THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
(Tạp chí Foreign Policy – 31/1/2014)
Chiếc tàu sân bay ì ạch được biết đến như là nước Mỹ nên thực hiện một sự “xoay trục” đúng như cái tên của nó: một sự chuyển dịch từ chủ trương quân sự sang tinh thần ưa chuộng hòa bình
Trong thời đại của chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng và hợp tác về mặt chính sách với Trung Quốc, sự “xoay trục” sang Thái Bình Dương của Mỹ chẳng khác gì một điệu nhảy phức tạp mà ở đó Mỹ lùi về phía sau trong khi đấy những đồng minh của mình về phía trước.
Trong bản cập nhật cuốn “Từ điển của quỷ dữ” trong tương lai, tác phẩm mổ xẻ thái độ đạo đức giả trong ngôn ngữ học của đời sống hiện đại của tác giả người Mỹ nổi tiếng Ambrose Gwinnett Bierce, một từ duy nhất sẽ đi kèm với cụm từ “sự xoay trục sang Thái Bình Dương” đó là: rút lui.
Dường như đó là một cách thức kỳ lạ khi miêu tả nỗ lực mạnh mẽ của Chính quyền Obama trong việc tái định hướng chính sách đối ngoại và quân sự của mình nhằm vào châu Á. Xét cho cùng, êkíp của Tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng “sự xoay trục” sang Thái Bình Dương sẽ là một sự tái khẳng định mạnh mẽ về quyền lực của Mỹ tại một khu vực mang tính chiến lược trên thế giới và một sự tái đảm bảo có chủ tâm đối với các đồng minh ủng hộ Mỹ khi đối đầu với Trung Quốc.
Quả thực, đôi khi “sự xoay trục” dường như không hẳn là một thứ thuốc chữa bách bệnh cho tất thảy những gì gây phiền não cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Bối rối về những thất bại ở Iraq và Afghanistan? Vậy hãy ra đi để tìm kiếm các vùng đất hòa bình hơn. Lo âu về việc tất cả kẻ địch đang tan biến và Lầu Năm Góc đã đánh mất lý do hiện hữu của mình? Vậy hay là theo gót Trung Quốc, siêu cường tương lai duy nhất có thể tưởng tượng được đang trỗi dậy? Và nếu bận tâm về tình trạng của nền kinh tế Mỹ? Vậy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại tự do khu vực mà Mỹ đang cố gắng thương lượng có thể là liều thuốc bổ mà các tập đoàn của Mỹ đang thèm muốn.
Tuy nhiên, trên thực tế, sự “tái cân bằng mang tính chiến lược” mà Chính quyền Obama đang thúc đẩy như là sự điều chỉnh giữa nhiệm kỳ đối với chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn chỉ mạnh mẽ trong giọng điệu nhưng lại khá yếu ớt về nội dung. Hãy nghĩ về điều này như là một tiểu thuyết hư cấu tài tình mà nhiều độc giả sẵn sàng tạm ngừng sự hoài nghi của họ vì sự quảng cáo của nó. Xét cho cùng, trong thời đại sắp tới của chính sách thắt lưng buộc bụng của Lầu Năm Góc và phản ứng dữ dội của công luận trong nước,Washington có thể sẽ cảm thấy khó khăn khi dịch chuyển thêm bất kỳ nguồn lực đáng kể nào sang khu vực châu Á. Thậm chí TPP cũng chỉ là một sự thừa nhận về việc khá nhiều quyền lực kinh tế trong khu vực đã rơi vào tay Trung Quốc.
Ngoài ra cũng cần phải lưu ý đến một giai đoạn lịch sử lâu dài hơn. Mỹ đã bắt đầu rút quân khỏi châu Á kể từ những năm 1970, mặc dù “động thái chiến lược rút lui về hậu phương” này theo thuật ngữ quân sự nổi tiếng – cũng đã không diễn ra nhanh chóng hay đi kèm với những bức ảnh “sứ mệnh hơàn thành” .
“Sự xoay trục” được quảng bá rầm rộ này của chính phủ giống hơn bao giờ hết một mảng cỏ tróc – một cú xuynh gậy, một cú đánh trượt, và một lỗ gôn, so với là bất cứ cái gì gần giống như một cú át (hole-in-one – ghi bàn thắng chỉ bằng một cú đánh).
Dấu chân dần thu hẹp
Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã tham chiến và đổ máu ở châu Á nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên Trái Đất. Từ năm 1950 đến năm 1953, dưới ngọn cờ Liên hợp quốc, các lực lượng Mỹ đã phải vật lộn để kiểm soát bán đảo Triều Tiên, kết thúc mà không ký kết được một hiệp ước hòa bình nào cùng với một sự bế tắc ở cùng đường phân chia nơi cuộc chiến đã bắt đầu. Tại một thời điểm khi cuộc chiến tranh Việt Nam mở rộng vào những năm 1960 và 1970, số lính Mỹ tại châu Á đã tăng lên tới hơn 800.000 quân. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc chiến tranh thảm khốc này kết thúc, Washington đã rút quân khỏi khu vực này một cách rất từ từ và từng đợt. Hiện giờ, số nhân viên quân sự Mỹ ở khu vực này đã giảm xuống dưới 100.000. Có thể cho là con số thấp này ở vào những năm George w. Bush nắm quyền khi quân đội Mỹ sa lầy ở Iraq và Afghanistan, và những người chỉ trích đã bắt đầu cáo buộc Chính quyền Bush đã “đánh mất châu Á” vào tay một Trung Quổc đang trỗi dậy.
Nhìn vào các con số, không khó để đi đến kết luận rằng sự chú ý của Washington quả thực đã dịch chuyển ra khỏi khu vực Thái Bình Dương. Hãy xem xét Triều Tiên. Hòa bình khó có thể diễn ra trên bán đảo này. Thực tế, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và sự hiện đại hóa quân sự trên diện rộng của Hàn Quốc chỉ có tác dụng làm gia tăng căng thẳng.
Tuy nhiên, Mỹ đã liên tục cắt giảm các lực lượng của mình cả về quy mô lẫn tầm quan trọng ở Hàn Quốc trong một tiến trình chuyển giao quyền lực bị ngắt quãng. Trong vòng 45 năm qua, Washington đã ba lần đơn phương rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên và đều nhận được sự không đồng tình từ phía Chính phủ Hàn Quốc. Đầu những năm 1970, gần 70.000 lính Mỹ đã đóng quân ở Hàn Quốc vào thời điểm Chính quyền Nixon lần đầu tiên rút toàn bộ một sư đoàn gồm 20.000 quân. Sau đó, chính quyền Carter, ngay từ đầu đã rất muốn rút tất cả các lực lượng của Mỹ, đã chấp nhận một sự giảm quân hạn chế khác. Vào năm 1991, trước việc chủ nghĩa cộng sản trên phần lớn thế giới bị sụp đổ (nhưng không phải ở Triều Tiên), Chính quyền George H.w. Bush đã đơn phương rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi bán đảo này.
Ở thế kỷ 21, sự hiện diện quân sự Mỹ đã một lần nữa thu hẹp lại – từ khoảng 37.000 quân xuống còn 28.500 quân ở thời điểm hiện tại, lần này là bởi các cuộc đàm phán giữa Washington và Seoul. (Một đội quân nhỏ gồm 800 binh sỹ mới đây đã được cử sang Hàn Quốc để gửi một tín hiệu về “quyết tâm” của Mỹ đối với Triều Tiên, nhưng chỉ luân phiên 9 tháng một lần). Ngoài ra, quân đội Mỹ đồn trú gần khu vực phi quân sự phân cách hai miền Bắc Nam, từ lâu đã mang ý nghĩa như là “một sợi dây bẫy” sẽ đảm bảo cho sự dính líu của Mỹ trong bất kỳ cuộc chiến nào trong tương lai giữa hai nước, đang được dịch chuyển về phía Nam. Tuy nhiên, các quan chức của Lầu Năm Góc gần đây đã nói bóng gió về việc để lại một phần lực lượng ở khu vực này. Hai nước hiện vẫn đang đàm phán việc chuyển giao những gì mà sáu thập kỷ sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc vẫn được nhắc tới như là “kiểm soát hoạt động thời chiến,” một việc đáng ra phải làm từ lâu. Việc cắt giảm lực lượng đã đi cùng với việc Mỹ đóng cửa và củng cố các căn cứ của mình, bao gồm cả đơn vị đồn trú lớn Yongsan nằm giữa thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Hàn Quốc sẽ nắm toàn quyền kiểm soát nó trong một vài năm tới.
“Dấu chân” Mỹ không chỉ thu hẹp lại ở Hàn Quốc. Một chiều hướng tái triển khai lặng lẽ hơn cũng đã cắt giảm các lực lượng mặt đất của Mỹ ở Nhật Bản, từ khoảng 46.000 vào năm 1990 xuống đội ngũ gồm 38.000 quân hiện tại. Những thay đổi thậm chí còn lớn hơn hiện đang được xem xét.
Vào năm 2000, trong một chuyến công du tới Okinawa – quận lớn nhất phía Nam Nhật Bản, Tổng thống Bill Clinton đã hứa hẹn sẽ thu nhỏ sự hiện diện quân sự đáng kinh ngạc của Mỹ trên hòn đảo này. Vào thời điểm đó, người dân Okinavva đã rất giận dữ về một loạt vụ sát hại và cưỡng hiếp do lính Mỹ thực hiện cũng như những vụ tai nạn liên quan đến quân sự đã cướp đi sinh mạng của người dân Okinawa và những mối đe dọa đến sức khỏe của họ từ đủ thứ ô nhiễm tạo ra bởi hơn 30 căn cứ quân sự của Mỹ. Kể từ đó, Washington đã theo đuổi một kế hoạch nhằm đóng cửa Căn cứ Không quân – Thủy quân lục chiến Futenma – một cơ sở cũ kỹ tọa lạc một cách nguy hiểm giữa một thành phố hiện đại – và xây dựng một căn cứ thay thế ở một nơi khác trên đảo hòn này. Kế hoạch này cũng đòi hỏi tái bố trí 9.000 lính thủy đánh bộ trên đảo Okinawa tới các khu căn cứ khác của Mỹ ở Thái Bình Dương. Nếu kế hoạch này được triển khai, các lực lượng của Mỹ tại Nhật Bản sẽ được giảm đến 25%.
Tại những nơi khác ở châu Á, dưới áp lực từ các nhà hoạt động chính trị địa phương, Mỹ đã phải đóng cửa hai căn cứ quân sự ở Philippines vào năm 1991, rút gần 15.000 binh sỹ ở nước này và thay thế một dàn xếp đặt căn cứ lâu dài bằng một thỏa thuận khiêm tốn hơn: “Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng”. Trong những năm gần đây, Washington đã đàm phán về “các hiệp định hợp tác” với nhiều nước trong khu vực, bao gồm cả kẻ địch cũ của mình là Việt Nam, nhưng đã không xây dựng được bất kỳ căn cứ mới đáng kể nào. Ngoài các lực lượng ở Nhật Bản và Hàn Quốc, các binh sỹ trên các tàu chiến và tàu ngầm, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở phần còn lại của khu vực này là không đáng kể.
Dĩ nhiên, việc cắt giảm binh sỹ và đóng cửa các căn cứ không nhất thiết là những dấu hiệu rút lui. Xét cho cùng, Lầu Năm Góc đang tập trung vào sự chuyển đổi sang một tư thế chiến đấu linh hoạt hơn, xem nhẹ các căn cứ cố định và chú trọng vào các đơn vị phản ứng nhanh nhẹ nhàng hơn. Trong khi đó, việc Mỹ hiện đại hóa các lực lượng của mình có nghĩa rằng hỏa lực của Mỹ đã tăng lên ngay cả khi sự hiện diện của nước này ở Thái Bình Dương đã suy giảm. Ngoài ra, Mỹ đã nhấn mạnh vào việc triển khai các lực lượng tác chiến đặc biệt như một phần của các hoạt động chống khủng bố ở những nơi như Philippines, Thái Lan và Indonesia, trong khi đẩy mạnh triển khai nhiều lớp phòng thủ tên lửa đạn đạo ở khu vực. Tất cả những chính sách này đã đi trước chiến lược “xoay trục”.
Tuy nhiên, đường xu hướng kể từ những năm 1970 ngày càng trở nên rõ nét. Ngay cả khi năng lực được nâng cấp, các lực lượng Mỹ cũng đã từ từ dịch chuyển sang một tư thế ngoài đường chân trời ở châu Á, với việc các căn cứ quân sự ở Guam và Hawai ngày càng trở nên quan trọng trong khi những căn cứ ở Hàn Quốc và Nhật Bản thì âm thầm xuống cấp. Khi rút lui dần, Washington cũng gia tăng sức ép đối với các đồng minh, buộc họ phải chi trả nhiều hơn để hỗ trợ các lực lượng của Mỹ đồn trú tại các vùng lãnh thổ của các nước này, mua các hệ thống vũ khí đắt đỏ hơn của Mỹ và tăng cường quân đội của riêng họ. Như Mỹ từng tìm cách “Việt Nam hóa” và “Iraq hóa” các lực lượng quân sự ở các nước mà Mỹ đã rút quân khỏi, Mỹ đã thực hiện chiến lược “châu Á hóa” từ từ của riêng mình ở khu vực Thái Bình Dương.
“Sự xoay trục” không tồn tại
“Sự xoay trục” sang Thái Bình Dương đã được quảng cáo như là một đường hướng nhằm tạm ngưng chiều hướng chuyển dịch này và củng cố vị thế của Mỹ như là một bên tham gia ở châu Á. Tuy nhiên, cho đến giờ, chiến lược “tái cân bằng” được quảng cáo rùm beng này về cơ bản cũng chỉ là một trò cua cá, liên quan đến không phải việc tăng cường lực lượng đáng kể mà tới một sự chuyển dịch xung quanh các lực lượng của Mỹ ở châu Á. Trò chơi này đòi hỏi, trong số các yếu tố khác, một đội quân gồm 18.000 lính thủy đánh bộ ở căn cứ Futenma. Trong hơn 15 năm, Washington và Tokyo đã thất bại trong việc đi đến một thỏa thuận về việc đóng cửa căn cứ đã cũ nát này và xây dựng một căn cứ mới thay thế. Đại đa số người dân Okinawa vẫn bác bỏ bất kỳ một kế hoạch xây dựng căn cứ mới nào, một căn cứ sẽ gây tổn hại cho hệ sinh thái mỏng manh ở khu vực nàỵ. Ngoài ra, Okinawa là nơi đồn trú của hơn 70% căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản, và những cư dân trên hòn đảo này mệt mỏi vì những thiệt hại phụ thêm mà binh sỹ Mỹ gây ra cho các cộng đồng sở tại.
Dù sớm hay muộn, khoảng 5.000 lính thủy đánh bộ sẽ được chuyển đến một căn cứ mở rộng trên đảo Guam, một dự án xây đựng khổng lồ do Chỉnh phủ Nhật Bản cam kết hỗ trợ. 2.700 lính thủy đánh bộ khác dự kiến sẽ được bố trí đến Hawaii. Khoảng 2.500 binh sỹ sẽ luân phiên đóng quân tại căn cứ Không quân Hoàng gia Australia ở Darwin.
Khoảng 8.000 đến 10.000 lính thủy đánh bộ được cho rằng sẽ tiếp tục đồn trú tại Okinawa – hoặc ít ra, Washington và Tokyo muốn giữ nguyên lực lượng này tại đây. Nhưng điều này còn phải phụ thuộc vào vòng đàm phán mới đây nhất. Cuối tháng 12/2013, Thị trưởng Okinawa, ông Hirokazu Nakaima đã đột ngột thay đổi lập trường của mình phản đối xây dựng một căn cứ quân sự mới, một phần nhờ vào khoản tiền 300 tỷ yên một năm mà Tokyo hứa hẹn sẽ bơm vào nền kinh tế Okinawa trong 8 năm tới.
Thế nhưng thỏa thuận này còn lâu mới thực hiện được. Tại cuộc bầu cử hồi tháng Giêng ở thành phố Nago – đơn vị có thẩm quyền đối với Henoko, địa điểm căn cứ mới sẽ được xây dựng, Thị trưởng Susumu Inamine đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai sau khi cam kết giữ vững lập trường của mình phản đối chương trình xây dựng được đề xuất, số lượng cử tri đi bầu cao, cũng như biên độ thắng cử của Inamine – bất chấp một sự hứa hẹn từ đảng bảo thủ cầm quyền về việc cấp thêm cho Nago một khoản tiền trị giá 50 tỷ yên nếu người dân từ chối ủng hộ Thị trưởng đương nhiệm. Trong khi đó, các tổ chức dân sự vẫn tiếp tục nỗ lực nhằm buộc dự án này phải dừng hoạt động.
Ngoài việc bố trí lại lực lượng lính thủy đánh bộ ở khu vực Thái Bình Dương, “sự xoay trục” này còn bao gồm những gì? Cũng chẳng có gì nhiều. Bốn tàu chiến duyên hải mới đang được chuyển tới Singapore để tăng cường cho lực lượng tàu tuần duyên tại khu vực này. Trước hết, một biểu hiện mức độ nhỏ, chiếc tàu thực nghiệm đó, mà đã phải chịu những chi phí phát sinh lớn, là một phương tiện hư nát. Tàu đầu tiên tới Singapore đã phải quay lại cảng chỉ sau 8 giờ đông hồ hạ thủy, vấn đề mới đây nhất trong một loạt các vấn đề đã khiến Quốc hội Mỹ xúc tiến một cuộc điều tra về khả năng tồn tại của chương trình này.
Lầu Năm Góc đã nêu bật tầm quan trọng của một sự tái điều chỉnh đã được lên kế hoạch từ trước về việc cân bằng các hạm đội Mỹ trên toàn cầu. Hiện tại, tỷ lệ triển khai tàu chiến giữa khu vực Thái Bình Dương và các khu vực phi Thái Bình Dương là 50 – 50. Trong những năm sắp tới, tỷ lệ này có thể chuyển sang 60 – 40 nghiêng về phía khu vực Thái Bình Dương. Nhưng những tỷ lệ này không có ý nghĩa nhiều lắm nếu quy mô tổng thể của hạm đội Mỹ dịch chuyển xuống phía Nam. Hải quân Mỹ mới đây đã đệ trình một kế hoạch tăng cường quy mô hạm đội từ 285 tàu hiện nay lên 306 tàu trong vòng 30 năm tới. Thế nhưng kế hoạch này dựa trên khía cạnh lạc quan nhất của phân bổ ngân sách trong tương lai được tưởng tượng ra: cao hơn 1/3 so với lượng phân bổ mà quân chủng này đã nhận được trong những thập kỷ vừa qua. Một kịch bản có nhiều khả năng xảy ra hơn, trong thời đại của chính sách thắt lưng buộc bụng, đó là cắt giảm hạm đội tàu chiến xuống còn 250 tàu hoặc ít hơn khi số tàu chiến giải nhiệm nhiều hơn số tàu chiến được thêm vào hàng năm. Ở Không Lực, tình trạng này cũng chẳng khác là mấy, “sự xoay trục” cũng không đạt được mục tiêu, căn cứ vào những gì Mỹ đã triển khai ở khu vực này. Như ông Michael Auslin thuộc Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ đã điều trần trước Quốc hội hồi hè năm 2013 vừa qua: “Không quân Mỹ đã luân phiên triển khai các máy bay F-22, B-52 và B-2 tại khu vực Thái Bình Dương, chủ yếu ở đảo Guam và Okinawa, và giờ ngày càng ít máy bay chiến đấu hơn có thể được chuyển tới khu vực này một cách đều đặn.”
Đúng là, Washington đang thúc đẩy sản xuất loại máy bay chiến đấu F-35 thê hệ mới của mình – Nhật Bản đã hứa sẽ mua 28 máy bay loại này nhưng thật đáng thương cho nhũng đồng minh của Mỹ. Theo một báo cáo của Tổng thanh tra Lầu Năm Góc, đây là hệ thống vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử, loại máy bay này hiện gặp phải 719 vẩn đề kỹ thuật. Quả thực đó là quá nhiều vấn đề đối với một hệ thống vũ khí trị giá gần 200 triệu USD cho mỗi chiếc (ở một vài phiên bản khác là gần 300 triệu USD mỗi chiếc).
Phần lớn tương lai của Lầu Năm Góc ở châu Á tập trung vào “Không Hải chiến”, một kế hoạch chung hợp nhất giữa Lực lượng Hải-Không quân của Mỹ ra mắt vào năm 2010 với mục tiêu cụ thể là ngăn chặn các quốc gia thù địch tiếp cận hải phận và không phận của khu vực Thái Bình Dương. Lục quân, về cơ bản cảm thấy rằng mình đã bị gạt ra ngoài, cũng đã đề xuất sáng kiến “Các tuyến đường Thái Bình Dương” (Pacific Pathways) của riêng mình, với mục đích là chuyển đổi một lực lượng chủ yếu trên đất liền thành một lực lượng viễn chinh hàng hải có khả năng cạnh tranh trực tiếp với Lực lượng Lính thủy đánh bộ.
Tuy nhiên, các đồng minh của Washington tại Thái Bình Dương không nên quá trông đợi vào kế hoạch này. Chương trình này quả thực không nhiều hơn một nỗ lực ngăn chặn hao tổn binh lực trong Lục quân, dự kiến sẽ cắt giảm 10% quân số hiện có trong vài năm tới – cùng với những dấu hiệu về sự thu hẹp nhiều hơn trước mắt. Nhà khoa học chính trị Andrew Bacevich viết rằng: “Các tuyến đường Thái Bình Dương hình dung ra các yếu tố tương đối nhỏ loanh quanh vùng Viễn Đông để bất kể điều gì xảy ra, cho dù là hành động của Chúa hay hành động của kẻ ác, quân chủng này sẽ không bị lãng quên”.
Mặc dù “sự xoay trục” này có thể không mang nhiều ý nghĩa, có một điều chắc chắn đó là: kế hoạch này sẽ rất tốn kém, ngay cả khi các đồng minh đóng góp vào chăng nữa. Chẳng hạn, việc mở rộng căn cứ quân sự Guam hiện giờ ước tính khoảng 8,6 tỷ USD (hoặc nhiều hơn), với chỉ khoảng 3 tỷ USD do Nhật Bản đóng góp. Theo như Lầu Năm Góc ước tính, tổng chi phí cho việc tái bố trí lực lượng lính thủy đánh bộ có thể lên tới 12 tỷ USD. Và theo ước tính của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ, con số này chắc chắn vẫn còn quá thấp, chỉ riêng phí tổn di dời đến Guam cũng đã gấp đôi con số này. Do vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Thượng Viện – trên tinh thần nhất trí lưỡng đảng bất thường, đã chỉ trích chi phí tốn kém này.
Sự thật đơn giản là Lầu Năm Góc sẽ không còn có đủ của cải để mà vung vãi như trong thập kỷ vừa qua. Nếu chỉ riêng phí tổn di dời các lực lượng ở khu vực Thái Bình Dương cũng đã tốn kém như vậy thì khoản kinh phí cho các triển khai mới sẽ rất khó lòng được Quốc Hội thông qua. Và đó là chưa kể đến việc công chúng Nhật Bản, Hàn Quốc, và Australia sẽ chống đối các sắc thuế cần thiết khi họ phải bắt đầu thanh toán “phần đóng góp” của chính mình.
Tại sao là châu Á? Tại sao là lúc này?
Ngay cả nếu “sự xoay trục” sang khu vực Thái Bình Dương là nhiều hỏa mù hơn hỏa lực, Mỹ cũng khó có thể là một con hổ giấy ở châu Á. Cho đến giờ, Mỹ vẫn là bên tham gia quân sự hùng mạnh nhất ở khu vực này. Với các tàu sân bay, tàu khu trục, máy bay chiến đấu và tàu ngầm nguyên tử, tất cả đều có nghĩa rằng Mỹ có thể chứng tỏ sức mạnh của mình bất cứ khi nào cần thiết..
Nhưng nhận thức cũng đóng một vai trò quan trọng trong địa chính trị và hiện giờ Trung Quốc đang thắng thế trong trò chơi nhận thức. Bắc Kinh có của cải dồi dào và đã sử dụng đáng kể thặng dư ngoại tệ của mình để lôi kéo các quốc gia trong khu vực (ngay cả khi Trung Quốc làm giảm bớt một phần trong thiện chí đó với các tuyên bố lãnh thổ và hành động quân sự của nước này). Vào năm 2010, Trung Quốc đã hợp tác với các nước láng giềng Đông Nam Á của mình để thiết lập một khu vực thương mại tự do đủ lớn nhằm cạnh tranh với châu Âu và Bắc Mỹ một cách thuận lợi.
Mặc dù Trung Quốc sẽ không có khả năng triển khai sức mạnh của mình ngay cả là có thể so sánh được với Mỹ trong tương lai có thể thấy trước, chi tiêu quân sự 2 con số trong suốt thập kỷ qua đã giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với Nhật Bản và Hàn Quốc. Tình hình căng thẳng tại khu vực này đã gia tăng – xoay quanh các tranh chấp về các quần đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc, xung quanh vùng Biển Hoa Nam (Biển Đông) giàu tiềm năng dầu mỏ, và cả trong không phận sau khi Trung Quốc đơn phương thiết lập “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) của mình vào tháng 11/2013, bao trùm cả quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc vẫn là yếu tố duy nhất có thể biến “sự xoay trục” sang khu vực Thái Bình Dương trở thành hiện thực. Nhiều quốc gia đã từng có thái độ nước đôi với sự hiện diện quân sự của Mỹ – chẳng hạn như Việt Nam hay Philippines – giờ đây đang sẵn sàng trải thảm nghênh đón các lực lượng quân sự Mỹ. Nhật Bản hiện đang lấy cớ “mối nguy cơ Trung Quốc” để làm ngơ “hiến pháp hòa bình” và tăng cường hợp tác với Lầu Năm Góc. Và Mỹ cũng đang háo hức khớp nối các mối quan hệ song phương khác nhau của mình từ Ấn Độ đến Australia và Hàn Quốc – thành một tấm áo choàng để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ngay cả khi chẳng mấy thực chất, sự tái bố trí lực lượng ở Thái Bình Dương cho tới nay có tác dụng bởi các bên tham gia khác nhau nhận thấy rằng sự tái bố trí này là hữu ích để có thể tin tưởng. Đối với Trung Quốc, thực tế này đem lại một lý do căn bản thuận lợi để mua hoặc xây dựng các hệ thống vũ khí mới nhằm ngăn chặn Mỹ kiểm soát hoàn toàn không phận và hải phận. Đối với các đồng minh của Mỹ, “sự xoay trục” này đem lại một chính sách bảo hiểm mà nó đòi hỏi các nước này phải trả phí bảo hiểm dưới hình thức tăng cường quân đội của chính mình. Ở Mỹ, các thành phần diều hâu đang hoan hỉ với sự trở lại châu Á giống như Rambo, trong khi các thành phần bồ câu lại than phiền về chủ nghĩa quân phiệt cố hữu của chính sách mới. Lầu Năm Góc đang có thêm cơ hội lựa chọn căn cứ mới; các công ty sản xuất vũ khí có khả năng kiếm được các hợp đồng béo bở; các tập đoàn khác của Mỹ cũng nhìn thấy nhiều cơ hội tiếp cận lớn hơn vào các thị trường nước ngoài qua thông qua TPP.
Tuy nhiên, một thực tế quan trọng ở châu Á cũng cần được lưu ý khi xem xét việc Washington đang ngày càng tập trung vào khu vực Thái Bình Dương cũng như các lợi ích ở khu vực này: kể từ khi Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai kết thúc, Mỹ chưa bao giờ có thể áp đặt ý muốn của mình lên
khu vực này. Mỹ đã lâm vào thế bế tắc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên; đã thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam; cũng không thể ngăn ngừa Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Mỹ thậm chí cũng không thể ngăn cản việc hai đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc tranh cãi về quyền sở hữu các hải đảo nhỏ bé giữa hai quốc gia. Và quan hệ kinh tế của Mỹ với Trung Quốc – một sự cùng phụ thuộc dựa trên sản xuất thái quá và tiêu thụ thái quá – là một sự kiềm hãm đối với chủ nghĩa đơn phương của Mỹ trong khu vực.
Trong thời đại của chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng và hợp tác về mặt chính sách với Trung Quốc, “sự xoay trục” sang Thái Bình Dương chẳng khác gì một điệu nhảy phức tạp mà ở đó Mỹ lùi về phía sau trong khi đẩy những đồng minh của mình về phía trước. Đó có thể dường như là lối xử sự khôn vặt trong việc chia sẻ gánh nặng an ninh, nhưng sự tái bố trí lực lượng này vẫn tốn kém một cách ghê gớm… Và việc “châu Á hóa” Thái Bình Dương thông qua xuất khẩu vũ khí và các thỏa thuận thăm viếng chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc chạy đua vũ trang quan trọng nhất trên thế giới hiện nay.
Chiếc tàu sân bay ì ạch được biết đến như là nước Mỳ nên thực hiện một “sự xoay trục” đúng như cái tên của nó: một sự chuyển dịch từ chủ trương quân sự sang tinh thần ưa chuộng hòa bình. Thay vào đó, Mỹ chỉ làm xáo trộn mọi thứ và để lại đàng sau sự bất ổn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét