội Phụ nữ nhân quyền

Sau khi bị cô Nguyễn Hoàng Vi (fb An Đổ Nguyễn) lên tiếng việc mình không được có tên trong báo cáo nhân quyền 2014 của HPNNQ, nhiếc móc “chắc tại Hội PNNQ quên giới tính của mình là nữ thôi”, tiếp sau đó là cô Phạm Thanh Nghiên nêu ra thông tin sai sót về vụ đám tang của mẹ cô này, yêu cầu chỉnh sửa hoặc gỡ bỏ thông tin khỏi báo cáo trên cũng với việc chỉ ra cả đống thiếu sót, cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh công bố đã rời khỏi hội này vì cho rằng hội bị một người đàn ông ẩn danh điều hành (giật dây) và lên tiếng (chê trách) Hội PNNQ không chịu đưa tên cô Quỳnh ra khỏi Hội (tức tố Hội này cố tình bấu víu, lợi dụng dánh tiếng của cô ta) thì ngày cuối cùng của năm 2014, HUỳnh Thục Vy đã nói xổ toẹt trên facebook rằng, vụ việc này không còn là “xích mích nội bộ” nữa mà là nhóm MLBVN kia “cố tình đánh phá Hội phụ nữ nhân quyền và từ lâu họ không còn là thành viên nữa”. Sau đó cô này nói thêm, nhóm cô Hoàng Vi cố tình công khai bằng các “stt và comment gây mất uy tín Hội phụ nữ nhân quyền”.

Nói như vậy, có nghĩa cô Huỳnh Thục Vy đã công khai khẳng định, những lời nói được phía bên nhóm cô Hoàng Vi cho rằng “đóng góp ý kiến”, “thương cô Vy bị lợi dụng”, phủ nhận không ghét bỏ cô Vy…đều nhằm mục đích đánh phá Hội Phụ nữ nhân quyền.

Nếu xét trước đó, cô Huỳnh Thục Vy từng bày tỏ “buồn rất nhiều” khi bị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đánh phá với bài “Vừa hợp tác vừa đấu tranh” của Bùi Thanh Hiếu, lên án Dân làm báo không đăng bài của cô (Dân làm báo mói là ông chủ thực sự của nhóm MLBVN) thì nay cách phản ứng của cô này trước việc Báo cáo nhân quyền 2014 của Hội Phụ nữ nhân quyền bị đập tơi tả xem như là hành vi xâu chuỗi, nối tiếp và là lý do cô luôn dùng từ “chị và các bạn của chị” khi phán xét, trả lời mọi yêu cầu, thắc mắc từ phía cô Hoàng Vi, cô Thanh Nghiên hay cô Quỳnh

Chính bởi “định kiến” đã được bồi đắp cả quá trình nên dù có các “đồng chí” trong và ngoài nước can ngăn đến mức nào, cô HUỳnh Thục Vy vẫn kiên quyết không xuống thang, thể hiện sẵn sàng đối đầu đến cùng. Trong stt bâng quơ khác nhưng ai cũng hiểu vấn đề cô Vy đang nhắm tới. Cô Huỳnh Thục Vy lên giọng cảnh cáo “những dạng “thọc gậy bánh xe” và ganh ghét thì phải xem chừng hành vi của mình. Cố gắng thật sự mà không chắc được gì thì đừng nói là ngồi chơi không rồi phá bĩnh người khác”. Xem ra khẩu khí và bản lĩnh của cô Huỳnh Thục Vy không vừa khi cô dám đứng ra chiến tuyến, thách thức và cảnh cáo cả nhóm MLBVN, gồm toàn “anh thư”, “liệt nữ” của anh Vũ Đông Hà – ông chủ Dân làm báo.

Không biết nhắn nhủ tới ai, ông luật sư Hà Huy Sơn nhìn vào sự việc và kết luận “Ha Huy Son Chưa học được cách sinh hoạt dân chủ thì chớ vội chống độc tài.”. Ông Ngô Nhật Đăng công khai ủng hộ hành động “thay trời hành đạo” của cô Nghiên và nhóm MLBVN, Ông này cho rằng Ai cũng ra rả dân chủ và đa nguyên, vậy mà có những quan điểm sống khác biệt đã không chịu nổi.”, lên án đám đông bu vào đòi dẹp yên vụ việc theo kiểu “đóng cửa bào nhau”, ” tốt khoe, xấu che” là “ chính vì ai cũng ” vì đại cục” mà chuyện mất đoàn kết nó mới dai dẳng và nhất là sinh ra một loạt người tự coi mình là vĩ nhân”.

Xem qua các comment ủng hộ, phản đối trên tường nhà các cô Quỳnh, Vi, Nghiên và Vy cho thấy, phía sau MLBVN có khá đông các đáng nam nhi như Cùi Các, Peter Lâm Bùi…ủng hộ, phía sau cô Vy có hình bóng Nguyễn Văn Đài, Phùng Mai công khai ca ngợi, bảo vệ. Phải chăng Việt Tân chia phe trong cuộc chiến một mất một còn này chăng?

Võ Khánh Linh

NGUYỄN BÁ THANH TRONG LÒNG NHÂN DÂN ĐÀ NẴNG

Nguyễn Bá Thanh trong lòng Nhân dân Đà Nẵng. *

Tôi biết ông Bá Thanh vào năm 1998, lúc mới chuyển về đài truyền hình. Khi ấy cơ quan tổ chức đá bóng minni giao hữu với văn phòng ủy ban thành phố tại nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương. Tôi chưa vợ con nên rảnh rỗi nhiệt tình đi cổ vũ đội nhà. Nghe mọi người chỉ trỏ “Bá Thanh, Bá Thanh”, tôi cũng không quan tâm lắm. Lúc đó ổng chưa có gì đặc biệt trong tôi. Hơn nữa, trước năm 1997, ổng mới là chủ tịch thành phố Đà Nẵng nhỏ thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Hồi ấy tôi làm phóng viên chuyên về mảng an ninh trật tự nên không có dịp tiếp xúc ổng. Sau này chia tỉnh, tôi lại về Quảng Nam.

Nghe mọi người kêu tên ổng như siêu sao, tôi không khỏi mắc cười. Nhìn thằng cha tuổi cũng đã lớn, người vạm vỡ, dáng hùm tướng gấu lừ khừ chạy theo trái banh không chút gì gọi là biết đá bóng, tự nhiên tôi lại thấy ngồ ngộ. Sau này mới biết ổng đá không hay nhưng mê bóng đá vào loại số một. Không có trận banh nào ở sân Chi Lăng mà không có mặt ổng. Nhiều lúc máu quá, ổng nhảy xuống sân chỉ đạo làm cho huấn luyện viên mặt xanh như đít nhái. Cũng vì cái máu này mà ổng bị chỉ trích nhiều. Nhất là mỗi lần đội Đà Nẵng thua, người ta lại bảo do Bá Thanh chỉ đạo nên cầu thủ và huấn luyện viên “khớp” đá không được. Trên sân bóng, ổng chạy lăng quăng, cả trận đụng bóng đâu được vài ba lần. Có lẽ vì là sếp nên quân lính thường chuyền bóng cho ổng. Nhưng ổng không cầm được, lần nào cũng mất. Đã thế còn bị cầu thủ bên đội tôi chơi xấu. Ổng quê, mặt hằm hằm. Một lần bị mất bóng, ổng rượt theo đá vào chân đối phương, khiến khán giả trên sân cười vỡ bụng. Lúc ấy, mặt ổng giãn ra có vẻ thoải mái. Sau này, để ý mới thấy ổng sống chân thành, thẳng thắn theo cái cách bị chơi thì chơi lại, hồn nhiên vô tư như đá bóng. Có lẽ cũng chính vậy mà ổng chỉ loanh quanh Đà Nẵng chứ không lên cao được như mong muốn, kỳ vọng của nhiều người.

Sau này, làm phóng viên thời sự, tôi có dịp tiếp xúc với ổng nhiều hơn. Gặp ổng trong các cuộc họp, hội nghị, ổng chỉ đưa mắt chào nhưng không cười. Tôi cũng đáp lại như vậy chứ không xởi lởi, chào hỏi như với các quan chức khác. Giải lao, các phóng viên thường hay quây lại ổng hỏi han, chuyện trò. Ổng cũng có vẻ gần gũi, dễ chịu với cánh nhà báo. Mà thực tế là có rất nhiều nhà báo thân thiết và nhờ cậy ổng. Nói về Bá Thanh, người ta thường nói đến công lao thành tích của ổng đối với Đà Nẵng. Theo cá nhân tôi, không có Bá Thanh thì không có Đà Nẵng như bây giờ. Tất nhiên hệ lụy của nó cũng không phải là ít. Nhưng không có sự phát triển, thay đổi nào mà không phải trả giá. Thành phố Đà Nẵng mở rộng, khang trang trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển hạ tầng, về văn minh đô thị, về xanh sạch đẹp, vân vân thì đằng sau nó là hàng trăm, hàng ngàn người bị thiệt thòi do mất đất sản xuất, bị di dời, giải tỏa. Điều này cũng tất yếu phải chấp nhận, nếu không thì Đà Nẵng chẳng bao giờ có được niềm tự hào hiện tại. Muốn xây cái nhà mới to lớn, đàng hoàng mà không đủ tiền mua miếng đất mới thì cách tốt nhất là đập bỏ nhà cũ sập sệ hoặc bán đi xây chỗ khác. Tôi đã từng nhiều lần đến vùng Nại Hiên, Thọ Quang làm phóng sự nên hiểu cuộc sống của người dân khu nhà chồ, nhà tạm. Nó còn tệ hơn khu nhà ổ chuột trên những bờ kênh đen Sài Gòn. Nhờ có sự quan tâm và quyết liệt của Bá Thanh mà cả vùng Sơn Trà giờ đây trở thành khu đô thị du lịch đầy hứa hẹn. Một khu đô thị mới, một con đường mới đều có dấu ấn Bá Thanh. Ổng đi sâu đi sát đến từng hộ dân để đối thoại, thuyết phục… Người ta thường ca ngợi Bá Thanh là người cứng rắn, cương quyết nhưng tôi lại thấy ở ổng tính hảo hớn, đại hiệp của một kẻ dám làm, dám chịu. Cái cách ổng mở đường và giải tỏa hành lang để khai thác quỹ đất là cách làm sáng tạo, chấp nhận đương đầu. Không như nhiều nơi, chỉ thu hồi đất để mở mỗi con đường. Vì vậy nhà cửa hai bên cái lồi, cái lõm, cái xẹo bên này, cái ngã bên kia nhếch nhác luộm thuộm. Đó là chưa kể người bị giải tỏa thì mất đất, mất nhà phải đi nơi xa sinh sống, người được mở đường thì hơn trúng số, chỉ một đêm, miếng đất chó ỉa thành ra đất vàng, ôm trong tay cả tỷ bạc mà không phải bỏ ra một xu nào, nó tạo ra sự bất công giữa kẻ đi người ở… Bá Thanh làm khác nên đường phố Đà Nẵng không chỉ thẳng thớm mà nhà cửa hai bên đường cũng khang trang, nhà nước có thêm một khoản tiền để chăm lo chu đáo cho người bị giải tỏa, đa phần những người ra đi đều cảm thấy không bị thiệt thòi. Không ở đâu như Đà Nẵng, nhiều người dân mong được giải tỏa để ra mặt tiền, được xây nhà mới rộng rãi hơn, trong đó có tôi, he he…

Làm báo đi nhiều, nghe nhiều nên tôi cũng thấy quý ổng dù lần nào gặp cũng chỉ đưa mắt chào nhau chứ chưa bao giờ bắt chuyện. Nếu có công việc thì cứ đường công văn chuyển đến văn phòng, hẹn phỏng vấn thì câu hỏi gởi trước, đến giờ là hỏi, hỏi xong cám ơn rồi về chứ cũng không trà dư tửu hậu. Hình như thế, ổng lại quý mình. Một lần vào năm 1999, tôi đi theo đoàn của thủ tướng thăm bà con vùng B Đại Lộc, Quảng Nam bị thiệt hạ do lụt lớn. Lúc đi, tôi theo xe Quảng Nam. Đến địa phận Đà Nẵng thì xe Quảng Nam quay về. Hồi đó tôi một mình ôm cái Camera AG quay băng VHS nên chẳng được ai đón, nhờ xe Đà Nẵng về, ai cũng bảo xe đủ người. Bí quá, tôi đến gặp Bá Thanh, “anh nói giúp em một tiếng để em quá giảng về với”. Ổng không nói gì, vẫy chú văn phòng tới. Thế là tôi được mời lên xe. Theo phép lịch sự, tôi cám ơn, ổng cũng chỉ nhướn mắt mà không thèm mở miệng ừ. Tiếp xúc với người khác ổng kiệm lời. Nhưng nói chuyện trước hội đồng nhân dân, ổng là nhà hùng biện. Hầu như đến kỳ họp hội đồng nhân dân, người dân Đà Nẵng thường ngồi trước ti vi để nghe ổng nói. Lúc làm chủ tịch ủy ban thì ổng giải trình, khi làm bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân thì ổng chất vấn. Vai nào cũng tròn trịa và giỏi giang. Trên mạng còn lưu clips ổng nói chuyện trước hàng ngàn cán bộ, công chức thành phố tại cung thể thao Tiên Sơn. Ổng nói nguyên một buổi, không cần nhìn giấy. Nhưng nói cái gì ra cái nấy, từ chuyện nhỏ đến chuyện to. Nói đến đâu người ta há hốc mồm ra nghe và nhớ tới đó. Tôi là đứa khó tính cũng phải nể . Ổng nói những chuyện quốc gia đại sự mà như lão nông đang kể chuyện mùa vụ nên dễ đi vào lòng người. Ổng cũng biết pha trò cho câu chuyện đỡ nhàm chán, khô khan. Ổng ví công chức như con cá heo trong rạp xiếc, cho ăn mới chịu làm, không cho thì cứ ì ra đó. Người ngồi dưới nghe vậy cười ồ nhưng ngẫm lại thấy bóng dáng mình trong đó lại đau. Nói về tệ nạn nước mình không quy trách nhiệm cá nhân mà toàn đổ lỗi tập thể, sai phạm không xử lý cụ thể mà chỉ rút kinh nghiệm, ông chốt “không biết sợi dây kinh nghiệm nó dài bao nhiêu mà rút hoài không thấy hết”. Người nghe cười nhưng thấm thía… Kể về Bá Thanh có thể kể cả ngày không hết chuyện. Người dân Đà Nẵng tự hào vì có một vị chủ tịch, bí thư như ổng. Ổng có nhiều giai thoại. Khen cũng cũng có mà chê cũng nhiều. Làm người sống ở giữa đời phải có khen có chê, chứ nếu chỉ chê là bỏ, còn chỉ khen cũng cần xem lại. Thường thì loại tròn như hòn bi lăn đâu cũng không làm mích lòng ai mới được tất tần tật đều khen. Ánh trăng rằm vằng vặc vô tư là cảm hứng của thi nhân, là niềm vui của trẻ em trần thế nhưng lại là nỗi muộn phiền của dân đạo chích. Nên Bá Thanh được khen và bị chê cũng là chuyện thường tình. Khen thì báo chí đã nhiều. Chê chỉ là giai thoại mồm người nọ qua miệng người kia. Mà nghĩ dân cũng gian, chế chuyện như thật. Rằng giờ giải lao họp quốc hội, ổng ra hành lang ngó nghiêng khoảng sân rộng trước tẩm lăng, có người đến hỏi, có chi mà ngắm kỹ rứa, ổng không trả lời mà hỏi lại theo đúng chất Quảng Nam. “Chừng ni phân ra cũng được mấy trăm lô, hỉ?”. Rồi người ta còn chế bài hát “Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi” của Phan Huỳnh Điểu thành “Trời của Thanh, đất của Thanh, con chim trên cành là của Tuấn Anh”. Tuấn Anh là chủ tịch thành phố lúc ấy, bây giờ là bộ trưởng văn thể du. Hình như chưa ép phê, người ta sửa lại: “Trời của Thanh, đất của Thanh, con chim trên cành cũng của Bá Thanh, con chim trong quần là của Tuấn Anh”. Ý chê trách là ổng ôm hết, không chừa ai cái gì và lão kia chỉ là bù nhìn. Với tầm đó, trước Bá Thanh không bù nhìn mới lạ. Tôi không biết sự tình, nghe sao kể vậy, chứ thực lòng cũng không tin. Ngay như cái việc mỗi lần điện qua văn phòng ủy ban đề nghị bổ sung giấy mời xem pháo hoa là y như rằng được nghe “Vụ ni anh Thanh ảnh duyệt từng cái một rồi, tụi tui không giải quyết được mô”. Bố khỉ, làm gì ba cái giấy mời mà đến mức bí thư phải duyệt từng cái một. Nói thế chẳng phải là xúc phạm cả một bộ máy tham mưu giúp việc của thành phố sao…

Nói đến độ sâu sát quần chúng, nhân dân, Bá Thanh là số một. Họp hội đồng nhân dân, có những vụ việc giám đốc sở không nắm nhưng ổng rõ từng nơi. Cơ quan tôi có cái cây trên vỉa hè chìa vô hàng rào, che mất cửa sổ nhìn ra cái “viu” rất đẹp của phòng làm việc sếp. Tôi được giao xử vụ này. Làm công văn qua sở xây dựng. Mấy ngày sau, công ty cây xanh xuống cắt, nhưng chỉ có một đoạn ngắn. Tôi muốn cắt dài thêm tý nữa cho thoáng, nên năn nỉ, em làm vô khúc nữa, nếu phát sinh chi phí anh bồi dưỡng riêng, nhưng chú công nhân thẳng thừng “ Không thêm được nữa anh ơi. Đường ni Bá Thanh hay đi làm, nhìn cái cây cụt ngủn không giống ai, ổng đuổi việc chứ không chơi đâu anh”. Nhìn vẻ mặt nghiêm trang của chú công nhân, tôi tin là chú ta sợ thật chứ không phải chê tiền. Kể chuyện này để thấy, ổng sâu sát đến mức nào, chứ không qua loa, đại khái, cưỡi ngựa xem hoa như các quan chức khác.

Bá Thanh là mẫu người dám nghĩ, dám làm dám đương đầu với dư luận. Ổng chính là người nghĩ ra lập đội thanh niên xung kích để giữ gìn trật tự đô thị. Lúc đầu người ta bảo như vậy là sai luật, sai nghị định này, quyết định kia… Ổng vẫn làm. Và hiệu quả thấy rõ. Đà Nẵng được văn minh, trật tự như bây giờ cũng một phần là nhờ đội thanh niên xung kích ngày đêm nhắc nhở mọi người dựng xe theo lằn, theo vạch, buôn bán vệ sinh, ngăn nắp. Giờ không còn đội thanh niên xung kích nữa nhưng thói quen dựng xe máy đúng vạch đã ăn vào nếp sinh hoạt đô thị của cư dân Đà Nẵng. Vừa rồi, đọc báo thấy Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mở trung tâm xã hội để bảo trợ người lang thang xin ăn. Chuyện này Đà Nẵng đã làm cả chục năm trước. Lúc ấy người ta cũng ì xèo rằng như vậy là vi phạm nhân quyền, là vi phạm quyền tự do lao động vân vân. Ổng vẫn quyết làm. Và kết quả là Đà Nẵng không còn người lang thang xin ăn làm mất vẻ mỹ quan, văn minh của một thành phố du lịch mà mới rồi được xếp vào hàng thu hút du khách bậc nhất châu Á. Ổng giải thích đơn giản, xin ăn là vì không có nhà ở, cơm ăn, áo mặc. Tui đưa vô đó cơm bưng tận miệng, nước rót tận mồm ngày đủ ba bữa. Áo quần tử tế, ốm đau có người chữa trị, rồi suốt ngày nằm coi ti vi. Sướng rứa hà cớ chi không chịu mà đòi đi lang thang xin ăn. Nói vậy là ổng biết chắc, ăn xin cũng có năm ba loại, loại ăn xin thiệt được vô trung tâm bảo trợ là mừng. Còn ăn xin dỏm, nghe nói trung tâm là chạy mất dép vì “ngỗng” này thu nhập vào loại khá, cả triệu bạc mỗi ngày. Có người ngày lê la xin tiền lẻ, tối tắm rửa thơm tho vô vũ trường em út. Ổng nắm thóp nên dám làm. Thấy hay, các địa phương khác giờ mới bắt chước. Rứa đó, hay chưa chắc được ủng hộ ngay.

Nhìn ổng lành lạnh, im im vậy chứ đối xử với cánh nhà báo cũng dễ chịu. Ai gặp khó khăn, kêu với ổng là ổng giúp. Thiếu chỗ ở, xin đất cũng không đến nỗi khó khăn. Nói là xin nhưng thực chất là mua giá nhà nước, chênh lệch thị trường có thời điểm cả tỷ đồng. Khai ra mang tiếng nói xấu đồng nghiệp nhưng nhiều người nhờ ổng mà khá, có nhà mặt tiền. Tôi thì không nhờ cậy được miếng đất nào nhưng nhờ ổng mà nhập được cái hộ khẩu. Từ Quảng Nam ra lại Đà Nẵng cả chục năm tôi vẫn chưa nhập hộ khẩu. Lúc lấy vợ sinh con thì đều địa phương khác chuyển đến. Khi con vào lớp một mới giật mình nhớ cái hộ khẩu. Nhờ ông bạn quen làm cảnh sát một chuyên về hộ khẩu thì mới biết mình thuộc diện khó nhập. Lão ta bày hết cách nọ đến cách kia vẫn không được. Nghĩ lão vòi nhậu, mời đi nhậu nhưng cũng không xong. Lẽ nào nhà báo lại phải chung tiền mới nhập được hộ khẩu nên huỵch toẹt, nếu Bá Thanh ký được không. Lão kia ồ lên “rứa thì còn chi bằng”. Thế là tôi tìm gặp ổng. Chờ cuộc họp báo thành phố kết thúc, tôi chìa đơn nói “anh ký em phát cho em nhập khẩu với”. Ổng đọc lướt, lấy bút phê “đồng ý nhập khẩu” rồi ký cái xoẹt. Tôi thở phào sung sướng. Mấy “nhà báo nhớn” chạy lại hỏi dồn “xin đất hả”. Tôi cười ra vẻ bí hiểm cho mấy lão tức chơi, rồi đi nhanh ra cửa, vẫn nghe tiếng xuýt xoa tiếc rẻ đằng sau. Đưa tờ đơn có chữ ký của ổng cho lão bạn, lão cầm lên trưởng phòng ký chuyển về quận. Thế là tôi thành công dân Đà Nẵng. Nếu không nhờ ổng không biết bao giờ mới được đi …bầu cử.

Một dạo người ta đồn ầm là ổng chuẩn bị ra làm bộ trưởng bộ đất đai, rồi sẽ làm phó thủ tướng. Kết thúc một cuộc tiếp xúc cử tri ở phường, được mời ở lại ăn cháo gà đêm với cán bộ phường, ổng được ông chủ tịch phường là lính cũ thời hợp tác xã xun xoe “mừng anh sắp ra làm phó thủ tướng”. Ổng không nói không rằng. Tôi buộc miệng phang luôn “anh ra làm thủ tướng thì ra, phó làm gì”. Cả bàn im re bà rè. Ổng nhìn tôi cười hự lên một tiếng khẽ. Đó là tôi nói thực lòng chứ chả nịnh bợ gì vì với tính cách quyết đoán, cách nghĩ, cách làm ấy, nếu trưởng thì giúp dân, giúp đời được nhiều. Chứ phó chỉ là kẻ giúp việc, ăn theo nói leo chứ có quyết được đâu. Biến sở trường là quyết đoán thành sở đoản là phụng mệnh thì cũng chỉ là hư danh, vinh thân phì gia chứ hay ho gì. Sau đận ấy, cũng ít nghe đồn thổi chuyện đi ở của ổng nữa …

Ngày xưa Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Thoại được dân địa phương lập miếu ghi thờ công trạng. Tôi đồ rằng Bá Thanh sau này cũng vậy. Dân vốn sòng phẳng, nghĩa tình. Bốn mươi năm giải phóng, Đà Nẵng qua nhiều đời chủ tịch, bí thư. Nhưng thử hỏi mấy ai làm được cho địa phương, cho người dân nhiều như ổng. Bá Thanh có câu nói thường được nhắc nhiều “có thi đâu mà biết nhất hay nhì”. Vì vậy tôi không dám chắc là ổng nhất nhưng hỏi dân xem họ nhớ ai. Nhớ ông bí thư lúc nào cũng cười lấy lòng đến nỗi cái miệng nhu ra thành tật không khép được môi chuyên đi đọc thơ hay ông trán hói béo phị nói không ra hơi. Dù hai ông kia được cất nhắc ngồi trên đầu thiên hạ và cả đầu ổng nữa.

Nhưng mà ổng cũng không phải tất cả đều hay. Nhân vốn vô thập toàn. Như vậy mới là người. Trong cuộc chơi với đồng chí tướng. Người ta chê ổng tàn nhẫn, người ta bất tỉnh còn cho khiêng ra tòa. Tôi không cho vậy là dở, khiêng ra tòa chỉ là bề ngoài phản cảm dễ nhận thấy. Cái dở nằm ở chỗ khác. Trong võ có đòn gọi là “đòn hy sinh”. Khi ra đòn này, đối thủ chết mà mình cũng không hy vọng sống. Người ta chỉ dùng nó khi ở thế cùng đường để bảo vệ danh dự. Ổng đường còn dài mà đã sớm dùng đòn hy sinh, kéo một ông tướng chễm chệ trên cao ra vành móng ngựa. Tướng kia thân bại danh liệt thì làm sao mà ổng có thể ngồi yên trong khi ông tướng kia đâu phải là không có dây mơ rễ má… Ổng làm được nhiều cho Đà Nẵng nhưng vô tình cũng tạo ra một đám kiêu binh ăn theo danh tiếng, uy quyền. Những lọ những kiểng và cái đám vác tráp theo hầu đôi khi làm cho nhiễu sự. Ngay cả giám đốc sở cũng chả dám trái lời đám ấy. Đành rằng một họ làm quan nhưng đừng thái quá cũng đừng bất cập, nếu được như vậy sẽ tốt biết bao. Nhiều khi một ổ mối cũng phá hỏng một con đê. Nhiều lần ổng cũng nhắc nhở, cảnh cáo đám kiêu binh song không có giải pháp rốt ráo nên nó như con rầy nâu nhỏ xíu cũng hại được mùa màng. Nhưng tôi tin rằng, trước sau thì đám ấy cũng sẽ thê thảm vì đã là loài ký sinh, một khi vật chủ không còn thì làm sao mà tác oai tác quái …

Tôi viết những dòng này về Bá Thanh bằng tất cả sự tôn trọng và ngưỡng mộ ổng. Sẽ có người thắc mắc vì sao dám gọi cụt ngủn Bá Thanh mà không kèm danh xưng ông, ngài. Xin thưa, với người dân Đà Nẵng, Bá Thanh là người nhà, là anh, là bạn nên gọi vậy cho chân tình, thân mật nhưng cũng không kém phần tôn trọng, kính nể. Không như với nhiều quan chức khác, trước mặt họ gọi bằng ông, chưa kịp quay lưng đã gọi bằng thằng: “thằng bí thư, thằng chủ tịch”.

Nguồn: Nhà báo Nguyễn Khánh Hiền (VTV Đà Nẵng)