Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

TUẦN TRA BIỂN KHỐNG, RÚT RUỘT NHÀ NƯỚC HÀNG TỈ ĐỒNG: 6 CÁN BỘ LIÊN QUAN SẼ BỊ XỬ LÝ

Tuần tra biển khống, “rút ruột” Nhà nước hàng tỉ đồng: 6 cán bộ liên quan sẽ bị xử lý


(LĐ) Xuân Hải

Đại tá Nguyễn Hòa Văn - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng. Ảnh: Xuân Hải

Liên quan đến loạt bài: “Quảng Trị: Tuần tra biển khống, “rút ruột” Nhà nước hàng tỉ đồng”, trao đổi với báo Lao Động chiều 15.7, đại tá Nguyễn Hòa Văn - Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) cho biết: Quan điểm của Bộ Tư lệnh BĐBP là sẽ xử nghiêm các cá nhân vi phạm.

Sẽ xử lý nghiêm

Đại tá Nguyễn Hòa Văn, cho biết: Ngay sau khi nhận được đơn thư phản ánh về những sai phạm của Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Trị Nguyễn Trọng Tiềng và Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Khánh, tháng 12.2014, Bộ Tư lệnh BĐBP đã thành lập đoàn kiểm tra và phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Trị cùng tham gia.

Đến ngày 20.5.2015, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh BĐBP đã họp phiên cuối cho ý kiến kết luận cuối cùng: Phải thu hồi số tiền hơn 1,8 tỉ đồng của 11 kế hoạch đã lập khống để thu vào ngân sách nhà nước, trong số này có hơn 800 triệu đồng chi tiêu hợp lý được quyết toán, còn lại 1,1 tỉ đồng phải thu hồi; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị phải trả lại số tiền bảo vệ rừng cho 2 đồn biên phòng Ba Lin và Sa Trầm với số tiền 420 triệu đồng tiền giữ rừng của BĐBP theo kế hoạch.

Về hành chính, hiện Bộ Tư lệnh đang chờ quyết định của Tỉnh ủy Quảng Trị xử lý về mặt Đảng đối với trách nhiệm của Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Trị Nguyễn Trọng Tiềng và Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Khánh.

Bộ Tư lệnh BĐBP, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ lấy đó để xem xét xử lý về mặt chính quyền đối với các cá nhân sai phạm. Đại tá Hòa nói sẽ xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân đối với 6 đồng chí. Cụ thể gồm, Chỉ huy trưởng, Chính ủy, Phó Chỉ huy trưởng tham mưu trưởng, chủ nhiệm hậu cần, trưởng ban tài chính và chỉ huy của hải đội. Quan điểm của Bộ Tư lệnh là vụ việc tương đối nghiêm trọng cho nên phải xử lý nghiêm.

Nghỉ hưu rồi cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

Thưa ông, có ý kiến cho rằng vụ việc lập hồ sơ khống để “rút ruột” Nhà nước tiền dầu, giữ lại tiền giữ rừng của đồn biên phòng có dấu hiệu tham ô, tham nhũng cần phải khởi tố vụ án để điều tra?

- Việc tham ô thì cũng chưa thấy rõ, nhưng có việc cố ý làm sai nguyên tắc, chế độ quy định của Nhà nước, anh quyết toán khống để lấy tiền mà lấy tiền chi tiêu cho tập thể thì đó cũng là một lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không được phép cũng có nghĩa là vi phạm pháp luật rồi, nhưng vì đã được phát hiện, kiểm tra, xử lý và xác nhận trách nhiệm, hậu quả đã được khắc phục, thu tiền về cho Nhà nước chứ không phải tư lợi cá nhân.

Việc vi phạm của ông Nguyễn Trọng Tiềng - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Trị đã được Bộ Tư lệnh xác định là nghiêm trọng tại sao không xử lý nghiêm hơn mà lại chờ cho ông Tiềng về nghỉ hưu?

- Do ông Tiềng theo quy định cũng đã đến tuổi nghỉ hưu, đây là sự trùng lặp vô tình chứ không phải vì để xảy ra sự việc như vậy nên cho ông Tiềng nghỉ hưu.

Qua sự việc này, dư luận trông chờ vào việc xử lý nghiêm khắc của Bộ Tư lệnh đối với những cá nhân có sai phạm, ý kiến của ông về việc này như thế nào?

- Thực ra việc đã rõ rồi, nhưng hiện nay chúng tôi vẫn phải chờ kết luận của Tỉnh ủy Quảng Trị, quan điểm Tỉnh ủy như thế nào.

Nếu phải đem ra trước pháp luật thì dù anh có nghỉ hưu rồi cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu phải đưa ra truy xét thì thật là đau xót.

Quan điểm của chúng tôi là sẽ xử lý nghiêm, chứ không phải có sự bao che gì ở đây cả.

Vụ việc xảy ra từ năm 2013, nhưng đến cuối năm 2014 phải chờ có thư tố cáo, Bộ Tư lệnh mới phát hiện ra, như vậy việc giám sát có vấn đề?

- Bộ Tư lệnh 6 tháng kiểm tra/ lần, còn nếu đơn vị trọng điểm thì 3 tháng kiểm tra/ lần, có những lúc kiểm tra toàn diện có những lúc kiểm tra theo chuyên đề và để chấn chỉnh.

Thế còn về sự việc này nhiều khi kiểm tra cũng không hết được. Vụ việc này ngay cả phòng tài chính ở đây khi người ta duyệt quyết toán thấy hồ sơ được ký tá đầy đủ từ trên xuống dưới nên người ta không để ý, cho nên khi có dấu hiệu, phản ánh thì Bộ Tư lệnh mới vào cuộc được.

Sau việc này Bộ Tư lệnh BĐBP rút ra kinh nghiệm gì?

- Qua vụ việc báo Lao Động nêu, Bộ Tư lệnh thấy rằng bên cạnh việc cần có biện pháp kiểm tra, giám sát từ cấp trên cũng phải có cơ chế kiểm tra giám sát tại chỗ để thường xuyên phát hiện ra những tiêu cực, những vụ việc cấp dưới làm sai để chấn chỉnh kịp thời.

Nguồn: Báo Lao Động

Tin Không còn nóng: A PHỦ ĐÃ CHUYỂN GIỚI

U hụ hụ... U hụ hụ.. Đkm.. A Phủ bị chuyển giới từ khi nào vậy? Các quan anh? A Phủ trở thành phụ nữ đi làm dâu từ khi nào vậy? Biết chuyện này chắc Cụ Tô Hoài chỉ còn nước uất ức đấm ngực mà chết thêm lần nữa. Bởi vì nhân vật A Phủ kinh điển của ông đã bị hậu sinh mang đi chuyển giới...
Đó không phải là tin vịt. mà được xác nhận trong SGK Ngữ văn 12 - tập 2.. Đây là bộ sgk được hội đồng biên soạn gồm 15 tác giả. Tất nhiên những cô thợ biên làng nhàng tuổi gì mà được đứng tên biên soạn trong cuốn sgk đó. Dĩ nhiên phải là những cây đa cây đề trong giới về chuyên môn, chuyên ngành. Nên cái sự chuyển giới này không phải là kiến thức mà là do cẩu thả. Nhưng điều đáng nói ở đây là sách được tái bản đến tận 7 lần. A Phủ vẫn cứ đi làm dâu cho nhà Thống Lý Pá Tra.

Bữa cũng có chuyện tương tự, câu chuyện về bài thơ "Thương Ông" của Nhà thơ Tú Mỡ người ta đã thêm, rồi bớt để cho nó vẻ như là đổi mới. Rồi đến bài thơ Quê Hương của Nhà thơ Đỗ Trung Quân thì lại dị bản một cách đáng ghê sợ "Quê hương là con diều biếc/ Tuổi thơ con thả trên đồng.. lại thành ra "Quê hương là cánh diều biếc// Chiều chiều con thả trên đồng" ..

Gợm hẵng kể tiếp, để Chị chửi thề phát cho đỡ ức.. Đkm... bỏn.. thay đủi thế à? Đổi mới thế à? Chị bỏ đi dư con điên trong trạng thái vô cùng buồn thảm, nhẽ Chị cứ buồn muôn thuở.

Chị Chũm

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

BỐ TRÍ ĐẤT TRÁI QUY ĐỊNH CHO CON BÍ THƯ THÀNH ỦY ĐÀ NẴNG

Bố trí đất trái quy định cho con bí thư Thành ủy Đà Nẵng 

TT - Dư luận Đà Nẵng lại tiếp tục xôn xao với việc bà Trần Thị Yến Minh (con gái Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ) được quá ưu ái trong bố trí tái định cư.

Vị trí đất “vàng” ở đường Phan Bội Châu mà bà Trần Thị Yến Minh được bố trí - Ảnh: HỮU KHÁ

Trước đó, dư luận còn chưa lắng xuống với vụ ông Nguyễn Ngôn (nguyên trưởng Ban dự án tái định cư Đà Nẵng, phó văn phòng Sở Xây dựng Đà Nẵng) tự ý bố trí đất tái định cư cho vợ thì lại tiếp tục nổi lên vụ việc gây bức xúc này.

Câu chuyện ưu ái này diễn ra như thế nào?

Từ 2 lô bố trí thành 4 lô

Theo hồ sơ, ngày 17-6-2003, bà Phan Thị Thanh Tiền được UBND H.Hòa Vang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 660m2 (trong đó 100m2 đất ở, còn lại là đất vườn) tại xã Hòa Phát, H.Hòa Vang cũ (nay là tổ 16, P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ).

Ngay sau đó, bà Tiền cắt chuyển nhượng 400m2 đất cho con gái mình là Trần Thị Yến Minh. Ngày 24-6-2003, chỉ một tuần sau đó, UBND H.Hòa Vang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Yến Minh với diện tích 400m2 đất ở.

Ngày 28-10-2010, để phục vụ xây dựng khu tái định cư Phước Lý (P.Hòa An), UBND Q.Cẩm Lệ ra quyết định thu hồi đất của nhiều hộ dân, trong đó có bà Thanh Tiền và bà Yến Minh. Đơn vị chịu trách nhiệm đền bù giải tỏa là Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng Đà Nẵng (gọi tắt là Ban 1).

Ban đầu phương án bố trí đất mà UBND TP Đà Nẵng đưa ra đối với hộ bà Thanh Tiền là một lô tái định cư (dành cho hộ chính) mặt đường 7,5m ở khu dân cư Phước Lý. Riêng hộ bà Yến Minh được bố trí một lô đất tái định cư (hộ chính) tại đường 10,5m ở khu dân cư Phước Lý.

Tuy nhiên, sau đó các hộ này có kiến nghị nên lãnh đạo TP Đà Nẵng ra quyết định phê duyệt bổ sung, gộp hai hồ sơ giải tỏa của bà Thanh Tiền và bà Yến Minh để bố trí thành bốn lô đất (mỗi lô 100m2) hộ chính đường 7,5m ở khu tái định cư Phước Lý.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Văn Khoa, phó chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ (phụ trách hội đồng giải phóng mặt bằng dự án tái định cư Phước Lý), nói việc giải tỏa thu hồi 660m2 đất sau đó bố trí bốn lô theo diện hộ chính đường 7,5m là không đúng quy định, không đủ tiêu chuẩn.

“Không đúng, có cái chi đây nữa đây, chứ vậy là không đúng. Để tôi kiểm tra lại hồ sơ coi thử, tôi nghĩ là nhầm thôi” - ông Khoa nói.

Biến đất ven đô 
thành đất “vàng”

Chưa dừng lại ở mức đó, ngày 8-2-2014, UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định về việc giải quyết bố trí tái định cư của hộ bà Trần Thị Yến Minh vốn đã được bố trí tại khu tái định cư Phước Lý.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng đồng ý cho hộ bà Yến Minh đổi hai lô đất hộ chính đường 7,5 m thuộc khu tái định cư Phước Lý (Q.Cẩm Lệ) lấy hai lô hộ chính đường 9m (đường Phan Bội Châu) thuộc khu tái định cư góc ngã ba đường Trần Quý Cáp - Phan Bội Châu (P.Thạch Thang, Q.Hải Châu).

Ngay sau khi có quyết định này, ngày 24-2-2014, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng Nguyễn Điểu cấp hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm lô số 15B2.1 rộng 96,6m2 và lô số 16B2.1 rộng 94,5m2.

Tất cả đều nằm tại khu tái định cư góc đường Trần Quý Cáp - Phan Bội Châu và đều mang tên Trần Thị Yến Minh.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện giá đất thị trường ở tại khu dân cư góc đường Trần Quý Cáp - Phan Bội Châu không dưới 40 triệu đồng/m2.

Như vậy chỉ với việc chuyển đổi vị trí đất từ ngoại ô vào vị trí trung tâm TP, bà Yến Minh bỏ túi hàng tỉ đồng, đó là chưa kể vẫn còn nguyên hai lô đất khác ở khu tái định cư Phước Lý.

Trả lời câu hỏi: “Giải tỏa ở khu Phước Lý (P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ) nhưng bố trí tái định cư về Q.Hải Châu có sai quy định không?”. Ông Khoa nói: “Sai, không được, không bao giờ được. Phước Lý chỉ nằm ở Phước Lý, chứ không thể đi đâu hết, theo quy định là gần vị trí đó chứ không thể đi xa được”.

Ông Khoa cho biết hiện giá đất thị trường tại khu tái định cư Phước Lý chỉ dao động khoảng 400 triệu đồng/lô 100m2.

Ông Khoa khẳng định theo quy định của TP Đà Nẵng, tất cả hộ dân giải tỏa ở khu Phước Lý đều được bố trí tái định cư tại chỗ. Hộ dân có đất giải tỏa ở quận nào thì được bố trí tái định cư ở quận đó.

“Trong phương án bố trí tái định cư, việc hộ dân được bố trí đất tái định cư ở đâu đều có trong phương án, có địa điểm rõ ràng. Hội đồng giải phóng mặt bằng không có thẩm quyền bố trí ở vị trí khác” - ông Khoa nói.

Ông Nguyễn Văn Tiến, trưởng Ban 1, cho biết toàn bộ quỹ đất (10 lô) tại ngã ba đường Phan Bội Châu - Trần Quý Cáp đều dành để bố trí cho các hộ giải tỏa thuộc dự án sân vận động Chi Lăng.

Ông Tiến cho biết đến thời điểm này còn khoảng 30 hộ dân ở dự án sân vận động Chi Lăng chưa nhận đất tái định cư vì nhiều lý do, trong đó có lý do dân không muốn nhận đất xa vị trí giải tỏa.

Đến thời điểm này ở đây có tổng cộng năm lô đất được bố trí (trong đó có hai lô của bà Minh), sáu lô còn lại đã có quyết định của chủ tịch TP nhưng chưa nhận đất thực tế, bảy lô còn lại còn trống chưa có chủ.

ĐĂNG NAM - HỮU KHÁ

Phản đối hành động của Trung Quốc ngăn cản ngư dân Việt Nam

Phản đối hành động của Trung Quốc ngăn cản ngư dân Việt Nam

VIẾT THỊNH 

(PL)- Ngày 16-7, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam (VN), người phát ngôn Bộ Ngoại giao - ông Lê Hải Bình bày tỏ sự phản ứng mạnh mẽ liên quan đến các hành động của tàu Trung Quốc (TQ) ngăn cản ngư dân VN hoạt động bình thường tại vùng biển Hoàng Sa.

“Trong thời gian qua có một số thông tin trên báo chí về việc tàu cá VN bị tàu TQ đâm chìm ở khu vực vùng biển Hoàng Sa. Ngay khi có những thông tin này các cơ quan chức năng của VN đã tích cực xác minh nhằm có cơ sở phục vụ cho việc đấu tranh về ngoại giao. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định rằng vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa là vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN và vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân VN từ lâu nay” - ông Bình nói. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ mọi hành động ngăn cản ngư dân VN hoạt động làm ăn bình thường trên ngư trường truyền thống của mình”.

Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về biện pháp nhằm bảo đảm an toàn của ngư dân trong vùng biển chủ quyền, ông Lê Hải Bình cho biết các cơ quan chức năng của VN cũng đã tăng cường các biện pháp để đảm bảo quyền lợi cũng như hoạt động bình thường của ngư dân VN tại các ngư trường truyền thống của mình.

Bình luận về thông tin TQ kêu gọi Philippines dừng vụ kiện quốc tế và tiến hành đàm phán riêng với nước này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay: “Quan điểm nhất quán của VN là mọi tranh chấp ở biển Đông đều phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc và Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông DOC”.

Trả lời câu hỏi của PV về việc Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật an ninh mới, trong đó cho phép quân đội nước này điều tàu quân sự đến biển Đông, ông Lê Hải Bình nêu quan điểm: “Chúng tôi quan tâm đến thông tin này và hy vọng là một nước lớn ở khu vực, Nhật Bản sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng, duy trì hòa bình ổn định hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như trong khu vực”.

VIẾT THỊNH

Facebook và báo chí



Facebook và báo chí

Ông không chỉ đọc và “like” các dòng “trạng thái” của bạn bè mà còn đọc những tin tức thời sự được bạn bè chia sẻ với ông hoặc được Facebook lọc ra từ các tờ báo mạng.Mỗi buổi sáng, công việc đầu tiên của ông X. – một nhà quản lý doanh nghiệp – là đăng nhập tài khoản Facebook rồi trong lúc vừa nhấm nháp ly cà phê vừa “duyệt tin” trên chiếc điện thoại di động.

Ông không chỉ đọc và “like” các dòng “trạng thái” của bạn bè mà còn đọc những tin tức thời sự được bạn bè chia sẻ với ông hoặc được Facebook lọc ra từ các tờ báo mạng.

Bằng cách này, khi ngày làm việc bắt đầu, ông X. đã có được những thông tin thời sự cần thiết mà không phải mua báo như trước. Ông không nhớ bao lâu rồi ông không còn đụng tới tờ báo mới ra còn thơm mùi mực in dù có thời tờ báo là “món điểm tâm” thân thiết của ông, không có không được.

Ông X. chỉ là một trong hàng triệu người trên hành tinh này có thói quen đọc tin qua Facebook, mọi lúc mọi nơi, bằng máy điện thoại di động. Báo The New York Times dẫn kết quả khảo sát của Pew Research Center (Mỹ) cho biết có 30% số người trưởng thành ở Mỹ tiếp nhận tin tức qua Facebook, còn số liệu của SimpleReach – một công ty nghiên cứu khác, cho biết với 1,3 tỉ người dùng, Facebook là nguồn dẫn khoảng 20% số người đọc đến trang tin tức của các tờ báo và tạp chí, còn nếu tính số người đọc báo bằng thiết bị di động thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều và đang tiếp tục tăng mạnh.

Từ báo in đến Facebook cách đọc báo đang thay đổi. Người dùng Facebook không chỉ nhận tin tức một cách thụ động từ bạn bè mà còn chủ động chia sẻ với cộng đồng những tin tức mà họ cho là thú vị, từ một bài viết về một cách chữa bệnh, chăm sóc trẻ em hay tin tức về những biến cố lớn trong dòng thời sự. Ngoài ra, Facebook còn “lựa chọn” giúp cho người đọc những tin tức mà có thể họ quan tâm dựa trên lịch sử đọc và “like” của người đó.

Trước Facebook, nhiều dịch vụ tin tức trực tuyến khác như Google News cũng giúp người đọc chọn tin tức theo sở thích và mối quan tâm cá nhân, nhưng phải đến Facebook thì tính tương tác trong tiếp nhận và chia sẻ tin tức trong cộng đồng mới được hiện thực hóa một cách trọn vẹn và hấp dẫn.

“Facebook đang ở trên tuyến đầu của một sự thay đổi có tính nền tảng về cách mà con người tiếp cận báo chí.

Giờ đây phần lớn độc giả đến với báo chí không phải qua bản in của các báo và tạp chí hoặc qua trang chủ của báo điện tử mà qua mạng xã hội và dịch vụ tìm kiếm vận hành nhờ các thuật toán – những công thức toán học có thể dự báo người đọc muốn đọc cái gì”, tờ The New York Times nhận định.

Thay đổi cách tiếp nhận tin tức của người đọc đang tác động mạnh đến báo chí, buộc người làm báo phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới. Trước tiên, các tòa soạn quan tâm nhiều hơn tới từng bài báo thay vì tới toàn số báo (với báo in) hoặc tới trang chủ (với báo điện tử) như trước. Cory Haik, biên tập viên cao cấp trang điện tử của báo The Washington Post, nhận xét: “Người đọc không còn truy cập địa chỉ washingtonpost.com để đọc báo nữa mà họ đọc từng bài có trong kết quả tìm kiếm hoặc được chia sẻ trên mạng xã hội”. Ông Edward Kim – nhà sáng lập Công ty SimpleReach đánh giá các trang chủ (homepage) chỉ như là công cụ quảng cáo thương hiệu chứ không còn là “điểm đến” của người đọc như trước.

Cách viết báo cũng phải thay đổi cho phù hợp với phương tiện truyền tải mới là điện thoại di động và máy tính bảng. Những bài phân tích dài vài ba ngàn chữ dần dần bị thất thế so với những tin ngắn vài trăm chữ kèm theo các biểu đồ và hình ảnh bắt mắt.

Vai trò “bộ lọc tin tức” của các biên tập viên, chủ bút – những người quyết định nên đăng hoặc không đăng những tin bài nào đó – cũng bị giảm nhẹ so với trước kia. Thật ra, quyền chọn lựa và xuất bản tin tức vẫn thuộc về các nhà báo nhưng tin tức đó có được lan truyền rộng rãi trong xã hội, có tạo thành dư luận hay không bây giờ phụ thuộc rất nhiều vào Facebook và các mạng xã hội. Những bài báo hay, xuất sắc nhưng nếu không được chia sẻ trên mạng xã hội thì cũng chỉ đến được một số lượng người đọc khiêm tốn.

Và thế là hình thành mối quan hệ hợp tác mật thiết giữa các cơ quan báo chí và mạng xã hội, quan hệ mà các nhà lãnh đạo Facebook cho là đôi bên cùng có lợi: Facebook trở thành kênh truyền tải tin tức chính của xã hội, còn các tòa soạn báo thông qua Facebook mà thu hút người đọc, tăng lượng “view”, từ đó tăng doanh số quảng cáo và tăng lượng người đọc đăng ký mua báo dài hạn. Nhiều tòa soạn báo, kể cả các báo lớn như The New York Times, The Washington Post… vẫn thường xuyên làm việc với các kỹ sư của Facebook để thảo luận cách thức nâng cao lượng truy cập báo từ mạng xã hội.

Sự thay đổi lớn nhất có lẽ là với Facebook, nghề báo đã bắt đầu được “xã hội hóa”, theo nghĩa mọi người đều có thể góp phần tạo ra và phổ biến tin tức trong cộng đồng; báo chí không còn là lãnh địa riêng của các nhà báo. Sự thay đổi này mang lại cơ hội nhưng cũng là một thách thức lớn cho báo chí nói chung và cho các nhà báo nói riêng!

Theo Huỳnh Hoa/TBKTSG

Quan hệ với Mỹ trở thành một mô hình cho Việt Nam

Quan hệ với Mỹ trở thành một "mô hình" cho Việt Nam

(GDVN) - Người Việt xem quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ như "trụ cột chính" để tiến đến một tương lai tươi sáng hơn, Mỹ là một đối tác đáng tin cậy nhất.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.

Mỹ trở thành một "mô hình" cho Việt Nam

Đó là bình luận của Tiến sĩ Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông trên tạp chí Nezavisimaya Gazeta ngày 14/7. Tiến sĩ Vladimir Mazyrin cho rằng chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa lịch sử, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác song phương.

Trên thực tế chuyến thăm này là bước tiến mới hướng đến sự công nhận tính chất "chiến lược" của quan hệ Việt - Mỹ mà hiện nay Việt Nam chỉ mới có với Nga và Trung Quốc, ông Mazyrin nhận định.

Trong một số lĩnh vực quan trọng, chuyến thăm cho thấy sự trùng hợp về lợi ích chiến lược của Việt Nam và Hoa Kỳ. Xét về mặt địa chính trị, người Việt muốn tìm kiếm đối trọng với sự gia tăng các hoạt động theo đuổi yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Hoa Kỳ hỗ trợ điều này, còn Việt Nam cũng muốn đa dạng hóa nguồn vốn và nguồn cung cấp vũ khí, khoa học công nghệ để đảm bảo khả năng "tự do cơ động ngoại giao chiến lược" cho mình.

Tiến sĩ Vladimir Mazyrin cho rằng, trong lĩnh vực kinh tế Nga đang chứng kiến không chỉ sự trùng hợp lợi ích giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà còn thấy sự chuyển đổi trong động cơ chủ yếu của Hoa Kỳ là nhằm thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, ngăn chặn sự mất cân bằng ngày càng nguy hiểm trong cán cân thương mại Việt - Trung.

Đã 10 năm qua, Hoa Kỳ trở thành thị trường lớn của hàng hóa Việt Nam, chiếm khoảng 20% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ năm 2006 đã đạt mức 36 tỉ USD, cao gấp 10 lần so với kim ngạch thương mại Nga - Việt.

Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 7 trong nền kinh tế Việt Nam với 11 tỉ USD đăng ký cho 725 dự án. Việt Nam đang phấn đấu để trở thành thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mặc dù các yêu cầu đặt ra bởi Washington nghiêm ngặt hơn nhiều so với các điều khoản khi Việt Nam tham gia WTO.

Nỗ lực của Mỹ để tăng cường ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong 20 năm qua không hề dễ dàng. Nó cho thấy có một sự biến đổi về mặt nhận thức trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, đặc biệt là trong 20 năm qua.

Kết quả thăm dò dư luận của Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á vừa qua cho thấy, người Việt xem quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ như "trụ cột chính" để tiến đến một tương lai tươi sáng hơn, Mỹ là một đối tác đáng tin cậy nhất. Người Việt cũng hoan nghênh sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ ở châu Á, ông Mazyrin cho biết.

Tiến sĩ Vladimir Mazyrin. Ảnh: Gazeta.ru.

Tiến sĩ Mazyrin cho rằng, mặc dù kết quả thăm dò còn phụ thuộc vào người thăm dò là ai, vì mục đích gì và đối tượng thăm dò được chọn. Nhưng công cuộc Đổi mới của Việt Nam mấy chục năm qua đã khiến quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam bao gồm hợp tác Việt - Mỹ đã dẫn đến một sự cải thiện đáng kể chất lượng đời sống của người Việt.

Các nước lớn tranh giành ảnh hưởng trong quan hệ với Việt Nam

Hãng thông tấn Itar Tass ngày 10/7 dẫn lời các chuyên gia Nga cho rằng, việc tăng cường quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam là nhằm mục đích kiềm chế (dã tâm bành trướng trên Biển Đông từ phía) Trung Quốc. Việc Việt Nam chuyển hướng chính sách đối ngoại và quốc phòng trong chiến lược tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ cũng như nỗ lực tham gia TPP đã "gây trở ngại" cho quan hệ gần gũi hơn với Moscow và Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Thiếu tướng Pavel Zolotaryov, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ - Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Nga nói với Itar Tass: "Mỹ đang liên tục phấn đấu để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga trong khu vực. Trong khi đó Việt Nam đang vận động tìm kiếm lợi thế trong lĩnh vực an ninh và thương mại từ mối quan hệ với Mỹ cũng như trong hợp tác với Nga."

"Tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn do các hoạt động xây dựng, bồi lấp đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Biển Đông. Các nước trong khu vực đã bị kéo vào một cuộc cạnh tranh địa chính trị căng thẳng để có thể kiểm soát các đảo, bãi đá, rặng san hô ở Biển Đông", tướng Zolotaryov bình luận.

Học giả này cho rằng: "Các nước khác trong khu vực như Philippines, Brunei và Indonesia cũng đều sợ việc Trung Quốc triển khai tên lửa tại các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) này. Do đó Việt Nam có thể cố gắng tìm cách bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia của mình thông qua sự giúp đỡ của Washington, đồng thời theo đuổi một chính sách đối ngoại đa phương".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.

Victor Kremenyuk, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ - Canada, một đồng nghiệp của tướng Zolotaryov nói với Itar Tass, chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy ý định của Mỹ muốn thuyết phục Hà Nội rằng, Hoa Kỳ không còn là một quốc gia thù địch của Việt Nam mà là một đối tác thân thiện.

"Mỹ đang cố gắng ngăn cản các nỗ lực của Trung Quốc buộc Việt Nam lệ thuộc vào Bắc Kinh. Một số quan điểm ở Việt Nam muốn tập trung phát triển quan hệ với Washington, trong khi một số khác vẫn muốn tập trung vào quan hệ với Trung Quốc và Nga", ông Kremenyuk nói.

"Nhiệm vụ lớn hơn của Washington là xây dựng một liên minh các quốc gia không phụ thuộc vào Trung Quốc ở Đông Nam Á, nhưng vẫn có quan hệ với Bắc Kinh. Cụ thể bao gồm Việt Nam, Philippines và Đài Loan, các đối tác này có thể giúp Mỹ tương tác với Trung Quốc mà không dẫn đến đối đầu.

Tuy nhiên Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn là đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Hạm đội 7 triển khai ở Tây Thái Bình Dương và một phần Đông Ấn Độ Dương cũng là một công cụ quan trọng, yếu tố ảnh hưởng số một trong khu vực", ông Kremenyuk kết luận.

Xoay quanh vấn đề này, học giả Anton Tsvetov từ Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga (RIAC) ngày 14/7 bình luận trên The Diplomat: Khi nói về mối quan hệ Mỹ - Việt đang phát triển, Trung Quốc luôn là yếu tố không thể bỏ qua. Sự năng động của quan hệ Việt - Mỹ ở một mức độ lớn được xác định bởi các hoạt động (bành trướng) của Bắc Kinh ở châu Á - Thái Bình Dương.

Chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực không thể bỏ qua vai trò trung tâm của Việt Nam. Ngược lại, quan hệ tốt với Mỹ là rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam chống lại sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, Tsvetov bình luận.

HỒNG THỦY

Google Map loại bỏ "TAM SA" khỏi vị trí quần đảo Hoàng Sa

Google Maps bỏ “Tam Sa” khỏi vị trí quần đảo Hoàng Sa

TT - Sau khi loại bỏ cái tên Trung Quốc dùng để chỉ bãi cạn Scarborough của Philippines, mới đây Hãng Google cũng ngừng sử dụng tên “Tam Sa” mà Bắc Kinh dùng chỉ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hình ảnh tòa nhà của Trung Quốc tại nơi gọi là TP Tam Sa chiếm đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tên gọi này không được công nhận - Ảnh: AFP

Trên ứng dụng Google Maps, cái tên “Sansha” (Tam Sa) bất hợp pháp đã không còn xuất hiện ở vị trí của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thay vào đó là “Paracels Islands”, tên quốc tế của quần đảo Hoàng Sa.

Trả lời Tuổi Trẻ, bà Amy Kunrojpanya - giám đốc truyền thông và đối ngoại, Việt Nam, Thái Lan và các thị trường mới nổi, thuộc Google châu Á - Thái Bình Dương - cho biết Google đã cập nhật Google Maps để khắc phục vấn đề tên gọi.

“Chúng tôi có một chính sách lâu dài áp dụng trên phạm vi toàn cầu về việc mô tả các khu vực tranh chấp, trong đó không có sự xác nhận hay khẳng định vị trí là thuộc quốc gia hay vùng lãnh thổ nào” - bà Kunrojpanya giải thích.

Trước đó, Google Maps cũng đã ngừng sử dụng cái tên “Hoàng Nham” để chỉ bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, được Manila gọi là Panatag hoặc Bajo de Masinloc và dùng tên quốc tế Scarborough.

Trung Quốc mô tả bãi Scarborough là một phần của “quần đảo Trung Sa” (Zhongsha) và Google Maps đã ngừng sử dụng cái tên này. Khi bỏ cái tên “Hoàng Nham”, Google Philippines thừa nhận: “Chúng tôi hiểu rằng các cái tên địa lý có thể dẫn tới những cảm xúc mãnh liệt.

Đó là lý do chúng tôi nhanh chóng sửa chữa ngay sau khi được thông báo”. Google Philippines cũng cho biết cách tốt nhất để đưa ra kiến nghị về các tên gọi trên Google Maps là liên hệ trực tiếp với trang Trợ giúp của ứng dụng bản đồ này.

Trước đó, hàng ngàn người Philippines đã ký vào bản kiến nghị trên trang Change.org để kêu gọi Google Maps loại bỏ cái tên “Hoàng Nham”. Đại diện Change.org, bà Christine Roque nhận định việc Google Maps thay đổi tên gọi cho thấy sự đồng lòng của cộng đồng mạng có thể tạo ra sự thay đổi.

“Đó là quyền lực của nhiều người đồng lòng, thống nhất với nhau vì một mục đích chung” - bà Roque nhấn mạnh.

Hiện trên trang Change.org cũng có một bản kiến nghị thay đổi cái tên biển Nam Trung Hoa (South China Sea) mà cộng đồng quốc tế dùng để gọi Biển Đông (theo cách gọi của Việt Nam) thành “biển Đông Nam Á”.

Kiến nghị gửi tới Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế và chính quyền các nước Đông Nam Á đã thu hút hơn 10.000 chữ ký từ người dân 76 quốc gia trên thế giới. Trước đó chính phủ, truyền thông và người dân Philippines đã chọn cái tên “biển Tây Philippines” để thay cho tên “biển Nam Trung Hoa”.

Nhiều học giả quốc tế cũng lên tiếng ủng hộ việc thay đổi tên “biển Nam Trung Hoa” thành “biển Đông Nam Á”.

Học giả Yang Razali Kassim, Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam (RSIS, thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore), cho rằng cái tên “biển Đông Nam Á” là hoàn toàn phù hợp với vị trí địa lý của Biển Đông và đây là thời điểm phù hợp để đổi tên.

Philippines mở lại căn cứ quân sự vịnh Subic

Hôm qua, Hãng tin Reuters cho biết giới chức Philippines quyết định đưa máy bay chiến đấu và hai tàu khu trục đến vịnh Subic vào năm 2016. Đây là lần đầu tiên khu vịnh này - vốn là căn cứ quân sự cho Mỹ thuê - được Manila sử dụng như một căn cứ quân sự trong 23 năm qua.

Giới chuyên gia an ninh nhận định việc sử dụng vịnh Subic cho phép không quân và hải quân Philippines phản ứng hiệu quả hơn trước những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cảng nước sâu ở vịnh Subic nằm trên mạn phía tây của đảo Luzon, hòn đảo chính của Philippines và đối diện Biển Đông.

“Giá trị của Subic là một căn cứ quân sự đã được Mỹ chứng minh. Các nhà hoạch định quốc phòng Trung Quốc đều biết chuyện này” - chuyên gia an ninh của Philippines Rommel Banlaoi cho biết.

Là một trong những cơ sở hải quân lớn nhất của Mỹ trên thế giới, vịnh Subic đã đóng cửa năm 1992 sau khi Thượng viện Philippines chấm dứt thỏa thuận cơ bản với Washington.

Hồi tháng 5-2015, Bộ Quốc phòng Philippines đã ký văn bản thuê lại một phần vịnh Subic phục vụ cho nhu cầu quân sự của nước này. Vịnh Subic đối diện Biển Đông và chỉ cách bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép khoảng 270km.

Giới chức Philippines cho biết một khi vịnh Subic trở thành căn cứ quân sự thì hải quân Mỹ có thể sẽ tiếp cận và luân chuyển lực lượng Mỹ ở Philippines dễ dàng hơn. Hiện nay tàu chiến của Mỹ chỉ đậu ở vịnh Subic khi có tập trận với hải quân Philippines hoặc sử dụng các cơ sở thương mại ở đây để sửa chữa và tiếp tế hậu cần.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho biết đầu năm 2016 quân đội sẽ triển khai hai máy bay chiến đấu FA-50 tới căn cứ ở vịnh Subic. Sau đó, một đội máy bay FA-50 và máy bay Fighter Wing sẽ được triển khai tiếp tục.

“Máy bay chiến đấu FA-50 có thể tiếp cận bãi cạn Scarborough chỉ trong vài phút, tàu tuần tra cùng máy bay không người lái của Philippines cũng sẽ dễ dàng theo dõi mọi cử động của lực lượng Trung Quốc trên Biển Đông” - chuyên gia Patrick Cronin của Trung tâm An ninh Mỹ giải thích. (MỸ LOAN)

HIẾU TRUNG