LâmTrực@
Hôm 3/3/14 nhà văn Nguyên Ngọc đã thay mặt cho 61 cây bút trong và ngoài nước tuyên bố kêu gọi thành lập "Văn đoàn độc lập Việt Nam" trên mạng internet. Cùng với tuyên bố kêu gọi là sự ra mắt của trang web cùng tên. Ngay lập tức, các trang có xu hướng chống chính quyền Việt Nam ra sức tâng bốc như một sự kiện chính trị động trời. Phóng viên Kính Hòa có ngay bài trên RFA với tựa đề "một bước tiến của xã hội dân sự". Tuy nhiên, ngoài việc đăng bố cáo trên của nhà văn Nguyên Ngọc, trang Ba Sàm lại không mấy tỏ ra mặn mà với thông tin này. Giới quan sát cho đó là hành động thận trọng của Ba Sàm vì ông Vinh quá hiểu tính khí cũng như thực lực của các nhà văn có tên trong danh sách.
Vậy "Văn đoàn độc lập Việt Nam" là cái gì? Xin được bàn luận về một số điểm sau:
Thứ nhất: Ngay trong cách đặt vấn đề là "Tuyên Bố Vận Động" cũng đã cho thấy tính thiếu chính danh của "Hội" này. Nó cho thấy sự láu cá luồn lách với mục đích thăm dò dư luận, đặc biệt là phản ứng của chính quyền. Điều này chứng tỏ, các nhà văn chưa hiểu kỹ luật pháp, chưa nắm chắc phản ứng của chính quyền và chưa thật sẵn sàng cho ra đời cái hội như thế này. Một "Hội" đường đường chính chính sẽ không bao giờ làm cái công việc nửa nạc nửa mỡ như vậy.
Đọc kĩ tuyên bố vận động của Nguyên Ngọc, thông qua những gì bản tuyên bố liệt kê và phát biểu của ông Phạm Xuân Nguyên, người ta dễ dàng hiểu ra mục đích chính của nó là để đối lập với Hội nhà văn Việt Nam, và dĩ nhiên nó không muốn chịu sự quản lý của chính quyền. Cái từ "Độc lập" có ý muốn tách ra khỏi sự quản lý của nhà nước và nó chỉ ra mục đích đen tối của những người đứng ra vận động thành lập "Văn đoàn độc lập Việt Nam".
Thứ hai, về thành phần của "Văn đoàn độc lập Việt Nam".
Thành phần của "Văn đoàn", gồm nhà văn Nguyên Ngọc, cùng nhiều cây bút khác là thành viên Ban vận động như Bùi Chát, Bùi Minh Quốc, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Đặng Tiến, Đỗ Lai Thúy, Đỗ Trung Quân, Giáng Vân, Hoàng Hưng, Nguyễn Duy, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang Lập, Phạm Đình Trọng, Phạm Xuân Nguyên, Lưu Trọng Văn, Võ Thị Hảo, Vũ Thư Hiên.v.v.. Với thành phần này, Văn đoàn không chỉ là tập hợp các nhà văn Việt Nam ở trong nước mà còn có có sự tham gia của các nhà văn ở hải ngoại, trong đó có cả nhà văn Vũ Thư Hiên, được coi là kẻ đào tẩu muộn màng.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong thành phần ô hợp ấy có những cái tên mà dư luận xã hội thường lên án vì chuyên vu cáo xuyên tạc hoặc đả kích chế độ như: Hà Sĩ Phu Nguyễn Quang Lập, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Huệ Chi…Về điểm này, LâmTrực@ cho rằng, việc để những nhân vật tai tiếng trong "Văn đoàn" này là một trò câu viu, liên kết trong ngoài hoặc quảng bá thương hiệu với giới zân chủ hải ngoại, mặt khác là để tạo hiệu ứng ủng hộ trong xã hội.
Riêng nhà văn Nguyên Ngọc, LâmTrực@ dành cho ông một sự kính trọng bởi những tác phẩm văn học để đời ông viết thời kháng chiến, thời bao cấp. Không ai có thể tưởng tượng được một cây bút thuộc hạng lão làng như ông lại có thể trở thành một thành viên của cái gọi là "Văn đoàn độc lập Việt Nam", và không những thế, ông còn đóng vai trò cốt cán thay mặt ban vận động...Thật tiếc cho một tên tuổi lớn!
Bất luận như thế nào, thành phần kiểu "Mặt trận" như thế này sẽ đặt dấu hỏi nghi ngờ về động cơ và mục đích của "Văn đoàn độc lập Việt Nam" cho những cây bút chân chính.
Thứ ba, về lý do thành lập "Văn đoàn độc lập Việt Nam"
Theo như bản tuyên bố kêu gọi, các nhà văn cho rằng:
Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc.Những người viết văn tiếng Việt không thể nói rằng mình hoàn toàn không có phần trách nhiệm về thực trạng đó. Một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội. Trong bước ngoặt lớn này của lịch sử, văn học Việt Nam đã không làm đúng được vai trò của mình.
Thật nực cười, khi chính các nhà văn ăn cơm nhà nước, ở nhà của nhà nước và làm việc cho nhà nước lại có thể phủ nhận sạch trơn những gì ông cha ta và ngay chính họ đã làm cho nền văn hóa của dân tộc. Tại sao họ lại nhố nhăng tới mức quay lưng lại với lịch sử, và phủ nhận sạch trơn thành quả lao động nghệ thuật của biết bao thế hệ trước đó?
Còn nữa, các các nhà văn phán bừa vô căn cứ rằng, "văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến sự tồn vong của dân tộc"? Không phủ nhận rằng trong vài năm qua, nền văn học nước nhà không có lấy một tác phẩm nào cho ra hồn, nhưng tôi nghĩ đó là do khách quan chứ không phải do chủ quan. Mặt khác, ở đâu và lúc nào đi chăng nữa, dù không có các nhà văn như các vị thì bản sắc văn hóa Việt Nam vẫn luôn được trân trọng giữ gìn và ngày càng được phát huy. Tôi không thể đồng ý với các vị rằng, văn hóa Việt Nam đang suy thoái nghiêm trọng, và tôi cũng tin rằng, văn hóa Việt Nam chưa bao giờ đánh mất giá trị nhân bản căn cốt nhất.
Khi lý giải nguyên nhân dẫn đến văn chương Việt Nam yếu kém, tôi đồng ý với các vị rằng, "Văn chương Việt Nam yếu kém có nguyên nhân chủ quan trước tiên thuộc chính người cầm bút là sự thờ ơ đối với trách nhiệm xã hội, vô cảm trước thời cuộc, quan trọng hơn nữa là thiếu độc lập tư duy, từ đó mà tự hạn chế năng lực sáng tạo". Các vị có lý, và nhân dân cũng nhận thấy điều này. Chính các vị thờ ơ và thiếu trách nhiệm với cộng đồng, các vị vô cảm với thân phận của con người, và chính các vị quen sống dựa dẫm vào nồi cơm của người khác, quen đi trên đôi chân người khác dẫn đến thiếu sáng tạo, và thui chột khả năng lao động nghệ thuật.
Nhưng chính kết luận này của các vị lại vô tình bóc mẽ cái tâm địa đen tối của các vị khi các vị đổ lỗi cho nguyên nhân khác quan. Thực ra, các vị là những kẻ thiếu đàng hoàng. Điều này làm LâmTrực@ nhớ đến câu nói của đạo diễn Lê Hoàng khi nói về khả năng sáng tạo của nghệ sĩ, rằng: "tè dầm, đừng đổ tại chim". Các vị thanh minh thanh nga với nhau rằng không có được một nền văn học đàng hoàng vì: "một xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng". Hóa ra, tài năng các vị không có hoặc có nhưng nó tắt lụi đi vì quyền con người bị xâm hại? Xin hỏi các vị, tác phẩm "người cùng khổ" ra đời trong hoàn cảnh nào? Tác phẩm "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố ra đời trong một xã hội mà quyền con người có được tôn trọng hay không? Cũng hỏi luôn các vị rằng, "Đất nước đứng lên" của chính Nguyên Ngọc ra đời trong điều kiện nào? và còn bao nhiêu tác phẩm "bom tấn" để đời khác chưa cần nhắc đến. Trong thâm tâm, LâmTrực@ hiểu rằng các vị đang muốn được nổi tiếng sau khi tàn lụi tài năng bằng chiêu bài dân chủ nhân quyền.
Tiếp nữa, các vị còn cho rằng, quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn và của cả nền văn học. Không có các quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có nền văn học đàng hoàng. Ô hay, ở Việt Nam có ai cấm các vị tác đâu, miễn là các tác phẩm đó thực hiện đúng "chức năng quan trọng nhất của văn học là thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội" như các vị tuyên bố.
Và đây nữa, các nhà văn lại một lần nữa đổ lỗi cho "Một thể chế tổ chức đời sống văn học mang nặng tính quan liêu và bao cấp càng làm nặng nề thêm tình hình, đồng thời không tạo được mối liên kết lành mạnh giữa những người viết văn để nâng đỡ và thúc đẩy lẫn nhau trong công việc và hỗ trợ nhau tring khó khăn". Xin thưa các vị, Hội nhà văn Việt Nam hoạt động theo quyết định 325 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ năm 1957, và đã qua gần 30 năm đổi mới, Hội đã có rất nhiều cống hiến cho nền văn học nước nhà, góp phần vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đã có hàng ngàn tác phẩm để đời trên các lĩnh vực văn học nghệ thuật, từ sách báo, điện ảnh, hội họa và âm nhạc.
Vậy các vị có hỏi tại sao, hoạt động trong trong cơ chế đó họ vẫn có những tác phẩm đi vào cuộc sống và đến tận bây giờ người ta còn nhắc đến? Các vị đã bao giờ tự hỏi rằng chính các vị được sống trong thời bình, được hưởng bổng lộc của nhà nước, được sự chăm lo của nhân dân, được đi đây đi đó, năm nào cũng trại hè, trại sáng tác dài ngày mà không làm ra nổi một tác phẩm gọi là "bom bi" chứ đừng nói đến "bom tấn"? Có bao giờ các vị tự thấy xấu hổ vì ăn hại đái nát chưa? hay các vị chỉ tìm cách đục khoét của dân? Vậy nên, đừng đổ hết lỗi cho cơ chế, bởi mỗi một cơ chế có những ưu điểm và hạn chế của mình, điều quan trọng là nhà văn chân chính phải biết bổn phận của mình chứ không chỉ rong chơi nhảy múa, hò hét rượu chè và phét lác.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều khi trả lời phỏng vấn phóng viên Nguyễn Hiền về sự quan tâm của nhà nước đối với nhà văn, nhà thơ đã trả lời thế này:
Xét về mặt đầu tư cho nhà văn thì trên thế giới tôi đi: Anh, Nga, Nhật, Úc, Na Uy, Tây Ban Nha thì chưa ở đâu nhà nước tài trợ cho các nhà văn sáng tác như ở Việt Nam. Các nước trên hầu như họ tự túc hết. Có thể cá nhân họ nhận được trợ giúp từ các quỹ văn học, văn hoá chứ không phải của nhà nước. Vậy mà chúng ta lại không có tác phẩm hay bằng các nước đó. Có lẽ nên hiểu việc nhà nước trợ giúp, đầu tư cho các nhà văn hiện nay là bày tỏ sự tôn trọng và quan tâm đến phát triển văn học nghệ thuật trong nước. Chứ còn số phận mỗi tác phẩm phải do nhà văn quyết định lấy.
Xin hỏi các nhà văn tham gia "Văn đoàn độc lập Việt Nam", các vị có thấy được các nhà văn nước ngoài khổ sở thế nào khi không nhận được sự quan tâm của nhà nước không?
Thứ tư, nhiệm vụ của "Văn đoàn độc lập Việt Nam"
Xin trích nguyên văn:
- Đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước.
- Tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp, thúc đẩy sáng tạo cá nhân, khuyến khích đổi mới trong sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học và ngôn ngữ.
- Bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm, cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của mọi người.
Vâng, nhiệm vụ như thế thật cao cả, đẹp đẽ và long lanh. Nhưng LâmTrực@ nghĩ chả có gì mới mẻ. Vì những thứ đó đã được xác định trong Điều lệ hội Nhà Văn Việt Nam theo Quyết định số 69, ngày 14/7/1005. Thậm chí, Điều lệ Hội nhà văn Việt Nam còn cụ thể hơn tuyên bố của "Văn đoàn". Nguyên văn Điều 7. Những nhiệm vụ cơ bản của Hội Nhà văn Việt Nam:
- 1. Bảo vệ quyền lợi xã hội, nghề nghiệp và quyền tác giả được quy định trong pháp luật nhằm phát huy tự do sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao của mỗi nhà văn trước sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và quyền lợi của nhân dân.
- 2. Tạo điều kiện tinh thần và vật chất để hỗ trợ công việc sáng tác, giúp các nhà văn gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt chính trị xã hội của đất nước, với đời sống của nhân dân.
- 3. Chú trọng, phát hiện và giúp đỡ các tài năng văn học trẻ và văn học các dân tộc thiểu số.
- 4. Tổ chức tương trợ trong hoạt động, trong sinh hoạt của hội viên. Quan tâm đến đời sống các nhà văn cao tuổi, đau yếu gặp khó khăn và có biện pháp giúp đỡ thích hợp.
- 5. Đề xuất với các cơ quan Đảng, Nhà nước những chủ trương, phương hướng phát triển sự nghiệp văn học và các chế độ, chính sách đối với nhà văn.
- 6. Mở rộng quan hệ hợp tác, tiến hành trao đổi thông tin, kinh nghiệm nghề nghiệp với các tổ chức văn học và các nhà văn nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Vậy nên, người ta mới đặt câu hỏi, các vị này lập "Văn đoàn độc lập Việt Nam" để làm gì? Câu trả lời không khó: Đó là làm chính trị và đối lập với Hội nhà văn Việt Nam. Điều này được minh chứng rõ ràng khi nhà Phê Bình Phạm Xuân Nguyên trả lời Kính Hòa của RFA: "Sự cạnh tranh đó sẽ trên hoạt động, mà trên hoạt động rồi thì sẽ thấy cái chuyện cạnh tranh hay không".
Bạn Tuấn Nguyễn rất có lý khi bóc trần mục đích của cái gọi là "Văn đoàn độc lập Việt Nam": "Thoạt nghe có vẻ cũng rất văn minh và tiến bộ. Song đó là những tấm vải thưa che mắt, là sự ngụy trang cho những âm mưu thâm độc: Mục tiêu 1, đó là xu hướng câu kết để dễ bề hoạt động và xây dựng thực lực mạnh hơn. Mục tiêu 2, “Đổi mới” của chúng là vượt ra ngoài giá trị định hướng của văn học nước nhà, tức là theo những cái khác có hại cho dân tộc, nhưng là hay đối với chúng. Mục tiêu 3, hòng thoát khỏi sự kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đó là một nhận xét xác đáng về bản chất của "Văn đoàn độc lập Việt Nam".
Thứ năm, về tính pháp lý của "Văn đoàn độc lập Việt Nam"
Tuyên bố vận động của nhà văn Nguyên Ngọc thực tế như đã nói ở phần đầu chưa phải là tuyên bố thành lập một hội, mà mới chỉ là vận động thành lập hội vì thế nó chưa được ra đời. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, nó đã ra đời dạng "nửa dơi nửa chuột" để thăm dò dư luận và phản ứng của nhà nước, và cũng vì thế tính pháp lý của nó vô cùng mong manh. Blogger Mõ Làng có nhận định trong bài "lời khuyên cho nhà văn làm chính trị" như sau:
Nay xuất hiện cuộc vận động thành lập hội mới nhưng hầu hết thành viên trong danh sách ban đầu đều là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Vậy hội này là tổ chức trực thuộc Hội nhà văn VN hay là hội độc lập. Có lẽ là hội độc lập vì thấy trong đó có nhiều vị không phải là hội viên Hội nhà văn VN. Để tham gia hội này, liệu họ có phải xin ra khỏi Hội nhà văn VN đã không? Vì rằng chính họ đã biểu quyết cho những quy định trong điều lệ Hội. Và, đã là hội độc lập thì phải tuân thủ luật pháp về thành lập hội, có nghĩa là phải xin phép.
Như vậy, để tránh cái kết cục đẻ non hoặc chết yểu, "Văn đoàn độc lập Việt Nam" nên tỏ ra thông minh bằng cách xin phép thành lập hội của mình với đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định.
LâmTrực@ tin rằng, với thành phần ô hợp đó, với những lý do và mục đích đã tuyên thì "Văn đoàn độc lập Việt Nam" sẽ không có chỗ đứng trên văn đàn đất Việt. Nếu nó có tồn tại, thì cũng chỉ như một cái quái thai ngoài hôn thú vất vưởng ngoài lề xã hội.