Hiển thị các bài đăng có nhãn Covid-19. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Covid-19. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

Chủ tịch Hà Nội: Những người về từ Đà Nẵng phải xét nghiệm và cách ly

(VTC News) - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu rà soát những người trở về từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế và tất cả phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm và tự cách ly tại nhà.

Chiều 27/7, trước diễn biến mới của dịch COVID-19 tại một số địa phương, đặc biệt là TP. Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TP. Hà Nội họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn vẫn được kiểm soát tốt, đã qua 103 ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca mắc mới trong cộng đồng, các ổ dịch đều đã kết thúc. Tổng số 121 ca mắc tại Hà Nội đều khỏi bệnh.

Tuy nhiên, dịch bệnh này đang diễn biến phức tạp, khó lường cả trên thế giới và một số tỉnh, thành phố khác của nước ta, đặc biệt là Đà Nẵng. Trong tuần vừa qua Việt Nam ghi nhận 4 trường hợp mắc tại cộng đồng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp.

Qua nghe báo cáo của các quận huyện, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đề nghị các đơn vị ngăn chặn tối đa, cố gắng không để dịch quay lại.

Ước tính trên địa bàn TP có khoảng 15-20.000 người từ Đà Nẵng trở về, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị chủ động khai báo y tế, cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm.

Ông Chung cũng đề nghị phải quản lý tốt các nơi cách ly tập trung, rà soát và phát hiện tất cả các trường hợp nhập cảnh trái phép; Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất nếu dịch lây lan trên địa bàn.

Đồng thời, các đơn vị phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hơn 180 nghìn học sinh chuẩn bị thi THPT.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết trên thế giới trung bình cứ 4 ngày lại có 1 triệu ca nhiễm mới. Ở mỗi nước, virus SARS-CoV-2 lại có đột biến gen và các chủng khác nhau và có mức độ nguy hiểm, lây nhiễm cao hơn.

Chủ tịch UBND TP xác định Hà Nội là một trong những địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị rà soát tất cả những người đi Đà Nẵng từ 8/7 đến nay, với tinh thần chủ động, phát hiện kịp thời, ngăn chặn nhanh chóng, không để lây lan rộng.

Tập trung rà soát những người từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, đặc biệt là những người đến nơi có dịch như quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn; Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, trung tâm tiệc cưới For you Palace (Hải Châu)… Các trường hợp trên đều phải khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm và tự cách ly tại nhà.

Các trường hợp đi du lịch tại Đà Nẵng phải chủ động khai báo y tế và chủ động theo dõi sức khỏe của mình.

Chủ tịch UBND TP đề nghị người dân cần phát hiện nhanh, phát hiện sớm, cách ly kịp thời, giám sát chặt chẽ sức khỏe của mình. Tất cả những trường hợp có biểu hiện ho, sốt trên toàn địa bàn TP đều phải lấy mẫu xét nghiệm. Trong khi chờ kết quả xét nghiệm thì tự cách ly tại nhà.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế phải tiến hành quy trình phòng chống dịch COVID-19 trong khám chữa bệnh.

Công an TP và các quận, huyện quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đều phải cách ly và tổ chức xét nghiệm 2 lần, sau 1 tháng thì phải xét nghiệm thêm một lần nữa.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị trên địa bàn duy trì việc dùng nước sát khuẩn và đeo khẩu trang nơi công cộng. Các cơ sở y tế của quận huyện và CDC Hà Nội tiếp tục duy trì đội phản ứng nhanh và đảm bảo duy trì trực 24/7.

Minh Tuệ & Trương Huyền

Lào Cai bắt giữ 2 xe chở 10 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép

Theo Hồng Ninh (TTXVN/Vietnam+)

Công an thành phố Lào Cai phát hiện 2 đối tượng người Việt Nam nhận chở thuê 10 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Chiều 27-7, Công an tỉnh Lào Cai thông tin, khoảng hơn 1h cùng ngày, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, Công an thành phố Lào Cai phát hiện 2 đối tượng người Việt Nam đang có hành vi dùng xe ô tô Toyota nhãn hiệu INNOVA, biển kiểm soát 60A-632.04 chở 5 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, chuẩn bị di chuyển khỏi địa bàn thành phố Lào Cai.

Quá trình đấu tranh khai thác phát hiện 2 đối tượng là Dương Đình Quyền và Nguyễn Thanh Cường, đều sinh năm 1977, hộ khẩu thường trú tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhận lái xe thuê từ Nha Trang ra thành phố Lào Cai đón 5 người Trung Quốc trên vào Nha Trang.

Một trong hai chiếc xe chở các đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. (Ảnh: Cục Cảnh sát giao thông/TTXVN)

Hai đối tượng trên khai nhận, người thuê đã thuê 2 ô tô INNOVA lên Lào Cai để đón tổng số 10 người Trung Quốc tại thành phố Lào Cai. Trong đó, nhóm của Quyền và Cường chở 5 người Trung Quốc đi sau, nhóm còn lại đã lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Sau khi khai thác được thông tin trên, Công an thành phố Lào Cai đã trao đổi nhanh với Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Cục Cảnh sát giao thông đề nghị phối hợp chặn bắt chiếc xe còn lại trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Đến 4h cùng ngày, lực lượng cảnh sát giao thông đã chặn bắt được chiếc xe INNOVA thứ hai nói trên tại km6 cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Hiện, Công an thành phố Lào Cai đã đưa 14 người này về trụ sở Công an thành phố để tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng lừa đảo mua bán khẩu trang qua mạng xã hội

(HNMO) - Ngày 27-7, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Kim Thanh (sinh năm 1995; ở tỉnh Tiền Giang) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đối tượng Nguyễn Kim Thanh. Ảnh: Facebook Công an thành phố Hà Nội.

Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được xác định, cuối tháng 1-2020, lợi dụng tình hình dịch Covid-19, Nguyễn Kim Thanh (lúc này đang sinh sống tại Malaysia) đã lập hàng loạt tài khoản mạng xã hội giả nhằm thực hiện hành vi lừa đảo bán khẩu trang giá rẻ. Thanh tìm kiếm và liên kết với các cửa hàng, cá nhân làm dịch vụ chuyển tiền, hàng ra nước ngoài sau đó lừa bị hại chuyển tiền đặt cọc mua khẩu trang vào các tài khoản mà Thanh cung cấp.

Số tiền lừa đảo được, Thanh sử dụng để mua vàng, sau đó thông qua các cửa hàng vàng tại Việt Nam chuyển tới địa chỉ nhận của mình tại Malaysia. Thanh giữ lại một phần vàng tại các tiệm vàng ở Việt Nam rồi gọi cho người thân tới nhận để đem bán lấy tiền tiêu xài.

Sau khi chiếm đoạt được tài sản, Thanh xóa toàn bộ các tài khoản mạng xã hội nhằm chặn liên lạc với bị hại và tiếp tục lập các tài khoản mới để thực hiện hành vi lừa đảo. Với thủ đoạn trên, trong tháng 2-2020, Thanh đã thực hiện 3 vụ lừa đảo của 2 người tại thành phố Hà Nội và 1 người ở tỉnh Vĩnh Phúc với tổng số tiền 380 triệu đồng.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm đã xác định Nguyễn Kim Thanh trở về Việt Nam vào ngày 10-3-2020 và trốn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Công an quận đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ triệu tập, bắt tạm giam đối tượng Thanh để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Phong tỏa 3 bệnh viện, yêu cầu người dân tại 6 quận của Đà Nẵng ở nhà

Dương Hải

Suckhoedoisong.vn - UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu người dân tại địa bàn các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Đây là một trong những nội dung trong công văn của UBND TP. Đà Nẵng về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 27/7/2020; căn cứ diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây viết tắt là Chỉ thị 16) trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/7/2020 tại địa bàn các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, cụ thể như sau:

- Gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, phường cách ly với phường, quận cách ly với quận, huyện; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

- Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Tạm dừng hoạt động vận tải

Dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định có tuyến đi và đến các bến xe khách trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

Dừng các hoạt động kinh doanh vận tải khách xe Taxi, xe Hợp đồng, xe Du lịch, xe Điện thí điểm và vận tải thủy nội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Dừng toàn bộ hoạt động xe buýt nội thành trên địa bàn thành phố và các tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề.

Dừng các hoạt động kinh doanh vận tải khách thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

Ảnh minh họa.

Các loại hình được phép mở cửa

Khám chữa bệnh; bán thuốc và vật tư y tế; chất đốt; ngân hàng; bưu chính viễn thông; công chứng; cấp điện, cấp nước; hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hoá, cửa hàng tiện lợi chỉ được bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Đối với việc cung cấp thức ăn chế biến sẵn: Cho phép các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, các bếp ăn tập thể hoạt động nhưng phải đảm bảo các điều kiện về công tác phòng, chống dịch và an toàn thực phẩm; các cửa hàng ăn uống chỉ được bán qua mạng hoặc bán mang đi, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.

UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu người dân tại các địa bàn nêu trên tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Trường hợp đặc biệt, do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

UBND TP yêu cầu Sở Y tế phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, lập danh sách, lấy mẫu xét nghiệm, áp dụng biện pháp cách ly hoặc can thiệp y tế phù hợp đối với các trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân mắc COVID-19 và các trường hợp liên quan và các trường hợp nguy cơ cao; thực hiện rà soát, xét nghiệm diện rộng bằng các phương pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Sẵn sàng các điều kiện để thực hiện Kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết. Các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương tuyên truyền, vận động và có biện pháp bố trí để tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân nhẹ âm tính với COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng .

Thực hiện ngay việc bố trí thiết bị, nhân lực để phục vụ công tác xét nghiệm COVID-19 và liên hệ Bệnh viện Trung ương Huế và các cơ sở xét nghiệm đủ thẩm quyền khác để đề nghị hỗ trợ công tác xét nghiệm COVID-19.

Chỉ đạo, phối hợp với Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng lập danh sách bệnh nhân đã xuất viện; người nhà của các bệnh nhân đã xuất viện, tử vong từ ngày 12/7/2020 đến đi gửi về địa phương để theo dõi y tế đúng quy định....

Phong tỏa 03 bệnh viện

Thực hiện phong tỏa 03 bệnh viện: Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và phong tỏa khu vực các tuyến đường: Đường Quang Trung (từ nút giao Nguyễn Thị Minh Khai - Quang Trung tới nút Đống Đa - Quang Trung); đường Hải Phòng (từ nút giao Hải Phòng - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Hải Phòng - Ông Ích Khiêm); đoạn đường Ông Ích Khiêm (nút Ông Ích Khiêm - Hải Phòng đến nút Ông Ích Khiêm - Đống Đa) và đường Nguyễn Thị Minh Khai (từ nút giao Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Nguyễn Thị Minh Khai – Hải Phòng). Thời gian bắt đầu thực hiện bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/7/2020 cho đến khi có thông báo mới.

Riêng tại địa bàn huyện Hòa Vang: Thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và Công văn số 4869/UBND-SYT ngày 25/7/2020 của Chủ tịch UBND thành phố về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các giải pháp truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ để người dân thành phố cài đặt ứng dụng khai báo y tế, giám sát cách ly và các công cụ truy vết trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan báo, đài và hệ thống thông tin cơ sở thực hiện thông báo đến tất cả người dân khi ra khỏi thành phố Đà Nẵng phải khai báo với cơ quan y tế gần nhất và chính quyền địa phương nơi đến để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Chỉ đạo Trung tâm Thông tin dịch vụ công thành phố có hình thức gửi tin nhắn thông báo cho người dân biết các chủ trương mới của thành phố trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Công an thành phố khẩn trương xác minh thêm các địa điểm và các trường hợp liên quan đến các bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố. Khẩn trương xây dựng phương án, bố trí lực lượng, tham mưu UBND thành phố quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa các địa điểm trên để kiểm soát, phòng, chống lây lan dịch COVID-19 trên địa bàn. Phối hợp với UBND các quận, huyện và cơ quan, đơn vị liên quan giám sát việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện việc: Rà soát (đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng), lập danh sách tất cả các đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trên địa bàn; tổ chức cách ly, điều tra dịch tể, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chủ động phối hợp với Bệnh viện Đà Nẵng, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị chức năng liên quan vận chuyển người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng đến các khu cách ly tập trung do Quân khu 5 quản lý; cử lực lượng phối hợp với công an, địa phương và các lực lượng liên quan thực hiện công tác phong tỏa.

Cục Quản lý thị trường thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; giám sát và xử lý (nếu có) đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng có hành vi đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, thực phẩm và các nhu yếu phẩm. Tiến hành làm việc với các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế; lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố; đồng thời thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hoá và đảm bảo cung cấp đủ số lượng trang thiết bị y tế, hàng hoá tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo, ký cam kết với các cá nhân, tổ chức kinh doanh các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế dùng; lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cho người dân trên địa bàn thành phố; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết; Không tăng giá hàng hóa bất hợp lý; Không đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa; Không gian lận về giá; Không lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán hàng hoá bất hợp lý.

UBND các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ chủ trì, phối hợp với lực lượng công an giám sát và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội trên địa bàn; tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định (không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách, không thực hiện sát khuẩn tay...); phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cơ quan chức năng triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn quản lý, đặc biệt là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

UBND huyện Hòa Vang báo cáo cấp ủy và tổ chức thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo mục 3 Công văn này; theo dõi sát tình hình và diễn biến dịch trên địa bàn để phối hợp với Sở Y tế kịp thời đề xuất triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến dịch.

Chủ tịch UBND các quận, huyện trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm về việc hiệu quả triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo các nội dung đã chỉ đạo.

Đề nghị UBMTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng kêu gọi các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ nguồn lực phục vụ các khu bị phong tỏa và các khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố.

Dương Hải

Lại bắt giữ 5 người Trung Quốc vượt biên đang di chuyển trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai

(BVPL)- Đi thuyền vượt biên sang Lào Cai, dự định di chuyển xuống Hà Nội sau đó bay vào TP HCM. Nhưng trên đường đi nhóm người này đã bị bắt giữ.

Theo thông tin ban đầu, khoảng hơn 5h sáng ngày 27/7, một nhóm người quốc tịch Trung Quốc đang được tài xế ôtô 7 chỗ chở trên đường di chuyển về Hà Nội thì bị Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 (Cục CSGT) phát hiện và dừng xe trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Các đối tượng bị bắt giữ.

Ngoài 5 người mang quốc tịch Trung Quốc, trên ôtô có tài xế và phụ xe là người Việt. Qua lời khai ban đầu, tổ công tác xác định nhóm người Trung Quốc đến từ tỉnh Quý Châu, vượt biên bằng thuyền sang Lào Cai.

Nhóm này khai nhận, dự kiến sau khi vượt biên thành công sẽ đến sân bay Nội Bài mua vé máy bay vào TP HCM.

Hiện nhóm người Trung Quốc cùng tài xế, phụ xe và tang vật đã được lực lượng chức năng bàn giao để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Đức Huân

30 người bỏ trốn khỏi bệnh viện Đà Nẵng sau lệnh cách ly

(VTC News) - Có 30 người bỏ trốn khỏi Bệnh viện Đà Nẵng và lãnh đạo bệnh viện đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng phối hợp chỉ đạo việc giám sát các trường hợp này.

Ngày 27/7, Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, nhiều ca bệnh trốn khi Bệnh viện Đà Nẵng được cách ly theo quy định.

Cụ thể, sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện cách ly vào lúc 13h ngày 26/7 để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Do tâm lý lo lắng nên nhiều bệnh nhân và người nhà đã tự ý rời khỏi bệnh viện.

30 người trốn khỏi Bệnh viện Đà Nẵng sau lệnh cách ly. 

Trong đó, tại khoa Tim mạch can thiệp có 15 người, khoa Ngoại tiết niệu có 15 người vắng mặt. Những người này hầu hết là người dân sống trên địa bàn TP Đà Nẵng, một số khác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Vì vậy, Bệnh viện Đà Nẵng đã có cáo gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đề nghị phối hợp chỉ đạo việc giám sát những trường hợp này.

Theo thông tin mới nhất, đến 11h hôm nay, Bệnh viện Đà Nẵng đã dừng tiếp nhận đồ tiếp tế của người nhà gửi vào bệnh viện để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

XUÂN TIẾN

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam

Sáng nay (27/7), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19).

Tại cuộc họp, các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo phân tích cơ chế lây nhiễm, diễn biến, dự báo tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng và đề ra các giải pháp tối ưu để ứng phó trong thời gian tới.

Kết quả điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy các trường hợp mắc bệnh đều liên quan đến 3 cơ sở: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình. Cả 3 bệnh viện này nằm chung trên 1 khu đất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam (trước đây Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau).

Theo ông Long, chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.

Không phong toả tất cả mà phong toả từng nấc

Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Đà Nẵng, cử những chuyên gia giỏi nhất vào địa phương để triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; tổng rà soát nhằm tìm ra nguồn lây sớm nhất; tổ chức điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Đối với 2 bệnh nhân nặng, đến sáng nay các chỉ số sức khoẻ tương đối ổn định,…

Về việc phong toả cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, sẽ áp dụng giống như Bệnh viện Bạch Mai trước đây. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa nhất về nguồn lực để cùng với địa phương tổ chức hiệu quả cách ly, truy vết, điều trị, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch…

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề xuất giải pháp để triển khai các biện pháp xét nghiệm phù hợp với từng khu vực, nhằm nâng cao hiệu quả tầm soát; tổ chức phân tuyến cơ sở khám chữa bệnh để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân; tổ chức công tác bảo đảm hậu cần phục vụ khu vực phong tỏa…

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Chủng virus mới có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước

Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, cần tổ chức giãn cách xã hội, phong tỏa ổ dịch hợp lý; không phong toả tất cả mà phong toả từng nấc; thực hiện giãn cách xã hội tại Đà Nẵng, mọi người hạn chế ra khỏi nhà, không tụ tập đông người...

Đối với người dân, tất cả những người đi từ Đà Nẵng có liên quan đến ổ dịch này khi trở về địa phương khác phải cách ly 14 ngày và theo dõi chặt chẽ như những người tiếp xúc gần; còn những người khác từ Đà Nẵng về phải khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ.

Bên cạnh đó, cần mở rộng xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện các ổ dịch, kịp thời khoanh vùng, dập dịch triệt để.

Các chuyên gia cho rằng, những giải pháp này không chỉ áp dụng riêng với Đà Nẵng mà ở các địa phương khác cũng cần kiểm soát chặt các trường hợp nghi nhiễm; đồng thời tăng cường kiểm soát bảo đảm an toàn dịch tễ tại các cơ sở khám chữa bệnh…

Không được chủ quan, lơ là

Tại cuộc họp, các bộ ngành đều nhấn mạnh tính nghiêm trọng của vấn đề và cho rằng chúng ta không được chủ quan, lơ là. Thời gian tới cần siết chặt công tác quản lý biên giới, đường mòn, lối mở, quản lý người nhập cảnh; khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép.

Chính quyền các địa phương và người dân phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong việc quản lý người nhập cảnh.

Đối với các cơ sở y tế, các đại biểu cũng đề nghị cần phải nâng mức độ cảnh báo và bảo đảm an toàn dịch tễ, cũng như khả năng phát hiện người nhiễm bệnh; quản lý những người về địa phương từ Đà Nẵng về theo đúng quy định;…

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị chính quyền các địa phương và người dân cộng tác trong việc thực hiện khai báo y tế điện tử (thông qua các ứng dụng NCOVI, Bluezone), để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trước đây trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Phó Thủ tướng hoan nghênh Bộ Y tế cử các đội chuyên gia giỏi nhất vào hỗ trợ Đà Nẵng khoanh vùng, dập dịch và nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý các ổ dịch lớn như ở BV Bạch Mai.

Thu Hằng

Một nhà văn thời Covid-19

Khoai@

Nhân việc vụ Đà Nẵng, anh em nhắc đến ngài Đại sứ Covid-19, mình nhắc lại câu chuyện đã đăng hôm 4/4/2020 trên Trelangblog. 

Đúng là thời thế tạo anh hùng. Đại dịch Covid-19 đã cướp đi hàng vạn mạng sống trên trái đất, và cho đến hôm nay nó vẫn để lại những nỗi đau, nỗi sợ hãi cho nhân loại, để lại những chia rẽ sâu sắc giữa những phần khác nhau của thế giới và thậm chí ngay trong lòng của các thể chế chính trị, nhưng nó cũng sản sinh ra nhiều anh hùng, một trong số đó là Nhà văn Kovid Tiệp. Từ một ông bầu xô, chỉ sau vài ngày Mất Trinh, tù túng, "Vọng thất", bất lực trong khu cách ly, cảm thương và đau đáu với số phận của con người và thời cuộc, Kovid Tiệp đã trở mình và vụt sáng thành một Nhà văn nổi tiếng của dòng văn học hiện thực. 

Kovid Tiệp (1983 -20..) tên thật là Vũ Khắc Tiệp. Ông sinh ra và lớn lên ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, một vùng đất nổi tiếng với những áng thơ văn bất hủ của các đại văn hào. Ngạc nhiên thay, gia đình ông dù không có truyền thống showbiz nồng nàn nhưng ông lại trưởng thành trong hào quang trắng sáng của Ngọc Trinh. 

Ngày nay, chúng ta biết đến Kovid Tiệp với bút danh: "Bầu Tiệp" hay "Ly Cách" và "Thánh Nhọ".

Trong thời đại dịch, khi các nhà văn khác đang ngái ngủ hoặc còn đang mãi tìm nơi trú ẩn thì Kovid Tiệp nổi lên như hiện thân của một người nghệ sĩ tiên phong trong chuyển lái. Ai đó đã đúng khi mộc mạc viết rằng: Kovid Tiệp "là một cái định nghĩa về người nghệ sĩ". 

Rõ ràng, văn không đi với sĩ thì chỉ có vứt và sĩ nếu đã đi kèm với văn thì dứt khoát sẽ nổi.

Vẻ đẹp văn chương, dấu ấn về phong cách nghệ thuật của Kovid Tiệp được thể hiện trên những kiệt tác văn chương và công trình đậm tính thời sự như "Từ nước Ý đến khu cách ly", "Nhật ký cách ly" (Tháng 2/2020), "Khi đời không còn Trinh" (3/2020), "57 ngày không thể quên" (4/2020) ...

Có người còn phát hiện, ông không chỉ là một nghệ sĩ, một nhà văn mà còn là một nhà sư phạm, nhà giáo dục. Minh chứng cho điều này, là các tác phẩm như: "Cách ly - Từ lý luận đến thực tiễn" (Tháng 3/2020), "Mẹo nhỏ bỏ túi trong trại cách ly" (Cuối tháng 3/2020), "Cách ly và 69 câu hỏi thường gặp" (Tháng 4/2020), đặc biệt là 2 bộ Giáo trình đồ sộ có tên "Cách ly Đại cương" (Cuối tháng 3/2020) và "Giáo trình Cách ly nâng cao" (Đầu tháng 4/2020). Những công trình đồ sộ vĩ đại ấy của ông khiến cho nhiều nhà giáo cả đời cống hiến trong ngành sư phạm không khỏi ghen tỵ.

Không chỉ thế, các tác phẩm của Kovid Tiệp còn được biết đến là một trong những bộ sách mang đậm dấu ấn "cẩm nang y văn". Sách của ông là sự hòa trộn trào phúng mà hiện thực để giúp con người thoát khỏi những nỗi đau trần thế. Nổi lên là 2 tác phẩm: "Cách ngủ ngon mà không cần máy lạnh ở trại cách ly" (Tháng 2/2020) và "Giảm căng thẳng trong trại cách ly" (Tháng 3/2020). 

Về phong cách nghệ thuật của Kovid Tiệp, Lương Minh có viết: "Kovid Tiệp có phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc. Phong cách ấy, trước hết có thể thâu tóm trong mấy chữ tù túng, uẩn ức". 

Cá nhân tôi cho rằng, những ai đọc Kovid Tiệp đều có thể tìm thấy sự phóng đãng, phá cách trong ngôn ngữ và đều cảm thấy rất thích thú khi ông đã chỉ lối cho người đọc cách "trèo tường", "vượt ngục" để thoát khỏi "cách ly" về với nơi sáng trắng như Ngọc Trinh.

Cái nhìn của Kovid Tiệp mang tính phát hiện độc đáo đối với thế giới khách quan trong trại cách ly tập trung, tìm thấy cái đẹp trong cuộc sống cách ly, cái đẹp tài hoa, phi thường, cái đẹp ở phương tiện văn hoá, mĩ thuật. Đọc văn của ông những mảng màu đối lập luôn song hành. Lúc ảm đạm như đêm dài mất điện, lúc sáng lòa như sân khấu Milan, và đôi khi nhạc tính nổi lên nhảy múa, quậy tưng như không gian của những đêm hội. Cũng không khó để thấy, bên cạnh chiếc giường sắt cứng queo vô cảm, thô ráp, người đọc vẫn thấy đâu đó những đường cong của mông của vếu, đầy ăm ắp những thây lẩy gọi mời. Bên cạnh những cơm hộp, khẩu trang, người đọc vẫn thấy trước mặt mình những xa hoa bóng bẩy của Martini rosso, những đầm Ý khêu gợi, những Vuiton, Efora kiêu hãnh tót vời...

Người ta hay nói "chủ nghĩa cách ly" của Kovid Tiệp. Thật ra đó là cách sống sáng tạo của riêng ông mà ông gọi là cách ly và viết, để "thay đổi thực đơn cho giác quan".

Quá khứ, hiện tại và tương lai, không gian và thời gian đã liên kết thành tuyến, thành mảng trên trang văn Kovid Tiệp. Nó mang vẻ đẹp thẩm mĩ, đem đến nhiều liên tưởng, ấn tượng kì thú cho người đọc.

Văn Kovid Tiệp rất đời. Những uất ức khi được đưa vào khu cách ly, lối sống ăn chơi trác táng thay bằng lối sống kỷ luật, đầm ấm tình người ở nơi cách ly... được ông kể rất đậm đà, duyên dáng. Có thể nói, ông là bậc thầy về ngôn ngữ cách ly.

Nói đến phong cách nghệ thuật của Kovid Tiệp là nói đến các tác phẩm nghiên cứu bằng trải nghiệm thực tế, những trang văn xuôi đầy chất đời của một tâm hồn ăn theo nghệ sĩ, của một cây bút "nhờ cách ly mà thành nhà văn".

Vâng, Kovid Tiệp đã đúng khi nói: Tôi phải cảm ơn đại dịch, nhờ đại dịch mà các bạn và chính tôi mới biết mình là ai. Trở thành một nhà văn thực sự không khó.

Và cuối cùng, để nói về Kovid Tiệp, xin trích một câu của chính ông: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc đời mình có sự thay đổi lớn đến thế. Hóa ra việc chuyển mình từ ông bầu sang nhà văn thật sự đơn giản, chỉ cần bị cách ly dài ngày là xong".

Bộ Y tế ra thông báo khẩn liên quan BN 420, từng tới chung cư ở TP.HCM

TTO - Bệnh nhân P.T.B.P., 71 tuổi, bệnh nhân COVID-19 mới nhất tại Đà Nẵng (bệnh nhân 420) từng đi nhiều nơi, trong đó có TP.HCM. Bộ Y tế vừa ra thông báo khẩn.

Bệnh viện Đà Nẵng được cách ly y tế sau khi ca bệnh COVID-19 từng tới đây - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tối 26-7, Bộ Y tế đã thông báo hành trình của bệnh nhân P.T.B.P., 71 tuổi, bệnh nhân COVID-19 mới nhất tại Đà Nẵng (bệnh nhân 420). Theo đó, hành trình của bệnh nhân như sau:

- Từ 21-6 đến 8-7, thăm con ở một chung cư thuộc quận 11, TP.HCM.

- Từ 8-7 về lại Đà Nẵng, sống cùng chồng, con trai và con dâu. Bệnh nhân có một con gái khác sống tại Đà Nẵng, nhưng từ khi bệnh nhân về Đà Nẵng chưa gặp người con này.

Vài ngày trước khi có dấu hiệu sốt, bệnh nhân cùng chồng đến chợ đầu mối mua sắm.

- Ngày 12-7, bệnh nhân có dấu hiệu sốt và đau ngực. Trong thời gian này, bệnh nhân có đến nhà em ruột tại đường 2-9, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng.

- Ngày 16-7, chồng bệnh nhân đến mua thuốc tại nhà thuốc C.T, đường Hoàng Diệu, Đà Nẵng.

Sau khi dùng thuốc 5 ngày không giảm triệu chứng, ngày 21-7 bệnh nhân đến khám tại khoa khám bệnh Bệnh viện C, sau đó xin về nhà. Lúc này có 3 người nhà ở Quảng Nam ra thăm.

Ngày 22-7, bệnh nhân vào lại Bệnh viện C. Từ đó đến nay, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện C và kết quả xét nghiệm tại Đà Nẵng và Nha Trang đều dương tính với COVID-19.

Đây là bệnh nhân COVID-19 thứ 3 tại Đà Nẵng và hiện cũng chưa tìm ra nguồn lây ban đầu (F0).

Cách đây ít phút, Bộ Y tế ra thông báo khẩn, đề nghị những người đã đến các địa điểm sau:

1. Những người đã đến và sử dụng dịch vụ tại 3 bệnh viện:

- Bệnh viện C Đà Nẵng: từ ngày 20 đến 22-7.

- Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng: ngày 18-7 tại phòng 506 khoa nội hô hấp và ngày 23-7 tại phòng hồi sức tích cực.

- Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng: Từ ngày 14 đến 16-7 và 20, 21-7 tại căngtin Bệnh viện, nhà thuốc bệnh viện và phòng 401 khu B.

2. Những người đã sử dụng dịch vụ xe khách của nhà xe Thanh Hường:

- Chuyến 3h chiều ngày 17-7, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi.

- Chuyến 3h sáng ngày 20-7 từ thành phố Quảng Ngãi đi thành phố Đà Nẵng, đến Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng lúc 6h30 sáng.

3. Những người đi chuyến tàu 23h ngày 21-7, số hiệu SE7 từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi.

4. Chợ đầu mối Hoà Cường, 65 Lê Nổ, Hòa Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng, vào buổi sáng các ngày từ 8 đến 12-7.

5. Quán bún Cô Nở, đường Nguyễn Thuỵ, Quảng Ngãi, vào buổi sáng ngày 18-7.

6. Dự tân gia tại hẻm 1 Nguyễn Thông, Quảng Phú, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, ngày 19-7.

7. Nhà văn hóa Lao động, đường Hùng Vương, tỉnh Quảng Ngãi, từ 20-21h ngày 23-7.

Đề nghị những người đã đến những địa điểm trên:

- Liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ;

- Gọi điện đến các đường dây nóng: 1900988975 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng) và 0914021022 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi) cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình;

- Thực hiện cách ly tại nhà;

- Khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe.

Trao đổi với phóng viên tối 26-7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết mới nhận được thông tin ca bệnh 420 từng đến TP.HCM và hiện đang điều tra về ca bệnh này. Tuổi Trẻ Online sẽ cập nhật nhanh đến bạn đọc ngay khi có thông tin. 

(T.DƯƠNG)
LAN ANH

Bắt đối tượng đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép Đà Nẵng, Quảng Nam

Đại Thắng

Lực lượng Công an Đà Nẵng, Quảng Nam vừa bắt giữ được đối tượng đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam.

Đối tượng Cao Lượng Cố khi bị lực lượng Công an Đà Nẵng, Quảng Nam bắt giữ

Chiều 26/7, Công an TP Đà Nẵng cho biết, lực lượng Công an TP Đà Nẵng và Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp bắt giữ đối tượng trong đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam trong thời gian qua.

Theo Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP Đà Nẵng, sau thời gian khẩn trương điều tra, tối 25/7, Công an tp Đà Nẵng phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện bắt gữ đối tượng Gao Liang Gu (Cao Lượng Cố, sinh 4/6/1978). Đối tượng bị bắt tại một khách sạn trên đia bàn quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng).

Cao Lượng Cố được xác định là đối tượng trong đường dây tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng và Quảng Nam trong thời gian qua.

Hiện đối tượng được di lí về Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra làm rõ.

Đại tá Nguyễn Đức Dũng, cho hay: Các đối tượng trong đường dây này sẽ sớm được điều tra làm rõ, xử lí nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 18/7, chính quyền và lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam phát hiện 21 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào địa bàn ở Hội An và thị xã Điện Bàn. Cùng thời điểm này, Đà Nẵng cũng phát hiện 27 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào địa bàn.

Chính thức hoãn V-League 2020 lần 2 vô thời hạn vì dịch COVID-19

Chiều 26/7, VPF thông báo giải Vô địch Quốc gia (V-League) và hạng Nhất Quốc gia năm 2020 chính thức bị hoãn lại vô thời hạn trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Nguyên An (Vietnam+) 26/07/2020 17:14 GMT+7 

V-League 2020 bị hoãn lần hai vì dịch COVID-19 trước vòng đấu thứ 12. (Ảnh: Hải An/Vietnam+)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 với hai ca nhiễm mới nhất tại Đà Nẵng, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tổ chức họp gấp sáng nay (26/7), sau đó trình phương án tạm hoãn các giải đấu chuyên nghiệp lên VFF và đã được thông qua trong buổi chiều. 

Chủ tịch VPF, ông Trần Anh Tú xác nhận tất cả các trận đấu của V-League và hạng Nhất dự định diễn ra tới đây sẽ được hoãn lại mà không hẹn ngày trở lại. 

“Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã đồng ý với phương án hoãn các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam của VPF. Các trận đấu tới của V-League và hạng Nhất tạm hoãn để đảm bảo an toàn trước dịch COVID-19. Chúng tôi sẽ sớm thông báo cụ thể về thời gian tổ chức lại các giải đấu trong thời gian sớm nhất,” ông Trần Anh Tú cho hay.

Với quyết định này, các trận đấu tiếp theo của V-League và hạng Nhất 2020 dự kiến diễn ra ngày 29 và 30/7 đều bị lùi lại vô thời hạn. Trong số này, trận đấu trên sân nhà Hòa Xuân giữa SHB Đà Nẵng và Hải Phòng đã sớm được hoãn đầu tiên do Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng ra công văn hoãn tất cả hoạt động thể thao diễn ra tại địa phương.

V-League và hạng Nhất năm 2020 tiếp tục được hoãn vì dịch COVID-19. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+) 

Đây là lần thứ hai trong năm nay các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam bị hoãn vì dịch COVID-19. Hồi tháng Hai khi dịch bùng phát, giải cũng đã tạm nghỉ và mới trở lại thi đấu từ 5/6. 

So với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hoặc trên thế giới, Việt Nam đã là nước có những giải bóng đá chuyên nghiệp sớm trở lại thi đấu nhất nhờ công tác phòng chống dịch rất tốt. Việc những trận đấu tiếp tục bị hoãn lại khi diễn biến phức tạp trở lại là điều dễ hiểu. 

Trong thông báo tạm hoãn các giải đấu chuyên nghiệp, VPF đề nghị các câu lạc bộ, bộ phận liên quan nhanh chóng cập nhật thông tin và chủ động lê kế hoạch triển khai công việc phù hợp. Mặt khác, đội bóng cần tăng cường công tác quản lý cầu thủ, thường xuyên theo dõi sức khỏe, y tế và thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch./. 

Nguyên An (Vietnam+)

Phong tỏa Bệnh viện Đà Nẵng

Cơ quan chức năng đã phong tỏa Bệnh viện Đà Nẵng để đảm bảo an toàn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Lệnh phong tỏa được thực hiện từ 13h hôm nay.

Ngày 26/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng ban hành văn bản về việc thực hiện cách ly y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu Bệnh viện Đà Nẵng áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với toàn bộ nhân viên y tế, người phục vụ, người nhà bệnh nhân.

Thời gian cách ly từ 13h ngày 26/7 đến 9/8 và có thể gia hạn thêm dựa theo tình hình thực tế.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng nghiêm túc triển khai thực hiện việc cách ly tại cơ sở y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Phong tỏa Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Ngô Quang.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch đề nghị công an thành phố đảm bảo công tác an ninh, trật tự tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly; Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo việc thu gom rác thải, xử lý vệ sinh môi trường tại Bệnh viện Đà Nẵng theo quy định.

Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã thông báo không triển khai khám bệnh ngoại trú và dừng tiếp nhận điều trị nội trú mới vào tất cả ngày trong tuần, trừ trường hợp cấp cứu.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, có khoảng gần 2.000 bệnh nhân đang ở trong bệnh viện. Ngoài ra, hơn 2.000 người chăm sóc, thân nhân bệnh nhân. Như vậy, cộng cả số nhân viên y tế, hơn 6.000 người phải cách ly tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Người thân chuyển đồ ăn qua cổng sắt, nhờ bảo vệ đưa cho bệnh nhân. Ảnh: Ngô Quang.

"Những người bệnh có thẻ BHYT ban đầu đăng ký tại Bệnh viện Đà Nẵng vui lòng đến các cơ sở y tế khác trên địa bàn có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT để khám và điều trị bệnh nếu có", bác sĩ Nhân nói.

Trưa 26/7, cổng số 3, Bệnh viện Đà Nẵng, nơi dành cho người nhà đến thăm nuôi bệnh nhân, đã dừng hoạt động. Người thân chuyển đồ ăn qua cánh cổng sắt.

Trước đó, sau khi Sở Y tế Đà Nẵng thông tin về ca nhiễm Covid-19, lực lượng chức năng đã phong tỏa Bệnh viện C - nơi người này từng khám bệnh.

Đà Nẵng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội từ 13h ngày 26/7

(ĐCSVN) – Từ 13h hôm nay (26/7), TP Đà Nẵng yêu cầu người dân tăng cường các biện pháp cá nhân phòng, chống dịch bệnh (rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài); không tập trung quá 30 người nơi công cộng ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc.

Theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, kể từ 13h ngày 26/7, TP này sẽ tiến hành các biện pháp cách ly xã hội, đồng thời tập trung nhiều biện pháp để phòng chống dịch COVID-19. (ảnh: ĐT)

Sáng ngày 26/7, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc UBND TP, UBND các quận, huyện và đề nghị các hội, đoàn thể, các cơ quan trung ương, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Thời hạn thực hiện từ 13 giờ ngày 26/7/2020 cho đến khi có thông báo mới.

TP Đà Nẵng yêu cầu người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 01 mét khi tiếp xúc.

Tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.

Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường…).

Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn...) trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu nêu trên; khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.

Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định của các cơ quan chức năng.

Giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.

Nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan, đơn vị một cách phù hợp bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời gian, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách; thực hiện giám sát về y tế; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng.

Chính quyền TP giao Sở Y tế khẩn trương tổ chức điều tra yếu tố dịch tễ, truy vết tất cả các khu vực, trường hợp có lên quan bệnh nhân mắc COVID-19 để khoanh vùng, cách ly; giám sát, theo dõi các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở… tại cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm diện rộng bằng phương pháp phù hợp để xác định nguồn lây.

Sở Du lịch thành phố được giao làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực tạm dừng tổ chức đón khách đến Đà Nẵng trong vòng 14 ngày, kể từ ngày 26/7, nếu có trường hợp đặc biệt thì báo cáo Sở Du lịch xin ý kiến cấp thẩm quyền. /.

Tin, ảnh: Đình Tăng

Nóng: Chính thức hoãn các trận đấu trên sân của SHB Đà Nẵng

(PLO)- Ban tổ chức giải VFF quyết định tạm hoãn tổ chức trận đấu giữa đội Trẻ SHB Đà Nẵng gặp đội Phú Thọ vào chiều 26-7 tại lượt đấu thứ 5 giải bóng đá hạng nhì quốc gia trên sân vận động Hòa Xuân, thành phố Đà Nẵng.

Ngày 26-7, UBND thành phố Đà Nẵng có công văn số 4869/UBND-SYT về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, trong đó yêu cầu tạm dừng một số hoạt động để hạn chế tập trung đông người.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc.

Ban tổ chức giải VFF đã tạm hoãn trận đấu của Trẻ SHB Đà Nẵng trên sân Hòa Xuân tiếp đội Phú Thọ chiều 26-7 và thầy trò Lê Huỳnh Đức cũng có thể không ra sân này vào ngày 29-7. Ảnh: ANH MINH.

UBND thành phố quyết định tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết; tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường…).

Căn cứ công văn số 4869/UBND-SYT của UBND thành phố Đà Nẵng, với tình hình diễn biến dịch COVID-19 xuất hiện trở lại, để đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19, Ban tổ chức giải quyết định tạm hoãn tổ chức trận đấu giữa đội Trẻ SHB Đà Nẵng gặp đội Phú Thọ chiều 26-7 trên sân vận động Hòa Xuân. Thời gian, địa điểm tổ chức thi đấu trận đấu bù này sẽ được Ban tổ chức lên phương án và ra thông báo bằng văn bản cụ thể.

SHB Đà Nẵng có thể sẽ chọn chơi trên sân trung lập một trận cho đến hết giai đoạn một V-League và chờ diễn biến mới. Ảnh: ANH MINH.

Từ 13 giờ chiều 26-7, Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, không tập trung quá 30 người cho đến khi có thông báo mời. Chính vì thế, khả năng trận đấu giữa đội SHB Đà Nẵng tiếp khách Hải Phòng ở vòng 12 V-League 2020 tổ chức ngày 19-7 cũng trên sân vận động Hòa Xuân có thể bị hoãn. Các nhà tổ chức giải VPF có cuộc họp khẩn chiều 26-7 để quyết định kịp thời và lên kế hoạch khác để giai đoạn một V-League kết thúc kịp tiến độ.

Một giải pháp khả thi là thầy trò Lê Huỳnh Đức sẽ chọn một sân trung lập làm sân nhà cho trận tiếp Hải Phòng ngày 29-7. Trận cuối giai đoạn một, SHB Đà Nẵng chơi trên sân Thiên Trường của Nam Định ngày 3-8.

NHƯ QUỲNH

Hoãn trận đấu của đội trẻ Đà Nẵng do dịch COVID-19

(VTC News) - Trận đấu giữa đội trẻ SHB Đà Nẵng và Phú Thọ FC phải hoãn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Với tình hình diễn biến dịch COVID-19 xuất hiện trở lại tại thành phố Đà Nẵng, trận đấu giữa Trẻ SHB Đà Nẵng gặp Phú Thọ FC ngày 26/7 tại giải hạng Nhì quốc gia - On Sports 2020 trên sân vận động Hòa Xuân, thành phố Đà Nẵng chính thức bị hoãn. 

Thời gian, địa điểm tổ chức thi đấu trận đấu bù sẽ được BTC lên phương án và ra thông báo bằng văn bản cụ thể. Đây là trận đấu đầu tiên ở giải hạng Nhì bị hoãn do COVID-19.

Phú Thọ FC (áo vàng) sẽ bị hoãn trận gặp SHB Đà Nẵng?

Cuộc so tài giữa SHB Đà Nẵng và Hải Phòng cũng có nguy cơ bị hoãn. Theo chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng, các giải đấu thể thao tạm thời không được tổ chức. Do đó, trận đấu hoặc bị dời sang tỉnh, thành phố khác thi đấu, hoặc sẽ bị hoãn.

Số phận vòng 12 V-League cũng đang bỏ ngỏ do diễn biến khó lường của dịch COVID-19. Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) sẽ họp vào hôm nay, đồng thời chờ quyết định, chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan ban ngành để đưa ra phương án tổ chức tốt nhất cho giải đấu.

Trong trường hợp xấu nhất, V-League sẽ bị hoãn từ vòng 12 trở đi. Giải từng bị gián đoạn một lần do COVID-19 hồi tháng 3 năm nay. 

HỒNG NAM

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Chủ tịch UBND Hà Nội ra công điện khẩn phòng chống dịch COVID-19

Công Thọ - Thủy Tiên

Kinhtedothi - 10 giờ 30 ngày 26/7/2020, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung ra công điển khẩn phòng chống dịch COVID-19.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phù tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25/7/2020 về công tác phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn:

Công an Thành phố phối hợp UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, quản lý, giám sát chặt chẽ tất cả những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về đang làm việc và cư trú trên địa bàn; chỉ đạo tổ dân phố, thôn xóm phát hiện những trường hợp nhập cảnh trái phép, báo cáo chính quyền địa phương để kiểm tra cách ly theo quy định phòng chống dịch COVID-19.

Xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép và các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 (nếu có).

 
Ảnh minh họa

Tất cả các trụ sở, cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn Thành phố phải có nước sát khuẩn để sát khuẩn tay, thực hiện kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang nơi công cộng, khi tham gia giao thông.

Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, sẵn sàng truy vết triệt để các trường hợp dương tính, xác định những người tiếp xúc (Fl, F2) tổ chức cách ly ngay tại nhà, F1 lấy mẫu xét nghiệm và tổ chức theo dõi y tế theo quy định phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan trong cộng đồng.

Xét nghiệm ngay các trường hợp nghi ngờ để phát hiện chẩn đoán xác định những trường hợp mắc bệnh; thực hiện rửa tay, đeo khẩu trang ở những nơi đông người; Giám sát, quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy trình tiếp nhận các trường hợp nhập cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị, dự phòng hóa chất vật tư tiêu hao để đáp ứng công tác phòng chống dịch COVID-19 khi có yêu cầu; đồng thời lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 02 lần đối với các trường hợp từ nước ngoài nhập cảnh vào Hà Nội; tiếp tục theo dõi y tế tại cộng đồng ít nhất 14 ngày sau thời gian cách ly bắt buộc và lấy mẫu xét nghiệm SARS- CoV-2 một lần nữa trước khi hết thời gian theo dõi y tế, nếu cần thiết xét nghiệm lại sau 01 tháng; giám sát chặt chẽ diễn biễn dịch để kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo các cơ sở cách ly tập trung của quân đội quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch tại các khu cách ly tập trung theo đúng quy định. Không được để lây nhiễm chéo dịch bệnh trong các cơ sở cách ly tập trung và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Du lịch tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch tại các khu cách ly tập trung (khách sạn, cơ sở lưu trú đã được UBND Thành phố phê duyệt) theo đúng quy định; xử lý nghiêm khách sạn, cơ sở lưu trú không thực hiện đúng quy định về công tác phòng chống dịch COVID-19 (nếu có)

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự những người nhập cảnh trái phép

VOV.VN- Hiện nay, với tình trạng nhập cư trái phép vào nước ta là đặc biệt nguy hiểm, nhất là khi tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp.

Sáng 25/7, trong cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng báo cáo, vào tối 24/7, Đà Nẵng phát hiện 21 người nước ngoài nhập cảnh trái phép.

Trước đó vào ngày 17/7, cơ quan chức năng tại Đà Nẵng phát hiện 24 người Trung Quốc trên địa bàn. Liên quan đến vấn đề này, công an TP Đà Nẵng vừa bắt 3 người liên quan đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép.

Tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng

Đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, có thể phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính pháp (đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi nhập cảnh trái phép, cư trú trái phép tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bởi vậy hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự để đảm bảo an ninh, an toàn cũng như phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, điều 20 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định, người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây: Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực; Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày;

Ls Đặng Văn Cường

Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này, bao gồm: Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này; Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng; Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú; Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng; Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực; Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực; Vì lý do phòng, chống dịch bệnh; Vì lý do thiên tai; Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Như vậy, theo quy định trên thì việc nhập cảnh vào nước ta phải đảm bảo các điều kiện theo quy đinh của pháp luật. Mọi trường hợp nhập cảnh trái phép đều được coi là hành vi vi phạm pháp luật và tuỳ từng tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tư, an toàn, xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình như sau: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi như: Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép; Cá nhân, tổ chức ở Việt Nam bảo lãnh hoặc làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, xin cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú, giấy tờ có giá trị nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam nhưng không thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định của pháp luật hoặc khai không đúng sự thật khi bảo lãnh, mời hoặc làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, xin cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú, giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam;

Trong trường hợp người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về trường hợp trên mà còn vi phạm thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép theo Điều 347 Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể: Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tình trạng nhập cư trái phép vào nước ta là đặc biệt nguy hiểm 

Theo luật sư Cường, đối với những đối tượng biết mình nhiễm Covid-19 nhưng cố tình nhập cảnh vào Việt Nam, cư trú trái phép hoặc thực hiện các việc hành vi đi lại, giao tiếp không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ. Ngoài hành vi nhập cảnh trái phép thì các đối tượng còn vi phạm các quy định nào khác hay không để xử lý theo quy định pháp luật. Những hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh thì sẽ bị xử phạt hành chính, nếu đến mức nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Cường nhận định, hiện nay, với tình trạng nhập cư trái phép vào nước ta là đặc biệt nguy hiểm, nhất là khi tình hình dịch bệnh Covid 19 trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát và nước ta vẫn đang thắt chặt các biện pháp cấm nhập cảnh để kiểm soát dịch bệnh.

Nếu để lọt các đối tượng này thì không chỉ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại mà còn ảnh hưởng đến an ninh chính trị, an toàn trật tự xã hội. Bởi lẽ, một số đối tượng nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích hoạt động phi pháp, thực hiện những hành vi trái pháp luật như sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tổ chức đánh bạc trên mạng internet với quy mô xuyên quốc gia hay gây bạo động lật đổ chính quyền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị. Việc kiểm soát an ninh đối với người nước ngoài là thật sự cần thiết. Nếu phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép cần xử lý thật nghiêm để thể hiện tính răn đe, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng

Ngoài ra, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép thì các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cần tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, quản lý chặt chẽ người ngoài nhập cảnh; Tăng cường phối hợp với Bộ đội biên phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng dọc tuyến biên giới Việt - Trung làm tốt công tác quản lý công dân nhập cảnh, nhất là các đường tiểu ngạch.

Tăng cường công tác nắm địa bàn, đẩy mạnh công tác điều tra, phát hiện những người nhập cảnh, dẫn dắt đưa người nhập cảnh trái phép để xử lý kịp thời. Đồng thời, để công tác đấu tranh với hoạt động nhập cảnh trái phép qua biên giới đạt được hiệu quả cao, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức xã hội, các ngành, các cấp từ biên giới đến nội địa./.

Nguyễn Hiền/VOV.VN