Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

4 CSGT KHÔNG THỪA NHẬN SĂM SOI VÍ TIỀN NGƯỜI DÂN

Clip dài gần 20 phút quay lại toàn cảnh CSGT "xem ví tiền" người vi phạm giao thông. Tuy nhiên, trong bản tường trình gửi lãnh đạo PC67, các cảnh sát này không thừa nhận hành vi.

Ngay sau khi đoạn clip "CSGT Hàng Xanh thản nhiên vạch ví người đi đường" được phát tán trên mạng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, thượng tá Trần Thanh Trà đã yêu cầu tổ công tác làm bản tường trình báo cáo lãnh đạo phòng.

Tổ công tác này gồm 4 thành viên, là thượng úy Trần Lê Công Thành (tổ trưởng), trung úy Nguyễn Thanh An, thiếu úy Nguyễn Chí Nam, thiếu úy Đinh Thanh Phúc.

Các CSGT trình bày sáng 4/3, tổ tiến hành tuần tra kiểm soát, xử lý phương tiện vi phạm trên các tuyến quốc lộ 13, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng từ 6h30 - 10h sáng. Vào lúc 6h20, khi đến ngã rẽ từ đường số 17 ra đường Phạm Văn Đồng, tổ đã lập chốt chặn xe vi phạm xử lý cho đến 8h.

Cùng lúc đó, trung tá Trần Văn Thương (Trưởng đội CSGT Hàng Xanh) đang đi kiểm tra trên đường phát hiện tổ công tác xử lý cùng lúc nhiều xe nên đã mời về đơn vị làm việc.

Hành vi của các CSGT (Ảnh cắt từ clip).

Tại đây, 4 CSGT thừa nhận trong quá trình xử lý xe vi phạm đã không chào người vi phạm, đeo bảng tên không đúng quy định, dừng xe kiểm soát xử lý cùng một lúc từ 3 phương tiện trở lên, không lập biên bản khi phát hiện hành vi vi phạm giao thông, dừng tại một điểm quá 15 phút kiểm soát xử lý phương tiện giao thông...

Tuy nhiên, các cảnh sát này không thừa nhận hành vi săm soi ví của người vi phạm như trong clip phản ánh.

Để xác minh rõ sự việc, lãnh đạo PC67 đã có công văn gửi cơ quan báo chí xin clip cảnh “CSGT Hàng Xanh thản nhiên vạch ví người đi đường” để có cơ sở tiến hành điều tra.

"Trong thời gian tiến hành xác minh, cơ quan này tạm đình chỉ công tác đối với 4 CSGT nói trên. Sau khi có kết quả cuối cùng, phòng PC67 sẽ có báo cáo gửi Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an TP.HCM xem xét chỉ đạo xử lý", ông Trà khẳng định.

Khánh Trung

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Tản mạn: GHÉT QUAN

Cuteo@


Hôm qua anh lên phố, lượn một vòng thăm bạn, rồi ghé quán trà đá vỉa hè tận hưởng cái suồng sã của người dân, thấy đâu đâu cũng bàn chuyện biệt thự khủng của ông quan to. Hóa ra vỉa hè cũng như báo chí đang hòa đồng cùng nhịp tổng tấn công một ông quan TTCP đã về hưu giàu có. 

Nôn nóng và bất bình là không khí chung.

Nói ngay và luôn, làm quan mà giàu có vì hành vi bất chính thì dứt khoát phải trừng trị. Ở đây, người dân có cái lý của họ khi nhìn vào bảng lương của ông quan lớn. Trong entry này, anh muốn nói tới khía cạnh khác, đó là cái sự giàu có của quan chức trong con mắt đố kị của thiên hạ.

Thông điệp chung rất trái khoáy: Quan chức không được giàu có và ở nhà to! Thế mới chết.

Cái trái khoáy là ở chỗ, làm quan mà giàu thì bị nện hội đồng cho nhừ tử, nhưng các đại gia thì lại không phải mục tiêu tấn công. Với các đại gia, họ thán phục và ngợi ca đến tót vời. Vì thế đại gia hay người đẹp có thể sở hữu một đống nhà, lái xe xịn đồng phục kê pi sáng loáng, cùng vô khối kẻ hầu người hạ phục dịch đến tận răng hàm lợi. Nhưng quan chức nhà nước thì dứt khoát không được. Tại sao lại như thế? Do ghen ăn tức ở chăng? Không hoàn toàn như thế, bởi vô khối người giàu có mà vẫn được ngợi ca và báo chí đâu có tốn giấy tốn mực? Có lẽ tất cả là do tâm lý ghét quan. 

Khi cố lý giải tại sao quan to mà giàu có bị đánh tơi tả, ông Nguyễn Quảng để lại một comment trên trang BBC tiếng Việt như thế này:
Tâm lí ghét quan có lẽ đã có cả ngàn năm, bất kì anh quan nào cũng bị mặc định ăn bẩn, khoác lác, khệnh cỡm, và thiếu thông minh.Hãy xem chuyện Trạng Quỳnh chơi xỏ quan bằng những đòn hiểm kiểu dân gian, anh ba Giai hay Tú Xuất trong Nam kỳ cũng có những kiểu tương tự, mục tiêu của họ là thỏa mãn sự đố kị với người giàu hơn. Với họ, giàu mặc định là xấu xa.
Nói như thế, hễ ai làm quan đều bị ghét. Nếu vậy thì quả là đáng lo, đáng sợ.

Cái mâu thuẫn đáng sợ là ở chỗ, dân ta mong muốn có lãnh tụ tài ba kiệt xuất để dẫn dắt dân tộc đi về phía ánh sáng, nhưng họ lại không muốn những người dẫn dắt đó giàu có. Đây là tâm lý rất nguy hiểm, phản khoa học. Bởi làm quan chức thì phải giỏi, mà giỏi thì đương nhiên họ xứng đáng giàu có hơn người khác. 

Sẽ rất vô lý khi một anh mang cái tài của mình vào thương trường để kiếm lời cho bản thân thì được tung hô, nhưng một anh khác mang cái tài chính trị, quân sự của mình cống hiến cho dân tộc thì lại không được phép giàu, ở nhà to. Xét cái vụ anh Lê Ân, anh Nguyễn Hà Đông (Flappy bird) trong so sánh với các vụ nhà to quan to là thấy rõ. Thói đời nhẽ thế!

Giả sử ông Truyền chứng minh được thu nhập của mình, kể cả ngoài lương để có thể có được biệt thự khủng, trong trường hợp này đó là điều đáng khen lắm chứ? Ông không tham nhũng, không tiêu cực, mà bằng tài năng trí tuệ để có được một cơ ngơi nhìn hoành đến thế thì rất đáng được tôn vinh thay vì "đánh"! Quan mà trí tuệ, biết làm giàu cho cá nhân và giàu cho đất nước thì sao ta phải ghét bỏ?

Anh không đồng ý Nguyễn Quảng khi ông mặc định "quan chức nghèo là vô dụng" bởi nhiều quan chức nghèo nhưng không hề vô dụng, thậm chí tài năng, trí tuệ của họ được cả thế giới nghiêng mình kính phục. Tuy nhiên, trên bình diện chung, anh nghĩ rằng làm quan chức không nên để chính bản thân gia đình mình nghèo. Nếu quan chức mà để gia đình mình nghèo thì làm sao giúp dân làm giàu?

Người Thầy thời đại học của anh, trong một lần tâm sự cũng nói rằng, là cán bộ, là đảng viên mà nghèo thì nên xem lại mình thậm chí phải kỷ luật. Câu nói của Thầy làm anh khoái đến tận hôm nay.

Nhưng, sự thật là nếu bạn là quan chức ngồi vỉa hè như anh hôm nay, chăm chỉ đọc báo như bao người khác, và mặc dù bạn có rất nhiều tiền thì anh cá rằng bạn sẽ "chui vào kén" và lén lút gặm nhấm những gì bạn làm ra bằng tài năng, trí tuệ cùng công sức của mình.

Như thế là không công bằng.

Chuyện của ông Truyền còn phải chờ kết luận, rất không nên thay mặt quan tòa phán xét vội vã. Nhưng anh và nhiều người khác tin rằng, còn rất nhiều những ông quan to cần sự chăm sóc đặc biệt của báo chí và dư luận hơn cả trường hợp ông Trần Văn Truyền. 

Không né tránh, chắc chắn các bạn sẽ xác quyết cùng anh rằng, ở ta hiện nay một ông quan to hoặc vợ con ông ta, chỉ cần nhìn món đồ nào đó hơi lâu, thì khi về nhà, món đồ đó đã ở nhà rồi. Loại quan này mới là mục tiêu cần nhắm đến.
-----------------

Phần bonus. Các bạn nên cân nhắc trước khi đọc bởi lối viết khá dung tục.

Tham luận của cô Mượt mà bên FB: nguồn:

https://www.facebook.com/muot.ma.3/posts/1545516249006750?comment_id=613589&notif_t=like

BẤT NGỜ

Bất ngờ trước tài sản “khủng” của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ


Trong phần kê khai tài sản, về tài chính, ông Khánh kê: Là cổ đông có cổ phiếu (CP) ở Ngân hàng Quân đội: 104.000 CP; Ngân hàng Nam Á: 27.900 CP; Ngân hàng Đông Á: 18.500 CP; Ngân hàng Liên Việt: 200.000 CP; Xi-măng Công Thanh: 100.000 CP; Công ty CP Thiết bị Bưu điện: 50.000 CP; Trái phiếu 425 triệu đồng; tiền gửi tại Ngân hàng VIB: 7.180.000.000 đồng.

(PLO) - Số tài sản được báo giới “nhẩm tính” cho phần kê khai công khai của ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ lên tới hàng chục tỷ đồng. Ông Khánh còn là cổ đông có cổ phiếu ở nhiều Ngân hàng như : MB, Nam Á, Đông Á... 

Theo Báo Người cao tuổi: ông Ngô Văn Khánh đã kê khai : ông và gia đình sở hữu các bất động sản gồm hai ngôi nhà và một mảnh đất. Hai nhà được nói là của ông đều ở quận Hoàng Mai, Hà Nội và đều đã xây 5 tầng: nhà thứ nhất diện tích 114m2 đất, và nhà thứ hai diện tích 248m2 đất. Còn mảnh đất của ông Ngô Văn Khánh rộng tới 1.800m2, nằm trong khuôn khổ dự án Mê Linh gần đền Hai Bà Trưng, Hà Nội. Giá đất tại Mê Linh trong thời điểm hiện nay là 10 triệu – 15 triệu đồng/m2; có nghĩa riêng mảnh đất này đã có giá trị ít nhất 18 tỷ đồng. Ông Khánh còn có tài khoản trị giá trên 7 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng VIB và nhiều cổ phiếu tại bốn ngân hàng và hai công ty khác.

Một căn nhà của ông Khánh tại quận Hoàng Mai 

Danh sách tài sản ông Khánh kê khai khiến người đọc không khỏi bất ngờ và phải đặt dấu hỏi về nguồn gốc cũng như sự minh bạch của khối tài sản này. Nhất là khi ông Khánh đang là cán bộ cấp cao của Thanh tra Chính phủ.

Trước đó, báo Người Cao Tuổi đã có một số bài viết phản ảnh việc ông Khánh với cương vị là Phó Tổng TTCP khi giải quyết khiếu nại tố cáo đã làm trái nguyên tắc, lợi dụng chức vụ quyền hạn, không trung thực, cố ý vi phạm pháp luật về giải quyết khiếu nại.

Cũng liên quan đến thông tin tài sản kê khai của ông Ngô Văn Khánh Báo Giaoduc.net.vn ngày 4/3 có bài viết dẫn lời một cán bộ cấp cao của Thanh tra Chính phủ cho rằng: thông tin tài sản kê khai của ông Ngô Văn Khánh là trước khi ông Khánh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Việc đó có thể sẽ do Ủy Ban Kiểm tra Trung ương và một số cơ quan khác làm. Do đó, hiện tại chưa có thông tin đầy đủ để cung cấp. Vị này cũng khẳng định, tất cả những phản ánh của báo chí về chuyện của ông Ngô Văn Khánh đều được Thanh tra Chính phủ bàn bạc, báo cáo lên Trung ương. 

Ông Ngô Văn Khánh, sinh năm 1958, ông được bổ nhiệm là Phó Tổng TTCP theo QĐ số 1983/QĐ-TTg ngày 8/11/2011. Tại Thanh tra Chính phủ, ông Khánh được phân công giúp Tổng Thanh tra Chính phủ "chỉ đạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra khối kinh tế ngành, khối nội chính và kinh tế tổng hợp; công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; theo dõi, đề xuất chỉ đạo, điều phối, tổng hợp công tác thanh tra của thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra".

BỔ NHIỆM PHÚT 89

Không ai lại bổ nhiệm hàng loạt ở phút 89


TT - Ông Vũ Phạm Quyết Thắng (nguyên phó tổng Thanh tra Chính phủ - TTCP) nhận xét như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc ông Trần Văn Truyền (nguyên tổng TTCP) bổ nhiệm 60 cán bộ trong vòng sáu tháng trước khi về hưu.

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng - Ảnh: Việt Dũng

- “Biết sử dụng nhân tài là tư cách của bậc quân vương”. Trong một lần tranh luận trên mạng với những thanh niên thế hệ 9X, tôi được nghe câu ấy bật ra từ một bạn trẻ người Việt (hiện đang ở TP Portland, Hoa Kỳ) có tâm huyết trước những dư luận xôn xao về việc bổ nhiệm cán bộ chẳng giống ai đang được các cơ quan thông tin đại chúng bàn thảo. Chữ quân vương thời nay hiểu rộng ra hàm ý chỉ có người tài mới sử dụng được người tài. Phải chăng các bạn trẻ đang nhìn vào tư cách của người lãnh đạo qua những quyết định về nhân sự.

* Nghe nói ông từng đóng góp ý kiến với lãnh đạo TTCP nhiệm kỳ này về công tác cán bộ?

- Trong lần thực hiện kiểm điểm theo nghị quyết trung ương 4, với tư cách là ủy viên Ban cán sự Đảng TTCP thời kỳ trước, tôi có đóng góp thẳng thắn bằng văn bản gửi tới TTCP về vấn đề này, chắc cơ quan TTCP còn lưu. Rõ ràng ở ta công tác cán bộ có ảnh hưởng quyết định đến việc sử dụng nhân tài. Chừng nào không làm tốt công tác cán bộ, chừng đó sẽ có những sai lầm.

Ai là người sử dụng cán bộ? Đó là những người đứng đầu cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương. Chúng ta hay nói người đứng đầu là tư lệnh lĩnh vực, là thuyền trưởng, nếu chọn thuyền trưởng đủ đức đủ tài thì đến lượt người thuyền trưởng sẽ biết chọn thủy thủ giỏi. Nếu chọn thuyền trưởng sai thì đó có thể không phải là thuyền chiến, không phải là thuyền buôn mà là con thuyền tiêu cực.

Về sự việc mà báo chí nêu, có nhiều ý kiến đủ rõ rồi nên tôi không muốn nói thêm. Rõ ràng là không nên bổ nhiệm cán bộ vào phút 89, thậm chí vào phút 90 khi sắp rời nhiệm sở. Cách làm như vậy không thể nói là trách nhiệm với thế hệ sau. Còn làm vì cái gì thì tự mỗi người trong chúng ta có thể phần nào hiểu được.

* Thời kỳ ông còn công tác ở TTCP đã bao giờ chứng kiến việc bổ nhiệm nhiều cán bộ trong thời gian ngắn như vậy chưa?

- Thời kỳ tôi chưa bao giờ có những chuyện như thế.

* Với đặc thù ngành thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng phải chọn được những cán bộ đặt sự liêm chính lên đầu. Ông có đồng tình không?

- Chọn được cán bộ đủ đức đủ tài là yêu cầu không riêng gì với ngành thanh tra. Chúng ta chỉ có thể kiểm chứng được người hiền tài qua thực tiễn, qua sự đánh giá khách quan của xã hội. Cho nên phải có dân chủ thật sự từ cơ sở. Chẳng hạn như trong công tác cán bộ có quy trình lấy phiếu tín nhiệm, nhưng với ông lãnh đạo nào đó thì phiếu tín nhiệm chỉ có ý nghĩa nếu người được lấy phiếu đã “chấm” từ trước, còn nếu không thì phiếu tín nhiệm cũng chỉ là một kênh tham khảo. Nghĩa là tín nhiệm từ cơ sở, từ đơn vị được đặt lên bàn hay vứt vào sọt rác là do ý chí chủ quan của ông lãnh đạo. Cá nhân tôi quan tâm đến cái tâm của người cán bộ, rồi mới đến cái tài. Trước đây, thời anh Tạ Hữu Thanh làm tổng thanh tra, anh thường nói với tôi rằng phải chọn người tử tế. Người tốt chưa đủ, vì người tốt có thể tốt với gia đình, với người thân nhưng chưa chắc tốt cho xã hội. Vấn đề là anh phải tử tế, sống đàng hoàng theo quy định pháp luật, liêm chính và minh bạch. Bản thân tôi cũng nói với đồng chí vụ trưởng Vụ Tổ chức lúc bấy giờ là chúng ta phải chọn người tử tế, nếu không thì về sau sẽ rất mệt mỏi, rất phức tạp.

* Ông quan niệm thế nào về sự giàu - nghèo của người cán bộ?

- Năm 2007, trong chương trình “Người đương thời”, nhà báo hỏi tôi có giàu không? Tôi trả lời thật là rất giàu. Nhưng giới hạn giàu của mình với người khác sẽ khác nhau. Anh chấp nhận như thế nào là giàu? Với người nào chỉ cần có hai bữa cơm ăn no, đủ chất, sáng có ly cà phê, ấm trà, như vậy đã tự thấy đủ. Ngược lại có những tỉ phú biệt thự này, biệt thự kia nhưng họ vẫn cảm thấy chưa đủ. Trong khi rất nhiều người chỉ mong có căn hộ 30m2 để hai vợ chồng và hai đứa con ở là thấy hạnh phúc rồi.

* Ông có nghĩ rằng nên nhân rộng cách thức thi tuyển cán bộ có số dư để hạn chế tiêu cực trong công tác cán bộ?

- Tôi ủng hộ, nhưng thi tuyển suy cho cùng cũng do con người. Vấn đề chính là ai sẽ chấm bài, ai ra đề thi, tư cách của ban giám khảo như thế nào? Cho nên, theo tôi, chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề, trước hết là phải có một “bộ lọc” - mà ở xã hội ta “bộ lọc” đó là cấp nào thì mọi người đều rõ, chính ở đấy sẽ chọn ra được những vị tư lệnh, những thuyền trưởng xứng đáng để chèo lái con tàu đi tới đích.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện

BÁO CHÍ GIỜ KHÓ TIN THẬT

Ông Chấn bức xúc: Tôi không yêu cầu bồi thường hơn 1 tỷ đồng

H.Đan - theo Trí Thức Trẻ

(Soha.vn) - Ông Chấn cho biết, việc yêu cầu bồi thường là quyền lợi chính đáng của ông nhưng ông chưa hề yêu cầu bồi thường hơn 1 tỷ đồng...

Chiều ngày 3/3, một số báo đăng tải thông tin, trong lá đơn viết vài ngày trước và cho biết đã gửi đi, ông Nguyễn Thanh Chấn trình bày, trước khi bị bắt trong vụ án giết người ở thôn Me, ông là lao động chính trong gia đình với công việc "vận chuyển bằng xe ngựa, nấu rượu, xát gạo, nuôi lợn, bán quán... Tổng thu nhập một ngày là 280.000 đồng, riêng tiền chở thuê bằng xe ngựa là 200.000 đồng".

Tính từ khi bị bắt do tình nghi giết người (20/9/2003) đến khi được thả tự do (4/11/2013), ông Chấn bị giam gần 3.700 ngày. Do vậy theo ông, tổng thu nhập bị mất trong hơn 10 năm ngồi tù oan ước tính hơn một tỷ đồng.

Trong hơn 10 khoản yêu cầu bồi thường khác được liệt kê, ông Chấn cho biết có việc vợ ông trong lúc đi kêu oan cho chồng đã đổ bệnh, chi phí chữa trị hết chừng 60 triệu đồng; tiền nợ ngân hàng và người thân khoảng 500 triệu đồng...

Theo ông Chấn, khi ông bị bắt, công an đã "thu giữ oan sai" của gia đình một xe đạp đi lấy nước, một đôi thùng đi lấy nước, đôi giá đèo hàng ở xe, bộ quần áo cộc, đôi xà sứ điện. Trong đơn ông yêu cầu "phải trả ngay, trả đúng, trả đủ trước ngày 5/3"...

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi vào tối ngày 3/3, ông Nguyễn Thanh Chấn đã bác bỏ thông tin này và cho biết, chưa hề yêu cầu bồi thường số tiền hơn 1 tỷ đồng.

"Trong mấy ngày qua, tôi chưa từng trả lời nhà báo hay phóng viên nào về việc yêu cầu bồi thường như vậy nên từ lúc đọc được thông tin ở một số báo nói tôi đòi bồi thường hơn 1 tỷ đồng cả gia đình tôi thấy rất bất ngờ, bức xúc. Việc yêu cầu bồi thường là quyền lợi chính đáng của tôi nhưng tôi không hề yêu cầu như vậy và tôi cũng chưa ủy quyền cho ai làm việc này cả...", ông Chấn cho hay.

Cũng theo ông Chấn: "Nếu bảo tôi trả lời điện thoại thì bình thường này tôi cũng có dùng điện thoại đâu, máy là do vợ tôi cầm và vợ tôi cũng không trả lời bất cứ ai về việc đòi bồi thường hơn 1 tỷ đồng như vậy cả".

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn đã rất bức xúc về thông tin thiếu chính xác này.

"Từ lúc nghe cháu nó đọc thông tin gia đình tôi yêu cầu bồi thường hơn 1 tỷ đồng tôi rất bức xúc vì gia đình tôi không ai nói như vậy mà lại nói thiếu chính xác như thế. Tôi sẽ hỏi lại chỗ chỗ bác Thân Văn Hoạt và bác Thân Thị Hải, hai người vốn thường giúp đỡ gia đình tôi trong việc kêu oan về việc này...", bà Chiến nói.

Cùng với đó, khi trao đổi với chúng tôi, Luật sư Vũ Thị Nga (Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam), người thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình ông Chấn sau khi tin tức về vụ án oan 10 năm được báo chí thông tin rộng rãi hồi đầu tháng 11/2013 cũng bày tỏ sự bất ngờ trước thông tin này.

"Tôi cũng chưa nắm được thông tin này nhưng khi gặp vợ chồng ông Chấn để trợ giúp pháp lý về vấn đề đòi bồi thường và trong lần gặp vào hôm 24/2, tôi cũng đã đề nghị gia đình liệt kê những nơi đã đến kêu oan; đồng thời hướng dẫn cách thức tập hợp chứng từ, tài liệu về hành trình kêu oan và chứng minh những tổn thất gia đình phải gánh chịu.

Gia đình cũng rất mong muốn được bồi thường vì tổn thất mà họ phải chịu trong 10 năm ông Chấn bị đi tù oan là rất lớn. Tuy nhiên, gia đình mong muốn được thỏa thuận bồi thường và không muốn cung cấp con số cụ thể", Luật sư Nga cho hay.

Cùng với đó, Luật sư Nga cũng bác bỏ một số thông tin cho rằng ông Chấn và gia đình vẫn chưa nhận được hỗ trợ pháp lý từ luật sư.

"Việc chúng tôi nhận trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình ông Chấn đã được báo chí đăng tải rộng rãi.

Trong suốt thời gian qua, chúng tôi vẫn thường xuyên có những tư vấn, trợ giúp pháp lý với gia đình, kể cả việc thường xuyên về tận nhà ông Chấn để tư vấn. Đồng thời, chúng tôi cũng có mặt trong các việc có liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của ông Chấn. Còn không có chuyện, gia đình ông Chấn vẫn chưa nhận được hỗ trợ pháp lý từ luật sư.

Mọi việc chúng tôi vẫn đang chờ cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Hiện nay, vẫn đang trong quá trình thực hiện theo đúng quy định là đề nghị và thỏa thuận bồi thường giữa ông Chấn với cơ quan tư pháp", Luật sư Nga nhấn mạnh.

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

BỆNH HÌNH THỨC BAO GIỜ BỊ ĐẨY LÙI?

Căn bệnh hình thức trong giáo dục bao giờ được đẩy lùi!

Nghề nào cũng vậy! Bao giờ cũng có những “niềm vui – nỗi buồn”, “đến rồi đi”, “hội ngộ - chia ly” như dòng chảy nghiệt ngã của thời gian. Họ “đến” với nghề bằng niềm đam mê, nhiệt huyết và cả lòng yêu nghề; hay đơn thuần chỉ là cái duyên với nghề mà thôi. Nhưng rồi cũng lặng lẽ cất bước “ra đi” vì những trớ trêu của “nghiệp” mà họ đã trót trao thân gửi phận.

Ngày đó, tôi mới ra trường và tập tành đứng lớp trong sự ngượng nghịu của một người thầy mới vào nghề. Ngày đó, đồng lương của một người giáo viên hợp đồng ở một trường tư khá là “bọt bèo”. Cứ đến cuối tháng, tôi lại ngửa tay chìa vào lòng mẹ để xin vài đồng đổ xăng đến trường.

Nhiều lúc nghe anh chị em, bạn bè và bà con chòm xóm cứ hay đàm tiếu chuyện đi dạy của tôi với ba mẹ. Kèm theo đó là những câu chuyện buồn, những trớ trêu hiện hữu của nghề đi dạy vẫn luôn ám ảnh. Nhiều lúc cũng nản và cũng muốn từ bỏ cái nghề cao quý này.

Quãng thời gian đứng bảng để “truyền lửa” cho học sinh, tôi đã gặp nhiều câu chuyện “khó xử” về “phương pháp sư phạm” thời hiện đại. Dần dần, bằng sự nhiệt huyết, yêu nghề cùng lòng tin với nhà trường, tôi liên tiếp được tín nhiệm cử đi học nâng cao trình độ. Tôi cứ nghĩ sẽ cố theo đuổi cái nghiệp “gieo con chữ”. Nhưng rồi,… cho đến một ngày, tôi nhận ra…

Tôi còn nhớ rất rõ cái lần đầu tiên được nhà trường cử đi tập huấn hai ngày dành cho giáo viên dạy môn Giáo dục công dân bậc THPT tầm cấp tỉnh. Sau khóa tập huấn, vinh dự đâu không thấy mà chỉ biết lắc đầu, thở ngắn than dài.

Theo lịch, buổi tập huấn sẽ chính thức bắt đầu đúng vào lúc 7 giờ 30 sáng, kết thúc 11 giờ trưa; còn buổi chiều từ 13 giờ 30 – 17 giờ. Tôi luôn coi đây là niềm hạnh phúc của bản thân vì dễ gì có một giáo viên trẻ, mới vào trường lại được đề đạt đi tập huấn lớp chuyên môn lớn như thế này.

Quãng đường từ nhà đến địa điểm tập huấn xa gần 25 cây số nên tôi phải thức dậy từ rất sớm, chạy xe mà lòng cứ nơm nớp lo sợ sẽ bị trễ giờ. Nhưng chẳng may, trên đường đi, xe máy bị chết máy làm tôi đến trễ 15 phút so với quy định.

Lạ kỳ thay! Khi tôi đến, trên khắp dãy hành lang của địa điểm tập huấn vẫn có từng tốp thầy cô giáo ngồi đó mong ngóng. Nhiều thầy cô cứ mãi than phiền về thời gian. Đồng hồ nhích dần dần qua con số 8 nhưng người quản lí lớp tập huấn vẫn chưa đến.

Chầu chực mãi, cuối cùng cũng đến hơn 8 giờ 30, lớp tập huấn mới bắt đầu đi vào ổn định và khai mạc. Các vị lãnh đạo Sở lên báo cáo, nói toàn những chuyện bên lề, không đi thẳng vào nội dung lớp tập huấn. Tầm 10 giờ, một vị báo cáo viên đứng lên bục để nói chuyện và trao đổi chuyên môn. Vị này bắt đầu phân nhóm, chia cụm và ra chủ đề để chiều thảo luận. Tiếp đó, được phát một tập tài liệu coi như là nội dung bài giảng lớp tập huấn.

Cầm trên tay tập tài liệu, nhiều giáo viên có thâm niên trong nghề “thở phào” rồi buột miệng nói: “Nội dung này đã được Sở triển khai cách đây 2 năm rồi! Giờ còn tập huấn gì nữa? Chán cho mấy ông Sở này quá”. Giải thích về vấn đề này, vị báo cáo viên phân trần: “Đáng lí ra là Sở nên ghi rõ trong công văn gửi về là cử những giáo viên trẻ đi tập huấn, những thầy cô giáo nào đã đi tập huấn rồi thì đợt này miễn đi”.

Buổi sáng kết thúc khi chuông đồng hồ điểm 10 giờ 30. Trong suốt thời gian 2 ngày diễn ra, tôi chả học được gì ngoài “mớ” kiến thúc “định vị” sẵn khi còn học đại học. Mặc dù lớp học có điểm danh, quản lí hẳn hoi nhưng xem ra để đối phó, chiếu lệ. Đại đa số người ngồi trong phòng đều làm việc riêng, mặc sức làm những chuyện như chốn không người.

“Thầy” nói, “trò” ngồi ngơ ngơ ngác ngác. Mà đúng thật! Những vấn đề vị báo cáo viên này đặt ra rất “tầm thường” và không hấp dẫn, mới lạ. Ngay cả bản thân tôi cũng tự lấy laptop ra vào mạng để chát chít… Cứ như thế, 2 ngày trôi qua trong sự tẻ nhạt và vô vị theo lịch: bắt đầu 8 giờ, 14 giờ 30; kết thúc 10 giờ 30, 16 giờ; chưa kể chuyện ăn “xén” một buổi chiều ngày thứ 2.

Nhiều giáo viên phàn nàn: “Đã có tài liệu thì phát luôn về mỗi trường tự nghiên cứu cho khỏe, khỏi phải tổ chức lớp học, vừa tốn thời giờ giáo viên, vừa tiêu tốn tiền của Nhà nước một cách vô bổ”.

Riêng bản thân tôi, thật tình thì ngồi hai ngày nhưng chả tiếp thu được gì về chuyên môn. Dù xin mở ngoặc là giáo viên THPT thì chắc chắn tôi không phải là người thiểu năng về trí tuệ đến nỗi không “nhồi nhét” được.

Một nam giáo viên năm nay chừng 35 tuổi bước ra về mỉm cười với tôi và cười gượng nói rằng: “Đó chỉ là bắt đầu thôi em à. Ngành giáo dục mình còn nhiều và nhiều kiểu hội họp, tập huấn như thế này nữa. Rồi dần em sẽ quen thôi”.

Không biết bao giờ cái căn bệnh hình thức trong giáo dục sẽ được đẩy lùi. Chỉ biết giờ nó đã bén rễ, ăn sâu đến nỗi “thâm căn cố đế” và đang len lỏi vào ngành giáo dục như là một “trào lưu”. Và dĩ nhiên, người giáo viên nào cũng biết, cũng hiểu và thừa biết về nó nhưng không sao có thể nhổ được tận gốc, bởi rễ nó đã ăn quá sâu.

Giờ nghĩ lại chuyện đó, tôi luôn xem đó là một “ký ức” xa xăm trong cuộc đời đi dạy của mình. Lòng nhiệt huyết, tình yêu nơi trường lớp và cả niềm đam mê con chữ dường như bị hụt hẫng...

Tôi thật sự cảm thấy thất vọng như thể đạo đức nhà giáo đang bị xúc phạm, bị tổn thương, bị đối xử “rẻ mạt”, khác với nghề dạy học là nghề luôn được xã hội coi trọng và tôn vinh như tôi thường hằng tưởng. Và tôi đã từng rơi vào tâm trạng như thế…

Kể lại câu chuyện, tôi luôn trăn trở: chừng ấy năm qua rồi mà bệnh thành tích, căn bệnh dối trá, căn bệnh hình thức, căn bệnh ăn bớt trong giáo dục vẫn còn đó...

Thật mỉa mai, ngẫm lại mình tôi thấy cũng vậy thôi. Đã biết bao lần tự nhủ với lòng mình phải “chiến đấu”, nhưng vẫn không đủ can đảm đương đầu trước những sự thật trêu ngươi...

Dương Văn
Ảnh bìa chỉ mang tính chất minh họa (nguồn ảnh: internet)

MỸ CÔNG BỐ CHO UKRAINE VAY 1 TỈ ĐÔ LA

Ngày 4/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới thủ đô Kiev của Ukraine đồng thời công bố gói viện trợ kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật nhằm thể hiện sự ủng hộ với chính phủ lâm thời nước này trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong quan hệ với Nga.

Các quan chức tháp tùng Ngoại trưởng Kerry cho biết trong chuyến thăm này, Mỹ sẽ đề xuất cho Ukraine vay 1 tỷ USD, một phần trong khoản cho vay của quốc tế. 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: CNN

Chính quyền Obama sẽ thảo luận với Quốc hội Mỹ về việc phê chuẩn khoản vay này nhằm giúp giảm nhẹ tác động của việc cắt giảm trợ cấp trong lĩnh vực năng lượng đối với người dân Ukraine.

Ngày 4/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra nhận xét Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không ủng hộ một chính phủ thống nhất cũng như những cải cách tại Ukraine, vốn bao gồm tất cả các bên.

Trong khi đó, một quan chức Mỹ tháp tùng Ngoại trưởng John Kerry trong chuyến thăm thủ đô Kiev của Ukraine cho biết Washington nhiều khả năng sẽ tiến hành các bước đi nhằm áp đặt trừng phạt Nga "trong tuần này".

Quan chức giấu tên trên cho hay: "Tôi cho rằng nhiều khả năng sẽ có động thái trừng phạt trong tuần này và sẽ có một loạt các biện pháp trừng phạt".

Cùng ngày 4/3, với sự ủng hộ của 280 nghị sĩ trong tổng số 450 nghị sĩ, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn một thỏa thuận vay 610 triệu euro (840 triệu USD) của Liên minh châu Âu (EU) nhằm bình ổn hệ thống tài chính của nước này.

Theo thỏa thuận, EU sẽ chuyển khoản vay cho Ukraine thành 4 đợt, trong đó đợt đầu khoảng 100 triệu euro (khoảng 137 triệu USD) và Kiev phải hoàn trả toàn bộ khoản nợ trong vòng 15 năm. Đổi lại, Ukraine buộc phải tiến hành cải cách trong các lĩnh vực năng lượng, thương mại và tài chính.

Trong diễn biến liên quan cùng ngày, Ngoại trưởng Anh William Hague khẳng định nước này vẫn để ngỏ các lựa chọn trong việc đối phó với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuyên bố này được đưa ra sau khi tổ họp truyền thông BBC và nhiều tờ báo công bố một văn bản dường như là chính thức, trong đó ám chỉ rằng London phản đối trừng phạt thương mại nhằm vào Moskva.

TN(Theo AFP/Reuters/THX)