Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

NGA NÂNG CẤP TÀU TÊN LỬA ĐỘC NHẤT BPS-500 CHO VIỆT NAM

(Quốc phòng Việt Nam) - Cục thiết kế phương Bắc (Nga) đang sửa chữa, đại tu và nâng cấp chiếc tàu tên lửa BPS-500 duy nhất cho Hải quân Việt Nam.


Ảnh: HQ-381 - chiếc tàu tên lửa BPS-500 duy nhất của Hải quân Việt Nam đang được sửa chữa và nâng cấp.

BPS-500 - chiếc tàu tuần tra mang tên lửa diệt hạm đầu tiên do Việt Nam tự đóng trong nước với sự hỗ trợ của Nga, sau một thời gian dài phục vụ, bắt đầu được sửa chữa và khôi phục toàn diện để tiếp tục hoạt động thêm nhiều năm nữa.

Theo hợp đồng với Công ty cổ phần Rosoboronexport, trong năm 2013, Cục thiết kế phương Bắc của Nga đã bắt đầu công việc tham gia hỗ trợ kỹ thuật trong sửa chữa tái tạo và nâng cấp chiếc tàu tuần tra tên lửa BPS-500 duy nhất cho Hải quân Việt Nam, thông tin này đã được xác nhận trong báo cáo tài chính năm 2013 của công ty.

Như vậy, có thể khẳng định chiếc tàu tên lửa duy nhất BPS-500 thuộc dự án KBO 2000 được Việt Nam chế tạo từ cuối những năm 1990 đang được đại tu và nâng cấp để có thể khôi phục khả năng hoạt động và sức mạnh chiến đấu mới.

Ảnh: Tàu HQ-381 phóng tên lửa diệt hạm Kh-35 Uran-E trong một cuộc diễn tập của Hải quân Việt Nam.

Cần nhớ lại rằng, KBO 2000 là một dự án hợp tác đóng tàu quân sự giữa Nga và Việt Nam, trong đó đại diện phía Nga là Cục thiết kế phương Bắc (SPKB), trong dự án này, SPKB đã tham gia thiết kế ra đề án tàu hộ tống tên lửa BPS-500 theo yêu cầu của Hải quân Việt Nam.

Chiếc tàu tên lửa BPS-500 đầu tiên sau đó được chế tạo tại một nhà máy đóng tàu ở thành phố Hồ Chí Minh (có thể là xưởng Ba Son) với sự hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp trang thiết bị, linh kiện phụ tùng từ Nga. Theo bài báo Jane’s đăng tháng 3/1999 thì khi đó BPS-500 đã hoàn thành, hạ thủy và đang trải qua thử nghiệm trên biển.

Tuy nhiên, sau khi đóng xong chiếc tàu BPS-500 đầu tiên, Việt Nam đã dừng hẳn chương trình đóng tàu này, nguyên nhân được một số phương tiện truyền thông nước ngoài cho là thiết kế của BPS-500 đã lỗi thời, không đáp ứng được các yêu cầu mà Việt Nam đề ra hoặc không thể so sánh được với khả năng của lớp tàu tên lửa Project 1241.8 Molniya nên dự án đã bị hủy bỏ. Chiếc BPS-500 duy nhất được đóng và đang phục vụ trong thành phần Lữ đoàn 162 Hải quân mang số hiệu HQ-381.

Tàu tên lửa cỡ nhỏ BPS-500 dài 62m, rộng 11m, lượng giãn nước toàn tải 520 tấn, thủy thủ đoàn 50 người. Tàu được trang bị động cơ diesel cho tốc độ 30 hải lý/h, dự trữ hành trình 30 ngày.

Hệ thống điện tử trên tàu có radar đa năng Pozitiv ME trinh sát mục tiêu trên không và trên biển, có tầm trinh sát hơn 100km, có thể phát hiện mục tiêu bay có diện tích phản xạ sóng radar (RCS) 1m2 bay ở độ 1.000m từ cách 11km, phát hiện tên lửa diệt hạm có RCS 0,03m2 ở độ cao 15m cách xa 15km. Radar cũng có thể theo dõi 15 mục tiêu cùng lúc, bám 3-5 mục tiêu. Ngoài ra, tàu còn có các hệ thống radar điều khiển hỏa lực pháo và hỏa lực tên lửa cùng hệ thống thông tin liên lạc.

Về mặt hỏa lực, BPS-500 trang bị pháo hải quân AK-176, 8 tên lửa hành trình chống tàu Uran-E (tầm bắn 130km), 2 ụ pháo phòng không cao tốc AK-630, tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Igla và 2 đại liên 12,7mm.

Ảnh: Biến thể hiện đại hóa tàu tên lửa BPS-500 do viện thiết kế Severnoe (Nga) giới thiệu gần đây.

Cần lưu ý rằng, viện thiết kế Severnoe của Nga gần đây cũng vừa giới thiệu biến thể mới của tàu hộ tống BPS-500 với cấu hình vũ khí mạnh hơn so với tàu HQ-381 của Hải quân Việt Nam. Theo đó, biến thể tàu mới được trang bị pháo hạm A-190E cỡ nòng 100 mm thay vì pháo hạm AK-176 mm và được trang bị hệ thống chống ngầm phóng ngư lôi Paket-E (hệ thống ngư lôi mới và hiện đại nhất của hải quân Nga). Với các cải tiến này, biến thể tàu hộ tống BPS-500 mới sẽ có sức mạnh vượt trội hơn, đa năng hơn thay vì chỉ có chức năng chống tàu nổi.

PVD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét