Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

Cán bộ Ban dân tộc tỉnh Nghệ An bị bắt để điều tra hành vi tham ô tài sản

Ông Kim Văn Bốn cán bộ phòng chính sách Ban dân tộc tỉnh Nghệ An vừa bị bắt giữ để điều tra hành vi tham ô tài sản.

Ngày 21/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng với Kim Văn Bốn (SN 1982, trú tại xã Nghi Phú, TP Vinh) cán bộ Phòng chính sách, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An để tiếp tục điều tra hành vi tham ô tài sản.

Ông Kim Văn Bốn người vừa bị công an bắt giữ.

Thông tin ban đầu cho biết, trong quá trình thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội dân tộc Ơ Đu tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, ông Kim Văn Bốn, là cán bộ Phòng chính sách, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thực hiện hành vi lập khống hồ sơ để rút tiền từ đề án. Gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước.

Hiện vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra, làm rõ.

Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 90% và 10% ngân sách đối ứng địa phương). 

Theo đó, đề án được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2016-2020) kinh phí 61,6 tỷ đồng; Giai đoạn 2 (2021-2025) kinh phí 58,4 tỷ đồng.

Quang Phong

Khởi tố, bắt giam 5 cán bộ buông lỏng quản lý đất đai tại Cần Thơ

(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ vừa khởi tố, bắt tạm giam hai tháng đối với Lê Văn Trứ (36 tuổi), Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Bình Thủy về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai. 

Công an TP Cần Thơ tiến hành khám xét nhà bị can Trứ.

Ông Trứ là người thứ 5 bị cơ quan CSĐT khởi tố, bắt giam do dính đến vụ sai phạm đất đai nghiêm trọng xảy tại quận Bình Thuỷ.

Bốn người bị khởi tố, bắt giam trước đó gồm: Lê Văn Vũ, Phó trưởng phòng, Huỳnh Trung Thanh, Lê Hồng Khánh (cùng là chuyên viên) và Trần Tuấn Anh, nguyên chuyên viên thuộc Phòng TN&MT Bình Thuỷ.

Trước đó, hồi giữa năm 2017, báo chí phản ánh tình trạng sai phạm đất đai ở quận Bình Thuỷ. Thời điểm đó, Thành uỷ, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo cho các Sở, ngành kiểm tra sơ bộ.

Sau đó, UBND TP Cần Thơ giao trực tiếp cho Thanh tra TP lập đoàn thanh tra đột xuất dự án đường nối CMT8 đến đường Tỉnh 918 và dự án Khu đô thị mới Võ Văn Kiệt (quận Bình Thuỷ).

Kết luận của Thanh tra TP Cần Thơ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án nói trên. Theo đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn quận Bình Thủy có nhiều sơ hở, yếu kém như: cho phép điều chỉnh loại đất, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định.

Xảy ra tình trạng tách thửa, chia lô, bán nền, xây dựng nhà không phép, sai phép, san lấp kênh rạch, lấn chiếm đất, hình thành nhiều khu dân cư tự phát có cơ sở hạ tầng thấp kém... làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đô thị quận Bình Thuỷ và TP Cần Thơ…

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ nổi cộm tại phường Long Hoà (quận Bình Thuỷ) là sai phạm của vợ chồng ông Sử Quang Thái và bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền.

Qua xác minh, các ngành chức năng quận Bình Thủy đã buông lỏng quản lý, ưu ái cho ông Thái và bà Tuyền được chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chia lô, bán nền, cấp phép xây dựng trái quy định; để xây dựng nhà sai phép, không phép nhưng không kiên quyết xử lý.

Đặc biệt, ông Thái đã san lấp rạch Mù U trái phép để làm đường đi tại khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa... hình thành nên các khu dân cư tự phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với công tác triển khai, thực hiện đề án khai thác quỹ đất TP (giai đoạn 2017 - 2021), do phải bồi thường giá đất thổ cư, bồi thường nhà, vật kiến trúc và tái định cư cho các hộ dân.

Theo Thanh tra TP Cần Thơ từ những sai phạm trên tại đây có khả năng hình thành điểm nóng trong giải quyết khiếu nại.

Ngoài ra, ông Sử Quang Thái còn được phép điều chỉnh vị trí đất ODT (đất đô thị), nhận chuyển nhượng đất lúa sai quy định. Đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất CLN (đất cây lâu năm) thành đất ODT của ông Lê Đức Thành, với diện tích gần 1ha đất ODT, trong đó khoảng 0,66ha chuyển mục đích sử dụng đất không đúng với quy hoạch.

Ông Thành còn nhận chuyển nhượng đất lúa sai quy định. Khu đất nói trên được sử dụng chủ yếu làm bến xe Thành Bưởi (theo quy định phải là đất chuyên dùng). 

Thanh tra TP Cần Thơ kiến nghị Chủ tịch UBND TP xem xét, xử lý theo thẩm quyền trách nhiệm của Chủ tịch và Phó Chủ tịch quận Bình Thủy (người trực tiếp ký văn bản) có liên quan đến các sai phạm đã chỉ rõ.

Sau đó, UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, điều về Sở Nội vụ đối với ông Lê Tâm Niệm (khi đó là Chủ tịch UBND quận) và ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Bình Thủy. 

Nhận thấy sai phạm đất đai nói trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên Thanh tra TP đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT xác minh làm rõ.

Đại tá Võ Văn Thăng, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ trả lời báo chí về vụ sai phạm đất đai tại quận Bình Thuỷ 

Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ khi đó đã trưng cầu Sở Tài chính giám định giá trị thiệt hại và định giá tài sản đối với quyền sử dụng đất phần diện tích chuyển mục đích sai quy định; việc ký hợp đồng với nhà tư vấn dịch vụ thẩm định giá tài sản với diện tích chuyển mục đích sai quy định để làm căn cứ xử lý.

Qua củng cố hồ sơ, cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã khởi tố vụ án hình sự về vi phạm quy định về các quản lý đất đai. Sau đó, tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với các bị can nói trên. 

Kim Trâm

Thêm 5 ca dương tính với SARS-CoV-2 nhập cảnh từ Mỹ, Nga, hiện Việt Nam có 401 ca bệnh

Bản tin lúc 6h ngày 22/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận 5 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Các trường hợp này trở về từ Mỹ và Nga, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, nâng tổng số trường hợp mắc tại Việt Nam lên 401 ca.

CA BỆNH 397 (BN397): Bệnh nhân nữ, 58 tuổi, ở Phường Trương Mỹ Tây, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 16/7, bệnh nhân từ Mỹ về Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN1, được cách ly sau nhập cảnh tại Trung đoàn 125, Cộng Hoà, Chí Linh, Hải Dương.

Bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh lấy mẫu xét nghiệm lần 1 ngày 17/7, kết quả nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2, ngày 20/7 lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính với SARS-CoV-2, mẫu được gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ngày 21/7 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương.


CA BỆNH 398 (BN398): Bệnh nhân nam, 25 tuổi, có địa chỉ tại Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định.

CA BỆNH 399 (BN399): Bệnh nhân nam, 25 tuổi, có địa chỉ tại Trung Dũng, Tiên Lữ, Hưng Yên.

CA BỆNH 400 (BN400): Bệnh nhân nam, 25 tuổi, có địa chỉ tại Tiên Phong, Ba Vì, Hà Nội.

CA BỆNH 401 (BN401): Bệnh nhân nam, 24 tuổi, có địa chỉ tại Điền Xá, Nam Trực, Nam Định.

Ngày 17/7, cả 4 trường hợp này từ Liên bang Nga (quá cảnh Belarus) về Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5062, được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Trung đoàn 814, tỉnh Hoà Bình.

Các bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoà Bình lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm ngày 18/7 nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2, mẫu lần 2 được gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm, kết quả xét nghiệm ngày 21/7 có 4 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện cả 4 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Trước đó đã có 12 ca dương tính với SARS-CoV-2 trên chuyến bay này ghi nhận tại Ninh Bình: 8 ca, Nam Định: 4 ca. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, trên chuyến bay này đã ghi nhận 16 ca dương tính.




Tổng số ca mắc: - Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 22/7: đã 97 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

- Tính đến 6h ngày 22/7: Việt Nam có tổng cộng 261 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

- Tính từ 18h ngày 21/7 đến 6h ngày 22/7: ghi nhận 5 ca mắc mới.


Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 12.484, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 114

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.239

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.131


Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 365/401 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 91,2 % tổng số ca bệnh COVID-19 của nước ta.

Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đều đã được Việt Nam điều trị khỏi

Tính đến sáng ngày 22/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 1 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 30 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.

Trong các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện nay, đa số đều có sức khoẻ ổn định, hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang điều trị 05 ca bệnh, tại Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa- Vũng Tàu điều trị 09 ca bệnh; Trung tâm y tế huyện Bình Sơn-Quảng Ngãi điều trị 01 ca bệnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu 02 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị 01 ca; Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu điều trị 01 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định điều trị 04 ca; Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình điều trị 08 ca; Bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương điều trị 01 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình điều trị 04 ca bệnh.

Thái Bình

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

Cảnh cáo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng, đề nghị kỷ luật Trung tướng Dương Đức Hòa

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáoThiếu tướng Nguyễn Hoàng; đề nghị Ban Bí thư kỷ luật Trung tướng Dương Đức Hòa.

Từ ngày 15 đến 17/7/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ 46. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, UBKT Trung ương nhận thấy:

Trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy, các đồng chí: Trung tướng Dương Đức Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân khu 2; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4; Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quân khu, nguyên Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2 và Đại tá Nguyễn Trọng Lương, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tham mưu, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Hoàng và Đại tá Nguyễn Trọng Lương; khiển trách Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng. UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Trung tướng Dương Đức Hòa.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật, đề nghị thi hành kỷ luật nhiều cán bộ

Chiều 20/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, từ ngày 15 đến 17/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan này đã tiến họp kỳ thứ 46.

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

Thứ nhất, sau khi xem xét các báo cáo: Kết quả kiểm tra Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBKT Tỉnh ủy Quảng Bình về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; kết quả giám sát Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai và Đắk Lắk về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; công tác cán bộ; lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết một số vụ án, vụ việc nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm và thực hiện trách nhiệm nêu gương; UBKT Trung ương yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát phát huy ưu điểm, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và sớm có biện pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra.

UBKT Trung ương yêu cầu UBKT Tỉnh ủy Gia Lai tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Gia Lai trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc và tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm đã được kết luận tại Kỳ họp 44 của UBKT Trung ương; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên, UBKT Trung ương quyết định:

- Thi hành kỷ luật: Khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Lê Quang Hào, Đảng ủy viên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Cảnh cáo đồng chí Mai Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên và đồng chí Trần Văn Tám, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tổng Công ty VEC. Khiển trách đồng chí Trần Quốc Việt, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên và đồng chí Nguyễn Văn Nhi, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty VEC.

- Yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty VEC nhiệm kỳ 2015 – 2020 theo quy định; Ban Cán sự đảng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo xử lý kỷ luật về hành chính và kịp thời bố trí công tác khác đối với đồng chí Mai Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên và đồng chí Trần Văn Tám, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tổng Công ty VEC.

Thứ ba, xem xét Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, UBKT Trung ương nhận thấy:

Trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy, các đồng chí: Trung tướng Dương Đức Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân khu 2; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4; Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quân khu, nguyên Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2 và Đại tá Nguyễn Trọng Lương, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tham mưu, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo các đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hoàng và Đại tá Nguyễn Trọng Lương; khiển trách Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng.

UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Trung tướng Dương Đức Hòa.

Thứ tư, qua kiểm tra giải quyết tố cáo và thi hành kỷ luật đảng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đối với đồng chí Đặng Phan Chung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai, UBKT Trung ương nhận thấy: Đồng chí Đặng Phan Chung đã can thiệp không đúng quy định vào hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Đặng Phan Chung.

Thứ năm, UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với:

- Đồng chí Nguyễn Hữu Tín, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và đồng chí Đào Anh Kiệt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh do vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

- Đồng chí Nguyễn Văn Điều, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình do đã vi phạm nghiêm trọng quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương và Luật giao thông đường bộ.

Thứ sáu, xét đơn khiếu nại kỷ luật đảng của đảng viên, UBKT Trung ương quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Bùi Tiến Lợi, do trong thời gian giữ cương vị Thượng tá, Chủ nhiệm Bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, Trường Sĩ quan Công binh, đã có những bài viết, phát ngôn trên mạng xã hội trái với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước.

Thứ bảy, cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với một số trường hợp và quyết định một số nội dung quan trọng khác./.

Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0: Đội lốt quốc gia khởi nghiệp

TP - Vẽ ra các dự án mang tầm quốc tế với sứ mệnh đưa hàng trăm nghìn người khởi nghiệp, Cty Cổ phần Tập đoàn Thời gian vàng Gold Time (gọi tắt Tập đoàn Gold Time) dùng đủ trò để huy động vốn từ người tham gia. Thậm chí, dù vừa thành lập, công ty này đã bán thương hiệu với giá cả nghìn tỷ đồng dưới mô hình “đa cấp” tự vẽ.

Nhiều quán cà phê sau khi hợp tác với Gold Time nhanh chóng nhận ra bản chất nên đã trở về hoạt động bình thường

Thương hiệu vô danh bán giá…nghìn tỷ

Thời gian gần đây, giới đầu tư không khỏi xôn xao trước mô hình “chỉ bỏ 3 triệu đồng, nhận cổ tức trọn đời” mà Tập đoàn Gold Time đang quảng cáo rầm rộ.

Trên khắp cả nước, hàng loạt quán cà phê bỗng chốc đổi biển hiệu, thay vào đó là các dòng chữ “Gold Time - cỗ máy kiếm tiền tự động”, “Khởi nghiệp cùng Gold Time”. Trên mạng xã hội, các group của Tập đoàn Gold Time liên tục được thành lập và kêu gọi người dân rót tiền đầu tư để sớm đổi đời, thu hút hàng nghìn người tham gia.

Trong vai nhà đầu tư, chúng tôi tìm đến văn phòng đại diện của Tập đoàn Gold Time tại số 16A ngõ 218 Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội). Tiếp chúng tôi là ông V.V.Đ, người tự xưng quản lý văn phòng đại diện của Gold Time tại Hà Nội.

Theo giới thiệu của người này, Tập đoàn Gold Time được thành lập vào tháng 10/2018, trong đó khởi đầu bằng việc kinh doanh chuỗi cà phê thương hiệu Gold Time Coffee. Mục tiêu của Gold Time Coffee là trở thành một thương hiệu mang tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ 4.0, ông Đ cho biết, việc nhượng quyền mà các thương hiệu cà phê như Trung Nguyên, Higlands, Milano…đang làm đã trở nên lỗi thời.
“Để phát triển nhanh chóng hệ thống của Gold Time Coffee, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khắc Đồi đã phát minh ra một “bí kíp” kinh doanh đi đầu xu thế của thế giới có tên gọi phân quyền, tức chia quyền làm chủ của công ty. Nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra 3 triệu đồng để mua quyền kinh doanh thương hiệu Gold Time là sẽ được hưởng trọn đời tất cả các quyền lợi”, ông Đ nói.

Theo ông Đ, có 2 hình thức để trở thành thành viên của Gold Time. Nếu nhà đầu tư có quán cà phê sẵn, sẽ hợp tác với tập đoàn theo hình thức liên kết phân quyền. 

“Với hình thức này, chủ quán chỉ cần cam kết kêu gọi 5 người tiếp tục mua phân quyền của Gold Time. Đổi lại, quán sẽ được hỗ trợ bảng hiệu, và mạng lưới khách hàng là các thành viên của công ty. Công ty không thu bất cứ % doanh thu nào từ quán. Thậm chí, việc giữ tên cũ hay để thương hiệu Gold Time là tùy chủ quán quyết định”, ông Đ nói. 

Còn cách hai, ông Đ cho biết, tất cả mọi người đều có thể tự do mua phân quyền bằng cách đăng ký tài khoản trên ứng dụng nội bộ của công ty. Sau đó, chuyển 3 triệu đồng vào tài khoản của đội ngũ hỗ trợ của Gold Time để mua điểm với giá trị 1 nghìn đồng tương đương 1 điểm. 

Sau khi tham gia, nhà đầu tư giới thiệu thêm người mua phân quyền sẽ được hưởng % hoa hồng. Cụ thể, nếu nhà đầu tư F0 bán trực tiếp phân quyền kinh doanh F1 sẽ được hưởng 10% giá trị và hưởng 0,5% (gián tiếp) các nhà đầu tư thứ cấp từ F2 đến F11. Giới thiệu càng nhiều người mua, nhà đầu tư càng được hưởng nhiều % hoa hồng.

Để các nhà đầu tư yên tâm, Tập đoàn Gold Time còn tặng cổ phiếu nội bộ với hứa hẹn giá cổ phiếu sẽ tăng vùn vụt trong thời gian tới. Ông Đ cho biết, nếu mua phân quyền vào thời điểm công ty thành lập, nhà đầu tư sẽ được tặng 60.000 cổ phiếu. Số này sẽ giảm theo từng tháng.

Khi mời chào tham gia, Gold Time dùng lời quảng cáo rất ngon ngọt, nhưng sau khi đầu tư, tất cả cổ đông đều không có tiếng nói, có thể bị đuổi ra khỏi nhóm bất cứ lúc nào

Hàng tháng, công ty sẽ chi trả cổ tức tương đương với số cổ phiếu nắm giữ. Trong tháng 6/2020, số cổ phiếu được tặng còn khoảng 1.000. Đến tháng 9, công ty “đủ tuổi” lên sàn chứng khoán sẽ không tặng nữa.

Nói đoạn, ông Đ đưa điện thoại ra khoe hàng trăm nhà đầu tư vừa đăng ký tham gia. “Tất cả các giao dịch đều thực hiện online rất nhanh chóng, tiện lợi. Cứ chuyển tiền vào tài khoản của Tập đoàn là xong, không cần phải ký tá, hóa đơn gì cả”, ông Đ nói.

Gold Time lấy tiền đâu trả cổ tức?

Sau khi tham gia vào hệ thống của Gold Time, một trong những vấn đề khiến nhà đầu tư băn khoăn nhiều nhất là việc: Gold Time chỉ tập trung liên kết với các quán cà phê mà không kinh doanh sản phẩm gì, công ty lấy tiền đâu trả cổ tức cho nhà đầu tư? 

Khi chúng tôi đặt câu hỏi này, ông Đ ấp úng không trả lời rồi giới thiệu chúng tôi tham gia các lớp học do ông Nguyễn Khắc Đồi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Gold Time trực tiếp đứng lớp.
 
Mặc cho thời kỳ dịch COVID-19, trên website của Gold Time vẫn cập nhật liên tục các buổi giảng mà ông Đồi đi là diễn thuyết trên khắp các tỉnh, thành cả nước. Trong các buổi giảng, vị chủ tịch HĐQT này thường nhấn mạnh đến cơ chế nguồn thu của Gold Time. Vị này cho biết, sau 2 năm hoạt động, Gold Time đã liên kết được với hơn 400 quán cà phê.

“Với số lượng này, tôi không quan trọng các anh chị, bán bao nhiêu ly cà phê mà quan trọng là bán được bao nhiêu phân quyền. Mỗi ngày, nếu mỗi anh, chị bán phân quyền thành công cho 5 khách hàng, chúng ta sẽ có 180 tỷ/tháng chưa kể số lượng hơn hàng chục nghìn thành viên tham gia mỗi tháng”, ông Đồi nói.

Ông Đồi cho biết, đến nay Gold Time đã có hơn 400 nghìn thành viên mua phân quyền thương hiệu. Tính ra, con số doanh thu của Gold Time lên tới cả nghìn tỷ đồng. Ông Đồi còn khoe, sắp tới, công ty sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng và phát triển hệ sinh thái gồm Gold Time Tech, Gold Time Gvina Capital, Gold Time Mart, Gvina Finance…

“Công ty sẽ biến hệ sinh thái này sánh ngang với những thương hiệu tầm cỡ như Amazon hay Alibaba… Gold Time cũng sẽ xây dựng cộng đồng khởi nghiệp vươn tầm quốc tế, trở thành trụ cột của quốc gia khởi nghiệp” - ông Đồi khẳng định. 

Những lời quảng cáo đầy tầm vóc của ông Đồi đã thu hút đông đảo người dân từ sinh viên, đến người già đều bỏ tiền tham gia. Nhưng khi trở thành thành viên trong hệ thống, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của nhà đầu tư về việc công ty hoạt động thiếu minh bạch và hành xử với nhà đầu tư như “xã hội đen”. Thậm chí, khi nhà đầu tư phản ánh những khúc mắc, công ty còn đánh bật tài khoản của họ ra khỏi hệ thống vì lo sợ hiệu ứng tiêu cực, khiến hệ thống dễ bị sập. 

Vì sao Gold Time nhanh chóng “nổi tiếng”?

Dù mới hoạt động chưa đầy 2 năm, nhưng Gold Time đã phát triển nhanh chóng mạng lưới thành viên, với khoảng 400 nghìn thành viên tham gia. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi bất ngờ khi nhận thấy Tập đoàn Gold Time được rất nhiều tờ báo, kênh truyền hình lăng xê dưới góc độ là một tập đoàn đi đầu trong phương thức kinh doanh “Phân quyền” và áp dụng công nghệ 4.0, cũng như trong công tác xã hội hiện nay.

Bất ngờ hơn, Tập đoàn Gold Time còn được Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội trao tặng giải “Sao vàng thương hiệu Việt - Doanh nhân vì sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước năm 2019”. 

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Bá Dục, Phó Chủ tịch Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội cho biết, việc trao tặng danh hiệu Sao vàng thương hiệu Việt, Hội không xuống tận nơi xem việc hoạt động của các công ty ra sao mà dựa trên đánh giá của nhiều cơ quan gửi về. 

Chẳng hạn, về mặt thương hiệu phải qua Cục Sở hữu trí tuệ, về chất lượng thì qua Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng hay doanh nghiệp có vấn đề gì bị xử lý hay không phải qua ngành quản lý thị trường. “Trên cơ sở đó, Hội căn cứ vào việc doanh nghiệp có hoàn thành nhiệm vụ hay không, đời sống nhân viên ra sao. Hội cũng mời các đơn vị trên vào ban giám khảo để đánh giá”, ông Dục cho hay.

Khi đề cập đến việc Tập đoàn Gold Time không kinh doanh sản phẩm gì và hoạt động như mô hình đa cấp mà vẫn được nhận giải thưởng, ông Dục cho biết, nếu cơ quan chức năng vào cuộc xác định đúng như vậy, Hội sẽ ra quyết định thu hồi danh hiệu.

Vỡ mộng đầu tư vào Gold Time

Tại Hà Nội, phóng viên Tiền Phong đã khảo sát hàng loạt các quán cà phê được giới thiệu liên kết với Tập đoàn Gold Time. Dù quảng cáo rầm rộ, nhưng trên thực tế, nhiều quán nhanh chóng nhận ra bản chất của Gold Time nên đã trở về hoạt động bình thường.

Tại một quán cà phê trên đường Cửa Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội), trao đổi với phóng viên, quản lý ở đây cho biết, vào cuối năm 2019, sau khi được chào mời hợp tác với thương hiệu Gold Time Coffee sẽ có nhiều quyền lợi, quán cũng liên kết với hi vọng sẽ tìm được thêm khách hàng.

“Ban đầu, Gold Time quảng cáo sẽ giới thiệu các thành viên của công ty thường xuyên đến đây. Nhưng sau đó, công ty chỉ tổ chức gặp mặt các thành viên đúng được một hôm ra mắt. Sau 2 tháng, chúng tôi thấy không hiệu quả và nhận ra mô hình hoạt động không khác gì đa cấp nên đã dừng hợp tác”, vị này cho hay.

Tương tự, tại một số quán cà phê nằm trên đường Quan Hoa, đường Trần Vỹ (Cầu Giấy, Hà Nội)...dù trên các website và các nhóm mạng xã hội, Tập đoàn Gold Time quảng cáo nằm trong chuỗi cửa hàng cà phê liên kết, khách hàng đến đây sẽ được giảm giá 10% đồ uống. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, các quán này đã chấm dứt liên kết chỉ sau một thời gian ngắn mua phân quyền.

Còn tại một số điểm ở khu vực Vạn Phúc (Ba Đình, Hà Nội), Vũ Tông Phan (Thanh Xuân, Hà Nội)…chỉ treo biển hiệu của Gold Time Coffee mà không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào.

Đối với các trang thương mại điện tử Gold Time Mart mà ông Nguyễn Khắc Đồi thổi phồng sẽ biến thành các thương hiệu tầm cỡ như Amazon, Alibaba…theo ghi nhận của phóng viên, chỉ là một trang web đơn giản với 4-5 mặt hàng quần áo, chất phụ gia...Còn mạng xã hội Gold Time Gvinawell, hay “báo điện tử” Gold Time24h cũng đều là những trang thông tin nội bộ với những thông tin sơ sài về công ty.

Bắt cựu cảnh sát Hàn Quốc trong đường dây buôn ma túy ‘đá’ xuyên quốc gia

ANTD.VN - Kim Soon Sik (SN 1960), từng là Cảnh sát của Hàn Quốc; được xác định giữ vai trò chủ mưu trong đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia. 

Đại tá Nguyễn Văn Viện (bên phải) - Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an đấu tranh với đối tượng Kim Soon Sik; và tang vật vụ án bị thu giữ

Ngày 20-7, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã thông tin ban đầu về việc phối hợp với các đơn vị chức năng triệt phá đường dây vận chuyển ma túy bằng xe container do đối tượng từng là một Cảnh sát Hàn Quốc cầm đầu, thu giữ 40kg ma túy tổng hợp dạng “đá”.

Theo đó, khoảng 0h30 ngày 19-7, tại cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và Cục phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy (Bộ Tư lệnh Biên Phòng) đồng chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động, Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan) triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ra nước ngoài tiêu thụ bằng đường biển. 

Đường dây này do đối tượng Kim Soon Sik (SN 1960), cầm đầu. Đáng chú ý, Sik từng là Cảnh sát của Hàn Quốc.

Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét khẩn cấp xe container 20 Feet có trọng lượng gần 30 tấn, theo khai báo hàng hóa là đá Granite. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, xe container đang chuẩn bị được thực hiện khử trùng đưa xuống tàu để đi tới cảng Incheon của Hàn Quốc, lực lượng chức năng đã phát hiện một lượng lớn ma túy dạng “đá” được cất giấu trong những khối đá. Trong đó, có 4 khối đá được các đối tượng tạo khoảng trống để giấu ma túy.

Cơ quan chức năng đã thu giữ gần 40kg tinh thể dạng đá, kết quả test nhanh cho thấy số tinh thể nói trên là ma túy tổng hợp dạng “đá”. Hiện tại, 4 đối tượng liên quan đã bị bắt, trong đó 2 đối tượng người Hàn Quốc và 2 đối tượng người Trung Quốc.