Dư luận viên: Trường Giang
Tiền thu nhưng lại không nộp vào ngân sách Nhà nước mà gửi vào ngân hàng lấy lãi. Trách nhiệm của Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan của Chính phủ quản lý lĩnh vực này ở đâu?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển truy trách nhiệm của bộ quản lý xoay quanh chuyện “loạn” phí, chi phí tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chiều 11/4.
Xoay quanh chuyện “phí chồng phí”, ngay sau phần đọc báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ĐB Trần Ngọc Vinh (Thành phố Hải Phòng) đặt câu hỏi: Có hay không tình trạng lạm thu, phí chồng phí như dư luận bức xúc thời gian qua? Những loại phí như phí trông giữ xe, phí dịch vụ chung cư thu mỗi nơi một kiểu… là phí hay giá dịch vụ? Bộ Tài chính có biết tình trạng loạn phí này?
Ảnh: Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, phí thu tiền rồi mà không nộp ngân sách lại đem gửi ngân hàng lấy lãi là sai luật.
Tiếp lời, ĐB Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt thẳng vấn đề: hiện còn 21 danh mục phí, lệ phí chưa được ban hành hướng dẫn thực hiện. Chính sách đã dự báo sai nên đưa ra quá nhiều danh mục phí, lệ phí?
“Với các loại phí phân cấp cho địa phương, bộ, ngành, liệu có hay không lợi ích bộ, lợi ích ngành khi đề xuất quá nhiều loại phí bắt người dân phải đóng?” – ĐB Nguyễn Sỹ Cương hỏi.
Trả lời phần câu hỏi của các ĐB Ngọc Vinh, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói, các khoản đóng góp tự nguyện một số giá dịch vụ như phí dịch vụ chung cư, phí vận chuyển container, phí trông giữ xe… do các công ty dịch vụ tự đặt ra, đó là các khoản phí, lệ phí.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng thừa nhận đúng là còn 21 danh mục phí, lệ phí chưa thu, là do khi xây dựng Pháp lệnh Phí và lệ phí có tính tới cả loại phí có thể phát sinh trong tương lai nên đưa vào danh mục. Hoặc đó cũng có thể là khoản thu chưa phù hợp với thực tế như phí phá sản, phí luồng lạch đường thủy… nên thấy chưa cần hướng dẫn.
“Tới đây, một số khoản phí chưa phù hợp sẽ được chuyển thành chi phí, giá dịch vụ. Ví dụ như phí đấu thầu được chuyển thành giá đấu thầu, viện phí - giá chữa bệnh” – Bộ trưởng Dũng nói.
Trước câu hỏi về lợi ích nhóm tại địa phương, ông Dũng bác ngay ý kiến này và quả quyết: “việc giao thẩm quyền thu phí, lệ phí tới địa phương, bộ ngành là rõ ràng, chặt chẽ nên không có chuyện địa phương tự đặt ra phí thu phục vụ lợi ích của địa phương đó”.
Nhưng dường như câu trả lời của Bộ trưởng Dũng không thỏa mãn các ĐB, nên ĐB Trần Ngọc Vinh truy lại: “Người dân chỉ hiểu đơn giản thu phí để làm tốt hơn dịch vụ đang thực hiện. Giờ thu phí rồi thì dịch vụ có tốt hơn không? Cơ quan nào kiểm tra, chế tài xử lý ra sao?”.
Trông giữ xe không phải là phí dịch vụ, tới đây sẽ được chuyển thành giá dịch vụ để tránh nhầm lẫn
Cũng như ĐB Trần Ngọc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ, phân biệt rõ: loại nào là phí, loại nào là giá dịch vụ.
Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nêu thực tế, trước thực trạng quá nhiều loại phí, lệ phí và cả giá dịch vụ khiến người dân nhầm lẫn, không hiểu đâu là phí, lệ phí, giá dịch vụ. Vì không hiểu nên họ nhầm lẫn, thậm chí bị lừa vì nhiều nơi lợi dụng danh nghĩa Nhà nước đứng ra thu phí, song thực chất lại là giá dịch vụ.
“Chỉ nói riêng tiền trông giữ xe nơi thu 5.000 đồng, nơi 10.000 đồng, thậm chí dịp lễ, Tết có nơi “hét” giá tới 100.000 đồng. Giá này được đưa ra trên cơ sở nào? Đây là phí hay là giá dịch vụ? Người dân tưởng đây là việc thu có tổ chức nhưng thực ra “chống lưng” của các chính quyền địa phương. Chưa kể thu rồi thì tiền không đưa vào ngân sách mà gửi vào ngân hàng hưởng lãi. Trách nhiệm của Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan của Chính phủ quản lý lĩnh vực này ở đâu?”- Chủ nhiệm Hiển truy.
Khẳng định một loạt phí mà Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển vừa liệt kê không phải là phí, lệ phí vì không nằm trong danh mục, ông Dũng cho hay tới đây Bộ Tài chính sẽ đề xuất chuyển sang giá dịch vụ. Đúng là nhiều nơi tùy tiện đẩy giá theo mùa vụ, lễ hội. Trách nhiệm thanh tra kiểm tra của UBND các cấp.
Còn chuyện thu phí rồi nhưng không gửi vào ngân sách mà lại lấy gửi ngân hàng lấy lãi là chưa đúng quy định. Việc sử dụng sai quy định, nếu phát hiện sẽ bị xử lý theo Nghị định 106 về xử phạt vi phạm hành chính.
Còn về phía Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát, theo dõi chặt chẽ tình hình ban hành phí của địa phương để chấn chỉnh. Đồng thời, tuyên truyền về pháp lệnh phí, lệ phí để người dân hiểu và phân biệt được khoản nào là phí, khoản nào là đóng góp tự nguyện, khoản nào là giá dịch vụ.
Cho rằng những biện pháp mà Bộ Tài chính đưa ra chưa đủ tính răn đe, chưa đi trúng vấn đề, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cần có biện pháp mạnh tay hơn để đẩy lùi những tiêu cực trong chuyện thu phí, lệ phí.
Trường Giang/InfoNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét