Về người có tên Kontum
Ngụy Như Kontum
Có thể thế hệ của Tư tôi và thế hệ của con cháu Kontum sau nầy ít người hoặc không có ai biết có một người có "rốn" và "nhau" được "chôn" tại Kontum và được bố mẹ lấy địa danh Kontum đặt tên cho con mình!! Đó là Ông NGỤY NHƯ KONTUM! NGỤY là họ NGỤY NHƯ là chữ lót và tên là KONTUM.
Ông sinh ngày 13 tháng 5 năm 1913 (năm sinh của phụ thân Tư tôi và của rất nhiều bậc tiền bối, xa xưa của nhiều đồng hương Kontum bây giờ) và mất vào ngày 28 tháng 3 năm 1991 tại Hanoi. Sinh quán ở Kontum nhưng gốc gác (chánh quán) lại là Xã Minh Hương, Huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế.Ông là con của Ông bà Ngụy Như Bích, Một công chức trung cấp ngành bưu điện (mà dân Kontum mình thường gọi là "Chủ Dây Thép" như Ông (Bà) Chủ dây thép (Võ Gia) Du (Tiệm Hương Bình Kontum).
Là một công chức nên gia đình Ông Bà Ngụy Như Bich thường được thuyên chuyển đến nhiều nơi,nhiều địa phương. Đến một địa phương, một tỉnh nào khi sinh con Ông Bà thường lấy địa danh nơi đó đặt tên cho con mình. Do đó lúc làm việc tại Nhà "dây thép" tại Kontum, khi sinh người con trai Ông Bà đã lấy địa danh Kontum đặt tên cho con.Cái tên NGỤY NHƯ KONTUM đã được khai sinh ở đây. Ngoài Ngụy Như Kontum ông bà cũng có một người con gái được đặt tên Ngụy Như Ban-Mê-Thuột khi Ông Bà được "cơ cấu" làm việc tại đây.
Năm 11 tuổi Ông Ngụy Như Kontum theo gia đình về lại Huế. Ông học tiểu học ở Huế. Xong bậc tiêu học và cấp Thành chung (cấp 2 bây giờ) tại Trường Quốc Học Huế, ông được bố mẹ cho ra Hà Nội học Trung Học cấp 3 tại Trường Bưởi (Trường Chu Văn An Hanoi).
Là một người thông minh,học giỏi năm 1932 Ngụy Như Kontum tốt nghiệp loại xuất sắc 3 bằng Tú tài: Tú Tài bản xứ, Tú Tài Pháp ban toán và Tú Tài Pháp ban Triết học.
Ông được cấp học bổng du học tại Pháp và là người Việt Nam đầu tiên đậu Cử Nhân Vật Lý và Cao Học (master degree, bây giờ gọi là Thạc Sĩ) Lý-Hóa tại Đại Học Sorbonne, một Đại Học nỗi tiếng của Pháp và được nhận vào làm thực tập (gọi là nghiên cứu sinh) tại phòng thí nghiệm của nhà bác học Vât lý học nguyên tử nỗi danh của Pháp GS Frederic-Joliot-Curie để chuẩn bị trình luận án Tiến Sĩ Khoa Học (Docteur es Science).
Tuy nhiên, sau một năm thục tập tại đây thì Thế Chiến Thứ 2 bùng nổ, Phòng Thí nghiệm Vât Lý nguyên tử của GS Frederic Joliot-Curie bị đặt dưới sư quản trị của Bộ Quốc Phòng Pháp. Vì không chịu vào quốc tịch Pháp để được tiếp tục làm việc tại phòng thí nghiệm, Ông Ngụy Như Kontum theo lời khuyên của người thầy không có đầu óc thực dân, ông đã trở về VN năm 1939 ước mong đem sở học và hiểu biết của mình để phục vụ đất nước, dân tộc.
Đầu tiên khi về nước ông dạy vật lý tại Trường Trung Học Chasseloup Laubat (Trương THPT Lê Quý Đôn bây giờ) Saigon rồi sau ra Hanoi dạy tại Trường Bưởi (Chu văn An).
Năm 1942 Ông cùng với các giáo sư Nguyễn Xiễn,Hoàng Xuân Hản, Nguyễn Thúc Hào sáng lập tờ báo Khoa Học do giáo sư Nguyễn Xiễn làm chủ bút.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ông tích cực tham gia trong lãnh vực giáo dục, sống ở chiến khu Việt Bắc.
Lần lượt ông nắm giữ các chức vụ: Tổng Giám đốc Trung Học Vụ kiêm Đổng Lý Bộ Giáo Dục (cuối năm 1946 đến 1950). Năm 1951 ông chuyển qua làm Giám Đốc Trường Sư Phạm Cao Cấp ở khu Học Xá Trung Ương lúc bấy giờ tạm đặt tại Nam Ninh, Trung Quốc.
Năm 1954,sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước, ông trở về Hanoi, dù chưa phải là đảng viên Đảng Cộng Sản, Ông vẫn được giao phó xây dưng ngành Đại Học và giảng dạy môn vật lý tại Trường Sư Phạm Khoa Học. Hai năm sau Trường Đại Học Tổng Hợp Hanoi được thành lập giáo sư NGỤY NHƯ KONTUM được đề cử làm Viện Trưởng và giữ chức vụ nầy cho đến ngày về hưu năm 1988.
Sau khi về hưu giáo sư Ngụy Như Kontum vẫn tiếp tục công việc giảng dạy và tham gia Hội Đồng Khoa Học của Trường Đại Học Tổng Hợp Hanoi và các hoại động khác trong lãnh vực chuyên môn của mình như thành lập và làm Chủ Tịch Hội Vật Lý Việt Nam cùng với giáo sư Nguyễn Xiễn và đóng góp phần Vật Lý trong cuốn Bách Khoa Tự Điển Việt Nam. Đồng thời cũng là tác giả nhiều công trình nghiên cứu khoa học giá trị và soạn giả sách giáo khoa vật lý cho cấp Trung Học và Đại học.
Ông được xem như là một nhà khoa học, một nhà giáo dục tận tụy trong lãnh vực của mình. Sống liêm khiết, khiêm tốn. Ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, trong đó co người đã trở thành nhà giáo, nhà khoa học tài năng...
Nhận xét đó được biết qua những lần viếng thăm của nhữnh học trò thành danh đã ghi lại như sau:
"Thầy TUM (tiếng gọi thân mật thay vì nguyên chữ KONTUM) là một trí thức (hiểu theo nghĩa có học thật sự,có kiến thức thật sự, có tấm lòng thật sự-chú thich của Tư tôi) là người Việt Nam đầu tiên chọn ngành vật lý để theo đuổi suốt cuộc đời của mình, đã từng là người học trò yêu quý của nhà bác học Frederic Joliot -Curie nỗi tiếng của Pháp.
Năm 1990, thầy TUM đã 77 tuổi mà tinh thần vẫn còn minh mẫn. Vẫn nụ cươi hiền từ độ lượng, vẫn cách nói chuyện chậm rãi từ tốn. Khi nói chuyện với các học trò của mình đôi mắt Thầy luôn ánh lên niềm tin yêu thể hiện cái TÂM thật sáng của Thầy.
Có một lần mấy giáo sư đến thăm thầy cũ của mình đã lộ ý là không hiêu vì sao Thầy vẫn chưa được phong là "Nhà Giáo Nhân Dân "(!) trong khi các học trò của Thầy đã được lãnh danh hiệu đó rồi! Thầy cười đôn hậu, thoãi mái và từ tốn nói: "Chỉ sợ người ta phong cho mình những danh hiệu mà mình không có thì thật đáng băn khoăn. Còn người ta đánh giá mình còn thấp thì có sao đâu! Lương tâm mình chẳng có gì phải áy náy"!
Có lần Thầy đã nói với học trò của mình rằng: "Cái quan trọng nhất của người làm khoa học là đức tính trung thực. Cái gì biết thì bảo là biết, cái gì không biết thì bảo là không, như thế mới la biết". Rồi Thầy nhắc một câu châm ngôn Pháp: " Nhà bác học, đó là người biết rõ cái mình không biết (Le savant c'est celui qui sait ce qu'il ne sait pas, the scientist is the person who knows what he does'nt know).
ĐỪNG CHỌN CHỐN QUAN TRƯỜNG
Nhân một lần đến thăm thầy TUM, tôi tò mò hỏi Thầy: "Trong khoa thi Tú Tài Đông Dương Thầy đổ đầu cả 3 bằng Tú Tài: Tú tài bản xứ, Tú Tài Pháp Ban toán và Tú tài Pháp ban Triết học. Nếu theo cách nghĩ thông thường thì trước mắt "cậu Tú Tam Nguyên" không thiếu gì con đường danh vọng để cậu Tú kén chọn. Không hiểu sao cậu tú 20 tuổi lại chọn con đường sư phạm và chọn ngành vật lý?
Thầy lại cười, nụ cười đôn hậu, ánh mắt thông minh lại rộn lên niềm vui: "Cha tôi là một công chức bậc trung, có ý thức duy trì nề nếp gia phong, Ông thường khuyên con cái nên chọn một trong hai nghề: thầy giáo hoặc thầy thuốc, đừng bao giờ chọn nghề quan trường (ra làm quan cai trị).
Riêng tôi, thấy nghề thầy thuốc mà lúc bấy giờ gọi là "quan đốc tờ", nhiều người hàng nghề không phải là vì nhân đạo mà vì muốn làm giàu. Hơn nũa tôi còn chịu ảnh hưởng của thầy Đặng Thái Mai (bố vợ của Tướng Võ Nguyên Giáp-chú thích của Tư Chơi). Hồi đó thầy vừa tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm về tập sự ở Trường Quốc Học Huế, dạy tôi môn Văn Học Việt Nam ở năm thứ tư bậc Thành Chung (Đệ Tứ,cấp 2 -chú thích của Tư Chơi), Tôi vốn là học sinh khá về các môn khoa học tự nhiên, còn kém về môn văn chương thì được thầy Mai dạy, tôi rất yêu nền văn học nước nhà, từ đó tôi học khá đề các môn. Thế mới biết vai trò của người thầy quan trọng đến nhường nào. Tấm gương của thầy Mai khiến tôi dứt khoát chọn ngành sư phạm.
Còn vf sao chọn ngành vật lý ư? Hồi tôi học năm cuối Trường Bưởi (Chu Văn An Hanoi bây giờ) để chuẩn bị thi Tú Tài phần 2 (Tú tài toàn-chú thích của Tư Chơi) có một thầy giáo người Pháp trẻ tuổi dạy rất nhiệt tình tên thầy là Noel Olier. Tôi hứng thú học môn thầy dạy và thấy tôi học khá thầy khuyên tôi làm đơn xin học bổng du học Pháp. Sau đó tôi được đọc một số sách viết rất hay về vật lý nguyên tử của giáo sư Jean Perin (Giải thưởng Nobel 1926). Từ đó tôi quyết định chọn ngành Vật lý.
Sau khi đậu Thạc Sĩ (Cao Học) vật lý tôi được may mắn được nhà bác học Pháp Joliot Curie giúp tôi xin học bổng ở lai làm nghiên cứu sinh (thực tập) tại phòng thí nghiệm của ông. Rất tiếc là được một năm thì Thế Chiến thứ 2 bùng nổ. Phòng thí nghiLoliot Curieệm này bị Bộ Quốc Phòng Pháp trưng dụng. Giáo sư Joliot Curie nói với tôi: " Nếu anh muốn tiếp tục ở lại thì có 2 điều kiện: Anh phải xin vào quốc tịch Pháp và làm đơn xin Bộ Quốc Phòng Pháp tuyển dụng. Tôi có thể giúp anh làm điều đó. Nhưng tôi nghĩ đất nước anh cần anh hơn là nước Pháp."
Tôi nghe theo lời khuyên chân thành đó của giáo sư Joliot Curie đáng kính, đành từ bỏ ý định nghiên cứu sâu về ngành vật lý nguyên tử, từ giả người thầy giàu trí tuệ và tốt bụng và về nước vào cuối năm 1939. Có một điều an ủi là khi tôi trở về dạy vật lý ở Trường Bưởi thì tôi rất đươc các học sinh yêu mến hơn các bạn đồng sự người Pháp.
TÌNH NGHĨA THẦY TRÒ THẬT VÔ BIÊN
Một buổi sáng mùa thu năm 1990 là lần cuối cùng tôi đến thăm thầy (KON)TUM tại nhà, trong căn phòng đơn sơ thanh bạch. Khỏi phải nói nhiều cuộc sống của một người trí thức sống liêm khiết, lúc về hưu vào thời đó. Song bên cạnh cuộc sống nghèo nàn về vật chất, thầy TUM có cuộc sống tinh thần phong phú, luôn lạc quan và thanh thản.
Thầy TUM nói tiếp: "Có một điều tôi áy náy mãi là lần đi dự Hội Nghị Hòa Bình Thế Giới năm 1958 tại Stockhom, tôi đinh ninh sẽ gặp lai người thầy quý mến của tôi là giáo sư Joliot Curie. Hồi đó ông đang là Chủ Tich Hội Đồng Hòa Bình Thế Giới .Không ngờ ông bị bệnh không đi được .Tôi viết thư thăm sức khỏe của ông. Sau đó tôi nhận được bức điện ông trả lời. Ông viết: "Rất vui khi thấy anh bây giờ phục vụ tốt cho đất nước mình, cho sự nghiệp khoa học và đào tạo cán bộ rất cần cho đất nước của anh. Mừng anh"
Năm 1970 tôi có dịp sang Pháp gặp người con gái của nhà bác học là giáo sư Elene Valencia Joliot-Curie. Bà cho biết: "Khi bị bệnh, biết không qua khỏi, ba tôi gọi tôi vào bảo khi nào gặp được ông nói ba tôi có lời thăm hỏi và gửi lời chào từ biệt của ba tôi"
Dừng một phút trầm ngâm suy gẫm Thầy TUM nói tiếp như lời tâm sự: "Đã hơn nữa thế kỷ trôi qua mà tôi vẫn nhớ những ngày làm việc hứng thú trong phòng thí nghiệm của nhà bác học Frederic Joliot-Curie. Khó mà tìm được một người Thầy tài năng, tâm huyết và trách nhiệm như vậy"
Thì ra tình nghĩa thầy tró không có giới hạn và ranh giới quốc gia !!"
(Ngưng trích)
Vâng, quả thật là hiếm trong xã hội bây giờ !
NGỤY NHƯ KONTUM là một trí thức, một nhà mô phạm,một nhà chuyên môn về ngành vật lý, một người đóng góp rất nhiều cho ngành đại học đầu tiên, đào tạo nhiêu cán bộ chuyên môn cho đất nước. Ông đã trở thành người có công và là người của quần chúng, ít nhất là trong lãnh vực giáo dục của ông vì vậy tên ông đã được đặt cho những con đường tại Hanoi, Hue và Kontum bên cạnh những anh hùng liệt sĩ khác như Huỳnh văn Bánh, Trần văn Bơ, Lê thị Riêng, Lê văn Tám, Võ thị Sáu, Kim Đồng...
Tuy nhiên theo Tư tôi nghĩ ,nhờ ảnh hưởng của người thầy trong chuyên môn,lời khuyên của thân phụ là "ông chủ dây thép Ngụy Như Bích Ông đã "xa lánh"chốn quan trường" hay chính trị, không có nhũng suy nghĩ ngoài luồng như các trí thức xuất chúng cùng thời: triết gia Trần Đức Thảo (đồng môn của triết gia Pháp Jean Paul-Sartre người sáng lập triết thuyết Hiện Sinh (Existentialisme, Existentialism) và LS Nguyễn Mạnh Tường (một thời là thủ lãnh luật-sư-đoàn Paris) cho nên không bị "dứt phép thông công" để phải kết thúc cuộc đời trong sự khốn khổ, chua cay.
Ông đã tránh được cảnh "Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần"(Kiều-Nguyễn Du) như những trí thức khác.
Tư Chơi Cầu Ba Cẳng
Nguồn: donghuongkontum.com
_______________
Mang tiếng Thủ đô Văn hiến mà sửa tên người đương thời có gốc tích rõ ràng, ngước nhìn cái dzề hỡ bọn đầu đất! (Thợ cạo)