Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

NGUYÊN PHÓ CHÁNH ÁN TANDTC: TỘI "LÀM CHẾT NGƯỜI TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ" MỚI CHÍNH XÁC!

(PL) Trong vụ năm công an ở Phú Yên đánh chết người, nhiều ý kiến cho rằng tòa xử họ tội dùng nhục hình là không đúng. Tuy nhiên, hành vi dã man của họ phạm vào tội gì thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến của ông Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của ông Phương sau đây.

Vụ án năm công an ở Phú Yên đánh chết anh Ngô Thanh Kiều đang gây phản ứng dư luận, trong đó đa số theo hướng phê phán TAND TP Tuy Hòa xử quá nhẹ, có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội. Thậm chí không ít ý kiến cho rằng phải xử các bị cáo tội danh khác, như tội giết người chẳng hạn. Nhưng để đánh giá toàn diện, không thể chỉ phản ứng duy tình mà cần phân tích kỹ lưỡng mặt pháp lý của vụ việc, cũng như các tội danh, điều khoản có thể áp dụng.

Không phải bắt người trái pháp luật

Thông tin báo chí cho thấy vụ án được bắt đầu bằng chuyên án 312T. Theo đó, 3 giờ sáng 13-5-2012, Công an TP Tuy Hòa đưa anh Kiều ra khỏi nhà riêng, dẫn giải lên trụ sở công an. Lúc đó chưa hề có lệnh bắt, cũng không thuộc trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang, bắt truy nã.

Cắt khúc sự việc ở đây, có ý kiến cho rằng công an đã phạm vào tội bắt người trái pháp luật (Điều 103 BLHS).

Hiểu như vậy là không chính xác, bởi việc bắt giữ này được thực hiện bởi người thi hành công vụ, là kết quả của một quá trình điều tra, xác minh ban đầu. Bản thân anh Kiều lúc đó bị tình nghi tham gia một vụ trộm cắp. Các công an quả thực có vi phạm thủ tục tố tụng và phải chịu trách nhiệm pháp lý về các vi phạm đó nhưng không phải là trách nhiệm hình sự.

Mặt khác, trong thực tiễn phòng, chống tội phạm, cơ quan điều tra vẫn thường sử dụng nghiệp vụ “mời lên làm việc” với người tình nghi. Việc này hoàn toàn khác với hành vi bắt người trái pháp luật theo kiểu giữa người dân với nhau bên ngoài xã hội.

Ảnh: Người thân anh Ngô Thanh Kiều tại phiên tòa sơ thẩm với di ảnh và hình ảnh thi thể anh Kiều chứng tỏ anh đã bị tra tấn, đánh đập rất dã man. Ảnh: TẤN LỘC

Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ

Tiếp theo, các công an đã đánh đập anh Kiều dẫn tới hậu quả chiều 14-5 anh Kiều tử vong. Giám định pháp y cho thấy trên thi thể nạn nhân có 72 vết thương tích; dạ dày không có thức ăn; nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết là chấn thương sọ não.

Về hành vi này, trên cơ sở truy tố của VKS, TAND TP Tuy Hòa đã tuyên xử năm công an phạm tội dùng nhục hình (Điều 298 BLHS), trong đó mức án cao nhất là năm năm tù dành cho người đã dùng dùi cui đánh vào đầu anh Kiều.

Như phân tích ở trên, việc bắt giữ anh Kiều, cho dù có vi phạm thủ tục tố tụng, vẫn hoàn toàn nằm trong việc thi hành công vụ. Bản thân anh Kiều bị tình nghi trộm cắp, đang cần được xác minh làm rõ. Do đó, việc năm công an đánh đập anh Kiều cần được coi là hành vi dùng nhục hình - một tội danh trong chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp của BLHS.

Tuy nhiên, khi truy tố, xét xử vụ này, cần lưu ý dùng nhục hình chỉ được giới hạn trong các hành vi đánh đập, bỏ đói, hành hạ cơ thể… mà hậu quả của nó là không gây thương tích hoặc có thì tỉ lệ thương tật chỉ dưới 31%. Còn khi hậu quả nặng nề hơn, từ 31% trở lên thì hành vi dùng nhục hình đã chuyển hóa thành tội phạm khác. Cụ thể, trường hợp này đã đủ dấu hiệu cấu thành tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 97 BLHS), có khung hình phạt cao nhất tới 15 năm tù, nghiêm khắc hơn so với tội dùng nhục hình (cao nhất 12 năm tù).

Đá một cái hay lấy dùi cui đánh vào đầu đều là dùng nhục hình

Tranh luận về cáo trạng và bản án của tòa, có ý kiến cho rằng năm công an đánh anh Kiều không hề được giao nhiệm vụ bằng văn bản để điều tra, xác minh nghi vấn trộm cắp. Do đó, không thể coi việc đánh đập kia là nhục hình mà phải là giết người, hoặc chí ít cố ý gây thương tích dẫn tới hậu quả chết người.

Lập luận như vậy là cứng nhắc, là pháp lý đơn thuần. Như đã phân tích ở trên,cho dù chưa được phân công bằng văn bản thì vẫn phải coi năm công an đó là đang thi hành công vụ. Thực tiễn hoạt động tố tụng cũng như công tác của ngành công an cho thấy vẫn có việc phân công miệng giữa thủ trưởng với người dưới quyền, thậm chí là cán bộ, chiến sĩ trong cùng đơn vị “rủ nhau” đi đánh án.

Mặt khác, cần coi vụ đánh đập có nhiều người tham gia này là có yếu tố đồng phạm. Do đó, nếu một cán bộ công an nào đó không hề được giao việc mà tạt ngang qua, dưới sự chứng kiến của những cán bộ được phân công khác, vẫn “đá cho một cái” thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Như thế cũng tương tự việc một người buôn bán ngoài chợ vẫn có thể phạm tội tham ô khi là đồng phạm với anh thủ quỹ đi thụt két trong cơ quan anh ta.

Khi đã được coi là đồng phạm thì cả năm công an này đều phải chịu trách nhiệm về hành vi dùng nhục hình hoặc làm chết người trong khi thi hành công vụ (nếu chuyển hóa), bất kể họ chỉ đá một cái hay dùng dùi cui đánh thẳng vào đầu anh Kiều. Hành vi của riêng từng người chỉ giúp cá thể hóa trách nhiệm hình sự, tương ứng với mối quan hệ nhân quả của nó với hậu quả chết người đã xảy ra.

* * *

Về trách nhiệm của Phó Trưởng Công an TP Tuy Hòa Lê Đức Hoàn, dư luận cho rằng lọt người, lọt tội là có cơ sở. Là trưởng ban chuyên án 312T mà để xảy ra hàng loạt vi phạm thủ tục tố tụng, xảy ra dùng nhục hình dẫn tới chết người thì rõ ràng ông Hoàn có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS).

Thậm chí nếu có chứng cứ về việc ông Hoàn chỉ đạo, chứng kiến hoặc biết cán bộ dưới quyền đánh đập anh Kiều mà không ngăn cản, nhắc nhở thì vị trưởng ban chuyên án này còn có thể bị coi là đồng phạm về tội dùng nhục hình hoặc làm chết người trong khi thi hành công vụ.

ĐẶNG QUANG PHƯƠNG, 
Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét