Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

QUAN VI HÀNH SẼ THẤY NGAY TẬT XẤU CỦA CÔNG CHỨC

Quan “vi hành” sẽ thấy ngay thói hư tật xấu của công chức

(Kiến Thức) - "Vi hành" là sẽ thấy ngay lập tức nhiều cách giao tiếp ứng xử khó chấp nhận của những công chức khi thực thi công vụ.

Sau khi đăng tải bài viết "Cứ vi hành sẽ thấy" trò chuyện với ông Đỗ Văn Ân, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.

Không nên thể hiện bằng con số đơn thuần

Ông Văn Quý (Hai Bà Trưng Hà Nội) bày tỏ, "Vi hành" là sẽ thấy ngay lập tức nhiều cách giao tiếp ứng xử của những công chức khi thực thi công vụ ở các công sở. Với thực trạng phổ biến là vào làm việc chậm giờ, nói trống không, thái độ thờ ơ lạnh nhạt, thiếu niềm nở. Có những lúc còn tụ tập "buôn dưa lê", gọi điện thoại nói chuyện riêng... để khách cứ dài cổ mà chờ mà đợi. Thứ nữa là không quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho dân nhằm hạn chế việc phải đi lại nhiều lần chỉ để xin một chữ ký của lãnh đạo, một con dấu vào một văn bản hành chính nào đó. 

Việc đưa ra con số tỷ lệ dân hài lòng với hành chính công theo điều tra xã hội học cần phân tích kỹ những yếu tố, những nguyên nhân vì sao có được chứ không thể chỉ là con số đơn thuần, như thế thì mới có sức thuyết phục với dư luận xã hội. 

Công cuộc cải cách hành chính còn phải tiếp tục đổi mới hơn nữa

Đồng tình với quan điểm của ông Đỗ Văn Ân, bạn đọc Đặng Lê Văn (Thanh Thủy, Phú Thọ) cho biết thêm, công cuộc cải cách hành chính của Nhà nước ta đã được đặt ra từ nhiều năm nay, đã có một số ngành địa phương chuyển biến tốt. Nhưng nếu nói có 80% người dân hài lòng về dịch vụ công này thì có lẽ nền cải cách sẽ không cần phải quan tâm nữa, và sẽ không có tình trạng một người nhà bệnh nhân nổi nóng đánh bác sĩ, một lái xe đâm thẳng vào cảnh sát giao thông đứng đường, một phụ huynh cãi nhau tay đôi với thầy cô giáo... 

Tình trạng gây phiền hà, quan liêu, hách dịch ở các cơ quan công quyền từ cơ sở xã phường trở lên vẫn còn phổ biến, là một bệnh kinh niên, mãn tính khó chữa. Những hiện tượng tiêu cực nơi công sở nếu cấp trên "vi hành" mà báo trước thì sẽ không bao giờ thấy. 

Một lời chào, một lời xin lỗi, một lời cảm ơn chỉ dành cho người dân đến cơ quan công quyền cầu cạnh, không bao giờ có được từ người đương chức, đương quyền như những lời của các nhà lãnh đạo cấp trên thường nhắc nhở cấp dưới. 

Theo tôi, công cuộc cải cách hành chính phải tiếp tục có những biện pháp mạnh hơn nữa, phải thường xuyên giáo dục cán bộ đương quyền có những quyết sách mới nhằm nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, do dân và hết lòng vì dân, gần gũi với dân và trên hết là phải biết thương dân thực sự mới có thể hoàn thành nhiệm vụ cải cách hành chính căn bản và lâu dài được. 

Ban Bạn đọc

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: CẢNH GIÁC VỚI HÀNH ĐỘNG CHIA RẼ ĐOÀN KẾT

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Cảnh giác với hành động chia rẽ đoàn kết


VOV.VN - Những hành động đó làm phương hại đến chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và tình hình an ninh chính trị quốc gia

Tại Đại hội toàn quốc MTTQ Việt Nam khóa VIII, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ sự lo lắng trước những vấn nạn của xã hội và thời đại nảy sinh trong nền kinh tế thị trường như lối sống hưởng thụ chạy theo vật chất, suy thoái đạo đức cá nhân và xã hội, nạn tiêu cực, tham nhũng…

Cảnh giác trước hành động chia rẽ sự nghiệp đoàn kết

“Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn có những hoạt động tích cực để góp phần giảm bớt những mặt trái đã và đang phát sinh trong xã hội, đồng thời xây dựng nếp sống hài hoà, quân bình về mặt tinh thần và vật chất. Đó cũng là tư tưởng giáo lý tích cực của Đạo Phật làm tốt Đạo đẹp Đời, là truyền thống lịch sử của Phật giáo Việt Nam trong hơn 20 thế kỷ qua và mãi mãi về sau”- Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (ảnh: Hoàng Long)

Hòa thượng cho biết, là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn nhận thấy trách nhiệm của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực động viên tăng ni, phật tử Việt Nam tham gia vào nhiệm vụ chung của đất nước, của Mặt trận, thực hiện tốt các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ hoà bình, thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; "Ngày vì người nghèo”, "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, hiện nay tình hình trong nước vẫn còn xuất hiện những xuyên tạc về đời sống tự do tôn giáo, nhân quyền tại Việt Nam của các thành phần xấu trong và ngoài nước, đòi hỏi mỗi Tăng ni, Phật tử Việt Nam không ngừng nêu cao cảnh giác trước những lời nói và việc làm của một số phần tử chia rẽ sự nghiệp đoàn kết, làm phương hại đến chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và tình hình an ninh chính trị quốc gia.

“Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn tin tưởng rằng, với truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của mình, cộng với sự gắn bó khăng khít trong khối đại đoàn kết dân tộc, Giáo hội nhất định thu được những thành tựu Phật sự quan trọng trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, góp phần vào sự thành công trong công cuộc đổi mới của đất nước’- Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nhấn mạnh.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho rằng, trong tình hình mới ngày nay chúng ta phải không ngừng xây dựng, mở rộng và kiện toàn khối đại đoàn kết dân tộc ở trong nước và ở nước ngoài, phát huy truyền thống yêu nước của tất cả các cá nhân và các tổ chức xã hội, tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và lấy đó làm nền tảng, làm sức mạnh, làm động lực để phát triển tương lai của đất nước.

Đẩy mạnh việc phát huy và thực hành dân chủ

“Thực tế đã chỉ ra rằng muốn phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Mặt trận phải đổi mới mạnh mẽ và toàn diện nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường chức năng giám sát, phản biện xã hội để tham gia sâu vào quá trình quản lý đất nước của cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh việc phát huy và thực hành dân chủ, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nắm chắc tình hình của nhân dân, tập hợp và nêu cao ý kiến của nhân dân. Khi nhân dân phát huy được quyền làm chủ của mình, và sẽ hội họp trong niệm tình đoàn kết, thì các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ tích cực xây dựng và bảo vệ đất nước, đi theo đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước”- Hòa thượng nói.

Góp ý về giải pháp nâng cao chất lượng của hoạt động Mặt trận, Hòa thường Thích Thanh Nhiều cho rằng, trước hết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thực sự phát huy quyền và trách nhiệm trong vai trò giám sát và phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo và cộng đồng xã hội. Mặt trận phải thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân dân và truyền đạt những ý kiến đó tới Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các cấp chính quyền giải quyết theo quy định, đảm bảo phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa của nhân dân.

Mặt trận tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tạo ra môi trường để tăng cường và phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết các tôn giáo. Không tạo ra khoảng cách giữa đồng bào có đạo và giữa tín đồ các tôn giáo trong khu dân cư, trong cộng đồng xã hội bằng các chương trình mang tính đối thoại, hiểu biết và tôn trọng nhau nhằm xây dựng đời sống hòa hợp và đoàn kết.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho rằng, một trong những nhiệm vụ không thể thiếu là Mặt trận cần chủ động tham gia với Đảng, Nhà nước sớm hoàn thiện các chính sách, hành lang pháp lý, vừa tạo điều kiện, động viên các tôn giáo tham gia và phát huy thế mạnh của mình trong các hoạt động từ thiện xã hội… để các tu sĩ, nhất là tăng ni, phật tử tham gia tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.

“Với trách nhiệm là một tổ chức thành viên trong khối đại đoàn kết dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tích cực triển khai Chương trình hành động và Nghị quyết nhiệm kỳ VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến các chùa, tự viện, tăng ni, phật tử trong toàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài để thực hiện một cách có hiệu quả, trở thành hiện thực”- Hòa thường Thích Thanh Nhiễu khẳng định.

Minh Hòa- Thanh Hà/VOV.VN (ghi)

"ĐÈN CÙ" CỦA TRẦN ĐĨNH

LâmTrực@

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Trần Đĩnh sinh năm 1930, là nhà báo kỳ cựu của tờ Sự Thật. Trần Đĩnh tự nhận mình là người viết hồi ký cho Hồ Chí Minh, ngoài ra còn viết hồi ký cho Nguyễn Đức Thuận, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm (!?). Thời kì "xét lại" Trần Đĩnh bị khép vào tội chống đảng và phải đi cải tạo lao động. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 Trần Đĩnh bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó đến nay, Đĩnh lặng lẽ nuôi hận trả thù chế độ.

Trần Đĩnh tuyên bố mình là một người yêu chuộng tự do dân chủ, ủng hộ những người đang tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam như Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Đan Quế, Trần Độ, Dương Thu Hương, Hà Sĩ Phu .v.v..

Đèn cù ra đời, mặc dù bị giới phê bình chân chính tỏ ra khó chịu, và coi đó như một thứ rác rưởi bẩn tưởi, nhưng ngược lại, nó được các nhà zân chủ cuội ở Việt Nam tung hô hết lời. Lý do được tung hô có lẽ không phải là tính xác thực của những thông tin tài liệu được phản ánh, mà cái chính là do nó góp phần đả phá cái chính thể này.

Phủ gần hết 599 trang giấy với những con chữ la liệt và chúng được xắp xếp lẩn quẩn vòng quanh như "đèn cù". Đọc xong có cảm giác Trần Đĩnh đang ngáo đá khi nói về cái "tôi" nhiều hơn là "hồi kí" hay "tự sự" về cuộc đời. Một kiểu "tự sướng" vì được biết tận cùng những câu chuyện "thâm cung bí sử" của những nhân vật quan trọng.

Nội dung của Đèn cù là những vấn đề gắn liền với cuộc sống chính trị của đất nước, và không có gì ngạc nhiên khi nó được dư luận quan tâm bởi tính trái chiều. Có nhà văn cho rằng, "đèn cù" là một sản phẩm của ông thợ viết theo đơn đặt hàng. Có lẽ nhận xét này không sai, cho dù cơ sở để đưa ra nhận xét đó còn chưa chắc chắn.

"Đèn cù" là loại sách pha tạp giữa tiểu thiết (Ngô Nhân Dụng), hồi kí và tự chuyện vì thế nó vừa có thật lại vừa được hư cấu làm cho người đọc khó phân biệt được thật giả đúng sai, nhưng dễ bị dẫn dụ bằng thủ pháp lồng ghép thật giả để thể hiện tư tưởng chủ đạo của tác phẩm. Điều ngạc nhiên là Suốt 599 trang (trừ 16 trang đầu giới thiệu), người ta không hề thấy có một dẫn chiếu tài liệu kiểm chứng nào. Vì thế độ xác tín sẽ là có vấn đề, đặc biệt là với một người có nhân thân trở cờ thuộc loại xảo ngôn liên tục như Trần Đĩnh. 

Hầu hết các nhân vật lãnh đạo đất nước đều được Trần Đĩnh "nhốt vào" "đèn cù" và ở đó thông qua việc hư cấu, núp bóng kể chuyện lịch sử để phác họa chân dung của họ và vì thế chân dung của họ dã bị xa lạ hóa, méo mó đến khó tin. Những ai am hiểu lịch sử dân tộc, những ai đã từng sống thời gian đó chắc hẳn sẽ hiểu rõ dã tâm "hạ bệ" các thần tượng dân tộc của Trần Đĩnh khi cho ra đời "Đèn cù". Với Trần Đĩnh, các nhân vật chóp bu trong giới lãnh đạo Việt Nam đều là không hoàn thiện về nhân cách, và đều thủ đoạn, nhẫn tâm, thực dụng và hoang dâm. 

Thực ra, chiêu hạ bệ thần tượng không phải là mới với những kẻ như Trần Đĩnh, đặc biệt khi ông ta bị thất sủng vì tư cách đạo đức và phẩm chất chính trị. Tuy nhiên, Trần Đĩnh khác với những kẻ ăn theo nói leo ở chỗ chấm chọn nhân vật và cách bôi lem quyết liệt và ác ý hơn. 


Khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trần Đĩnh viết: "Giáp là con nuôi mật thám Marty, vào đảng man, nịnh Cụ Hồ để Cụ o bế" (tr67). 


Khi nói về Văn Tiến Dũng hay ông Đỗ Mười: “Dũng thợ may gần công nhân hơn Thái. Hay sau này Đỗ Mười thợ sơn, thợ hoạn lợn thì ưu tú hơn đứa được học cao” (tr93). 


Về Tố Hữu và Xuân Diệu: “Tố Hữu một trưa dậy ra suối giặt quần đùi. Ca cẩm với Kim Lân: - Xuân Diệu nó mó máy mà tuột bu nó mất xích, mệt quá! Mà hai hôm nay lại cơm ăn toàn với măng.” (tr30). 

Khác với những nhân vật khác, được gần hoặc được tiếp xúc với cụ Hồ bao giờ cũng là niềm tự hào, vinh dự lớn lao, Trần Đĩnh có lẽ là người đầu tiên mô tả cụ Hồ với những tình tiết kiểu mất dạy đến đáng tởm. Trang 83, Đĩnh viết về việc xử bắn bà Nguyễn Thị Năm: "Mình được đội phân công ra Chùa Hang mua áo quan, chỉ thị chỉ mua áo tồi nhất. Và không được lộ là mua chôn địa chủ. Sợ như thế sẽ đề cao uy thế uy lực địa chủ mà. Khổ tớ, đi mua cứ bị nhà hàng thắc mắc chưa thấy ai đi mua áo cho người nhà mà cứ đòi cái rẻ tiền nhất. Mua áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?”. Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy…”. Tình tiết này có lẽ chỉ có Trần Đĩnh mới là người có thể tưởng tượng ra vì ông ta không hề chứng kiến như chính trong phần kể chuyện được ông Trường Trinh giao viết bài báo đầu tiên về cải cách ruộng đất.


Không chỉ là nhẫn tâm, cụ Hồ trong con mắt Trần Đĩnh là người có nhiều vợ và luôn háo sắc. Đĩnh bịa ra rằng, cụ luôn được cung cấp các cô gái đã được tuyển chọn để phục vụ nhu cầu sinh lý, tất nhiên, chi tiết này cũng không thể kiểm chứng. Nhân kể chuyện Phan Kế an, Đĩnh nổ: “Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: À, cái P.M. (Phương Mai) tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được xua về sớm. Vài tháng sau, An lại về muộn. Hỏi vì sao thì An nói không thấy P.M. (Phương Mai) đến nữa. Chắc máy cụ yếu, giải đáp thuần túy sinh học. Không tính đến sở thích, gu của cụ”. Và xuồng sã tới mức: “…Xin nói rõ chuyện như thế này: hồi đó, có ý kiến là ông Hồ cần có vợ để việc “giải quyết sinh lý” được điều hòa thì tốt cho sức khỏe. Và sau Hiệp định Genève 1954, người ta chọn một người “kháu” nhất trong số nữ cán bộ trẻ, đó là chị Nguyễn Thị Phương Mai, tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thanh Hóa và đưa chị từ Khu Bốn ra Hà Nội để tiến cử lên ông Hồ". (tr30).

Không chỉ nói đến cụ Hồ, các nhân vật khác cũng bị lôi vào cuộc. Nhân vận số 2 mà Trần Đĩnh nhắm đến là TBT Lê Duẩn. Nhà thơ, Đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Đỗ Minh Tuấn đã phải thốt lên: Tại sao trong bối cảnh Trung Quốc xâm lược và “bắt cóc” Đảng CSVN như hiện nay mà bác Đĩnh tung ra một cuốn sách bôi xấu xuyên tạc về TBT Lê Duẩn, một người sớm nhìn ra dã tâm của Trung Quốc dám nói thẳng vào mặt Mao Trạch Đông về lịch sử chiến thắng giặc Tàu của dân tộc Việt Nam và khẳng định rõ: “Chúng tôi cũng sẽ đánh các ông!”. Và thực tế quân và dân Việt Nam thời TBT Lê Duẩn đã đánh thắng giặc xâm lược Trung Quốc". Đỗ Minh Tuấn cũng khảng khái nói: "Có đảng viên nào, người chống cộng nào nói được với Mao, với Đặng, với Tập những câu như thế? Cho dù là nhận thức muộn nhưng đem cái sai lầm cũ (cứ cho là tư liệu đáng tin) để dập xoá bôi bẩn những khí phách của tổ tiên từ ngàn đời trong Lê Duẩn, ghép ông với Trung Quốc bằng những tư liệu khó kiểm nghiệm, cướp đi một khí phách chống Tàu, cướp đi một chuẩn mực để đôí chiếu và đòi hỏi và phê phán sự nhu nhược lệ thuộc của Đảng CSVN – việc ấy hôm nay có mục đích gì"? 


Giống như những kẻ phản phúc khác, Trần Đĩnh cũng tìm cách khoét sâu vào những sai lầm cục bộ của chế độ để kích động hận thù, tạo cớ cho những kẻ chống nhà nước lên tiếng. Những chi tiết trong "cải cách ruộng đất", hay "xét lại" được thổi phồng, xuyên tạc dựa trên những tình tiết có thật, hoặc dẫn lời của những nhân vật đã chết để mô tả, làm cho người đọc lầm tưởng đó là sự thật vì không thể kiểm chứng.

Không rõ là do tuổi tác đã cao hay do cố tình xuyên tạc mà không biết, Trần Đĩnh khi xuyên tạc chuyện gia đình ông Phan Đăng Lưu đã có sự nhầm lẫn đến tệ hại. Chi tiết này đã bóc mẽ ông ta. Trần Đĩnh viết “Chu Văn Biên (đội cải cách) ký lệnh xử tử bất kỳ ở đâu. Chính hắn sai trói gô bố đẻ của Phan Đăng Lưu là Phan Đăng Tài, lùa ông cụ vào đòn ống khiêng lên trại tù rồi sau cụ chết mất xác. Khi bị khiêng đi, cụ cứ chửi chúng mày khốn nạn, thằng Lưu kia, mày theo cộng sản để cho đàn em cộng sản của mày đối xử với tao thế này à? Du kích khiêng ông cụ lại đánh đá ông cụ...". 

Sự thật, Cụ Phan Đăng Tài chỉ là ngang hàng với cụ Phan Đăng Lưu. Là anh em, không phải cha/chú/bác của Phan Đăng Lưu, và những năm 1980 cụ vẫn sống, vẫn biên soạn sách, trong đó, có thể kể đến những bộ về ca dao tục ngữ. Cụ Phan Đăng Tài là cha ruột của nhạc sĩ Hồng Đăng. Và đồng thời, cũng là cha ruột của một phóng viên ở báo Nhân Dân (cơ quan cũ của Trần Đĩnh và Bùi Tín). 

Ta có thể thấy một chi tiết khác thể hiện não trạng của Trần Đĩnh: cải cách ruộng đất diễn ra những năm 50, còn ông Phan Đăng Lưu đã hi sinh năm 1941. Vậy thì cái câu chửi kia ở đâu ra? 


Một tác phẩm mà Trần Đĩnh tự nhận là hồi ký mà lại có chi tiết bịa đặt đến trắng trợn như thế liệu có đáng tin.


Nhưng đó mới chỉ là một góc nhìn về Đèn cù. 


Nhiều người đọc xong đã thất vọng. Họ thất vọng vì Đèn Cù mô tả tâm thế và tư thế vong nô cho ngoại bang của những người lãnh đạo đất nước, và mô tả sự yếu hèn của tầng lớp trí thức Việt Nam.


Với người viết entry này, Đèn cù chỉ là thứ rác rưởi và Trần Đĩnh chỉ là kẻ vong bản không hơn.

QUÁ KHỨ CỦA MẸ

Khoai@


Bài dự thi từ tác giả Nhiên tham gia chủ đề "Vẻ đẹp của người phụ nữ trong lao động". Mời các bạn cùng theo dõi. 

QUÁ KHỨ CỦA MẸ

Ngày ấy, Tôi chỉ nhớ người ta kể với tôi rằng: Mẹ mày đến với Bố mày khi đã 1 lần đò đấy! Mẹ mày lấy người ta về, rồi một ngày thằng đó bỏ đi thấy bảo đi làm ăn xa thế rồi chẳng trở về nữa …

1 năm, 2 năm, 3 năm chờ đợi … Mẹ mày về lại đây và cưới Bố mày đấy!

Với nó lúc ấy câu chuyện kể đơn giản cũng chỉ là 1 một câu chuyện. Chưa 1 lần hỏi Mẹ về quá khứ của Mẹ về những ngày Mẹ đã trải qua ấy. Thấy Mẹ cười bình yên và Mẹ sống hạnh phúc bên Bố nó biết: Mẹ đã quyết định đúng cho cuộc đời Mẹ! vì Bố yêu Mẹ. Nó thầm cảm ơn cái tình yêu của Bố để có nó trên cuộc đời này!

Mẹ khổ. Đúng! Những vết nhăm trên da của Mẹ khi đôi mắt nheo nheo nhìn xa xăm ngay cả khi Mẹ cười cũng hằn sâu thẳm về cuộc đời Mẹ. Mẹ là chị cả trong gia đình có 4 chị em gái. Ngày đó Ông ngoại là Sí quan bộ đội Ông chẳng ở nhà trừ những dịp Tết hay ngày nghỉ phép, còn Bà thì làm nông. 

Chỉ những ngày Ông về thì mới được đủ đầy. Chỉ có Mẹ và Bà hai người phụ nữ lớn nhất trong nhà phải lo toan tất cả mọi thứ từ ruộng đồng đến việc học hành của các Dì. Mẹ kể: “Có hôm đi lấy củi trên núi vì cách nhà xa nên buổi trưa chẳng về được, Bà bảo Dì Hai mang cơm cho Mẹ mà lúc đó đói lắm. Đi đường dì đói quá lại dở ra ngồi ăn hết cả phần cơm. Mẹ cứ chờ cơm mà đói, cho đến tối mới về”. Kể xong Mẹ cười giòn như một chuyện vui làm kỉ niệm với Dì. Thời đó đi học được mua đồ mới thích lắm chứ, nhất là áo trắng. Mẹ thì chẳng bao giờ được mặc nó cả, nhìn các Dì xúng xính đi học mà có hễ để mực dây vào áo là Mẹ mắng đấy. Mẹ bảo: đi học thì không được nghịch ngợm phải chăm chỉ và nhớ không được để mực dây vào áo vì sẽ bẩn đi xấu lắm! 

Khi con được sinh ra, nó là ngày rất buồn phải không Mẹ? 

Bà mất, trước khi đi Bà còn gặng hỏi: Mẹ sinh chưa? Mọi người người đã nói dối Mẹ nhỉ? Mọi người nói là: “Nó sinh rồi, lại 1 thằng con trai nữa”. Thế rồi ngay sau đấy Mẹ trở dạ sinh con, không phải con trai mà là con gái! Mẹ chẳng có thời gian để chăm con được nhiều vì còn rất nhiều điều phải lo toan ngoài kia nữa. Mẹ nhờ: Dì trông, Cô trông rồi cả Cụ nữa…

Khi con lớn hơn 1 chút. Mẹ kinh doanh, một cửa hàng kinh doanh nhỏ mua đi và bán lại và Con vẫn nhớ: Những trưa nắng rát da, cái nắng miền Trung Mẹ vẫn cố chạy nốt hàng về nhà để kịp gom chuyến xe chiều. Mẹ mua quà cho con cả Chị đang ở nhà để ôn thi nữa hai chị em vui lắm, thích lắm mà lúc đó con chẳng thể hiểu được những vất vả của Mẹ. 

Có những khi giữa Bố và Mẹ cơm chẳng lành canh chẳng ngọt con thấy Mẹ khóc, con cũng khóc. Có lúc con trốn vào 1 góc rồi khóc, có lúc con ôm Mẹ khóc. Mẹ lau nước mắt Mẹ nựng má bảo nín đi, đừng khóc. Cuộc sống đủ đầy hơn, nhưng Mẹ chưa bao giờ hết lo: Mẹ lo con Mẹ học xa vất vả, thua thiệt với bạn bè, Mẹ lo công việc của con khi học xong rồi, Mẹ lo nó đã yêu chưa và liệu ngoài kia có ai yêu thương nó thật lòng để không làm nó khóc, Mẹ lo con trai Mẹ có dâu thảo, con gái Mẹ có tấm chồng hiền… Cả cuộc đời Mẹ con chẳng thể nào đi hêt được những: yêu thương, lo toan, trách nhiệm, chăm sóc và vất vả mà Mẹ trải qua. Con sẽ chẳng bao giờ thấu được những điều đó!

Khi lớn như bây giờ, con vẫn chưa thể làm Mẹ hết lo lắng. Những ngày con được về Mẹ đều ôm con ngủ rồi vuốt ve mái tóc! Con thấy bình yên trong mắt Mẹ và hạnh phúc trong lòng con. 

Con vẫn thầm cảm ơn quá khứ của Mẹ để con được sinh ra. Được tròn xinh những ngày thơ bé!

Và hỏi rằng: Nếu ngày ấy Mẹ không đi?

Nhiên

Chuyện nữ cảnh sát

Khoai@

Các nữ Cảnh sát nhân dân luôn nhận được sự ngưỡng mộ của nhiều người, nhưng họ cũng giống như một dấu "Lặng" nhiều bí ẩn. Tác giả Dấu Lặng đã gửi đến cuộc thi "Vẻ đẹp của phụ nữ trong lao động" bài viết sau đây, mời các bạn đón xem: 

CHUYỆN NỮ CẢNH SÁT! 

Ai thiết tha nghề cảnh sát thì tôi không biết, riêng nhà bác tôi thì không. Bác tôi đã từng ép chị họ tôi nghỉ việc và thường xuyên than vắn thở dài mỗi khi tôi qua nhà chơi. Rằng thì là mà giá như chị tôi là đàn ông, giá như chị ấy lùn một tí, thì khi vào học viện cảnh sát chắc đã trượt, giá như… 

Thỉnh thoảng chị vắng nhà biệt tích một thời gian rồi trở về đường đột với khuôn mặt đen sạm, hay vài vết thương mới lên da non, có khi còn đang rỉ máu. Kinh hãi nhất là có đợt chị sút cân và trầm cảm phải tạm nghỉ ở nhà mất 3 tháng. Cả nhà không ai biết chuyện gì cho đến 3 tháng sau chị mới dám khai là trong khi làm nhiệm vụ bị nghi phạm tấn công bằng xi lanh có máu. Xét nghiệm máu ở xi lanh thì dương tính với HIV. Chị được chích thuốc ngừa HIV khẩn cấp ngay lúc đó. Nhưng cô gái mới 28 tuổi dù mạnh mẽ đến đâu cũng không thể không sốc. Đàn ông dạn dày trong nghề, bị phơi nhiễm HIV thường xuyên mà còn sốc và khủng hoảng tinh thần huống hồ là chị. Sau thời gian cửa sổ dài đằng đẵng ăn không ngon ngủ không yên, cuối cùng thì phúc tổ là chị không làm sao.

Nhưng thực sự cười ra nước mắt và cũng là giọt nước tràn ly khiến bác gái tôi điên cuồng bắt chị nghỉ việc là như sau:

Số là chị được bố mẹ mai mối cho một anh con ông cốp lớn. Anh ta thì chị mới gặp nhưng cũng thấy cũng được được, đi chơi vài buổi nói chuyện cũng vui vẻ. Mọi việc đang suôn sẻ thì chị nhận nhiệm vụ về một tỉnh miền trung trong chuyên án ma tuý lớn. Chị phải giả là một cô gái dạt nhà, tóc tai cắt nham nhở, nhuộm tùm lum, thêm cái khuyên mũi nữa, trông đúng chất gái giang hồ. Vì công việc mà phải thay đổi bộ dạng như vậy thì thôi cũng đành, xong việc lại trở về trạng thái ban đầu là được. 

Nhưng khổ, trong khi làm nhiệm vụ (trong vai gái phục vụ ở quán karaoke) thì lại gặp đúng đợt truy quét tệ nạn của công an tỉnh. Thế là chị bị bắt, bị giải về trụ sở. Cả đám ăn chơi thác loạn, đàn ông đàn bà tuốt luột bị lôi đi. Báo chí chụp hình, truyền hình tới quay đưa tin nháo nhác… Thôi thì tai nạn nghề nghiệp, chị nhanh chóng được xác minh làm rõ sau đó. Nhưng oái ăm thay, trong đám đàn ông bị bắt có người nhà của anh chàng kia, người đấy nhận ra chị. Khi anh ta hỏi tên chị, chị giật mình nghĩ đã bị lộ tẩy và sợ nhiệm vụ đã đổ bể. 

Sau này nghe mẹ chị kể lại, dù giải thích như thế nào thì bên gia đình anh kia cũng không chấp nhận hehe… 

Mỗi lần nghe lại chuyện này là tôi lại cười không nín được. Thương thì thương chị thật. Nhưng mà lại thấy vui vui và thầm ngưỡng mộ. Có phải ai cũng có được những cơ hội trải nghiệm thú vị như thế đâu. Chị làm tôi ao ước…

Còn giờ chị đã chuyển công tác về Quảng Bình, vì đã yêu và kết hôn với anh chàng cảnh sát lấy cung chị cái hôm bị bắt. Đúng là duyên số!

Bác gái tôi chửi chị là ngu. Đang là gái thủ đô tự dưng mò vào cái nơi toàn cát với cát ấy lấy chồng. Chị kệ. Chị yêu anh, chị yêu nghề, và quan trọng anh là người đàn ông đầu tiên thấu hiểu được những vất vả mà chị trải qua với nghề. Có lẽ sự đồng cảm đó đã đưa họ lại gần nhau.

Chị nói, hơi cực đoan nhưng tôi tin là chị nói thật lòng : “Tao lấy lão vì tao thấy chỉ có lão mới đúng là đàn ông”… kinh!

Nói thế làm tôi cứ tưởng anh kia to cao lạnh lùng men lỳ lắm. Hoá ra dáng anh thư sinh mảnh khảnh, lại hay cười, có cái răng khểnh to đùng. Anh không bao giờ ngăn cản công việc của vợ. Dù nguy hiểm hay troé nghoe kiểu gì anh cũng ủng hộ vì anh tin chị thông minh đủ để biết nên làm gì, quan trọng là anh tôn trọng quyết định của chị. Anh tôn trọng những sở thích cá nhân, kể cả những thứ hơi quái gở ở chị. Những lúc chị đi vắng thì anh chăm đứa con gái nhỏ, chăm mảnh vườn rau tươi tốt đợi chị trở về. 

Dù cho những hiểm nguy, vất vả mà nghề nghiệp đem lại dường chưa bao giờ chấm dứt, song tôi thấy chị hạnh phúc. Hạnh phúc vì được làm công việc mình thích và lấy được người mình yêu. 

DẤU LẶNG

QUAN CHỨC HẠ CÁNH VÀ CẶP BÀI TRÙNG MA QUỶ

Quan chức hạ cánh và cặp bài trùng ma quỷ

Lòng tham sẽ khiến cho người Việt, từ quan chức đến dân thường, sẵn sàng “thoát y” để khiêu vũ, không chỉ với đồng tiền nữa, mà với chính… pháp luật. Chữ quyền + tiền đang trở thành cặp bài trùng ma quỷ.

I-Có một thực tế phũ phàng, con người vốn được coi là chúa tể muôn loài. Vì sức mạnh trí tuệ và sáng tạo vô song, có thể biến những câu chuyện cổ tích thành hiện thực. Ở những xã hội văn minh, có nền tài chính minh bạch, con người còn biết sai khiến đồng tiền, chế ngự tính xấu của nó bằng thiết chế quản lý và những chính sách, luật pháp phù hợp quy luật thực tiễn, xây dựng xã hội kỷ cương lành mạnh.

Nhưng trên con đường phát triển, không phải xã hội nào cũng đạt tới sức mạnh làm chủ hoàn toàn cái đồng tiền bất kham này. Và với thiết chế quản lý còn nhiều lỗ hổng, đồng tiền còn có thể trở thành một loại “giặc nội xâm”- tham nhũng. Mà nước Việt đang vất vả phòng chống là thế.

Chả thế người ta thường gọi chua xót- thời đại kim tiền. Chả thế, đồng tiền đã từng được nâng lên như một … “học thuyết” của giới giang hồ:Tiền có thể không mua được. Nhưng rất nhiềutiền vẫn có thể mua được. Mà những vụ án tham nhũng khủng, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng là những ví dụ điển hình.

Câu chuyện ở ngay trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) mới đây là một vụ việc khá điển hình, cho dù số tiền vỏn vẹn “có 30 triệu vụ này mới xong”- chỉ là một số tiền bé mọn. Nhưng những vấn đề bị lộ ra lại rất nghiêm trọng. Nó cho thấy khi phải khiêu vũ với đồng tiền, thì con người có lúc gần như … “thoát y” đến méo mó cả lương tâm, nghiệp vụ, chức trách.

Câu chuyện tóm gọn: Ông Lê Bá Quý - nguyên Chủ tịch UBND xã Tiến Nông (Triệu Sơn) bị cơ quan chức năng kết luận phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Ông này nhờ bà Nguyễn Thị Niên - Kiểm sát viên Viện KSND huyện Triệu Sơn, là người họ hàng - giúp đỡ để chạy án. Và việc chạy án đã diễn ra đúng như một bộ phim hình sự, với những đối thoại rất đời. Các “diễn viên” chính gồm: Lê Ngọc Hiệp - Thẩm phán trung cấp, Chánh án; Lê Sỹ Thuần - Thư ký tòa và bà Lê Thị Thu - Thẩm phán, đều thuộc TAND huyện Triệu Sơn.

Bộ phim bị lộ giữa thanh thiên bạch nhật bởi ông Lê Bá Quý, cũng chính là người bí mật ghi âm các lời thoại mặc cả, ngã giá của các … “diễn viên”. Ông này vốn tự cho là mình bị bẫy, bị kết tội oan, rút cục đưa cả chánh án, thư ký tòa, thẩm phán nay mai ra trước vành móng ngựa. Rõ là kẻ cắp bà già gặp nhau. Họ oan ra sao, chỉ là “tai nạn nghề nghiệp” thế nào- như lời ông Lê Ngọc Hiệp thanh minh thanh nga, thì để nay mai họ có nhiệm vụ trả lời trước pháp luật.

Một hiện tượng đáng chú ý, cán bộ ngành tư pháp các cấp “khiêu vũ” với đồng tiền khá nhiều, không còn là của hiếm.

Đó là Phan Văn Quang, nguyên Chánh án TAND huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã bị tuyên phạt 06 năm tù vị tội nhận hối lộ, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; Võ Tá Trường, nguyên Thẩm phán tòa, 02 năm tù về tội nhận hối lộ, tháng 08/2014.

Đó là Nguyễn Duy Hiệp, nguyên quyền Chánh án TAND huyện Thanh Liêm (Hà Nam), nhận hối lộ 235 triệu đồng của đương sự. Chỉ một ngày trước khi chính thức trở thành chánh án, ông quyền này bị bắt giam, tháng 07/2014.

Đó là Nguyễn Thái Quốc Cường, Thư ký TAND Q. 12 (t/p HCM) bị cơ quan chức năng bắt quả tang nhận 170 triệu đồng của đương sự trong một vụ án hình sự để chạy án, tháng 04/2014.

Trước đó, tháng 01/2014, Phan Mạnh Hùng, nguyên Thẩm phán TAND Q. 12 bị tuyên án 07 năm tù về tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng của một người nhờ tư vấn.

Hết chánh án, quyền chánh án, thư ký tòa án, đến cả cán bộ sở tư pháp cũng “thoát y” khiêu vũ với đồng tiền. Đó là ông Nguyễn Ngọc Lan, chỉ là cán bộ Sở TP Nghệ An, nhưng lại mạo danh là Phó Giám đốc sở, lừa lấy 100 triệu đồng của người nhà một bị can với lời hứa “chạy án”, và đã bị bắt, tháng 05/2014, v.v… và v. v…

Hiện tượng này cho thấy hoạt động tư pháp là một trong những mảnh đất mà tham nhũng luôn dòm ngó. Bởi một điều đơn giản, xã hội đang trong giai đoạn phát triển, thiết chế quản lý lỏng lẻo, luôn có nhiều bất ổn, thì ở một góc độ nào đó, văn hóa- đạo lý xã hội lệch lạc, tội lỗi, thậm chí tội ác cũng nảy nở tỷ lệ thuận theo.

Chữ quyền+ tiền đang trở thành cặp bài trùng ma quỷ.

Vụ việc chạy án ngay giữa trụ sở TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) mới đây, phản chiếu rất sinh động và cụ thể cái tư duy lẫn “định hướng” phạm tội của các quan tòa ở huyện này sau hậu trường sàn diễn. “Lỗi hệ thống” ở đây không thuần túy là chuyện ăn hối lộ theo dây, mà cả cung cách giẫm đạp lên pháp luật cũng… “theo dây”. Tính chất nguy hiểm của vụ việc này tinh vi còn là ở chỗ đó.

Đó là khi cả Tòa án, Viện Kiểm sát “hợp tác” với bị can để chạy án như thế nào? (GDVN, ngày 19/9). Theo báo này, khởi đầu tại trụ sở Viện KSND huyện Triệu Sơn, ông Nguyễn Đình Hà, Phó Viện trưởng, người được ông Nguyễn Bá Quý nhờ vẽ đường cho hươu chạy. Và các thao tác “chạy” rất bài bản.

Thao tác đầu tiên là gì? Băng ghi âm của ông Quý cho thấy, ông Phó Viện trưởng Viện KS huyện Nguyễn Đình Hà đe doạ và yêu cầu ông này phải làm đơn, xin rút luật sư bào chữa: Nếuanh không rút luật sư thì chúng tôi không thể chiếu cố cho anh được! Cái yêu cầu rút luật sư bào chữa này, một lần nữa, cũng lại được ông Lê Ngọc Hiệp, nguyên Chánh án TAND đưa ra, trước khi mặc cả giá tiền. Một yêu cầu thực chất vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự và những quy định của ngành.

Thao tác thứ hai, xuống tỉnh: Cái này còn phải xuống tỉnh để xin, may ra mới có được án treochứ xử ở đây thế, (xử án treo - PV), xuống dưới kia lỡ may bị bắt giam thì chả giải quyết vấn đề gì.

Thao tác thứ ba: Bây giờ sang tòa án xem hết bao nhiêu?

Chính ở cái công đoạn- thao tác thứ ba này, mới thấy hết sự “thoát y” về nhân cách, lương tâm nghề nghiệp của họ ra sao, với những phát ngôn thật ấn tượng. Hãy thử nghe:

Ông Lê Ngọc Hiệp, Chánh án: Đây được mấy tiền? Khi biết chỉ có 10 triệu, ông Hiệp: Một nấy chưa đủ đi tỉnh.

Ông Lê Sỹ Thuần - Thư ký tòa: Anh vứt xuống tỉnh 20 cái (tiền - PV),lo đây10 cái, tổng 30 cái, được lòng trước khỏi mất lòng sau, chính xác 100%. Còn nếu anh không tin tôi thì anh cứ đi hỏi nơi khác, nhưng khi anh quay lại phải nâng lên một ít nữa, tính tôi rất thật. Rồi “Tội cưỡng đoạt khoản 2 đ. ai cứu”.

Công nhận là ông này rất thật, khi nói đến tiền. Nhưng đã rất thật với tiền, thì sẽ rất gian khi xử án.

Một câu hỏi cần đặt ra, nơi khác là nơi nào, và tỉnh ở đây, là đâu nhỉ? Như vậy, cái giá tiền cũng mang tính rất… phổ biến? Mà ông Lê Sỹ Thuần đã “định giá” rõ là vứt xuống tỉnh 20 cái, đây (huyện) 10 cái!

Vậy mà khi được hỏi, ông Lê Ngọc Hiệp… phiên dịch thế này, chắc sợ báo chí không hiểu tiếng Việt trong đối thoại của ông ta: Ý em là từ trên huyện xuống tỉnh cũng phải thuê xe cộ, lo chỗ ăn, chỗ nghỉ. Ý em thế thôi.

Liệu có tin được ông Hiệp thương ông Quý đến độ lo cho cả chuyện tàu xe, đi đường ko? Có lẽ cái băng ghi âm của ông Quý nghe đến đây cũng phải… đỏ mặt rần rần!

Và nhất là bà Lê Thị Thu, Thẩm phán: Vì anh là người nhà của cô Niên (bà Niên cán bộ Viện KSND huyện, có họ hàng với bị can Quý), nên bọn em mới giúp, còn là dân thì... bọn em sẽ làm theo quy định của pháp luật! Nghiêm phết!

Mà thực ra, đó chỉ là sự ngụy biện để che dấu cái việc ăn tiền trắng trợn. Nó cũng cho thấy pháp luật chả có ý nghĩa bình đẳng, công bằng gì hết trong chính bàn tay … đếm tiền của các vị!

Thử tưởng tượng, vụ chạy án này trót lọt, thì cho dù có xử giữa công đường, giữa thanh thiên bạch nhật, kết quả vụ án cũng chỉ là một “trò đùa” đốn mạt với công luận, với dư luận xã hội.

Cải cách tư pháp là một sự hối thúc của xã hội, của đạo lý nước Việt đang xuống cấp nghiêm trọng, rất cần chấn hưng. Nhưng cải cách thế nào đây, nếu như cán bộ tư pháp say mê “thoát y” để khiêu vũ với đồng tiền đến chóng mặt như thế này?

Phép thần nào đủ mạnh để cải cách tư pháp nước Việt nhỉ? Nếu như pháp luật không thượng tôn. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng đó mới chính là con đường sáng duy nhất, để nước Việt có kỷ cương, môi trường xã hội lành mạnh và niềm tin của người dân không bị mất mát.

II- Không chỉ có các quan chức cấp thấp, mà có cả một cựu quan chức cấp cao trong tuần qua, ông Hồ Nghĩa Dũng, cựu Bộ trưởng GTVT, cũng trở thành đề tài gây xôn xao dư luận. Bởi vị này không phải khiêu vũ với đồng tiền, mà khiêu vũ với… Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, chủ đầu tư Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Điều mà dư luận xôn xao trên báo chí là ở chỗ, trước đó, khi còn đương chức ông là người ký quyết định đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả này. Cũng chính ông chỉ định nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đèo Cả. Rồi ở thời điểm vốn vay khó khăn, cũng chính ông nhiệt tình giúp đỡ doanh nghiệp này tiếp xúc với các tổ chức tín dụng trong nước, ngoài nước.

Và chỉ 08 tháng sau, khi đã giã từ chiếc ghế quyền lực, ông chính thức trở thành thành viên của Hội đồng Quản trị công ty. Nói như dân gian chẳng ngoa chút nào, thì cái công ty này như là “sân sau” để ông chuẩn bị hạ cánh cho an toàn.

Cũng phải hơn 02 năm sau, từ tháng 04/2012 đến năm nay, câu chuyện mới “bị lộ”, gây ồn ào, đàm tiếu. Bị lộ bởi trang website của công ty, chẳng biết có phải vì quá tự hào có được một cựu Bộ trưởng ngành mình về làm ủy viên HĐQT không, mà đưa lên công khai, khiến bung bét hết cả chuyện. Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau.

Có điều dở, khi bước chân vào làm thành viên của HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, là ông đã ngang nhiên giẫm lên những quy định của pháp luật. Cụ thể ở đây là một loạt những quy định của Chính Phủ, mà ông từng là một thành viên. Đó là Nghị định 102/2007/ NĐ- CP, Điều 04, Chương II, quy định thời hạn không được kinh doanh ở các lĩnh vực; Điều 05 quy định thời hạn không được kinh doanh với những đối tượng cán bộ, công chức như ông (phải từ 12-18 tháng).

Từng là một Bộ trưởng, một quan chức cao cấp, quản lý ngành GTVT, một ngành huyết mạch, và cực kỳ phức tạp vì đầu tư cực lớn, không thể nói là ông không nắm được luật. Cách đây một vài năm, dư luận đã xôn xao trước một vị cựu Bộ trưởng KH và ĐT, vì “lách luật” mà phải hầu tòa.

Nếu cứ hành xử như các cựu Bộ trưởng nói trên thì con đường thực thi pháp luật cũng sẽ có nguy cơ bị… tắc nghẽn bởi những hành vi phạm pháp. Vừa thiếu nghĩa, và cũng không dũng lắm! Điều đó sẽ rất khó thuyết phục người dân Sống và làm việc theo Hiến pháp, và pháp luật.

Có điều, dù các quy định pháp luật của Nhà nước có vẻ chặt chẽ “đầu vào”, nhưng lại rất lỏng lẻo… “ đầu ra”. Nghĩa là cấm thì cấm, nhưng không hề có chế tài xử lý, nếu như các đối tượng thuộc diện phải thi hành vi phạm. Trả lời phỏng vấn nhà báo, ông Nguyễn Sỹ Cương, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, Ủy viên Thường trực UB Pháp luật của QH công nhận, nếu không quy định cụ thể điều này thì sẽ rất dở. Mà đầu ra lỏng lẻo- chế tài xử phạt không có, sẽ… huề cả làng? Thì khẩu hiệu Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật vĩnh viễn chỉ là khẩu hiệu.

Được biết, trang website của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả thấy “động”, lập tức gỡ ngay thông tin. Xong om! Theo ngôn từ của một nhà thơ nổi tiếng.

Nhưng hãy còn đây tai tiếng xung quanh vụ việc này. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì cho rằng, đây là một bài học về quy định pháp luật phải như thế nào để tránh việc các quan chức, khi còn đương chức thì đưa ra những quyết định để chuẩn bị khi về hưu, có thể được lợi từ các quyết định đó.

Còn đời sống nước Việt trong thế giới phẳng giờ đây, trước quốc nạn tham nhũng, trước tâm lý sống vụ lợi, trước những hiện tượng rối loạn các giá trị lại chỉ dễ dàng tin những quan hệ hợp tác kiểu đó như là một sự “trả nợ miệng”. Mà không hề tin ở những lời thanh minh thanh nga của ông Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, cũng như của ông cựu Bộ trưởng. Cho dù đến thời điểm này, được biết, ông Hồ Nghĩa Dũng đã rút khỏi vị trí ủy viên HĐQT.

Với cá nhân một cựu quan chức, đó cũng là một mất mát không nhỏ về thanh danh.

Rồi đây, các cá nhân vẽ đường chạy án của TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) sẽ phải trả lời trước pháp luật. Đến lúc nào đó, sự ồn ào về cái cách hạ cánh … chòng chành của cựu Bộ trưởng GTVT cũng sẽ lắng xuống. Nhưng sự nhức nhối của một nền tư pháp không được thượng tôn, với những lỗ hổng pháp luật to tướng vẫn đặt ra cho hành trình hội nhập còn khập khiễng, chậm chạp của nước Việt, những vấn đề quyết liệt của cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải cách thiết chế quản lý, ở tầm vĩ mô.

Nếu không, lòng tham sẽ khiến cho người ta, từ quan chức đến dân thường, sẵn sàng “thoát y” để khiêu vũ, không chỉ với đồng tiền nữa, mà với chính… pháp luật!

Đó là điều đau khổ và đáng hổ thẹn nhất cho một quốc gia hướng tới văn minh, văn hóa!

Kỳ Duyên

NÂNG KHỐNG 100 TRIỆU THÀNH 130 TỶ

Vụ nâng khống tàu 100 triệu thành 130 tỷ: Ba án tử, bốn án chung thân


Ngày 26-9, sau nhiều ngày nghị án TAND TP.HCM đã tuyên án vụ sai phạm thứ 3 xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam) của bị cáo Vũ Quốc Hảo (nguyên tổng giám đốc ALCII) cùng đồng phạm.

Các bị cáo bị hầu toà về tội tham ô tài sản (theo khoản 4, điều 278, BLHS) do cấu kết nâng khống thiết bị tàu lặn lên gấp 1.300 lần để chiếm đoạt tài sản của ALCII.

Theo đó, toà đã tuyên phạt tử hình ba bị cáo gồm: Hảo (nguyên Tổng giám đốc ALC II); Hoàng Lộc (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định ,thẩm định Việt Nam); Phạm Minh Tuấn (nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cát Long Hải). Trong đó, Hảo có vai trò chủ mưu và hai bị cáo còn lại là giúp sức đắc lực. Dù các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng do hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng gây mất lòng tin của người dân nên phải xử phạt mức cao nhất. 

Bốn bị cáo Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó tổng giám đốc ALC II); Lê Phúc Đức (nguyên Trưởng phòng Giám định kỹ thuật Công ty cổ phần Giám định thẩm định Việt Nam); Vũ Đức Hòa (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Cát Long Hải); Lê Thị Minh Huệ (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Cát Long Hải) cùng mức án chung thân.

Các bị cáo còn lại xét có vai trò hạn chế hơn nhưng xem xét các bị cáo từng có cống hiến trong quá trình làm việc nên xử phạt tù có thời hạn từ 15 đến 20 năm tù.

Về phần dân sự, các bị cáo bị đề nghị mức án chung thân, tử hình có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho công ty ALCII là hơn 130 tỷ... Đồng thời HĐXX cũng kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ việc bắt giữ thanh lý tàu lặn tại Hải Phòng của các cá nhân.

HĐXX nhận định lời khai các bị cáo ngay từ đầu phù hợp với các nguồn chứng cứ. Việc các bị cáo thay đổi lời khai là do không thống nhất với tội danh bị truy tố là tham ô chứ không phải là không có hành vi phạm tội.... Như vậy việc phủ nhận lời khai trước đó của các bị cáo là không có cơ sở. Việc truy tố của cáo trạng là có căn cứ để chấp nhận, phù hợp với sự thật khách quan của vụ án.

HĐXX bác lời bào chữa của các luật sư cho là các bị cáo không biết gì, không chiếm đoạt vì không chính xác... Việc biến một tàu lặn chỉ giá trị 100 triệu thành 130 tỷ chỉ có phạm tội mới thu lợi bất chính cả ngàn lần vậy. Toà cũng nhấn mạnh đây là vụ án có tổ chức có dự mưu trước, phân công và từng bị cáo là các mắc xích chặt chẽ để hoàn thành việc phạm tội.

Trong quá trình điều hành công ty ALC II với mục đích rút tiền của Nhà nước thông qua việc ký và thực hiện các hợp đồng cho thuê tài chính, Hảo đã chủ động bàn bạc với một số đối tượng thành lập Công ty cổ phần Cát Long Hải.

Qua mối quan hệ làm ăn, Hảo quen với ông Kochi (người Nhật Bản) có tàu lặn Tinro 2, sản xuất năm 1975 đang khai thác tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đây, Hảo nảy sinh ý định sử dụng tàu này làm tài sản bảo đảm để ký hợp đồng thuê tài chính với ALCII. Thực hiện ý định trên, Hảo đề nghị ông Kochi đưa tàu lặn làm tài sản góp vốn vào công ty Cát Long Hải.

Do tàu Tinro 2 không có hồ sơ pháp lý, Hảo nghĩ cách hợp thức hóa con tàu bằng cách chi tiền đem tàu này ra tận địa phận Hải Phòng tạo tình huống bị bắt giữ. Rồi Tuấn làm thủ tục xin mua lại tàu với giá 100 triệu đồng. Sau đó, Hảo móc nối với giám định viên định giá tàu Tinro lên tới 130 tỉ đồng ký hợp đồng cho thuê tài chính rồi giải ngân....

Hoàng Yến