Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019

Thứ 6 thần thánh: CẢNH CÁO 2 ĐẠI TÁ QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN LIÊN QUAN ĐẾN SAI PHẠM ĐẤT QUỐC PHÒNG

Cảnh cáo 2 Đại tá Quân chủng PK-KQ liên quan sai phạm đất quốc phòng

VOV.VN - Hai Đại tá thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân đã thiếu trách nhiệm, buông lòng quản lý để xảy ra nhiều vi phạm trong sử dụng đất quốc phòng.

Kỳ họp thứ 34 Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra trong 2 ngày 6, 7/3 đã xem xét, thi hành kỷ luật Đại tá Nguyễn Hải Châu, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy và Đại tá Phạm Ngọc Dũng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không – Không quân

Trong thời gian giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 375, các ông Nguyễn Hải Châu và Phạm Ngọc Dũng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Chỉ huy Sư đoàn có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.

Vi phạm của ông Nguyễn Hải Châu và ông Phạm Ngọc Dũng là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Quân đội. Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với các đồng chí Nguyễn Hải Châu và Phạm Ngọc Dũng./.

PV/VOV.VN

Nóng: CHỦ ĐẦU TƯ BOT NINH LỘC MỜI BỘ GTVT KIỂM TRA TRẠM, CHÍNH QUYỀN VÀ NGƯỜI DÂN GIÁM SÁT

Nhà đầu tư BOT Ninh Lộc kiến nghị nóng: Mời Bộ Giao thông kiểm tra trạm, chính quyền, người dân giám sát

Hoàng Đan

Hai người dân ngồi kiểm đếm xe tại Trạm BOT Ninh Lộc. Ảnh: An Bình.

Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa vừa kiến nghị Bộ GTVT kiểm tra thu phí tại trạm BOT Ninh Lộc nhằm thông tin minh bạch, thay vì để một số người tự phát thống kê.

Nhà đầu tư kiến nghị Bộ GTVT kiểm tra thu phí tại trạm BOT Ninh Lộc

Từ ngày 26/2 đến nay, một nhóm người đã xâm nhập vào khu vực trạm thu phí BOT ở xã Ninh Lộc, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa dù có biển báo "không phận sự cấm vào".

Nhóm người này ngồi cạnh cabin thu phí, đếm xe qua trạm và công bố lên mạng xã hội thông tin sai lệch về dự án, như: tổng mức đầu tư, thời gian thu phí hoàn vốn và số tiền thu hàng ngày...

Liên quan đến sự việc này, Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa vừa có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải lập đoàn kiểm tra về tình hình thu phí của trạm trong 3 tháng, trong đó mời chính quyền địa phương và người dân tham gia giám sát.

Số liệu thu phí sẽ được công khai để người dân biết. Doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ công bố kết quả kiểm tra giám sát vào tháng 11/2018 của Tổng cục Đường bộ tại Trạm thu phí Ninh Lộc.

Đại diện Công ty Đèo Cả Khánh Hòa thông tin thêm, dự án BOT Ninh Lộc được khởi công năm 2013, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2015.

Việc thu phí đã diễn ra ổn định nhưng thời gian gần đây, bị nhiều đối tượng gây rối, nhà đầu tư đnhiều lần báo cáo với Bộ GTVT, Bộ Công an, UBND tỉnh Khánh Hòa, nhưng chưa có biện pháp tháo gỡ, dẫn đến tình hình tiếp tục có diễn biến phát sinh phức tạp.

Ông Trần Văn Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa cho hay, những thông tin mà nhóm người này đưa lên mạng xã hội, thông tin cho các trang mạng nước ngoài hoàn toàn không chính xác.

Một số người dân ngồi tại trạm thu phí Ninh Lộc để đếm xe qua lại trạm. Ảnh: Tiền phong.

Cụ thể, các thông tin nhóm này đưa ra sai lệch, hoàn toàn không có cơ sở về tổng mức đầu tư, thời gian thu phí hoàn vốn và số tiền thu hàng ngày...

Về các số liệu này, theo ông Thế, đã được thanh tra các Bộ, ngành, cơ quan Kiểm toán Nhà nước hàng năm giám sát, hoàn toàn minh bạch. Nhà đầu tư đã đề nghị Bộ GTVT, cơ quan chức năng cung cấp cho báo chí, công khai cho người dân.

"Điều chúng tôi ngạc nhiên là nhóm người trên nhân danh "người dân giám sát" nhưng trên thực tế chỉ có một nhóm rất nhỏ...

Bên cạnh đó, việc kiểm đếm xe qua trạm của nhóm người tự phát bằng cách thủ công rất khó đoán định về tính chính xác. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp những số liệu này cho bất cứ cơ quan chức năng hoặc báo chí", ông Thế nói.

Cam kết minh bạch trong đầu tư và toàn bộ số liệu kiểm đếm

"Có thể dân đếm 100 xe, nhưng xe dùng vé quý, vé tháng đi qua trạm 100 lần mỗi ngày cũng chỉ tính tiền một lần. Do vậy, nếu không được hướng dẫn dân sẽ nhân loại xe đi qua với 100 sẽ không chính xác. Điều này sẽ dẫn đến dư luận hiểu sai vấn đề" - Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP- Bộ GTVT) nói.

Lãnh đạo BOT Đèo Cả Khánh Hòa thông tin thêm, hiện Trạm thu phí BOT Ninh Lộc vẫn hoạt động bình thường và đã báo cáo cơ quan chức năng sẵn sàng hỗ trợ khi có sự cố gây ra ách tắc, gián đoạn lưu thông.

Công ty cũng cung cấp biên bản làm việc ngày 3/11/2018 của Đoàn kiểm tra giám sát của Tổng cục Đường bộ về việc kiểm đếm xe qua trạm này suốt 10 ngày trong tháng 10/2018, cho thấy, bình quân mỗi ngày, mức thu của trạm là 758.194.500 đồng (thời điểm đó).

"Chủ trương của chúng tôi là minh bạch trong đầu tư và toàn bộ số liệu kiểm đếm. Để thực hiện một Dự án BOT phải thực hiện qua nhiều công đoạn mới tính toán ra phương án tài chính và thời gian thu phí; các kết quả đầu tư để vay được vốn phải qua nhiều khâu thẩm định xác định vốn góp và vốn vay mới hình thành ra sản phẩm...


Văn bản của Công ty CP đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa.

Đó là một quá trình diễn ra chặt chẽ, có sự giám sát của các Bộ, ngành và cơ quan chuyên môn.Chúng tôi luôn cam kết về tính minh bạch và lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân", ông Thế nhấn mạnh.

Vị lãnh đạo Đèo Cả Khánh Hòa khẳng định, đơn vị không can thiệp vào quyền giám sát của người dân nhưng không chấp nhận việc giám sát đó ảnh hưởng đến hoạt động thu phí của nhà đầu tư, ảnh hưởng an toàn giao thông.

Đặc biệt, việc cố tình gây nhiễu loạn thông tin, làm xã hội bất an, nhà đầu tư chân chính nản lòng và tổn hại nghiêm trọng đến chủ trương lớn về thu hút nguồn vốn xã hội cho hình thức đầu tư PPP, hợp đồng BOT, gây thiệt hại cho môi trường đầu tư...

Dự án BOT nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A ở phía Bắc tỉnh Khánh Hòa dài 38 km, mức đầu tư 2.700 tỷ đồng theo hình thức BOT. Trạm BOT Ninh Lộc đặt trên quốc lộ 1A tại thị xã Ninh Hòa, thu phí từ đầu năm 2016.

Đầu năm 2018, trạm BOT Ninh Lộc bị tài xế liên tục sử dụng tiền lẻ mua vé và cho ôtô dàn hàng ngang phản đối. Bộ GTVT và địa phương đã thống nhất miễn phí cho người dân 20 xã phường quanh trạm, giảm 40% giá vé cho các loại xe.

theo Trí Thức Trẻ

UBKT TRUNG ƯƠNG THI HÀNH KỶ LUẬT MỘT SỐ CÁN BỘ

Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật một số cán bộ

(Chinhphu.vn) - Trong hai ngày 6-7/3, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 34. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

Theo Cổng TTĐT Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

1. Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì, thành phố Hà Nội

- Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý trật tự xây dựng, thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn huyện; chấp hành không nghiêm kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội.

- Các đồng chí Hà Xuân Hưng, Bí thư Huyện ủy; Hoàng Thanh Vân, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy; Bạch Công Tiến, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện và các đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Văn Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Đình Dần, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Thế Hà, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện và chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì trong các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và các đồng chí nêu trên là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

2. Xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí Đại tá Nguyễn Ngọc Thư và Đại tá Đào Ngọc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng

Trong thời gian giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy Tổng Công ty Thái Sơn, các đồng chí Nguyễn Ngọc Thư và Đào Ngọc Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tiếp nhận, chuyển ngạch lương, bổ nhiệm, phong quân hàm đối với Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) sai quy định, để đối tượng này lợi dụng thực hiện các hành vi phạm tội trong thời gian dài; trong việc thành lập, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P do Đinh Ngọc Hệ làm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, để Công ty có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự.

Vi phạm của đồng chí Nguyễn Ngọc Thư và đồng chí Đào Ngọc Tuấn là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Quân đội. Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các đồng chí Nguyễn Ngọc Thư và Đào Ngọc Tuấn.

3. Xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí Đại tá Nguyễn Hải Châu, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy và Đại tá Phạm Ngọc Dũng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không – Không quân

Trong thời gian giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 375, các đồng chí Nguyễn Hải Châu và Phạm Ngọc Dũng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Chỉ huy Sư đoàn có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.

Vi phạm của đồng chí Nguyễn Hải Châu và đồng chí Phạm Ngọc Dũng là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Quân đội. Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với các đồng chí Nguyễn Hải Châu và Phạm Ngọc Dũng.

4. Xem xét kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp.

Qua giám sát, UBKT Trung ương đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.

5. Cũng trong kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 3 trường hợp; cho ý kiến vào dự thảo Quy định trách nhiệm chỉ đạo của UBKT cấp trên đối với UBKT cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để trình Ban Bí thư xem xét, quyết định

PHONG HÀM CHO "ÚT TRỌC" SAI QUY ĐỊNH, 2 ĐẠI TÁ MẤT HẾT CHỨC VỤ TRONG ĐẢNG

Phong hàm Út 'trọc' sai quy định, 2 đại tá mất hết chức vụ trong Đảng


Trong thời gian lãnh đạo Tổng công ty Thái Sơn, đại tá Nguyễn Ngọc Thư và Đào Ngọc Tuấn vi phạm quy định về bổ nhiệm, phong quân hàm đối với Đinh Ngọc Hệ, tức Út "trọc".

Trong hai ngày 6 và 7/3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ 34 để xem xét, kết luận một số nội dung trong đó có việc xem xét, thi hành kỷ luật đại tá Nguyễn Ngọc Thư và đại tá Đào Ngọc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra, trong thời gian lãnh đạo Tổng công ty Thái Sơn, ông Nguyễn Ngọc Thư và Đào Ngọc Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, kiểm tra, giám sát và buông lỏng lãnh đạo, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tiếp nhận, chuyển ngạch lương, bổ nhiệm, phong quân hàm đối với Đinh Ngọc Hệ(Út "trọc") sai quy định. Từ đó, để Đinh Ngọc Hệ lợi dụng thực hiện các hành vi phạm tội trong thời gian dài.

Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc). Ảnh: P.D.

Ngoài ra, ông Thư và ông Tuấn còn có vi phạm trong việc thành lập, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P do Đinh Ngọc Hệ làm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, dẫn đến những vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, khiến nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm của ông Nguyễn Ngọc Thư và Đào Ngọc Tuấn là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và quân đội.

Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các ông Nguyễn Ngọc Thư và Đào Ngọc Tuấn.

Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc") sinh năm 1971, là cựu thượng tá quân đội bị Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng bắt cuối năm 2017 do lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Bản án phúc thẩm tháng 11/2017 cáo buộc Đinh Ngọc Hệ lợi dụng chức vụ đề nghị cơ quan chức năng cho đăng ký sử dụng ôtô quân sự, xe biển xanh, sau đó thế chấp hoặc cho thuê trái quy định.

Ngoài ra, Út “trọc” còn hợp thức 20.000 lít xăng dầu kém chất lượng của tư nhân thành tài sản quân đội để tránh bị cơ quan chức năng xử phạt và sử dụng bằng đại học giả để nâng lương, nâng quân hàm.

Tòa án quân sự Trung ương giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm, tuyên Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") 12 năm tù.

Không chấp nhận kháng cáo, Tòa án Quân sự Trung ương y án Út “trọc” 10 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ, 2 năm tù về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, hình phạt chung là 12 năm tù.

Liên quan vụ án này, hai cựu sĩ quan quân đội là Phùng Danh Thắm (nguyên đại tá, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) lĩnh 2 năm cải tạo không giam giữ về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, còn ông Bùi Văn Tiệp (nguyên Sư đoàn trưởng 367, Quân chủng Phòng không không quân) lĩnh 2 năm tù treo về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.



Cuối tháng 1, Đinh Ngọc Hệ tiếp tục bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi sau khi xác này ông này có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi triển khai dự BOT cầu Việt Trì - nơi công ty Công ty Thái Sơn Bộ Q.P nắm 40% cổ phần.

ĐÀ NẴNG: TIẾN SĨ TRẦN ĐỨC ANH SƠN BỊ KHAI TRỪ ĐẢNG VÌ THÔNG TIN SAI TRÁI TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Khoai@

Anh tự nguyện viết đơn xin gia nhập đảng và hứa sẽ tuân thủ các quy định của đảng. Khi là đảng viên, anh buộc phải chấp hành các quy định đó. Cũng như anh tham gia một tổ chức chính trị xã hội nào đó, anh sẽ phải đọc cẩn thận các quy định của tổ chức này, nếu đồng ý anh mới được tham gia. 

Đảng có điều lệ, có nguyên tắc và các quy định những điều mà đảng viên không được làm. Anh Tiến sĩ sử học Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội TP.Đà Nẵng đã vi phạm những quy định này. Anh đã viết, đăng tin, bài không đúng với quan điểm của Đảng trên mạng xã hội Facebook. Vì lý do này anh bị khai trừ đảng.

Hôm nay, ngày 8/3/2019, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa họp và có quyết định thi hành kỷ luật anh Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội TP.Đà Nẵng. Hình thức kỷ luật là khai trừ ra khỏi đảng vì đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng trên mạng xã hội Facebook.

Theo quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng: "ông Trần Đức Anh Sơn đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trên mạng xã hội Facebook; vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và vi phạm quy định Ban Thường vụ Thành ủy TP.Đà Nẵng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp".

Ban Thường vụ TP.Đà Nẵng cho rằng "vi phạm của ông Trần Đức Anh Sơn là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan nơi TS.Sơn sinh hoạt, công tác".

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng quyết định khai trừ đảng đối với anh Trần Đức Anh Sơn.

Trước đó, ngày 29/1/2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã họp kỳ họp thứ 20. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với TS.Trần Đức Anh Sơn do ''viết và đăng tin bài trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật, bịa đặt, không đúng với quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước''.

XUNG QUANH VIỆC GIÁO PHẬN VINH KẾT THÚC SỨ VỤ CỦA "BAN HỖ TRỢ NẠN NHÂN MÔI TRƯỜNG BIỂN"


Tác giả: Bien Che/Mõ Làng 

Tin từ trang Người Công Giáo cho hay: "Mấy hôm nay từ nhiều trang đã loan báo việc đức cha Anphongso Nguyễn Hữu Long chủ chăn của địa phận Vinh đã quyết định kết thúc sứ vụ của ban hỗ trợ nạn nhân môi trường biển. Đây cũng là ban mục vụ được thành lập mới nhất, sau sự kiện ô nhiễm môi trường biển tại miền Trung do công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh gây ra (tháng 9/2016).

Đại diện Ban hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển Giáo phận Vinh trong 1 lần vận động khởi kiện tại Đài Loan (Nguồn: FB). 

Và qua xác nhận thì thông tin trên hoàn toàn chuẩn xác. Mọi sự đã được quyết định trong cuộc họp toàn thể của Linh mục đoàn Gp Vinh do đức cha Anphongso chủ trì". 

Trang này cũng bình luận: "Mặc dù đây là quyết định hoàn toàn bất ngờ, mới và khiến không ít cha, nhất là các cha trong ban này bất ngờ và có chút "bất bình". Nhưng qua theo dõi thì đấy hoàn toàn quyết định bình thường dễ hiểu" và lí giải: "Ban mục vụ này ra đời do yêu cầu bảo vệ nạn nhân của sự cố và khi mà điều đó không cần tới nó thì đương nhiên chính nó sẽ kết thúc sứ vụ của mình. Đó âu cũng là việc bình thường, dễ hiểu và không có gì phải băn khoăn. Đó là chưa nói nếu tiếp tục tồn tại sẽ khiến cho giáo hội bị hiểu lầm.

Đã từ rất lâu trong mắt chính quyền, giới chức nhà nước với sự ra đời của nhiều tổ chức, nhiều người đã nói rằng, phải chăng Giáo hội Công giáo nói chung, cách riêng có Gp Vinh đang thành lập 1 "chính quyền song trùng", làm các chức năng của nhà nước. Điều đó khiến cho hình ảnh giáo hội trở nên méo mó trong mắt dư luận, nhà nước". 

Hết trích. 

Có lẽ không chỉ Mõ mà nhiều người đã ghi nhận và đánh giá cao sự xuất hiện, Gp Vinh thành lập Ban mục vụ hỗ trợ nạn nhân môi trường biển. Ban này đã cùng với chính quyền các địa phương chịu thiệt hại trực tiếp, đặc biệt là 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trong việc kiểm kê, đánh giá thiệt hại làm cơ sở cho việc giải quyết đền bù, đảm bảo sự công bằng. Đó là điều làm được của Ban này thời gian qua. 

Song, ngoài lí do hiện Ban này đã kết thúc sứ vụ của mình do nhiệm vụ đã hoàn thành thì có một số lí do mà có thể vì sự ổn định của GP Vinh và làm thay đổi GP Vinh theo chiều hướng tích cực, tân Giám mục tân nhiệm GP Vinh Nguyễn Hữu Long đã nghĩ tới việc phải thay đổi. 

Theo đó, trong suốt 3 năm tồn tại ngắn ngủi, lấy danh nghĩa ban này đã có hàng chục cuộc tuần hành, biểu tình được nổ ra. Đa phần do một số phần tử quá khích thực hiện. Đó cũng là thứ mặt trái mà dù thời gian về Gp Vinh không quá dài nhưng vị chủ chăn địa phận Vinh đã thấu hiểu và ngài quyết định đổi thay. 

Với quyết định này, vị tân Giám mục Gp Vinh đang cố gắng truyền tải tới Linh mục đoàn, bà con giáo dân Vinh rằng không có gì là không thể thay đổi, bị bỏ qua. Một khi nó không phù hợp, lỗi thời và tiêu cực thì đương nhiên chính nó sẽ bị thay đổi.

ANH KHUẤT VIỆT HÙNG: CHÚNG TA ĐANG TỰ TƯỚC MẤT VŨ KHÍ BẢO VỆ PHÁP LUẬT CỦA MÌNH

Khoai@

Báo Tiền Phong vừa có bài "Ông Khuất Việt Hùng đề xuất xử phạt người vi phạm không cần chứng minh". Tuy nhiên, đọc nội dung thì không phải như vậy. 

Tra cứu thông tin này từ các nguồn khác cũng cho thấy, ông Khuất Việt Hùng không nói "Xử phạt người vi phạm không cần chứng minh". Anh Hùng chỉ muốn đề cập đến việc hoàn thiện pháp luật để đảm bảo việc xử phạt được nghiêm minh và bảo vệ cho lực lượng chức năng khi thực thi công vụ.

Phóng viên đặt tiêu đề như trên làm người đọc hiểu sai vấn đề và tạo dư luận chĩa mũi nhọn vào cá nhân ông Khuất Việt Hùng.

Link kiểm chứng:

Tôi thấy anh Khuất Việt Hùng nói không sai. Không có đâu như ta, khi CSGT dừng phương tiện thì người vi phạm lại đòi kiểm tra giấy tờ của CSGT, gí camera vào mặt rồi vặn vẹo gây khó dễ. Không đâu như ta, báo chí hay biến chuyện trấn áp người chống đối pháp luật, thậm chí là tội phạm thành chuyện công an đánh dân. Cũng không có ở đâu như ta, CSGT bị tước sạch vũ khí và bị biến thành tâm điểm của gạch đá. Để khắc phục tình trạng trên, hãy học các nước văn minh trên thế giới mà làm. 

Giải trình tại Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, anh Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia đề cập đến 2 nội dung pháp lý quan trọng cho việc xử phạt nghiêm minh những người vi phạm và hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng mà chủ yếu là CSGT. 

Sở dĩ anh Hùng đề cập đến 2 nội dung này vì thực tế khi bị dừng phương tiện hay bị phạt thì người vi phạm không chấp hành (một biểu hiện của việc chống đối) mà "lạm dụng quyền giám sát của dân" để gây khó dễ cho CSGT khiến cho việc xử phạt không thể thực hiện được. Và khi người vi phạm hoặc người dân bị kích động, dẫn đến quá khích hoặc chống đối thì lực lượng chức năng (CSGT) không thể thực thi nhiệm vụ của mình, kể cả khi bị tấn công nguy hiểm đến tính mạng cũng như khi danh dự uy tín của ngành công an bị xúc phạm.

Vụ tai nạn giao thông ở Sa Pa, Lào Cai vừa qua là ví dụ sống động về hiện tượng này. Người gây ra vụ tai nạn đó cũng chính là người đã tử vong. Người dân kéo ra kích động, chống đối lực lượng thi hành công vụ, gây mất an ninh trật tự đồng thời đòi phạt vạ 400 triệu mới cho mang xác đi. Rõ ràng lực lượng chức năng thấy dân sai nhưng "không dám" trấn áp. 


Xin hỏi các anh chị, nếu nổ súng trấn áp thì điều gì sẽ xảy ra? Liệu có đơn thuần là người nổ súng trấn áp sẽ mất mạng, mất nghề hay sau đó là vụ bạo loạn cục bộ để các thế lực thù địch lợi dụng vu cáo chế độ?

Trên thực tế, hiện tượng mà anh Hùng đề cập là có thật, xảy ra rất nhiều. Nhiều người cho rằng, người dân và báo chí  đã "lạm dụng quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin" để lan tỏa những hình ảnh về sự chống đối của người vi phạm bao gồm cả việc "cãi nhau" hay "đánh nhau" với lực lượng chức năng vô tình cổ súy cho các hành vi chống đối. 

Tại phiên giải trình, anh Hùng khẳng định, việc xử phạt nghiêm các vi phạm sẽ là “động lực để thay đổi hành vi” của người tham gia giao thông, và cũng là cái để người dân “soi” vào. Để làm được điều đó, anh Hùng đã mạnh dạn đề nghị "xem xét lại các quy định pháp luật hiện nay, tạo hành lang pháp lý minh bạch cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ".

Anh Hùng cho rằng, "quy định hiện nay của chúng ta về việc yêu cầu người xử phạt vi phạm giao thông là phải chứng minh vi phạm, điều này đang đi ngược lại với các nước. Bởi thông thường về mặt hành chính thì cứ xử phạt đã, còn nếu thấy việc xử phạt đó không đúng thì người bị xử phạt có thể kiện ra toà". Câu nói này của anh Hùng bị báo chí cắt xén, chỉ lấy phần đầu làm ý chính của tiêu đề bài báo, làm dư luận hiểu sai.

Anh Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, nếu giải quyết được chỗ này thì mới tạo được nền tảng pháp lý cho lực lượng thực thi công vụ. "Cái này rất quan trọng, không đơn giản một chút nào. Tôi chứng kiến rất nhiều chuyện tranh cãi nhau và người vi phạm cứ quay, dí camera vào mặt cảnh sát, cố gắng tạo ra dư luận xã hội" và "bảo vệ pháp luật mà đi ra cãi nhau với ông say rượu thì sao cãi được, với người cố tình cũng không cãi được. Nếu phạt sai thì người dân có quyền kiện. Ta có cơ chế để người dân kiện người xử phạt sai ra toà cơ mà", anh Hùng nhấn mạnh.

Ở nội dung thứ hai, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia thấy lạ là, cảnh sát giao thông của chúng ta gần như phải có lực lượng đi bảo vệ, vì chúng ta quy định rất nhiều điều kiện chặt chẽ trong vấn đề sử dụng công cụ hỗ trợ và sử dụng vũ khí.

So sánh với các quốc gia văn minh, anh Hùng cho biết, với các nước như Đức, Thuỵ Sỹ, Mỹ… người ta đề nghị dừng xe và để tay lên trên, nếu không chấp hành, anh có thể bị trấn áp ngay. Nhưng ở ta, nếu CSGT có trấn áp một tí, lúc đó lại là cảnh sát đánh dân, lại trở thành câu chuyện rất lớn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này, anh Hùng nói: "Nếu không truyền thông cái này chúng ta đang tự tước mất vũ khí bảo vệ pháp luật của mình".

Đó là 2 nội dung cũng là 2 đề xuất của anh Khuất Việt Hùng, mà người viết bài này cho rằng là rất quan trọng nhằm đảm bảo cho pháp luật về an toàn giao thông được thực thu nghiêm túc. Và cái đích cuối cùng của nó là đảm bảo an toàn tính mạng cho mọi người dân tham gia giao thông cũng như an toàn tính mạng cho lực lượng chức năng khi thi hành công vụ.

Cần nhấn mạnh rằng, đây mới chỉ là đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật, quyền quyết định là của Quốc hội. Đương nhiên, khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật thì những nhà làm luật sẽ phải cân nhắc để tránh việc lực lượng chức năng có thể lạm quyền hoặc nảy sinh tiêu cực. Vì thế, người viết cũng cho rằng, chuyện pháp luật thì hãy cứ học các nước văn minh như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Thụy sĩ.