Cuteo@
Hehe, cuộc đời đúng là một sân khấu lớn, và chúng ta không nên đóng nhầm vai. Nhưng cũng cần tỉnh táo để không bị mắc lừa. Sau đây là câu chuyện về một chú bé, đã đóng kịch trên sân khấu cuộc đời để kiếm ăn bằng sự thương cảm của công chúng.
Chú bé đang giận hay đáng thương?
Màn kịch xin tiền của chú bé khóc trên cầu lúc nửa đêm
Độc giả Lê Công chia sẻ câu chuyện về cậu bé dùng nước mắt để tìm kiếm sự thương hại, tiền bạc từ người đi đường, khách du lịch đến TP Huế.
Chị bạn tôi đến Huế điều tra số liệu để hoàn thành luận án tiến sĩ. Công việc hoàn tất nên chị có một ngày lưu lại thành phố. Khi tôi gặp chị giữa đêm đầu hè oi ả, chị than: "Ở đây ngột ngạt quá, phải rời Huế sớm thôi".
Cả buổi nói chuyện, tôi biết chị đang bức xúc điều gì đó. Khuya về, tôi thấy chị cập nhật một dòng trạng thái khá dài với tiêu đề “Người Huế vô tâm quá!”.
Chị kể, một tối đi dạo trên cầu Trường Tiền, chị thấy chú bé người gầy gò ngồi khóc một góc ở dải phân cách trên cầu. Người đi đường chẳng ai quan tâm, họ xem cậu bé như không tồn tại. Tiếng khóc của chú nấc lên từng hồi. Chị đến gần hỏi thăm, một số người nhìn rồi lắc đầu. Chị hỏi chuyện, chú bé mếu máo kể đi bán phồng tôm bị mất hết tiền, giờ không dám về nhà sợ ba mẹ đánh. Chị vội rút ra tờ 200.000 đồng đưa rồi bảo em về đi.
"Nhìn dáng em thất thểu khuất dần, tôi thấy buồn. Sao người Huế vô tâm thế?”, chị viết.
Vì dòng chia sẻ của chị trên trang cá nhân, tôi cảm thấy chạnh lòng nên quyết đi tìm hiểu thực hư sự việc. Sau một tuần xác minh, tôi gọi câu chuyện chú bé ngồi khóc cầu Trường Tiền là một vở kịch, nó được diễn từ 21h đến 23h hàng ngày. Địa điểm chính là cầu Trường Tiền, thỉnh thoảng thay đổi ở trước cổng trường Đại học sư phạm Huế. Kịch sĩ là chú bé 7 - 8 tuổi, người gầy gầy, đen nhẻm, cặp mắt lanh lợi và diễn xuất rất nhập vai trong câu chuyện cảm động: Bán phồng tôm bị mất hết tiền, không dám về nhà sợ ba mẹ đánh và kèm theo là những giọt nước mắt, những tiếng nấc đáng thương.
Ảnh: Kịch sĩ nhỏ tuổi trên cầu Trường Tiền.
Dành thời gian và công sức đi xem vở kịch nhàm chán này suốt 1 tuần, tôi khẳng định, chú bé đang giả vờ. Em lợi dụng lòng tốt của những người giàu lòng trắc ẩn, nhân ái, người đi đường, khách du lịch mới đặt chân đến TP Huế. Người dân hay đi lại trên cầu hàng đêm dường như đã quá quen mặt với kịch sĩ tài ba này.
Tôi đã suy nghĩ thật nhiều trước khi đặt bút viết bài viết này bởi việc vạch trần chiêu trò của một đứa bé khiến tôi có chút áy náy. Thế nhưng, khi tôi đọc status của chị và dòng phản hồi của những người bạn Huế, tôi sợ mọi người hiểu lầm về quê hương mình. Tôi sợ họ bảo: "Người Huế vô tâm".
Ảnh: Từ 21h đến 23h các ngày trong tuần, cậu bé đều diễn cùng một vở kịch.
Huế là một trong những thành phố du lịch hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Người dân nơi đây được đánh giá là mộc mạc, gần gũi, hướng thiện. Hình ảnh các bác xe ôm giành nhau hướng dẫn đường cho du khách hay cô bán hàng rong thật thà với giọng Huế ấm áp, dễ thương mãi là hình ảnh đẹp trong lòng của những du khách. Thế nhưng, hình ảnh chú bé giả vờ khóc trên cầu Trường Tiền thật sự làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như hình ảnh của Huế đối với hàng trăm lượt khách du lịch đến tham quan, khám phá.
Tôi mong cơ quan chức năng nên có sự can thiệp kịp thời cũng như đưa ra biện pháp xử lý với những tình huống mang tính chất lừa dối người khác như vậy.
Độc giả Lê Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét