Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

"KÌ ÁN LỆ RƠI" - CÓ THẬT LÀ TRUYỀN THÔNG CÓ LỖI?

Em vừa đọc được bài này trên trang của Blogger Nguyễn Ngọc Long hay quá, xin phép bác ý được share lên đây cho bà con đọc. Xem là hiện tượng Lệ Rơi liệu có thật là truyền thông có lỗi không nhé:

"Vừa rồi, một tờ báo đã chọn Lệ Rơi để giao lưu trực tuyến ngay lập tức có những dư luận trái chiều. Có người cho rằng việc đó là không đáng, có người lại bảo cũng bình thường và phù hợp. Quan điểm của anh thế nào?

Tờ báo tổ chức cho ca sĩ Lệ Rơi giao lưu trực tuyến là Dân Việt. Thông tin ở trang web danviet.vn nói đây là báo điện tử của báo Nông Thôn Ngày Nay. Chủ đề của cuộc giao lưu là "Lệ Rơi - anh nông dân từ sau lũy tre làng bước lên thế giới phẳng". Theo tôi được biết thì Lệ Rơi cũng không có "vấn đề gì" về mặt pháp luật tại thời điểm được Dân Việt mời giao lưu, ngoại trừ việc... đang nổi tiếng và được nhiều người biết đến!

Việc một tờ báo "Nông Thôn", mời một người nông dân nổi tiếng trên mạng Internet, chưa vi phạm pháp luật, chưa làm gì sai trái đến giao lưu với đọc giả của họ về chủ đề "sau luỹ trên làng bước lên thế giới phẳng" là một việc tôi thấy hết sức bình thường về nghiệp vụ, hợp lý về mặt nội dung và có nhiều ý nghĩa tốt đẹp về mặt xã hội. Chỉ tiếc là trong tấm hình chụp lại quang cảnh tặng hoa cho nhân vật chính, tôi thấy tấm panô quảng cáo đã "bay mất" chữ "ca sĩ", chỉ còn lại Lệ Rơi.

(?) Điều đó nói lên việc gì, và tại sao anh cho rằng như vậy là đáng tiếc?

Tôi cho rằng họ có mục đích riêng khi làm như vậy. Ngay trong phần dẫn nhập của cuộc giao lưu đã nói mục đích chính "không phải là để tung hô, lăng xê Lệ Rơi hay có ý giúp anh rộng đường vào showbiz mà trên hết, đó là giúp bạn đọc hiểu đủ, hiểu đúng & có cái nhìn tích cực, khách quan hơn về 1 chân dung nhà nông thú vị, một anh nông dân tò mò trên thế giới phẳng". Tức là họ muốn mời Lệ Rơi tới giao lưu với tư cách một người nông dân.

Đầu chương trình giao lưu, thì Lệ Rơi đã nói rằng "Xin mọi người đừng gọi tôi là ca sĩ, tôi chỉ là một anh nông dân thích ca hát". Tuy nhiên trước đó, ở clip được coi là "giải nghệ" thì nhân vật chính của chúng ta tự nhận mình là ca sĩ và lặp đi lặp lại tuyên bố đó rất nhiều. Trong bài giới thiệu trước buổi giao lưu 1 ngày, thì trên trang báo đứng ra tổ chức cũng nói rằng sẽ "Giao lưu trực tuyến với "ca sĩ" Lệ Rơi". Như vậy, tôi thấy có sự thay đổi trong suy nghĩ và lời nói của Lệ Rơi. Tôi không biết nguyên nhân của sự thay đổi đó là gì nhưng thấy tiếc, vì trước đó Lệ Rơi không quan tâm đến người ta nhận xét gì, Lệ Rơi vẫn hát say mê vì đó là điều Lệ Rơi thích. Nhưng bây giờ, sự vô tư và "mặc kệ" đó đã không còn.

(?) Theo anh, có hay không việc dư luận "ép" không cho Lệ Rơi được làm ca sĩ?

Dư luận thì 9 người 10 ý. Người ủng hộ nhiệt tình, người ném đá và chê bai ra mặt, người động viên tích cực, cũng có người dè bỉu chê bai và khen... đểu! Đó là chuyện hết sức bình thường. Tôi quan tâm nhiều hơn đến góc nhìn của truyền thông - báo chí trong trường hợp của Lệ Rơi, vì đó mới là những "dư luận" thực sự có ảnh hưởng.

Lệ Rơi bắt đầu được truyền thông chú ý và đăng tin từ ngày 23/6/2014 (nếu có báo nào đăng trước nữa thì tôi chưa tìm được). Tính đến thời điểm này, có ít nhất 264 bài viết riêng rẽ trên các trang tin, trang báo mạng viết về Lệ Rơi. Báo chí dùng đủ từ ngữ để gọi Lệ Rơi như "ca sĩ", giọng ca thảm hoạ, hiện tượng mạng, ca sĩ gây shock...

Người ta ở đây, tức là các nhà báo, từ ban đầu là thờ ơ không quan tâm, chuyển qua giai đoạn săn đón nhiệt tình, nhưng lại dùng đủ lời lẽ khó nghe để bình luận về Lệ Rơi với những quy kết đầy tính chủ quan và cá nhân như "chàng nông dân xấu trai đáp ứng thị hiếu nhảm của dân mạng", "xấu trai hát dở", "tung bài hát thảm hoạ không còn ai nhận ra bài gì"...

Và trong số 264 bài báo đó, rất nhiều bài đã cho chữ ca sĩ hoặc ca sĩ Lệ Rơi vào trong ngoặc kép, với hàm ý không công nhận Lệ Rơi là ca sĩ. Tôi cũng không hiểu tại sao lại có quan điểm như vậy? Vì Lệ Rơi xấu trai, vì hát dở hay vì đây chỉ là chàng trai trồng ổi? Thực ra thì phần lớn ca sĩ nổi tiếng hiện nay đều không qua học hành đào tạo trong nhạc viện. Cũng chưa có quy định nào về mặt pháp luật cho danh xưng này cả. Tại sao các ca sĩ khác được mặc nhiên công nhận, nhưng mọi người lại quá khó khăn khi chấp nhận sự nổi tiếng được coi là "bất thường" của Lệ Rơi?

(?) Có thông tin cho rằng Lệ Rơi muốn "giã từ" sân khấu mạng. Phải chăng không chịu được áp lực của "dư luận mạng"?

Thực tế đến bây giờ thì Lệ Rơi vẫn chưa "giã từ sân khấu". Không những thế, Lệ Rơi còn xuất hiện bên cạnh một số thương hiệu liên quan đến âm nhạc, và những bầu sô có "số má" ở Hà Nội. Hình ảnh của Lệ Rơi được dùng để quảng cáo cho một đêm giao lưu (chứ không phải đêm nhạc) ở quán bar với phong thái được photoshop như ngôi sao "sâu bít".

Những động thái này không thể hiện việc Lệ Rơi bị mệt mỏi vì áp lực của "dư luận mạng". Tôi cho rằng sẽ còn có một số đơn vị khác nhanh tay tận dụng khai thác sự nổi tiếng của Lệ Rơi. Và với bản thân Lệ Rơi, đến giờ phút này, hãy cứ yên tâm rằng ca sĩ mạng của chúng ta đã quen với các thị phi khi tự nhiên nổi tiếng.

(?) Anh có dự báo gì về hướng đi tiếp theo của Lệ Rơi? Hiện tượng mạng này sẽ có một điểm dừng trong thời gian tới?

Như trước đây tôi từng phân tích, Lệ Rơi nổi tiếng vì những hành động mà số đông cho rằng "kỳ quặc" thậm chí là "ngớ ngẩn" (http://goo.gl/kGs5vA). Họ thấy thích vì Lệ Rơi khiến họ thấy vui và lạ, giúp họ giải trí trong cuộc sống có nhiều căng thẳng, thậm chí chỉ là để thoả mãn được sự hiếu kỳ. Họ sẽ tiếp tục tìm đến Lệ Rơi khi câu chuyện còn tiếp diễn.

Cái lạ thì luôn có thời gian. Thường là rất ngắn. Giống như anh chưa bao giờ nghĩ rằng có một người con gái ngày trước vốn là con trai, thì khi anh nghe tới trường hợp của ca sĩ Cindy Thái Tài anh thấy lạ và quan tâm theo dõi. Nhưng đến người thứ 2, thứ 3... thì yếu tố chuyển đổi giới tính như vậy không còn là lạ nữa. Nó đã trở thành một điều bình thường trong cuộc sống. Những người đến với Cindy Thái Tài vì tò mò sau một thời gian họ sẽ bỏ cô đi, chỉ còn lại những người thực sự quan tâm và yêu mến giọng ca tiếng hát của Cindy. Lệ Rơi không nằm ngoài quy luật đấy. Cái lạ của Lệ Rơi sẽ từ từ hết... lạ sau chừng một tháng nữa, thậm chí ít hơn.

Còn cái vui thì phụ thuộc lớn vào tài năng "gây cười" của Lệ Rơi. Phân tích các clip mà Lệ Rơi sản xuất, tôi thấy Lệ Rơi gây cười (không biết vô tình hay cố ý) bằng chi tiết "lói ngọng", tự tin quá mức, có một ngoại hình đối lập với các ca sĩ nổi tiếng mà Lệ Rơi đang "chặt chém"... Và tất cả chỉ có thế thôi. Những yếu tố này nhìn chung hơi bản năng, nếu không cố gắng rèn luyện thêm để biến nó thành "tài năng" thì yếu tố tạo ra sự vui vẻ dần dần cũng thành nhàm chán.

Một thí dụ dễ thấy nhất là trường hợp của cô gái Mẫn Nhi ở TpHCM, với ngoại hình "không giống như siêu mẫu thông thường" nhưng tự nhận mình là siêu mẫu và có thời gian "qua lại" với hàng loạt ca sĩ nổi tiếng cũng trở thành đề tài gây cười cho cư dân mạng. Tuy nhiên, đến bây giờ thì Mẫn Nhi cũng đã "chìm" rồi.

(?) Nhìn từ góc độ truyền thông, theo anh những người có thể nổi tiếng sẽ phải chuẩn bị những điều gì để không bị "tắt phụt" vì áp lực kỳ thị?

Tôi không nghĩ là Lệ Rơi hay ai đó sẽ bị "tắt phụt" khi truyền thông kỳ thị. Cái chính là tài năng thực sự của họ đến đâu. Người ta hay nói "phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi". Cần phân biệt rõ hai khái niệm này.

Người ta đến với Lệ Rơi vì họ thấy vui, hoặc là thấy yêu mến cái tính thật thà chất phác của Lệ Rơi. Khi Lệ Rơi lên thành phố, ngồi xế bạc tỷ, xuất hiện ở quán bar như một ngôi sao "sô bít", lên báo để giao lưu trực tuyến... thì dần dần khán giả của Lệ Rơi sẽ thấy cái chất phác của anh nông dân trồng ổi "bay đi ít nhiều".

Tôi không nghĩ việc đó là xấu hay tốt như một số người quá cực đoan. Vì Lệ Rơi đâu phải trẻ con, cậu ấy làm gì là do bản thân tự chịu trách nhiệm đấy chứ. Chúng ta không sống cuộc đời của người khác thì đừng bắt người khác phải trở thành hình mẫu mà chúng ta mong muốn. Chỉ có điều, khi bị "hiện đại hoá" bản thân như vậy, thì Lệ Rơi tự làm mất đi cái lợi thế của mình. Khán giả họ nhanh thích thì cũng nhanh chán lắm, Lệ Rơi toả sáng hay tắt phụt hoàn toàn do tài năng và bản lĩnh của cậu ấy đến đâu. Truyền thông không có lỗi."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét