Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

ĐỒNG BÀO GIÀU CÓ HƠN CHÚNG TA TƯỞNG?

Đồng bào giàu có hơn chúng ta tưởng?


Ngô Thiệu Phong

VOV.VN - Với họ, khái niệm giàu có về vật chất có phần xa lạ, làm thương mại để lấy cái phần chênh lệch quá lớn bị xem như hành vi thiếu đạo đức.

Chẳng hiểu sao mình lại có duyên với người thiểu số. Làm việc ở Tây Bắc một thời gian ngắn với đồng bào Thái, Mông, Dao…; nay lại được vào Tây Nam Bộ, sống với bà con Khmer, Chăm.

Bà con dân tộc thiểu số có điểm chung là chân thành, tốt bụng…, nhưng hơi mặc cảm, tự ti và còn nghèo. Kể cũng lạ, dù được Nhà nước hỗ trợ nhưng mọi sự giúp đỡ cứ như muối bỏ biển, bà con vẫn nghèo.

Bữa trước, anh Lâm Hùng, người sinh ra và lớn lên ở vùng U Minh Hạ (Cà Mau) vỗ vai hỏi: Hồi hôm qua nhà, em có thấy mấy cái nhà lụp xụp không? Nhà của người Khmer đó!

Anh kể: Xã hỗ trợ cá giống, nuôi chưa đủ lớn mấy ổng đã kéo lên nhậu. Xã xây cho căn nhà, dỡ tôn bán lấy tiền xài, còn trơ ra cái khung nhà bằng gạch, không bán được đành để vậy.

Những chuyện như anh Hùng kể là có và không riêng gì với bà con Khmer, nhiều nơi cũng vậy thôi, cho con trâu con bò làm giống thì chẳng thấy nghé với bê đâu mà trâu mẹ thì mất và bò giống cũng tiêu. 

Có người, vì quá bức xúc mà buột miệng nói bà con ham chơi, không ham làm. Nói vậy e hơi quá. Những chiến khu xưa, từ Tây Bắc, Tây Nguyên cho tới Tây Nam Bộ…, có phải nơi bà con thiểu số sinh sống không? Nói họ ham chơi thì ai che chở, nuôi nấng cách mạng trong những năm tháng khó khăn ấy?

Hồi còn làm việc ở Sơn La, thấy nhiều chợ mọc lên dọc sông Đà nhưng vắng hoe, hiu hắt; nhiều khu tái định cư, làng hạ sơn, dẫu có bóng bảy và thẳng thớm, nhưng bà con cũng chỉ ở ít hôm rồi lại trở về bản cũ.

Có lần lên Tây Nguyên, thăm một nhà rông (có tên mới là nhà cộng đồng) bằng bê tông cốt thép, rõ bề thế, vững chãi nhưng cửa đóng im ỉm, lạnh lẽo, mạng nhện chăng đầy, không có dấu vết gì của những đêm đốt lửa nghe già làng kể khan. 

Hình như có cái gì đó thuộc về văn hóa mà những người làm chính sách chưa thực hiểu hết nên cứ chắc mẩm cuộc đổi chác, thậm chí cho không, sẽ khiến dân vui, đã công bằng và thể nào cũng thành công.

Nhìn lại lịch sử của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thì thấy hầu hết họ đều sống cùng rừng núi. Người Mẹ thiên nhiên, Mẹ rừng, Mẹ núi, Mẹ sông… đã sinh ra và nuôi nấng họ. Đến khi chết, con người xác thịt, thậm chí cả linh hồn họ cũng về với Mẹ rừng, tan ra với đất của Mẹ núi. Điều này có thể thấy rõ nhất trong tục bỏ mả của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Ngay cả khi còn sống, người dân ở quanh dãy núi Ngok Linh hùng vĩ có tục bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ lại tất cả những gì của thế giới vật chất hiện tại để đi sâu vào rừng, sống cuộc sống nguyên sơ hoang dã. Cứ thế mỗi năm một lần, họ về với Mẹ rừng, dùng cái cây để hái lượm, hòn đá để ném con thú, kéo tre làm ra lửa…Đấy gọi là tục Ninh Nông mà hôm nay không còn nữa.
Sống dựa vào thiên nhiên, thậm chí phó mặc cho thiên nhiên, đã tạo cho người dân tộc thiểu số một cách ứng xử hài hòa, thân thiện với người Mẹ thiên nhiên của họ. Họ không bao giờ lấy đi quá nhiều từ thiên nhiên. Chỉ vừa đủ ăn, vừa đủ dùng. Hãy xem lại một số luật tục xưa của đồng bào quanh dãy Trường Sơn thì thấy rõ điều này. Họ không dùng thuốc độc để đánh cá. Họ biết chừa lại con cá nhỏ; không bắn con thú mang thai, không vặt trụi đám rau mà chỉ lấy nhành lấy lá.

Người Khmer có câu: “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”. Chùa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt văn hóa của người Khmer. Với họ đi tu là nghĩa vụ. Sư sãi có vai trò lớn trong cộng đồng. Các chư tăng, chư ni luôn thấm nhuần những quy tắc trong khất thực. Đó là, phật tử cho gì ăn nấy, lấy vừa đủ ăn, nhận của cả người nghèo lẫn người giàu; và khi ăn cũng trộn các thực phẩm lại để không phân biệt đồ ăn ngon hay dở. 

Quan niệm về giàu có của người thiểu số hình như không nghiêng nhiều lắm về giá trị và số lượng vật chất. Với họ người giàu là người có hành động đẹp nhất, thiêng liêng nhất; là người biết cho đi nhiều nhất.

Dọc ngang các bản làng Tây Bắc, đã có lần tôi trả giá rất cao để mua một khẩu súng kíp đẹp, một con dao Mèo sắc, thế nhưng chưa bao giờ thành công. Quý thì cho tặng chứ nhất định không bán. Khái niệm về thương mại trao đổi xa lạ với bà con. Kể cả khi cần trao đổi thì điều đó cũng chưa bao giờ là tuyệt đối. Những quán hàng tự giác nằm dọc cung đường lên Tây Bắc minh chứng điều này. Người mua cứ lấy hàng, trả bao nhiêu thì tùy, cứ bỏ tiền vào giỏ là được, không cần trả giá, không cần kiểm soát. 

Nước là nguồn gốc của sự sống. Chân lý khoa học ấy bà con thiểu số chưa hiểu hết, nhưng trong hành động của họ lại thể hiện và chứng minh được điều này. Nếu một lần được tham gia vào những lễ hội cúng rừng, mời nước, xin nước… của thì mới thấy sự trân trọng đến thiêng liêng nguồn nước mát lành của người dân tộc thiểu số. Người Dao có những cách lấy nước vào đồng ruộng rất khoa học. Một hệ thống khóa, chỉ bằng tre nứa thôi, nhưng sẽ tự động đóng lại khi nước đầy. Đây là thái độ thân thiện, coi trọng Mẹ rừng, Mẹ nước…Chính điều này giúp người thiểu số tồn tại qua hàng ngàn năm.

Mẹ thiên nhiên đã sinh ra ta và nuôi ta sống nên phải biết kính trọng Mẹ thiên nhiên. Lấy của Mẹ vừa đủ để tồn tại là cách tồn tại bền vững của người thiếu số trong lịch sử phát triển của mình. Với họ, khái niệm giàu có về vật chất có phần xa lạ, thương mại để lấy cái phần chênh lệch quá lớn bị xem như hành vi thiếu đạo đức. Đó là lý do tại sao người thiểu số trước đây chủ yếu đổi chác bằng hiện vật. 

Cuộc sống, môi trường đã có nhiều đổi khác. Song người thiểu số hình như vẫn giữ trong mình quan niệm ngàn đời trên. Đó là giá trị tinh thần quý báu. Tiếp cận sự giàu nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số từ hướng này, tôi đã thông cảm hơn và giật mình sực tỉnh nhận ra điều gì mới đích thực là minh triết của cuộc sống.

"ANH HÙNG NÚP"

"Anh hùng núp"



Những người phạm luật giao thông, nhất là số đi bằng xe máy, ô tô có vẻ vô cùng căm phẫn các “anh hùng núp”, những cảnh sát giao thông đã ẩn mình quan sát và sẵn sàng lập tức xuất hiện để bắt quả tang người vi phạm.

Nếu bạn quan tâm về CSGT hãy đọc thêm: 

Đến lúc đó thì các “nạn nhân” không thể nào có cách chối bỏ hành vi của mình và chỉ còn chọn lựa một trong hai cách: hoặc nộp tiền phạt theo “barem” đã định sẵn trong luật với những thủ tục khá phiền toái, hoặc là tìm mọi cách thương lượng để giảm nhẹ mức độ nộp phạt bằng cách chịu chi một khoản tiền cho cảnh sát mà không lấy biên lai (nói thẳng là hành vi hối lộ).

1.Về mặt luật pháp, tôi thấy hành động “anh hùng núp” của cảnh sát giao thông chẳng có gì sai, chẳng có điều luật nào ngăn cấm. Trong cuộc sống hàng ngày ta vẫn thường thấy những chuyện tương tự. Phải bí mật mới có thể phát hiện sự thật, nhất là những điều sai trái. Đến trẻ con cũng không lạ gì những chuyện như thế. Còn trong ngành cảnh sát nói riêng hay công an nói chung, tôi không được tường tận, nhưng hình như những hoạt động kiểu mật phục, nghi binh, … đều là những biện pháp nghiệp vụ được phép. Giờ đây, cũng như các nước, nhiều nơi, người ta đã sử dụng cái camêra để theo dõi thay cho con người trong nhiều việc. Như vậy, sự khác nhau chỉ là một cách bằng công nghệ hiện đại, một cách bằng “thủ công” truyền thống, đâu có gì khác?

Nếu có thấy “mất cảm tình”, nhất là khi nhìn những bức ảnh chụp các “anh hùng núp” ở nhiều tư thế tức cười, theo tôi, có lẽ chỉ có thể vì thấy nó không được “quân tử”, thiếu sự đàng hoàng. Thế thôi. (Mà xin nói thật, những tư thế tức cười này kể cũng khó tránh khi suốt 8 tiếng đồng hồ đối mặt với nắng, gió, với bụi đường và đủ thứ ô nhiễm khác. Chắc chỉ nên trách cái hấp dẫn của những tờ giấy bạc.)

Hôm trước, nghe nói ở một địa phương, thấy dư luận phê phán, thậm chí lên án các “anh hùng núp”, công an cấp trên đã lệnh cho cấp dưới không được có hành vi này nữa. Hình như cái lệnh này chứng tỏ các vị cấp trên hơi thiếu bản lĩnh.

Trong một truyện ngắn, Nguyễn Khải kể chuyện người cô của mình, một bà cụ đã tám mươi tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn khôn ngoan mà nhà văn cảm thấy bà có thể biết được cả cái then máy của Tạo hóa, rất tiêu biểu cho các cư dân của Hà Nội cũ nay đã mai một đi nhiều. Bà là điển hình cho những người tử tế, người Hà Nội xưa là sống trung thực, lương thiện và biết tôn trọng pháp luật. Biết tôn trọng pháp luật trước hết là có lòng tự trọng. Có thể nói nôm na thế này: người bình thường, chẳng ai dám xúc phạm, nặng lời kể cả cảnh sát với quyền năng khá là “vô lượng”. Nhưng nếu ra đường, anh phạm luật, viên cảnh sát dù chỉ đáng tuổi con cháu cũng có thể nặng lời, thậm chí văng tục chửi bậy và có những hành vi xúc phạm khác, anh cũng khó phản đối vì lúc đó, anh đang là người phạm pháp. Họ xúc phạm anh vì anh là người không biết tự trọng. Mình còn không tôn trọng mình, còn hy vọng gì người khác tôn trọng?

Nhiều lái xe (xe máy và ô tô) hiện nay chỉ chăm chú có cái xe “xịn”, nhưng ít người nắm vững luật lệ, vì khi thi lấy bằng, kiểm tra luật họ thường dùng “đồng tiền đi trước”. Cho nên dừng đỗ ở ngã ba, ngã tư, đầu cầu; quá tốc độ cho phép, lấn đường, …thậm chí vừa lái xe vừa nhắn tin bằng điện thoại di động rất phổ biến. Các lái xe taxi tôi hỏi đều không biết luật “nhường đường cho người bên phải”. Cho nên phạm luật, gây tai nạn ngoài vì sơ xuất, đãng trí còn vì nguyên nhân này.

Có nhiều tin tức, ảnh, “clip” ghi lại cảnh cảnh sát giao thông có hành vi thô bạo với người vi phạm luật giao thông. Những thái độ, hành vi ấy là rất đáng lên án, không ai có thể bao che. Nhưng sự thực là, người vi phạm luật phải là người đáng phê phán đầu tiên. Anh phạm luật lại còn không chịu nhận lỗi, để trở thành nguyên nhân gây ra những hành vi thô bạo của cảnh sát. Thế là hai lần đáng trách. Nhưng trong những trường hợp này, thường chỉ thấy cảnh sát giao thông bị lên án. Hình như tâm lý bênh vực người “thấp cổ bé họng”, người nghèo vốn hình thành từ trong xã hội mang nặng quan điểm giai cấp mấy chục năm trước đã bị lên án gay gắt nhưng lại được phát huy tối đa trong trường hợp này. Tôi cho rằng thế là thiếu công bằng.

Chính quyền có những điều luật, có nhiều cách hành xử đi ngược lại với quyền lợi của đông đảo nhân dân, bị người dân phản ứng bằng nhiều cách. Đây là một thực trạng đáng buồn trong cuộc sống nhất là khi chính quyền ấy luôn nói “của dân, do dân, vì dân”. Thái độ “bất tuân thượng lệnh” của người dân nhiều khi thể hiện sự bất mãn đó. Nhưng tôi hoàn toàn phản đối cách không tuân thủ luật giao thông để thể hiện thái độ phản kháng. Vi phạm luật giao thông, cái chính quyền ấy chắc chắn chẳng hề hấn gì, nhưng nhất định sẽ gây tai nạn và người gặp nạn thường đều là người dân lành, trong đó có không ít những người nghèo khó. Tổn thất do tai nạn gặp trên đường sẽ gây nên những hậu quả khôn lường cho một con người, một gia đình. Tôi không muốn nói tới người vi phạm, vì có thể họ là những “anh hùng xa lộ”, những hảo hán sẵn sàng “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”.
Công bằng mà nói, nếu không phạm luật, cảnh sát giao thông khó có thể làm gì được mình. Tôi từ năm 12 tuổi đã có lần vô ý phạm luật giao thông bị cảnh sát xử lý (Xin mời đọc >>> “Đèn xanh đèn đỏ”), lại được ông bà cha mẹ dạy dỗ từ nhỏ phải biết tôn trọng luật pháp nên rất có ý thức về việc này. Có những lần, bị kiểm tra đột xuất, do không vi phạm điều gì nên sau khi xem xét các loại giấy tờ đầy đủ, họ đều cho đi.

Năm 2005, tôi tham gia một Dự án xóa đỏi giảm nghèo ở Sơn La. Biết Bảo hiểm xe máy đã hết hạn, nhưng tôi nấn ná, chờ lên Sơn La sẽ mua tiếp, hy vọng, lỡ có chuyện gì xảy ra, việc giải quyết sẽ thuận lợi. Ai ngờ trên đường lên Sơn La, khi qua Lũng Luông, một tốp cảnh sát giao thông ra hiệu yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ. Biết mình đang có lỗi Bảo hiểm đã hết hạn, nên khi xuất trình giấy tờ, tôi nhận lỗi ngay và nói lý do chưa mua Bảo hiểm. Công an yêu cầu xem giấy tờ thể hiện việc tôi lên Sơn La làm việc. Sau khi đọc Quyết định cử tôi lên Sơn La, và chắc cũng thấy Bảo hiểm cũ của tôi hết hạn chưa tới tuần lễ, họ để tôi đi, kèm theo lời nhắc nhở:

- Lên Sơn La, bác nhớ mua bảo hiểm nhé!

Sau đó 2 năm, trong chuyến đi chơi, khi qua Nam Định, tôi bị “thổi còi” vì vượt đèn đỏ. Giải thích do từ nơi khác đi qua, đang băn khoăn không biết nên đi hướng nào, đèn lại khuất tầm nhìn, nhưng anh cảnh sát giao thông “quyết không tha”. Thế là phải đi nộp phạt. Số tiền chẳng đáng là bao, nhưng mất thời gian đi tìm Kho bạc nhà nước. Kể ra cũng hơi “ấm ức” nhưng rồi lại nghĩ, đó là một bài học. Chẳng ai có thể tránh được sơ xuất, nhưng khi sơ xuất, bị phạt, nên vui vẻ chấp nhận. Bài học có trả giá chắc thấm thía hơn!

Một chuyện nữa: Hồi những năm 90, khi khách sạn Nikko mới được xây dựng trên nền bến xe Kim Liên, con đường Lê Duẩn bỗng mở rộng hẳn ra và quy định đi một chiều hướng về phía nam. Tôi ít đi lại trên tuyến đường này nên không biết. Hôm ấy, đi từ phía Bạch Mai lên, xe vừa qua ngã ba Trần Nhân Tông thì tôi bị dừng xe vì đi ngược chiều. Tôi chấp nhận nộp phạt, chỉ góp ý: “đường quá rộng, biển đặt trên hè nên người đi đường khó quan sát, cần đặt một cái biển ngay giữa đường để mọi người làm quen dần” rồi nộp tiền. Nhưng chờ mãi, chẳng thấy họ đưa biên lai. Tôi hỏi, họ lảng đi, không nói gì. Bực mình, tôi tới Công an Hà Nội vào gặp trực ban góp ý. Người tiếp tôi sau khi điện thoại đi đâu đó, nói mời tôi tới Công an phường Nguyễn Du giải quyết vì đó là chốt do đơn vị này phụ trách. Tôi tới Công an phường Nguyễn Du phản ánh sự việc (cũng là nói suông thôi, chẳng có chứng cứ gì). Họ xem chứng minh nhân dân rồi bảo tôi về. Ai ngờ, về nhà, 8 giờ tối, đang lúc mưa to, có hai người tới tìm gặp. Đó là hai anh cảnh sát đã nhận tiền phạt mà không đưa biên lai cho tôi lúc chiều (lúc này họ mặc thường phục nên tôi không nhận ra). Hai anh xin lỗi, không trả lại số tiền phạt nhưng đưa gói quà chắc phải gấp đôi số tiền tôi đã nộp phạt.

Kể lại vài chuyện của bản thân để muốn nói, mình cứ chấp hành luật cho nghiêm chỉnh thì có gì đáng ngại đâu! Với tôi, cảnh sát giao thông luôn là những người giữ cho sự đi lại bình yên!

Trong cuộc sống, thường thấy có hiên tượng này: người vi phạm luật giao thông, sau khi đã hối lộ để tránh hình phạt nặng nề hơn thường tỏ sự hậm hực. Hậm hực vì “mất tiền oan”. Hậm hực vì họ coi đó là mình bị trấn lột. Và dưới con mắt của họ, mấy anh cảnh sát giao thông là những người không thể chấp nhận được. Nghe những lời ca thán, phàn nàn ấy, tôi thấy hơi bất thường.

Một là, anh không hề mất tiền oan. Anh đã đỡ một khoản tiền, anh đã có lợi lớn. Trên đời này, người ta chỉ hối lộ để có thể được món lợi hơn số tiền phải bỏ ra để hối lộ. Chuyện “chạy” các loại, từ “chạy” việc làm, “chạy chức”, “chạy” quyền, “chạy” tòa án… đều thế cả! Vì biết cái ghế ấy có thể giúp mình có nhiều lợi lộc trong một nhiệm kỳ nên người ta mới bỏ ra bạc tỷ để “chạy”, cũng như chẳng có ai “chạy” để vào các cơ quan nhà nước hưởng đồng lương chết đói với số tiền cả nhiều trăm triệu nếu không chắc chắn cái chỗ làm ấy có thể giúp mình kiếm chác gấp nhiều lần số vốn đã bỏ ra. Hối lộ khi phạm luật giao thông cũng thế. Cho nên, đã có lợi rồi, sao còn ca thán? Thứ hai, khi tìm cách hối lộ, anh đã phải gãi đầu gãi tai, nói cười bả lả, kể lể nỗi niềm với người ta hòng nhận được sự thông cảm, châm chước. Giờ vừa mới “thoát hiểm” anh đã thay đổi thái độ, quay ngoắt 180 độ để chê bai, thậm chí mạt sát. E rằng, cách hành xử này có vẻ như “khỏi vòng cong đuôi”, “tiền hậu bất nhất”. Và thứ ba, điều tôi cho là quan trọng nhất: hối lộ là một hành vi thiếu nhân cách. Khoe khoang để làm gì?

Cũng có những người không cần hối lộ. Họ dựa vào sự thân quen với những người có vai vế để nhờ can thiệp. Đây chính là những người góp “công” lớn vào việc phá hoại kỷ cương phép nước, chắc không cần phải nói thêm. Nhưng thật phẫn nộ khi sau khi dùng các thế lực bên trên để ngồi xổm trên luật pháp, họ còn đem rêu rao, khoe khoang khắp nơi để tỏ là mình là người có siêu quyền lực. Rồi có khi còn tỏ ra ngạo mạn vì đã làm mấy anh cảnh sát “tẽn tò”, biết chắc mình phạm luật mà không làm gì được. Hôm đầu tháng, trên chuyến xe giường nằm đi vào miền Trung, tôi được chứng kiến (nói đúng hơn là nghe thấy) một việc. Trên xe, một hành khách nhận một cú điện thoại cầu cứu vì người gọi bị bắn tốc độ ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong vòng khoảng 20 phút vị hành khách này liên hệ tới nhiều nơi và cuối cùng, người cầu cứu đã được “giải thoát”. Có hai điều phải ngạc nhiên: Thứ nhất, vị hành khách này chắc chưa phải loại quyền cao chức trọng (căn cứ vào phương tiện anh ta sử dụng để xuyên Việt), thế mà đã có thể “chỉ đạo” cảnh sát giao thông từ tầm xa hàng nghìn cây số. Không biết những người có chức có tước, quyền năng còn có thể như thế nào? Và thứ hai, làm cái việc coi thường pháp luật như thế mà anh ta cứ oang oang, không hề có đôi chút ngượng ngập, hình như còn muốn cho những người xung quanh biết cái “oai phong lẫm liệt” của mình. Theo tôi, những người ấy, họ đã có tới hai lần mất nhân cách.

Rất tiếc trong số đó, không ít những người có học hàm học vị!***

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Thoát: THOÁT Y CÓ THOÁT Ý? NHƯNG KHÔNG THOÁT ĐƯỢC CÔNG AN

THOÁT: Thoát y có thoát ý? Nhưng không “thoát” được công an

Moon tổng hợp

Đúng ra, ngày đẹp 12. 2. 2012 vừa qua, bộ ảnh “Thoát” đã ra mắt. Nhưng cuối cùng, theo thông tin của ban tổ chức, mọi việc đã không như ý.

Bộ phận an ninh văn hóa thành phố Vũng Tàu và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã phối hợp làm việc với tác giả dự án Thoát để hoãn lại ngày công bố.

Trên trang web của dự án (được thực hiện khá bài bản, công phu), vẫn còn những lời giới thiệu về dự án.

Xin phép được giới thiệu một số hình ảnh cũng như quá trình thực hiện Thoát.

Dự án Thoát gồm nhiều “sản phẩm”. Đầu tiên là cuốn sách ảnh trắng đen có tên “Thoát”, mà theo thầy Huệ Phong là “biểu đạt toàn bộ tinh yếu của bài Pháp Thoát được nhà Phong thủy Huệ Phong thể hiện sống động qua từng hình ảnh và câu chuyện của nhận vật.” Người thực hiện bộ ảnh là nhiếp ảnh gia Nguyễn Trung. Người mẫu là diễn viên Thái Nhã Vân – người đang được mệnh danh là “quả bom sex sẽ làm nổ làng showbiz Việt.” Bộ ảnh “Thoát” được thực hiện từ tháng 10. 2012 và đến nay đã hoàn tất với 12 ảnh chính, với sự kết hợp như thầy nói là thiền – zen và nude art (theo Việt Văn báo Lao Động).


Kế là bộ tranh “Thoát” được thực hiện dưới dạng ảnh số, sơn dầu, chì, thêu; Và bộ tượng “Thoát” được tạc dưới thể loại đất nung, đồng và đá. (Theo Việt Văn, bộ tranh chưa thực hiện và cũng chưa biết thầy vẽ hay đặt hàng ai.)

Rồi bộ lịch “Thoát”, khổ 40 x 40cm, 12 tờ.


Tiết mục múa đương đại “Thoát”, theo thầy Huệ Phong là với “những hình ảnh nghệ thuật và biểu cảm, cùng âm thanh và ánh sáng hòa nguyện nhau thể hiện nỗi cô đơn của loài người trong một xã hội hiện đại.” Thầy bảo sẽ thuê diễn viên, chuyên nghiệp hay nghiệp dư chưa thể nói, phải xem cô nào có khả năng thể hiện nó (theo Việt Văn, báo Lao Động).


Có nhạc “Thoát”, phim “Thoát”, nhưng mới là dự tính.


Dĩ nhiên là phải có bài thơ “Thoát”.


Và một cuốn truyện “Thoát”, “thể hiện sống động nỗi lạc lõng trong cõi tâm linh của con người. Xuyên suốt câu chuyện là sự nỗ lực tu thân và rèn luyện của nhân vật để vượt qua mọi sự ràng buộc hệ lụy đời thường và nỗi ám ảnh của sắc dục.”

*
Trong bài Thoát – chưa thoát trên báo Lao Động, nhiếp ảnh gia Việt Văn cho biết:

“Kịch bản và đạo diễn, cha đẻ của ý tưởng “thoát” là nhà phong thủy Huệ Phong, với thông điệp đại ý là sắc dục có thể làm người ta khổ đau, người ta sung sướng, là thăng hoa cho nghệ sĩ trên đường sáng tác, là trở ngại lớn nhất trên đường thiền… Chữ “thoát” để biểu hiện con người từ sự dính mắc đến chỗ tự do – làm chủ sắc dục. Và qua đó còn giúp cộng đồng hiểu: Sắc dục đích thực là gì!”

Sáng 13.12, phóng viên LĐ qua địa chỉ thầy Phong đã quảng cáo trên mạng ở đường 30.4 (TP.Vũng Tàu). Dù trông đạo mạo, hay cười, nhưng thầy Phong khá trẻ, chưa đến 40 tuổi, và đang làm việc với hai anh công an. Té ra, bộ ảnh trên chưa thể ra mắt vì chưa được cấp phép của Sở VHTTDL Bà Rịa – Vũng Tàu. Và thầy Phong ký vào biên bản làm việc là trong khi chờ cấp phép sẽ không được truyền bá những ảnh trong bộ “Thoát”.

Hỏi chuyện thầy, vì sao có ý tưởng trên, thầy bảo có từ nhiều năm trước. Sở dĩ phải sử dụng một tổ hợp hoạt động trên vì “để giải quyết một vấn đề xã hội, phải dùng nghệ thuật sẽ tạo hiệu ứng xã hội mạnh hơn, vì người ta cũng không đọc sách nhiều. Làm sao để thông qua dự án “Thoát” sẽ thấy con người có khả năng chạm vào sắc dục, làm chủ nó, không rơi vào ngã!”.

Nhưng khi hỏi thầy về bộ ảnh chưa ra mắt được, thầy lại bảo: “Chuyện triển lãm không quan trọng lắm, chủ yếu là tôi muốn đọc những bài viết mang tính định hướng cho công chúng. Tôi làm theo một lộ trình cẩn trọng, làm nghệ thuật phải có trách nhiệm, đụng đến vấn đề tâm linh càng phải cẩn trọng”.

Khi phóng viên muốn xem ảnh “Thoát”, thầy từ chối và đề nghị xem thẻ nhà báo. Hỏi sâu hơn về thiền, thầy không hào hứng và ngại nói. Thầy bảo cũng có tập thiền, đọc sách Phật, nghiên cứu Phật và viết bài, in sách, nhưng chỉ là cư sĩ.

Một dự án nghe đầy tham vọng, nhưng tác giả của nó còn có phần mông lung và chưa rõ ràng trong ý tưởng, cũng như cách thức triển khai.”
*
Lấy câu “Trong các thứ ái dục, không gì đáng ngại bằng sắc dục…” (Kinh bốn mươi hai chương) làm chủ đề dẫn đường, bộ ảnh là sản phẩm đầu tiên của dự án Thoát. 12 ảnh chính thì chưa thấy, nhưng phần giới thiệu được làm khá cẩn thận từ khâu chuẩn bị, dưới hình thức “một câu chuyện-ảnh”.

Mở đầu là một cô gái (diễn viên Thái Nhã Vân) với chiếc vali kéo đến cổng Thiền viên.


Cô gặp người của Thiền viện.


Và được chỉ lối vào Thiền viện sống.


Tại Thiền viện, cuộc sống “đầy tình yêu thương, được sống trong chánh niệm, làm việc trong chánh niệm, có không gian và thời gian quan sát mọi hành vi, mọi việc gì cũng có thể học hỏi được.”



Trong Thiền viện, “việc gì cũng là Pháp, chỗ nào cũng là Pháp”.


Rồi Thiền định, “là phương tiện tốt để thanh lọc thân tâm” (trước khi chụp ảnh?)


Khi Thiền, “mọi việc dần dần rõ ràng hơn khi tâm thức an tịnh”.


Sau đó Thái Nhã Vân đã tham vấn Ni Sư Phó Trụ trì Thiền viện Chơn Không – Vũng Tàu “về những điều cô quan tâm”: “Sắc dục dưới góc nhìn Phật Giáo” (Lời giới thiệu thì nói thế, nhưng cô có quan tâm không Thái Nhã Vân? Hay thầy quan tâm?).


Qua sự hướng dẫn và diễn đạt của Ni sư, “Thái Nhã Vân đã nắm bắt và hiễu rõ bản thể của sắc dục.”… “Mọi hình tướng đều không thật thì sao ta phải bám víu vào thân mạng và sắc dục này”.


Rồi tới buổi giảng pháp Tánh không của thầy Huệ Phong cho diễn viên Thái Nhã Vân và nhiếp ảnh gia Nguyễn Trung.


Mục đích buổi giảng pháp này là “để nắm bắt được ý nghĩa của công việc, phương thức làm việc, tinh yếu của cuốn sách.”


Nhiếp ảnh gia và hai diễn viên “lễ Phật trước khi thực hiện bộ ảnh, hồi hướng mọi công việc đến chúng sanh được hạnh phúc”.

Sau đó bước vào thực hiện bộ ảnh, với nguyên tắc: “Cẩn trọng trong từng việc nhỏ, miên mật giữ chánh niệm trong suốt thời gian thực hiện bộ ảnh.”

*
Nhưng như đã biết, bộ ảnh “Thoát” chưa thể ra mắt. Lam Hồng của bariavungtau.com khi phỏng vấn Huệ Phong, đã được ông cho biết:

“Thật sự đây là một ý tưởng rất lâu rồi, tôi cũng có trao đổi với một số người thiện tri thức, các thượng tọa thì tất cả đều chia sẻ công việc này rất khó. Và quan trọng nhất là phương thức thực hiện như thế nào cần thận trọng. Vì không dễ dàng gì, ngay cả Đức Phật cũng đã thốt lên: ‘Sự ham muốn không gì hơn sắc đẹp, sự ham muốn sắc đẹp ngoài nó không có gì lớn bằng, cũng may chỉ có một mình nó mà thôi. Nếu có cái gì thứ hai bằng nó thì người khắp thiên hạ không ai có thể tu hành được.”

Giải thích về vai trò của sắc dục, thầy Huệ Phong nói với Lam Hồng:

“Sắc dục từ cổ chí kim nó tồn tại trong đời sống con người như một thứ không thể thiếu trong tất cả thành phần và đối tượng. Nó đem lại hạnh phúc, cũng đem lại khổ đau. Con người nắm bắt nó trong trạng thái ngã, dính mắc nên trở thành nô lệ hay sử dụng sắc dục ở tầng rất thấp, thậm chí có thể nói thô thiển. Sự huân tập trong quá khứ và hiện tại tạp khí đã bám víu con người khó có thể tự do với nó được. Khi hành thiền và quan sát, tôi nhận thấy một điều con người có thể làm chủ được nó, tự do với nó, hoặc sử dụng nó đúng đắn hơn… Đã làm chủ được sắc dục là cái mạnh mẽ nhất, thì có thể làm chủ được mọi việc. Trong đó không ngoài hướng đến an lạc và hạnh phúc con người.”

Đánh giá về dự án, tác giả Huệ Phong tự nhận xét:

“Đây quả là một ý tưởng độc đáo, có thể nói chưa có một trường hợp nào một ý tưởng, một kịch bản mà bao quát được hết tất cả các nghệ thuật: tranh, lịch, sách ảnh, tượng, truyện, nhạc, sân khấu, điện ảnh.”

BẤT ỔN Ở TÂN CƯƠNG, TRUNG QUỐC - SỨC ÉP NGÀY CÀNG TĂNG

Ong Bắp Cày


Các phương tiên thông tin đại chúng của Trung Quốc đêm 29/7 đồng loạt đưa tin, hàng chục người, cả người Hán và Duy Ngô Nhĩ, đã chết và bị thương trong một cuộc tấn công khủng bố ở khu vực Tân Cương bất ổn.

Tính cả các vụ lớn nhỏ, chỉ ở khu vực Tân Cương, thì đây là đợt tấn công khủng bố lần thứ 11 nhằm vào chính phủ, với hình thức phổ biến là tấn công vào đồn cảnh sát, ga tàu và nơi công cộng khác.

Cảnh sát tuần tra ở Urumqi khi các cuộc tấn công khủng bố diễn ra ngày càng nhiều tại khu vực này - Ảnh: AP

Tân Hoa xã cho biết một nhóm người cầm dao và rìu tấn công trụ sở chính quyền và đồn cảnh sát ở thị trấn Elixku huyện Yarkand (còn họi là Shache) ở khu Kashgar sáng sớm thứ Hai, sau đó một số kẻ còn tấn công các cư dân ở thị trấn Huangdi cách đó không xa.

Các nguồn tin cho hay, cảnh sát cho đã được lệnh bắn chết hàng chục kẻ tấn công và mô tả vụ việc này là một hành động khủng bố “có tổ chức và tính toán trước". Tuy nhiên, bản tin của Tân Hoa xã không đưa ra con số thương vong chính xác trong vụ Kashgar.

Theo cảnh sát, ít nhất sáu ô tô bị đốt và 25 chiếc xe khác bị phá hoại.

Vụ tấn công Kashgar xảy ra sau một loạt các vụ bạo động ở Tân Cương và các nơi khác trong những tháng gần đây.

Bắc Kinh đổ lỗi vụ việc cho những kẻ cực đoan đòi độc lập cho khu vực, trong khi các nhóm Tân Cương lưu vong và các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng nguyên nhân sâu xa là do chính phủ kiềm chế ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ.

AFP dẫn lời ông Dilxat Raxit, phát ngôn viên của nhóm lưu vong mang tên Đại hội Tân Cương thế giới, cho biết hơn 20 người Hồi Duy Ngô Nhĩ đã bị cảnh sát vũ trang bắn chết, 10 người khác bị thương. Ông Raxit trích dẫn nguồn tin địa phương cho biết tổng cộng có 13 nhân viên an ninh chết và bị thương, 67 người bị bắt giữ.

Người dân địa phương nói với SCMP rằng việc truy cập Internet tại hai huyện trong khu vực Kashgar đã bị cắt sau vụ tấn công, trong khi một nguồn tin địa phương khẳng định với SCMP rằng đã có sự cố đẫm máu ở thị trấn Shache.

Các huyện Shache và Makit trực thuộc sự quản lý của Kashgar, nơi đã xảy ra một số sự cố bạo lực những năm gần đây. Tháng trước, cảnh sát bắn chết 13 người tấn công một đồn cảnh sát ở huyện Yecheng, gần Kashgar.

Theo các nhà quan sát, tình trạng này cho thấy những bất ổn bên trong xã hội Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, mà được dự báo sẽ vẫn còn tiếp tục gia tặng. Ở những vùng lãnh thổ khác của nước này, tình trạng xung đột sắc tộc, xu hướng ly khai tự trị cũng có chiều hướng ngày càng trầm trọng và quyết liệt.

Nhiều người cũng nghĩ rằng, những mâu thuẫn trong lòng xã hội Trung Quốc thời Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình đã được đẩy lên tới giới hạn bạo lực, và đó chính là một trong những lý do để nước này đẩy sức ép ra bên ngoài lãnh thổ nhằm cứu vãn tình thế.

Hót: BẮT CHỦ TỊCH VÀ TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG XÂY DỰNG VIỆT NAM

Bắt Chủ tịch và Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam


Chiều 29/7, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phạm Công Danh và Phan Thành Mai. 

Theo thông tin ban đầu, bị can Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) đã ký hợp đồng hợp tác, thuê bất động sản để đặt trụ sở văn phòng.

Lợi dụng việc này, Danh đã đặt cọc và ứng trước với bên cho thuê hơn 1.000 tỉ đồng. Hợp đồng giữa VNCB với bên cho thuê kéo dài 40 năm. Liên quan đến vụ việc, cơ quan chức năng cũng bắt khẩn cấp Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc VNCB.

Tiền thân của VNCB là Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank). VNCB chính thức thành lập vào ngày 29/5/2013 và gây "sốc" cho dư luận. VNCB có các cổ đông lớn kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản chiếm 74% cổ phần.

Phạm Công Danh là cổ đông lớn chiếm đến 6% cổ phần và hiện đang làm chủ Tập đoàn Thiên Thanh có trụ sở tại Long An.

Nguồn PetroTimes

KHỞI TỐ VỤ ÁN VỠ ĐƯỜNG ỐNG NƯỚC SÔNG ĐÀ

Khởi tố vụ án vỡ đường ống nước sông Đà


TPO - Sáng nay, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà xảy ra liên tiếp thời gian vừa qua tại Hà Nội.

Ảnh: N.Tú

Trao đổi với Tiền Phong Online sáng nay, 29/7, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (C46), Bộ Công an - xác nhận, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà xảy ra thời gian vừa qua.

Theo Thiếu tướng Thịnh, bước đầu cơ quan công an khởi tố vụ án để điều tra về Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, khoảng 4h sáng 12/7, đường ống dẫn nước sạch Sông Đà, tại Km15, Đại lộ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội) tiếp tục bị vỡ, khiến việc cấp nước cho hơn 70.000 hộ dân ở các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Từ Liêm... bị gián đoạn.

Điểm vỡ ống nước lần thứ 9 này chỉ cách điểm vỡ lần 8 vài km và công việc khắc phục mới hoàn tất cách đây một ngày. 

Tuy liên tục xảy ra sự cố vỡ đường ống nước sạch như trên, song ngày 16/7 UBND TP Hà Nội vẫn thống nhất đồng ý để Tổng công ty Vinaconex đầu tư xây dựng tuyến đường ống truyền dẫn số 2 từ QL 21 về đường vành đai 3 thành phố Hà Nội.

Vụ án đang được khẩn trương điều tra làm rõ.

Vụ Đại Gia Tuyên Quang Vũ Hữu Lợi: BIẾT TIN AI BÂY GIỜ?

Ong Bắp Cày

Một con người là "đại da" Vũ Hữu Lợi ở Tuyên quang mà có 2 bài báo trái ngược cùng đăng trên Vitalk.

Như thế này thì mình chịu, không biết đâu là sự thật. Biết tin ai bây giờ?

Đúng là các nhà báo hiểm thật. Mời các bạn đọc cả hai bài nhé.

Bài 1: 
Đại gia Tuyên Quang Vũ Hữu Lợi sở hữu dàn siêu xe khủng nhất và có nhiều con cái

(Baoxehoi) Là doanh nhân chịu chơi bậc nhất Việt Nam Vũ Hữu Lợi đang ngày càng khẳng định được mình hơn trên nhiều lĩnh vực mời bạn đọc cùng xem những hình ảnh mới nhất của doanh nhân thành đạt gốc Tuyên Quang này. Một điều đặc biệt: Tỷ phú Vũ Hữu Lợi có thể có nhiều con cái "Gửi ngoài" với hàng chục người yêu, người tình của mình. Theo một số tờ báo anh Vũ Hữu Lợi sở hữu bộ sưu tập người đẹp trong và ngoài nước. Anh còn là một hot boy đẹp trai khiến nhiều cô gái nghiêng ngả vì mình.

Vũ Hữu Lợi và dàn siêu xe trăm tỷ khủng nhất Việt Nam

Anh thường xuyên xuất hiện trong các buổi tiệc hoành tráng và bên cạnh những doanh nhân lớn ở Sài Gòn, Hà Nội


Vị tỷ phú người Tuyên Quang này có sở thích là chơi siêu xe chiếc xe Anh "yêu" nhất trong bộ sưu tập xe khủng và hiếm hàng đầu Việt Nam có giá 23 tỷ đồng là Lamborghini Murcielago LP640 mui trần có 1 chiếc duy nhất ở Đông Nam Á.

Vũ Hữu Lợi nổi tiếng với việc đã chơi là mua cả dàn, Anh sở hữu đến 12 siêu xe siêu sang với những tên tuổi lừng danh, Những chiếc xe anh sở hữu đều là niềm mơ ước của nhiều đại gia khác. (Ảnh Hoàng Hải)

Anh từng bỏ ra hàng tỷ đồng để quảng cáo cho mình nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông, đại chúng

Anh lọt tốp 10 doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam 2013. là người được ngưỡng mộ bởi sự tài năng. Các doanh nhân lớn khác phải nể phục đại gia Tuyên Quang Vũ Hữu Lợi.

Niềm đam mê siêu xe đã "ngấm sâu" vào máu của vị đại gia này, anh còn "hàng chục tay chân" dưới mình. Có báo còn nói " Ông trùm siêu xe Việt Nam Vũ Hữu Lợi luôn xứng danh bậc nhất Việt Nam"


Vũ Hữu Lợi có mối quan hệ sâu rộng với các doanh nhân trong và ngoài nước​

Anh có tình yêu "vô hạn" với nhiều người đẹp, những tấm hình giản dị hiếm hoi của vị tỷ phú Vũ Hữu Lợi.


Thậm chí có người còn nói vị tỷ phú Vũ Hữu Lợi có nhiều con cái tuy nhiên anh chưa muốn làm đám cưới, dư luận rất quan tâm xem Vũ Hữu Lợi đã có mấy con "gửi ngoài" rồi


Tình yêu là điều quan trọng nhất với vị đại gia đình đám bậc nhất Việt Nam này

Anh Lợi luôn triết lý "Cuộc đời là phải cố gắng đến tận cùng, đã làm là .... không bỏ sót"

Anh rất đam mê thiền, Lúc rỗi sau những thời gian cố gắng làm xong những công việc trong kinh doanh vị đại gia thường dành cả buổi tối để thiền.

Thông tin thêm:

Vũ Hữu Lợi sinh năm 1979 là một trong số những tên tuổi chịu chơi siêu xe hạng nhất Việt Nam cùng với đại gia Cường đô la, Minh Nhựa về từ thiện anh học tập Đại gia Nguyễn Thị Liễu, đại gia Lê Ân và thậm chí là Huỳnh Uy Dũng. Anh coi đại gia Lê Ân là thần tượng để mình học tập về độ chịu chơi và làm từ thiện, anh mua một chiếc kính 4 tỷ đồng khi đại gia Lê Ân mua giường 6 tỷ được biết Vũ Hữu Lợi sở hữu dàn loa trị giá 21 tỷ đồng khủng nhất Việt Nam.

Cao Cường - Phan Anh (Báo xe hơi và đời sống / Vitalk.vn)

Bài 2: 
Vũ Hữu Lợi, đại gia bán hàng đa cấp "chém gió" có hàng trăm tỷ

Lâu nay nhiều người cứ nghĩ anh đại gia Tuyên Quang Vũ Hữu Lợi đẹp trai, giàu có, sở hữu dàn siêu xe trăm tỷ, dàn âm thanh 21 tỷ, đến cái kính mắt cũng 4 tỷ. Nhưng hóa ra đây là đại gia đa cấp, toàn đồ đi mượn rồi chém.

Chém bão chứ chả phải gió.



Từ thành phố Tuyên Quang, xuôi theo con đường lên Hà Giang khoảng 15km là đến xã Tứ Quận – nơi sinh của vị doanh nhân mới nổi có tên Vũ Hữu Lợi. Con đường mấp mô, gồ gề, bụi mù với những ngôi nhà nằm buồn thiu bên sườn đồi, đặc trưng của một xã miền núi. Đi vài vòng quanh xã, hỏi han về ngôi nhà đang được xây dựng với giá 60 tỷ, người dân nơi đây chỉ biết lắc đầu: “Không có đâu”. Khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm được nhà của vị doanh nhân Vũ Hữu Lợi, người được báo chí tung hô “hỏi cả tỉnh ai cũng biết” này.

Đến thôn Đồng Cầu hỏi người dân về hoàn cảnh gia đình Vũ Hữu Lợi, ai cũng bất ngờ khi biết rằng anh ta đang được tung hô là “đại gia triệu đô”. Theo thông tin của một số người dân, “doanh nhân” Hữu Lợi là con út trong gia đình bình thường ở địa phương, bố làm nghề sửa xe, mẹ giáo viên mầm non. 5 anh em của Lợi, người sửa xe đạp, người sửa xe máy, người bán tạp hóa. Mấy người dân nói ngay: “Lợi là dân bán hàng đa cấp”.

Cách đây gần 2 năm trước, khi Lợi cưỡi siêu xe Lamborghini có giá trên chục tỷ về, người dân phố núi nơi anh sinh sống không khỏi “sửng sốt”, thích thú. Tuy nhiên, gần hai tháng đem xe về nhà, Lợi chỉ “đắp chiếu” một chỗ, thỉnh thoảng mới cho xe nổ một lúc, hoặc lái ra đường khoảng vài cây số cho “bà con chiêm ngưỡng” rồi về.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến gia đình Vũ Hữu Lợi. Thông tin cho rằng Lợi đang xây cho bố mẹ ngôi nhà 4 tầng trên mảnh đất 500m2 với giá khoảng 60 tỷ. Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt, đó chỉ là ngôi nhà nhỏ, phủ đầy rêu mốc và bình thường như bao ngôi nhà xung quanh khác.

Theo bà Sản, mẹ doanh nhân Hữu Lợi thì Lợi là con út và niềm tự hào trong gia đình. Ngay từ nhỏ Hữu Lợi đã học rất giỏi và mê sưu tập những bức ảnh về ô tô, xe máy. Hết cấp 3, Lợi đỗ một lúc 2 trường là Đại học sư phạm Thái Nguyên và Đại học văn hóa. Với mong muốn được làm diễn viên, đạo diễn, Lợi chọn theo học trường Đại học văn hóa. Tốt nghiệp, không làm việc theo chuyên ngành được học, Lợi về Tuyên Quang bán bảo hiểm.

“Mới ra trường mà nó đã có thu nhập trên chục triệu/tháng. Đó là mức thu nhập mơ ước của bao người ở thời đó. Nhưng nó làm được khoảng gần 1 năm thì có một người tên là Thúy đến tận gia đình mời về Tập đoàn Vision để làm. Và đó là bước ngoặt của Lợi, bởi bây giờ nó trở thành diễn giả thế giới, có nhà lầu, xe hơi sang trọng, đi công tác nước ngoài như “cơm bữa”, người yêu toàn là người mẫu, ca sĩ…”, bà Sản chia sẻ, vẻ mặt đầy tự hào.

Hỏi về ngôi nhà, bà Sản cho biết đã được xây dựng từ năm 2005 với giá khoảng 450 triệu đồng, chứ không phải tiền tỷ. Cũng theo chia sẻ của bà Sản thì trước đây, Lợi cho đem một tập tài liệu lớn về quê, bảo rằng nếu ai muốn theo anh làm giàu, trở thành doanh nhân thì trước hết phải từ bỏ thuốc lá, rượu bia, đầu tóc gọn gàng, chải truốt, ăn mặc hàng hiệu, phong thái đĩnh đạc… Tuy nhiên, không ai thực hiện được yêu cầu nên nó không đưa đi “làm giàu”.

Hỏi về việc có biết hiện thông tin giờ Lợi sở hữu nhiều ngôi nhà, biệt thự, siêu xe và thú chơi cây cảnh, công nghệ “triệu đô”, làm từ thiện không tiếc tay, bà Sản có vẻ dịu giọng, ngượng nghịu bảo rằng: “Nói thật chứ thấy họ bảo nó có nhà ở TP Tuyên Quang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… nhưng gia đình tôi có ai được nhìn thấy đâu. Còn xe thì cũng chỉ nghe nói thôi…”. 

http://petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/su-that-ve-dai-gia-choi-sieu-xe-o-tuyen-quang.html
(Petrotimes) - Thời gian gần đây, để tô vẽ cho bản thân hòng đổi lấy sự nổi tiếng, nhiều người đã tự ý lên các trang mạng xã hội khoe nhà, khoe xe… nhưng sự thật cuối cùng là những tài sản ấy đều là đi mượn. Kỷ lục của kiểu “chém gió” ấy có lẽ đang thuộc về một đại gia đất Tuyên Quang mới nổi tên là Vũ Hữu Lợi với khối tài sản “ảo” hàng trăm tỷ đồng.