Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

TẠI MỘT CON ỐC

Sơn Bi

Anh đã cá cược trên tường FB rằng, hậu vụ sập treo Chu Va ở Lai Châu làm 8 người chết, 38 người bị thương là do ốc neo cáp của cầu làm ẩu, không đúng thiết kế.

Đoàn chuyên gia độc lập của Bộ anh Thăng đã xác định:
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ốc neo cáp của cầu làm ẩu. Thay vì phải đúc nguyên khối thì con ốc này lại hàn nối nên khả năng chịu lực quá kém. Nếu là vật liệu đúc nguyên khối theo thiết kế thì có thể chịu tải trọng cả trăm người đi qua.
Anh Thăng nói.
Được biết dự án cầu treo Chu Va 6 do huyện Tam Đường làm chủ đầu tư, đơn vị thi công cũng nằm trên địa bàn này. Ốc neo cáp cây cầu bị đứt do bị làm ẩu. Thay vì phải đúc nguyên khối thì con ốc này lại hàn nối nên khả năng chịu lực quá kém

Nghe Bộ anh Thăng báo cáo, Thủ tướng yêu cầu:
Đối với công trình dân sinh liên quan đến tính mạng người dân thì bắt buộc phải tuân thủ quy định có cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, phê duyệt thiết kế và giám sát chặt. Như nhà cao tầng ở Hà Nội do tư nhân làm rất nhiều nhưng thẩm định thiết kế kỹ thuật là phải cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm. Dứt khoát là an toàn mới cho làm. Các bộ ngành phải rà soát lại quy định nếu còn trống thì phải bổ sung ban hành.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết đối với công trình cầu thì phải được thẩm định thiết kế và có cơ quan chuyên môn khoa học đánh giá.

Vậy là đã rõ. Nguyên nhân do thiết kế và thi công.

ANH THĂNG: TOÀN ĐẠI GIA ĐI XE PHANTOM THÌ GIẢI CỨU CÁI GÌ?

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, ngọn nguồn của khó khăn trên thị trường bất động sản hiện nay là do giá cao...

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, muốn giải cứu bất động sản chỉ có cách giảm giá bán.

“Tôi thấy hiện nay có không ít doanh nghiệp bất động sản được hỗ trợ thì lại không muốn cứu vì chờ Chính phủ, ngân hàng cho giãn nợ, khoanh nợ. Doanh nghiệp cần cứu thì lại không được cứu”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nêu thực trạng trên tại phiên họp của Chính phủ sáng 28/2, xung quanh câu chuyện về “giải cứu thị trường bất động sản”.

Theo Bộ trưởng Thăng, ngọn nguồn của khó khăn trên thị trường bất động sản hiện nay là do giá nhà đất vẫn cao. Do đó, để tháo gỡ vướng mắc này, chỉ có giải pháp hữu hiệu nhất là các chủ đầu tư phải tiếp tục giảm giá.

Đối với các dự án đang cầm cố ngân hàng, đang tồn kho, ông Thăng đề nghị cần thuê kiểm toán độc lập vào xác định giá nhà một cách chỉnh xác. Trên cơ sở đó, giảm giá bao nhiêu kiểm toán sẽ xác định.

“Chủ đầu tư bất động sản toàn đại gia, toàn đi xe Phantom thì giải cứu cái gì? Bất động sản phải giảm giá, thì chắc chắn sẽ tiêu thụ được”, ông Thăng nhấn mạnh.

Trao đổi nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, câu chuyện thị trường thì không thể ra mệnh lệnh được, nên với các dự án đang vay ngân hàng, chỉ có thể là ngân hàng ra điều kiện rồi thu hồi, phát mại..

Trong phần phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc, cả đánh giá của các chuyên gia và thực tế đều khẳng định như vậy.

Đặc biệt, giá bất động sản hiện nay, sau một thời gian giảm mạnh đã chững lại. một số dư án tăng nhẹ từ 1 - 2 %. Giao dịch cũng tiếp tục tăng tại 2 thành phố lớn, trong đó tại Hà Nội có 1.294 giao dịch thành công, gấp hai lần 2013. Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm, hiện chỉ còn 92.690 tỷ đồng.

Liên quan đến gói 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng tái khẳng định rằng, đây không phải là gói trực tiếp giải cứu bất động sản mà chỉ là hỗ trợ nhà ở cho người khó khăn, người thu nhập thấp, qua đó có tác động nhất định đến thị trường bất động sản nói chung. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân gói này hiện vẫn chậm vì nguồn cung nhà ở vẫn còn thiếu nhiều.

“Theo tính toán, mỗi hộ dân nếu vay khoảng 500 triệu đồng để mua nhà thì để giải ngân 70% gói này tương đương khoảng 20.000 tỷ cũng cần phải có khoảng 40.000 căn hộ, trong khi hiện nay chúng ta mới giải quyết được 2.000 căn. Không có nhà thì lấy đâu ra để giải ngân được”, ông Dũng khẳng định.

Chỉ đạo nội dung này, Thủ tướng yêu cầu tới đây phải làm rõ mục đích, ý nghĩa cũng như quy trình giải ngân của gói 30.000 tỷ, bởi theo Thủ tướng, ngay cả các chuyên gia cũng không hiểu được gói này, cứ cho là cứu bất động sản.

TRUNG QUỐC KHÔNG BAO GIỜ MUỐN BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ BIỂN ĐÔNG

Đó là lời nói của nhà nghiên cứu Mỹ

Dư luận viên VOA
Ảnh: Tàu của Trung Quốc tập trận trong vùng biển Biển Đông

Một bài xã luận đăng trên tạp chí The Diplomat nhận định không nên trông cậy quá nhiều vào tiến độ đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, vì bộ quy tắc này sẽ đe dọa tới lợi ích của Trung Quốc.

Trong bài viết đăng ngày 26/2, tác giả Shannon Tiezzi chỉ ra một thực tế là Hải quân Trung Quốc thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận trong khu vực tranh chấp, và Cảnh sát biển Trung Quốc cũng tuần tra nước như một cách để khẳng định quyền kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà lập luận nếu quy tắc ứng xử ngăn cấm những hoạt động như vậy thì thật khó tưởng tượng tại sao Trung Quốc lại muốn ký vào đó.Bà Tiezzi nói Trung Quốc cũng có những đòi hỏi của riêng họ cho một quy tắc ứng xử. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từng nói rằng đàm phán nên “lưu tâm tới sự thoải mái của tất cả các bên.” Theo quan điểm của Trung Quốc, điều này có nghĩa là các quốc gia có quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh, chẳng hạn như Campuchia, không nên bị ép phải ủng hộ một bộ quy tắc ứng xử cứng rắn.

Theo bà Tiezzi, Bắc Kinh không quá quan tâm nếu Việt Nam và Philippines không cảm thấy “thoải mái” vì một bộ quy tắc ứng xử quá lỏng lẻo.

Bà Tiezzi cũng lưu ý đến lập trường của Trung Quốc rằng tranh chấp Biển Đông là việc nội bộ của các nước có liên quan trong khu vực và nước ngoài không nên can thiệp. Nói cách khác, Trung Quốc muốn loại Mỹ ra khỏi những cuộc đàm phán khu vực, và sẽ không thúc đẩy tiến độ đàm phán bộ quy tắc ứng xử chừng nào Mỹ vẫn còn can dự.

Bà Tiezzi kết luận rằng sẽ rất khó đạt được sự đồng thuận về bộ quy tắc ứng xử Biển Đông vì Bắc Kinh sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Bà nói một thỏa thuận như vậy không chỉ hạn chế sự kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp, mà còn cản trở chiến lược mở rộng khu vực kiểm soát trên thực tế của nước này thông qua tuần tra hàng hải.

Nguồn: The Diplomat

TRƯỞNG CÔNG AN TP LẠNG SƠN BÁC BỎ LỜI KHAI CHẤN ĐỘNG



Các cựu cảnh sát trấn gái mại dâm lĩnh án:

TP - Các bị cáo cựu cảnh sát TP Lạng Sơn cho rằng họ bị bắt do lãnh đạo cơ quan điều tra 'hạ bệ' thủ trưởng của họ để tranh đua 'suất' phó giám đốc Công an tỉnh. Song, chính 'sếp' của các bị cáo - Trưởng Công an TP Lạng Sơn - đã lên tiếng bác bỏ lời khai này.

Thiếu thành khẩn

Trong phần tuyên án vụ "cảnh sát trấn tiền gái mại dâm" chiều 27/2, bà Chu Thị Nguyễn Phin, thẩm phán chủ tọa phiên tòa kết luận: Trên cơ sở tài liệu điều tra, thẩm vấn công khai tại phiên tòa cho thấy, trong khoảng tháng 3 đến cuối tháng 4/2012, Trường, Hiếu đã sai khiến Tú thực hiện 3 vụ cưỡng đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn TP Lạng Sơn và huyện Cao Lộc (Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh).

Cũng theo HĐXX, trong quá trình điều tra và tại các phiên tòa, các bị cáo nguyên là cảnh sát TP Lạng Sơn không thành khẩn, ăn năn hối cải, mặt khác còn quanh co, khai báo suy diễn, nguỵ biện hòng chối tội. Hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành bảo vệ pháp luật. Các bị cáo này phải cần phải lĩnh hình phạt cao hơn bị cáo “chim mồi” Hứa Viết Tú. 

Chiều 27/2, lãnh đạo Công an TP Lạng Sơn cho biết, những lời khai tại tòa của các bị cáo, nhất là bị cáo Trường là ngụy biện, không phản ánh đúng bản chất nội bộ ngành và Trường phải chịu trách nhiệm với những lời khai của mình.

Trước đó, trong phần tranh tụng với đại diện Viện kiểm sát, luật sư bào chữa cho bị cáo Triệu Văn Hiếu cho rằng, không thể dựa vào những lời khai để “ghép tội” cho Hiếu. Theo luật sư này, còn có những điểm còn mâu thuẫn giữa lời khai của những người liên quan trong vụ án chưa được làm rõ.

Tuy nhiên, HĐXX bác bỏ phần lớn quan điểm bào chữa của luật sư cho Triệu Văn Hiếu, khẳng định bị cáo Hiếu đã trấn tiền, vàng của gái mại dâm tại khách sạn Sao Mai và trấn tiền của lái xe trong vụ “bắt bạc” ở Bến xe phía Bắc TP Lạng Sơn.

Trên cơ sở hệ thống chứng cứ, lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng và bảng nhận dạng, HĐXX cho rằng có đủ căn cứ để xác định các bị cáo Trường, Hiếu, Tú đã phạm tội như cáo trạng truy tố của Viện KSND TP Lạng Sơn.

Án nghiêm khắc cho 2 cựu cảnh sát

Về mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo Trường và Hiếu, HĐXX cho rằng, những người này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội. Do không được lãnh đạo đơn vị phân công thi hành công vụ (đi bắt bạc, bắt mại dâm – PV) nên các bị cáo này có tình tiết tăng nặng theo điểm c, khoản 1, điều 48 Bộ luật Hình sự; phạm tội nhiều lần theo điểm g, khoản 1, điều 48 BLHS.

Trên cơ sơ đó, Tòa tuyên bị cáo Hoàng Công Trường 30 tháng tù giam, Triệu Văn Hiếu 24 tháng tù giam, Hứa Viết Tú 18 tháng tù giam. Đồng thời, các bị cáo phải liên đới bồi hoàn cho các bị hại Nguyễn Thị Ng., Vy Thị N. (gái mại dâm), tổng số tiền trên 16 triệu đồng. Riêng số tiền 4 triệu đồng cưỡng đoạt trong vụ “bắt bạc”, do bị hại không yêu cầu bồi thường, nên HĐXX tuyên tách ra xử lý sau, nếu sau này bị hại có đơn yêu cầu.

Về ý kiến kêu oan của cựu cảnh sát Ngụy Ngọc Hùng (ra tòa lần này với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, sau khi đã chấp hành xong bản án 12 tháng tù treo theo phán quyết của Tòa cấp phúc thẩm - PV), cho rằng bản thân bị oan, công tố viên không đối đáp vì cho rằng vấn đề này không thuộc phạm vi giải quyết của cấp tòa án sơ thẩm.Theo đông đảo người tham dự phiên tòa, mức án dành cho các bị cáo được coi là khá thỏa đáng.

Công an Lạng Sơn bác bỏ “lời khai chấn động”

Trước đó, tại phiên xử ngày 26/2, bị cáo Trường và Hiếu cùng cho rằng, họ bị lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Lạng Sơn dụ dỗ, cho chép lời khai của nhau; do họ học không đúng chuyên ngành điều tra nên mắc vào vòng lao lý.

“Ngày ấy, có một “suất” phó giám đốc công an tỉnh, thấy thủ trưởng đơn vị tôi có nhiều khả năng “tranh cử”, nên họ đã dựng lên vụ việc này để “hạ bệ”. Và chúng tôi trở thành nạn nhân của màn kịch đó” - bị cáo Trường khai trước tòa.

Phản hồi về nội dung này, chiều 27/2, lãnh đạo Công an TP Lạng Sơn cho biết, những lời khai tại tòa của các bị cáo, nhất là bị cáo Trường là ngụy biện, không phản ánh đúng bản chất nội bộ ngành và Trường phải chịu trách nhiệm với những lời khai của mình.Đại tá Bùi Điển, Trưởng Công an huyện Cao Lộc (nguyên Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Lạng Sơn thời điểm điều tra vụ án), cũng khẳng định, các tài liệu điều tra vụ án rất khách quan, đúng pháp luật...

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

PTT VŨ ĐỨC ĐAM: TÔI TRĂN TRỞ MÃI KHI MỘT LẦN VÀO BỆNH VIỆN BẠCH MAI

“Chúng ta phải bình tĩnh trước những phê phán, nhận xét của xã hội, cộng đồng. Người dân hiểu hơn ai hết các cống hiến của ngành”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành y phải làm cái gì đó để chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên một bước

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với người thầy thuốc vào chiều 27/2, tại hội nghị trực tuyến về nhiệm vụ của ngành y trong năm 2014. 

Phó Thủ tướng cho rằng, y tế, giáo dục là vấn đề trước mắt, sát sườn của người dân, nên có thể coi như lĩnh vực trọng đại, thậm chí còn “mất ăn mất ngủ”. Dù nói về mặt tốt hay những bất cập của ngành y cũng là chủ đề được đề cập nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Với tư cách người dân, thành viên Chính phủ hay với tư cách người làm báo, tôi cũng xúc động trước những cống hiến của ngành y. Bằng một tấm lòng nhân ái, người thầy thuốc luôn coi tính mạng của người bệnh trên hết. Rủi ro của bác sĩ rất cao, nhưng họ sẵn sàng công hiến”.

Phó Thủ tướng nêu nhận định và cho biết, bên cạnh đó vẫn còn nhiều tấm gương khác mà chúng ta không biết hết được.

“Tôi cứ trăn trở mãi khi một lần vào Bệnh viện Bạch Mai. Lúc đó phòng khám đông lắm, người nhà bệnh nhân ngồi la liệt ngoài hành lang. Ở đó một lúc, tôi thấy một bác sĩ ra ngoài hành lang ngồi, rồi ngủ say sưa. Sau đó có người đến lay dậy, bác sĩ đó giật mình, rồi lại bước vào phòng khám”.
Hình ảnh cảm động về người thầy thuốc tận tình chăm sóc cho những nạn nhân trong vụ sập cầu treo ở Lai Châu. Ảnh IT

Dù không làm được hết những lời Bác dạy năm nào, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn ngành y phải làm sao để nhân dân thấy hài lòng. “Nhất định 2014 ngành y phải làm cái gì đó để chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên một bước”.

Theo Phó Thủ tướng, hiện chúng ta đã ban hành các quy chuẩn, hướng dẫn quy trình, tiêu chí đánh giá. Giờ muốn nâng cao chất lượng phải có biện pháp “đo” được chất lượng, để cùng thi đua và để dân giám sát.

Mặc dù còn nhiều khó khăn như Bộ trưởng Y tế đề cập. Số giường trên người bệnh còn ít quá, chưa đạt chỉ tiêu. Nhưng Phó Thủ tướng cho rằng, quan trọng hơn cả, trong tổng số giường, trang thiết bị hiện có, làm sao phải sử dụng cho tốt hơn. Đất nước ta còn rất nghèo, mà không ít những nơi có bệnh viện, thiết bị mà không có người bệnh đến. Ngược lại nhiều nơi bệnh viện lại rất quá tải. Chúng ta cần xem lại cơ chế chính sách, tận dụng được trang thiết bị xã hội hóa đã đầu tư, làm sao hướng tới giường bệnh ở bệnh xá cấp xã, huyện, tỉnh tốt hơn đi, để tuyến trung ương bớt quá tải.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng mong toàn ngành y đoàn kết, công bằng, minh bạch, để tất cả các tuyến thấy được vinh dự, cũng như trách nhiệm để cống hiến.

“Vấn đề y đức đã nói nhiều rồi. Chúng ta phải bình tĩnh trước những phê phán, nhận xét của xã hội, cộng đồng. Người dân hiểu hơn ai hết các cống hiến của ngành. Đi đến bệnh viện, tôi thấy có những lời nhận xét rất tốt. Vì thế chúng ta không nên ngại trước những chỉ trích, và hãy coi đó là những góp ý chân thành” – Phó Thủ tướng khuyên.

Trước những lo ngại của người bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong ngành y tìm ra những giải pháp rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh. Đồng thời cùng nhau đấu tranh, hạn chế những tiêu cực nhỏ trong đội ngũ y bác sĩ.

“Hô hào nhiều là không hay. Nhưng có những lúc chúng ta phải tĩnh tâm lại, học lại, không đâu xa mà chỉ xoay quanh mấy trăm chữ Bác Hồ dạy” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Nguyễn Dũng

CÁC BỘ TRƯỞNG NÓI THẲNG

SGTT.VN - Hai ngày qua, cộng đồng mạng rộ lên, tán thưởng câu nói của bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận: “Chỉ có bằng giả mới vào được cơ quan nhà nước”. Câu nói của ông (tại phiên họp ngày 25.2 của hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2015, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì) ngay lập tức được dư luận thừa nhận mà hầu như không yêu cầu phải chứng minh.

Bởi lâu nay, người ta đều biết, bằng cấp là một tấm vé để vào làm các cơ quan nhà nước, nhất thiết phải có theo quy định. Nhưng chính vì thế, lại xuất hiện bằng cấp, chứng chỉ giả để bán cho những người yếu kém về trình độ, năng lực nhưng có tiền, có quan hệ… để luồn lọt, chạy chỗ vào cơ quan nhà nước, hòng tìm một công việc yên thân.

Nhưng câu nói của ông Phạm Vũ Luận cũng có thể mở rộng ra một chút. Bằng cấp giả không chỉ vào được cơ quan nhà nước mà còn có thể vào được các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Câu nói đầy đủ của ông tại cuộc họp: “Thực tế những người có bằng giả hay bằng thật, nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân” cũng cho thấy điều đó. Người ta cũng có thể hiểu ngay ý ông nói: ở các doanh nghiệp, cơ sở làm việc của tư nhân, vì lợi ích sát sườn của họ, không đời nào các ông chủ doanh nghiệp tư lại chỉ coi trọng bằng cấp để tuyển dụng nhân sự.

Thông thường, ở các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân, khi tuyển người, vẫn có yêu cầu sao, lưu bằng cấp để xem người đó được đào tạo chuyên ngành gì nhưng mặt khác, chủ các doanh nghiệp tư nhân sẽ kiểm tra, thử việc rất kỹ ứng viên xem họ có làm được theo trình độ đó không. Thậm chí, bằng thật, chứng chỉ thật nhưng làm kém vẫn không tuyển dụng. Bằng cấp, chứng chỉ ghi trình độ trung bình, hay yếu nhưng thực tế làm tốt thì vẫn tuyển dụng. Thậm chí, có những nơi, không coi trọng bằng cấp, nếu thực tế anh là bằng trung cấp nhưng làm tốt hơn người có bằng đại học thì người ta vẫn trọng dụng người có bằng cấp thấp hơn, thậm chí không phải không có cơ sở tư nhân, có những người không có bằng cấp mà làm tốt vẫn được tuyển.

Ai cũng hiểu câu chuyện thực tế này nhưng điều bất ngờ là nó được nói ra từ chính miệng ông bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo. Với câu nói này, người ta chờ đợi xem ông cùng với những người có trách nhiệm ở các bộ, ngành khác, đặc biệt là bộ Nội vụ, nơi soạn thảo, ban hành các chính sách, quy định về thi tuyển, tuyển dụng cán bộ, công chức nhà nước sẽ làm gì để chấm dứt tình trạng quá coi trọng về hình thức bằng cấp, chứng chỉ mà thiếu kiểm tra thực tế thực học, trình độ của người được tuyển dụng như hiện nay. Bằng giả, chứng chỉ giả tràn lan đã là một chuyện, bằng thật, chứng chỉ thật nhưng học giả (kiểu như thuê người đi học, học qua loa, trốn học nhiều…) cũng không phải là hiếm.

Không phải ai cũng nói ra được sự thật như bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, làm được điều gì đó để thay đổi hiện trạng, bất chấp nguy cơ chính mình sẽ “không còn gì để mất”.

Trước bộ trưởng Phạm Vũ Luận, người ta thấy, đâu đó cũng có những bộ trưởng nói ra những điều, ngẫm ra rất thẳng, rất thật. Tại kỳ họp Quốc hội khoá XIII cuối năm trước, và mới đây ở một cuộc họp của uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nói ra những điều gây sốc cho dư luận. Nói về sự lãng phí trong đầu tư công, tình trạng đầu tư lãng phí, dàn trải… ông nói: “Trung ương phân bổ thế nào, địa phương chạy chọt thế nào, tôi biết hết”; “Nhiều chủ tịch tỉnh chỉ thích hoành tráng”… Nhưng cùng với những câu nói ấy, ông cũng có những việc làm cụ thể để làm thay đổi tình hình như việc soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ký chỉ thị 1792/CT-TTg, được coi như là “cứu cánh cho nguy cơ vỡ nợ của Việt Nam”. Nhưng việc soạn chỉ thị này, theo ông Vinh đã là một “cuộc chiến” trong bộ Kế hoạch và đầu tư. “Có vụ trưởng nói với tôi, anh làm thế có khác gì lấy đá ghè chân mình”, ông Vinh nói với đại biểu Quốc hội. Ông cũng đã từng nói:“Tôi nói rằng đất nước này cần công khai minh bạch và không được có tham nhũng, bởi vì đó là những thứ làm cho đất nước này “chết” nhanh chóng nhất. Công việc này vô cùng khó khăn, động chạm đến rất nhiều người vì làm họ mất rất nhiều quyền. Nhưng phải làm, nếu Quốc hội, Chính phủ bỏ phiếu bất tín nhiệm tôi, tôi cũng vui vẻ vì không có gì để mất”, ông Vinh nói.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng có một vài lời nói thẳng về tình trạng chất lượng xây dựng các công trình giao thông, tiến độ xây dựng chậm… và ông cũng đã có những việc làm cụ thể như cách chức, thay thế, điều chuyển ngay một số người lãnh đạo các đơn vị trong ngành, dưới quyền ông, để thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng thi công một số công trình giao thông lớn.

Đã có một số bộ trưởng nói những điều mà dư luận gọi là “nói thẳng”. Cũng không phải bộ trưởng nào nhận ra, nói ra được sự thật cũng làm được những việc để thay đổi thực trạng, thay đổi những sự thật màu xám trong ngành mình, lĩnh vực mình và cả những lĩnh vực khác. Như bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bà có nói ra nhưng cũng chưa thấy bà làm được gì nhiều để thay đổi tình trạng bệnh viện công quá tải, y đức xuống cấp… Còn có bộ trưởng, không phải không hiểu chuyện nhưng khi làm lại khiến tình hình tệ thêm. Như bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng không phải không am hiểu thực tế về xây dựng, mua bán các căn hộ chung cư hiện nay nhưng bộ này vẫn ban hành thông tư 16/2010/TT-BXD có những quy định trái luật Nhà ở và bộ luật Dân sự, gây khổ sở, thiệt hại cho người dân mua chung cư… và chỉ có lợi cho một số tổ chức, cá nhân mà trong phiên họp ngày 25.2 của uỷ ban Pháp luật, phần lớn đại biểu đã chất vấn mà ông đã không có câu trả lời thoả đáng.

Không phải ai cũng nói ra được như bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, làm được điều gì đó để thay đổi hiện trạng, bất chấp nguy cơ chính mình sẽ “không còn gì để mất”. Nhưng dù sao, người dân vẫn đang chờ đợi, sẽ có nhiều hơn những lời nói thật, nói thẳng của các bộ trưởng và có nhiều việc làm thiết thực hơn để thay đổi, làm biến chuyển những thực tế không mấy tốt đẹp trong từng ngành, từng lĩnh vực: y tế, giáo dục, đầu tư công, giao thông… hiện nay.

MẠNH QUÂN

THỦ TƯỜNG YÊU CẦU KHÔNG DỠ CẦU LONG BIÊN

TPO - Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng nay, 28/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu không dỡ cầu Long Biên. Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải và TP Hà Nội phải thống nhất phương án làm cầu đường sắt sớm nhất.

Trước đó, khi bàn về dự án đường sắt đô thị số 1, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng than phiền việc thực hiện dự án quá chậm, quá nhiều tranh cãi, hội thảo nhưng chưa kết luận được.

Đồ họa cầu đường sắt xây mới bên cạnh cầu Long Biên. Ảnh: AshuiBộ trưởng Thăng khẳng định, quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là thống nhất theo phướng án Thủ tướng đã chấp thuận là làm cầu mới cách cầu Long Biên 30m. Đây là phương án chi phí ít nhất, giải phóng mặt bằng thấp nhất. Tuy nhiên, Hà Nội lại có phương án khác nên lại xảy ra rắc rối. Bộ trưởng Thăng đề nghị Thủ tướng chủ trì và có quyết định sớm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, khi làm việc với Tổng thống, Thủ tướng Pháp, họ đều muốn Việt Nam giữ lại cầu Long Biên và sẽ góp phần tài trợ.

Thủ tướng khẳng định, quan điểm từ trước tới nay là giữ nguyên cầu Long Biên, còn làm cầu mới chỗ nào tốt nhất, hay nhất thì các bên phải ngồi lại với nhau.

Đối với cầu Long Biên, phải có phương án phục hồi cụ thể, sử dụng theo công năng cho phù hợp. Còn đối với cầu vượt sông phục vụ tuyến đường sắt số 1 cũng phải bàn cho cụ thể, cách 30, 50 hay 200 mét thì Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội ngồi lại tính toán.

Ngay sau khi có thông tin về phương án phá dỡ cầu Long Biên, báo Tiền Phong mở diễn đàn "Cầu Long Biên - Bảo tồn hay xây mới".

Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý, chuyên gia, bạn đọc. Tất cả đều đưa đến phương án bảo tồn cây cầu Long Biên - minh chứng vô giá của lịch sử.