(CLO) Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Xã hội yêu cầu ngày càng cao, vì vậy các trường đại học phải chú ý chất lượng thật”.
Ngày 21/7, tại Trường Đại học VinUni (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam.
Tham gia hội nghị có đại diện sứ quán các nước hợp tác quốc tế về GD&ĐT với Việt Nam và hơn 40 Hiệu trưởng/ Giám đốc các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu tại Việt Nam.
Hiện các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã có nhiều chương trình đào tạo chất lượng, được kiểm định quốc tế, đào tạo bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác.
Tại Việt Nam, hiện có 5 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Các chương trình đào tạo quốc tế liên kết với các đại học uy tín ở nước ngoài không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, hiện có khoảng 400 chương trình liên kết đào tạo với hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài bị ảnh hưởng rất lớn.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học ở các nước phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Môi trường xã hội ở nhiều nước phải thực hiện cách ly.
Những yếu tố đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến người học ở các nước, trong đó có lưu học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài.
Trong khi đó, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Nhờ đó, hiện nay các trường đại học của Việt Nam vẫn mở cửa đón nhận sinh viên và thực hiện các hoạt động đào tạo một cách bình thường.
Đây là dịp tốt cho các cơ sở đào tạo đại học tiếp nhận sinh viên Việt Nam đang du học tại nước ngoài về tiếp tục học tập, đồng thời cũng là cơ hội tốt để tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong hơn 400 chương trình liên kết đào tạo, chủ yếu là lĩnh vực kinh tế, quản lý, vì vậy, dư địa để mở các ngành liên kết đào tạo nhiều lĩnh vực khác như CNTT, công nghệ sinh học, phần mềm, du lịch… còn rất lớn bởi rất rất cần cho nguồn nhân lực Việt Nam.
Ngoài ra, các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng còn nhiều tiềm năng để mở rộng liên kết đào tạo theo tín chỉ hoặc nhóm tín chỉ, từ đó mở rộng cơ hội trải nghiệm cho sinh viên quốc tế tại Việt Nam.
Xã hội yêu cầu ngày càng cao, vì vậy các trường đại học phải chú ý chất lượng thật.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã cho rà soát các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và cho dừng lại gần 200 chương trình liên kết.
Qua phát biểu của Bộ trưởng Nhạ cho thấy, tình hình liên kết đào tạo của các đại học Việt Nam với các trường đại học ở nước ngoài thời gian qua phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, chất lượng liên kết là một vấn đề đáng quan tâm. Nhất là số lượng gần 200 chương trình liên kết bị Bộ Giáo dục và Đào tạo buộc dừng lại đã cho thấy nhiều mô hình sinh ra là nhằm mục đích "bán bằng", trục lợi hơn là đào tạo, cung cấp tri thức, nhân lực chất lượng cao.
Trinh Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét