Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

DINH THỰ VÀ CẦU TREO

Chuyện nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền xây biệt thự tiền tỉ tại tỉnh Bến Tre đến nay vẫn chưa lắng dù ông Truyền đã giải thích.

Vấn đề càng được đẩy lên cao trào khi dinh cơ của người đứng đầu ngành thanh tra đã về hưu được nêu ra trước công luận cùng thời điểm với vụ lật cầu treo Chu Va 6 (tỉnh Lai Châu) làm 8 người chết thương tâm và hàng chục người bị thương.

Biệt thự “khủng” của quan chức nhà nước gây xì xào trong dư luận mấy năm qua chẳng phải hiếm. Người ta từng choáng ngợp trước tòa lâu đài và “vườn thượng uyển” rộng 4.152 m2 trồng các loại gỗ sưa và đá phong thủy quý hiếm có giá trị hàng triệu USD, được cho là của ông Bùi Thanh Quyến, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Ông Quyến sau đó thanh minh rằng tài sản này là của người con trai - ông Bùi Thanh Tùng - một trưởng phòng thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương. Giống ông Quyến, ông Trần Văn Truyền cũng trần tình: Khu đất xây biệt thự là của con trai ông, còn căn biệt thự là do một “người em kết nghĩa” của ông xây tặng...

Ai cũng có cách giải thích song đều khó thuyết phục người dân. Người ta có quyền đặt câu hỏi con trai ông Quyến làm trưởng phòng của một sở lấy đâu ra tiền nhiều như vậy? Còn ông Truyền, sợi dây liên hệ giữa chiếc ghế tổng thanh tra vốn rất nhạy cảm, đầy quyền uy và cơ ngơi ông đang sở hữu cũng rất gần nhau. Ở xứ ta xưa nay vốn quen làm quan - hưởng lộc hay một người làm quan - cả họ được nhờ. Bởi vậy, sự hoài nghi của dân chúng đều có cơ sở!

Cho dù là tài sản chân chính đi nữa, cái cách thể hiện của những cán bộ nhà nước đó cũng đáng phê phán. Sự xa hoa quả là đặt không đúng chỗ khi xung quanh những dinh thự bề thế kia hầu hết là những căn nhà cấp 4 đơn sơ của người dân. Ở một đất nước nông nghiệp với hơn 70% dân số là nông dân, hầu hết là nghèo, quanh năm chân lấm tay bùn, sao khỏi chạnh lòng mỗi khi ngước nhìn những cơ ngơi hoành tráng của quan chức.

Đành rằng xã hội ta luôn khuyến khích làm giàu chính đáng và những người khoe sự giàu sang không vi phạm pháp luật song giữa một cộng đồng đang sống trong hoàn cảnh ngược lại thì sự phô trương ấy trở nên kệch cỡm.

Đến hết năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn dưới 2.000 USD/năm, nợ công vẫn khá cao (mỗi người gánh 800 USD), có đến 11 tỉnh xin gạo cứu đói, đặc biệt là lương nhà nước rất thấp, hầu như không cán bộ, công chức nào sống được bằng lương; đất nước chưa thoát được sự lạc hậu, người dân vẫn còn đói nghèo, trẻ em nhiều nơi phải bơi qua sông hoặc hồi hộp bước trên những chiếc cầu treo cheo leo để đến trường và có thể thiệt mạng bất kỳ lúc nào..., trong khi một bộ phận “công bộc” của dân công nhiên khoe khoang cuộc sống đế vương thì ai mà chịu được!

Quy định về kê khai, minh bạch tài sản đối với cán bộ dù đã có (dù chưa thực chất) nhưng đối với cán bộ về hưu thuộc diện trung ương quản lý thì lại không. Kẽ hở này sẽ giúp thêm nhiều dinh cơ mọc lên. Vì thế chưa biết bao giờ dân chúng mới thôi “nhức mắt” trước những biệt điện tráng lệ, chói lòa.

Dương Quang

30 NĂM ĐỔI MỚI HỆ THỐNG TƯ PHÁP: CẦN NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT



Vụ án Nguyễn Thanh Chấn là lời cảnh báo nghiêm khắc về việc nâng cao chất lượng các cơ quan tư pháp

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đánh giá: “Trong Dự thảo Báo cáo chưa thấy cái mới rõ nét lắm, có những vấn đề băn khoăn lâu nay chưa thấy được giải đáp”.

(PLO) - Cuối tuần qua, Ban Nội chính Trung ương (TƯ) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo “Kết quả nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn về đổi mới và hoàn thiện hệ thống tư pháp qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016)”.

Hệ thống các cơ quan tư pháp ngày càng được kiện toàn

Trước những thay đổi to lớn, nhanh chóng về chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới và hoàn cảnh khó khăn của đất nước cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có chủ trương đổi mới hệ thống tư pháp: “Quản lý đất nước bằng pháp luật”, “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật… Mọi vi phạm đều phải được xử lý”. 

Tiếp theo, các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), lần thứ VIII (1996) và lần thứ IX (năm 2001) đều đề ra chủ trương đổi mới, hoàn thiện hệ thống tư pháp. Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo TƯ về tổng kết “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới”, Ban Nội chính TƯ cùng VKSNDTC và TANDTC phối hợp xây dựng Dự thảo Báo cáo “Kết quả nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn về đổi mới và hoàn thiện hệ thống tư pháp”. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó trưởng ban Ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh cho biết, Dự thảo Báo cáo tập trung vào 3 vấn đề lớn là khái quát quá trình đổi mới và hoàn thiện hệ thống tư pháp ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay; đánh giá tổng quát quá trình đổi mới, hoàn thiện hệ thống tư pháp từ năm 1986 đến nay; và phương hướng đổi mới, hoàn thiện hệ thống tư pháp nước ta trong thời gian tới.

Trình bày Dự thảo Báo cáo, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể nhấn mạnh: Cùng với quá trình đổi mới, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp thì tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp cũng ngày càng hoàn thiện, đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, từ năm 2002, TANDTC thêm thẩm quyền thực hiện việc quản lý các Tòa án địa phương và các Tòa án quân sự về tổ chức, nhiệm vụ, thẩm quyền và cơ cấu tổ chức; TAND các cấp thêm thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ xét xử, giải quyết hầu hết các khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính; TAND cấp huyện thêm thẩm quyền xét xử về hình sự và dân sự đối với hầu hết các loại vụ việc. Đối với VKSND, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong hoạt động tố tụng hình sự có nhiều đổi mới theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, đặc biệt là trách nhiệm phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và trách nhiệm thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa. 

Mô hình tổ chức cơ quan điều tra thì được quy định theo hướng sắp xếp lại đầu mối, giao thêm một số nhiệm vụ điều tra cho một số cơ quan, đơn vị, bỏ cơ quan điều tra của VKSND cấp tỉnh. Đối với các cơ quan thi hành án (THA), Luật THA hình sự năm 2010 đã thể chế hóa được nhiệm vụ của UBND cấp xã trong việc thi hành các hình phạt ngoài tù và trách nhiệm của các cơ quan Công an, Quân đội giúp UBND các cấp trong việc thi hành các hình phạt này. 

Luật THA dân sự năm 2008 đã quy định rõ hệ thống THA dân sự được tổ chức theo ngành dọc. Việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố đạt được một số kết quả bước đầu tích cực. Ngoài ra, Chính phủ đã thành lập lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đáp ứng kịp thời yêu cầu hỗ trợ hoạt động xét xử, THA…

Cần nhìn thẳng vào nhiều vấn đề đang bức xúc

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Văn Đương nhận định, hệ thống tư pháp của Việt Nam còn dàn đều cả về mặt thủ tục tố tụng lẫn tổ chức bộ máy. Ông Đương không tán thành chủ trương thu gọn đầu mối cơ quan điều tra mà chỉ nên bố trí sắp xếp lại cơ quan điều tra vì “không thể độc quyền điều tra, độc quyền điều tra là chết, vấn đề là anh nào làm hiệu quả, tránh lãng phí. Trên thế giới, có nước có tới 14 đầu mối điều tra như Hải quan, Kiểm lâm…”. 
Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đánh giá: “Trong Dự thảo Báo cáo chưa thấy cái mới rõ nét lắm, có những vấn đề băn khoăn lâu nay chưa thấy được giải đáp”. Bên cạnh đó, ông Lộc cũng không thấy báo cáo đề cập đến sự đổi mới lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tư pháp, “là do ngại ngùng hay chưa nghĩ đến, trong khi cần khẳng định rõ Đảng ta là Đảng cầm quyền, đồng thời phải thể hiện rõ sự lãnh đạo của Đảng”. Ông Lộc còn nêu vấn đề, trong lĩnh vực tư pháp, chúng ta kế thừa, tiếp thu cái gì để không lãng phí lớn và tránh gánh nặng cho người dân mà “trong một chuyến đi đến TP.HCM, tôi cảm nhận được việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại chính là kế thừa một thành tựu trong lịch sử nền tư pháp, đáp ứng yêu cầu của người dân và thể hiện rõ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng”. 

Ý kiến của ông Lộc được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền và chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp Dương Thị Thanh Mai rất tán thành. Riêng ông Quyền thì mong muốn, Dự thảo Báo cáo cần phân tích, đánh giá thực trạng hệ thống tư pháp hiện nay ra sao để đặt lên bàn tất cả các vướng mắc, bức xúc, tồn tại, hạn chế của các cơ quan tư pháp nhằm tạo chuyển biến trong thời gian tới.

PHẢI THANH TRA TẤT CẢ HỒ SƠ CỦA CÁN BỘ DO ÔNG TRUYỀN BỔ NHIỆM

Hải Nguyên - theo Trí Thức Trẻ 

(Soha.vn) - "Cơ quan chức năng cũng phải xem lại tất cả hồ sơ của cán bộ được ông Truyền đưa vào bổ nhiệm xem có minh bạch và đúng quy định không" - ĐBQH Lê Như Tiến nêu ý kiến.

Khi những thông tin về tài sản khủng của ông Trần Văn Truyền, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ chưa kịp lắng xuống thì những ngày gần đây dư luận càng “nóng” hơn với thông tin đăng tải trên báo Người Cao Tuổi về việc ông Trần Văn Truyền đã kí ồ ạt, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi nghỉ hưu, trong đó có rất nhiều người không nằm trong quy hoạch, hoặc non kém về năng lực phẩm chất.

Trò chuyện với chúng tôi về những vấn đề liên quan đến ông Trần Văn Truyền, ĐBQH Lê Như Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho hay, hiện nay có hai luồng thông tin liên quan tới ông Truyền:

Thứ nhất, ông Truyền có một số biệt thự. Điều này khiến dư luận xã hội đặt ra câu hỏi là tại sao một cán bộ công chức Nhà nước lại có nhiều đất đai như thế? Và chính qua điều này, chúng ta rút ra được bài học là phải minh bạch hóa, công khai tài sản của công chức Nhà nước. Nhất là những người ở những vị trí có thể chi phối được để dư luận xã hội theo dõi, giám sát.

Phải chứng minh được nguồn gốc tài sản do đâu lại có. Có phải ông bà tổ tiên để lại không hay là do người thân tặng hoặc bất kì lý do nào đó để khối tài sản đó là minh bạch nhất.

Ông Tiến nói thêm: "Hiện nay, ông Truyền chưa đưa ra được lý do tại sao có nhiều tài khoản, đất đai, dinh thự như thế. Dù ông ấy đã về hưu rồi nhưng cơ quan chức năng phải vào cuộc để làm rõ, trả lời cho dư luận biết tài sản ấy ở đâu ra, có minh bạch không, nguồn gốc của nó như thế nào?"

Quay trở lại thông tin mà báo Người Cao Tuổi đưa về việc ông Trần Văn Truyền đã kí ồ ạt, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, rất nhiều người không có trong quy hoạch, hoặc non kém về năng lực, phẩm chất. Nếu đây là sự thật thì, ông Lê Như Tiến cho rằng phải xem những người mà ông Truyền kí đưa vào có đúng tiêu chuẩn không, có đủ năng lực phẩm chất thực sự không, phải xem từng trường hợp. Nếu đại bộ phận kí vào lại không đủ năng lực, phía sau đó là quan hệ, tiền tệ... thì cần phải xem rõ. Những người đưa vào không minh bạch như thế trở thành gánh nặng cho cơ quan Nhà nước.

Chính vì vậy, ông Tiến đưa ra ý kiến: Chúng ta phải có giải pháp có thể sàng lọc đưa ra khỏi biên chế, bộ máy Nhà nước những cán bộ kém năng lực, phẩm chất. Đồng thời quy trách nhiệm của ông Truyền xem có thông qua hội đồng tuyển dụng không hay cá nhân mình tự tung tự tác.

Ông Tiến nhấn mạnh: "Phải xem nguyên nhân để từ đó có biện pháp. Cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc giống như vào cuộc với vấn đề nhà cửa, đất đai của ông Truyền. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phải xem lại tất cả hồ sơ của cán bộ công chức được ông Truyền đưa vào bổ nhiệm. Thanh tra xem có minh bạch, công khai, dân chủ, có theo đúng quy định của Nhà nước về công tác tuyển dụng không?

Bàn về hậu quả của việc bổ nhiệm sai, ông Tiến nói: Nếu làm sai, ông Truyền sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Pháp luật có quy định rõ ai sai người ấy chịu. Về mặt Đảng viên, nếu sai, ông Truyền sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đảng. Về mặt cán bộ công chức, tuy ông Truyền đã về hưu nhưng nếu có nhiều dấu hiệu của vi phạm pháp luật thì ông Truyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ông Tiến nhấn mạnh thêm: "Các cơ quan chức năng phải làm rõ những vấn đề liên quan tới ông Truyền để trả lời những thắc mắc của công luận, để giải tỏa được dư luận hiện nay về việc ông Trần Văn Truyền đã kí ồ ạt, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ. Đặc biệt, ông Truyền từng làm Tổng Thanh tra Chính phủ, là người đem lại sự minh bạch cho xã hội, cho các cơ quan Nhà nước".

Và ông Tiến đặt ra câu hỏi: Là thanh tra nhưng nếu chính mình lại vi phạm pháp luật thì thanh tra ai được nữa?

KHỦNG HOẢNG UKRAINA NHÌN TỪ CHIẾN LƯỢC "DIỄN BIẾN HÒA BÌNH"

Dư luận viên Hoài Thanh

Về mặt nghiên cứu chiến lược, cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Ukraine có lẽ cần phải được nhìn nhận dưới lăng kính địa - chính trị toàn cầu. Hay nói cách khác, đó là những toan tính của Mỹ và phương Tây tại một khu vực có sức nặng địa - chính trị, gắn với ý định bao vây, kiềm chế nước Nga.

Kỳ 1: Ý đồ, bước đi can dự tiền khủng hoảng

Chiến lược toàn cầu của Mỹ những năm đầu thế kỉ 21 dù có được điều chỉnh ở một số thời điểm khác nhau, với các tầm mức khác nhau, nhưng trên “Bàn cờ lớn” đó, lục địa Á - Âu chưa bao giờ là điểm mà Washington bỏ qua. Nói như Zbigniew Brzezinski, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ: Lục địa Á - Âu là nơi diễn ra những tranh chấp chủ yếu; Mỹ chỉ duy trì được vị thế lãnh đạo thế giới nếu như thiết lập được ảnh hưởng ở khu vực này. Tại đây, Ukraine nổi lên là “điểm then chốt địa - chính trị” - khái niệm dùng để chỉ một quốc gia mà qua đó, các cường quốc có thể mở rộng ảnh hưởng của mình và ngăn cản sự phát triển của đối phương.

Những người biểu tình chống chính phủ trước tòa nhà quốc hội ở thủ đô Kiev ngày 25/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Tạo được thế đứng ở Ukraine, Mỹ và phương Tây sẽ có điều kiện thiết lập các cấu trúc quân sự, kinh tế có lợi cho mình, tiến đến sát biên giới nước Nga. Nói như cựu Nghị sĩ Mỹ Dennis Kucinich tại thời điểm chưa xảy ra khủng hoảng: “Đối với NATO, mục tiêu là mở rộng. Phần thưởng trước mắt sẽ là vươn đến một quốc gia có 1.426 km đường biên giới với Nga. Bản đồ địa - chính trị khi đó sẽ bị vẽ lại bởi một Hiệp định dưới vỏ bọc kinh tế, mà ở đó Ukraine sẽ là tiền tuyến mới cho hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây ở sát nách nước Nga”. Muốn làm được điều đó, Mỹ và các đồng minh cần xây dựng được một chính phủ ở Kiev nằm trong tầm khống chế. Thay đổi thể chế, loại bỏ Tổng thống Yanukovych là mục đích của giới lãnh đạo ở Washington và Brusells.

Ngay từ năm 2009, Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai sáng kiến “Đối tác Đông Âu”, hướng đến 6 nước trong không gian hậu Xô Viết là Armenia, Azerbaijan, Belarus, Grudia, Ukraine và Moldova mà trong đó Ukraine nằm trong diện ưu tiên hàng đầu. Ngoài “lời hứa” kết nạp trở thành thành viên EU, các nước đối tác còn được đề nghị kí kết một Hiệp định liên kết kinh tế riêng rẽ với EU. Đi kèm với cái được xem là “quả ngọt” đó là những cam kết về “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “pháp trị”... Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước lâm vào khủng hoảng, đình đốn, Tổng thống Yanukovych cũng đã buộc phải có bước đi hướng tới châu Âu. Nhưng vì không nắm được thế chủ động, Ukraine đã bị EU đặt điều kiện, gây sức ép và cuối cùng chỉ còn nỗi thất vọng.

Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh EU cũng đặc biệt chú trọng việc tập hợp lực lượng đối lập. Không có gì là ngạc nhiên khi cả ba thủ lĩnh biểu tình trong chính biến vừa qua là Vitali Klischko (đảng UDAR), Arseniy Yatsenyuk (Batkivshichina), Oleh Tyahnybok (Svoboda) đều là những người có quan điểm thân Mỹ, phương Tây. Thông tin mà tờ Der Spiegel (Đức) công bố cho thấy: Klischko thậm chí còn được đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng Nhân dân châu Âu - EPP (một chính đảng của EU) chọn là người “đại diện” của họ ở Ukraine. Thủ lĩnh Klischko cùng nhiều thành viên UDAR đã được nhiều tổ chức chính trị ở châu Âu đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm về đấu tranh chính trị, hoạt động nghị trường, cách thức mở rộng mạng lưới ở Ukraine.

Khi đã xuất hiện các phe phái đối lập, bước tiếp theo là thống nhất các lực lượng này. Dưới sự trợ giúp từ bên ngoài, một liên minh “những người theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tự do” đã được thành lập ở Ukraine, với tên gọi “Liên minh tất cả những người Ukraine” (AUU), nòng cốt là ba đảng UDAR, Batkivshichina và Svoboda, cùng với một số nhóm cực đoan khác. Liên minh này nhận tài trợ chủ yếu từ các chính phủ phương Tây, các tổ chức phi chính phủ có các chương trình, dự án ở Ukraine.

Hoài Thanh

Đón đọc kỳ cuối: Kịch bản và các bước tiến hành

Nguồn: Tuổi Trẻ

BẤT THƯỜNG NHỮNG QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM CÁN BỘ CỦA ÔNG TRẦN VĂN TRUYỀN

(PetroTimes) - Lịch sử công tác tổ chức trong thời kỳ Đổi mới từ 1986 cho tới nay sẽ phải ghi việc ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký bổ nhiệm hàng chục cán bộ cấp Cục, Vụ, trong có... 1 ngày. Đó là ngày 3/8/2011.

Theo tài liệu PetroTimes thu thập được, chỉ tính từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011, ông Trần Văn Truyền đã ký bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp Cục, Vụ tại cơ quan Thanh tra Chính phủ. Đặc biệt, ngày 3/8/2011, ngày mà Chính phủ khoá XIII ra mắt và ông Huỳnh Phong Tranh được bầu làm Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Truyền đã cấp tập ký tới hơn 20 quyết định bổ nhiệm cán bộ.

Ngày 3/8/2011, ngày đã đưa ông đi vào “lịch sử” của ngành Thanh tra ấy, ông ký bổ nhiệm 3 hàm Vụ trưởng và hàm Phó Vụ trưởng ở Văn phòng; 3 hàm Cục phó và 1 Trưởng phòng, 1 Phó phòng của Cục 3 (Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Nam); 1 hàm Vụ trưởng và 1 hàm Vụ phó ở Cục 1 (Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Bắc); 1 hàm Cục phó ở Cục 2 (Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Trung); 1 hàm Phó Vụ trưởng Vụ 1 (Vụ Kinh tế ngành); 1 hàm Phó Vụ trưởng Vụ 2 (Vụ Kinh tế Tổng hợp, Tài chính – ngân hàng); 1 hàm Vụ trưởng Vụ Pháp chế; 1 hàm Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế; 1 hàm Vụ phó Vụ Đơn thư... Ngoài ra, ông còn bổ nhiệm một loạt lãnh đạo tại báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Trường cán bộ Thanh tra, Trung tâm thông tin, Vụ Tổ chức cán bộ...

Trước đó, từ tháng 3/2011, ông cũng đã ký bổ nhiệm hàng chục cán bộ cấp Cục, Vụ cơ quan Thanh tra Chính phủ. Đáng chú ý, trong số những cán bộ được ông ký bổ nhiệm, có nhiều cán bộ không nằm trong diện quy hoạch, năng lực, trình độ chuyên môn kém. Và để cho đúng “quy trình bổ nhiệm cán bộ”, ngay trong ngày 3/8/2011, ông Truyền đã ký Quyết định số 2100/QĐ-TTCP về việc bổ xung quy hoạch cán bộ. Sai phạm của ông Truyền trong công tác cán bộ là rất rõ ràng bởi theo Điều 15, Nghị định 178/2007/NĐ-CP thì cấp Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ cấp phó không được vượt quá 3 người. Trong khi đó, nhiều Cục, Vụ của Thanh tra Chính phủ, cấp phó có tới 4 – 6 người.

Nguy hại hơn, theo thông tin mà PetroTimes thu thập được, sự yếu kém trong công tác cán bộ và cách bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “lấy được” như trên đã tạo ra một tiền lệ tranh chức, tranh quyền, đấu đá nhau trong nội bộ Thanh tra Chính phủ rất gay gắt, thậm chí, trong quá trình hoạt động công tác, không ít cán bộ được ông bổ nhiệm đã bị kỷ luật, cách chức...

Dư luận xã hội đang rất bức xúc trước những thông tin về ngôi biệt thự “siêu khủng” của ông Trần Văn Truyền ở tỉnh Bến Tre và đặt câu hỏi, phải chăng, ngôi biệt thực trên ông có được chính từ những quyết định bổ nhiệm cán bộ bất thường trên? Không biết đáp án cho câu hỏi trên như thế nào nhưng rõ ràng, với việc bổ nhiệm cán bộ một cách ồ ạt như trên, chất lượng của một cơ quan được coi là tai, là mắt của dân, là công cụ gìn giữ và bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, là thứ vũ khí làm trong sạch bộ máy chính quyền của Chính phủ chắc hẳn khó mà “sắc”, mà “trong” được!

Với chức năng là cơ quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật, Thanh tra Chính phủ chính là một trong những công cụ quan trọng giúp Chính phủ làm trong sạch bộ máy chính quyền các cấp, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật...

Với trọng trách như trên, đúng ra những người làm công tác thanh tra, đặc biệt là những cán bộ lãnh đạo của ngành Thanh tra phải hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của công tác cán bộ trong việc xây dựng bộ máy cũng như quá trình hoạt động của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, qua việc ông Truyền đề bạt cán bộ theo kiểu “chợ chiều”; “ tháo khoán” thế này, rõ ràng công tác cán bộ của Thanh tra Chính phủ đã bộc lộ rất nhiều yếu kém, hạn chế, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của ngành Thanh tra.

Lê Hà Thanh Ngọc

UKRAINA YÊU CẦU LIÊN HIỆP QUỐC NGĂN CHẶN NGA "XÂM LƯỢC"

VOV.VN - Dù khó xoay chuyển được tình thế, đại diện của Ukraine vẫn cố đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ chấm dứt sự can thiệp của Nga.

Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Yuriy Sergeyev đã yêu cầu một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an diễn ra vào hôm 2/3 hãy “làm mọi thứ có thể bây giờ” để ngăn chặn hành động “xâm lược” của Nga khi quân đội nước này được cho là đã khống chế khu vực chiến lược Crimea.

Đại diện Ukraine tại Liên Hợp Quốc (ảnh: AP)

Ông Sergeyev đã yêu cầu 4 ủy viên thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an (tức Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc) giúp đỡ. Ông này cho biết thêm Nga đã bác bỏ đề xuất của Ukraine về việc tổ chức ngay cuộc tham vấn song phương.

Tuy nhiên rất ít khả năng cơ quan quyền lực nhất Liên Hợp Quốc này sẽ ra tay. Với tư cách là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an, nước Nga có quyền phủ quyết và có thể cản trở cơ quan đó thông qua bất cứ nghị quyết nào chỉ trích hay trừng phạt Moscow.

Khi được hỏi liệu Ukraine có đang trong tình trạng chiến tranh với Nga hay không, Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergeyev nói: “Không. Chúng tôi không có chiến tranh. Chúng tôi đang tránh mọi xung đột. Chúng tôi đang bị khiêu khích”.

Trong 1 cuộc điện đàm, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã hối thúc Tổng thống Nga Vladimir Putin “khẩn trương tham gia vào đối thoại trực tiếp với giới chức” ở Kiev.

Sáng 2/3 Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố ông “quan ngại sâu sắc về tình hình xấu đi” ở Ukraine”. Ông nói: “Những cái đầu lạnh phải thắng thế, và công cụ duy nhất chấm dứt khủng hoảng phải là đối thoại”.

Gọi diễn biến ở Ukraine là “nguy hiểm và gây bất ổn định”, vị Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power nói trước Hội đồng Bảo an rằng “đã đến lúc chấm dứt sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine”.

Bà Power và các thành viên khác của Hội đồng đã kêu gọi gửi giám sát viên quốc tế tới Ukraine càng sớm càng tốt. Bà Power cảnh báo “hành động khiêu khích của Nga có thể dễ dàng đẩy tình hình vượt qua điểm bùng phát”. Bà này cũng đề cập đến công tác của phái đoàn trung gian quốc tế sẽ được gửi tới Ukraine.

Đương kim chủ tịch Hội đồng Bảo an, Đại sứ Luxembourg Sylvie Lucas, cho biết các ủy viên của Hội đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và nhu cầu “hạ nhiệt căng thẳng” bên cạnh nhu cầu gửi giám sát viên quốc tế tới đó.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, Vitaly Churkin cho biết, chính phủ mới tại Kiev cần tránh xa các “phần tử cực đoan” và cảnh báo “những hành động mà họ đang thực hiện có thể dẫn tới những diễn biến hết sức khó khăn, mà Liên bang Nga đang cố gắng tránh”.

Ông Churkin cũng tố phương Tây can thiệp vào các cuộc biểu tình gần đây của Kiev – những cuộc biểu tình này đã trở nên bạo lực giữa lúc có những căng thẳng xoay quanh quyết định của Tổng thống Ukraine khi đó là Viktor Yanukovych, người đã quyết định xoay trục sang Nga.

Đại sứ Churkin giải thích Nga can thiệp như hiện nay là theo yêu cầu của giới chức vùng Crimea, nơi tuyệt đại đa số dân cư nói tiếng Nga và nơi đóng căn cứ hạm đội Biển Đen của Nga./.

Trung Hiếu/VOV online 
(theo AP)

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

BỘ TRƯỞNG LUẬN NÓI THẬT: HỌC GIẢ BẰNG THẬT

(VTC News)- Phát ngôn đầy mạnh mẽ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận về vấn nạn “học giả, bằng thật” được xem là ấn tượng nhất trong tuần.

Học giả, bằng thật

Trong phiên họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực ngày 25/2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Việc học giả, bằng giả, rồi bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể chui vào hệ thống chính trị của chúng ta thôi, không chui được vào doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đâu. Nếu không làm được vấn đề tuyển dụng thì cái thực học còn khó”.

Vì vậy, ông Luận cho rằng Bộ Nội vụ nên sớm có đề án đổi mới tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức để thực sự lựa chọn được những người có trình độ.

Phát biểu này của Bộ trưởng Luận được nhiều chuyên gia đồng tình và cho rằng đây là cách nhìn thẳng thắn vào thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay. Nhiều chuyên gia cũng mong sẽ có thêm nhiều lời nói thẳng, nói thật của các Bộ trưởng về thực trạng của ngành để có những biện pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ: "Sự chân thành của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là một đóng góp vào tranh luận cho vấn đề "bằng giả" và hệ thống".

Cũng trong phiên họp này, về việc thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo, Thủ tướng cho biết dự kiến Chính phủ sẽ ban hành quyết định trong tháng 3/2014.

Xác định hệ thống, viết SGK

Cũng trong phiên họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực ngày 25/2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Đúng ra chúng ta phải xác định lại hệ thống giáo dục như thế nào, cơ cấu ra sao, rồi dẫn đến thống nhất chương trình chuẩn, chương trình khung, từ đó mới viết sách giáo khoa”.

Ông Đam tiếp tục chia sẻ: “Song song với sách giáo khoa là đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn với đó là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên, ứng dụng công nghệ rồi đến kiểm tra, thi cử. Nhưng chúng ta không thể làm tuần tự được. Như trong dự thảo đề án đã đặt ra làm sách giáo khoa. Tuy nhiên, dù sao cũng phải khẩn trương xác định hệ thống giáo dục của chúng ta, nếu không xác định hệ thống mà lao ngay vào viết sách, rồi làm chương trình thì sẽ có những trục trặc”.

Ông Phan Thanh Bình, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng việc soạn sách giáo khoa không nên chỉ có các giáo sư, tiến sĩ trong trường đại học, nên mời thêm các chuyên gia từ các hiệp hội, các thầy giáo đang trực tiếp dạy các em.

Thảo luận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định làm sách giáo khoa mới lần này là với hệ thống 12 năm, nhưng sẽ phải triển khai nghiên cứu hệ thống để hoàn thiện. 

Thi tốt nghiệp 4 môn

Chiều 24/2, Bộ GD-ĐT thông báo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014: thí sinh sẽ thi 4 môn, trong đó thi bắt buộc 2 môn Ngữ văn và Toán học; còn lại thì được phép tự chọn 2 môn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ và Sinh học.

Năm 2014, học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 4 mônMột nét mới nữa là việc xét tốt nghiệp sẽ tính cả kết quả học của lớp 12, theo tỷ lệ 50: 50 (50% là điểm thi + 50% là kết quả học).

Ngoài ra, Bộ cũng cho biết, lộ trình đổi mới thi cử sẽ điều chỉnh đến thời điểm phù hợp từ 4 môn thi sẽ chuyển thành 4 bài thi.

Với việc quyết định thi tốt nghiệp 4 môn, đa số học sinh đều tỏ ra vui mừng vì không phải học quá nhiều và có quyền lựa chọn theo sở trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia vẫn tỏ ra băn khoăn khi các môn khoa học xã hội ít được các em lựa chọn.

Nói về những đổi mới thi tốt nghiệp THPT, PGS Văn Như Cương đoán tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ lên tới 99,9%. Hiện tại, PGS Văn Như Cương cũng cho biết toàn trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) không có học sinh nào đăng ký thi tốt nghiệp môn Lịch sử.

Khởi Nguyên