Sáng nay, 8/4/2015, tại trụ sở Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chủ trì cuộc họp Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Luật Báo chí.
Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Tổ trưởng Tổ Biên tập dự thảo Luật Báo chí cho biết, hiện dự thảo Luật Báo chí có 6 chương, 58 điều, dày dặn hơn rất nhiều về nội dung so với Luật Báo chí năm 1989 và Luật bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí năm 1999.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chủ trì cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Luật Báo chí sáng 8/4/2015, với sự tham dự của nhiều Bộ, ngành, và đại diện các cơ quan báo chí lớn như VTV, VOV... Ảnh: Bình Minh.
Các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí
Dự thảo Luật Báo chí đã đề cập tới nhiều nội dung, vấn đề "nóng" của hoạt động báo chí đang được cộng đồng quan tâm.
Đặc biệt là những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí (Luật Báo chí trước đây chỉ có quy định về những nội dung bị cấm). Cụ thể, khoản 1 Điều 11 quy định “Nghiêm cấm việc thông tin trên báo chí những nội dung sau đây:
Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc;
Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục Việt Nam;
Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà pháp luật Việt Nam quy định;
Thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Và “khoản 2 Điều 11 – Nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau:
Hoạt động báo chí không có giấy phép; thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép được cấp;
Làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, chuyển nhượng các loại giấy phép, thẻ nhà báo;
In, phát hành sản phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy; phát sóng nội dung chương trình phát thanh, truyền hình đã bị đình chỉ, cấm lưu hành; đăng, phát nội dung đã bị xóa bỏ trên báo điện tử;
Nhập khẩu sản phẩm báo chí có nội dung bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật;
Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật”.
Tại cuộc họp sáng nay, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm 1 số hành vi khác trong danh sách hành vi bị cấm. Đơn cử, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung thêm hành vi bị cấm là “lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Phóng viên thường trú phải có thẻ nhà báo
Một vấn đề “nóng” khác trong đời sống báo chí hiện nay là những bất cập trong hoạt động của phóng viên thường trú, văn phòng đại diện cơ quan báo chí. Có trường hợp phóng viên của báo địa phương bị sa thải nhưng lại được báo Trung ương nhận làm phóng viên thường trú, sau đó đưa thông tin bất lợi về địa phương. Cá biệt có cơ quan thường trú bị địa phương trục xuất vì vi phạm.
Để khắc phục bất cập này, Điều 26 của dự thảo Luật Báo chí quy định rõ tiêu chuẩn của phóng viên thường trú như sau: “Phóng viên thường trú thuộc văn phòng đại diện hoặc hoạt động độc lập phải có thẻ nhà báo được cấp tại cơ quan báo chí xin đặt văn phòng đại diện hoặc cử phóng viên thường trú; không bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong thời hạn 1 năm tính đến khi đề nghị đặt văn phòng đại diện hoặc cử phóng viên thường trú”.
“Tiêu chuẩn đầu tiên đối với phóng viên thường trú là phải có thẻ nhà báo. Bởi thực tế lâu nay có tình trạng nhiều cơ quan báo chí cử người chưa có thẻ nhà báo làm phóng viên thường trú. Nhiều người trong số này đã gây phiền phức, quấy nhiễu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương”, ông Hoàng Hữu Lượng nhấn mạnh.
Liên quan tới thẻ nhà báo, điều 35 của dự thảo Luật Báo chí quy định: “Thẻ nhà báo là loại thẻ duy nhất được pháp luật công nhận trong hoạt động báo chí. Những người thuộc đối tượng được cấp thẻ nhà báo nhưng chưa đủ điều kiện để xét cấp thẻ nhà báo, cơ quan báo chí có trách nhiệm cấp giấy giới thiệu để hoạt động báo chí”.
Chia sẻ thêm về quy định này, ông Hoàng Hữu Lượng cho biết: “Hiện nhiều cơ quan báo chí vẫn đang cấp thẻ phóng viên, nhất là cơ quan báo chí của các Hội. Có báo vừa nhận người vào làm đã kết nạp luôn làm hội viên chi hội nhà báo và cấp thẻ hội viên, thẻ phóng viên. Chúng ta không phủ nhận các loại thẻ khác nhưng quy định rõ thẻ nhà báo là loại thẻ duy nhất được pháp luật công nhận trong hoạt động báo chí”.
Trách nhiệm cung cấp thông tin, trả lời trên báo chí
Theo Điều 36 của dự thảo Luật Báo chí về Cung cấp thông tin cho báo chí, “trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.
Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí; báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình nhưng không được quy kết tội danh; phải nêu rõ là nguồn tin riêng của báo, nhà báo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.
Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.
Liên quan tới quy định này, thực tế đã có nhiều cơ quan báo chí khai thác thông tin liên quan đến vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, chưa xét xử và đăng tải thông tin theo hướng quy kết tội danh, gây ảnh hưởng cho cá nhân, tổ chức đang bị điều tra, truy tố, xét xử.
Còn theo Điều 37 quy định về Trả lời trên báo chí: “Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí; cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm trả lời trên báo chí.
Cơ quan, tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời vấn đề mà cơ quan báo chí đã thông tin; cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời trên báo chí”.
Bình Minh
************Phát biểu kết luận cuộc họp sáng 8/4, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định: Báo chí là cơ quan sự nghiệp có thu chứ không phải doanh nghiệp. Doanh nghiệp không có báo chí. Hoạt động liên kết trong báo chí là một sự phát triển mới, tạo điều kiện cho người dân đóng góp trí tuệ, nguồn vốn để cơ quan báo chí phát triển. Đây là xu thế chung để tận dụng xã hội hóa. Tuy nhiên, liên kết phải có giới hạn, không ảnh hưởng tôn chỉ mục đích của báo chí. Tương tự như trong lĩnh vực xuất bản, chỉ liên kết khâu in, phát hành, sơ bộ bản thảo; chỉ liên sách sách khoa học kỹ thuật, giải trí, không liên kết xuất bản các ấn phẩm sách chính trị, tôn giáo, hồi ký, tiểu sử...
Bộ trưởng yêu cầu Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tiếp thu các ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Luật Báo chí theo hướng hạn chế nghị định, thông tư hướng dẫn để Luật sát hơn với cuộc sống. Ngay trong tháng 4/2015 sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia về dự thảo Luật Báo chí. Trong tháng 6/2015 sẽ báo cáo Chính phủ tờ trình và báo cáo tác động của Luật Báo chí.
http://infonet.vn/nhung-van-de-nong-trong-du-thao-luat-bao-chi-post161823.info