Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

SỬ DỤNG BAO LÌ XÌ CÓ HÌNH TIỀN VIỆT NAM SẼ BỊ PHẠT ĐẾN 80 TRIỆU ĐỒNG

Sử dụng bao lì xì có hình tiền Việt Nam sẽ bị phạt đến 80 triệu đồng

Thị trường Tết năm nay xuất hiện phong bao lì xì được in bằng tờ tiền đồng Việt Nam các mệnh giá lớn, tuy nhiên hành vi mua, bán này có thể bị xử phạt rất nặng.

Thị trường phong bao lì xì đã khá nhộn nhịp khi chỉ còn hơn một tuần nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Năm nay, tại một số chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh cũng như trên các trang mạng xã hội xuất hiện mẫu bao lì xì in hình ảnh của tiền đồng mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng hay 100.000 đồng.

Các mẫu bao lì xì in hình tiền đồng Việt Nam được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Các mẫu bao lì xì này có kích thước 7,3 x 16,5cm nên có thể bỏ vừa các tờ tiền mệnh giá từ nhỏ tới lớn nhất. Thiết kế hai mặt của bao lì xì giống hệt với những tờ tiền thật mệnh giá 50.000-500.000 đồng. 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết hành vi sao chụp, sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam để in bao lì xì nhưng không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng như việc dùng tiền Việt Nam xếp cây tài lộc để rao bán là vi phạm quy định tại Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam.

“Để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc sao chụp, sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam và việc sản xuất, mua bán bao lì xì sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, mới đây, Cục Phát hành và kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã có văn bản gửi Cục An ninh kinh tế - A04 (Bộ Công an), Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và truyền thông) đề nghị phối hợp, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết thêm.

Mới đây, NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan quản lý thị trường, Sở Thông tin và truyền thông và các ban ngành có liên quan… tổ chức tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ đúng mục đích; đồng thời chỉ đạo các đơn vị, ban ngành phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý đối với hoạt động kinh doanh trái phép theo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Theo đại diện NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tiền Việt Nam được sử dụng nhằm mục đích lưu thông và thanh toán, không phải để mua bán. Các hành vi sử dụng tiền Việt Nam trái với quy định đều là vi phạm pháp luật và bị xử phạt. Cụ thể, Quyết định 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định, những hành vi bị cấm bao gồm: Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả; hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào; sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước và từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, theo quy định của Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ, hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

“Có thể do một số người dân không có thông tin về việc in sao chép tờ tiền nên mới vi phạm. NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cần lưu ý không mua bán các sản phẩm như cây tài lộc xếp bằng tiền Việt Nam hay bao lì xì, móc khóa có in hình tiền Việt Nam để tránh tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

ĐÔI LỜI VỀ PHÁT BIỂU CỦA ĐB DƯƠNG TRUNG QUỐC TRONG VỤ ĐỒNG TÂM

Khoai@ 

Trong phiên thảo luận sáng 2/11/2017, đại biểu Dương Trung Quốc nhắc lại sự việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. 

Phát biểu của ĐB Dương Trung Quốc tại Nghị trường về vụ Đồng Tâm không có bất cứ điểm gì mới so với những gì mà báo chí đã đăng tải trong suốt thời gian qua. 

Tôi chú ý đến đoạn này, xin trích nguyên văn: 

"Tôi xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng. Trong bức thư đó, tôi có nêu một vấn đề, câu hỏi mà các cử tri đã nhờ tôi: “Tại sao lực lượng tinh nhuệ nhất, được đào tạo huấn luyện trang bị tốt nhất lại lại bị bắt giữ như cách nói của cơ quan có trách nhiệm. Câu trả lời duy nhất đó là vị họ vẫn giữ được phẩm chất của người công an nhân dân, họ không coi nhân dân là kẻ thù và họ chấp nhận giải pháp như vậy. Tôi đã chứng kiến người dân, những người bị giữ chia tay nhau. Tôi không biết đến thời điểm này TP Hà Nội đã thanh toán tiền cơm cho họ chưa? Họ đã bỏ tiền túi ra nuôi dưỡng anh em, con cháu ở nhà cũng không được chăm lo như thế. Vậy mà chúng ta thấy xử lý như thế nào? 

Chúng tôi tán thành thượng tôn pháp luật, phải xử lý đến cùng. Chúng ta đã khởi tố người dân Đồng Tâm vi phạm nhưng cho đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân sai luật vẫn đứng ngoài pháp luật. Điều này gây bức xúc cho người dân. 

Và hơn nữa những cơ quan thực thi pháp luật kêu gọi những người liên quan đến việc bắt giữ ấy ra đầu thú. Dùng chữ “đầu thú” là không ổn? Chúng ta mất đi ngôn ngữ để đối thoại với dân rồi sao? Vì ai cũng có thể hình dung rằng, để bắt và giữ được lực lượng ấy chắc chắn không phải số ít người kích động mà hàng trăm, nghìn người gồm cả phụ nữ, bà già, trẻ em... 

Tại sao không xuống với dân, gặp và nghe dân để có hướng xử lý. Thượng tôn pháp luật suy cho cùng không phải để bắt bớ mà là củng cố lòng tin". 

Xin được thực hiện quyền được mở miệng theo cách nói của cụ Hồ để nói với ông Dương Trung Quốc. 

1. Tôi chắc chắn rằng, vì đại sự nên những câu chuyện, những góc khuất bên trong câu chuyện các chiến sĩ công an bị bắt, bị giam giữ trái pháp luật, và "được đối xử tử tế" như thế nào nhiều người không biết. Theo ông Dương Trung Quốc thì những kẻ vi phạm pháp luật ở Đồng Tâm đã đối xử với các con tin rất tốt, không dùng ghế phang làm anh Mạnh tuyên giáo bị gẫy xương sườn; không tẩm xăng dọa đốt; không lột bỏ quần áo các cháu CSCĐ rồi dùng xích chó xích 2 trong 1; hàng đêm không cho người bịt khẩu trang vào tra tấn các cháu CSCĐ; và trước khi thả, người dân Đồng Tâm đã tốt đến mức không bắt các con tin viết cam kết xác nhận sự tử tế nơi bà con. Vâng, "đối xử tử tế" như vậy thì con cháu ở nhà cũng không được chăm lo như thế. 

Xin ông Dương Trung Quốc xem màn hạ nhục CSCĐ trên Youtube để thấy sự tử tế của "người dân: 

https://www.youtube.com/watch?v=_u5-8z5uiBY 

Hoặc: 

https://youtu.be/unR8N0_mZqk 

Ông Quốc là đại biểu Quốc hội, sao không trực tiếp gặp các cán bộ, chiến sĩ công an ấy để hỏi xem họ được người dân đối xử ra sao? Xin mách ông 2 địa chỉ dễ tìm thôi: (1) anh Phó trưởng công an huyện và (2) anh Mạnh ở ban tuyên giáo huyện ủy Mỹ Đức để biết sự thật trước khi phát biểu. 

2. Tôi không hiểu ông Quốc lấy lý lẽ gì để nói: "Tôi không biết đến thời điểm này TP Hà Nội đã thanh toán tiền cơm cho họ chưa? Họ đã bỏ tiền túi ra nuôi dưỡng anh em, con cháu ở nhà cũng không được chăm lo như thế". 

Xin hỏi: Có chính quyền nào phải đi thanh toán tiền ăn, tiền "đối xử tử tế" cho những kẻ bắt giữ người của họ trái pháp luật không? 

Nói như ông thì trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc 1979, hàng trăm tù binh của ta bị bắt, đưa về Trung Quốc, sau này được thả thì chúng ta cũng phải sang thanh toán và cảm ơn họ à? 

3. Ông Dương Trung Quốc nói: "Chúng tôi tán thành thượng tôn pháp luật, phải xử lý đến cùng. Chúng ta đã khởi tố người dân Đồng Tâm vi phạm nhưng cho đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân sai luật vẫn đứng ngoài pháp luật. 

Điều này gây bức xúc cho người dân". Ông Dương Trung Quốc là đại biểu Quốc Hội thì rõ là miệng có gang có thép, lời nói của ông đại diện cho tiếng nói của các cử tri và là phát ngôn chính thống với chứng cứ rõ ràng. 

Xin ông chỉ rõ cán bộ công an nào "đánh dân, bắt dân sai luật", đồng thời cung cấp cho cử tri chúng tôi chúng cứ chứng minh điều đó để xử lý trước pháp luật. 

Ông Dương Trung Quốc không chứng minh được điều đó thì cử tri chúng tôi sẽ đề nghị với Quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu của ông và sẽ kiện ông ra tòa về tội vu khống, phỉ báng lực lượng công an. 

Xin nhắc lại, làm đại biểu phát ngôn cần có trách nhiệm, không thể phát ngôn kiểu "lấy lòng" hay vuốt ve dư luận được. 

*** 

Tham khảo bài phát biểu của ông Dương Trung Quốc theo link: http://toquoc.vn/Thoi_su/db-duong-trung-quoc-cam-on-thu-tuong-da-tra-loi-vu-dong-tam-261389.html

HỒ SƠ GIẢI MẬT CỦA CIA VỀ VỤ SÁT HẠI NGÔ ĐÌNH DIỆM


(Tài liệu được giải mật: Hồ Sơ Mật của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ.)


Hồ Sơ Mật của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ.

Tài Liệu 15.

Trong khi Toà Bạch Ốc chỉ được báo cáo cho biết một ít chi tiết về âm mưu của CIA tại Sài Gòn thì Dinh Gia Long lại biết gần như tất cả.

Ngày 5 tháng Mười 1963, Đại Sứ Cabot Lodge báo cáo trực tiếp về Tổng Thống Kennedy như sau. Các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà vẫn xúc tiến kế hoạch đảo chánh. Dương Văn Minh đến gặp Lucien Conein, liên lạc viên của CIA tại Việt Nam. Minh nài nỉ bên Hoa Kỳ đừng gây cản trở cho kế hoạch đảo chánh. Minh lại còn nài nỉ Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho chính phủ mà phe đảo chánh sẽ thành lập.

Tổng Thống Kennedy phúc đáp Cabot Lodge như sau. Hoa Kỳ cam đoan sẽ tiếp tục viện trợ cho chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Sau đó, Kennedy chỉ thị cho Cabot Lodge rằng không một người Mỹ nào được tham gia đảo chánh.

Không rõ Cabot Lodge đã cho những nhân vật nào của Hoa Kỳ tại Sài Gòn biết về phúc đáp của Kennedy. Tuy nhiên, có lẽ người được cho biết đầu tiên là Conein, bởi vì ngay sau đó Lucien đến gặp Tướng Trần Văn Đôn nhiều lần để bàn về kế hoạch đảo chánh. Mật vụ của ông Ngô Đình Nhu theo dõi rất sát, không bỏ qua một chi tiết nào.

Ngày 7 tháng Năm 1963, bà Ngô Đình Nhu lên đường sang Hoa Kỳ mặc dù bà không ưa gì chính sách thù địch của Chính Phủ Kennedy đối với Chính Phủ Ngô Đình Diệm.

Sang ngày hôm sau, hầu hết các tờ báo lớn tại Sài Gòn đều loan tin việc ông Ngô Đình Nhu tố cáo việc làm của những người mà ông gọi là “những người Mỹ thù địch”. Ông Nhu nêu đích danh John Richardson, Trưởng Trạm CIA tại Sài Gòn, là tên đầu sỏ, chủ mưu tất cả những kế hoạch gây cản trở cho việc phát triển của Việt Nam Cộng Hoà.

Vì giờ giấc của Hoa Kỳ sau Việt Nam gần một ngày nên cũng trong ngày 8 tháng Chín đó tại Hoa Kỳ, hầu hết các tờ báo quan trọng đều loan tin này, gần như là đầy đủ những gì mà các tờ báo tại Sài Gòn đã đăng. Các đài truyền hình cũng loan tin tương tự và lại còn có phần thời sự, phỏng vấn một số nhân vật am tường tình hình Việt Nam.

Vụ này làm cả CIA lẫn Toà Bạch Ốc bối rối. Vì ông Ngô Đình Nhu tố cáo đích danh CIA và vì dư luận Hoa Kỳ chỉ trích cả CIA lẫn Toà Bạch Ốc nên CIA đề nghị Tổng Thống Kennedy mở một cuộc họp báo để giải độc cho CIA và nhờ vào đó, giảm đi được những chỉ trích gay gắt nhắm vào Toà Bạch Ốc. Tổng Thống Kennedy đồng ý và rồi các nhân viên CIA chuẩn bị cho Kennedy những câu trả lời đối với những câu hỏi mà chắc chắn các ký giả sẽ chất vấn ông trong cuộc họp báo.

Quả nhiên, trong cuộc họp báo ngắn ngủi được tổ chức vào ngày 9, Kennedy chỉ bị hỏi đi hỏi lại về vai trò của CIA tại Sài Gòn, và CIA đã làm những gì trong thời gian qua. Đã đọc thuộc lòng các câu trả lời mà nhân viên của CIA đã bày sẵn, nhưng Kennedy cũng hơi ấp úng. Ông trình bày rằng ông không thấy CIA tại Sài Gòn làm bất cứ một điều gì để bị chỉ trích. Kennedy quả quyết rằng các nhân viên của CIA chỉ thực thi chính sách, chứ không đưa ra chính sách. Các nhân viên của CIA tại Sài Gòn luôn cố gắng làm những gì thuộc phạm vi trách nhiệm của họ nếu họ có khả năng. Về các câu hỏi liên quan đến John Richardson, Kennedy trả lời khá ngập ngừng, rằng ông thấy Richardson là một viên chức tận tuỵ.

Tài Liệu 16.

Như đã nói trong Tài Liệu 15, ngày 5 tháng Mười 1963, Đại Sứ Cabot Lodge báo cáo trực tiếp về Tổng Thống Kennedy rằng các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà vẫn xúc tiến kế hoạch đảo chánh. Ngay ngày hôm sau, Kennedy chỉ thị cho Joseph Mendenhall thuộc Phòng Viễn Đông của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sang Việt Nam. Mendenhall phải lưu lại Việt Nam cho đến khi nào thực hiện xong một cuộc thăm dò tình hình.

Mật vụ của ông Ngô Đình Nhu theo dõi rất sát hành tung của Mendenhall.

Ngày 22 tháng Mười, Toà Đại Sứ Anh Quốc tại Sài Gòn tổ chức một cuộc tiếp tân mà Mendenhall là khách danh dự. Tại đây, Đại Tướng Harkins cho Tướng Trần Văn Đôn biết rằng ông đã rõ về âm mưu đảo chánh. Tướng Harkins nhỏ nhẹ nói thêm rằng đảo chánh là một sai lầm tai hại.

Đôn rất lo lắng, vì biết rằng Tướng Harkins luôn hậu thuẫn Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Vậy nên ngay ngày hôm sau Đôn chạy đi gặp Conein. Đôn lo âu trình bày rằng âm mưu đảo chánh đã bị bại lộ nên phải dời ngày khởi sự sang một ngày khác, thay vì ngày 26 tháng Mười 1963 như đã định.

Conein tìm mọi cách để trấn an Đôn. Conein nói rằng việc Tướng Harkins nói rằng đảo chánh nhằm lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một sai lầm chỉ là nhận xét của cá nhân, chứ không phản ảnh nhận xét của những người Mỹ khác. Conein cũng nói rằng Tướng Harkins là một quân nhân Hoa Kỳ rất gương mẫu và tuân lệnh tuyệt đối Tổng Thống Kennedy, Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội Hoa Kỳ. Do đó, Đôn không cần phải lo sợ rằng Tướng Harkins sẽ thông báo cho Tổng Thống Diệm về âm mưu đảo chánh.

Ngày 25, Mendenhall vào Toà Bạch Ốc để báo cáo về chuyến đi Việt Nam lên Tổng Thống Kennedy. Mendenhall đưa ra một danh sách những người có khả năng và có thể được đưa lên thay thế Tổng Thống Diệm một khi đảo chánh thành công. Tất cả những người trong danh sách của Mendenhall đều là dân sự và không có dính líu đến vụ đảo chánh.

Tài Liệu 17.

Kế tiếp, Mendenhall đề nghị Tổng Thống Kennedy cho phép cấp một ngân khoản kha khá cho nhóm tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà đang âm mưu đảo chánh để khích lệ họ.

Tổng Thống Kennedy không trả lời đề nghị của Mendenhall. Thay vào đó, Kennedy tỏ vẻ khó chịu về việc đảo chánh Tổng Thống Diệm có thể làm cho công cuộc chống cộng sản bị trì trệ. Vì Kennedy không đề cập đến việc chi tiền cho nhóm tướng đảo chánh nên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia chỉ biết rằng CIA có chi cho đám Minh – Đôn mấy chục ngàn Mỹ-kim lấy từ ngân quỹ chính thức. CIA có lấy tiền trong quỹ đen cho đám người này hay không, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia không biết.

Tài Liệu 18 và 19.

Trong hai ngày 27 và 28 tháng Mười, quân du kích cộng sản mò về ba ấp chiến lược trong tỉnh Quảng Ngãi. Quân chính phủ biết trước, tổ chức phục kích và bắn hạ được bọn này. Chính phát ngôn viên quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam chính thức loan báo rằng có 44 tên du kích cộng sản bị bắn hạ trong ba cuộc phục kích nói trên.

Sang ngày 29, Đại Tướng Harkins báo cáo về Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Hoa Kỳ về ba vụ chạm súng nói trên. Tướng Harkins nhân đó, có nhận xét tốt về nỗ lực chống cộng của Chính Phủ Ngô Đình Diệm.

Cũng ngày 29, nhưng tại Hoa Kỳ, tức gần sáng ngày 30 tại Việt Nam, Tổng Thống Kennedy tham dự một phiên họp đặc biệt do Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tổ chức. Vì phiên họp này nhằm duyệt lại một lần chót việc Hoa Kỳ có nên tham gia đảo chánh hay là không nên chỉ có một số nhân vật cao cấp nhất được mời tham dự.

Vì buổi họp này do Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tổ chức nên nghị trình do Cố Vấn An Ninh Quốc Gia McGeorge Bundy soạn thảo. Đây là phiên họp sau cùng của phía Hoa Kỳ trước khi đám tướng chủ mưu đảo chánh của Việt Nam Cộng Hoà khởi sự.

Người đứng ra trình bày đầu tiên là Bundy. Ông tường trình về tình hình mới nhất tại Việt Nam. Sau đó, ông mời mọi người bàn thảo về việc liệu có nên gọi khẩn cấp Đại Sứ Cabot Lodge về nước để tham khảo ý kiến một lần chót hay là không.

Người đầu tiên trình bày tiếp theo Bundy là Tổng Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, em trai của Tổng Thống John Kennedy. Robert Kennedy nghiêm khắc khuyến cáo tất cả rằng Hoa Kỳ hành động một cách vội vàng thì sẽ đưa đến những tai hại khó mà lường trước được.

Tiếp lời Robert Kennedy là Đại Tướng Maxwell Taylor. Tướng Taylor dựa vào báo cáo của Tướng Harkins về chiến thắng của Việt Nam Cộng Hoà tại Quảng Ngãi, trình bày rằng việc tiếp tay lật đổ một chính phủ mà Việt Nam Cộng Hoà đang có là một điều không nên.

Người thứ ba là John McCone, Giám Đốc CIA. McCone đồng ý với cả Robert Kennedy lẫn Tướng Taylor.

Trong số những nhân vật hiện diện còn lại, đại đa số tuy rằng không phản đối việc đảo chánh tại Việt Nam, vẫn bày tỏ sự lo ngại rằng một chính phủ sau đảo chánh khó lòng mà làm việc có kết quả như Chính Phủ Ngô Đình Diệm. Thiểu số còn lại quyết liệt phản đối việc Hoa Kỳ tham dự vào kế hoạch đảo chánh.

Sau cùng, tất cả đều đồng ý rằng Hoa Kỳ tạm ngưng việc bàn về đảo chánh đồng thời gọi Cabot Lodge về Hoa Thịnh Đốn tường trình về tình hình Việt Nam.

Tài Liệu 20.

Ngay trong ngày 29 tại Hoa Kỳ, Tổng Thống Kennedy đánh điện cho Đại Sứ Cabot Lodge với nội dung như đã được đồng ý trong phiên họp trước đó. Kennedy ra lệnh cho Cabot Lodge nói với các tướng âm mưu đảo chánh tạm ngưng việc xúc tiến kế hoạch. Kennedy cũng ra lệnh cho Cabot Lodge về Hoa Kỳ ngay lập tức.

Cabot Lodge giấu nhẹm công điện của Kennedy.

Nguyễn Văn Minh: VỀ ÔNG DƯƠNG TRUNG QUỐC

Nguyễn Văn Minh: VỀ ÔNG DƯƠNG TRUNG QUỐC 

“Lão thần”… “ Dương Trung Quốc”! 

Trung Quốc ở đây là ông Dương Trung Quốc, một trong hai người không biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi, điều mà cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đều cho là bình thường, là quyền của người ta, không thể áp đặt và cũng hoàn toàn hợp pháp, hợp hiến. 

Cái đáng bàn ở đây là hành động đó có xứng để đám anh hùng bàn phím, nhân sĩ trí thức, bờ lóc vàng, đen la ó bốc lên tận mây xanh rằng “hai người Việt Nam chân chính còn lại”, rằng “yêu nước thương dân”, rằng “tiếng nói đối lập”…Bá đạo hơn, không chỉ giới “bờ nóc” ngồi bờ ao câu cá lóc, cá nóc mà có một tờ báo chính thống, hình như là tờ Đất Việt, còn nâng bi ở đẳng cấp mới khi gọi đó là “lời gan ruột của lão thần” (http://www.baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/loi-gan-ruot-cua-lao-than-duong-trung-quoc-2360998/). 

Nghe mà suýt “té ghế”! Các bạn báo Đất Việt ơi? Ông Dương Trung Quốc làm được gì cho đất nước này mà các bạn tâng lên là “lão thần”, nghe kinh hoàng không khác gì cụ Chu Văn An dâng sớ trảm tướng. 

Tôi không cực đoan nói ông Dương Trung Quốc là xấu, là phản động, là kẻ “cơ hội chính trị” như nhiều trang mạng đã đề cập. Nhưng nhân sự kiện tùm lum khó phân biệt đúng sai này, xin có mấy ý kiến về một số phát biểu đã bị cộng đồng có bài phản ứng là “không chuẩn” của ông Dương Trung Quốc như sau: 

Ông Dương Trung Quốc và nhóm "dân chủ" Bùi Hằng 

1/ “Đĩ – biểu tình – đa đảng – từ chức” 

Trở lại bài viết của đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước trước kia, nếu loại trừ cách hành văn rất rối rắm và lời lẽ có chỗ chưa chuẩn mực thì quan điểm của ông Phước lại rất chuẩn. Đất nước đang bao cái phải lo toan mà ông Quốc đi bàn 4 chuyện “đĩ - biểu tình - đa đảng - văn hóa từ chức”. Những vấn đề này đúng là có bất cập nhưng sự thật đã đủ độ cần thiết để bàn chưa hay nên “để các đại biểu khác có thời gian hiến kế làm đất nước hùng cường, quân đội hùng mạnh, dân tộc hùng anh, quốc gia thái bình thịnh vượng, dân chúng lạc nghiệp an cư, mới đúng là “quốc thái dân an”, ông Phước viết trên blog. 

2/ Nhận thức sai lệch về Đảng, lập lờ hạ thấp uy tín Đảng CSVN. Trả lời về bản Hiến pháp mới, Dương Trung Quốc cũng cho biết, ông đang rất băn khoăn trước lịch sử lập hiến. "Lần đầu tiên chúng ta ghi thẳng vào Lời nói đầu là Hiến pháp cũng chỉ thể chế hóa cương lĩnh của Đảng. Tôi tự đặt câu hỏi rằng đây có phải là một nhận thức tiến bộ hay không? Sự lãnh đạo của Đảng thì có lẽ chúng ta không phải bàn nữa, nhưng nghệ thuật lãnh đạo của Đảng là điều hết sức quan tâm...”. 

Đây là một cách phát biểu rất lập lờ, đúng là trong các bản hiến pháp 1946, 1959 không ghi thẳng “thể chế hóa cương lĩnh của Đảng” nhưng điều đó không có nghĩa là Hiến pháp 2013 thì không ghi. Sự thực thì Hiến pháp 1946 còn không có một chữ “Đảng” nào nhưng Hiến pháp 1959 thì phần nói đầu đã đề cập khá sâu về Đảng. Còn trong bối cảnh hiện nay, khi mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ không là kim chỉ nam, không gắn với Hiến pháp thì sự lãnh đạo ấy còn ý nghĩa nữa không? Nếu như Cương lĩnh là sai trái, là bậy bạ, là không hoàn thiện thì Hiến pháp thể chế nó mới là sai. Chứ còn Cương lĩnh và Hiến pháp đều chung một mục tiêu vì đất nước giàu mạnh, phát triển thì hà cớ gì phải loại bỏ việc “thể chế hoá” thưa ông Quốc? 

Ngay trong câu trả lời phỏng vấn của ông Quốc đã đầy mâu thuẫn. Ông nói: “Chúng ta hãy đọc lại các bản Hiến pháp trước đây, nhất là các Hiến pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp lãnh đạo, chúng ta thấy rằng Đảng luôn đóng vai trò quyết định, thế nhưng nghệ thuật lãnh đạo lại khác, không thể hiện trực tiếp vào Hiến pháp như vậy, mà đặt dân tộc và nhân dân lên trên hết”. Vậy thì cũng xin thưa với ông Quốc, mỗi thời cuộc có một cách tiếp cận, xử lý vấn đề khác nhau. Còn bây giờ, cái gì mà không rõ là các bận rận, các thế lực thù địch, các lực lượng muốn lật đổ đầy rẫy cái tinh vi ma mãnh sẽ tìm cách phá ngay. Bằng chứng là ngay trong Hiến pháp lần này thôi, khá nhiều đại biểu còn đòi bổ sung hai chữ “duy nhất” vào Điều 4 khi nói về vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN. Cần hiến định thế vì lâu nay, những kẻ mà ông Quốc từng chụp ảnh chung khi biểu tình vẫn kêu gào “hiến pháp không quy định Đảng CSVN là duy nhất” thì sẽ còn nhiều đảng khác. Phải chăng sự lập lờ thế chính là nền tảng để tiến tới cái gọi là đa nguyên đa đảng? 

Vậy thì cái ông Quốc nói “nghệ thuật” là thế nào? Là phải lờ đờ nước hến, là che giấu, lẩn khuất đi đúng không? Ông nên suy ngẫm thời điểm các năm 1946, 1959 tình thế cách mạng có thể thuận lợi cho việc hiến định đó không. Còn hiện nay, nếu không hiến định, Đảng giữ vai trò lãnh đạo mà không cầm lấy ngọn cờ, mơ hồ, phương phưởng như thế thì chỉ có những đảng điên rồ trên thế giới mới lựa chọn như thế mà thôi! 

Thật ra, đây cũng phải là lần đầu ông Quốc có những phát ngôn gây cách hiểu sai lệch về Đảng như vậy. Trong lần chất vấn Thủ tướng, nguyên văn lời ông Dương Trung Quốc: “Dư luận cho rằng Thủ Tướng đặt nặng trách nhiệm trước Đảng mà xem nhẹ trách nhiệm trước dân. Thủ tướng có nghĩ đến việc khởi đầu cho văn hóa từ chức hay không trước những hạn chế, yếu kém trong điều hành, quản lý mà thủ tướng đã nhận lỗi trước Đảng, Quốc hội và nhân dân”. 

Với câu hỏi “lắt léo” này, ông Quốc đã sai khi dùng câu “đặt nặng trách nhiệm trước Đảng mà xem nhẹ trách nhiệm trước dân”. Thế hoá ra Đảng là xấu hay sao mà ông lại đặt câu hỏi như vậy. Là nhà sử học, ông Quốc nên nhớ lời chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nói: "Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Nếu ông muốn chất vấn Thủ tướng nên đi thẳng vào vấn đề, đừng kéo Đảng vào ở đây! 

Theo Hoàng Hữu Phước thì Dương Trung Quốc tuy là nhà nghiên cứu lịch sử nhưng cũng từng đưa ra phát ngôn chưa đúng về chuyện đa đảng trong chế độ Việt Nam Cộng hoà. Ông Quốc khi trả lời phỏng vấn báo nước ngoài đã vừa nháy mắt vừa nói với nhà báo rằng các anh ấy ở Việt Nam Cộng Hòa nên biết rõ thế nào là “đa đảng”. Ông Dương Trung Quốc đã hoàn toàn không biết rằng, Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn không có bất kỳ đảng phái chính trị nào cả! Chỉ đến năm 1974 Nguyễn Văn Thiệu mới thành lập cái gọi là Đảng Dân Chủ, với đảng kỳ là cờ vàng sao đỏ do chính i Nguyễn Văn Thiệu làm Đảng Trưởng. 

3/ Quốc hội không phải là nơi “hỏi chơi” xem thế nào? 

Như ông Hoàng Hữu Phước từng phần tích, Ông Dương Trung Quốc đã phát biểu chất vấn tại nghị trường quốc hội, đặt vấn đề “văn hóa từ chức” với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đến khi nghe Thủ tướng trả lời thì ông Dương Trung Quốc đã vội vàng nói thêm rằng sở dĩ đặt câu hỏi là để xem Thủ tướng trả lời thế nào, và với nội dung Thủ tướng vừa đối đáp thì nhân dân yên tâm, tức là đã “an dân”. 

Quốc hội là nơi bàn chuyện đại sự nước nhà, không thể là nơi để đại biểu của nhân dân làm bài test (thử nghiệm) chỉ với mục đích “để xem trả lời thế nào". Ông Quốc nếu có tò mò với cá nhân ông Thủ tướng thì có thể hỏi thẳng khi gặp riêng. Câu hỏi của ông Quốc được ca ngợi nhưng phản hồi của ông về mục đích đặt câu hỏi cho thấy ông bị hổng về kỹ năng làm đại biểu của nhân dân. Chất vấn để tìm ra giải pháp cho các vấn đề của nhân dân chứ không phải chất vấn để đánh bóng tên tuổi. 

Nguồn: Blog Nguyenvanminh

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

SỐ PHẬN NHÓM CƯỚP MÁY BAY VIỆT NAM CHẠY SANG TRUNG QUỐC

Số phận nhóm cướp máy bay Việt Nam đáp xuống Trung Quốc

(Hồ sơ) - Trong khi các máy bay Mig đang truy tìm thì chiếc trực thăng UH1 số hiệu 576 do Kiều Thanh Lục điều khiển đã hạ cánh xuống... Trung Quốc.

Theo lời kể của ông Dương Văn Lợi - một sĩ quan không quân chế độ cũ, một trong 10 thành viên bỏ trốn trên chiếc trực thăng, thì họ nhằm hướng Hong Kong như đã tính toán nhưng run rủi thế nào nó lại đáp xuống một nơi ở... Quảng Tây.

Nhóm chủ mưu cướp trực thăng UH1. Người ngoài cùng bìa trái là Kiều Thanh Lục - Ảnh: INTERNET

Trốn chạy khỏi Trung Quốc

"Đó là thời kỳ mà mối quan hệ Việt - Trung không còn mặn nồng. Vì thế Bắc Kinh muốn lợi dụng sự kiện chiếc UH1 và 10 người trốn từ Việt Nam để tuyên truyền chống Hà Nội. Đó cũng là lý do chúng tôi được đưa về Bắc Kinh và được tiếp đãi trọng thể như khách quý.

Họ tưởng chúng tôi đến Trung Quốc để tị nạn nhưng sau khi nghe chúng tôi trình bày ý muốn gặp đại diện của Liên Hiệp Quốc ở Bắc Kinh để xin đi tị nạn tại một quốc gia khác, sự tiếp đón nhạt nhẽo hẳn.

Tôi ở Bắc Kinh trên 6 tháng, lúc Liên Hiệp Quốc liên lạc với bên Mỹ thì bên Mỹ viết cho tôi thư trả lời.

Tôi gửi một đơn nữa thì Mỹ cho người qua, nói với chúng tôi là Mỹ sẵn sàng nhận cả 10 người chúng tôi nhưng Trung Quốc không cho chúng tôi đi" - ông Dương Văn Lợi kể trong một cuộc phỏng vấn ở nước ngoài.

Hai năm rưỡi sau, từ Bắc Kinh, gia đình ông Dương Văn Lợi được đưa về Liễu Châu với khuyến cáo nếu không muốn ở lại Trung Quốc thì phải vào sống trong trại tị nạn!

"Tại Liễu Châu, tôi làm quen với một số người Việt từ Hà Nội hoặc Hải Phòng trốn qua Hong Kong rồi bị bắt trả về Trung Quốc, tôi đưa tiền nhờ họ mua một chiếc thuyền cũ với quyết tâm thoát khỏi Hoa Lục bằng đường biển" - ông Lợi kể.

Năm 1983, tức gần 3 năm bị mắc kẹt ở Trung Quốc, gia đình ông Lợi mới có cơ hội thoát khỏi Trung Quốc.

Ông Lợi cho biết: "Đó là chuyến vượt biển đầy trắc trở. Tàu cũ nên hết hư cái này đến hỏng cái khác. Trên đường đi, lần lượt có 40 thuyền lớn nhỏ đi ngang, chúng tôi vẫy gọi nhưng không chiếc nào dừng lại cho đến khi gặp được một tàu Liên Xô trong cơn bão.

Họ cho hai thợ máy sửa giúp máy tàu để chúng tôi tiếp tục hành trình. Cuối cùng, tàu cập vào một đảo nhỏ của Philippines là Dalupiri".

Từ đảo Dalupiri, nhóm người được đưa về Manila rồi vào trại tị nạn. Năm 1985, gia đình ông Lợi được đi Pháp định cư.

Trong khi đó ở Việt Nam, một phiên tòa xử khiếm diện đã tuyên án tử hình 5 người trong nhóm cướp trực thăng gồm Kiều Thanh Lục, Dương Văn Lợi, Dương Văn Báu, Lê Ngọc Sơn (phi công phụ) và Hoàng Xuân Đoàn (cơ giới trên không).

Sau khi gia đình ông Lợi đến Pháp, mấy năm sau, em trai ông Lợi (Dương Văn Báu) cũng trốn khỏi Bắc Kinh bằng đường biển và tị nạn ở Nhật Bản. Cơ giới trên không Hoàng Xuân Đoàn cũng trốn khỏi Bắc Kinh qua tị nạn ở Canada.

Riêng 3 người là Kiều Thanh Lục, vợ sắp cưới của Lục và Lê Ngọc Sơn ở lại Bắc Kinh lập nghiệp.

Ông Trương Văn Ẩm, một trong những người bỏ trốn trên chiếc máy bay C130 đánh cắp - Ảnh: INTERNET

Số phận của nhóm cướp máy bay C130

Với tội danh đánh cắp máy bay, trong phiên tòa xử khiếm diện ở Việt Nam, thượng úy phi công Tiêu Khánh Nha bị tuyên án tử hình. Trương Văn Ẩm và những người còn lại bị tuyên án từ 20 đến 35 năm tù.

Sau này, trả lời một tờ báo hải ngoại, ông Trương Văn Ẩm (một trong những nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ được giữ lại làm việc cho Cục Kỹ thuật không quân trước khi tẩu thoát) kể: "Sau khi đến Singapore, cảnh sát Singapore nói rằng sẽ cho máy bay dẫn đường để chúng tôi bay qua Philippines!

Chúng tôi nhất quyết không đồng ý và khẩn thiết xin được gặp nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Singapore. Đến ngày thứ ba ở Singapore, chúng tôi được gặp một nhân viên CIA. Ông nói rằng: "Chúng tôi nhận các anh nhưng chúng tôi nghi vấn có chuyện sắp xếp từ Việt Nam cho các anh đi".

Cuối cùng, chúng tôi cũng được Hoa Kỳ đồng ý cho tị nạn chính trị và được định cư ở Hoa Kỳ trước ngày giáng sinh. Sau khi đến Mỹ không lâu, một người trong nhóm bị bệnh chết. Sau này, một thành viên khác trong nhóm trở về Việt Nam như một Việt kiều".

Chuyện về người chiến sĩ tên Tạo

Có một chi tiết khá thú vị được ông Ẩm kể lại: "Trong khi mọi người háo hức chuẩn bị lên đường qua Mỹ trong vòng một tuần nữa thì anh Tạo (anh bộ đội bị đánh ngất khi nhóm Tiêu Khánh Nha lấy cắp máy bay C130) nằng nặc xin được quay về Việt Nam. Dù mọi người khuyên can thế nào anh vẫn không thay đổi quyết định".

Anh Tạo là tân binh người Nam Định. Khi phát hiện chiếc C130 nổ máy, lẽ ra phải gọi thêm đồng đội hay báo cáo ngay cho cấp trên, anh Tạo lại chạy đến ngay trước mũi máy bay chất vấn, ngăn cản... nên bị đánh ngất rồi đưa lên máy bay...

Khi tỉnh lại, biết chuyện gì đã xảy ra, anh Tạo chửi mắng, thóa mạ những kẻ cướp máy bay là "bọn phản quốc". Khi máy bay hạ cánh ở Singapore, đích thân hai vợ chồng Tiêu Khánh Nha đến xin lỗi Tạo vì buộc phải làm liên lụy đến anh rồi khuyên anh đi cùng.

Tạo kiên quyết đòi quay lại Việt Nam. Ông Nha đành nhờ Đại sứ quán Hoa Kỳ bảo vệ Tạo, khi nào Việt Nam cử người sang nhận lại máy bay thì thu xếp cho Tạo về cùng. Sau đó ông cùng vợ móc hết số tiền, vàng mà mình mang theo để gửi tặng anh Tạo.

Ít lâu sau, Việt Nam cử người sang đưa máy bay về. Với người chiến sĩ trẻ tên Tạo, việc đòi quay về Việt Nam của anh khiến người ta không thể tin được vì trong khi không ít người tìm cách vượt biên để được đến Mỹ thì anh lại từ chối.

Đã gần 40 năm trôi qua, chưa ai nghe gì về số phận của người chiến sĩ ấy...

Người suýt được phong anh hùng bị tử hình vắng mặt

"Với phi công Tiêu Khánh Nha, trong tâm thức của nhiều đồng đội, vẫn luôn dành cho anh sự trân trọng vì tài năng, bản lĩnh của anh.

Ai cũng thấu hiểu uẩn khúc khi anh phải rời bỏ đất nước. Do hoàn cảnh đưa đẩy, từ một phi công chuẩn bị được phong anh hùng, anh ấy trở thành kẻ đánh cắp máy bay và phản bội Tổ quốc.

Anh Nha giờ đã lớn tuổi, rất muốn quay về Việt Nam thăm quê hương một lần trước khi chết nhưng bản án tử hình khiếm diện trước kia vẫn còn đó...".

Ông T.M.Q. (một đồng đội của Tiêu Khánh Nha)

Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

VIỆT KIỀU ĐỔI MẠNG LẤY ...ĐÔ LA

Những Việt kiều đổi mạng sống lấy.... đô la

(Công lý) - Hiện tượng tội phạm quốc tế gốc Việt nhập cảnh vào nước ta thiết lập đường dây mua bán trái phép chất ma tuý đang diễn biến rất phức tạp. Nhiều Việt kiều đã trở thành những “mắt xích” quan trọng trong các vụ án lớn và bị cơ quan pháp luật xử lý.

Vụ án Việt kiều buôn ma túy Peter Huỳnh (SN 1967 tại Kiên Giang, ngụ tại tiểu bang New South Walles, Australia) là một trong những vụ án điển hình cho thấy những thủ đoạn phạm tội rất tinh vi của bọn tội phạm quốc tế… Theo hồ sơ vụ án, Huỳnh thường bay từ Australia về nước ăn tết cổ truyền. Tối 14/2, Huỳnh đi cùng một cô gái tên Hạnh đến thư giãn tại quán bar trên đường Cống Quỳnh, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.

Tại đây, Huỳnh gặp một người đàn ông tên Minh. Minh chủ động mời Huỳnh đi uống nước bàn chuyện “làm ăn lớn” tại quán cà phê cạnh nhà sách Nguyễn Văn Cừ. Theo Huỳnh khai nhận: Minh đã đề nghị Huỳnh vận chuyển heroin từ Việt Nam đi Australia với khoản tiền công lên đến 10.000 USD.

Loá mắt trước số tiền khá lớn, Mạnh Tony liền đồng ý. Ngày 26/2, Huỳnh đến trước nhà thờ Đức Bà nhận một bịch ni lông, bên trong chứa nhiều cục heroin được “ngụy trang” trong hộp giấy và áo thun màu xanh nhạt. Khoảng 19 giờ ngày 3/3, Mạnh Tony cẩn thận mặc số quần lót có chứa heroin theo đúng hướng dẫn của Minh rồi ung dung ra sân bay Tân Sơn Nhất.

Khi làm thủ tục xuất cảnh, lực lượng Hải quan đã phát hiện ma tuý trong người Mạnh Tony. Qua kết luận giám định cho thấy tổng trọng lượng ma tuý Mạnh vận chuyển lên đến gần 1kg.

Bị cáo Huỳnh trước vành móng ngựa

Trước vành móng ngựa, bị cáo Huỳnh cho rằng y không biết “hàng” Minh thuê vận chuyển đi Australia là ma túy mà chỉ nghĩ đơn giản là hàng trốn thuế. Chỉ khi bị bắt tại sân bay Tân Sơn Nhất, Huỳnh mới biết đó là ma túy. Hội đồng xét xử nhận định lời khai trên của bị cáo không có cơ sở chấp nhận. Ngay tại biên bản bắt giữ, Huỳnh có khai rõ: “Minh đã hỏi tôi là muốn có tiền không, thì hãy vận chuyển ma túy cho Minh từ Việt nam đi Úc, Minh trả công là 10.000 USD và tôi đồng ý”.

Hồ sơ thể hiện Huỳnh còn khai ra những thủ đoạn mà Minh hướng dẫn để che giấu các cục heroin. Điều đó chứng tỏ bị cáo biết trước “hàng” Minh giao là ma túy. Hành vi của Huỳnh trực tiếp xâm hại đến trật tự trị an cho xã hội trong việc quản lý, phòng chống nạn vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo mức án tử hình.

Cùng thủ đoạn tương tự như Huỳnh, nhiều Việt kiều đã phải “khép lại cuộc đời” vì lóa mắt trước những đồng tiền bất chính có được từ mua bán “cái chết trắng”. Đường dây vận chuyển heroin của Trần Văn Thành (SN 1965, thường trú tại Australia) và đồng bọn là một trong những vụ án nổi cộm từng gây xôn xao dư luận.

Trần Văn Thành được một “bạn hàng” ở Úc là Lê Thị Hồng Phương nhờ bán hộ 2 bánh heroin đang kẹt ở Việt Nam với giá 10.500 USD/ bánh. Thành liền bàn bạc, phối hợp với Trần Văn Việt (SN 1975, thường trú tại Australia) để thực hiện các “thương vụ”. Theo đó, Thành chịu trách nhiệm mua bán, vận chuyển 2 bánh heroin từ Việt Nam sang Australia, Việt đảm trách khâu tiêu thụ.

Bọn chúng thống nhất các thủ đoạn tinh vi như cất giấu ma tuý vào đế giày thể thao, cho heroin vào ống nhựa rồi luồn qua cánh cửa của container hàn kín lại, sau đó vận chuyển bằng đường tàu biển đến Australia.

Về Việt Nam, Thành liên lạc với Phương đề nghị giao “hàng”. Phương nói với Thành có Lê Thị Loan (cháu gái Phương, SN 1976, thường trú tại Phan Thiết, Ninh Thuận) là người trực tiếp chuyển heroin. Bọn chúng liên lạc với nhau và tiến hành mua bán trót lọt 2 bánh heroin với giá 21.000 USD.

Việt đến gặp Phạm Martin (tự Quang hói, SN 1957, thường trú tại Australia) thoả thuận sẽ bán chịu cho Quang 1 bánh heroin tại Việt Nam. Phạm Martin về nước và liên lạc với Thành để nhận ma tuý. Bọn chúng thoả thuận mua bán heroin bằng nhiều “mật khẩu” rất tinh vi. Phạm Martin không trực tiếp đi nhận hêrôin mà sai Phạm Đại Nhơn (SN 1961, thường trú tại Châu Thành, Tiền Giang) đi giúp… Khi Nhơn đến khách sạn Đông Á (đường Bùi Viện, quận 1) nhận đôi giày bên trong chứa hêrôin thì bị Cục cảnh sát phòng chống ma tuý Bộ Công an bắt quả tang. 

Với thủ đoạn phạm tội nêu trên, HĐXX đã tuyên phạt Trần Văn Thành mức án tử hình, Trần Văn Việt và Phạm Martin lãnh án chung thân, các bị cáo khác lĩnh từ 16 đến 20 năm tù. Đó là kết cục tương xứng dành cho những kẻ gieo rắc “cái chết trắng”. Các vụ án trên cho thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống, ngăn chặn có hiệu quả hiện tượng Việt kiều về nước “đầu tư” buôn ma tuý trong giai đoạn hội nhập sắp tới.

An Dương

NGÔ ĐÌNH DIỆM BỊ GIÁM MỤC NGÔ ĐÌNH THỤC HẠI CHẾT NHƯ THẾ NÀO ?


Tác giả: Nam Nguyễn

Ít người biết Ngô Đình Thục có công đưa Ngô Đình Diệm lên đỉnh cao quyền lực nhưng cũng tạo ra giọt nước tràn ly khiến em mình tử nạn.

Quyền lực trong hậu trường

Ngô Đình Thục là anh thứ hai trong gia đình Ngô Đình Diệm. Sau khi người anh cả là Ngô Đình Khôi mất năm 1945, Thục theo nếp cũ “quyền huynh thế phụ” trở thành người có tiếng nói quyết định trong gia đình họ Ngô Đình, mặc dù ông này đã là một linh mục. Chính Ngô Đình Nhu cũng từng phân trần với linh mục Cao Văn Luận về quyền uy của ông Thục rằng “Thân sinh tôi mất rồi thì chỉ còn đức cha là bậc quyền huynh thế phụ. Tôi không biết phải nói thế nào, Tổng thống thì cả nể Đức cha (Thục) lắm”.

Từ khi Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống, Thục ngày càng can dự sâu vào chính trị. Cuốn sách "Cái chết của anh em nhà Ngô nói rằng: Từ ngày Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống chính quyền Sài Gòn thì Ngô Đình Thục cũng trở thành “Tổng thống” trong giới Công giáo. Ông ta can dự vào nhiều vụ dàn xếp, mua quan bán chức trong chính giới. Thậm chí ông ta còn lấy tư cách anh Tổng thống để ra lệnh mở kho tài sản quốc gia để lấy vật liệu xây dựng xây các công trình nhà thờ Công giáo.

Uy quyền của Ngô Đình Thục lớn nên các linh mục cũng theo đó trở thành thế lực có tiếng nói. Uy quyền của họ lên tới đỉnh điểm khi nhiều người dân có việc kiện cáo không mang ra chính quyền mà mang đến nhà thờ cho cha xứ. Chỉ cần vị linh mục phê vào lá đơn là đại diện chính quyền phải chấp hành răm rắp.

Chính Ngô Đình Thục, trên một tạp chí của Công Giáo vào ngày 15/4/1963 đã thừa nhận rằng trên bàn giấy của ông ta luôn luôn có 1 chồng đơn từ xin can thiệp những chuyện thế tục. Và cha Thục cũng “tự hào” khoe rằng mình từng nhiều lần có ý kiến với chính quyền để giải quyết các lá đơn.

Nhờ bóng Thục, các linh mục Công giáo cũng được thể làm lớn. Khi cần tiền làm việc gì, họ thường tổ chức bán vé xổ số “Tombola”. Đây là một hình thức vận động quyên góp có thưởng. Người ủng hộ sẽ được phát 1 tấm phiếu ghi số tiền đóng góp. Trên phiếu có ghi số thứ tự. Kết thúc cuộc quyên góp, ban tổ chức sẽ quay chọn số. Tấm phiếu nào có số thứ tự trùng với số xổ sẽ được nhận một phần quà hoặc một khoản tiền có giá trị tượng trưng.

Theo các quy định đương thời thì những cuộc tổ chức sổ xố như vậy phải xin giấy phép rất nhiêu khê. Nhưng các linh mục thì không cần phải xin mà cứ tự do tiến hành vì không ai dám đụng vào họ. Không những thế, các linh mục cứ nhằm mấy ông quận trưởng, xã trưởng nhờ bán vé hộ. Ôm một đống vé, bán thì không ai mua, không bán thì mất lòng các vị “con trời” nên họ đành phải xuất công quỹ ra mà ôm trọn.

Ở cấp dưới là như vậy, trên cấp cao, suốt thời kỳ Thục làm giám mục ở Vĩnh Long, hàng tuần các quan chức Chính phủ, Quốc hội, Quân đội.... lại “hành hương” về Vĩnh Long để “thỉnh an” cha Thục. Sự việc này được chính Ngô Đình Nhu thổ lộ với linh mục Cao Văn Luận “ Từ ngày Đức cha về Huế, ở đây tôi mới rảnh rang. Khi Đức cha còn ở Vĩnh Long thì thứ bảy, chủ nhật nào bọn họ cũng rủ nhau xuống Vĩnh Long cả nội các, cả Quốc hội. Biết là phiền phức nhưng không làm thế nào được”.

Ông Ngô Đình Diệm

Minh chứng cho lời ông Nhu, trong cuốn sách "Ai đã giết anh em Ngô Đình Diệm" có kể câu chuyện: “Vào khoảng tháng 6/1960, nhân một buổi lễ trọng thể tại Vĩnh Long (buổi lễ thuộc phạm vi tôn giáo), thế nhưng từ sáng sớm đã có hàng trăm xe hơi nối đuôi nhau trên con đường “hành hương” về Vĩnh Long. Hầu hết là các Bộ trưởng, dân biểu, tướng tá, công chức cao cấp. Vì có hàng trăm xe của nhân viên chính quyền cho nên Bắc Mỹ Thuận bị kẹt, xe hàng, xe dân bị ứ lại dài cả hàng cây số và phải đợi cả hàng 2, 3 giờ mới được khai thông. Một nhà báo Mỹ cũng bị kẹt trong đám xe đó. Khi trở về Sài Gòn ông ta tỏ ý phàn nàn và phê bình gay gắt… Chuyện đến tai Ngô Đình Nhu, ông đỏ mặt tía tai đập tay vào bàn rồi gọi điện thoại cho ông Chủ tịch Quốc hội Trương Vĩnh Lễ: “Làm cái gì mà kỳ vậy. Xuống đấy làm cái gì mà lố vậy. Tôi nhờ ông bảo bọn họ ngưng ngay cái trò đó đi”. Ông Nhu không thích là chuyện của ông Nhu. Con đường Sài Gòn – Vĩnh Long vẫn tấp nập khách công hầu”.

Thành vì Thục, bại cũng vì Thục

Cuối thập niên 1950, Diệm rơi vào cơn thất chí vì hết theo Pháp lại theo Nhật mà không được gì. Nhận thấy cách làm chính trị kiểu trùm mền ngáp ruồi của Diệm không hiệu quả, Thục đã thu xếp 1 chuyến đi dài cho Diệm. Lúc này Thục là Giám mục ở Vĩnh long. Ngày 18/6/1950, Thục xin với Đại sứ Mỹ - Gullion tại Sài Gòn cho Diệm và ông ta nhập cảnh Hoa Kỳ với lý do trên đường qua Roma dự năm Thánh.

Tại Mỹ, Thục vận động Hồng y Spellman thu xếp một bữa cơm chiều tại khách sạn Mayflower ở Washington với sự tham dự của nhiều chính trị gia Mỹ. Được Thục động viên, Diệm đã đứng lên miễn cưỡng diễn thuyết chống Cộng. Nhờ vụ này mà các nghị sĩ Mỹ biết tới một người mặt trắng bệch, dáng đi lúc lắc, là “con nước chúa”, từng làm quan triều Nguyễn và quan trọng là đang căm thù Cộng sản không rõ nguyên do.

Người Mỹ đang tự cho mình có sứ mệnh be bờ ngăn làn sóng cộng sản tại Đông Dương. Đúng lúc đó Ngô Đình Diệm xuất hiện với đầy đủ tiêu chí Mỹ cần nên ngay lập tức trở thành ứng cử viên sáng giá của Mỹ tại tiền đồn chống cộng ở Việt Nam. Chẳng bao lâu sau, Pháp thua, Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam và Diệm trở thành Tổng thống dưới sự đạo diễn của Mỹ.

Trong việc này, Thục là người có công lớn nhất nhưng không ngờ 9 năm sau chính ông ta lại hủy hoại “ngôi vị” của Diệm. Ngày 6/5/1963 (2 ngày trước lễ Phật Đản), Diệm ra sắc lệnh cấm treo cờ Phật. Nguyên do của cái lệnh kỳ cục này đều xuất phát từ Thục.

Cuốn sách "Tại sao Mỹ thua ở Việt Nam" của Nguyễn Phú Đức cho biết: “ Đầu tháng 5/1963, tín đồ Phật tử ở Huế chuẩn bị lễ Phật Đản lần thứ 2507. Lần đó lại trùng với dịp kỷ niệm 25 năm cha Ngô Đình Thục được phong Giám mục đang phụng sự việc đạo tại Huế. Là anh cả của Tổng thống Diệm, cha Thục không phải là con người có tính khiêm nhường Cơ đốc giáo. Ông tỏ ra giận dữ khi không nhận được điện văn chúc mừng của các Thượng tọa Phật giáo tại Huế. Để trả thù, cha Thục dùng tình huynh đệ can thiệp với chính quyền Diệm ra lệnh cấm treo cờ Phật trong ngày Phật Đản với lý do chỉ có quốc kỳ mới được treo nơi công cộng”.

Khi cảnh sát đến từng chùa để thực thi sắc lệnh này đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của tăng ni phật tử Huế. Vào ngày 8/5, một cuộc biểu tình lớn của phật tử Huế nổ ra và cứ thế lan rộng ra khắp miền Nam ở mọi ngành mọi giới. Đáp lại, Diệm Nhu đàn áp dã man, cho cảnh sát tấn công vào chùa. 11/6, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, giáng một đòn dư luận mạnh mẽ vào chế độ Diệm. Mấy tháng sau đó, liên tiếp xuất hiện các cuộc biểu tình. Những làn sóng dư luận mạnh mẽ do sự kiện Phật giáo gây ra ở trong nước và trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ đã là giọt nước tràn ly dẫn đến việc Mỹ cho lật đổ Diệm để tìm một “con ngựa” khác. Do vậy, có thể nói trong sự nghiệp của Diệm, thành cũng nhờ Thục mà bại cũng vì Thục.