Cắt dọc 1 que thử HIV và viêm gan B để làm cho 2 bệnh nhân. Xét nghiệm ELISA chẩn đoán HIV và viêm gan B bằng cách trộn lẫn máu của 4 bệnh nhân rồi cho vào 1 giếng hóa chất, thay vì mẫu máu của mỗi bệnh nhân 1 giếng, nếu kết quả âm tính thì trả chung cho cả 4 bệnh nhân, chỉ khi dương tính mới làm lại.
Sự việc được cho là vừa xảy ra ở Bv Saint Paul (Hà Nội).
Nội dung được ghi lại tỉ mỉ trong phóng sự VTV24 của Đài Truyền hình Việt Nam, phát sóng vào ngày hôm qua (9/12). Báo chí sau đó đồng loạt đăng tin, bệnh viện ngay lập tức đình chỉ công tác 3 cán bộ liên quan, dư luận cả trong và ngoài ngành y đều hỗn loạn.
Nếu đúng như trong phóng sự thì đó là việc làm sai trái không thể chấp nhận!
Là một bác sĩ công tác 20 năm ở Bv Saint Paul, tôi biết một điều chắc chắn rằng Ban Giám đốc Bv Saint Paul ở bất kì thời điểm nào cũng không cho phép các khoa phòng làm những điều sai trái, nhưng trong thực tế, đã xảy ra câu chuyện như phóng sự của VTV24 phản ánh.
Tôi cũng biết các khoa phòng, hay mỗi nhân viên trong bệnh viện, trong đó có cả khoa Vi sinh, đang cố gắng làm tốt nhất có thể cho người bệnh. Bởi vậy mà sự việc xảy ra như VTV24 và báo chí đăng tải, đã làm cho tôi ngạc nhiên, đồng nghiệp ở các bệnh viện khác cũng rất hoang mang, người dân không tránh khỏi sốc.
Trong lúc chờ cơ quan chức năng làm sáng tỏ vấn đề, tôi xin đưa ra góc nhìn chủ quan của mình, trên cơ sở những hiểu biết và trải nghiệm hạn hẹp của tôi, như một nội dung để ai đó quan tâm có thể tham khảo.
Đầu tiên tôi muốn nói đến là việc cắt dọc que thử HIV và viêm gan B.
Thật khó khăn để tôi hay bất cứ bác sĩ nào có thể lên tiếng trả lời việc cắt dọc que thử HIV và viêm gan B có làm sai lệch kết quả hay không. Phóng sự của VTV24, có thể gây ra một cú sốc lớn cho cả xã hội, nhưng với tôi chỉ có sự ngạc nhiên. Bởi tôi có nghe một vài đồng nghiệp kể lại, y tế ở nước ta những năm 2000 vô cùng khó khăn, trong khi đại dịch HIV/AIDS hoành hành mà que thử nhập về chỉ có hạn, nên một số cơ sở y tế và tổ chức nhân đạo chẳng còn cách nào khác ngoài “sáng kiến” cắt dọc 1 que thử để làm cho 2 bệnh nhân.
Tôi tin chắc cả thế giới này không có đâu làm vậy.
Ở Việt Nam đầu những năm 2000 có thực sự cắt dọc que thử HIV hay không, theo tôi cần phải kiểm chứng thêm, chưa kể có thể làm thực nghiệm cắt một số que để thử trên các mẫu.
Nhìn bằng mắt thường, trên que thử các kháng thể phủ đều đường ngang, có lẽ vì thế mà kinh nghiệm của một số người, một số cơ sở y tế cách đây 20 năm thấy rằng việc họ cắt dọc que thử vẫn cho kết quả “chính xác”.
Tôi cho rằng, y tế hay bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, đã trải qua một thời kì quá khó khăn, nhiều những sáng kiến ở thời điểm đó được coi là giải pháp tốt. Nhưng ở thời điểm hiện tại, không có lí do gì để cắt đôi que thử, nếu hành động này xảy ra thì ít nhất đó là gian lận.
Và nếu giả thiết là gian lận, thì tôi thử làm phép tính mỗi que thử giá 30 ngàn, ngày làm 100 test dôi ra được 50 que thử, số tiền thu lại 1,5 triệu đồng chia cho cả khoa; dường như có điều gì đó không hợp lí.
Vấn đề thứ 2 trong phóng sự VTV24 là hành vi trộn 4 mẫu máu làm 1.
Về kĩ thuật, việc trộn máu như vậy không có gì mới, nó chỉ là một phương pháp chẩn đoán sàng lọc dựa trên nguyên tắc toán học đã được thế giới áp dụng từ lâu, với tên gọi là “kiểm tra nhóm – group testing”.
Nguồn gốc phương pháp này xuất phát từ thế chiến 2, quân đội Mỹ tuyển binh với yêu cầu không bị bệnh giang mai, nên bắt buộc phải làm xét nghiệm sàng lọc.
Hàng triệu ứng viên quân dịch, mỗi người một mẫu máu, nếu làm xét nghiệm cho từng người thì sẽ tốn rất nhiều thời gian, rất nhiều công sức, rất nhiều tiền bạc. Giả sử tỉ lệ nhiễm bệnh giang mai trong cộng đồng Mỹ là rất cao, từ 60-70% chẳng hạn, thì việc xét nghiệm cho từng người là bắt buộc. Nhưng thời điểm WW2 đó, 10 ngàn người Mỹ mới có 1 người mắc bệnh giang mai, vậy rõ ràng việc xét nghiệm cho tất cả mọi thanh niên ở độ tuổi tuyển quân là không phù hợp.
Robert Dorfman và David Rosenblatt là hai nhà kinh tế học làm việc cho phòng quản lý giá cả (Office of Price Administration) của Mỹ, họ đã đưa ra lời giải cho vấn đề này rất đơn giản, nội dung được đăng trên “Biên niên sử Thống kê Toán học - The Annals of Mathematical Statistics” số 4 năm 1943.
Ý tưởng của Dorfman và Rosenbatt là trộn lẫn nhiều mẫu máu thành một nhóm rồi làm xét nghiệm 1 lần, nếu âm tính thì trả lời kết quả chung cho tất cả nhóm không bị bệnh giang mai, dương tính thì xét nghiệm riêng từng người trong nhóm.
Bài toán tổng quát được Dorfman và Rosenbatt đặt ra là: Có N mẫu máu, tính theo xác suất thì khả năng có d người dương tính, yêu cầu thiết kế nhóm để sao cho số lần xét nghiệm càng ít càng tốt.
Kể từ năm 1943, sau bài báo của Dorfman và Rosenbatt, môn “kiểm tra nhóm – group testing” ra đời. Lúc đầu nó được xem là môn thiết kế nhóm thống kê. Nhưng càng về sau càng phát triển và ứng dụng rất rộng rãi. Hàng loạt các tác giả đã xây dựng những công thức toán học, cho phép tính toán tối ưu hóa, mang lại hiệu quả vô cùng hữu ích.
Tôi thích công thức của Li xây dựng năm 1962:
T = e/log2(e)xdlog2(N)
Giả sử khoa Vi sinh làm xét nghiệm ELISA cho 100 bệnh nhân, với xác suất mắc HIV là 0,3% trên địa bàn Hà Nội, thì theo công thức số bệnh nhân tối ưu nên trộn lẫn máu để xét nghiệm là 4, chỉ cần thực hiện bước đầu với 25 nhóm. Với nhóm âm tính thì trả lời kết quả chung, nhóm dương tính thì thực hiện xét nghiệm riêng rẽ từng mẫu máu, như vậy sẽ tiết kiệm được đáng kể thời gian, công sức và tiền bạc.
Còn rất nhiều công thức tính khác cũng được cho là tối ưu hóa.
Phương pháp “kiểm tra nhóm – group testing” có nhiều ứng dụng, bao gồm thống kê, sinh học, khoa học máy tính, y học, kỹ thuật và an ninh mạng. Trong y học, ngoài xét nghiệm định tính để sàng lọc những bệnh có độ lưu hành thấp, thì còn ứng dụng trong kiểm định chất lượng thuốc, kiểm định vật tư trang thiết bị y tế, kiểm tra hệ thống bệnh viện.
Nhưng để thực hiện trộn máu làm xét nghiệm theo phương pháp “kiểm tra nhóm - group testing”, bắt buộc phải xây dựng quy trình trên cơ sở các luận cứ khoa học, quy trình đó phải được hội đồng khoa học xem xét, rồi giám đốc bệnh viện phê duyệt.
Vậy có hay không việc tự ý trộn mẫu máu bệnh nhân sai quy trình?
Tôi cho rằng chúng ta chưa thể kết luận vấn đề theo cách một chiều. Vẫn biết gian lận có thể là thói quen, khi một tập thể càng nhiều người hợp lí hóa gian lận, thì nó trở thành văn hóa của sự thiếu trung thực, tạo nên cái vòng luẩn quẩn gây ra những hệ lụy rất nguy hiểm. Bởi vậy mà phản ánh của VTV24 và các báo, tôi cho là rất quan trọng, để tất cả các bệnh viện siết chặt lại quản lí, xây dựng cơ chế ngăn chặn gian lận tránh những hậu quả nguy hiểm cho người bệnh và hệ thống y tế.
Cảm tính từ cá nhân tôi, suốt nhiều năm nay tôi theo dõi khối xét nghiệm nói chung và khoa Vi sinh nói riêng, tôi học được rất nhiều những bài học về cách thức làm việc ở nơi đây; đó là tính chuyên nghiệp, sự vượt khó vươn lên, chưa bao giờ tôi thấy nhân viên khối xét nghiệm lấy tiền của người bệnh, chưa phát hiện những trường hợp cố ý làm sai quy trình (mà ngược lại thấy quy trình làm việc khá chặt chẽ và nghiêm túc).
Tôi cũng tiếp xúc với với Ths Bùi Thị Loan phụ trách khoa qua nhiều chuyến công tác cùng nhau, chúng tôi không thân nhau nhưng tôi thấy đó là một phụ nữ thông minh, có chuyên môn tốt, chịu khó cập nhật kiến thức mới, đam mê công việc và nhiệt tình. Một người phụ nữ như vậy, tôi không tin Ths Loan có sự gian lận, nếu có thì phải là điều gì đó vượt ngoài những quy chuẩn đạo đức người bác sĩ.
Vậy đang có chuyện gì xảy ra ở khoa Vi sinh?