Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

ĐÃ XÁC ĐỊNH ĐƯỢC NGHI CAN CHÉM TRUNG ÚY CSGT VŨ THẾ THẮNG

Hải Phòng: Cập nhật vụ vây bắt nghi phạm chém trung úy CSGT Vũ Thế Thắng

Sáng 27.2, một cán bộ công an quận Lê Chân (Tp Hải Phòng) cho biết: Lực lượng công an quận đang phối hợp với các lực lượng để vây bắt đối tượng nghi can hành hung trung úy cảnh sát giao thông Vũ Thế Thắng (30 tuổi, thuộc biên chế của Đội 1, phòng CSGT, CATP Hải Phòng).

Theo đó, lúc 17h ngày 26.2, cơ quan công phát hiện S “liên xô” (52 tuổi), trú tại phường Trần Nguyên Hãn, Q.Lê Chân, Hải Phòng là nghi phạm chém trung úy CSGT Vũ Thế Thắng tên. Bị truy bắt, nghi phạm chạy đến khu vực trường THPT Trần Nguyên Hãn, thuộc tổ 11 phường An Dương, Q.Lê Chân, Tp Hải Phòng lẩn trốn. 

Cơ quan công an đã huy động rất đông lực lượng đến vây ráp. Nhiều nhà dân trong khu vực được thông báo về việc truy bắt tội phạm, được xem ảnh nghi phạm, nên hầu hết các gia đình đều đóng cửa, tránh bị kẻ xấu làm liều.

22h ngày 26.2, PV Lao Động có mặt tại khu vực, chứng kiến rất đông công an mặc thường phục chốt chặn tại các địa điểm, ngõ ngách. Tuy nhiên, do địa bàn dân cư đông đúc, bán kính vây ráp rộng nên đến cuối ngày, lực lượng công an vẫn chưa bắt giữ được nghi phạm đang lẩn trốn.

Đến 10h45 hôm nay (27.2), lực lượng công an hiện vẫn đang truy bắt đối tượng.

Sáng ngày 24.2, trung uý Vũ Thế Thắng được người dân phát hiện nằm gục trong ngõ 193 đường Hồ Sen, quận Lê Chân với nhiều nhát chém. Vào đầu. Ngay chiều hôm đó, xe máy Air Blade của anh Thắng được tìm thấy ở cạnh hồ Ông Báo, đó hơn 1 km cùng túi đựng tư trang của anh bị vứt dưới mương. Cảnh sát cho biết biển số xe bị tháo cho vào cốp, xe đeo biển giả.

Sau khi được đưa vào BV Việt Tiệp cấp cứu, trung úy Vũ Thế Thắng đã được cắc bác sĩ mổ cấp cứu.

Sáng 27.2, một lãnh đạo BV Việt Tiệp cho biết, hiện trung úy Thắng vẫn hôn mê và phải thở bằng máy, chưa qua cơn nguy kịch.

ĐỪNG BAO GIỜ NGÃ GIÁ VỚI YÊU THƯƠNG

Cảm ơn Tím đã chia sẻ cho mình một bài viết, “Đừng bao giờ ngã giá với yêu thương”, đọc bài viết có rất nhiều sự tâm đắc, hạnh phúc đâu phải thứ chìa tay xin, dù có van nài thì cũng chỉ là sự bố thí, nếu dọa nạt để có được sự yêu thương thì là điều thật đáng khinh thường, những điều mình muốn xúc phạm người khác thì người bị xúc phạm trước tiên là chính mình.

“Đừng mặc cả để trao cho nhau những hạnh phúc. Toan tính thiệt hơn, chần chừ rồi nghi ngại, thương yêu sẽ rớt rơi dần, và biến mất lúc nào chẳng hay…”

“Không ai muốn đời mình rơi vào những nuối tiếc, thế nên, đừng ném nhau bằng những gai góc hằn học, đừng để yêu thương như nắm cát trôi qua kẽ tay hững hờ…”

“Đừng bao giờ mang nước mắt để so sánh nỗi buồn của nhau. Có thước đo hoàn hảo nào cho những vết thương lòng sâu hoắm? Đừng nghĩ chỉ mỗi mình buồn mà người ta không hề hụt hẫng. Đừng nghĩ chỉ mỗi nước mắt mình biết đắng, phía sau đó còn là tổn thương chất chồng của một người khác mà họ không hề nói ra.”

Đừng đặt nỗi buồn của chính ta lên vai một kẻ khác. Chúng ta yêu một người chân thành, với hết những gì chúng ta có thể, không phải để nghĩ rằng "họ phải ơn ta"... nên chúng ta không thể dùng bất cứ thứ gì để níu kéo một người không còn yêu ta nữa, càng không thể có quá lắm chiêu trò để gìn giữ tình yêu. Chúng ta chỉ có thể chân thành yêu, và mong rằng người chúng ta yêu đủ tinh tế để hiểu, và hiểu đủ để bản lĩnh vững vàng trước những cám dỗ sẽ đến.

Chúng ta vĩnh viễn không cầu xin niềm vui từ một kẻ khác, hạnh phúc có chân sẽ đến với những người xứng đáng và bỏ đi với những kẻ không biết học lấy cách nâng niu.

Và cũng đừng bi lụy tình yêu như thể nó là cả sự sống.

(Bài này sưu tầm)

P/S: Đừng bao giờ ngã giá với thương yêu và ngã giá với chính bản thân. Ai cũng có quyền được hạnh phúc theo cách mình muốn, yêu thương là cố hữu trong trái tim mình chứ đâu phải ở trái tim gai góc của kẻ chiêu trò, và đừng bao giờ để cái số điện thoại đẹp của bạn là số sim rác của người khác.

Không ai có quyền dập tắt ước mơ và trái tim khao khát yêu thương của ta, ngoại trừ chính bản thân ta cho phép điều đó. 

Nguồn: Chị Hoa Mua

BÀN TAY CỦA EM

Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả, em luồn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình trúng tay em… mềm mại.

Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ, tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em… chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.

Tự trách, bấy lâu mình quá vô tình.

BỨC ẢNH PHẢN CẢM CÓ THẬT ĐƯỢC CHỤP Ở VIỆT NAM?

Bài của Hiệu Minh: Bức ảnh phản cảm có thật được chụp tại Việt Nam?

Bức ảnh phản cảm. Ảnh: TPO

Thông điệp ngắn là: Check and Balance – Hãy Kiểm chứng và Cân bằng.

Hiệu Minh blog ít khi bàn đến chuyện lộ hàng, phản cảm. Nhưng có bạn email nhờ bình về bức ảnh 1 cô gái khoảng hơn 20 tuổi, mặc váy ngắn, miệng cười rất tươi nhưng đứng tạo dáng phản cảm trên bức tượng một vị tiền nhân 1 tay cầm sách, 1 tay cầm ly trà.

Báo TPO, VNE, Dân Trí và nhiều blog, facebook… thi nhau đăng lại với comment lên án cô gái và hành động phản cảm trên.

Tôi chỉ lưu ý bạn đọc hãy nhìn kỹ bức ảnh, cái chùa có dáng vẻ Trung Quốc, Triều Tiên gì đó. Ngói ống ít khi dùng trong chùa Việt Nam, bức tượng dường như làm bằng đồng, khá công phu, tôi thấy chùa VN ít có tượng đồng để ngoài trời.

Thêm vào đó, phía bên phải ảnh có hòn đá cảnh, nhô ra một chữ nho (trung – 中 viết theo mẫu thảo? – nhờ bác nào biết tiếng Hán xem hộ ) hơi mầu xanh. Chữ mầu xanh thì người Hoa hay dùng, người Việt thiên về mầu đỏ hay vàng. Khung cảnh tịch mịch, giống với chùa Trung Quốc hay nước nào đó hơn là VN.

Thêm nữa, cô gái với áo đỏ, túi đỏ, tóc đuôi gà vắt vẻo, không giống với giới teen VN hiện nay lắm. Cái túi trông khá sang trọng, đôi ủng cũng thế, các bạn nữ thử đoán xem là hàng hiệu gì.

Tôi đi xa VN lâu nên có thể không biết hết kiểu ăn mặc các bạn trẻ VN hiện nay, và chùa VN cũng không biết nhiều.

Nhưng thông điệp của tôi là, bạn hãy cẩn thận với những bức ảnh hay thông tin trôi nổi kiểu này trên internet. Hãy kiểm chứng trước khi ném đá. Check and Balance, please.

Một ảnh hay một thông tin xác thực cần hội tụ đủ 5 chữ W (Five Ws), mà các nhà báo chuyên nghiệp cần nắm vững.

Who is it about? Ai, nói về ai

What happened? Cái gì đã xảy ra

When did it take place? Xảy ra khi nào

Where did it take place? Ở đâu

Why did it happen? Tại sao

Ngoài ra còn có chữ How (làm thế nào) cũng thuộc vào câu hỏi mà nhà báo cần trả lời khi viết tin. Giới blogger cần học kỹ những nguyên tắc vàng trên.

Các bạn tìm ra được cái chùa này ở VN và cô gái này là người Việt thì hãy nên phản hồi. Tất nhiên, nếu là cô gái nước ngoài cũng xứng đáng nhận một rổ đá.

Chúc các bạn đón năm mới vui.

HM 1-1-2014


Bức ảnh này được cho là có nguồn gốc từ trang mạng TQ. Nhưng đã bị cắt mất chữ TRUNG.

Bạn đọc Nguyễn Hữu Quí cho biết trong phần comment. Đây là bài học cho giới cầm bút.

TÌNH RIÊNG BỎ CHỢ, TÌNH NGƯỜI ĐA ĐOAN...

Trên mỗi nẻo đường tôi lang thang tác nghiệp, bất chợt gặp hình ảnh người con gái đang tảo tần với những công việc hàng ngày, bất chợt tôi lại thấy bâng khuâng…

Bấm vào đây để nghe: Chị Tôi

Có lẽ đó là một quy luật chung của những người phụ nữ bao đời nay? Như trò trêu cợt của tạo hóa, người con gái mang trong mình tất cả sự hoàn mỹ nhưng luôn phải thấp thỏm lo âu cho cuộc sống của mình.

Và cái “lý lơi” dù vô tình hay hữu ý của người đời giống như một thực tế chua chát, ám ảnh biết bao tâm hồn đa cảm, đa mang. Tháng ba, có chút gì đó nhớ… có chút gì đó thương… có chút gì đó chênh chao của những ngày đổi gió. Tháng ba… hoa gạo đỏ miên man một miền ký ức. Và ở một bến sông quê nào đó, có một người con gái đang ngồi ngẩn ngơ thương nhớ một thời con gái tài sắc đa đoan của mình.”

Tôi chợt mường tượng ra khung cảnh ấy khi nghe ca khúc Chị tôi phát ra từ chiếc radio cũ kỹ. Hình ảnh cô ca sĩ “tóc ngắn” Mỹ Linh trẻ măng với mái tóc giả dài mượt lang thang trên những con phố của Hà Nội khiến cho những người khó tính nhất của đất Hà thành xưa cũng phải ngẩn ngơ, xao động. Có một cái gì đó khắc khoải toát lên từ những ca từ mộc mạc kia:

Thế là chị ơi/ Rụng bông hoa gạo/ Ô hay! Trời không nín gió cho ngày chị sinh

Câu hát như chơi vơi, thảng thốt khi bắt đầu bằng một câu cảm thán. Một tiếng gọi thiết tha, ngậm ngùi vang vọng đến tận đáy sâu của tâm hồn người viết. Hình ảnh người chị xuất hiện đầu tiên với một dự cảm không suôn sẻ: Ngày chị sinh là một ngày trời chẳng chịu lặng gió, ngày những cánh hoa gạo đỏ rực rơi miên man đến cháy lòng.

Điểm nhấn của đoạn bài hát vẫn là một câu cảm thán, một nốt nhạc bỏ lửng giữa chừng. Dường như người viết đã mơ hồ cảm nhận được cái đa đoan trong số mệnh của người con gái. Và ở đoạn sau, điều ấy đã được phúc đáp:

Ngày chị sinh trời cho làm thơ/ Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở/ Cho làm câu hát để người lý lơi

Những ca từ trầm, buồn, da diết như khắc sâu trong tâm trí người nghe. Hình ảnh người con gái ngoan hiền nhưng không có được sự hồn nhiên, thanh thản trong cuộc đời khiến ta day dứt khôn nguôi. Vận mệnh đa đoan của người con gái, của người chị gái chính là cái đối lập giữa sự tài hoa và lận đận đằng đẵng đường trần.

Có lẽ đó là một quy luật chung của những người phụ nữ bao đời nay? Như trò trêu cợt của tạo hóa, người con gái mang trong mình tất cả sự hoàn mỹ nhưng luôn phải thấp thỏm lo âu cho cuộc sống của mình. Và cái “lý lơi” dù vô tình hay hữu ý của người đời giống như một thực tế chua chát, ám ảnh biết bao tâm hồn đa cảm, đa mang.

Ngày chị sinh trời cho làm thơ/ Vấn vương với sợi tơ trời/ Tình duyên bỏ chợ/ Tình người đa đoan

Bài hát thật ngắn gọn nhưng lại chưa đừng một tình cảm lớn đối với một người con gái, một người chị gái. Và cũng chỉ chừng ấy thôi cũng đủ vẽ lên hình ảnh một người chị với tất cả những nét chấm phá của cuộc đời. Ấy là một người con gái thôn quê Bắc Bộ được trời phú cho sắc đẹp và tài hoa.

Cái nết na, nét dịu dàng, tần tảo của chị khiến người đời ngưỡng mộ, nhưng cũng nó cũng chính là nạn nhân của sự giả dối, toan tính của người đời. Hình như trong cuộc sống của chị luôn hiển hiện sự giằng xé giữa tình duyên và nặng gánh trách nhiệm. Chính sự vương vấn, lỡ dở ấy đã tạo lên sự long đong, lân đận trong cuộc đời của người con gái.

Có thể nói, xung quanh bài hát Chị tôi có rất nhiều giai thoại. Trước hết, đây là ca khúc chính thức trong bộ phim truyền hình Người Hà Nội. Chính bài hát đã tạo nên một phần thành công cho bộ phim và hỗ trợ tuyệt vời cho thông điệp mà những thước phim muốn chuyển tải.

Thế nhưng, bài hát cũng có một đời sống riêng, nhận được một tình cảm đặc biệt trong lòng công chúng.

Nói về bài hát phải kể đến nguyên liệu đầu tiên là bài thơ Cho một ngày sinh của nữ thi sĩ Đoàn Thị Tảo viết tặng chị gái của mình là nhà văn Đoàn Lê. Có lẽ nhà văn Đoàn Lê là một nguyên mẫu chân thực nhất cho nhân vật trong bài thơ.

Và bằng một tình cảm mến mộ đặc biệt, một sự đồng điệu hiếm thấy trong cảm xúc, nhạc sĩ Trọng Đài đã đem tới cho bài thơ một cuộc đời mới, một hơi thở mới, chiêm nghiệm mới. Ca khúc Chị tôi được “khai sinh” một lần nữa từ bài thơ ban đầu như thế.

Tôi cũng có một người chị gái. Thuở nhỏ tôi luôn nghĩ rằng các chị - những người con gái thật may mắn khi được trời phú cho sắc đẹp, cái nết na, ngoan hiền. Và cũng có nhiều người đàn ông yêu chị tha thiết. Tôi luôn nghĩ rằng cuộc đời chị sẽ thật sung sướng, tròn vẹn.

Nhưng khi tôi và những đứa em khác lớn lên, trưởng thành thì chị vẫn còn long đong với những mối tình không có hồi kết. Giờ chị đã lấy chồng, ở một nơi rất xa. Mỗi lần gọi điện về nhà, chị lại khóc thổn thức. Những khi ấy, tôi thấy chạnh lòng quá đỗi… Có lẽ vì thế mà tôi càng yêu, càng thấm thía ca khúc Chị tôi hơn.

Và trên mỗi nẻo đường tôi lang thang tác nghiệp, bất chợt gặp hình ảnh người con gái đang tảo tần với những công việc hàng ngày, bất chợt tôi lại thấy bâng khuâng. Tôi lại nhớ đến hình ảnh chị tôi ở một nơi xa lắc vẫn thổn thức nhớ về quê nhà.

Thời gian trôi qua mau, dòng đời hối hả khiến cho những trải nghiệm trở nên mờ nhạt. Nhưng một chút bâng khuâng, một chút hoài cảm với Chị tôi thôi cũng đủ làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn rồi.

Theo Tuanvietnam

LÊ VĂN LUYỆN CHẾT TRONG TRẠI GIAM?

Gần đây, dư luận rộ lên tin đồn sát thủ Lê Văn Luyện bị đánh chết trong trại giam, khiến cái tên của hắn lại được nhắc đến nhiều. Và thực tế, trên các trang báo, hơn một năm qua, hình ảnh của Lê Văn Luyện trong trại giam đã không xuất hiện. Có lẽ điều đó càng khiến nhiều người tin rằng, Luyện đã chết (?!).

Phóng viên được khuyên nên... quay về

Chuyến xe đưa đoàn phóng viên chúng tôi từ thành phố Vinh ngược lên huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đúng vào dịp rét đậm, rét hại. Đây là nơi có trại giam số 3 (thuộc Tổng cục VIII, bộ Công an) đóng trên địa bàn. Sau khi thảm án giết người, cướp tiệm vàng ở phố Sàn (Bắc Giang) được đưa ra xét xử, Lê Văn Luyện được chuyển vào đây, bắt đầu chuỗi ngày cải tạo.

Khi những tin đồn Lê Văn Luyện bị chết trong trại giam được đẩy lên rầm rộ, nhóm phóng viên chúng tôi nhanh chóng lên đường từ Hà Nội vào thành phố Vinh, rồi ngược lên huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An để tìm đến trại giam số 3 (Tổng cục VIII, bộ Công an). Vượt khoảng 400 km đường dài, dù vất vả nhưng anh em trong đoàn đều quyết tâm tìm hiểu, làm rõ thực hư sự việc.

Trong hành trình chuyến công tác đến Nghệ An, chúng tôi cũng cố gắng nghe ngóng, nắm bắt những thông tin từ các đồng nghiệp nhưng xem ra họ không nắm được nhiều về cuộc sống hiện tại của Lê Văn Luyện. Thậm chí, một đồng nghiệp báo bạn còn khuyên chúng tôi nên quay trở về vì lý do: "Chắc chắn sẽ không thể gặp được Luyện! Một số đoàn nhà báo trước đó cũng đến đây đặt vấn đề xin tiếp xúc với Lê Văn Luyện nhưng vì một số lý do tế nhị, Ban giám thị trại giam chưa đồng ý cho gặp. Trên thực tế, khoảng hơn một năm trở lại đây, không thấy Luyện xuất hiện trên mặt báo, chẳng hiểu hắn sống chết ra sao!?...".

Sát thủ máu lạnh Lê Văn Luyện sau song sắt.

Nghe đồng nghiệp cảnh báo như vậy, chúng tôi cũng phần nào hình dung ra được những khó khăn phía trước. Thế nhưng, không gặp được Lê Văn Luyện hay chí ít cũng không có một tấm hình mới nhất về hắn thì việc xác minh tin đồn Luyện bị đánh chết trong trại giam là đúng hay sai, sẽ rất khó, đặc biệt là để thuyết phục bạn đọc sẽ càng khó khăn hơn. Bởi vậy, dù thế nào thì chúng tôi cũng phải quyết tâm làm rõ sự tình.

Sau khoảng 11 tiếng đồng hồ rong ruổi trên đường, cuối cùng cánh cổng trại giam số 3 cũng hiện ra trước mặt chúng tôi. Theo quan sát của phóng viên, trại giam này được bao bọc xung quanh chủ yếu là địa hình rừng núi, biệt lập với khu dân cư. Cái lạnh cắt da, cắt thịt của những ngày đầu năm càng khiến chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây.

Tiếp phóng viên, một cán bộ trại giam chia sẻ: "Các anh chị từ dưới xuôi lên có lẽ sẽ khó chịu đựng được thời tiết ở đây, cái lạnh thì tê tái, còn sức nóng và khô hanh của gió Lào thì khó mà tả nổi. Thế nhưng, với chúng tôi thì điều đó quá quen rồi. Giờ, các anh chị lên đây, bộ mặt của trại đã thay đổi rất nhiều rồi đấy, khang trang hơn trước. Trại giam số 3 chỉ có phạm nam, không có phạm nữ và đa phần là có mức án cao, thậm chí có nhiều trường hợp từng là đại ca giang hồ lẫy lừng một thời, nhưng vào đây đã được cán bộ trại giam cảm hóa, thuần phục. Hai năm qua, ở đây không có trường hợp nào trốn trại".

Tin đồn lan đến tận trại giam

Khi được hỏi về tin đồn, một số cán bộ trong trại bảo rằng: "Cách đây không lâu, chúng tôi có nghe phong thanh về tin đồn phạm nhân Lê Văn Luyện bị chết trong trại giam, nhưng thực tế thì đâu có phải như vậy". Còn một số cán bộ khác trong trại thì tròn mắt, tỏ vẻ ngạc nhiên: "Sao người ta lại tung tin đồn thất thiệt như vậy nhỉ? Làm gì có chuyện Luyện bị đánh chết hay bị thủ tiêu? Cậu ta vẫn khỏe mạnh bình thường, ngày nào chẳng lao động cải tạo đúng giờ giấc theo quy định!...".

Một số cán bộ quản giáo thuộc phân trại 1 cũng cho biết, so với trước đây, trông Luyện hồng hào, khỏe mạnh hơn nhiều, không còn trắng bủng như hồi mới chuyển từ trại tạm giam ra. Luyện giảm khoảng gần chục kg nhưng trông rắn rỏi, nhanh nhẹn hơn hẳn. Đôi khi Luyện cũng tâm sự rằng hắn nhớ bố mẹ, gia đình và các em, đặc biệt là cậu em út mới 6 tuổi đầu.

Có lần Luyện thắc mắc, tại sao trước đây mình được cho phép gọi điện thoại về gia đình là 10 phút/tháng, nhưng giờ chỉ được gọi 5 phút/tháng. Khi đó, cán bộ quản giáo đã giải thích cho Luyện biết, theo quy định, chế độ quản lý đối với người thành niên và chưa thành niên là khác nhau. Từ đó, không còn thấy Luyện thắc mắc nữa.

Trước đây, Luyện ít khi quan tâm đến sách báo, nhưng gần đây, Luyện cũng đã quan tâm đến một số cuốn sách dạy về dưỡng sinh. Theo quy định, buổi tối, sau khi ăn cơm, các phạm nhân sẽ xem ti vi, đọc sách báo đến 21h thì đi ngủ.

"Lâu lắm mới có nhà báo gặp Luyện"

Trăm nghe không bằng một thấy. Dù chúng tôi biết Luyện vẫn còn sống và khỏe mạnh bình thường qua lời kể của cán bộ trại giam, nhưng nếu không có một tấm hình mới nhất về hắn ta thì có lẽ những tin đồn kiểu như Luyện bị đánh chết hoặc bị thủ tiêu trong trại giam vẫn sẽ còn âm ỉ, chưa thể chấm dứt bên ngoài dư luận. Bởi vậy, nhóm PV đề nghị được tiếp xúc với Lê Văn Luyện, để khẳng định với dư luận rằng, Luyện còn sống, tin đồn trên chỉ là thất thiệt.

Tuy nhiên, theo giải thích của cán bộ ở đây, sau khi được chuyển về trại, tâm lý của Luyện cũng dần có chuyển biến, bắt đầu thể hiện sự ăn năn hối cải. Thế nhưng, nếu muốn đánh giá một con người cải tạo tốt, toàn tâm toàn ý hướng thiện thì cần phải có thêm thời gian. Chính vì thế, họ đành khất hẹn đoàn PV dịp khác lên trại, họ sẽ bố trí cho gặp Luyện, khi đó cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra cởi mở hơn bây giờ.

Phải rất vất vả và mất nhiều thời gian để chúng tôi thuyết phục, sang ngày hôm sau, cuối cùng thì Ban giám thị trại giam cũng đồng ý sắp xếp cho chúng tôi một buổi gặp gỡ với Lê Văn Luyện. Nói như một cán bộ ở đây: "Lâu lắm rồi mới có đoàn nhà báo gặp Luyện"!

Trong trại, Luyện được học giáo dục công dân, học nghề làm mi mắt giả

Theo trung tá Nguyễn Sỹ Chương, Đội trưởng Đội trinh sát (trại giam số 3) cho biết, hiện tại phạm nhân Lê Văn Luyện được phân về đội 7, phân trại 1, trại giam số 3. Khi mới được đưa từ trại tạm giam công an tỉnh Bắc Giang vào đây, Lê Văn Luyện cũng như các phạm nhân mới khác được tạo điều kiện học giáo dục công dân. Sau đó, Luyện được hướng dẫn học nghề khoảng 2 tháng và công việc lao động hiện tại là làm mi mắt giả. 

Kẻ sát nhân mong gia đình vào thăm

Theo các cán bộ ở đây, ngày Luyện vừa được chuyển vào trại giam số 3, gia đình hắn có khoảng gần chục người đến thăm gặp, động viên hắn cải tạo cho tốt. Ban giám thị trại giam đã tạo điều kiện để họ gặp nhau mấy tiếng đồng hồ. Lúc chia tay mẹ, cậu và những người thân khác, Lê Văn Luyện tỏ ra quyến luyến, hứa sẽ cải tạo tốt để phần nào chuộc lại lỗi lầm.

Tuy nhiên, cũng từ ngày đó đến nay, tức là gần 2 năm qua, không có ai trong gia đình Luyện vào thăm hắn, có lẽ là do điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá xa xôi, cách trở. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, cán bộ quản giáo đã tiếp xúc, động viên Luyện rất nhiều để hắn vơi đi nỗi nhớ nhà. Những ngày này, quan sát từ bên ngoài, Luyện không có biểu hiện gì buồn bã chán chường, hắn vẫn ăn ngủ, cải tạo bình thường.

Kỳ 2: Tiếp xúc độc quyền, nghe Luyện trải lòng trong trại giam.

Theo Hường – Tuân - Giáp
ĐSPL

HIẾN PHÁP MỚI MỞ RỘNG CẢM THỨC TÂM LINH CHO NHÂN DÂN

Hiến pháp mới mở rộng cảm thức tâm linh cho nhân dân

DLV amaritx

Hiến pháp mới đi vào cuộc sống như thế nào là câu hỏi thường trực đối với tất cả mọi người, nhất là đối với những vấn đề khó và nhạy cảm như tôn giáo. Xuất phát từ tư duy như vậy, trao đổi với ĐBQH, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM, TSKH, HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN, và Hòa Thượng vừa ung dung tự tại vừa hứng khởi đã vào thẳng câu chuyện thời sự này:

- Thưa Hòa Thượng, Hiến pháp mới đề cập tới vấn đề tôn giáo có điểm mới, đồng thời còn giữ được nguyên tắc cơ bản của một nhà nước XHCN. Thầy bình luận gì về điểm này và có thể trao đổi với bạn đọc Báo ĐBND?

- Điều 24 của Hiến pháp mới ghi rõ:

Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào – Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Khoản 1 và khoản 3 điều 24, giữ nguyên tinh thần của nội dung Điều 1, Pháp lệnh tôn giáo năm 2004. Riêng khoản 2 của Điều 24, Hiến pháp mới, thì nhấn mạnh hơn một bước về chủ trương tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước: Không phải chỉ chấp nhận người công dân có tự do tín ngưỡng một cách hình thức văn bản, hoặc một cách bình thường, mà còn tỏ rõ thái độ chấp nhận tích cực – tôn trọng – và chẳng những chấp nhận mà còn giúp đỡ tôn giáo giữ gìn và phát huy tổ chức, truyền thống tôn giáo của mình – bảo hộ – không để cho tổ chức tôn giáo sa sút, suy yếu. Hiến pháp mới như thế đã xác định rất rõ ràng Hiến pháp và luật pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền sống thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam. Thế là hoàn toàn đầy đủ về quyền tự do này, và thật sự đầy đủ để triển khai thành một đạo luật tôn giáo về sau.

- Tôn giáo – một thuộc tính tự nhiên của con người, một thuộc tính có lẽ là sự ứng xử tự nhiên giữa con người với con người – trong đời sống hiện đại hình như giá trị của nó vẫn chưa có gì thay đổi so với thời sơ khai. Nếu có thay đổi chắc chỉ là hình thức. Vậy thưa Thầy chúng ta cần đề cập tới khả năng tôn giáo nâng đỡ đời sống xã hội, nâng đỡ những người mất niềm tin như quan niệm của Marx và đó chính là đóng góp lớn của tôn giáo với sự vận động của xã hội?

- Vũ trụ từ buổi ban sơ đã chụp phủ xuống cuộc đời với vô số thần bí, với vô vàn sức mạnh thiên nhiên. Con người với thân phận bé bỏng, mỏng manh, hầu như đã có sẵn thiên hướng kính ngưỡng, thần phục các năng lực siêu nhiên, tôn thờ các năng lực siêu nhiên từ ấy. Đấy là điều mà người ta bảo tín ngưỡng, tôn giáo là thuộc tính của con người. Thời gian đi qua, tâm lý tự ti và sợ hãi càng đòi hỏi nhiều hơn chỗ dựa tinh thần; mặt khác nhu cầu hiểu biết đi tìm sự thật của cuộc đời ngày càng phát triển mạnh: đây là lý do có mặt các tôn giáo lớn, nhỏ. Không ai có thể phủ nhận sự thật hiển nhiên ấy. Do vậy mà Hiến pháp của ta, và của nhiều quốc gia trên thế giới, ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền sống cơ bản của công dân. Chừng nào mà cái sống, cái chết và chân lý vẫn còn là câu hỏi nghìn đời thì chừng ấy quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo vẫn còn được trân trọng bảo hộ.

Trên thực tế, tôn giáo có đóng góp lớn vào sự vận động của xã hội, như Marx từng nói. Ở đây tôi chỉ trưng dẫn một số nét tiêu biểu về mặt đóng góp tích cực của Phật giáo.

Sự thật Duyên Khởi (Paiccasamuppada – Dependent Origination) mà Đức Phật giác ngộ dưới cội Bồ đề cách đây 26 thế kỷ là sự thật của sự sinh thành của vạn hữu, của cái sống, cái chết, khổ đau và giải thoát khổ đau, là câu trả lời rất trí tuệ cho các câu hỏi siêu hình, là con đường đi đến chân lý (hay chân, thiện, mỹ). Bên cạnh đó có những giáo lý phổ thông dành cho đại đa số quần chúng như là nhân cách xử thế hiền thiện và thiết thực. Như kinh Singàla, Trường bộ kinh; kinh Thiện sinh, Trường A hàm số 16; và Trung A hàm số 135 giới thiệu sáu mối tương giao xã hội rất ý nghĩa và bổ ích cho đến hiện tại: tương hệ giữa cha mẹ và con cái; tương hệ giữa thầy và trò; tương hệ giữa vợ và chồng; tương hệ giữa bạn bè; tương hệ giữa chủ và các cộng sự; và tương hệ giữa các tu sỹ và cư sỹ (người đời). Lời dạy của kinh điển tôn giáo làm vững mạnh thêm lòng tin của người thực hiện sẽ đem lại kết quả cao hơn là các lời lẽ trong sách vở ở học đường. Như năm giới cấm: không được sát sinh; không được trộm cắp; không được tà hạnh trong các dục; không được nói dối; và không được uống rượu hay sử dụng các chất men say sẽ giúp xã hội loại bỏ được nhiều tiêu cực, rối ren. Còn có rất nhiều lời khuyên dạy hữu ích khác. Giáo lý về Nhân quả và Nghiệp báo, Luân hồi giúp con người có niềm tin vững chắc để hướng dẫn đời sống mình sống hiền thiện, vị tha, và sống đúng pháp, đúng luật đạo và đời. Chỉ vài nét tiêu biểu ấy là đủ để các nhà lập pháp tham khảo để xây dựng luật tôn giáo. Đây là lời lẽ chân thật.

- Thưa Thầy, từ Hiến định chúng ta cần phát triển điều gì, cụ thể điều gì trong luật tôn giáo. Ở đây, xin được đi sâu vào lĩnh vực tôn giáo và giáo dục, lĩnh vực mà tôn giáo rất có thế mạnh?

- Đúng như câu hỏi. Như các điều vừa đề cập ở trên, Phật giáo cũng như một số tôn giáo bạn, có nhiều khía cạnh xã hội có thể có những đóng góp tích cực. Ngoài ra tôn giáo còn là đối tượng tìm hiểu, nghiên cứu ở học đường, cấp đại học và trên đại học. Vì vậy từ Hiến định, luật tôn giáo ở ngày mai cần xác định vai trò giáo dục của tôn giáo, đặc biệt là ở cấp mẫu giáo và cấp đại học và trên đại học của học đường quốc gia. Có thể cấp văn bằng Thạc sỹ và Tiến sỹ về tôn giáo và tôn giáo học, có thể mời thỉnh giảng các học giả và tu sỹ các tôn giáo. Đây là một nguồn tư tưởng và văn hóa rất cần thiết trong hướng hình thành và phát triển văn hóa nước nhà. Đây cũng là một nguồn, một đối tượng hội nhập khu vực và quốc tế. Cũng trong ý nghĩa giáo dục của tôn giáo, giáo dục đạo đức – hay đạo đức tôn giáo – sẽ có nhiều đóng góp cho học đường trong lãnh vực xây dựng nhân cách con người, một nhân cách sống chân thật, hiền thiện, vị tha và vong ngã vì hạnh phúc và an bình của nhân dân. Tất cả phải thành luật thì mới có hướng để hành động rộng rãi cho sự đóng góp của tôn giáo vào các vận hành tốt đẹp của xã hội. Điều nầy rất mong được các nhà giáo dục và lập pháp quan tâm đánh giá đúng mức.

- Phật giáo – một cảm quan êm đềm trong đời sống tâm linh của người Việt – sẽ được gì và sẽ đóng góp gì cho việc Hiến pháp mới đi vào đời sống của nhân dân ta, đất nước ta, xin Thầy chia sẻ với bạn đọc?

- Hiến pháp mới là bản Hiến pháp của dân tộc tỏa sáng nhất cho đến nay, đáp ứng được các yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, hướng đến công nghiệp hóa và hiện đại hóa vào năm 2020, phát triển đất nước hưng thịnh nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, và văn minh, thể hiện độc lập, tự do và hạnh phúc.

Trong hướng phát triển đó, Phật giáo có thêm nhân duyên thuận lợi để phát triển Giáo hội, phát huy văn hóa Phật giáo Việt Nam và sẽ có các đóng góp đáng kể cho đất nước, nhân dân ta. Trong suốt hai nghìn năm lịch sử đồng hành với dân tộc, văn hóa Phật giáo Việt Nam đã thể nhập vào dòng văn hóa Việt Nam tạo thành cảm thức tâm linh của nhân dân ta rất an bình, êm ả, hình thành một niềm tin tâm linh vững chãi đứng vững giữa đời sống biến động, trở thành động lực phấn đấu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể, dòng văn hóa Phật giáo chuyên chở nguồn giáo lý trí tuệ, vô ngã, vị tha, từ bi, hỷ xả, dũng cảm, vô úy mà báo Đại biểu Nhân dân đã bàn đến đó đây trong nhiều bài báo trước, và như ta vừa đề cập đến. Ở đây ta chỉ đề cập đến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong đó hơn một nửa dân số là tín đồ Phật giáo và những người dân hâm mộ Phật giáo; và ở đây ta chỉ bàn đến vai trò đạo đức Phật giáo đóng góp vào vai trò đạo đức xã hội bảo đảm vấn đề an sinh.

Về đại đoàn kết dân tộc, lịch sử Phật giáo thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần và cả về sau này, đã chứng tỏ Phật giáo Việt Nam luôn trung thành với lý tưởng bảo vệ đất nước, chống ngoại xâm, và xây dựng đất nước hưng vượng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện tại với châm ngôn Đạo pháp, Dân tộc, Chủ Nghĩa Xã Hội tiếp nối thực hiện lý tưởng trung thành ấy. Điều này nói lên rằng lực lượng Phật giáo Việt Nam là lực lượng đáng tin cậy của dân tộc, đáng được xây dựng vững chắc để phát triển sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc vận dụng vào việc giữ nước và dựng nước.

Về đạo đức Phật giáo, ngoài ý nghĩa đạo đức giải thoát, Phật giáo chủ trương không làm tất cả việc ác, và làm tất cả việc thiện rất tốt cho nhân dân – tin tưởng và thuyết Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi – tránh xa hết thảy các tiêu cực xã hội như tham nhũng, lãng phí, bất công, lường gạt, dối trá… ở trong các ngành văn hóa, giáo dục, y tế, thương mại, xã hội… bảo đảm được an sinh cho nhân dân. Nếp sống văn hóa này vững mạnh đòi hỏi có thời gian dài xây dựng. Việc bài trừ các tiêu cực xã hội cũng đòi hỏi nhiều thời gian thực hiện. Vì vậy, đòi hỏi Chính phủ và nhân dân có niềm tin vững chắc, kiên trì phấn đấu không dao động bên cạnh việc thực thi các biện pháp hành chính và an ninh khác. Ở đây, chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng đây là sự đúc kết trí tuệ của Phật giáo và Dân tộc cho vấn đề thực thi, mà không phải là triết lý hay lý thuyết. Đây là vấn đề của thực hiện sau khi có kết luận từ một sự nghiên cứu kỹ càng về tư tưởng và lịch sử. Chính sự thực hiện này mới là sự đóng góp lớn của Phật giáo Việt Nam cho Dân tộc Việt Nam trong giai đoạn thực thi Hiến pháp mới của chúng ta…

- Chân thành cám ơn Hòa thượng!

Thanh Tâm