TTO - Tại phiên điều trần của Ủy ban Tài chính - ngân sách chiều nay (11-4), đại biểu Quốc hội cho rằng có tình trạng “phí chồng phí” trên một số tuyến đường, nhưng thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải lại không nghĩ như vậy.
Phiên điều trần có chủ đề việc thực hiện pháp luật thu, chi và quản lý các loại phí và lệ phí. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay người dân và doanh nghiệp đang bị đè nặng bởi tình trạng lạm thu các loại phí.
Phí giữ xe mỗi nơi một kiểu
Đơn cử việc thu phí trông giữ xe, ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Sỹ Cương nói: “Tôi hỏi những khoản ví dụ như trông giữ xe là giá dịch vụ hay phí? Trông giữ xe bây giờ từ cơ quan, đơn vị, trường học đều có thu, lòng lề đường cũng thu, vậy tiền đó có vào Nhà nước không, hay mỗi nơi tự thu rồi chia nhau?”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời: "Về phí trông giữ xe hiện nay đang là phí nhưng tới đây đề nghị sang thành giá. Hiện nay đang phân cấp HĐND cấp tỉnh quyết định mức giá. Nhưng có tình trạng như các đồng chí nói là tùy tiện mức giá, đẩy giá lên. Còn trách nhiệm kiểm tra, thanh tra là của UBND các cấp".
“Trong tình hình hiện nay, kinh tế khó khăn, đời sống khó khăn nên tôi cũng rất chia sẻ với bà con cử tri, bức xúc là đúng. Có nhiều khoản không phải là phí, lệ phí nhưng vẫn cứ thu” - ông Dũng nói thêm.
“Không có chuyện chồng phí”?
Nhiều đại biểu Quốc hội cùng quan tâm đến câu chuyện thu phí bảo trì đường bộ trong khi vẫn duy trì các trạm thu phí. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết qua một năm thực hiện thu phí bảo trì đường bộ theo hình thức trên đầu phương tiện, đến nay các trạm thu phí cho ngân sách nhà nước đã dừng thu mà chỉ còn các trạm BOT.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Đinh Văn Nhã chất vấn: “Quốc lộ 1A tới đây nếu hoàn thành, đi vào sử dụng sẽ có khoảng 20 trạm thu phí BOT trên toàn tuyến. Đây là con đường giao thông huyết mạch của đất nước, xin hỏi Bộ Giao thông vận tải tham mưu gì cho Chính phủ, tới đây có thu phí trên đầu phương tiện nữa không, bởi vì nếu thu lại xảy ra tình trạng phí chồng lên phí?”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển hỏi thêm: “Xe đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi nhưng vẫn phải đi qua những con đường có trạm thu phí BOT của doanh nghiệp, có những cung đường trạm thu phí rất dày. Thứ trưởng giải thích thế nào?”.
Thứ trưởng Trường trình bày: "Chúng ta đang thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư một số tuyến quốc lộ, trong đó có quốc lộ 1A. Nếu đầu tư từ ngân sách thì tuyến quốc lộ 1A cần khoảng 100.000 tỉ đồng. Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ cho phép đầu tư theo hình thức BOT, cứ 70km có một trạm thu phí, chúng tôi đã kêu gọi được 17 nhà đầu tư, tiết kiệm được khoản đầu tư từ ngân sách khoảng 50.000 tỉ đồng. Nếu đầu tư bằng ngân sách thì chúng ta vẫn phải lập trạm thu phí. Chúng tôi đã tính toán kỹ là một xe tải 20 tấn từ TP.HCM ra đến Hà Nội thì mức phí khoảng 1,5-1,7 triệu đồng thì có thể chấp nhận được.
“Vậy có phí chồng phí không? Nghị định 18 quy định rất rõ rằng quỹ bảo trì đường bộ để bảo trì các đoạn đường không phải BOT, còn các đoạn đường BOT thì nhà đầu tư phải tự bỏ tiền ra để duy tu, sửa chữa. Như vậy là không chồng phí” - ông Trường giải thích.
LÊ KIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét