Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

BÁO TIỀN PHONG PHẢI CHĂNG CŨNG CÓ KỀN KỀN?

Báo Tiền Phong phải chăng cũng có kền kền ???

Hôm nay mình sang Quân chủng PK-KQ xin danh sách gia đình, hoàn cảnh, địa chỉ liên hệ của các đồng chí vừa hy sinh mà lòng nặng trĩu... Mình phải sang tận nơi, gặp tận các chỉ huy, xin thông tin chính xác, có xác nhận hẳn hoi mà cũng chẳng dám bô lô ba la, phóng up gì lên báo lêng FB cả vì thực sự đây là chuyện đau thương chứ hay ho gì mà khoa trương, ầm ĩ...

Về nhà đọc được bài trên báo Tiền Phong mà thấy cay đắng cho nghề và xúc phạm thay cho những đồng đội hy sinh và cả thân nhân gia đình họ. Bài báo giật tít: Choáng váng khi nhận hung tin trực thăng Mi-171 rơi. Mình không bàn đến nội dung thông tin vụ tai nạn mà bài báo đề cập mà chỉ xin nói tới phần cuối được viết như sau:

Choáng váng khi nhận hung tin
Sáng qua, phóng viên H.A, người từng ngồi trên chiếc trực thăng gặp nạn trên trong dịp đi ứng cứu nạn nhân sập cầu Chu Va 6 tại Lai Châu vào tháng 3/2014 đã bủn rủn chân tay khi nhận được hung tin. Anh H.A cho biết, sau khi nhận được tin trực thăng rơi, anh lập tức lên đường đi tác nghiệp, nhưng khi tới hiện trường nhận diện được chiếc trực thăng trên anh rụng rời chân tay và không thể tiếp tục tác nghiệp.
Một người bạn tên H. từng được chiến sỹ K. (tử nạn trên máy bay Mi-171 số hiệu 01) huấn luyện nhảy dù, đang làm việc tại một đài truyền hình trên địa bàn TP Hà Nội cũng khóc nức nở từ khi đọc được tin chuyến bay gặp nạn trên báo Tiền Phong. Chị H. khóc thâu trưa không cầm được nước mắt cũng không bình tâm để chia sẻ thông tin về cuộc sống của người bạn đã tử nạn.
Trên mạng xã hội facebook, một người nhận là vợ của một phi công hy sinh chia sẻ: “…Thời gian có thể làm vơi đi nỗi đau của sự mất mát, nhưng vết sẹo của sự mất mát ấy sẽ mãi không thể lành. Con có mặt trên đời là sự ban tặng tuyệt vời của tạo hóa, một kết quả của tình yêu giữa cha và mẹ. Nhưng cũng tạo hóa đã để cha ra đi quá sớm. Đã có một thời gian mẹ oán trách số phận và ghét cay ghét đắng cái nghề mà cha con đã chọn. Chỉ cần nghe ai nói đến “phi công” và “máy bay” là mẹ tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Những ngày con còn trong bụng, mẹ gặm nhấm nỗi đau của sự thiếu vắng và hụt hẫng một mình… Nhưng sự hy sinh đó thực sự là hy sinh vì tình yêu, vì Tổ quốc, nó cao cả hơn cả những điều mẹ nghĩ”.

Bản thân mình đang học nghề báo nhưng cũng cảm thấy chờn mỗi khi đọc bài viết cái kiểu dẫn thông tin mù mờ, vô định như: Anh A, chị H, bà K, ông Z cho hay; Một người quen của nạn nhân chia sẻ; thậm chí bây giờ là cái kiểu đưa luôn cả thông tin chộp giật trên mạng FB mà chẳng cần biết đúng hay sai, kiểm chứng có thật hay không? Ngồi nhà mà đọc FB rồi trích thành bài báo thì ai chả làm được, cần gì nhà báo nữa. Đằng này còn trích sai, dẫn nguồn không đàng hoàng nếu không muốn nói là cẩu thả, vô trách nhiệm hoặc có tình dựng chuyện, tạo ra thông tin để câu khách cho bài báo...

Việc bài vở mình viết trên FB được mọi người chia sẻ, thậm chí xin lại để đăng báo hoặc các trang thông tin là chuyện bình thường không mới. Thế nhưng đến một đồng nghiệp lấy thông tin từ FB của mình rồi bóp méo thành hình thức khác để nhét vào bài của họ thì thật là xúc phạm. Đoạn viết cuối của bài báo trên copy phần nội dung trên FB trong bài viết Chuyện về người lính không quân của mình viết sáng 7-7, buổi sáng xảy ra tai nạn. Chuyện sử dụng lại thông tin không có gì to tát, điều mình muốn nói là tác giả bài báo ngang nhiên sửa câu chuyện lại một cách thô bỉ và xót xa cho chính nhân vật.

Người mình nhắc đến trong bài viết là chị bạn đồng nghiệp cùng cơ quan, có chồng là phi công Trần Thanh Nghị, hy sinh tháng 7-2009, tức là cách đây 5 năm. Bài viết của chị Bầu trời còn mãi nụ cười của anh được đăng trên báo Quân đội nhân dân số ngày 20-7-2012, nhân tròn 3 năm anh đi xa. Trong đó chị đã nhắc lại những kỷ niệm đau buồn, thời kỳ khó khăn vô cùng với người vợ trẻ mang thai con tháng thứ 9 khi chồng hy sinh. Nhưng bằng tình yêu thương và nghị lực cùng sự động viên, chia sẻ của mọi người, chị và các con đã vượt qua để tiếp tục sống tốt hơn, nhưng vẫn luôn thương nhớ về anh....

Bài viết của mình nhắc lại câu chuyện đó nhằm bày tỏ sự đồng cảm của chính người có hoàn cảnh tương tự với những người mẹ, người vợ, người con của các đồng chí vừa hy sinh để thêm sức mạnh bước qua nỗi đau...

Thế mà "đồng nghiệp" báo TP tự ý "tác nghiệp" câu chuyện 5 năm trước thành chuyện vừa xảy ra như thật: Thậm chí mạnh dạn viết rằng: Trên mạng xã hội facebook, một người nhận là vợ của một phi công hy sinh chia sẻ:..

Mình tin chắc chị đồng nghiệp của mình không hề đưa bài viết lên FB, và càng không có đoạn "tự nhận là vợ phi công hy sinh". Thật quá xúc phạm và thô bỉ khi viết như vậy. Và mình cũng tin mình là người duy nhất nhớ câu chuyện đó để viết thành bài đưa lên FB chứ không có ai khác cả... Vậy mà sao ?

Có nhiều lý do để đổ lỗi, bí quá là đổ lỗi cho FB, cho anh Mác Du Dê Bếch chăng ? Có nhiều cách để tiếp cận nguồn tin, triển khai bài viết xúc động, gay cấn, hấp dẫn lắm... Nhưng với những đề tài đau thương, xót xa và trân trọng thế này, đừng làm trò bậy...

Rồi đến lúc lại hỏi tại sao công chúng gọi nhà báo là KỀN KỀN!

Cũng dể hiểu thôi mà !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét