Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

TRAO ĐỔI VỚI ÔNG NGUYỄN NHÃ – KHÔNG ÔM LẤY QUÁ KHỨ NHƯNG ĐỪNG XUYÊN TẠC LỊCH SỬ

Sắp đến ngày 30/4 ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước nên có vẻ như tần suất xuất hiện của các bài viết liên quan sự kiện này cũng ngày càng nhiều. Bên cạnh phần lớn bài viết khách quan, phản ánh chính xác về sự kiện này, về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam thì cũng có một số bài viết cố tình xuyên tạc lịch sử, đưa ra một cách nhìn nhận, phán xét hoàn toàn sai lệch về vấn đề này. Nhân đọc được bài viết “Bỏ qua đau thương xây dựng đất nước” của ông Nguyễn Nhã trên trang mạng của đài BBC, tôi thấy cần phải trao đổi với ông mấy lời.

Trước hết tôi nhất trí với ông rằng không nên ôm mãi lấy quá khứ mà phải biết khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, cùng chung tay góp sức, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả những người Việt trong nước và cả những người Việt Nam ở hải ngoại, những người đã từng một thời là ngụy quân, ngụy quyền của chế độ cũ. Chiến tranh đã lùi xa 39 năm, không ai muốn chiến tranh, không ai muốn sống mãi với quá khứ mà phải biết chung tay xây dựng đất nước, hướng tới tương lai tươi đẹp, xây dựng nước Việt Nam hùng cường.

Tuy nhiên tôi lại không đồng tình với cách đặt vấn đề của ông Nguyễn Nhã khi mở đầu bài viết ông cho rằng: “Bên Thắng Cuộc, lúc đầu khi giương ngọn cờ Dân tộc và Cách mạng xã hội chủ nghĩa cho là đó Ngày Giải phóng Sài Gòn, Ngày Giải phóng miền Nam, Ngày hòa bình lập lại và Thống nhất đất nước và cả nước bước sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bên Thua Cuộc cho là Ngày 'mất nước', ngày 'quốc hận', ngày 'mất tự do'” Như vậy ông Nguyễn Nhã cũng như ông Huy Đức và một số người khác vẫn cho rằng có bên thắng cuộc và bên thua cuộc và hai bên này đều là người Việt Nam (theo như cách đặt vấn đề của ông Nhã)

Với cách đặt vấn đề này khiến người ta dễ lầm tưởng bên thắng cuộc là miền Bắc và bên thua cuộc là miền Nam và đây là cuộc chiến bắc-nam, “huynh đệ tương tàn”. Tuy nhiên cần khẳng định lại rằng thực chất cuộc chiến từ năm 1954 tới 1975 là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn thể nhân dân Việt Nam. Đây là cuộc chiến đấu đầy quả cảm của toàn dân tộc Việt Nam chống lại một cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ bảo vệ độc lập chủ quyền. Điều này đã được minh chứng qua một loạt các số liệu về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Năm đời tổng thống Mỹ, từ D. D. Eisenhower, John K. Kennedy đến Lyndon Johnson, Richard Nixon rồi Gerald Ford đã nối chân nhau điều hành bốn chiến lược chiến tranh thực dân mới ở chiến trường VN, từ chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt đến chiến tranh cục bộ, (và chiến tranh phá hoại miền Bắc VN lần thứ nhất) rồi VN hóa chiến tranh (và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai). Bên cạnh đó là những “bộ óc nước Mỹ” luôn luôn sát cánh cùng những người đứng đầu Nhà nước Mỹ để “bày binh, bố trận” như Henry Kissinger, người được xem là “cây đại vĩ cầm về địa-chính trị” của Mỹ, Z. Bigniew Brzezinski, một chiến lược gia chống cộng nổi tiếng thế giới...

Có đến 77% lục quân, 66% thủy quân lục chiến và không quân, 40% hải quân, 6,5 triệu lượt binh sĩ, 22.000 xí nghiệp của nước Mỹ đã được huy động để phục vụ chiến tranh Việt Nam. Chừng như chưa đủ, Mỹ còn lôi kéo năm nước đông minh bao gồm Úc, New Zealand (châu Đại Dương), Hàn Quốc (Đông Bắc Á) và Thái Lan, Philippines (Đông Nam Á) với số quân lúc cao nhất hơn 70.000 cùng tham chiến với 550.000 quân viễn chinh Mỹ, làm nòng cốt cho hơn 1 triệu quân ngụy Sài Gòn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Mỹ đã chi trực tiếp cho cuộc chiến tranh VN tới 676 tỉ USD, so với 341 tỉ USD trong Chiến tranh thế giới thứ hai và 54 tỉ trong chiến tranh Triều Tiên, và nếu tính cả chi phí gián tiếp thì lên tới 920 tỉ USD (VN, con số và sự kiện (1945-1989), 1990-Sức mạnh VN, 1976). Những chi phí khổng lồ này tính theo thời giá hiện nay đủ sức vực cả các nước thế giới thứ ba vượt qua đói nghèo, lạc hậu để rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước thuộc “câu lạc bộ nhà giàu” như các nhóm G7, OECD... (!).

Qua các số liệu trên có thể khẳng định đây là cuộc chiến tranh qui mô nhất trong lịch sử 200 năm của nước Mỹ chống Việt Nam. Đương nhiên bên cạnh việc trực tiếp xâm lược thì Mỹ cũng dựng nên chính quyền Việt Nam cộng hòa tay sai để phục vụ cho mưu đồ xâm lược của mình.

Như vậy không thể nói rằng đây là cuộc “nội chiến” của người Việt mà đây chính là cuộc kháng chiến của toàn dân tộc Việt Nam chống lại sự xâm lược của Mỹ. Do đó nếu có bên thắng cuộc và bên thua cuộc ở đây thì cần phải nói rằng Việt Nam là bên thắng cuộc và Mỹ là bên thua cuộc chứ không phải như cách đặt vấn đề của ông Nguyễn Nhã.

Chúng ta không ôm lấy quá khứ nhưng cũng không được phép xuyên tạc lịch sử, cần tôn trọng sự thật lịch sử.

Nguồn: Viễn/Việt Nam Cộng Hòa

1 nhận xét:

  1. Ngày chiến tranh tôi còn qúa nhỏ , nhưng thiết nghĩ chiến tranh đồng nghĩ với đổ máu , chết chóc ..v...v.. .Một cái đã sai công thêm một cái sai thành hai cái sai ....

    Trả lờiXóa