Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

TỘI PHẠM LÁI XE ĐÂM PHÓ TRƯỞNG CÔNG AN TP VINH


Bị truy bắt, đối tượng buôn bán ma túy lao ô tô vào lực lượng công an khiến Thượng tá Mai Chiến Thắng - Phó trưởng Công an TP. Vinh (Nghệ An) gãy chân và hai cảnh sát hình sự bị thương.

Phan Công Cường tại cơ quan công an - Ảnh: Vũ Toàn. Ảnh: Nguyên Nguyên

Chiều 2/3, Đại tá Hồ Xuân Hòa - Trưởng Công an TP. Vinh cho biết đã bắt 6 đối tượng, thu 6 bánh heroin trong đường dây ma túy hết sức nguy hiểm.

Trước đó, tối 28/2/2014, Công an TP. Vinh phối hợp với một số phòng ban công an tỉnh Nghệ An do thượng tá Mai Chiến Thắng - Phó trưởng Công an TP. Vinh chỉ huy đã triển khai phá chuyên án 114M về tội phạm ma túy.

Tại cầu Bến Thủy 2 (phường Bến Thủy, TP.Vinh) công an đã tổ chức bao vây đối tượng Phan Công Cường (32 tuổi, trú tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên - Nghệ An). Khi biết bị bao vây, Cường đã lao thẳng xe ô tô 37C - 07800 vào lực lượng công an. Cú đâm liều lĩnh khiến Thượng tá Thắng và hai cán đội cảnh sát hình sự Công an TP. Vinh là Thái Bá Dũng và Dư Văn Thực bị thương (Thượng tá Thắng bị gãy chân).

Chiếc xe mà Cường đã lao vào lực lượng công an. Ảnh: Nguyên Nguyên

Nhận thấy tội phạm ma túy nguy hiểm, Ban giám đốc Công an Nghệ An đã huy động Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) và Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) phối hợp Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đồng loạt truy bắt các đối tượng. Riêng Cường bị bắt tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) ngay trong chiều ngày 2/3.

Từ lời khai của Cường, công an thu hai bánh heroin do Cường vứt bên lề đường tránh TP. Vinh (xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên) khi đang tháo chạy. Khám nhà Cường, công an thu thêm 4 bánh heroin.

Tối ngày 2/3 lực lượng ban chuyên án bắt thêm một số đối tượng trong đường dây này, trong đó có Phạm Mạnh Cường (23 tuổi, trú tại phường Hà Huy Tập, TP. Vinh), Nguyễn Văn Bá (19 tuổi, trú tại xóm 3, xã Hưng Thông cùng làng với Phan Văn Cường)

Hiện công an đang tiếp tục cuộc truy bắt một số đối tượng trong đêm nay.

Đối tượng Nguyễn Văn Bá bị bắt giữ. Ảnh: Nguyên Nguyên

Đối tượng Phạm Mạnh Cường. Ảnh: Nguyên Nguyên

Theo Tuổi Trẻ

LẠI CHẶT TAY CƯỚP CỦA GIỮA SÀI GÒN



(VTC News) - Tên cướp hung hãn tấn công, chặt tay nạn nhân để cướp túi xách của nạn nhân.

Chị Mạnh đang nằm điều trị tại bệnh viện Đa khoa huyện Hóc Môn

Sáng 2/3, bệnh viện Đa khoa huyện Hóc Môn (TP.HCM) xác nhận tối 1/3, bệnh viện này đã tiếp nhận bệnh nhân Mai Thị Mạnh (44 tuổi, quê Quãng Ngãi, tạm trú quận 12) vào cấp cứu.

Thời điểm nạn nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương với một cánh tay bên trái bị cắt đứt gân, mất nhiều máu. Sau khi nhập viện, chị Mạnh được ê kíp bác sĩ cấp cứu, tiến hành nối lại gân tay và sức khỏe dần được hồi phục.

Tại bệnh viện, chị Mạnh vẫn còn sợ hãi khi nhớ lại thời điểm vật lộn với tên cướp. Theo đó, khoảng 21h20 tối 1/3, chị đi bộ trên đường Song Hành để về nhà trọ thì gặp một người đang ông, người này hỏi mua giùm cho chị Mạnh 2 tờ vé số.
Sau đó, người đàn ông hỏi chị Mạnh có đổi vé số trúng không, nếu có đổi thì sẽ dẫn đến mối đổi và hứa hẹn sẽ chia huê hồng.

Tin lời, chị Mạnh đã leo lên xe để người này chở đi. Khi đến đoạn thuộc ấp 5, xã Xuân Thới Sơn, H. Hóc Môn, người đàn ông bất ngờ dừng xe lại và cầm dao đe dọa cướp giỏ xách.
Chị giằng co với tên cướp và bị tên này cắt đứt gân tay, máu chảy nhầy nhụa. Chị Mạnh tri hô cho người dân đến hỗ trợ.

Tên cướp sợ bị bại lộ nên mới chịu buông giỏ xách và tháo chạy khỏi hiện trường.

Chị Mạnh được đưa vào bệnh viện Đa khoa huyện Hóc Môn cấp cứu.

Nhận được tin báo, công an đã có mặt để bảo vệ hiện trường và tiến hành khám nghiệm, thu thập chứng cứ và xác minh vụ việc.

Hiện vụ việc đang được cơ quan công an mở rộng điều tra.

Phạm Nguyễn

PHÓ TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ LÀ CỔ ĐÔNG CỦA NHIỀU NGÂN HÀNG?

Viết Cường/GDVN

Trong phần kê khai tài sản, ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng TTCP là cổ đông có cổ phiếu ở Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Đông Á,...

Ngày 21/2/2014, bài vết trên Báo Người cao tuổi phản ánh về khối tài sản khổng lồ của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Sự việc vẫn còn đang "nóng hổi" thì mới đây, Báo Người cao tuổi tiếp tục đưa thêm thông tin khác không kém phần “đình đám” về ông Truyền và ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

Bổ nhiệm "vội vàng" hàng loạt cán bộ?

Theo Người cao tuổi, trước lúc ông Truyền về hưu, chỉ tính từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011, ông Trần Văn Truyền đã ký bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp Cục, Vụ tại cơ quan Thanh tra Chính phủ. Ngày 3/8/2011, ngày mà Chính phủ khoá XIII ra mắt và ông Huỳnh Phong Tranh được bầu làm Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Truyền đã cấp tập ký tới hơn 20 quyết định bổ nhiệm cán bộ.

Đặc biệt, riêng trong ngày 3/8/2011, ông ký bổ nhiệm 3 hàm Vụ trưởng và hàm Phó Vụ trưởng ở Văn phòng; 3 hàm Cục phó và 1 Trưởng phòng, 1 Phó phòng của Cục 3 (Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Nam); 1 hàm Vụ trưởng và 1 hàm Vụ phó ở Cục 1 (Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Bắc); 1 hàm Cục phó ở Cục 2 (Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Trung); 1 hàm Phó Vụ trưởng Vụ 1 (Vụ Kinh tế ngành); 1 hàm Phó Vụ trưởng Vụ 2 (Vụ Kinh tế Tổng hợp, Tài chính – ngân hàng); 1 hàm Vụ trưởng Vụ Pháp chế; 1 hàm Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế; 1 hàm Vụ phó Vụ Đơn thư... Ngoài ra, ông còn bổ nhiệm một loạt lãnh đạo tại Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Trường cán bộ Thanh tra, Trung tâm thông tin, Vụ Tổ chức cán bộ...

Đáng chú ý, trong số những cán bộ được ông ký bổ nhiệm, có nhiều cán bộ không nằm trong diện quy hoạch, năng lực, trình độ chuyên môn kém. Và để cho đúng “quy trình bổ nhiệm cán bộ”, ngay trong ngày 3/8/2011, ông Truyền đã ký Quyết định số 2100/QĐ-TTCP về việc bổ xung quy hoạch cán bộ. Sai phạm của ông Truyền trong công tác cán bộ là rất rõ ràng bởi theo Điều 15, Nghị định 178/2007/NĐ-CP thì cấp Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ cấp phó không được vượt quá 3 người. Trong khi đó, nhiều Cục, Vụ của Thanh tra Chính phủ, cấp phó có tới 4 – 6 người.

Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam chiều ngày 2/3, Nhà báo Kim Quốc Hoa, Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi khẳng định, Người cao tuổi có đầy đủ bằng chứng về những bổ nhiệm "vội vàng" của ông Truyền. Ngoài ra ông Hoa còn cho PV biết thêm về thông tin ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ đã kê khai tài sản như thế nào?

Tài sản của ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP?

Theo Người cao tuổi, trong quy hoạch công tác cán bộ của TTCP, năm 2011 ông Ngô Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ II được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm là Phó Tổng TTCP (QĐ số 1983/QĐ-TTg ngày 8/11/2011). Để làm thủ tục theo quy trình bổ nhiệm, ông Ngô Văn Khánh phải kê khai tài sản và ông đã kê khai như sau:

Về bất động sản: – Có 2 nhà gồm: Nhà thứ nhất ở số 7/49/192 Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội diện tích 114m2 đất, xây 5 tầng và nhà thứ 2 ở số 9/49/192 (cùng địa chỉ trên) diện tích 248m2 xây 5 tầng.

Một trong hai ngôi nhà của ông Khánh tại đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội

- Có 1.800m2 đất ở dự án Mê Linh (gần đền Hai Bà Trưng, giá đất thời điểm hiện nay 10 – 15 triệu đồng/m2 – PV).

- Về tài chính: Là cổ đông có cổ phiếu (CP) ở Ngân hàng Quân đội: 104.000 CP; Ngân hàng Nam Á: 27.900 CP; Ngân hàng Đông Á: 18.500 CP; Ngân hàng Liên Việt: 200.000 CP; Xi-măng Công Thanh: 100.000 CP; Công ty CP Thiết bị Bưu điện: 50.000 CP; Trái phiếu 425 triệu đồng; tiền gửi tại Ngân hàng VIB: 7.180.000.000 đồng.

Cũng trong cuộc trao đổi với PV, ông Kim Quốc Hoa cho biết, đến thời điểm này Người cao tuổi chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ phía ông Truyền trong cả hai việc là “tài sản khủng” và “bổ nhiệm cán bộ”.

Thêm nữa, ông Hoa cũng khẳng định, phía Thanh tra Chính phủ chưa hề có công văn hay thông tin nào để trả lời sau phản ánh của báo.

Trước đó trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-2, ông Nguyễn Quốc Bảo - Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre xác nhận, Tỉnh ủy vừa có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo tình hình xung quanh dư luận tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng Thanh tra Chính phủ được đăng trên một số tờ báo thời gian gần đây.

Đồng thời xin ý kiến chỉ đạo từ trung ương để ổn định dư luận ở địa phương.

ÔI, BÀ PHÓ CHỦ TỊCH!

Ở Cần Thơ có một bà phó chủ tịch UBND mới được cất nhắc. Có thư ký riêng, đi dự hội nghị, họp hành bà khỏi phải đầu tư suy nghĩ vì đã có thư ký chuẩn bị sẵn, cứ thế mà đọc. Tuy không có tiêu chuẩn xe đưa đón tận nhà mỗi ngày nhưng người dân ở khu dân cư vẫn thấy xe công sáng sáng, trưa trưa, chiều chiều đưa đón 4 lượt/ngày. 

Bà được phân công chịu trách nhiệm mảng quản lý đô thị nhưng nhiều lần báo chí hỏi thì bà đẩy cho hết ngành này đến đơn vị nọ mà không phát biểu chính kiến. 

Chuyện rác thải là vấn đề đang nóng bỏng nhưng bà Phó chủ tịch hết sức đủng đỉnh. Suốt năm 2013, người dân thấy lịch làm việc của UBND thành phố dày đặc những buổi họp lo chuyện xúc tiến xây dựng nhà máy xử lý rác thải nhưng đến khi cuối năm 2013, bãi rác đóng cửa thì dự án vẫn còn nằm trên giấy. 

Ôi, bà Phó chủ tịch!

Bút Kim/Đại Đoàn Kết

G7: NGA "RÕ RÀNG" ĐANG XÂM PHẠM CHỦ QUYỀN UKRAINA

Xe tăng Nga phong tỏa căn cứ quân sự Crimea. (Nguồn: AFP)

Hãng AFP đưa tin lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ngày 2/3 đã phản đối và chỉ trích hành động xâm phạm "rõ ràng" chủ quyền Ukraine của Nga.

Trong một tuyên bố, lãnh đạo G7 cho rằng những hành động của Nga không phù hợp với G8 mà Nga gia nhập năm 1997, đồng thời tuyên bố họ sẽ không tham gia các cuộc họp trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G8 diễn ra vào tháng Sáu tới tại Sochi (Nga).

Tuy nhiên, hôm 2/3, trong thông cáo được đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp giữa Thủ tướng Italy Matteo Renzi với các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao, Chính phủ Italy không hề đả động đến việc có tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G-8 sắp tới ở Sochi (Nga) hay không.

Trước đó, Anh và Pháp đã quyết định không tham gia hội nghị này để phản đối hành động Nga đưa quân vào Crimea.Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản trong một tuyên bố đã "bày tỏ lo lắng và quan ngại sâu sắc trước quyết định" của Nga sử dụng vũ lực ở Ukraine, cho rằng hành động này làm gia tăng căng thẳng khu vực và sẽ gây phương hại cho hòa bình-ổn định quốc tế./.

TƯỚNG LÊ VĂN CƯƠNG: CẢNH BÁO MỸ ĐẾN CRƯM, NGA KHÔNG ĐÙA

(VTC News) - Thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích mục đích sâu xa của Nga trong động thái đưa quân và vũ khí đến Crưm, Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine và tương lai của khu vực này sau chính biến.

Khi trả lời phỏng vấn VTC News về nguyên nhân Nga đưa quân đội và khí tài đến Crưm và tương lai của khu vực sau chính biến, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an nói: "Mục đích của Nga khi triển khai quân là bảo vệ lợi ích của Nga, bao gồm về con người, kinh tế và an ninh quốc phòng, đặc biệt là căn cứ hải quân ở Sevastopol".

- Thưa Thiếu tướng, ông có thể cho biết nguyên nhân Nga đột ngột có phản ứng mạnh mẽ bằng cách tuyên bố tập trận, rồi sau đó là sử dụng quân đội trong khi trước đó nước này tỏ ra khá ‘kiệm lời’ về chính biến Ukraine?
Các phản ứng của Nga mà đỉnh cao là quyết định can thiệp quân sự vào nước Cộng hòa Crưm thuộc Ukraine phục vụ mục đích mà Kremlin đã tuyên bố công khai đó là đảm bảo an toàn cho hơn 60% người dân Nga và nói tiếng Nga ở khu vực này.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an - Ảnh: Tùng Đinh

Sau những biến động chính trị ở Kiev, cuộc chính biến Ukraine đã lan rộng và đe dọa đến tính mạng cũng như cuộc sống thường ngày của những người dân ở Crưm. Vì vậy Nga có trách nhiệm bảo vệ công dân của mình và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đây được xem là hành động bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nga tại Crưm nói riêng và Ukraine nói chung. Đây không phải là hành động ‘gây sự’ của Nga như chính quyền mới của Ukraine cáo buộc, mục đích của Nga công khai và đúng luật.

Tuy nhiên, ở góc độ nghiên cứu, tôi cho rằng thông điệp của Kremlin muốn gửi đến những lãnh đạo Kiev hiện nay là cảnh báo, họ có thể đi theo Mỹ hay châu Âu nhưng không được quay lại chống Nga, mọi hành động chống lại Matxcơva đều phải trả giá.

Mọi hành động của Kiev bây giờ đều phải đúng mực đối với Nga, nếu xâm phạm vào lợi ích của Nga ở Ukraine hay Crưm thì Nga sẽ có thái độ kiên quyết. Đây chính là thông điệp gián tiếp của Nga khi đưa quân vào Crưm mà không bắn một phát súng nào.

- Gần như ngay sau khi Nga tuyên bố tập trận ở quân khu miền Tây với 150.000 binh lính, cộng hòa tự trị Crưm thuộc Urkraine ra lời kêu gọi sự giúp đỡ của Nga. Thiếu tướng cho cho rằng điều này nằm trong kịch bản định trước?

Chính phủ Crưm nhờ Nga can thiệp để tránh đổ máu vì họ không tin tưởng những nhà lãnh đạo mới ở Kiev vì có thể chính quyền mới sẽ không cư xử đúng mực với khu vực này.

Tuy nhiên, theo tôi việc Nga đưa quân đến Crưm không phải chỉ vì lời thỉnh cầu của chính phủ Cộng hòa tự trị này.

Các cá nhân vũ trang không rõ danh tính ở Crưm

Mục đích của Nga khi triển khai quân là bảo vệ lợi ích của Nga, bao gồm về con người, kinh tế và an ninh quốc phòng, đặc biệt là căn cứ hải quân ở Sevastopol.

Mọi biến động xấu ở Crưm đều tác động đến Nga trên mọi phương diện, từ kinh tế, an ninh, quốc phòng và con người và Matxcơva phải tự tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình.

- Sau một số xung đột chưa xác định được thương vong, cờ Nga đã tung bay trên các trụ sở chính quyền đảo Crưm, liệu đây có phải là dấu hiệu bán đảo có vị trí địa lý, chính trị chiến lược này sẽ trở thành cộng hòa thuộc Nga?

Hơn 60% cư dân Crưm là người Nga và nói tiếng Nga, từ xa xưa đã có quan hệ chặt chẽ với Nga về cả ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo. Trong số đó, nhiều người muốn Crưm tách khỏi Ukraine và thân Nga hơn, thậm chí là trở lại với Nga như trước năm 1954.

Ta nên nhớ rằng, khi Khrushchyov, một người gốc Ukraine nắm giữ chức vụ Tổng bí thư Liên Xô – quyền lực tối cao, ông đã chuyển Crưm từ Liên Xô về Ukraine. Tuy nhiên, đa số người Crưm vẫn mong muốn trở về Nga.
Tuy nhiên hiện thực lại là chuyện khác.

Doanh trại bộ binh Ukraine ở Crưm bị bao vây

Theo tôi, Kremlin sẽ không làm những việc trái với luật pháp Quốc tế để đưa Crưm trở về với Matxcơva. 

Trái lại, Nga vẫn ủng hộ Crưm độc lập, thuộc Ukraine nhưng phải được Kiev tôn trọng, đặc biệt là quyền lợi của người Nga ở đó. Đây là mục đích nhân văn và đúng đắn, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thời điểm này, Nga không mong muốn Crưm tách khỏi Ukraine và trở về Nga. Bên cạnh đó, giới cầm quyền ở Kiev hiện nay, được phương Tây và Mỹ hậu thuẫn cũng không dễ dàng để Crưm về với Nga.

Nếu xét trường hợp Crưm trở về Nga sau xung đột quân sự thì cả Nga và châu Âu hay Ukraine đều không có lợi, chính vì vậy tôi cho rằng đây không phải là thời điểm Kremlin muốn lấy lại Crưm. Cái họ cần là Kiev tôn trọng các quyền lợi của Nga, người Nga ở Crưm.

- Tiếp sau bán đảo Crưm, hôm nay đến lượt thành phố Kharkov nổ ra biểu tình quy mô hàng ngàn người đòi sát nhập Nga. Thiếu tướng nhận xét thế nào về diễn biến sắp tới tại Ukraine, khi mà miền Đông và miền Tây nước này luôn chia rẽ giữa ‘hướng Nga’ hay ‘hướng phương Tây’?

Ukraine được tạo nên từ 3 vùng cư dân, 9 tỉnh phía Đông-Nam có quan hệ lịch sử, tôn giáo và nhân chủng học gắn chặt với Nga, 7 tỉnh miền Trung ở trạng thái trung lập và 7 tỉnh miền Tây thì ‘bài Nga’ và gắn với Tây Âu.

Từ năm 1991 đến nay, chưa bao giờ Ukraine là một nước thống nhất với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Do đó, Kharkov biểu tình, trưng cờ Nga là có lý do của họ khi mà đa số người dân ở đây đều mong muốn thắt chặt quan hệ với Matxcơva.
Người dân cắm quốc kỳ Nga ở Kharkov

Họ nói tiếng Nga, có truyền thống văn hóa Nga, tôn giáo Nga và thậm chí có những gia đình một phần ở Nga, một phần ở Kharkov.

Động thái cắm quốc kỳ Nga lên các tòa nhà chính quyền, theo tôi là thông điệp của người dân khu vực này với Kiev rằng các ngài có thể làm mọi việc nhưng không được xâm phạm lợi ích của Nga, của dân tộc Nga ở Ukraine.

- Thiếu tướng nhận xét thế nào về ý kiến cho rằng Nga đang muốn ‘bất chiến tự nhiên thành’, nghĩa là kịch bản cờ Nga tung bay ở các tòa nhà chính quyền Crưm sẽ khiến nơi này trở thành cộng hòa thuộc Nga mà Matxcơva sẽ không tốn mũi tên hòn đạn nào?

Có thể Kremlin muốn Crưm trở lại Nga nhưng không phải lúc này. Mọi hành động của Nga, kể cả đưa quân đến Crưm không phải vì muốn lấy lại bán đảo này.

MỸ XÚC TIẾN CÁC BIỆN PHÁP CÔ LẬP KINH TẾ NƯỚC NGA

Mỹ hủy hội đàm kinh tế với Nga vì những vấn đề liên quan đến Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Theo AFP, các quan chức cấp cao của Mỹ đã liên tiếp cảnh báo rằng Nga có nguy cơ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng vì việc điều binh sỹ tới khu vực Crimea của Ukraine. 

Các cuộc hội đàm kinh tế, bao gồm chuyến thăm của một phái đoàn Nga để thảo luận vấn đề năng lượng, đã bị hủy, và một sự kiện quân sự quan trọng sắp tới cũng dự kiến bị hoãn.

Một quan chức Mỹ cấp cao nói rằng "chúng tôi đang cùng các đối tác và đồng minh xem xét một loạt lựa chọn để giảm đầu tư thương mại và kinh tế (với Nga)," đồng thời cho biết Mỹ nhiều khả năng "hủy bỏ hoạt động bình thường đang diễn ra với Nga."

Trước đó, Chính quyền Mỹ đã không dưới một lần đưa ra lời cảnh báo nếu thực hiện cuộc tấn công vào Ukraine.

Thậm chí, giới chức Mỹ ngày 2/3 còn cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới thăm Kiev để bày tỏ ủng hộ các nhà lãnh đạo tạm quyền mới ở quốc gia Đông Âu này sau khi lực lượng Nga kiểm soát bán đảo Crimea.

"Ngoại trưởng Kerry sẽ tới Kiev ngày 4/3," đồng thời xác nhận rằng các lực lượng của Nga "hiện đã hoàn toàn kiểm soát bán đảo Crimea," một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết./.