Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

Phong tỏa 3 bệnh viện, yêu cầu người dân tại 6 quận của Đà Nẵng ở nhà

Dương Hải

Suckhoedoisong.vn - UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu người dân tại địa bàn các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Đây là một trong những nội dung trong công văn của UBND TP. Đà Nẵng về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 27/7/2020; căn cứ diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây viết tắt là Chỉ thị 16) trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/7/2020 tại địa bàn các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, cụ thể như sau:

- Gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, phường cách ly với phường, quận cách ly với quận, huyện; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

- Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Tạm dừng hoạt động vận tải

Dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định có tuyến đi và đến các bến xe khách trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

Dừng các hoạt động kinh doanh vận tải khách xe Taxi, xe Hợp đồng, xe Du lịch, xe Điện thí điểm và vận tải thủy nội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Dừng toàn bộ hoạt động xe buýt nội thành trên địa bàn thành phố và các tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề.

Dừng các hoạt động kinh doanh vận tải khách thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

Ảnh minh họa.

Các loại hình được phép mở cửa

Khám chữa bệnh; bán thuốc và vật tư y tế; chất đốt; ngân hàng; bưu chính viễn thông; công chứng; cấp điện, cấp nước; hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hoá, cửa hàng tiện lợi chỉ được bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Đối với việc cung cấp thức ăn chế biến sẵn: Cho phép các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, các bếp ăn tập thể hoạt động nhưng phải đảm bảo các điều kiện về công tác phòng, chống dịch và an toàn thực phẩm; các cửa hàng ăn uống chỉ được bán qua mạng hoặc bán mang đi, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.

UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu người dân tại các địa bàn nêu trên tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Trường hợp đặc biệt, do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

UBND TP yêu cầu Sở Y tế phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, lập danh sách, lấy mẫu xét nghiệm, áp dụng biện pháp cách ly hoặc can thiệp y tế phù hợp đối với các trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân mắc COVID-19 và các trường hợp liên quan và các trường hợp nguy cơ cao; thực hiện rà soát, xét nghiệm diện rộng bằng các phương pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Sẵn sàng các điều kiện để thực hiện Kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết. Các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương tuyên truyền, vận động và có biện pháp bố trí để tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân nhẹ âm tính với COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng .

Thực hiện ngay việc bố trí thiết bị, nhân lực để phục vụ công tác xét nghiệm COVID-19 và liên hệ Bệnh viện Trung ương Huế và các cơ sở xét nghiệm đủ thẩm quyền khác để đề nghị hỗ trợ công tác xét nghiệm COVID-19.

Chỉ đạo, phối hợp với Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng lập danh sách bệnh nhân đã xuất viện; người nhà của các bệnh nhân đã xuất viện, tử vong từ ngày 12/7/2020 đến đi gửi về địa phương để theo dõi y tế đúng quy định....

Phong tỏa 03 bệnh viện

Thực hiện phong tỏa 03 bệnh viện: Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và phong tỏa khu vực các tuyến đường: Đường Quang Trung (từ nút giao Nguyễn Thị Minh Khai - Quang Trung tới nút Đống Đa - Quang Trung); đường Hải Phòng (từ nút giao Hải Phòng - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Hải Phòng - Ông Ích Khiêm); đoạn đường Ông Ích Khiêm (nút Ông Ích Khiêm - Hải Phòng đến nút Ông Ích Khiêm - Đống Đa) và đường Nguyễn Thị Minh Khai (từ nút giao Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Nguyễn Thị Minh Khai – Hải Phòng). Thời gian bắt đầu thực hiện bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/7/2020 cho đến khi có thông báo mới.

Riêng tại địa bàn huyện Hòa Vang: Thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và Công văn số 4869/UBND-SYT ngày 25/7/2020 của Chủ tịch UBND thành phố về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các giải pháp truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ để người dân thành phố cài đặt ứng dụng khai báo y tế, giám sát cách ly và các công cụ truy vết trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan báo, đài và hệ thống thông tin cơ sở thực hiện thông báo đến tất cả người dân khi ra khỏi thành phố Đà Nẵng phải khai báo với cơ quan y tế gần nhất và chính quyền địa phương nơi đến để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Chỉ đạo Trung tâm Thông tin dịch vụ công thành phố có hình thức gửi tin nhắn thông báo cho người dân biết các chủ trương mới của thành phố trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Công an thành phố khẩn trương xác minh thêm các địa điểm và các trường hợp liên quan đến các bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố. Khẩn trương xây dựng phương án, bố trí lực lượng, tham mưu UBND thành phố quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa các địa điểm trên để kiểm soát, phòng, chống lây lan dịch COVID-19 trên địa bàn. Phối hợp với UBND các quận, huyện và cơ quan, đơn vị liên quan giám sát việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện việc: Rà soát (đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng), lập danh sách tất cả các đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trên địa bàn; tổ chức cách ly, điều tra dịch tể, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chủ động phối hợp với Bệnh viện Đà Nẵng, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị chức năng liên quan vận chuyển người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng đến các khu cách ly tập trung do Quân khu 5 quản lý; cử lực lượng phối hợp với công an, địa phương và các lực lượng liên quan thực hiện công tác phong tỏa.

Cục Quản lý thị trường thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; giám sát và xử lý (nếu có) đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng có hành vi đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, thực phẩm và các nhu yếu phẩm. Tiến hành làm việc với các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế; lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố; đồng thời thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hoá và đảm bảo cung cấp đủ số lượng trang thiết bị y tế, hàng hoá tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo, ký cam kết với các cá nhân, tổ chức kinh doanh các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế dùng; lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cho người dân trên địa bàn thành phố; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết; Không tăng giá hàng hóa bất hợp lý; Không đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa; Không gian lận về giá; Không lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán hàng hoá bất hợp lý.

UBND các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ chủ trì, phối hợp với lực lượng công an giám sát và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội trên địa bàn; tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định (không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách, không thực hiện sát khuẩn tay...); phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cơ quan chức năng triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn quản lý, đặc biệt là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

UBND huyện Hòa Vang báo cáo cấp ủy và tổ chức thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo mục 3 Công văn này; theo dõi sát tình hình và diễn biến dịch trên địa bàn để phối hợp với Sở Y tế kịp thời đề xuất triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến dịch.

Chủ tịch UBND các quận, huyện trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm về việc hiệu quả triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo các nội dung đã chỉ đạo.

Đề nghị UBMTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng kêu gọi các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ nguồn lực phục vụ các khu bị phong tỏa và các khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố.

Dương Hải

Giả mạo giám đốc doanh nghiệp để gặp biếu 'quà', quay clip tống tiền lãnh đạo Thị xã Nghi Sơn

Giả mạo là giám đốc của doanh nghiệp để tiếp cận 2 Phó chủ tịch thị xã Nghi Sơn, nhóm đối tượng cố tình 'gài bẫy' tặng tiền và lén quay video nhằm yêu cầu đưa 25 tỷ đồng.

Liên quan vụ ông Hồ Đình Tùng, Phó chủ tịch thị xã Nghi Sơn bị tống tiền, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 người về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Nhóm đối tượng gồm: Lê Xuân Hoàng (42 tuổi), Lê Trần Tiến Đạt (32 tuổi), Lê Trần Sính (48 tuổi), cùng trú xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hóa), Nguyễn Quốc Hưng (41 tuổi), trú TP Hà Nội; Phạm Văn Ân (32 tuổi) và Lê Doãn Tài (35 tuổi), cùng trú TP Thanh Hóa, 2 người này là phóng viên của một tạp chí điện tử.

Nguyễn Quốc Hưng, người giả mạo giám đốc doanh nghiệp để tiếp cận 2 vị phó chủ tịch

CQĐT xác định chủ mưu vụ án là Lê Xuân Hoàng. Anh ta từng có thời gian làm việc trong một cơ quan bảo vệ pháp luật tại Hà Nội. Bị kỷ luật ra khỏi ngành, Hoàng cầm đầu ổ nhóm đi cưỡng đoạt tài sản.

Trung tá Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng Phòng cảnh sát hình sự, cho biết, Hoàng lên kịch bản tinh vi, phân vai trò cho từng người trong nhóm, đặc biệt có 2 phóng viên Ân và Tài để thực hiện hành vi tống tiền.

"Chúng làm đến đâu là cắt giai đoạn đến đó, không để lại dấu vết", Trung tá Thịnh nói.

Theo công an, hồi giữa tháng 5, Hưng được giao nhiệm vụ giả mạo là giám đốc một doanh nghiệp ở TP Thanh Hóa, lấy cớ gặp trao đổi công việc với 2 Phó chủ tịch thị xã Nghi Sơn gồm ông Hồ Đình Tùng và Trương Bá Duyên.

Tại phòng làm việc của 2 vị phó chủ tịch, Hưng cố tình tặng tiền và lén quay video, ghi âm lại.

Sau đó, nhóm của Hưng gửi thư yêu cầu hai ông Tùng và Duyên đưa 25 tỷ đồng. Nếu không giao tiền, chúng sẽ tung video lên mạng và cho phóng viên Ân và Tài viết bài đăng báo tố các ông nhận tiền hối lộ.

Trước đó, ngày 27/5, trên mạng xuất hiện clip tố ông Hồ Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn nhận tiền hối lộ từ doanh nghiệp.

Thời điểm đó, trả lời báo chí, ông Tùng xác nhận người trong clip là mình nhưng khẳng định "đã chạy theo để trả lại số tiền".

Vị phó chủ tịch sau đó có đơn trình báo công an và các cơ quan chức năng cho rằng nhóm người trên đã gài bẫy, quay clip để tống tiền ông.

Sau đó, ông nhận được thư yêu cầu đưa 5 tỷ đồng để đổi lấy sự im lặng. Khi ông Tùng không làm theo, nhóm người tung clip tố ông nhận tiền hối lộ. 

Lương Diễn

Bắt thêm 2 nữ phóng viên trong vụ cưỡng đoạt tiền của phòng khám

Khoai@

Lãnh đạo phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang xác nhận, đơn vị này vừa ra quyết định tạm giữ các đối tượng Trần Tuyết Nhung (40 tuổi, ở quận Đống Đa, TP Hà Nội) - nguyên phóng viên tạp chí Môi trường và Sức khỏe, hiện là nhân viên tập sự tại Tạp chí Môi trường và Đô thị và Bùi Thị Xuân (41 tuổi, ở quận Long Biên, TP Hà Nội), phóng viên tạp chí Môi trường và Sức khỏe.  Mời xem ảnh bên.

2 nghi phạm này liên quan vụ nhà báo Trần Trọng Lâm, Phó trưởng ban Xã hội - Bạn đọc báo Sức khỏe và Đời sống cưỡng đoạt 210 triệu đồng của một phòng khám tại TP Bắc Giang.

Trước đó, lúc 16h ngày 25/7, ông Trần Trọng Lâm bị công an bắt quả tang có hành vi cưỡng đoạt 210 triệu đồng của anh Dương Văn T. (38 tuổi), ở Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, quận Hà Đông (Hà Nội)

Anh T. là cổ đông của Phòng khám Đa khoa Kinh Đô (lô 79 đường Minh Khai, phường Xương Giang, TP Bắc Giang).

Bước đầu, đối tượng Trần Trọng Lâm khai nhận, do nắm bắt được Phòng khám đa khoa Kinh Đô có lỗi sai phạm nên đã đe dọa các cổ đông chuyển tiền nhằm "cho qua", nếu không thì sẽ viết bài đăng báo.

Vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang đã thu giữ 210 triệu đồng, 1 xe ô tô, 2 điện thoại di động, một số giấy tờ có liên quan và hu thập tài liệu điều tra ban đầu, xác định bà Nhung và Xuân quen biết với ông Trần Trọng Lâm.

Đại án ma túy Văn Kính Dương: Tòa tuyên 5 án tử hình, 2 án chung thân, hotgirl Ngọc Miu 16 năm tù

Sau nhiều ngày xét xử, sáng ngày 27/9, HĐXX TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Văn Kính Dương cùng 4 đồng bị cáo mức án tử hình, 2 bị cáo khác lãnh án chung thân. Riêng bị cáo Ngọc Miu bị Tòa tuyên 16 năm tù.

Trong buổi xét xử sáng ngày 27/9, HĐXX đã giành nhiều giờ đồng hồ nhận định hành vi phạm thội, định tội danh của các bị cáo theo cáo trạng của VKS Nhân dân cùng cấp truy tố.

HĐXX nhận định, bị cáo Văn Kính Dương là người đứng đầu đường dây sản xuất, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy. Dương có vai trò lãnh đạo đường dây sản xuất, chỉ đạo phân phối ma túy, đe dọa các bị cáo khi các bị cáo muốn dừng lại hành vi phạm tội, rút khỏi đường dây.

Văn Kính Dương trong phiên xử sáng ngày 27/7.

Chủ tọa phiên tòa nhận định, bị cáo Văn Kính Dương có thân nhân đặc biệt xấu, nhiều án tích chưa được xóa, tái phạm tội nghiêm trọng. Cần có mức án thích đáng cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội.

Đối với các bị cáo Nguyễn Đức Kỳ Nam, Phạm Bảo Quân, Lê Văn Mang, Lê Hương Giang là những đồng phạm có hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán ma túy cùng Văn Kính Dương. HĐXX nhận định, các bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, cần áp dụng mức án cao nhất để tuyên phạt, cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội.

Hai bị cáo còn lại là Nguyễn Đắc Huy, Nguyễn Thu Huyền trong vụ án có vai trò đắc lực trong quá trình Văn Kính Dương vận hành đường dây sản xuất, buôn bán ma túy. Hành vi hai bị cáo là nghiêm trọng, cần bị áp dụng mức án nghiêm khắc.


Ngọc Miu bị tuyên phạt 16 năm tù

Riêng bị cáo Vũ Hoàng Anh Ngọc (biệt danh “hotgirl” Ngọc Miu) có vai trò cất giữ chất ma túy cho Văn Kính Dương. Tuy nhiên, bị cáo Ngọc Miu không biết Dương là “trùm” trong đường dây sản xuất, buôn bán ma túy. Bị cáo không tham gia vào quá trình sản xuất, buôn bán ma túy.


HĐXX nhận định hành vi phạm tội các bị cáo.

Ngọc Miu có mối quan hệ là nhân tình của Văn Kính Dương, cả hai có một con chung. Ngoài ra, bị cáo Ngọc có 2 con riêng còn nhỏ với người chồng trước đã ly dị. Thời điểm phạm tội, bị cáo Ngọc vẫn còn nuôi con nhỏ. Qúa trình điều tra vụ án, bị cáo Ngọc cũng thành khẩn khai báo hành vi phạm tội. Do đó, HĐXX nhận định, đây là những tình tiết giảm nhẹ có thể áp dụng vào hình phạt đối với bị cáo Ngọc.

Từ các căn cứ trên, HĐXX quyết định tuyên phạt: Bị cáo Văn Kính Dương mức án tử hình về tội sản xuất ma túy, mức chung thân với tội tàng trữ ma túy, 8 năm tù với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội trốn khỏi nơi cư trú. Tổng hợp hình phạt, Văn Kính Dương phải nhận nhận mức án tử hình.

Vụ án "trùm" ma túy Văn Kính Dương được đông đảo dư luận quan tâm.

Các bị cáo Nguyễn Đức Kỳ Nam, Phạm Bảo Quân, Lê Văn Mang bị HĐXX tuyên mức án tử hình vì tội sản xuất trái phép chất ma túy Lê Hương Giang cũng bị HĐXX tuyên mức án tử hình về tội buôn bán ma túy. Bị cáo Ngọc Miu bị tuyên phạt 16 năm tù.

Ngoài ra, các bị cáo còn bị HĐXX tuyên tịch thu toàn bộ các tang vật phục.

Tạ Tuấn- Văn Kỳ

Lại bắt giữ 5 người Trung Quốc vượt biên đang di chuyển trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai

(BVPL)- Đi thuyền vượt biên sang Lào Cai, dự định di chuyển xuống Hà Nội sau đó bay vào TP HCM. Nhưng trên đường đi nhóm người này đã bị bắt giữ.

Theo thông tin ban đầu, khoảng hơn 5h sáng ngày 27/7, một nhóm người quốc tịch Trung Quốc đang được tài xế ôtô 7 chỗ chở trên đường di chuyển về Hà Nội thì bị Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 (Cục CSGT) phát hiện và dừng xe trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Các đối tượng bị bắt giữ.

Ngoài 5 người mang quốc tịch Trung Quốc, trên ôtô có tài xế và phụ xe là người Việt. Qua lời khai ban đầu, tổ công tác xác định nhóm người Trung Quốc đến từ tỉnh Quý Châu, vượt biên bằng thuyền sang Lào Cai.

Nhóm này khai nhận, dự kiến sau khi vượt biên thành công sẽ đến sân bay Nội Bài mua vé máy bay vào TP HCM.

Hiện nhóm người Trung Quốc cùng tài xế, phụ xe và tang vật đã được lực lượng chức năng bàn giao để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Đức Huân

Cướp nổ súng lấy đi vài trăm triệu đồng của Chi nhánh BIDV

Sáng ngày 27/7, hai tên cướp đeo khẩu trang, có vũ trang, nổ súng uy hiếp, khống chế giao dịch viên, bảo vệ Ngân hàng BIDV Chi nhánh Ngọc Khánh, số 27 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội cướp tiền mặt tại quầy giao dịch.

BIDV chi nhánh Ngọc Khánh, Hà Nội. Ảnh: Internet

Theo đó, sự việc xảy ra vào 9 giờ 54 ngày 27/7/2020. Theo thông cáo phát đi vào trưa nay của Ngân hàng BIDV, khi cán bộ nhân viên ngân hàng tại BIDV Chi nhánh Ngọc Khánh đang thực hiện các công việc giao dịch phục vụ khách hàng, bất ngờ xuất hiện 2 tên cướp đeo khẩu trang, có vũ trang, nổ súng uy hiếp, khống chế giao dịch viên, bảo vệ và cướp tiền mặt tại quầy giao dịch.

Khi sự việc xảy ra, Chi nhánh đã nhanh chóng thông báo với Công an phường Láng Hạ, bảo đảm an toàn cho khách hàng và giao dịch viên. Theo Chi nhánh thống kê, số tiền thiệt hại ban đầu khoảng vài trăm triệu đồng.

Ngân hàng cũng cho biết, BIDV Ngọc Khánh và Công an đang phối hợp chặt chẽ để truy tìm đối tượng phạm tội.

"Hiện các hoạt động tại BIDV Chi nhánh Ngọc Khánh tiếp tục diễn ra bình thường", thông cáo của BIDV nêu rõ.

Hương Dịu

30 người bỏ trốn khỏi bệnh viện Đà Nẵng sau lệnh cách ly

(VTC News) - Có 30 người bỏ trốn khỏi Bệnh viện Đà Nẵng và lãnh đạo bệnh viện đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng phối hợp chỉ đạo việc giám sát các trường hợp này.

Ngày 27/7, Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, nhiều ca bệnh trốn khi Bệnh viện Đà Nẵng được cách ly theo quy định.

Cụ thể, sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện cách ly vào lúc 13h ngày 26/7 để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Do tâm lý lo lắng nên nhiều bệnh nhân và người nhà đã tự ý rời khỏi bệnh viện.

30 người trốn khỏi Bệnh viện Đà Nẵng sau lệnh cách ly. 

Trong đó, tại khoa Tim mạch can thiệp có 15 người, khoa Ngoại tiết niệu có 15 người vắng mặt. Những người này hầu hết là người dân sống trên địa bàn TP Đà Nẵng, một số khác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Vì vậy, Bệnh viện Đà Nẵng đã có cáo gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đề nghị phối hợp chỉ đạo việc giám sát những trường hợp này.

Theo thông tin mới nhất, đến 11h hôm nay, Bệnh viện Đà Nẵng đã dừng tiếp nhận đồ tiếp tế của người nhà gửi vào bệnh viện để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

XUÂN TIẾN