Trung Hoa giờ thực chất chỉ còn là một nền văn minh già cỗi, ngàn năm không trưởng thành. Nhưng di sản quá khứ đè nặng, nhiều người Việt Nam sợ hãi trước Trung Quốc đến độ tự kỷ ám thị!
Mười năm về trước tôi có anh bạn là người chuyên dịch tiếng Việt ra Anh ngữ tại một đơn vị truyền thông. Anh này gặp phải một tai nạn nghề nghiệp khá là ngớ ngẩn khi dịch liều cụm từ "cá ngựa" ra thành "fish horse". Vụ việc rắc rối đến độ Viện Hải Dương Học ở Nha Trang gửi hẳn một công văn ra cho lãnh đạo đơn vị truyền thông nói trên. Họ hủy bỏ hợp đồng quảng cáo, bởi không thể chấp nhận nổi trong bài viết quảng bá hình ảnh của một Viện khoa học lại có một lỗi dịch thuật ngớ ngẩn như vậy.
Giờ đây, chúng ta đang được chứng kiến một trường hợp tương tự chỉ có điều đó là hình ảnh của một quốc gia một dân tộc.
Nhà "đạo đức" tên "lãng tử" và Fukuzawa Yukichi
Ngày 19/6/2014, Hoàn Cầu Thời Báo bản tiếng Trung xuất bản bài viết nhan đề: "Dương Khiết Trì thăm Việt đàm Nam Hải: Phụng khuyến Việt Nam tảo nhật hồi đầu" (杨洁篪访越谈南海 奉劝越南早日回头). Tạm dịch: "Dương Khiết Trì thăm Việt (Nam) bàn về Nam Hải: Chân thành khuyên Việt Nam sớm quay đầu" (Phụng khuyến - 奉劝 có nghĩa là khuyên bảo một cách tôn trọng, chân thành; dịch thô là "xin khuyên" - xin khuyên Việt Nam sớm quay đầu).
Hình chụp bài báo trên Hoàn Cầu bản tiếng Trung |
Nội dung bài viết nói về sự chân thành, tôn trọng của Trung Quốc ngay cả khi mối quan hệ giữa hai nước Trung - Việt đang ở trong tình trạng căng thẳng. Người viết bài này cho rằng: Ông Dương Khiết Trì (Quốc Vụ Khanh Trung Quốc) thăm Việt Nam đã thể hiện sự tôn trọng và tấm lòng chân thành của phía Trung Quốc đối với tình hữu nghị và tình cảm của nhân dân hai nước Việt - Trung.
Trên quan điểm của phía Trung Quốc, họ khẳng định: Hoàng Sa là lãnh thổ cố hữu của họ, khuyên Việt Nam không nên gây căng thẳng.
Trong bài viết này, hình ảnh Trung Quốc hiện lên đầy "vương đạo", đó gần như là một nhà đạo đức theo đúng chuẩn mực Trung Hoa, còn Việt Nam mang hình ảnh của một tay "lãng tử" - Kẻ chơi bời phóng túng, không coi trọng bất cứ một nguyên tắc nào.
Người ta cũng có thể thấy được người viết bài này ngụ ý nhắc nhở Việt Nam về công hàm Phạm Văn Đông (năm 1958) - Luật chơi đã được chính anh (Việt Nam) ký kết và tuyên bố tôn trọng.
Người ta cũng có thể thấy được người viết bài này ngụ ý nhắc nhở Việt Nam về công hàm Phạm Văn Đông (năm 1958) - Luật chơi đã được chính anh (Việt Nam) ký kết và tuyên bố tôn trọng.
Tóm lược lại tinh thần cả bài là câu văn cổ kính, trầm bổng và không kém phần thống thiết:“Trung quốc dụng tâm lương khổ phụng khuyến Việt Nam "lãng tử hồi đầu" (中国用心良苦,奉劝越南“浪子回头).Chỉ có điều ở những câu văn như vậy mỹ miều thì có mà thực tế thì không, giảng đạo đức "cổ lai hi" khi mình là kẻ phi đạo đức!
Thật không khác gì những điều mà Fukuzawa Yukichi đã nhận định về Trung Quốc từ 130 năm về trước.
Mưu hèn kế bẩn
Nội dung bài viết thực tế là như vậy. Nhưng thành ngữ "lãng tử hồi đầu" đã nhanh chóng gây bão trên cộng đồng mạng bởi lối dịch theo kiểu "cá ngựa" = "fish horse".
Câu văn “Trung quốc dụng tâm lương khổ phụng khuyến Việt Nam lãng tử hồi đầu" được khoanh màu đỏ |
Chữ lãng (浪): sóng, phóng túng, buông thả không bị ràng buộc bị dịch ép thành Prodigal (hoang đàng).
Chữ tử (子) ngay lập tức được dịch thành Son (con)
Và đương nhiên hậu quả là "lãng tử" đã trở thành "đứa con hoang đàng".
Câu nguyên văn của bài báo: “Trung quốc dụng tâm lương khổ phụng khuyến Việt Nam lãng tử hồi đầu" (中国用心良苦,奉劝越南“浪子回头), tạm dịch: "Đau đáu trong tim, Trung Quốc chân thành khuyên Việt Nam "lãng tử quay đầu"" đã được biến báo để thành: Chinese Media: In Vietnam, Yang Calls 'Prodigal Son' to Return Home.
Nghĩa là: Truyền thông Trung Quốc: Tại Việt Nam (ông) Dương (Khiết Trì) gọi đứa con hoang đàng trở về nhà.
Lối dịch như vậy thực chất là mưu hèn kế bẩn của người dịch thuật, hoặc giả người dịch bài báo không có được một chút vốn kiến thức về văn hóa Á Đông. Cũng có thể đây chỉ là trò câu view tạo sự kiện rất đặc trưng của ngành truyền thông.
Bệnh thì nên ít lời
Điều đáng tiếc và đáng giận là ở chỗ nhiều người Việt Nam nông nổi, hời hợt, không chịu hiểu, chịu học đến nơi đến chốn đã hùa theo cách dịch này rồi tự chuốc lấy nhục nhã. Họ đau đớn đến độ bàng hoàng và phẫn nộ khi bị người Trung Quốc coi là "đứa con hoang đàng".
Kỳ thật họ đã tự kỷ ám thị! Thay vì khinh thường mưu hèn kế bẩn của người dịch thuật (rất đặc trưng kiểu Trung Quốc) thì họ lại đau một nỗi đau ảo tưởng, họ xấu hổ trước trước nỗi xấu hổ không hề có. Họ bị tổn thương chỉ bởi những mưu mô lặt vặt không đáng để mắt đến.
Họ là những con bệnh của căn bệnh trầm kha Việt Nam - cái bóng Trung Hoa. Bệnh vậy thì nên kiệm lời, chịu khó mà chạy chữa, đừng hồ đồ bàn việc chính trị.
Không thoát ra khỏi căn bệnh trầm kha đến độ tự kỷ ám thị khi đối diện với Trung Hoa, người Việt đừng mơ tự đứng trên đôi chân của mình. Và cũng đừng mơ giấc mơ "thoát Trung" nữa!
Nguồn: HanTimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét