LâmTrực@
Dưới góc nhìn tổng quan, chất lượng dịch vụ y tế phản ánh sự quan tâm của nhà nước đối với người dân và là tiêu chí đánh giá mức độ văn minh của xã hội.
Năm qua là một năm khá đặc biệt của ngành y với những sự kiện động trời, tất tật đều liên quan máu mủ tới y đức, y thuật và trách nhiệm ngành y.
Sự kiện lùm xùm của ngành Y tế thời gian vừa qua làm cho người dân mất niềm tin vào y đức của bác sĩ, và sâu xa hơn, nó đặt ra nhiều câu hỏi cho những người có trách nhiệm của ngành Y tế.
Cần nhắc lại vài vụ tiêu biểu gần đây. Đó là vụ 3 trẻ em bị chết sau khi tiêm vắc xin; vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở Hoài Đức và TP HCM; vụ TMV Cát Tường; vụ dịch sởi; vụ "phong bì và y đức"; vụ nhập thiết bị y tế rởm; vụ "Tiến sĩ Y khoa 200 triệu", và gần đây nhất là vụ cháu bé 10 tuổi tử vong ở Quốc Oai.
Tất tần tật, những vụ việc trên đều liên quan đến y đức, y thuật và trách nhiệm của những người lãnh đạo, của đội ngũ y bác sĩ. Tất nhiên, không thể nói nó không liên quan gì đến đồng tiền.
Qua những sự việc trên, niềm tin của người dân đối với ngành y tế đang dần vơi cạn.
Công bằng mà nói, trong ngành Y không phải ai cũng xấu, vẫn còn rất nhiều những bác sĩ có tâm, những người lãnh đạo, quản lý giỏi. Nhưng những gì diễn ra ngoài thực tế làm cho người dân sợ hãi.
Đau lòng và hoang mang cực độ, người dân hỏi:
- Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế ở đâu khi để xảy ra tình trạng này?
- Tổ chức đảng của Bộ Y tế, của các Sở Y tế và của các bệnh viện ấy có còn sức mạnh không. Các tổ chức đảng đã thấy gì và làm gì khi tính mạng người dân bị đối xử như cỏ rác vậy?
- Tổ chức Công đoàn, Mặt trận, Hội Phụ nữ... của ngành y tế đã làm gì để đến nỗi tính mạng không chỉ của bệnh nhân, mà còn của cả y bác sĩ có tâm bị đe dọa đến mức không ai dám phát biểu về những tiêu cực trong nhiều năm?
- Cơ quan Thanh tra của Bộ y tế đã làm được những gì, trách nhiệm của họ ở đâu khi không bao giờ, và chưa bao giờ phát hiện ra các sai phạm của các bệnh viện, các y bác sĩ? Và họ đã làm tròn bổn phận của mình chưa khi luôn luôn đi sau báo chí?
- Người ta đã giáo dục cho đội ngũ y bác sĩ của mình ra sao, để đến nỗi vì đồng tiền, hoặc vì thiếu tránh nhiệm mà coi thường tính mạng người dân, để đến nỗi "y đức" thành "hoài đức"?
Một trong những sự kiện táng tận lương tâm đình đám nhất năm qua liên quan trực tiếp đến ngành y là vụ bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai, giám đốc Thẩm mỹ viện Cát tường đã che dấu kết quả tác nghiệp của mình bằng cách phi tang xác nạn nhân xuống sông Hồng (?). Nó, chính vụ việc dã man ấy là làm chấn động dư luận trong và ngoài nước, và người dân đã phải tự hỏi: Bác sĩ hay quỷ sứ?
Liệu rằng chúng ta có yên tâm cho con em mình đến khám và chữa bệnh tại bệnh viện Hoài Đức hay Quốc Oai không? Liệu chúng ta có tin được vào chuyên môn của những người chỉ cần 200 triệu đồng là lấy được bằng tiến sĩ y khoa?
Sẽ là không ổn nếu như có thầy giáo của Đại học Y Hà nội tên Nguyễn Hiền Lương, giảng viên Y Đức phát biểu: "cho nhận phong bì là cách điều chỉnh hành vi ít xấu nhất, nói cách khác, vấn nạn đang ở bậc cao thì phải hạ xuống từ từ. Và nếu hiểu như vậy, có thể thấy Bộ trưởng Tiến rất hướng thiện". Cách nói như thế là bao biện và dung túng cho cái xấu.
Đã đến lúc ngành y cần phải trả lời cho công luận rõ những câu hỏi nêu trên.