Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

QUYỀN CỦA DÂN MÀ CỨ "TẾ NHỊ"

Dự án luật về hội, luật Trưng cầu ý dân, Tiếp cận thông tin, Biểu tình đã được giao cho các bộ xây dựng nhưng liên quan vấn đề nhạy cảm, nhiều ý kiến khác nhau nên chưa đưa vào chương trình của QH.

Hội Luật gia Việt Nam đề nghị bổ sung dự án luật Trưng cầu ý dân vào chương trình cho ý kiến của kỳ họp thứ 9 và được UB Pháp luật tán thành. Nhưng một số luật khác về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì chưa.

Ông Phan Trung Lý: Khó thì cũng phải đưa ra bàn để xem cái gì được cái gì không. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tại phiên họp của Thường vụ sáng nay về chương trình xây dựng luật của QH, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường giải trình: Các luật này đang được Chính phủ triển khai xây dựng, như luật về hội giao Bộ Nội vụ, luật Tiếp cận thông tin giao Bộ Tư pháp, luật Biểu tình giao Bộ Công an, nhưng do đây là các vấn đề nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau nên chừng nào đồng thuận, chín muồi mới đề nghị đưa vào chương trình cụ thể.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý không hài lòng: "Quyền của dân mà lúc nào cũng kêu 'tế nhị', không thấy Chính phủ nêu rõ lý do hay đốc thúc gì cả, khó thì cũng phải đưa ra bàn để xem cái gì được cái gì không chứ".

Sửa luật Quốc tịch ngay kỳ họp tới

Theo luật Quốc tịch 2009, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam trong thời hạn 5 năm kể từ ngày luật có hiệu lực, nếu không sẽ mất quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên hạn chót 1/7/2014 sắp đến mà mới có khoảng 6.000 trong số hơn 4,5 triệu Việt kiều đăng ký.

Vì thế Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tư pháp gia hạn đăng ký thêm 5 năm, đến ngày 1/7/2019. Thường vụ tán thành trình QH thông qua sửa luật Quốc tịch theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 7. 

Chính phủ cũng đề nghị bổ sung dự án luật Hộ tịch để cho ý kiến tại kỳ họp tới và thông qua tại kỳ họp tiếp theo. Đây là dự án điển hình "đưa vào rút ra" do không thuyết phục được UB Thường vụ về chất lượng chuẩn bị.

Dự án luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp soạn thảo từng bị Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phê gay gắt là "cải lương", "giấy gì cũng giữ mà bảo cải cách hành chính cho dân". Hiện dự án đã được trình lại và được đồng ý đưa vào chương trình.

Để cụ thể hóa Hiến pháp, một loạt luật về tổ chức bộ máy nhà nước được xếp hàng năm nay và năm sau: luật Tổ chức Quốc hội, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, đều sửa đổi, sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi và Tổ chức chính quyền địa phương sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

Bộ Y tế chưa nghiên cứu xong luật phòng chống dịch 

Chính phủ cũng cho biết 6 dự án luật và pháp lệnh do cá nhân ĐBQH đề xuất đều chưa đủ điều kiện triển khai, trong đó dự án luật Phòng, chống dịch bệnh vẫn đang được Bộ Y tế nghiên cứu.

5 dự án còn lại đã được các bộ báo cáo kết quả nghiên cứu. Luật Bảo vệ an toàn lãnh thổ chủ quyền quốc gia chưa phù hợp thời điểm hiện nay vì đã có nhiều luật, pháp lệnh liên quan như luật Biên giới quốc gia, An ninh quốc gia, Biển, Quốc phòng, pháp lệnh Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển… Thế giới cũng chưa có quốc gia nào ban hành luật Bảo vệ an toàn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia.

Luật Hành chính công do ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề xuất là "chưa cần thiết" vì đã có đủ luật quy định về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức... Luật Nhà giáo cũng lùi sang khóa sau vì đã có luật Giáo dục, Giáo dục đại học, Dạy nghề, Viên chức…

Chung Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét