Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân nhận 36 tháng tù, còn ông Bùi Văn Thành lĩnh 30 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
TAND Hà Nội tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ 15 năm tù, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành lần lượt lĩnh 36 và 30 tháng tù giam.
Chiều 30/1, TAND Hà Nội đưa ra phán quyết đối với Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) và 4 bị cáo xảy ra tại ngành công an, trong đó có cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân.
Theo đó, HĐXX tuyên bị cáo Phan Văn Anh Vũ 15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trước đó, Vũ đã bị tòa tuyên 25 năm tù do liên quan 2 vụ án khác.
Do giúp sức tích cực cho Vũ, cựu Cục trưởng B61 Nguyễn Hữu Bách lĩnh 5 năm tù. Với mức án 6 năm tù liên quan đến một vụ án khác, bị cáo này phải lĩnh hình phạt chung 11 năm tù.
Cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Phan Hữu Tuấn lĩnh 5 năm tù. Với 7 năm tù liên quan đến vụ án khác, bị cáo này tổng lĩnh 12 năm tù.
Cựu thứ trưởng công an Trần Việt Tân nhận mức 36 tháng tù, còn ông Bùi Văn Thành lĩnh 30 tháng tù tính từ ngày bắt thi hành án cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
VKSND Tối cao truy tố 2 cựu thứ trưởng công an là có căn cứ
Căn cứ kết quả xét hỏi công khai, TAND Hà Nội xác định Phan Văn Anh Vũ được tuyển dụng làm nhân viên tình báo của Tổng cục V, Bộ Công an từ năm 2009. Để tạo điều kiện cho Vũ thực hiện nhiệm vụ, Tổng cục V, Bộ Công an đã sử dụng 2 công ty do Vũ là Chủ tịch HĐQT gồm Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79. Mọi hoạt động công ty đều do Vũ quyết định, Tổng cục V không đầu tư hay góp vốn.
Lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo, Vũ đã đề nghị các bộ, ngành và chính quyền địa phương cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của 7 dự án nhà, đất công sản, dự án bất động sản ở vị trí đắc địa tại hai thành phố lớn là TP Đà Nẵng và TP.HCM với tổng diện tích 6.700 m2 nhà và gần 27.000 m2 đất không qua đấu giá trái quy định.
Sau đó, việc Vũ không sử dụng bất động sản vào mục đích nghiệp vụ mà chuyển nhượng hoặc liên doanh, liên kết đầu tư kinh doanh nhằm thu lợi bất chính, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm uy tín của lực lượng công an nhân dân. Vũ giữ vai trò chủ mưu. Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách đã trực tiếp tham mưu hoặc trình lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành các văn bản gửi tới các bộ, ngành, UBND TP Đà Nẵng và UBND TP.HCM tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 trong các hoạt động thuê đất, chuyển quyền sử dụng 6 lô đất. Do đó, hai bị cáo phải chịu trách nhiệm về vai trò đồng phạm.
Đối với ông Bùi Văn Thành, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2018, là Thứ trưởng Bộ Công an được giao nhiệm vụ phụ trách Tổng cục Hậu cần - đơn vị có trách nhiệm trực tiếp quản lý các nhà đất công sản Bộ Công an. Tuy không phụ trách Tổng cục Tình báo nhưng tháng 5/2015, trên cơ sở tờ trình của Phan Văn Anh Vũ và báo cáo đề xuất của Phan Hữu Tuấn, Bùi Văn Thành đã ký tờ trình đề nghị Thủ tướng cho bán chỉ định cơ sở nhà đất tại số 129 Pasteur (TP.HCM) cho Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 để phục vụ hoạt động nghiệp vụ.
Năm 2015, ông Bùi Văn Thành ký công văn đề nghị cơ quan chức năng TP.HCM trình Hội đồng thẩm định giá nhà đất TP và UBND TP phê duyệt giá bán bất động sản số 129 Pasteur là 301 tỷ đồng không đúngchức năng, thẩm quyền. Sau đó, Tổng cục Hậu cần Bộ Công an có văn bản báo cáo Bùi Văn Thành về việc công ty thẩm định giá ban hành dự thảo chứng thư thẩm định giá xác định giá trị nhà đất tại số 129 Pasteur chỉ còn 294 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Thành không chỉ đạo làm rõ lý do giảm giá này. Ngoài ra, cựu thứ trưởng Bùi Văn Thành còn không chỉ đạo Tổng cục Hậu cần có văn bản thông báo để Tổng cục Tình báo quản lý, theo dõi cơ sở nhà đất, phục vụ mục đích an ninh. Khi Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng nhà, đất này cho tư nhân bên ngoài, ông Thành đã không báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn, gây thiệt hại đặc biệt lớn.
Còn ông Trần Việt Tân, trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2016 giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo sau đó là thứ trưởng trực tiếp phụ trách Tổng cục Tình báo. Sau khi được các cán bộ dưới quyền tham mưu, đề xuất, Trần Việt Tân đã ký 7 văn bản gửi các cơ quan, tổ chức đề nghị cho các công ty bình phong do Phan Văn Anh Vũ được thuê các nhà đất phục vụ công tác nghiệp vụ ngành công an, gồm nhà, đất tại số 16 Bạch Đằng (Đà Nẵng), nhà đất tại số 15 Thi Sách và nhà đất tại số 8 Nguyễn Trung Trực (TP.HCM).
Ông Tân thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, chỉ đạo đối với Tổng cục Tình báo, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ dẫn đến việc không kịp thời phát hiện và ngăn chặn được các hành vi vi phạm của Phan Văn Anh Vũ. Từ đó để Phan Văn Anh Vũ lợi dụng danh nghĩa công ty bình phong và các văn bản của ngành công an để được thuê các nhà, đất công sản theo hình thức chỉ định không qua đấu giá, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Ngân sách Nhà nước, số tiền 155 tỷ đồng.
TAND xác định việc VKSND Tối cao truy tố 2 bị cáo là có căn cứ.
Hai cựu thứ trưởng công an tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: P.D.
Hành vi của Vũ là đặc biệt nguy hiểm
Các bị can trong vụ án hầu hết là những người có chức vụ cao, quan trọng trong ngành công an nhưng đã không giữ được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh và truyền thống tốt đẹp của ngành mà còn lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao giúp sức tích cực cho Phan Văn Anh Vũ hoặc thiếu trách nhiệm để bị cáo này lợi dụng tổ chức bình phong làm công cụ để thâu tóm các dự án nhà, đất công sản có vị trí đắc địa ở Đà Nẵng và TP.HCM, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước. Hành vi phạm tội của các bị can gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân, cần được xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp bình phong, với sự giúp đỡ của Nguyễn Hữu Bách, Phan Hữu Tuấn thông qua các văn bản nghiệp vụ để được thuê, nhận chuyển nhượng các bất động sản không phải qua đấu giá, trái quy định của Nhà nước. Bị cáo giữ vai trò chính, phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Hành vi của Vũ là đặc biệt nguy hiểm. Dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng vẫn cần áp dụng hình phạt cao nhất đối với bị cáo để răn đe. Hai bị cáo Phan Hữu Bách và Nguyễn Hữu Tuấn không có tình tiết giảm nhẹ nên xử phạt dưới mức khởi điểm.
Hai cựu thứ trưởng Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành khẩn khai nhận hành vi, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nên được xử dưới mức khởi điểm để đảm bảo răn đe, phòng ngừa chung. Bị cáo Tân phải nhận mức án cao hơn bị cáo Thành.
Kiến nghị làm rõ việc cấp đất của cơ quan chức năng ở TP.HCM, Đà Nẵng
Tòa sơ thẩm cũng tuyên tịch thu 7 bất động sản xung quỹ Nhà nước gồm: Nhà đất tại số 8 Nguyễn Trung Trực, 129 Pasteur và số 8 Nguyễn Trung Trực (TP.HCM), lô đất 319 Lê Duẩn, 16 Bạch Đằng, công viên An Đồn cũ và dự án vệt du lịch ven biển ở Đà Nẵng. Tiếp tục kê biên các bất động sản trên để đảm bảo thi hành án.
Đối với các dự án cho thuê, việc tịch thu sẽ ảnh hưởng đến người tham gia giao dịch. Tòa dành quyền khởi kiện cho người liên quan trong vụ án dân sự khác.
Tòa xác định việc chuyển nhượng đất được thực hiện bằng các quy định trái pháp luật của các quan chức địa phương đã bị khởi tố nên cần tịch thu các bất động sản (trừ 319 Lê Duẩn, TP Đà Nẵng). Riêng dự án 15 Thi Sách, sau khi nhận đất, công ty của Vũ Nhôm hợp tác đầu tư. Phía đối tác là công ty TNHH Madison cho biết đầu tư, chuyển giao hơn 400 tỷ đồng, sau đó công ty bao tiêu sản phẩm đã thu 1.000 tỷ đồng tiền đặt cọc của 114 khách. Khi tịch thu bất động sản này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hợp tác và nhiều khách hàng đã đặt cọc mua bán, thuê căn hộ văn phòng.
Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia giao dịch dân sự, đảm bảo trật tự xã hội và không thể ra khiếu kiện của người dân đối với TP, HĐXX giao TP.HCM tiếp tục triển khai dự án. Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị làm rõ việc cấp đất của cơ quan chức năng ở TP.HCM, Đà Nẵng. Nếu có vi phạm cần xử lý nghiêm.