Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

30 người bỏ trốn khỏi bệnh viện Đà Nẵng sau lệnh cách ly

(VTC News) - Có 30 người bỏ trốn khỏi Bệnh viện Đà Nẵng và lãnh đạo bệnh viện đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng phối hợp chỉ đạo việc giám sát các trường hợp này.

Ngày 27/7, Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, nhiều ca bệnh trốn khi Bệnh viện Đà Nẵng được cách ly theo quy định.

Cụ thể, sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện cách ly vào lúc 13h ngày 26/7 để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Do tâm lý lo lắng nên nhiều bệnh nhân và người nhà đã tự ý rời khỏi bệnh viện.

30 người trốn khỏi Bệnh viện Đà Nẵng sau lệnh cách ly. 

Trong đó, tại khoa Tim mạch can thiệp có 15 người, khoa Ngoại tiết niệu có 15 người vắng mặt. Những người này hầu hết là người dân sống trên địa bàn TP Đà Nẵng, một số khác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Vì vậy, Bệnh viện Đà Nẵng đã có cáo gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đề nghị phối hợp chỉ đạo việc giám sát những trường hợp này.

Theo thông tin mới nhất, đến 11h hôm nay, Bệnh viện Đà Nẵng đã dừng tiếp nhận đồ tiếp tế của người nhà gửi vào bệnh viện để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

XUÂN TIẾN

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Hà Nội: Hai đối tượng có vũ trang cướp tiền tại Ngân hàng BIDV

Trong lúc cán bộ nhân viên Ngân hàng tại BIDV Chi nhánh Ngọc Khánh, Hà Nội đang thực hiện các công việc giao dịch phục vụ khách hàng, bất ngờ xuất hiện 2 tên cướp đeo khẩu trang, có vũ trang, nổ súng uy hiếp cướp tiền mặt tại quầy giao dịch...

Ngân hàng tại BIDV Chi nhánh Ngọc Khánh

Theo thông báo từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Ngân hàng BIDV), vào lúc 9 giờ 54 phút ngày 27-7, trong lúc cán bộ nhân viên Ngân hàng tại BIDV Chi nhánh Ngọc Khánh, số 27 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội đang thực hiện các công việc giao dịch phục vụ khách hàng, bất ngờ xuất hiện 2 tên cướp đeo khẩu trang, có vũ trang, nổ súng uy hiếp, khống chế giao dịch viên, bảo vệ và cướp tiền mặt tại quầy giao dịch.

Khi sự việc xảy ra, chi nhánh đã nhanh chóng thông báo với Công an phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội bảo đảm an toàn cho khách hàng và giao dịch viên. Theo chi nhánh thống kê, số tiền thiệt hại ban đầu khoảng vài trăm triệu đồng.

Hiện tại, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Ngọc Khánh và cơ quan công an đang phối hợp chặt chẽ để truy tìm đối tượng phạm tội. Hiện các hoạt động tại BIDV Chi nhánh Ngọc Khánh tiếp tục diễn ra bình thường.

Trong khi đó, đại diện Đội hình sự, Công an quận Đống Đa cho biết, đơn vị này đang phối hợp với Phòng cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, và các lực lượng chức năng đang tiến hành truy bắt 2 tên cướp trên.

GIA KHÁNH

Nghi phạm thứ 2 đâm tài xế Grab nguy kịch để cướp tài sản đã ra công an đầu thú

Định Nguyễn

Biết không thể chạy thoát sau khi gây án cướp xe ôm, Lưu Ngọc Vỹ đã ra công an đầu thú.

Liên quan đến vụ tài xế GrabBike bị cướp tài sản trên đê sông Đuống, ngày 27/7, một cán bộ điều tra phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.Hà Nội cho biết, đơn vị đang tạm giữ Lưu Ngọc Vỹ (SN 2003, trú xã quê tại xã Thuận Thành, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), nghi phạm thứ 2 gây án.

Đối tượng Lưu Ngọc Vỹ và Giàng Seo Diu

Ngoài ra, phòng PC02 cũng đã khởi tố vụ án "Giết người" và "Cướp tài sản", tạm giữ Giàng Seo Diu (SN 2002, quê xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) về hành vi "Cướp tài sản" và Nguyễn Văn Sơn (SN 1997, quê xã Hoà Thanh, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi "Không tố giác tội phạm".

Lưu Ngọc Vỹ đã đến trụ sở công an tại nơi khác đầu thú vào sáng hôm qua (26/7), sau khi nhận được tin báo, chúng tôi đã tiếp nhận Vỹ và di lý về trụ sở phòng PC02 để đấu tranh, làm rõ.

Vỹ trước khi gây án 

Khoảng 0h ngày 19/7, tại đường Tôn Thất Thuyết, Diu và Vỹ thuê anh N.V.Q. (SN 1984, quê tỉnh Yên Bái) là lái xe công nghệ Grab chở đến cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội với giá 250 nghìn đồng. Anh Q. đồng ý rồi chở hai đối tượng đi theo hướng Phạm Hùng – Nguyễn Xiển – Linh Đàm – Cầu Thanh Trì – cầu Phù Đổng – cầu Đồng Xép – Từ Sơn (Bắc Ninh). 

Đến Đền Đô, hai đối tượng tiếp tục yêu cầu anh Q. chở đến đê Dương Hà để gặp bạn. Khi đến đoạn đê Đuống thì Diu yêu cầu anh Q. dừng xe. Lúc này Vỹ dùng tay ôm anh Q. còn Diu rút dao đâm liên tiếp vào người tài xế Grab rồi cướp ví tiền và xe máy bỏ trốn. 


Diu khai rằng, chỉ đâm nạn nhân 2 nhát. Sau khi Diu bảo Vỹ kéo nạn nhân vào bụi để tránh người đi đường phát hiện thì Vỹ đâm thêm hay không hắn không biết. Sau khi gây án cả 2 đã cùng nhau điều khiển chiếc xe cướp được theo những cung đường nhỏ vắng người lên Bắc Giang. Sau đó cầm cố chiếc xe máy cướp được của nạn nhân tại 1 cửa hàng cầm đồ ở Bắc Giang được 4,5 triệu đồng.

Xe máy của nạn nhân

Số tiền trên cùng với số tiền cướp được trong ví nạn nhân chúng đã chia nhau rồi cùng bắt xe về ăn ngủ ở tại 1 quán game thuộc khu vực bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Cũng chính tại quán game Vỹ đã kể lại việc cùng Diu gây ra vụ án cho Nguyễn Văn Sơn nghe.

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam

Sáng nay (27/7), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19).

Tại cuộc họp, các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo phân tích cơ chế lây nhiễm, diễn biến, dự báo tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng và đề ra các giải pháp tối ưu để ứng phó trong thời gian tới.

Kết quả điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy các trường hợp mắc bệnh đều liên quan đến 3 cơ sở: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình. Cả 3 bệnh viện này nằm chung trên 1 khu đất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam (trước đây Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau).

Theo ông Long, chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.

Không phong toả tất cả mà phong toả từng nấc

Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Đà Nẵng, cử những chuyên gia giỏi nhất vào địa phương để triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; tổng rà soát nhằm tìm ra nguồn lây sớm nhất; tổ chức điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Đối với 2 bệnh nhân nặng, đến sáng nay các chỉ số sức khoẻ tương đối ổn định,…

Về việc phong toả cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, sẽ áp dụng giống như Bệnh viện Bạch Mai trước đây. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa nhất về nguồn lực để cùng với địa phương tổ chức hiệu quả cách ly, truy vết, điều trị, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch…

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề xuất giải pháp để triển khai các biện pháp xét nghiệm phù hợp với từng khu vực, nhằm nâng cao hiệu quả tầm soát; tổ chức phân tuyến cơ sở khám chữa bệnh để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân; tổ chức công tác bảo đảm hậu cần phục vụ khu vực phong tỏa…

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Chủng virus mới có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước

Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, cần tổ chức giãn cách xã hội, phong tỏa ổ dịch hợp lý; không phong toả tất cả mà phong toả từng nấc; thực hiện giãn cách xã hội tại Đà Nẵng, mọi người hạn chế ra khỏi nhà, không tụ tập đông người...

Đối với người dân, tất cả những người đi từ Đà Nẵng có liên quan đến ổ dịch này khi trở về địa phương khác phải cách ly 14 ngày và theo dõi chặt chẽ như những người tiếp xúc gần; còn những người khác từ Đà Nẵng về phải khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ.

Bên cạnh đó, cần mở rộng xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện các ổ dịch, kịp thời khoanh vùng, dập dịch triệt để.

Các chuyên gia cho rằng, những giải pháp này không chỉ áp dụng riêng với Đà Nẵng mà ở các địa phương khác cũng cần kiểm soát chặt các trường hợp nghi nhiễm; đồng thời tăng cường kiểm soát bảo đảm an toàn dịch tễ tại các cơ sở khám chữa bệnh…

Không được chủ quan, lơ là

Tại cuộc họp, các bộ ngành đều nhấn mạnh tính nghiêm trọng của vấn đề và cho rằng chúng ta không được chủ quan, lơ là. Thời gian tới cần siết chặt công tác quản lý biên giới, đường mòn, lối mở, quản lý người nhập cảnh; khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép.

Chính quyền các địa phương và người dân phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong việc quản lý người nhập cảnh.

Đối với các cơ sở y tế, các đại biểu cũng đề nghị cần phải nâng mức độ cảnh báo và bảo đảm an toàn dịch tễ, cũng như khả năng phát hiện người nhiễm bệnh; quản lý những người về địa phương từ Đà Nẵng về theo đúng quy định;…

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị chính quyền các địa phương và người dân cộng tác trong việc thực hiện khai báo y tế điện tử (thông qua các ứng dụng NCOVI, Bluezone), để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trước đây trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Phó Thủ tướng hoan nghênh Bộ Y tế cử các đội chuyên gia giỏi nhất vào hỗ trợ Đà Nẵng khoanh vùng, dập dịch và nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý các ổ dịch lớn như ở BV Bạch Mai.

Thu Hằng

Hiệu trưởng tự phong 25 tuổi: Hàng loạt cán bộ, giáo viên là nạn nhân

TP - Hoàng Ngọc Duy, 25 tuổi, sử dụng giấy tờ giả để mở một số trường học “chui” và tự phong làm hiệu trưởng. Rất nhiều người, kể cả các cán bộ, giáo viên ở Lâm Đồng đã trở thành nạn nhân của Duy.

“Hiệu trưởng tự phong” Hoàng Ngọc Duy

Sau gần 2 năm khởi tố, bắt tạm giam Hoàng Ngọc Duy (trú Phường 2, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng), Công an tỉnh Lâm Đồng sắp hoàn tất điều tra các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” của bị can.

Cơ quan điều tra xác định Duy đã thành lập nhiều công ty liên quan đến lĩnh vực giáo dục, sau đó sử dụng các quyết định không phải do các cơ quan có thẩm quyền cấp để thành lập và đưa vào hoạt động các trung tâm ngoại ngữ, tin học có tên Việt Mỹ tại huyện Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc (trường trung cấp nghề Việt Mỹ; trường cao đẳng Việt Mỹ…). Các trường nói trên đều do Duy làm giám đốc, hiệu trưởng.

Các cơ quan chức năng đã giám định chữ ký, con dấu trong quyết định của chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép thành lập trường cao đẳng Việt Mỹ và quyết định đổi tên trường trung học nghề Việt Mỹ thành hệ thống trường Việt Mỹ. Kết quả, những chữ ký, con dấu ở 2 quyết định trên cùng nhiều văn bản của các cơ quan, tổ chức khác mà Duy cung cấp đều được làm giả bằng phương pháp in phun màu.

Nhiều cán bộ, giáo viên là nạn nhân

Từ năm 2016 - 2018, Duy đã nhiều lần tổ chức học, ôn thi, kiểm tra, thi cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ tin học, năng lực ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp tại các trường Tiểu học Lam Sơn, Tiểu học Nguyễn Khuyến (TP.Bảo Lộc) và tại nhà số 45 Lý Tự Trọng (Phường 1, TP.Bảo Lộc).

Duy còn tổ chức tuyển sinh, dạy học và cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng I, II, III cho giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và THPT tại THCS Lộc Thành (huyện Bảo Lâm), THCS Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh)…; tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng nghề và liên thông đại học tại Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến và tại nhà riêng mà không được cơ quan chức năng cho phép.

Trong số các học viên của các khóa đào tạo “chui” nói trên, nhiều người là cán bộ, nhân viên và giáo viên ở Lâm Đồng.

Nhiều người đã được cấp các loại giấy chứng nhận, chứng chỉ, bằng tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng của hệ thống trường Việt Mỹ hoặc một số trường mà Duy tuyên bố đã liên kết đào tạo như Trường đại học Thái Nguyên, Trường đại học sư phạm Hà Nội 2, Trường đại học sư phạm TP.HCM… Thế nhưng, Công an Lâm Đồng đã điều tra, xác định các văn bằng, chứng chỉ này là trái pháp luật.

Nhiều mô hình liên kết đào tạo là do Duy tự “vẽ” ra chứ không có thật. Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã có văn bản khẳng định: Nhà trường không có bất kỳ hình thức liên kết nào với cao đẳng Việt Mỹ; phôi chứng chỉ không phải do trường in; dấu đóng trên chứng chỉ không phải là dấu của trường; chữ ký trên chứng chỉ không phải chữ ký của hiệu trưởng trường.

Phòng Thư ký - Biên tập UBND TP Hà Nội có cán bộ vừa bị khởi tố làm nhiệm vụ gì?

TPO - Phòng Thư ký - Biên tập thuộc Văn phòng UBND Thành phố có nhiệm vụ tiếp nhận các văn bản, hồ sơ, tài liệu của Chủ tịch, Phó Chủ tịch đã phê duyệt, chuyển báo cáo Chánh Văn phòng hoặc các đơn vị có liên quan để xử lý, giải quyết.

Tổ thư ký chuyên gia của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định 4127/QĐ-UBND ngày 20/9/2006 do Chủ tịch UBND thành phố khi đó, ông Nguyễn Quốc Triệu ký.

Ban đầu, tổ chức của Tổ Thư ký gồm có: Thư ký hành chính; Chuyên viên, nghiên cứu viên, không quá 2 người, thuộc biên chế của Văn phòng UBND Thành phố; Chuyên gia và cộng tác viên không thuộc biên chế của Văn phòng UBND Thành phố; Chủ tịch UBND Thành phố xem xét, mời chuyên gia, công tác viên theo phương thức làm việc thường xuyên hoặc cộng tác theo từng lĩnh vực, chuyên đề, đề án, bài viết hoặc thời hạn theo yêu cầu công tác.

Tổ Thư ký có một Tổ trưởng. Tổ trưởng được hưởng phụ cấp tương đương Phó Văn phòng UBND Thành phố.

Tổ Thư ký có nhiệm vụ: Soạn thảo, thẩm định một số dự thảo văn bản trình Chủ tịch UBND Thành phố; thu thập thông tin cung cấp cho Chủ tịch UBND Thành phố; dự thảo các bài nói, bài viết, bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch UBND Thành phố tại các cuộc họp hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Quyết định số 74/QĐ-VP ngày 20/04/2016 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội bổ sung thêm nhiệm vụ của Phòng Thư ký – Biên tập thuộc Văn phòng UBND Thành phố.

Phòng Thư ký - Biên tập thuộc Văn phòng UBND Thành phố, chịu sự quản lý, chỉ đạo toàn diện của Chánh Văn phòng; có chức năng giúp Chánh Văn phòng: Tham mưu, thư ký, giúp việc hành chính của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố (sau đây gọi tắt là Chủ tịch, các Phó Chủ tịch); xây dựng, biên tập các báo cáo, bài phát biểu, tập hợp, truyền tải các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và đôn đốc các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện; tiếp nhận, phân loại, trình duyệt các văn bản, tài liệu gửi đến Chủ tịch, các Phó Chủ tịch; thực hiện công tác đối ngoại, công tác thông tin báo chí của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch; theo dõi việc thực hiện Quy chế làm việc của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố.

Căn cứ theo Quyết định số 74, Phòng Thư ký - Biên tập thuộc Văn phòng UBND Thành phố có chức năng nhiệm vụ giúp việc hành chính của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch.

Giúp Chánh Văn phòng: Phối hợp với Văn phòng các cơ quan Trung ương, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố, các cơ quan, đơn vị khác có liên quan, căn cứ vào chương trình công tác của UBND Thành phố để tổng hợp, tham mưu, xây dựng chương trình, lịch công tác ngày, tuần của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch; đề xuất việc điều chỉnh chương trình, kế hoạch công tác khi cần thiết theo chỉ đạo của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch.

Tiếp nhận, báo cáo Chủ tịch, các Phó Chủ tịch các văn bản, hồ sơ, tài liệu do Chánh Văn phòng trình gửi hoặc do các cơ quan, đơn vị khác gửi. Tiếp nhận các văn bản, hồ sơ, tài liệu của Chủ tịch, Phó Chủ tịch đã phê duyệt, chuyển báo cáo Chánh Văn phòng hoặc các đơn vị có liên quan để xử lý, giải quyết.

Tham dự các cuộc họp, buổi làm việc của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch. Giúp Chủ tịch, các Phó Chủ tịch tập hợp, ghi chép các nội dung cần thiết có liên quan. Phối hợp với các phòng chuyên môn tập hợp kết quả, xây dựng, biên tập, báo cáo hoặc văn bản chỉ đạo.

Xây dựng, biên tập các báo cáo theo sự chỉ đạo của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch; báo cáo ngày, tuần, tháng, quý, 6 tháng, hàng năm về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch.

Giúp Chánh Văn phòng: Tập hợp, truyền tải các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, đồng thời đôn đốc, theo dõi các đơn vị, cá nhân có liên quan trong Thành phố thực hiện và thông tin báo cáo theo quy định; Tổng hợp, theo dõi, nghiên cứu, phân tích các nội dung tin tức, phản ánh của báo chí, các cơ quan, đoàn thể, cá nhân về tình hình các hoạt động của Thành phố để báo cáo, đề xuất biện pháp giải quyết với Lãnh đạo Thành phố, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch; chủ động trao đổi, phối hợp với các đơn vị, cá nhân đã đưa tin để xác định nội dung vụ việc; dự thảo văn bản trình Chủ tịch, các Phó Chủ tịch hoặc Chánh Văn phòng ký duyệt chỉ đạo các đơn vị, cá nhân có liên quan xử lý, giải quyết kịp thời, đồng thời đôn đốc gửi báo cáo về UBND Thành phố và trả lời báo chí theo quy định.

Tổng hợp nội dung kết quả các công việc của UBND Thành phố, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch để phục vụ Chánh Văn phòng thực hiện nhiệm vụ “Người phát ngôn của UBND Thành phố” và công tác thông tin, tuyên truyền.

Phối hợp với các phòng, ban, đơn vị thuộc Văn phòng để thực hiện nhiệm vụ thống kê, lưu trữ một số văn bản, tài liệu để phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch;

Giúp Chánh Văn phòng tiếp nhận, xử lý, trình UBND Thành phố, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố giải quyết những văn bản, hồ sơ do các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi, trình (văn bản đến) về các nội dung liên quan đến lĩnh vực, chuyên đề đơn vị phụ trách: Đề xuất một trong các phương án: Ban hành, phê duyệt; đưa ra phiên họp UBND Thành phố; gửi lấy ý kiến các thành viên UBND Thành phố; thông báo ý kiến của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh lại, lấy thêm ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định và quy chế làm việc của UBND Thành phố.

TRẦN HOÀNG

Clip: Phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn

Khoai@

Anh em lái xe khi tham gia giao thông cẩn thận nhé, nhất là chạy trên đường đèo dốc quanh co. Nhanh một giây có thể sẽ chậm cả đời. Dưới đây là clip tôi sưu tầm để anh em xem và tự rút cho mình bài học khi tham gia giao thông.

Trong clip, tai  nạn xảy ra là do xe con đã cố tình vượt ở đoạn đường cong, bị che khuất tầm nhìn và trong điều kiện không an toàn, mất cảnh giác và có vẻ như không lường trước được các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Cách tốt nhất để bảo vệ mình và cộng đồng là chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật giao thông đường bộ, tôn trọng cách ứng xử văn hóa và cảnh giác nếu không muốn tai nạn xảy ra. 

Mời xem clip: