(PetroTimes) - Hội đồng xét xử tuyên án xong, không lâu sau đó, bất ngờ 68 người dân cùng ký đơn nhận tội đánh chết 2 người trộm chó xảy ra tại làng Nhĩ Trung, xã Gio Thành, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Đây là một vụ án chưa có tiền lệ trong lịch sử tố tụng của nước ta!
10 bị cáo là người dân làng Nhĩ Trung tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28/3.
Cả làng “kí đơn” nhận tội
Trước đó, ngày 28/3, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự "Cố ý gây thương tích" đối với 10 bị can có liên quan đến cái chết của 2 "cẩu tặc" từng gây rúng động dư luận.
Theo cáo trạng của VKS, do tình trạng trộm chó xảy ra thường xuyên nên tối ngày 28/8/2012, Nguyễn Đăng Trường (27 tuổi), Trần Văn Tiến (23 tuổi), Trần Văn Trung (25 tuổi), Nguyễn Trung Hà (18 tuổi), Nguyễn Đăng Quý (40 tuổi), Nguyễn Đăng Lợi (40 tuổi, cùng trú thôn Nhĩ Trung) rủ nhau ra cổng làng đợi bắt kẻ trộm chó.
Khoảng rạng sáng 29/8, khi phát hiện 2 người trộm chó là Nguyễn Đăng Cường (32 tuổi) và Nguyễn Xuân Triều (42 tuổi, cùng trú ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), đi trên xe gắn máy chạy vào cổng làng, nhóm này liền hô hoán người dân xung quanh, rồi cùng nhau đuổi đánh làm hai người này ngã xuống đất. Rất nhiều người dân làng Nhĩ Trung nghe tiếng hô cũng mang theo gậy gộc, để truy tìm hai người trộm chó. Cường và Triều đều bị thương tích và được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng cả hai đã tử vong ngay sau đó.
Sau sự việc, rất nhiều người dân địa phương đều nhận đã truy bắt và đánh “cẩu tặc” đến tử vong. Tuy nhiên, kết luận điều tra của Viện KSND tỉnh Quảng Trị cho rằng các bị can Trường, Tiến, Trung, Hà là người đã trực tiếp đánh Cường, còn Lợi và Quý đã đánh Triều dẫn đến hậu quả chết người.
Ngoài 6 bị can đã bị truy tố ra trước phiên tòa sơ thẩm lần trước về tội danh “Cố ý gây thương tích”, Viện KSND tỉnh Quảng Trị còn truy tố thêm 4 bị can Nguyễn Đăng Huấn (60 tuổi), Nguyễn Thanh Bình (58 tuổi), Nguyễn Thanh Kháng (23 tuổi), Nguyễn Đăng Sơn (39 tuổi, cùng trú làng Nhĩ Trung) với cùng tội danh. Trong đó, ông Huấn và ông Bình là người có công với cách mạng.
Phiên tòa sơ thẩm phải kéo dài đến cuối giờ chiều cùng ngày vì có những tình tiết trong vụ án cần được làm rõ. Cuối cùng, HĐXX đã tuyên phạt Trường 3 năm tù; Tiến, Trung, Quý, Lợi cùng lãnh 2 năm 6 tháng tù; Hà 2 năm tù; Huấn, Bình, Kháng, Sơn cùng lãnh 2 năm tù cho hưởng án treo cùng về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngoài ra các bị cáo cũng phải bồi thường các khoản mai táng phí và nuôi dưỡng 2 con của 2 bị hại đến tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, tại phiên tòa có gần 200 người dân Nhĩ Trung tỏ ra không đồng tình trước kết luận của cơ quan chức năng, họ đều nhận mình có tham gia đánh người vì cảm thấy bức xúc trước tình trạng trộm chó xảy ra thường xuyên tại địa phương.
Sau khi phiên tòa kết thúc, hàng trăm người dân Nhĩ Trung không chịu rời trụ sở tòa án mà nán lại đòi gặp bằng được thẩm phán. Nhiều người còn phản đối mức án tòa tuyên vì cho rằng nó quá nặng, người khác lại đòi hủy bỏ mức án vừa tuyên. Đích thân Chủ tịch UBND huyện và Trưởng Công an huyện Gio Linh phải có mặt thuyết phục, vận động người dân đến tận khuya mới chịu về nhà.
Ngày 8/4, ông Phạm Văn Hùng, Trưởng Công an xã Gio Thành cho biết, Ban công an xã vừa nhận được 68 lá đơn của người dân thôn Nhĩ Trung tự thú về việc có đánh 2 người nghi trộm chó vào ngày 29/8/2012, khiến cả hai tử vong. “Chẳng ai muốn dây dưa với pháp luật nhưng người dân chỉ mong muốn sự việc được sáng tỏ. Không thể để 10 bị cáo chịu tội thay cho cả làng trong việc đánh chết 2 người trộm chó được”, ông Nguyễn Đăng Hải, phó bí thư chi bộ thôn Nhĩ Trung, lập luận.
Chưa có tiền lệ
Người dân làng Nhĩ Trung cùng ký đơn nhận mình có đánh chết 2 "cẩu tặc".
Về chuyện 68 người tự ký đơn nhận mình gây ra cái chết cho 2 "cẩu tặc", Thượng tá Lê Quang Công, Quyền trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Quảng Trị, khẳng định việc “tự thú tập thể” như thế này là chưa có tiền lệ mà cơ quan điều tra phải thụ lý. Nhưng, Thương tá Công cũng nói: "Nguyên tắc có đơn thì lực lượng chức năng phải làm rõ. Nhưng chúng tôi phải có thêm thời gian để đọc, nghiên cứu thì mới có thể trả lời hướng xử lý".
Ông Hoàng Điền (84 tuổi), một trong số 68 người cùng ký đơn nhận tội đánh chết 2 "cẩu tặc" cho biết: “Khoảng 2h sáng ngày 28/8, tôi nghe cả làng ồn ào kéo nhau đi bắt người trộm chó. Tôi thức dậy đi ra ngoài đường, rồi tìm cách len qua đám đông, dùng gậy chống đánh một cái vào chân".
Ông Nguyễn Đăng Hải, phó bí thư Chi bộ thôn Nhĩ Trung, phân tích: “Lá đơn tự thú này rất quan trọng, người dân cũng phải cân nhắc rất nhiều mới dám viết và nộp cho chính quyền. Trước kia, công an điều tra cũng đã mời làm việc nhưng nhiều người không khai báo. Người dân chỉ mong sự việc được làm sáng tỏ, đúng người đúng tội. Chứ chỉ 10 bị cáo thì không thể đánh chết 2 kẻ trộm chó được”.
Một người dân khác bức xúc: “Người dân đi làm đồng cả ngày mệt mỏi, tối về chỉ muốn một giấc ngủ ngon lành. Vậy mà trộm chó vào làng gây rối, trắng trợn dọa nạt người dân nhiều lần nên mới sinh uất ức. Người dân Nhĩ Trung thật thà, tin tưởng vào pháp luật nên tự thú”.
Ông Lê Phương Nam, Trưởng công an huyện Gio Linh cho hay: "Cơ quan công an đã nhận được đơn của 68 người dân cùng ký và vụ án này do công an tỉnh thụ lý điều tra. Nhưng cơ quan điều tra sẽ xem xét lại hành vi từng người một, điều tra làm rõ chứ không phải ai nộp đơn tự thú cũng được”.
Trước sự việc cùng lúc có 68 người cùng ký đơn nhận mình có tội làm chết người, người thì cho rằng hành vi “tự thú tập thể” là “hành động bình thường, có tội rồi tự nhận tội” nhưng số khác nhìn nhận “đó là hành động cản trở cơ quan hành pháp”, thậm chí có người cho rằng “đó là hành động thông đồng, bao che cho nhau”. Trả lời báo chí, một thẩm phán của TAND tỉnh Quảng Trị nói: “Việc tự thú của số đông người dân chưa nói lên được điều gì và cũng không ảnh hưởng gì đến bản án sơ thẩm mà TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên”.
Theo luật sư Võ Công Hạnh, Công ty Luật hợp danh FDVN - Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng, hiện nay án sơ thẩm vụ án nêu trên chưa có hiệu lực vì chưa hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nên nếu qua điều tra, chứng minh được 68 người vừa tự thú là đồng phạm với những người bị tuyên án thì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, tòa án cấp phúc thẩm có quyền hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại.
“Trường hợp khi bản án sơ thẩm đã có hiệu lực nhưng qua điều tra thấy có tình tiết mới phát hiện (tự thú) hoặc có sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án thì cơ quan có thẩm quyền có thể kháng nghị để xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm hoặc giám đốc thẩm. Nếu đủ căn cứ cho rằng 68 người tự thú là đồng phạm trong vụ án này, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm có quyền ra quyết định hủy bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại”, luật sư Hạnh phân tích.
Phương Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét