Khoai@
Cả tháng nay một số báo đã "cầm đèn cháy trước ô tô" loan báo rằng, Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành vào đầu tháng 4/2019. Nhưng thực tế, thông tin trên là bịa đặt. Từ trước đến nay, chính quyền Hà Nội và ngay cả Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội chưa một lần nào phát ngôn như vậy.
Mới đây nhất, vào ngày hôm qua, 19/3, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội khẳng định đầu tháng 4 đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Động chưa thể chở khách...Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mới kiểm tra hiện trường, có chỉ đạo phấn đấu làm sao cuối tháng 4 có thể thử nghiệm chở khách.
Dù chưa có phát ngôn nào như vậy nhưng Hà Nội đã chuẩn bị kĩ các phương án nhận bàn giao và sau đó là vận chuyển khách. hà Nội cũng đã tính toán kỹ các phương án phân làn giao thông và đảm bảo môi trường, đảm bảo phù hợp với đời sống dân sinh.
Tuy nhiên, để sẵn sàng cho vận hành, Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội đã có 34 lái tàu được đào tạo tại Bắc Kinh, Trung Quốc trong 1 năm (6 tháng lý thuyết, 6 tháng thực hành). Số lái tàu này đã về nước và sẵn sàng đáp ứng như cầu hoạt động bất cứ lúc nào. Công ty cũng đảm bảo số lượng lái tàu để mỗi tài công không lái quá 4 tiếng liên tục. Hiện nay, công ty cũng đã cử tiếp một đoàn học viên đi học lái tàu ở Trung Quốc.
Đáng chú ý, việc đánh giá, kiểm định và cấp phép lái tàu sẽ do một đơn vị độc lập của Châu Âu thực hiện, không phải do phía Trung Quốc "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài 13,1km, với 12 nhà ga. Mỗi ga được bố trí các thiết bị như thang máy (phục vụ người khuyết tật), thang cuốn (chiều lên nhà ga), thang bộ (chiều từ nhà ga đi xuống). Toàn tuyến có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách.
Thời gian vận hành từ 5 giờ đến 23 giờ hàng ngày, tần suất vào giờ cao điểm 5-6 phút/chuyến, giờ bình thường 10 phút/chuyến; vận tốc khai thác bình quân 35km/giờ, như vậy thời gian từ Cát Linh đến Hà Đông bình quân 23 phút.
Trong 1 ngày, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành 288 lượt, năng lực vận chuyển tối đa 260-270 nghìn hành khách mỗi ngày, đáp ứng vận chuyển 55-65% tổng lưu lượng giao thông trên tuyến. Trong 3 năm đầu khai thác, vận hành, trung bình 1 năm tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ vận chuyển từ 30-40 triệu hành khách, năng lực vận chuyển này sẽ tăng dần theo các năm.
Ngày 5/3/2019, UBND Thành phố Hà Nội đã họp thông qua phương án giá vé, hiện đang được lấy ý kiến đóng góp của công dân trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội. Phương án giá vé trên được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí: Thu nhập người dân và khả năng chi trả; sự cạnh tranh với các phương tiện khác; khảo sát chi phí người dân; cân đối chi phí vận hành và khả năng trợ giá của ngân sách Nhà nước. So với giá vé xe buýt cùng hạng thì mức giá đường sắt đô thị như trên cao hơn 1,57 lần, nhưng tốc độ di chuyển lại nhanh hơn 2,1 lần so với xe buýt (không kể xe buýt bị tắc đường).
Cần nói thêm rằng, Đường sắt Cát Linh - Hà Đông hay các hình thức giao thông công cộng khác ở Hà Nội không phải là hình thức kinh doanh lấy lãi mà mục tiêu phục vụ lợi ích công. Theo đó, tính giá trị phải tính đến tổng thể các lợi ích đem lại như giảm tắc đường, giảm thời gian di chuyển, giảm ô nhiễm môi trường do khói bụi, tiếng ồn...